ĐOẠN KẾT
- Bà West, tôi muốn nói chuyện riêng với bà!
Eleonora để tập hồ sơ trên bàn, ngó trung úy Lewis. Ông đang ngồi tại bàn giấy, chân tréo mảy, ưỡn ngực dựa lưng ghế, hút thuốc.
Trung úy Lewis là trưởng phòng Phòng tuyển mộ ngoại kiều đến tình nguyện xin vô quân đội Mỹ, Eleonora là nhân viên và là thong dịch viên tại phòng nầy. Nàng làm việc từ sáu tháng nay, dưới quyền trung úy Lewis.
Nora ngó đôi vớ cuốn kèn quanh ống quyển trung úy, rồi nghĩ thầm:”tại sao hắn không mang giày kẹp vớ? và tại sao hắn ngồi ghế như ngồi ngựa vậy? giống bọn thủ thủ ở bến tàu. Vậy mà hắn cũng là con nhà có giáo dục, cũng xuất than từ đại học, dầu hắn có tự do quá mức đi nữa hắn cũng không được phép ở phòng văn, đưa cặp giò trước một người đàn bà như thế này!”
Nàng thấy như bị tát tai khi trung úy bắt tay nàng mà miệng còn ngậm điếu thuốc, hoặc mỗi lần quăng một hồ sơ lên bàn cho nàng, như ném miếng xương cho một con chó.
Trung úy Lewis không bao giờ nghĩ Nora nghĩ gì tới mình, trái lại còn tưởng nàng phục mình lắm. Nhưng đôi mắt nhìn của ông vẫn còn ngượng ngịu.
Nora đáp:
- Tôi xin nghe ông!
- Bà West có bằng lòng làm vợ tôi không?
Trung úy ngồi bật ngửa, xích đong đưa trên ghế, chiếc ghế chỉ còn lại hai chân. Nora trả lời:
- Tôi không ưng làm vợ ông!
- Vậy bà có dự tính nào khác sao?
- Không có, nhưng câu trả lời của tôi là: không bằng lòng.
Nora dở tập hồ sơ ra song không làm việc được, mắt ngó giấy tờ mà trí ở đâu đâu.
Nàng ở tù trong hai năm, rồi vô cớ được thả ra, cũng vô căn có, như lúc bị bắt
Khi ra tù nàng hết tiền bạc, chẳng còn áo dài, nữ trang nào, đến nhẫn cưới cũng không, tất cả đều bị khám xét lấy hết. Tiền gửi các ngân hang nước ngoài cũng bị tịch thu. Nàng nghèo xơ xác, nàng được cho hay, Traian chết, tự tử, chỉ có thế. Nàng tuyệt nhiên không biết gì khác hơn, nàng không thể trở về Nga, cũng không đi đâu xa hơn được, vẫn còn ở Đức. Nàng làm việc cho một tờ báo, giữ phần biên dịch bào vở. Rồi có lịnh bắt giam tất cả kiều dân ở Đông bán cầu, chiến tranh tuyên cáo, nàng đương nhiên bị bắt giam lại. Nhưng không phải như trước, hiện giờ nàng làm tại văn phòng tuyển mộ dân ngoại quốc tình nguyện nhập ngũ. Nàng ở trong trại giam, có tiền lương và được nuôi ăn. Ngoài ra lúc rảnh nàng tiếp tục viết tiểu thuyết Giờ thứ hai mươi lăm của Traian chưa hoàn thành. Nàng có tìm giữ được trong vali bốn chương đầu, mà nàng cho là phần chính của quyển sách. Nàng không nghĩ gì tới tương lai, chỉ cốt viết cho xong truyện. Đúng ra đây không phải một kế hoạch tương lai. Nàng để hết tâm trí vào việc mà nàng ưa thích. Nàng rang viết theo giọng văn của chồng và rang hoàn thành cuốn tiểu thuyết như chính Traian làm công việc này.
Như thế, tại mỗi trang nàng viết, nàng có cảm giác lúc nào cũng gần Traian, cũng ở kế bên chàng, và nàng có cảm tưởng như hai người cùng viết chung. Lúc trước Traian có phác họa kĩ càng đại ý cuốn tiểu thuyết, nàng cố gắng theo đúng y hệt ý tưởng của chàng.
Trung úy Lewis suy nghĩ một chặp rồi nói:
- Được, nhưng tôi có thể biết tại sao bà không bằng lòng không?
- Nếu ông tha thiết lắm thì tôi xin trả lời, tại chênh lệch tuổi tác.
Trung úy thật tình cười lớn và nói:
- Thật vô nghĩa, tôi lớn hơn bà có một năm, tôi đã xem giấy tờ của bà. Có chênh lệch gì đâu nào, trái lại là khác, bà khéo vẽ chuyện!
- Ông lầm rồi!
- Bà nói chơi sao? Bà mấy tuổi?
- Nói chuyện khác đi ông!
- Không, bà phải nói tuổi thật của bà trước đi.
- Không ai lại hỏi tuổi người đàn bà bao giờ, nhất là gặn đi gặn lại như vậy! Song tôi có thể nói cho ông nghe. Tôi được chin trăm sáu mươi chin tuổi. Và ông nên nhớ về tuổi tác, đàn bà thường nói ít hơn số tuổi thực sự của họ. Đúng ra, tui còn già hơn nữa.
Trung úy cười ngất rồi nói:
- Phải đấy, thưa bà Bành tổ.
Nhưng Nora không cười, trung úy tưởng nàng sắp ưng thuận, song nàng quả quyết lặp lại tiếng không, nàng nói:
- Ông Lewis đừng giận, tôi không thể nào ở chung với một người như ông trong hai bốn giờ.
- Tôi đã nói vì chênh lệch tuổi tác. Ông là một thanh niên hiền hậu, dễ thương và ích kỉ, nói tóm lại, như tất cả thanh niên Mỹ. Còn tôi là người đàn bà của một thế giới khác.
- Tôi không hiểu.
- Tôi biết ông không hiểu nên mới không giải thích. Tôi có với tôi cả ngàn năm kinh nghiệm của giống nòi, đã hi sinh, đau khổ, một ngàn năm đã đạo luyện cho tôi trở thành như ngày nay, còn ông ông chỉ có cái hiện tại và tương lai, và có lẽ tương lai. Tôi thêm tiếng có lẽ không phải vì tôi nghi ngờ, nhưng vì chưa ai chắc chắn nơi tương lai được.
- Thật là ngụy biện
- Thì ông nghe tôi đây, ông Lewis. Sau khi nghe được lời tỏ tình văn hoa của Petrarque, Goethe, Lorord Byron, Pouchkine, sau khi nghe tiếng nói yêu thương của Traian, sau khi nghe lời ca ngợi tình ái của những chàng thi sĩ thời xưa của nước Pháp, và thấy họ quỳ gối dưới chân tôi, như với một bà hoàng, sau khi thấy vua chúa, chàng hiệp sĩ chết vì tôi, sau khi nói chuyện tình ái với Valery, Rilke, D’Annunzio, Eliot, làm sao tôi có thể coi nghiêm trang được chuyện ông xin cưới tôi, mà ông thốt ra như tạt vào mặt tôi, cùng một lúc với làn khói thuốc nơi miệng ông?
- Vậy một người muốn cưới bà thì phải là Goethe, lord Byron hoặc Petrarque sao?
- Không phải vậy, cũng không phải đợi là Rilke hoặc Pouchkine mới hỏi cưới một người đàn bà. Song muốn kết hôn với một người nào, điều nhất thiết là phải yêu họ.
- Mà chúng ta đã hoàn toàn đồng ý về điều này rồi, ai nói là tôi không yêu bà?
Nora mỉm cười nói:
- Yêu thương là một tình say mê, ông có nghe tôi nói đến, hay ít nhất đọc ở đâu rồi chăng?
- Phải, tôi hoàn toàn đồng ý, yêu đương là một tình say mê.
- Nhưng ông tuyệt nhiên chẳng thấy say mê, và không phải một mình ông, không một người nào của xã hội văn minh có được một mối tình say mê cả. Ái tình là mối tình cao quý nhất, chỉ có đươc trong xã hội mà mỗi người đều được kính trọng, mỗi cá nhân được xem là độc nhất và không thể thay thế. Xã hội của ông lại cho con người có thể thay thế dễ dàng. Ông không cho mỗi cá nhân, mỗi người đàn bà mà ông yêu là một con người duy nhất do tạo hóa tạo ra đâu. Ở xã hội các ông, mỗi người chỉ được phân ra từng loại hạng. Dưới mắt ông, người đàn bà nay hay người đàn bà khác đều như nhau cả.
- “Với quan niệm đó, ông không thật tình yêu thương được. Những tình nhân của xã hội chúng tôi biết rằng nếu họ không chiếm được trái tim người đàn bà họ yêu quý, thì họ không thể yêu người khác được. Vì thế, lắm khi họ tự tử vì người yêu. Tình yêu của họ bị từ chối thì không thể thay thế được bằng tình yêu của người khác. Ngươi đàn ông nào yêu tôi thật tình phải cho tôi cảm giác tôi là người duy nhất đem được hạnh phúc cho họ. Chỉ một mình tôi thôi, họ phải chứng tỏ tôi là người độc nhứt, không còn người thứ hai trên mặt đất này và tôi phải được xác nhận chuyện ấy. Người đàn ông nào không làm cho tôi có cảm tưởng tôi là duy nhứt, không thể thay thế được là chưa thật yêu tôi. Và người đàn bà nào chưa được sự xác nhận của người mình yêu thì chưa phải là yêu thực sự. Và nếu tôi không được người đàn ông thực sự yêu tôi thì tôi không kết hôn với người đó. Ông có chứng tỏ được như thế không, ông Lewis? Ông có tin chắc đối với ông tôi là người đàn bà duy nhứt mà không người đàn bà nào thay thế được chăng? Không, ông tin chắc nếu tôi từ chối ông sẽ kiếm người khác làm vợ ông, mà nếu người ấy từ chối nữa thì ông sẽ tìm người thứ ba, phải vậy không?
- Phải, nhưng tôi sẽ tiếc bà đã từ chối tôi, bà nên tin lời nói danh dự của tôi. Tôi vẫn tiếc mãi.
- Thôi! Tốt hơn là ta nên làm việc đi ông.
Nàng mở hồ sơ ra và nói:
- Trong trại giam ai cũng xin đăng tên, luôn cả con nít, đàn bà và ông già nữa, họ đều xin tình nguyện, họ muốn chiến đấu bên cạnh ta.
Nàng mỉm cười, nàng nhơ đến hàng ngàn công nhân ngoại quốc ở Tây âu. Tất cả đều xa lánh sự tàn bạo của quân Nga, chạy trốn bên phía Mỹ, Anh hoặc Pháp. Họ cũng không nghĩ chạy theo hướng nào họ chỉ biết chạy trốn quân Nga, trốn sự tàn bạo dã ma, tránh khủng bố hoặc giết chóc. Họ nhắm hướng nào không có quân Nga nữa và họ nhắm mắt chạy theo hướng ấy. Họ chỉ biết không được quay gót trở lại, bởi sau lưng là đêm tối, là đẫm máu. Sau lưng họ, là khủng bố, chém giết. Họ ôm chằm lấy vùng đất này, nơi không còn quân Nga nữa. Họ quỳ gối ôm chằm vùng đất đã bao dung họ và gọi đó là lãnh thổ của hứa hẹn, của hi vọng, họ ôm chằm lấy nó, không cần biết là nơi nào, cũng không cần biết nó sẽ ra sao?
Hễ là đất không có quân Nga là được, không kể dân nước nào ở hoặc chiếm đóng.
Họ không còn muốn thấy người Nga nữa.
Người Mỹ bắt giam họ nhưng họ không oán hận, vẫn yên lòng ở vùng đầy hứa hẹn bởi họ chẳng đòi hỏi gì hơn là tránh khỏi móng vuốt của quân Nga. Và khi đã thoát được, kiếp sống họ có ra sao nữa họ cũng không cần. Vì thế họ không giận khi quân Mỹ bắt họ, dầu quân Mỹ có giết họ, họ cũng không phản kháng. Và bây giờ trận giặc thứ ba vừa mới khai hấn. Dân tị nạn đã mệt mỏi, đói khát và bị giam cầm.
Họ muốn lương thực, được nghỉ ngơi, có công ăn việc làm và được tự do. Họ không phản đối chẳng được mấy nhu cầu kể trên, vì họ được xa lánh quân Nga là điều cần thiết nhất cho họ rồi.
Người Mỹ hứa trả tự do cho những ai tự nguyện nhập ngũ vào đạo binh Tây phương, nên tất cả đàn ông đều tình nguyện, chẳng phải để đánh giặc, mà để khỏi bị nhốt, khỏ bị chết đói.
Trung úy Lewis nói:
- Họ hoan hôn nhiệt liệt! chính nghĩa của trận giặc Tây âu chống dã man Đông âu được cả thế giới này chấp nhận. Ai ai cũng nhận định giờ quyết liệt đã đến với họ, hoặc chết hoặc thắng trận. Chiến tranh này sẽ đánh dấu cho kỉ nguyên mới trận giặc duy nhứt của lịch sử! Tây âu văn minh chống Đông âu dã man. Thật là thế giới chiến tranh, trận thế giới chiến tranh đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Trung úy xoa tay nói:
- Thật là hạnh phúc và danh dự được tham gia trận giặc nầy. Phần thắng chắc về ta rồi, cả thế giới được văn minh hóa. Chẳng còn chiến tranh nữa; từ rày về sau, chỉ còn thịnh vượng, tiến bộ và tiện nghi an lạc thôi.
Nora mỉm cười, trun úy hỏi:
- Hình như bà không hoan nghinh? tôi thấy bà không hăng hái tán thành chính nghĩa của Tây phương. Bà có cảm tình với cộng sản sao? Bà là người duy nhứt còn dè dặt, người duy nhứt không hoan nghinh.
- Không ai hoan nghinh cả, chỉ có ông thấy họ hoan nghinh thôi!
- Mấy người tình nguyện kia không phải là hoàn toàn chống cộng sao?
- Phải, chống cộng, nhưng chỉ có bấy nhiêu thôi, nghĩa là họ muốn có tự do, muốn không còn cảm thấy không khí khủng bố, không còn muốn bị tra khảo, tù đày, đói rét, tàn sát nữa. Nhưng họ không phải vì chính trị, học chỉ lẫn trốn cảnh giết chóc, khủng bố và nô lệ thôi.
- Bà còn muốn gì nữa, như thế họ hoàn toàn hoan nghinh chính nghĩa của Tây phương rồi; nên họ mới tình nguyện đăng tên, cùng chúng ta chiến đấu để đem lại tự do, yên ổn, sự che chở và nền dân chủ.
- Ông đừng say sưa với những danh từ, ông Lewis à! Chiến tranh mà ông cho là trận giặc thế giới thứ ba này không phải là trận giặc Tây âu chống với Đông âu. Và thật ra không phải là trận giặc, dẫu rằng trận tuyến trải ra khắp thế giới, từ Tây sang Đông. Trận giặc này chỉ là một cuộc cách mạng trong nội bộ xã hội kĩ thuật Tây phương mà thôi; một cuộc cách mạng riêng cho Tây phương.
- Nhưng chúng ta chống Đông âu, chống cả cùng châu Âu miền Đông.
- Ông nói sai rồi! Tây phương các ông chỉ xung đột với một ngành trong nền văn minh các ông thôi.
- Chúng tôi chiến tranh với nước Nga.
- Nước Nga, sau cuộc cách mạng cộng sản đã trở thành một ngành tiên tiến nhứt của nền văn minh kĩ thuật Tây phương. Nước Nga mượn tất cả lí thuyết của Tây phương và chỉ đem thực hành mà thôi. Nước Nga đã tiết giàm con người xuống con số không, như đã học của Tây phương. Nó đã biến xã hội thành một bộ máy khổng lồ như đã học của Tây phương. Chỉ có nước Nga mới bắt chước Tây phương được, như một giống dân dã man mọi rợ có thể làm. Trong xã hội cộng sản những chuyện hoàn toàn do quân Nga đem tới là sự cuồng tín và dã man, và chỉ có thế thôi. Ở Nga sô trừ đặc tính khát máu và cuồng tín ra tất cả đều do Tây phương hết. Và các ông chỉ chống lại phương diện ấy của nền văn minh Tây phương, chống ngành cộng sản của xã hội kĩ thuật mà thôi. Và vì thế trận chiến tranh thế giới thứ ba này chỉ có thể là một cuộc cách mạng nội bộ, nó dã bùng nổ và tiếp tục diễn tiến trong xã hội kĩ thuật Tây phương. Nhóm Đại tây dương và Âu châu trong xã hội kĩ thuật Tây phương chống với nhóm cộng sản Tây phương. Đây là một cuộc chiến nội bộ phe phái, hai giai cấp trong một xã hội, hoặc nếu ông muốn một cuộc cách mạng giai cấp, y như cuộc cách mạng giai cấp trung sản năm 1848. Đông phương không dự vào cuộc cách mạng nội bộ Tây phương. Trừ xã hội Tây phương, không ai dự vào cuộc cách mạng nội bộ này cả. Ông Lewis à, một khi cuộc cách mạng ấy hoàn toan Tây phương thì nó không phục vụ con người. Vì xã hội Tây phương không có con người.
- Tôi không hiểu.
- “Dễ hiểu lắm, quyền lợi của xã hội Tây phương không phải là của con người , mà là ngược lại. Trong xã hội kĩ thuật Tây phương, con người sống như mấy giáo đồ đầu tiên thuở xưa trong hầm mộ, trong khám đường, ngục tối, ngoài lề xã hội. Họ trốn tránh lẫn lút, không được phép ra giữa công chúng. Họ không được phép giữ chức vụ hành chánh ở bất kì đâu, nhứt là trong văn phòng vì xã hội văn minh các ông đã thay thế bàn thờ bằng văn phòng.
- “Người mà còn thật là người thì phải trốn tránh, kẻo không sẽ bị bắt buộc phải hành động theo luật lệ kĩ thuật, theo luật lệ của máy móc.
- “Con người bị giảm còn một khuôn khổ xã hội và bị biến thành công dân, nghĩa là không còn là con người nữa
- “Xã hội kĩ thuật không biết đến con người, mà chỉ biết đến họ trong hình thức công dân mà thôi.
- “Và một khi không biết tới họ thì làm sao có cuộc cách mạng vị họ được.
- “Vì tính cách đặc biệt Tây phương, nên cuộc cách mạng hiện tại xa hẳn với quền lợi con người về phương diện cá nhân
- “Con người từ lâu đã trở thành một thiểu số vô sản trong xã hội văn minh các ông, cho nên dầu phe nào thắng trận đi nữa, thì con người vẫn là phần tử vô sản trong khung cảnh xã hội.
- “Trận giặc hiện tại là cuộc xung đột giữa hai hạng người máy, kéo theo sau chúng những nô lệ sinh hoạt, những người nô lệ sống bằng xương bằng thịt.
- “Con người ngày nay không thể kể như có tham gia vào chiến tranh đang xảy ra, cũng giống như người nô lệ chèo các chiến thuền La Mã thời xưa, ta không thể kể họ đã tham gia vào chiến tranh đế quốc La Mã được. Họ chỉ làm công việc mang xiềng xích của trận giặc, mà mắc bị xiềng thì làm sao đánh được.
- Tù nhân ở trại này đến đăng tình nguyện không phải tự ý họ sao? Bà quả quyết liều lĩnh quá, tôi không phải hăm dọa bà nhưng tôi kịch liệt phả đối bà. Mỗi người tình nguyện tới đây đều do họ muốn cả. Bà có dám chắc chúng tôi ép buộc một ai làm chuyện đó không. Bà đã chứng kiến cảnh thất vọng của những kẻ chúng tôi buôc phải từ chối, họ hăm dọa sẽ tự tử nếu không được đăng tên. Vây không phải tự ý họ sao? Không phải họ hoan nghinh à. Họ còn cuồng tín hơn chúng tôi nữa. Họ coi như bị hình phạt nặng nề, khi chúng tôi từ chối thâu đơn họ. Có phải vậy không bà West.
- Họ không còn lối thoát nạn nào nữa, họ bị nhốt trong xà lim khám đường, tứ bề lửa cháy và chỉ còn một cửa ra được. Cửa ấy là những đơn trạng mà ta tiếp hàng ngày tại phòng này. Mỗi lá đơn là một tiếng kê vang tuyệt vọng để được ra ngõ còn lại của họ. Tất cả đều gởi đơn, không phải chỉ dân Đông âu tị nạn, mà cả châu Âu.
- Không đúng, đơn ấy đâu phải lối duy nhứt thoát ra khỏi biển lửa, họ có thể qua bên Nga, tại sao họ không chịu đi mà lại đến ở với chúng tôi?
- Không, chỉ đường cho họ qua Nga nghĩa là biểu họ nhào vô vách tường cháy đỏ, họ chỉ có thể nhảy vào ngọn lửa và vào cõi chết mà thôi, và không một người nào muốn nhảy vào đống lửa, khi còn thấy cửa ra. Cửa đó, là chúng ta, họ xin chạy thoát nhưng không tìm xem cửa ấy dẫn tới đâu, họ không quan tâm tới, họ phải chạy vì ngộp thở. Thà chạy ra cửa còn hơn ở trên vách lửa cháy. Mà dầu biết qua khỏi ngưỡng cửa gặp lửa nữa, họ vẫn chạy ra, ít nhất cũng tránh bị cháy được một chút. Họ cố giữ hi vọng, một ảo vọng, như thế hơn không. Một ảo vọng, tuy vô lý cũng quan trọng lắm chớ.
- Bà xem tất cả ở khía cach bi đát, các người tình nguyện có nghĩ như bà đâu? Đơn được chấp nhận là họ mừng, họ liều thân chiến đấu cho chính nghĩa của chúng ta mà cũng là của họ nữa. Họ sẽ là những quân nhân ưu tú nhất của chúng ta đó. Bà mở cửa ra và xem họ tranh nhau trước văn phòng thì biết.
Có cả trăm, cả ngàn người xin tình nguyện. Tất cả đều hăng hái chiến đấu vì đại nghĩa của nền văn minh. Tất cả đều muốn xả thân cho cuộc đại thắng ngày mai.
- Không, họ tin tưởng nơi trận giặc này. Có thể họ không nghĩ như tôi, họ đau khổ quá nhiều. Họ không muốn nghĩ ngợi thêm, song họ cũng cảm thông, cũng đau đớn, cũng thất vọng như tôi.
- Thoi để cho thực tế trả lời bà West ạ. Tôi sẽ cho bà thấy cách họ hân hoan đăng đơn xin tình nguyện. Tôi sẽ lấy ví dụ, lựa đại trong đám đông nầy.
Trung úy đứng dậy, mở cửa, chỉ đám đông đang chờ chực phía trước, nói với Nora.
- Bà xem, hôm nay có 500 người chờ đợi, thử kêu người đứng đầu xem.
Trung úy cho người đứng đầu vô phòng văn. Người đàn ông không đi một mình mà có cả vợ và ba con, y đứng tuổi, tóc đen, hơi hoa râm hai bên màng tang, má hỏn, cặp mắt to và đen, nhưng buồn và đẹp.
Nora ngó cặp mắt người nầy, rồi nói thầm: “Nỗi buồn nơi tâm hồn cao cả của y”
Người đàn ông đứng trước mặt nàng là một người thợ nhưng đôi mắt lộ vẻ thông minh, có tinh thần.
Thứ tinh thần của một tâm hồn cao cả, nỗi buồn không phải riêng về thân xác, mà nhứt là về tinh thần.
Thiếu phụ đứng bên, mặc áo dài xanh, hơi rộng, tóc hung hung vàng đã điểm sương. Nàng còn đẹp lắm, đẹp chẳng những ở vóc điều mà còn vẻ anh hoa rực rỡ khắp làng da.
Nora muốn cười với nàng, như một người chị em song nàng cúi mặt xuống. Xem nàng buồn và sợ sệt
Đứa con trai lớn có đôi mắt đen, giống mắt cha nó, nhưng không buồn mà láo liên, táo bạo nhìn Nora
Đứa kia ngó xuống, lơ đãng như suy nghĩ chuyện gì, nó trắng hồng.
Đứa nhỏ hết, độ bốn tuổi, tóc quăn mắt xanh, Nora không biết nó là con trai hay gái nhưng nó đẹp như một thiên thần
Trung úy nói với Nora.
- Đây là một gia đình muốn tình nguyện. Bà hỏi họ coi có nghĩ như bà hay không? Bà sẽ thấy không phải vì tuyệt vọng mà họ tới đâu, họ đến vì khao khát tự do và công bình, họ xin nhập ngũ vì muốn chiến đấu cho hòa bình và văn minh, họ ý thức lắm. Cứ hỏi họ những gì bà muốn biết, rôi bà xem.
- Không cần thiết, tôi không tìm thấy họ cảm nghĩ gì trong tâm khảm. Nỗi khổ tâm cả tôi cũng đủ rồi, xin đừng bắt tôi phải gợi chuyện đau lòng của kẻ khác. Ông cứ hỏi han họ như thường lệ, tôi không chú tâm đến
- Tôi yêu cầu bà hỏi những gì bà muốn hỏi, chắc chắn bà sẽ đổi ý kiến
- Cũng được
Câu chót của trung úy như một lình truyền, Nora ngó người đàn ông cầm nón đứng trước cửa. Cặp mắt anh ngó lên, nàng hỏi:
- Anh tên gì?
- Iohann Moritz. Tôi xin tình nguyện với tất cả gia đình tôi. Xin bà chấp nhận cho. Tôi cầu xin chuẩn miễn vì tuổi tôi đã quá hạn như trong bảng quy định. Nhưng tôi thấy tôi còn khỏe mạnh, mấy đứa con tôi còn khỏe quá chưa đủ tuổi nhập ngũ nhưng chúng ngay thật và siêng năng. Chúng tôi chống cộng như quy định trogn bảng yết thị. Chúng tôi tin tưởng vào sự chiến thắng của nền văn minh như yết thị đã rao, song chúng tôi không đủ tuổi như quy định trong yết thị. Vì vậy chúng tôi xin bà cho chúng toi được chuẩn miễn. Vì bà không thâu nhận chúng tôi, chúng tôi sẽ chết mất. Chúng tôi không thể chịu đựng được nữa
Thằng con trai lớn, có cặp mắt đen, nắm cùi chõ ba nó ra hiệu, nó muốn nhắc ba nó nói nhiều quá.
Moritz làm thinh, đỏ mặt, anh tự hối, phải chi đừng nói câu sau cùng.
Anh đã vụng về, có thể vì lẽ đó mà người ta không thâu nhận anh, anh tiếp:
- Chúng tôi thiết tha cầu khẩn bà cho chúng tôi được ghi tên. Chúng tôi làm lụng siêng năng và tính tình ngay thẳng lắm!
Thằng Petre dặn anh nói nhiều chuyện khác nữa nhưng anh không muốn. Anh không có lòng nào nói được là anh tin tưởng nơi Tây phương, nói văn minh và chi chi nữa. Anh không thể nói mấy chuyện ấy, miệng anh không thốt nên lời. Lúc ra về thế nào anh cũng bị thằng Petre giận hờn, nặng nhẹ với anh. Anh đưa cặp mắt van lơn ngó thiếu phụ, tóc hung hung đỏ, ngồi ở bàn viết, và thấy nàng cũng ngó anh
Cả phòng im lặng
Thiếu phụ có đô mắt long lang, cái nhìn ấm áp, hiền hậu
Vợ và con Moritz cũng đưa mắt ngó nàng, chờ đợi, nhưng nàng vẫn ngồi im, nhìn họ
Trung úy Lewis ra khỏi phòng. Thiếu phụ lặng im một hồi, ngó người đàn ông trước mặt, rồi nói:
- Anh biết Traian Koruga không?
Moritz giật mình, đáp:
- Chúng tôi ở chung với nhau
Anh không muốn nói ở chung một trại giam, thằng Petre nói dặn kĩ ở nhà rồi.
- Chúng tôi ở chung nhau cho tới ngày chót. Với ông Traian và mục sư Koruga. Tôi ở kề bên ông ấy lúc tai nạn…
Ngừng một lát, Moritz nói thêm:
- Thật là một người hoàn toàn tốt mà tôi được biết. Như một ông thánh sống vậy, bà cũng biết ông Traian nữa sao?
- Tôi là vợ Traian
Moritz tái mặt, đứng dựa vào cửa. Anh muốn lấy khăn tay trong túi nhưng không có khăn, lại đụng một vật bằng thủy tinh, cặp mắt kiếng của Traian
Hồi sớm mai nầy, anh lấy nó ra để làm cái bao da, sợ để trong rương cấn bể.
Anh cầm mắt kiếng trong tay giây lát rồi suy nghĩ, thấy không cần bao da làm chi vì anh không cất trong vali nữa
Anh để cặp kiếng trên bàn, trước mặt Nora, nói:
- Đây là cặp kiếng của ông Traian
Moritz nghẹn ngào, giọng khàn khàn, anh tằng hắng lấy giọng, rồi nói tiếp.
- Ông ấy đưa tôi, trước lúc chết, dặn tôi kiếm bà trao lại. Ông đưa cho tôi đúng trước khi ông…
Tiếng Moritz run run, không nói thêm được lời nào. Anh vội móc khăn tay, nhưng chỉ có miếng da để làm bao kiếng. Anh cầm lên, không biết để làm gì, nhưng cũng phải làm một cử động gì, anh liền để miếng da lên bàn, gần cặp kiếng, rồi nói:
- Tôi muốn làm cái bao kiếng, cho khỏi bẻ gẫy, trong trại tôi sẽ có thì giờ làm. Bà sẽ cất kiếng trong bao da, sẽ kĩ lưỡng hơn, nó không thể nào bể gẫy được
Trung úy Lewis vô lại phòng, nói:
- Thế nào, bây giờ có nhận ra họ thiệt lòng và sốt sắng nhập ngũ hay chưa?
Giọng Nora nghẹn ngào, nàng tằng hắng rồi trả lời quả quyết:
- Đúng vậy, bây giờ tôi hoàn toàn công nhận ông có lý. Mấy người này đều khẩn khoản xin cho họ được chuẩn miễn về tuổi tác. Họ muốn xin nhập ngũ cả gia đình.
Trung úy thích chí, cười đáp:
- Bà cứ cho họ được miễn tuổi và làm giấy tờ cho họ đi. Tôi l chụp ảnh tất cả gia đình nầy để đăng báo.
Trung úy bước lại gần đứa nhỏ hơn hết, vuốt tóc nó, rồi hỏi Suzanna:
- Đứa nhỏ nầy cũng chống Nga nữa phải không?
Suzanna cúi đầu, nhưng nghĩ phải trả lời một câu, nên đáp:
- Thưa phải, nó cũng chống quân Nga
Nàng sợ Moritz nghe, nhưng anh đã nghe, nàng hối hận.
Nora điền vào mẫu đơn nhập ngũ rồi nói với Moritz:
- Chiều nay anh lại chỗ tôi ở, tôi cũng ở trong trại, chúng ta thong thả uống trà, nói chuyện yên tĩnh hơn. Anh sẽ thuật tôi nghe những gì anh biết về Traian
Mắt Nora mờ lệ.
- Bây giờ anh trả lời câu hỏi của tôi để tôi ghi đủ trong sổ. Từ năm 1938 tới nay, anh ở đâu? Anh cứ nói thật hết đi, đơn anh sẽ được chấp nhận.
Thằng lớn hơn hết mỉm cười, sung sướng, thấy việc đã thành.
Đứa bé cũng vui vẻ ăn kẹo của trung úy cho, cười đưa hai hàm răng trắng nõn.
Suzanna thì cúi gằm mặt xuống.
Trung úy Lewis sửa soạn máy anh để chụp gia đình Moritz, trong lúc anh đứng biên thể thức nhập ngũ. Ông muốn tất cả phải có bằng chứng xác thật
Moritz nói:
- Từ năm 1938 tôi ở trong trại giam Do Thái xứ Roumanie. Từ năm 1940, ở trong trại giam dân Rouman xứ Honggie. Năm 1941, ở Đức trong trại giam Hongrois. Năm 1945, ở trong trại giam của Mỹ. Tôi vừa được thả khỏi trại giam Dachau hôm kia. Mười ba năm trong trại giam, tôi được tự do mười tám giờ, rồi bị dẫn tới đây…
Trung úy Lewis xây máy ảnh về phía gia đình Moritz, kêu to lên:
- Cười đi!
Moritz ngó Nora, nghĩ đến trăm ngàn thước dây kẽm gai mà anh đã thấy. Anh tưởng như bao nhiêu cuồng kẽm đó quấn xung quanh mình anh.
Anh không ngó lên khi trung úy nói với anh, anh không hiểu tiếng Anh.
Anh nói tiếp:
- Đó là tất cả những gì xảy ra cho tôi, từ năm 1938 tới nay, toàn là trại giam, trại giam. Mười ba năm ròng rã tôi toàn ở trong trại giam.
Trung úy Lewis kêu lên:
- Cười đi!
Moritz biết những lời ấy nói với anh, anh hỏi Nora:
- Người Mỹ đó nói gì?
- Nó ra lịnh bảo anh cười!
Moritz ngó cặp kiếng Traian trên bàn. Anh có cảm giác thấy Traian té chết gần hàng kẽm gai. Anh nhớ đến cây số ngàn dây kẽm gai bao quanh các trại giam. Anh nhớ đến đôi chân bị cưa của mục sư Koruga. Anh nhớ tới những gì đã xảy ra mười ba năm trong các trại
Anh ngó Suzanna, ngó thằng con nhỏ rồi mặt anh sạm lại. Hai hàng nước mắt tuôn trào. Bây giờ người ta ra lịnh cho anh cười làm sao anh cười được. Anh thấy sắp khóc to lên như đàn bà. Khóc vì tuyệt vọng. Thế là hết, anh không thể đi xa được nữa. Không người nào có thể đi xa hơn nữa
Viên sĩ quan ngó Moritz, ra lịnh:
- Cười đi! Cười, cười đi!
HẾT
Typist: Hoang Hon & Maihungthinh
************************
Nhà văn, thi sĩ Constantin Virgil Gheorghui sanh ngày 09.15.1916 Razboeni- Neamtz, Roumanie; con của vị linh mục ở Moldavie.
Học triết lý và thần học tại Université Bucarest và Heidelberg ( Đức)
Ông sáng tác nhiều quyển sách mà thi phẩm Calligraphie sur la neige được giải thưởng Royal de la Poesie 1940 ở Roumanie.
Ông cưới vợ là nữ sĩ, năm ngày trước trận Đệ Nhị Thế Chiến. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, thi sĩ công phẫn và xúc động khi bọn "thân phát-xít/pro-fasciste" ám sát thủ tướng dân chủ Armand Calinesco, nên viết quyển thi binh vực tự do, chống phát-xít, lấy tên là Armand Calinesco( 1939).
Hậu quả của thi phẩm nầy là ông suýt bị bọn cơ quan sắt thủ tiêu.
Và cũng với lòng công phẫn mà ông viết quyển "Bờ sông Dniestr bừng lửa", xuất bản tại Bucarest, chống bọn"chống phát-xít/ anti- fasciste" đã tàn sát 1/3 dân số miền Bessarable, quê hương ông.
Tác phẩm nầy về sau, đã làm dư luận Pháp chống lại ông.
Nhưng theo ông, "đứng trước những tàn phá giết chóc dã man, bất cứ từ đâu đến, thi sĩ không thể không công phẫn"
Năm 1943, hai vợ chồng phụ trách về liên lạc văn hóa tại bộ ngoại giao Roumanie ở Zagherb( Yougoslavie/ Croatie). Được 1 năm, nước Roumanie theo phe Nga. Quân Đức bắt vợ chồng ông giam trong trại giam các nhà ngoại giao tại Đức.
Kế Đức Quốc Xã thua, vợ chông ông bị quân đội Đồng Minh Mỹ giam mỗi người một nơi, mãi 2 năm sau 1947, mới được thả ra và gặp nhau tại Heidelberg (Đức).
Trong thời gian giam cầm ông viết quyển "Giờ thứ 25/La vingt-cinquième heure". Nhằm lúc đồng mark( tiền đức) mất giá, không thể sống ở Đức, vợ chồng ông đi bộ sang Pháp, đem quyển nầy dịch ra Pháp văn và cho xuất bản ở Paris 1949.
Đây là 1 trong những tác phẩm bi đát nhứt của thời đại. Gabriel Marcel, trong bài tựa, đã viết: Tôi tưởng không còn tìm ra 1 tác phẩm nào ý nghĩa hơn, phát họa rõ ràng hơn tình trạng hãi hùng mà nhân loại đang bị chìm đắm"
Tác giả quyển sách bán chạy nhất, 600 000 quyển trong vài tuần lể, riêng tại Pháp đến 300 000 quyển, lại bị dư luận chống đối 1950, khi biết ông là tác giả quyển "Bờ sông Dniestr bừng lửa", nghĩa là ông binh vực phát-xít.
Trong bài tự thuật, Virgil Gheorghiu viết "...Dấu ô nhục chống phát-xít đốt cháy da thịt ta ở Bucarest, và dấu ô nhục phát-xít bị đóng ở Paris chỉ là duyên cớ để quần chúng bóp chết ta..."
"Phải chăng người ta chỉ được lên án những độc ác dã man của một bên...
"Không, nhà thơ chỉ lấy vĩnh cửu làm khuôn vàng thước ngọc..."
Thi sĩ đã đi tu.
Lể Thăng Thiên, ngày 05.23.1963, ông được đức giám mục từ New York đến làm lễ thụ phong linh mục giáo hội Chính Thống tại nhà thờ Roumanie ở Paris.