Hàng năm cứ sau mỗi mùa rẫy bà con dân tộc thiểu số ở các buôn làng thuộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên và một số vùng khác lại tổ chức lễ hội thần Ndu và các vị thần khác nhằm tạ ơn các vị thần đã phù hộ, độ trì cho bà con dân làng trong một năm qua, bà con làm ăn được mùa, con cháu khoẻ mạnh. Đó chính là lễ “Sa-rơpu” (ăn trâu ) mà người miền xuôi thường gọi là tết Thượng hay lễ Đâm Trâu được tổ chức từ tháng 12 cho đến tháng 3 âm lịch.
Lễ hội Đâm trâu với biểu tượng “cây nêu thần” là một sinh hoạt văn hoá dân gian nổi bật nhất, mang tính tổng hợp cao, có ý tưởng mong muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trở thành một nghi lễ độc đáo trong các ngày hội của buôn làng như lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa. Đây là những ngày hội thực sự mang những nét văn hóa truyền thống, thể hiện rõ yếu tố cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, thần linh được gắn với nhau chặt chẽ, là sự kế tục truyền thống văn hóa xa xưa của người Tây Nguyên. Nhiều loại hình dân gian được huy động tham gia vào lễ hội này như âm nhạc, sân khấu, múa hát, múa kiếm, nghệ thuật tạo hình.
Lễ hội đâm trâu góp phần làm nên bản sắc Tây nguyên. Từ người Stiêng, Bahnar, Cờ tu, Êđê, Xê đăng, Yẻh, Xeđrá đến người Brâu đâu cũng có lễ hội đâm trâu, dù nghi thức lễ hội mỗi nơi tuy có khác nhau nhưng mục đích thì giống nhau.
Đâm trâu - Lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên Lễ hội đâm trâu là một nét văn hóa của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên thể hiện rõ nét tinh thần dân tộc và đoàn kết của mọi thành viên trong cộng đồng. Lễ hội thường được tổ chức ở bãi đất trống trong làng. Đến ngày đầu tiên của lễ hội, tiếng cồng chiêng, thường là chiêng
arap, nổi lên để mời gọi và đón tiếp thần linh cũng như những người tham dự và hoàn thành các bước chuẩn bị cho lễ hội. Trong suốt thời gian này, cồng chiêng liên tục nổi lên để khuấy động không khí.
Để chuẩn bị cho tục đâm trâu, những thanh niên trai trẻ sẽ vào rừng chặt bốn cây to bằng bắp chân vài thước cao và bốn ngọn lồ ô đem về buôn làng. Sau đó họa khắc lên các cây và các ngọn lồ ô những hoa văn, họa tiết đặc trưng cho văn hóa tâm linh, địa hình kỳ bí và tín ngưỡng nơi đây.
Họ dắt một con trâu đắc ý đem buộc chặt vào cột “Gingga” trước sân nhà Rông. Có một cây lồ ô tượng trưng cho tay thần, cắm cao chính giữa. Trói thêm một con heo lớn áp sát vào cột để chứng tỏ sự trù phú của buôn làng. Bắt đầu khai hội thường vào giờ Sửu xế chiều. Những trai làng thành thạo có nhiệm vụ đánh trống và cồng chiêng. Đầu họ chít khăn đỏ, mặc áo lễ “Blan” hoặc mặc áo ló chui đầu, không tay, có thêu hoa văn sặc sỡ hai bên vạt áo, đóng khố hoa “Kteh” và trong tư thế sẵn sàng đợi lệnh trỗi nhạc. Các sơn nữ mặc áo “Phia” – một kiểu áo lễ của nữ giới, váy hoa “Kteh”, đầu chít khăn trắng tựa sắc lan rừng đang nở rộ. Mọi người trong buôn làng, từ già trẻ, gái trai xúng xính trong bộ áo quần mới nhất, trò chuyện líu lo nơi sân nhà Rông. Chủ trì ngày hội đâm trâu là một già làng, còn gọi là “Riu Yang” (thầy cúng). Riu Yang đứng nghiêm trang bên cột đang buộc con trâu, sau lưng ông là nam thanh nữ tú, ban nhạc cồng chiêng.
Sau khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, thầy cúng khấn: Cầu xin thần trời – thần nước – thần núi- thần sông suối hãy đến đây chứng kiến ngày hội đâm trâu của dân làng. Cầu xin các thần linh thiêng hãy phù hộ cho dân làng trồng được nhiều lúa, nuôi được nhiều trâu bò, súc vật… Sau đó cho dẫn ra một con trâu đực và cột chặt vào cây nêu với một sợi dây thật chắc được làm bằng vỏ cây rừng, gọi là cột Gưng. (Cột Gưng là một cây gỗ quí to lớn cao thẳng dựng lên sân tổ chức lễ hội đâm trâu, cột chia làm ba phần. Phần từ đất lên làm thành giàn cho già làng bước lên cúng tế. Phần thân cột được chạm trổ công phu các hình ảnh hoa văn, các màu sắc rực rỡ buộc các chùm tua ngũ sắc chuốt sợi từ thân nứa. Phần trên cùng là biểu tượng chim hoặc cá, dưới treo chùm ống nứa già gọi là toơng nơơng nhờ gió
phát ra âm thanh).
Tiếng cồng chiêng lúc này ngừng lại để nhường lời cho vị già làng, chủ tế buổi lễ, phát biểu vài lời. Sau đó cồng chiêng lại tiếp tục nổi lên với một nhịp độ nhanh hơn và thúc giục hơn cho thanh niên thiếu nữ sẽ cùng vào nhảy múa theo điệu nhạc. Âm thanh sôi động trong những vũ điểu uyển chuyển, đa dạng của các sơn nữ khiến cho lễ hội thêm phần quyến rũ, hấp dẫn. Vũ nhạc của các sơn nữ lặng xuống cũng là lúc các chàng trai đầu chít khăn đỏ trong tay mang lưỡi kiếm sáng loáng nhảy ra múa tiếp. Nhảy múa một lúc, họ đặt vũ khí xuống, dùng những gậy gỗ dài một thước đấu với nhau. Tốp này vào nghỉ đã có tốp khác ra thay. Trong lúc họ múa, gái làng thi nhau té nước vào họ. Chàng nào tài hoa thì không bị ướt, chàng nào bị ướt nhiều tức là bị thần quở và có nguy cơ ế vợ. Sau các màn múa hát họ bắt đầu đâm trâu. Chàng nào chỉ đâm một nhát mà trâu chết ngay thì được khen ngợi. Trâu ngã xuống bắt đầu xẻ thịt chia đều cho từng bếp trong buôn làng. Một phần thịt trâu được dành lại ăn uống chung tại nhà Rông. Đầu trâu được gác lên cột lề. Sáng ngày sau còn có lễ rước đầu trâu lên nhà Rông. Đầu trâu được chẻ ra làm món ăn. Riêng cặp sừng được giữ lại và treo lên vách nhà Rông. Người làng còn lấy máu trâu hòa với rượu để rửa những bảo vật truyền kiếp nhà Rông. Trong suốt ngày và đêm này, mọi người sẽ nhảy múa theo tiếng chiêng. Ngoài ra còn có các hoạt động thi thố tài năng bằng đấu vật, đánh roi… để tranh giành bùa do già làng (pô khua) tặng. Và đặc biệt là các chiến binh ra nhảy múa, diễn lại cảnh đánh nhau và chiến thắng để khơi dậy dũng khí trong lòng mọi người tham dự. Tất cả mọi hoạt động đều được diễn ra xung quanh cây nêu có con trâu – vật tế lễ đã được buộc chặt.
Theo nhịp trống, cồng chiêng, sáo bầu, các nữ tú nắm tay nhau thành vòng xoang (múa), các nam thanh dũng sĩ múa khiên, lao. Một nam thanh niên lực lưỡng cầm cây Peh (dao dài) sắc lẻm chặt đứt nhượng hai chân sau con trâu cho nó quị xuống không còn lồng lộn được nữa. Mũi lao của dũng sĩ cắm phập vào huyệt tử con trâu. Đầu con trâu được cắt ra bày lên mâm cúng thần rồi sau đó chủ lễ biếu khách là ân nhân số một của nhà mình năm qua. Thịt trâu phân phát cho mọi người dự lễ hội. Ai nấy nhận phần và chế biến thành món ăn truyền thống. Đọt mây rừng nướng lên chấm muối, rau nhiếp rừng thái nhỏ trộn thịt trâu làm món Biếp Kwanh, các món này ăn với cơm lam, cháo bồi, uống rượu cần.
Lễ hội đâm trâu với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống mang ý nghĩa nhân văn và tâm linh. Đỉnh cao và linh hồn của lễ hội là lúc mũi lao cắm vào tim con trâu, cùng lúc tiếng cồng chiêng, tiếng hát, những vũ điệu theo cột đâm trâu vút lên không trung tạo niềm tin mùa bội thu, hăng say lao động sản xuất trước cuộc sống thường trực bất trắc, thiên tai, địch họa. Để sinh tồn phát triển và vượt thách thức ấy con người cần giao lưu gắn kết cộng đồng, cùng hướng tới sức mạnh siêu nhiên qua hình ảnh các thần linh qua nghi lễ.
Tiếp nghi lễ, bắt đầu cuộc ăn uống vui chơi. Nữ cao tuổi nhất được mời nâng cần rượu đầu tiên rồi lần lượt theo thứ tự già trước trẻ sau.
Sau lễ hội đâm trâu mọi nỗi buồn, hiềm khích, đố kỵ trong làng được thần linh mang đi, niềm vui và hạnh phúc được nâng lên gấp bội, ai nấy hăng hái trở lại chuỗi ngày lên nương xuống rẫy dưới mưa dầm nắng gắt, đêm sương muối xót thịt xương, con người bán mặt cho đất bán lưng cho trời nơi đại ngàn lắm dã thú, nhiều sỏi đá đã khô cằn hơn màu mỡ, hi vọng tết mùa sau với nhiều lễ cúng, nhiều tiếng hát, nhiều tiếng cồng chiêng vang lên quyến rũ con người vào cuộc vui say bất tận.
Cội nguồn của vật tế thiêng liêng Nguồn gốc cuộc vui cộng đồng từ xưa cha ông gọi là lễ hội ấy có từ bao giờ chưa ai biết, chỉ biết trong hệ thống lễ hội nông nghiệp rải rác khép kín chu kỳ sản xuất ở Tây nguyên, lễ hội đâm trâu có lâu đời, được xem là lễ hội lớn phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa con trâu - SapaKô - cây lúa - sự ấm no - an vui - ước vọng.
Người Tây nguyên số đông theo tín ngưỡng đa thần. Từ người Gia Rai, Bahnar… coi Giàng (thần linh - Trời), gần gũi có thể kết anh em, cha con cũng có thể đoạn tình khi bất hòa, thậm chí có người còn trả thù thần nào đó bằng cách không thờ cúng bỏ cho chết đói, chuyển sang thờ cúng thần khác tốt hơn.
Lễ đâm trâu, có nơi còn gọi là lễ ăn trâu. Đây là lễ hiến sinh, là sự "thông quan" giữa con người với giàng và thần linh, là lời cảm ơn giàng (trời), cảm ơn thần linh đã cho mưa thuận gió hoà, đã giúp cho dân làng ngăn cản muông thú, chim chóc không phá hoại rẫy nương, cho mùa màng tươi tốt, dân làng sống hoà thuận, vui vẻ, không xảy ra dịch bệnh...
Đây cũng là lễ thể hiện sức mạnh, tinh thần thượng võ của cộng đồng, và vì thế những người được chọn ra đâm trâu phải là trai tráng, khoẻ mạnh, biết cách đâm làm sao để sau vài ba nhát giáo con trâu đã có thể ngã gục... Nơi tổ chức thường là trước nhà rông, nhà cộng đồng, hoặc dưới một tán cổ thụ, trong ánh lửa hồng hừng hực, trong lời cúng vừa vang vọng, vừa u trầm, trong vẻ mặt nhuộm hồng ánh lửa đầy trang trọng của dân làng...
Có ba vật thể hiện tâm linh của Lễ đâm trâu tại Tây Nguyên, đó là cây nêu, Chiếc “gu” treo ở xà nhà; “Lá vang”. Cây nêu (hay còn gọi là cây cột lễ) là trung tâm của lễ đâm trâu. Nó vừa là chiếc cột để buộc con trâu tế, vừa là “cây hoa” trang trí, làm cầu nối giữa thế giới thần linh với con người. Cây nêu phướn cao tới 14m. Gốc nêu là nơi trang trí đẹp nhất với chiếc “mâm thần” xoè rộng. Trên đó, vẽ nhiều loại hoa văn bằng 3 màu: đen, đỏ, trắng là gam màu trang trí truyền thống của người Co. Thân nêu chạm khắc nhiều hình ảnh sinh động như thỏ, rùa, chim bay, cá lượn, bướm đậu cành hoa, khỉ ngồi gốc quế v.v… Ngọn nêu là những lá phướn đan bằng sợi giang xoè ra rất đẹp. Những bông hoa kết bằng xơ vỏ cây được điểm xuyết cũng góp phần làm cho cây nêu thêm rực rỡ. Trên đỉnh cây nêu là hình tượng chim chèo bẻo (Sip lít) và phượng hoàng đất (Sip rak) làm bằng gỗ tượng trưng cho tinh thần thượng võ của người Co cũng là linh vật được thờ cúng.
Chiếc “gu” treo ở xà nhà là nơi ngự trị của thần linh. Nó mang dáng dấp một bông hoa xoè 8 cánh với 16 mảng hoa văn khác nhau. Ngoài ra, còn có chú khỉ bằng gỗ và một con chim đại bàng xoè cánh, được treo trước cửa ra vào, hình thức giống như con rối. Khi bước lên thêm mọi người giẫm vào thanh tre có sợi dây nối với chú khỉ làm chú giơ tay, gật đầu chào khách, còn chim đại bàng thì vỗ cánh như thật.
“Lá vang” là những tấm ván gỗ được chạm khắc tinh xảo treo ở gian chính giữa giống như bức đại tự trong nhà cổ người Việt. Thực chất là bức tranh liên hoàn phản ánh đời sống sinh hoạt, văn hoá, phong tục tập quán của người Co bằng một thứ ngôn ngữ hội háo rất sinh động. Thần lửa vị thần trông coi việc làm ăn sinh sống của gia đình. Vì Thần luôn bận mãi việc bếp núc nên không thấy được quang cảnh lễ hội vui vẻ bên ngoài nên thường thì dân làng làm tấm “la vang” treo ở cửa bếp mô tả hoành tráng về quang cảnh một lễ hội đâm trâu.
Ba ngày lễ tạ thần linh Ngày đầu, trai làng đào lỗ trên bãi đất rộng để dựng cây cột lễ. Người ta chọc tiết một con lợn ngay bên miệng lỗ mới đào. Lễ vật này để cũng tạ thần “Ma huýt” - người cai quản nương rẫy và giữ hạt giống cây trồng. Dân làng đứng thành một vòng tròn chắp tay cầu khấn theo nhịp lục lạc leng keng trên tay thầy cúng. Tiếp đó, một người ăn mặc rách rưới đóng giả “ma xấu” chạy quanh đường làng. Mọi người hò reo, khua chiêng trống, vác gậy đuổi theo. Cuối cùng, “ma xấu” bị dân làng bắt được. Nó kêu khóc van xin tha mạng và hứa từ nay không làm hại súc vật, cây trồng, không gieo dịch bệnh, dân làng đủ gạo ăn. Buổi tối, cả làng ngồi vây quanh đống củi cháy bập bùng. Trai làng đánh chiêng nhảy múa, những cụ già ngồi ngâm nga “xờ ru”, “A giới” - những làm điệu dân ca tha thiết của người Co.
Ngày thứ hai, cây nêu trang hoàng rực rỡ được dựng lên trong tiếng vỗ tay reo hò của dân làng. Bốn thiếu nữ Co váy đen, áo trắng, cổ đeo hạt cườm, đầu đội những quả bông xanh dổ, tay đeo vòng đồng lấp lánh. Các ông gùi trên lưng những ống lồ ô đựng nước thiêng lấy ở thác nước đầu nguồn về”. Trong tiếng chiêng trống rộn rã họ múa bài “Kđáo” vòng quanh gốc cây nêu 9 lần. Sau đó té nước thiêng lên mình trâu và cây cột lễ. Lúc này chú trâu hiến sinh đã ngoan ngoãn nằm trong lọng dây buộc vào gốc nêu. Trâu lễ phải là trâu mộng dáng đẹp: thân dài, mông nở, cặp sừng nhọn và cân đối: Để đột rửa uế tạp, chú trâu được tắm rửa sạch sẽ và ăn “lá đoóc”- một loại cỏ thơm trước khi hành lễ. Đêm thứ hai, cả làng vẫn tụ tập quang cây cột lễ để ăn uống ca hát vui vẻ. Tiếng chiêng trống náo nức trong ánh lửa bập bùng.
Ngày thứ ba, mọi người đều tề tựu đông đủ quanh góc cây nêu và con trâu hiến tế. Trong đội hình nghị thức người chủ lễ dẫn trâu, tiếp đến là chiêng trống, những xạ thủ phóng lao, phụ nữ, trẻ nhỏ. Tất cả đi vòng quanh cây cột 9 vòng rồi dừng lại. Thầy cúng lắc lục lạc bằng đồng mời gọi thần linh về chứng kiến. Hương trầm từ chiếc mũng đựng tro thơm nghi ngút. Không gian trầm lặng, linh thiêng. Chủ nhà tiến lại con trâu nói: “Trâu ơi, Hãy ngoan ngoãn về với thần linh thì mày được hoá giải luôn kiếp khác”. Ông ta cầm con dao cúng “đâm làm phép” vào mông phải con trâu. Bị đau, con vật lồng lộn chạy quanh gốc cây cột lễ. Những trai làng đóng khố, mình khoác tấm choàng, đầu chít khăn đỏ cầm những cây giáo dài lập tức thể hiện bài võ rất dũng mãnh. Những mũi giáo sắc, loang loáng bay đi cắm phập vào mình con trâu tế. Dân làng xúm lại giật những sợi lông trâu rắc lên đầu nhau. Những em bé cũng được mẹ làm để cầu phước lành của thần linh ban xuống. Trâu được xẻ thịt làm cỗ.
Lễ hội đâm trâu là sự tổng hợp bởi nhiều yếu tố, và gắn liền với những hoạt động văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa tâm linh và nhân sinh sâu sắc. Nếu đỉnh cao lễ hội là lúc mũi lao cắm vào tim con trâu, thì những âm thanh, những điệu vũ, lời ca, sự hiện diện cao vút lên không trung của cột đâm trâu chính là linh hồn của lễ hội. Trong những ngày diễn ra lễ mừng được mùa, công việc cầu kỳ chiếm nhiều công sức nhất là tuyển lựa và trang trí cột đâm trâu, biểu trưng cho sức mạnh, sự sống và niềm ước vọng của bản làng trong vụ mùa tới. Ý nghĩa của lễ hội đâm trâu còn được phản ánh qua không khí linh thiêng, đậm chất núi rừng linh ứng, khi vị chủ lễ thông báo tình hình bản làng trong năm, cung thỉnh sự phù hộ của các vị thần linh, ma quỷ về dự lễ, chứng giám cho tấm lòng của dân làng. Hòa cùng với tiếng trống, tiếng chiêng là sự cổ vũ của dân làng, những chàng trai tay lao, tay giáo nhảy múa xung quanh con trâu tạo một không khí nhiệt huyết, đầy sức sống. Trong những ngày lễ, tiết mục đâm trâu chính là phần không thể thiếu nó thể hiện rõ tính chất của lễ hội. Tất cả hòa vào nhau tạo thành một bản nhạc rộn ràng, đầy lạc quan, báo hiệu những điều tốt đẹp bắt đầu. Không khí của buổi lễ vẫn không hề lắng xuống sau khi lễ đâm trâu, lúc này chính là khoảng thời gian cả bản làng quây quần bên ché rượu cần, bên những mâm thịt, cùng nhau nhảy múa ăn uống quanh đống lửa... tận hưởng những thành quả của ngày lễ, sự ban thưởng của thần linh. Vì thế, lễ hội toát lên một cách đầy đủ nhất những sắc thái đặc trưng văn hóa tộc người, thể hiện tính cộng đồng trong sự cộng hưởng: cầu mùa, cầu an, cầu phúc. Qua lễ hội những vốn văn hóa truyền thống của tộc người như nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật diễn xướng, văn học dân gian, những thuần phong mỹ tục được trân trọng, bộc lộ và thăng hoa. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, lễ hội của nhiều vùng các dân tộc Tây Nguyên đang bị mất dần, không ít buôn làng lâu nay không còn tổ chức lễ hội đâm trâu nữa. Một số nơi khác ở Tây Nguyên, lễ hội bị “biến tướng” đi nhiều, các trai làng múa khiên, đâm trâu với những nghi lễ khác xưa, tiếng chiêng không còn giữ được âm vang như trước. Việc nghiên cứu phong tục về văn hóa Tây Nguyên đang đặt ra nhiều vấn đề. Nên chăng có sự gạn lọc để chọn và giữ gìn phần ý nghĩa tinh thần có tính chất truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên trong tục lệ đâm trâu, bên cạnh việc bãi bỏ những yếu tố ít nhiều mang tính bạo lực cổ xưa. Cinet tổng hợp
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.01.2011 06:31:51 bởi Thanh Vân >