Bé Minh
Trịnh Hội, Bé Minh (trái) và chị của Minh là bé My (phải)
Tôi biết Bé Minh từ lúc bé chỉ mới 4 tuổi. Cái tuổi mà lẽ ra bé không nên biết gì nhiều và cũng không thể biết gì nhiều. Vậy mà hôm nọ ngồi nói chuyện với Minh, Minh bảo là Minh vẫn còn nhớ hôm đó chú Hội cõng Minh trên vai để đi ra mộ. Vì đường đi ra mộ hôm đó xa lắm. Minh có thể nhớ chừng ấy.Nhưng chú Hội thì còn nhớ nhiều hơn, rất nhiều Minh ạ. Vì hôm đó là lần đầu tiên tôi phải đi đám ma của một người Việt tỵ nạn ở Philippines – hay nói chính xác hơn là của một người con lai Mỹ - vừa thắt cổ tự tử 2 hôm trước để lại một vợ hai con không có được một mảnh giấy tùy thân. Người ấy tên Dũng. Nguyễn Trí Dũng. Cũng là ba ruột của Minh.Tôi còn nhớ cách đó hai hôm vào khoảng 9, 10 giờ tối mẹ bé Minh là chị Quang từ đảo Dagupan ở xa gọi điện thoại về văn phòng tôi ở Manila vừa khóc vừa báo cho tôi biết là chồng chị vừa thắt cổ tự tử và chị không biết phải làm gì. Chị bảo chị muốn đợi tôi lên mới liệm và sang ngày hôm sau đem chôn. Lúc ấy tôi tự hỏi trong đầu tại sao lại phải cần đợi tôi lên? Tôi chỉ là một thằng luật sư láo con đang cố gắng xin chính phủ Mỹ mở lại hồ sơ của Dũng. Làm chưa đến đâu thì Dũng đã bỏ đi. Có lên tới nơi thì đã làm được gì?Thế nhưng nể lời mọi người nhất là sư cô Diệu Thảo lúc ấy đang cho tôi tá túc ở tạm Phật Đường để mở văn phòng giúp người tỵ nạn, tôi đã cùng sư cô lên nhà chị Quang ngay ngày hôm sau để lo việc tẩm liệm cũng như chôn cất. Thật tâm mà nói lúc ấy tôi không nghĩ ngợi nhiều. Từ lúc còn làm việc tỵ nạn ở Hồng Kông tôi đã tận mắt chứng kiến, nghe thấy nhiều cảnh trái ngang. Người giết người. Nam Bắc tàn sát lẫn nhau đốt trại trong những ngày trước Tết vào năm 1991. Kẻ tự tử trước đám đông. Người trốn trại cùng đường phải nhảy xuống sông nhưng vì không biết bơi nên bị chết đuối. Tuy lúc ấy tôi chỉ mới 21 tuổi những tôi đã cảm nhận được rất rõ giá trị của hai chữ Tự Do. Vì như câu nói mà hầu như người tỵ nạn nào cũng biết: Freedom is never free.Cũng vì thế nên thường tôi chỉ cần chú tâm vào công việc lo hồ sơ mỗi ngày của mình mà ít khi để cho tình cảm cá nhân bị giao động. Kể cả khi nghe tin thân chủ của mình mới gặp nhau đây mà nay đã tự tử.Ngay cả đêm hôm tôi lên đến nhà chị Quang và được chị dẫn vào phòng tắm chỉ nơi Dũng thắt cổ, nhìn cái xác bất động, đôi gò má đã hóp vào của Dũng nay đang nằm giữa sàn nhà tôi cũng chỉ có thể thương cảm cho hoàn cảnh của chị Quang mà không nhỏ được một giọt nước mắt nào. Mặc dù như đã có lần thú nhận từ nhỏ ở nhà ai cũng biết tôi là một thằng cực kỳ mít ướt.Có lẽ một phần vì tôi đã hơi bị chai. Phần khác vì tôi không thích những người bỏ cuộc. Thân thể này, cuộc sống này không phải của riêng mình. Mà nó còn liên quan đến rất nhiều người khác: vợ con, anh em, cha mẹ. Chết là hết. Nhưng trách nhiệm, những tình cảm duyên nợ gắn bó để lại cho ai?Hôm ấy tôi suy nghĩ về điều này rất nhiều nhưng vì đây là một vấn đề tế nhị nên không tiện nói ra. Vì thế đêm hôm ấy tôi chỉ mong sao trời mau sáng để công việc kinh kệ, chôn cất sớm được hoàn tất và tôi có thể quay trở về Manila ngay sau đó.Nhưng người tính không bằng trời tính. Sáng hôm sau lúc ra mộ tôi đã thấy không ổn. Là một Phật tử mồ côi cha mẹ và sống ở chùa từ nhỏ, chị Quang đã cho bé Minh và chị của Minh là bé My lúc ấy vừa lên 5 để tang và làm đúng theo các nghi thức chôn cất của Phật Giáo.Đó là trước lúc hạ huyệt, chị Quang cho bé My cầm bức ảnh của Dũng quỳ gối nghe cầu kinh. Riêng bé Minh, vì là con trai, được mẹ cho cầm lư hương nghi ngút khói nhang cũng đang cúi đầu cùng mẹ khấn lạy.Nhưng chỉ được một ít lâu thì bé Minh đòi sữa. Thế là với bình lư hương nay được đặt trước mộ, một tay cầm bình sữa tự nút, một tay vái lạy tiễn biệt ba mình, trong tiếng khóc ngất của chị Quang, tai nghe tiếng gõ mõ, tụng kinh của sư cô Diệu Thảo. Nhìn cảnh hai bé đang trơ mắt nhìn mọi người không hiểu chuyện gì đã xảy ra, bỗng nhiên tôi hoàn toàn mất tự chủ và bật khóc như thể chưa bao giờ được khóc.Nhìn lại, nhớ về khoảnh khắc cô đọng ấy, tôi nghĩ tôi khóc không phải vì tôi tiếc thương cho một đời làm người tỵ nạn vô phước của Dũng. Tôi khóc cũng không phải vì tôi chỉ biết tiếc thương cho hoàn cảnh của chị Quang. Mà phần lớn nó là vì hình ảnh ngây thơ chưa biết gì của hai bé. Đặc biệt là bé Minh tay đang cầm bình sữa ngồi trước mộ phần.Dũng chết, hồ sơ cả gia đình coi như cũng đã chết theo. Ba mẹ con chị Quang không còn một hy vọng nào để được đi định cư làm lại cuộc đời.Nhưng lúc ấy điều mà tôi lo hơn cả là làm sao một mình chị Quang có thể nuôi nổi hai đứa trong hoàn cảnh không nhà, không cửa, không một tấm giấy tùy thân. Với thân phận làm người tỵ nạn vô tổ quốc, tự nuôi mình tôi đã thấy khó, huống hồ gì phải nuôi thêm hai đứa con dưới 5 tuổi.Thế là tôi quyết định nhận bé Minh làm con nuôi. Và đem bé Minh về văn phòng sống với tôi ở Manila. Lúc ấy tôi vừa tròn 28 tuổi. Còn bé Minh thì, như đã nói, chỉ vừa lên bốn.
Trịnh Hội và Minh tại Melbourne
Kể từ lúc ấy những lúc nghỉ ngơi hay rãnh rổi vào những ngày cuối tuần, đi đâu tôi cũng dắt bé Minh theo. Khi thì đi shopping xem phim, ăn uống. Có lúc tôi lại dắt bé Minh và mấy đứa bé tỵ nạn khác ở gần văn phòng đi bơi ở nhà những thằng bạn ngoại quốc của tôi. Vì mặc dù lúc đó tôi rất nghèo, nơi ở cũng thuộc loại tồi nhất nhưng bạn bè ngoại quốc của tôi thì thằng nào cũng giàu. Nhà anh chị nào cũng có tài xế riêng, người làm, hồ bơi, phòng tập thể dục.
Tôi thương bé như con ruột của mình (mặc dù lúc đó tôi chưa có con!) và có thể nói trong tất cả những gia đình tỵ nạn mà tôi quen biết từ năm 21 tuổi cho đến nay, gia đình chị Quang là gia đình mà tôi đã bỏ nhiều thời gian để lo lắng và chia xẻ nhất.
Vì đây cũng là gia đình tỵ nạn duy nhất mà đích thân tôi đã đứng ra làm người bảo lãnh để họ được sang định cư ở Úc.
Bởi hôm ngồi trước mộ phần của Dũng tôi có hứa với Dũng hai điều. Đó là thứ nhất tôi sẽ cố hết sức mình tìm hiểu xem tại sao hồ sơ của Dũng bị Tòa Đại Sứ Mỹ từ chối. Và thứ hai là tôi sẽ hết lòng giúp cho bé Minh, con Dũng, có được một tương lai tốt hơn, lâu dài hơn và tươi sáng hơn cuộc sống quá ngắn ngủi của Dũng. Dũng chỉ hơn tôi một tuổi. Ngày Dũng mất Dũng chưa đầy 30.
Đối với lời hứa thứ nhất tôi đã thực hiện được khá dễ dàng. Sau gần sáu tháng tìm tòi, tranh cãi với nhiều nhân viên Bộ Ngoại Giao, nhiều văn phòng khác nhau, cuối cùng chúng tôi đã tìm ra được lý do tại sao hồ sơ của Dũng bị từ chối.
Vì Dũng bị cho là đã giết một người con lai khác trong trại.
Nhưng ai trong trại cũng biết Dũng là một người hiền khô mà? Hiền đến độ bị cho là có phần nhút nhát, giống như người bị bệnh trầm cảm, thì làm sao mà giết người được? Phải là thằng Tiến Dũng, cũng là con lai chứ không thể nào là thằng Trí Dũng ba của bé Minh được. Tôi nghe mọi người bảo vậy.
Thế là tôi nhất quyết phải tìm ra cho được sự thật. Lấy lời khai của nhiều nhân chứng có mặt trong trại vào khoảng thời gian ấy. Đọc lại hồ sơ của cả hai người, Nguyễn Trí Dũng và Nguyễn Tiến Dũng, còn nằm trong Tòa Đại Sứ Mỹ ở Manila, cuối cùng tôi được cho biết lý do đơn giản là vì trong hồ sơ, cả hai đều có tên là ‘Dung T. Nguyen’ nên cả hai đều bị điều tra.
Nhưng tiếc thay trong quá trình điều tra thì Nguyễn Tiến Dũng lại bị giết chết nên kể từ lúc đó hồ sơ của Nguyễn Trí Dũng bị cho là ‘có vấn đề’.
Và dĩ nhiên ở các trại tỵ nạn vào khoảng thời gian ấy một khi hồ sơ của bạn bị phê là có vấn đề cần ‘pending further investigation’ (tạm ngưng để điều tra tiếp) thì coi như… hết thuốc chữa. Năm 1996, chính phủ Phi lên chương trình cưỡng bức hồi hương. Năm 1997, Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đồng loạt đóng cửa tất cả các trại tỵ nạn Việt Nam ở Đông Nam Á.
Hai năm sau Dũng thắt cổ tự tử chết.
Tôi đã tìm ra được sự thật, thực hiện được lời hứa đầu tiên với Dũng, chính phủ Mỹ cuối cùng đã đồng ý mở lại hồ sơ. Thế nhưng điều đó giúp được gì khi Dũng đã chết? Vì thể theo luật di trú hiện hành của Mỹ một khi người đứng đầu đơn (principal applicant) chết thì ngay cả khi gia đình vợ, con những người dependents đã được cấp visa trên tay, tất cả những visa ấy cũng sẽ bị cancel, bị vô hiệu hóa không còn hiệu lực nếu họ chưa đặt chân đến nước Mỹ.
Bởi vậy, nếu cái chết của Dũng làm cho tôi buồn một thì sau khi tìm ra được sự thật quá ư là phũ phàng của cái gọi là chính sách, luật pháp hiện hành tôi lại buồn mười. Buồn cho thân phận của những người con lai Việt Nam từ nhỏ đến lớn lúc nào cũng bị kỳ thị, xua đuổi. Buồn cho cuộc sống đôi khi quá tàn nhẫn chỉ vì sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của những kẻ có quyền.
Thế nhưng tôi cũng biết cái buồn tự nó chẳng giải quyết được gì.
Và ‘action will always speak louder than words’ (hành động luôn có nghĩa hơn là lời nói). Tôi xin chính phủ Mỹ không được thì đi xin chổ khác. Lo gì!
Không cần do dự, tôi quyết định nộp đơn xin cho bé Minh sang Úc định cư để được đoàn tụ với… tôi. Là ba nuôi của bé Minh. Mặc dù lúc ấy bé vẫn đang sống với… tôi. Ở… Manila!
Cũng may là nhờ lúc ấy tôi quen với ông Bộ Trưởng Bộ Di Trú Úc nên chỉ cần ông đặt bút OK vào đơn xin là mọi việc cũng OK. Tôi không cần phải ra tòa làm giấy xin nhận bé Minh làm con nuôi chính thức. Chị Quang cũng không cần phải hoàn toàn giao bé Minh cho tôi. Vì là một người đang cùng tôi trông nuôi bé Minh (co-guardian), chị cũng được ăn theo. Và bé My, chị của bé Minh, cũng được ăn ké.
Thế là vào một buổi sáng cuối năm cách đây đúng 7 năm về trước, tôi và ba mẹ con chị Quang đã cùng nhau đáp xuống phi trường Melbourne và được rước về nhà ba mẹ tôi ở tạm.
Thành tâm mà nói lúc ấy tôi nghĩ tôi đã thực hiện được lời hứa của tôi đối với Dũng. Vì vậy không ít lâu sau tôi đã quay trở lại Phi Luật Tân để tiếp tục công việc.
Nhưng rất tiếc kể từ đó cho đến nay có lẽ đây cũng là một trong những điều làm cho tôi trăn trở nhất. Và tôi thật sự không biết là tôi đã thực hiện được lời hứa thứ hai hay không. Vì cũng từ lúc ấy tôi đã không còn cơ hội sống gần gũi, chỉ dạy bé Minh như thuở ban đầu.
Với một cuộc sống mới, phức tạp, một nền văn hóa tự do, phóng khoáng hơn, chị Quang lại không phải là người có trình độ học vấn cao, không biết cách lo lắng, chỉ dạy con cái cho có chừng, có mực như những người khác, hai bé đã dần dần có sự suy nghĩ riêng, không biết chú tâm vào việc học hành với kết quả là cách đây 2 năm, bé My cho biết là bé đã có thai.
Và hôm nay bé Minh vừa thông báo cho tôi biết là bé không còn muốn đi học tiếp.
Như đã nói, Minh chỉ vừa tròn 16 tuổi.
Ngồi đây, viết để nhớ và chiêm nghiệm lại về quãng thời gian đã qua, tôi nghĩ có lẽ tôi đã làm tròn bổn phận của một người luật sư. Cho Dũng. Cho gia đình chị Quang.
Nhưng hình như lời hứa của tôi với Dũng năm nào vẫn chưa hoàn toàn thực hiện được.
Trịnh Hội Blog