Truyện ngắn năm Mão

Tác giả Bài
Khải Nguyên HT
  • Số bài : 270
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 28.01.2009
  • Nơi: Hải Phòng - Việt Nam
Truyện ngắn năm Mão - 01.02.2011 16:35:21
-Truyện ngắn năm Mão-
 
CHUYỆN MẸ CON MỘT “CÔ” MÈO
 
Con mèo mướp của bà tôi đẻ được bốn nhỏ. Người ta xin, bà cho hết ba đứa, chỉ giữ lại nhỏ út có bộ lông đặc biệt: vàng sẫm điểm xuyết những vệt đen và trắng. Ai cũng khen: “Con mèo có cái mã y như hổ”.
Con mèo con này được mẹ mèo cưng chiều hết nước. Sáng ra, “cô” được mẹ liếm rửa mặt cho. Đến bữa ăn, sau khi người ta cho thức ăn vào đĩa, mèo mẹ kêu “meo, meo” mấy tiếng nho nhỏ gọi con. Cô nàng đủng đỉnh đi tới, đôi khi còn oằn mình duỗi dài chân, vươn vai một cái làm dáng rồi mới bước đến bên đĩa thức ăn. Cô ta chẳng “meo” lên tiếng nào mời mẹ, cứ thản nhiên ăn. Mẹ mèo lảng đi để cho con được tự nhiên. Mụ nằm hơi xa xa một chút, mắt lim dim, ra chiều nghĩ lung lắm như nhà thơ bí vần hay như học sinh đi thi bí lời giải. Cô mèo ăn nhỏ nhẹ như … mèo. Thức ăn là cơm trộn rau với ít cá vụn hay thịt vụn. Cái mõm nho nhỏ và cái lưỡi xinh xinh của cô rà vào đĩa cơm như chọn nhót từng hạt, và thường là dành rau lại. Mèo mẹ chờ cho con ăn xong rồi mới đi tới ăn nốt chỗ còn thừa.
Cô mèo có dáng đi yểu điệu rất “tiểu thư”. Nhưng cô chỉ quanh quẩn trong nhà. Hễ cô chớm mon men ra cửa là mẹ mèo đến ngoạm vào gáy tha trở lại.
Lạ một điều là khi mèo con đã to bằng mẹ, mèo mẹ vẫn đối xử chẳng khác: vẫn liếm rửa cho con, vẫn nhường con ăn trước, vẫn ngăn con ra ngoài.
Lần đó, mèo mẹ tha về một chú chuột nhắt. Mụ thả con mồi xuống trước mặt con. Cô nàng đã đủ lớn để săn chuột. Con vật nằm im như chết. Nhưng nhìn kỹ cái bụng thấy hơi phập phồng, biết cu cậu giả vờ. Cô mèo chỉ đứng nhìn, lạ lẫm. Mẹ mèo ngồi xệp hai chân sau, chống thẳng hai chân trước, đuôi khẽ phơ phất, nheo mắt chờ. Cô con liếm mép và … cũng chờ (!). Con chuột bỗng bươn chạy. Miu ta chưa có phản ứng gì. Mèo mẹ vươn mình giơ chân chộp một phát, chú chuột đã nằm gọn dưới các vuốt chân. Một bài mẫu vồ mồi thật ngọt. Mèo mẹ buông chân. Chú chuột khốn khổ nằm thin thít. Mèo con vẫn ngơ ngơ như xem trò lạ. Một chốc, chú chuột lại chạy. Mèo mẹ kêu “meo” một tiếng giục con ra tay, nhưng cô nàng cứ giương mắt ngó. Mèo mẹ vội vàng nhảy tóm giữ tên đào tẩu lại. Suýt nữa thì hắn sổng mất. Cái trò đó diễn đi diễn lại mấy lần. Rồi, chẳng biết vì chán hay muốn thử cô con quí hoá, mèo mẹ bỏ mặc con chuột nằm bất động lảng ra góc nhà. Cô miu con nhìn theo mẹ rồi lại gần con vật - tù binh giơ chân như chỉ định sờ xem. Bất đồ, chú chuột vùng chạy. Cô mèo “phì” một cái, chừng như hoảng, cái chân chưa kịp hạ xuống. Mèo mẹ nhảy xổ lại, nhưng chậm mất rồi. Chú chuột nhắt đã mất dạng. Giá trong thế giới loài người thì hẳn đứa con khờ đến vậy đã được (hoặc bị) ít ra là vài câu răn dạy. Đằng này mèo mẹ coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Lát sau, đã thấy con thì nằm lơ mơ, còn mẹ thì đang liếm trán con ra tuồng an ủi.
Một hôm, đã đến bữa ăn vẫn không thấy mèo mẹ. Thường mụ vẫn sang nhà hàng xóm bắt chuột. (Vì cái nết “hay chuột” nên có lúc nào đó mụ vơ nhầm phải thức ăn của người để hớ hênh, người ra cũng không nỡ phạt. Vì thật ra mụ cũng chẳng biết như vậy là ăn vụng. “Chó treo, mèo đậy” mà!). Nhưng đến bữa chẳng bao giờ mụ vắng mặt. Hôm ấy, không có mẹ trông chừng, miu con vẫn ăn bình thường. Ăn xong đi nằm. Mãi vẫn chẳng thấy mèo mẹ đâu. Đang có “dịch” ăn “thịt hổ đồng bằng”- tên dân nhậu gọi thịt mèo. Nảy nòi ra những kẻ chuyên săn trộm mèo bán cho các quán “đặc sản”. Chẳng lẽ con mèo-mẹ đã sa cơ ? Không! Cũng còn may! Chập tối hôm sau, thấy mèo mẹ len lén dẫn thân về. Nhưng nom thảm thê quá. Lông trên mình, chỗ xù ra, chỗ bết lại. Trán toạc máu. Tai trái bị rách. Chừng mèo ta vừa trốn thoát từ một chỗ nhốt bất lương nào đấy. Thật là từ cõi chết trở về! Vừa về tới, mẹ đã đến liếm mặt con. Cô con đứng yên lim dim mắt đón sự chăm sóc, chẳng biểu lộ nét mừng nào. Giá là cô chó thì chắc là đã nhảy cẫng lên rồi.
Đêm kia, có một con rắn cạp nia lẻn vào nhà kho kề bếp. Giống này thường chỉ có mặt ở những nơi vắng con người. Chẳng biết con rắn này lạc tới từ bụi cây, bờ cỏ rậm rịt nào. Nhà có mèo nên vắng chuột, mèo mẹ chỉ đi tuần qua loa lấy lệ cho phải đạo… mèo. Nhưng mụ rất tỉnh ngủ và thính tai, thính mũi như mọi “dân” họ nhà mèo tự trọng và tự tin. Thấy động, mèo mẹ lẹ làng nhỏm dậy và rón rén đi về hướng khả nghi. Đèn canh đêm phía ngoài chỉ lọt vào mờ mờ, nhưng cặp mắt … mèo phát hiện ra ngay tên gian. Mụ ém mình lấy thế rồi nhảy tới chộp. Ban đêm, rắn chẳng rù rờ chút nào. Mèo mẹ vồ hụt bị con rắn phản công bằng cú mổ ghê gớm của nó. Mụ gào lên, né mình, lại xông vào. Cuộc xáp chiến quyết liệt. Mèo thoăn thoắt nhảy, vừa tránh đòn, vừa tìm cách chộp cổ địch thủ. Rắn thì oằn mình quăng quật, vừa sử dụng cái “truỳ” đầu mang chết chóc, vừa rình thời cơ để lẩn. Mèo mẹ gào liên hồi. Chẳng biết có phải do thói quen của họ nhà mèo, hoặc tự động viên mình để tăng nhuệ khí, hoặc dùng võ mồm để nát đối phương cho mất tinh thần. Miu con biết mẹ đi xuống nhà dưới, nhưng nó vẫn tiếp tục ngủ lơ mơ. Sau nghe ồn quá, chị chàng mới tới xem sao. Thoạt đầu, nó tưởng chỉ là một trò mới của mẹ, nghĩ có nên tham dự không hay là về ngủ lại. Sau, nó hiểu là có sự gì lôi thôi đây, phải giúp mẹ một chân. Nhưng cô nàng chỉ làm mẹ vướng. Lại còn tạo thêm mối lo cho mẹ: lớ ngớ như nó thì ngon làm mồi cho cú mổ của kẻ địch. Một chân mèo mẹ đã chộp được cổ rắn. Con vật vừa tròn vừa dài này quằn quại quật mình cố thoát khỏi vuốt chân mèo. Cái miệng nó há ra sẵn sàng đớp. Đúng lúc ấy, cô miu lại xớ rớ trong tầm mổ của nó. Mèo mẹ vội vàng lấy đầu hất con ra. Mụ hơi sểnh chân một tí, con rắn thừa dịp bật khỏi cái “gọng kìm” đang chịt cổ, và nhanh như chớp phóng một “mũi tiêm” nọc độc trúng mèo mẹ. Mèo ta cảm thấy nhói đau nơi mũi. Hăng lên, mụ sấn tới ngoạm chặt cổ rắn. Con bò sát quăng mình quấn mấy vòng quanh cổ đối phương. Răng mèo càng lúc càng cắm sâu vào thịt rắn, và vòng thân rắn càng lúc càng thít chặt cổ mèo. Khi người trong nhà đoán ra là đã có chuyện xuống xem thì con mèo mẹ chỉ còn thoi thóp. Con miu, con nó, luẩn quẩn bên cạnh ngước nhìn người kêu “me…e..eo” một tiếng khẽ và dài nghe thật buồn trong khung cảnh ấy. Bà nội ra lệnh phải cố cứu con vật dũng cảm và tội nghiệp, nhưng nó không tỉnh lại. Người thì đoán nó chết do bị nghẹt thở. Người thì cho là do nọc rắn. Trên chót mũi nó còn găm lại hai cái vỏ bọc răng đặc trưng của loài rắn độc. Thương thay! Con mèo mẹ yêu chiều con biết mấy. Thiếu mẹ, con miu tha thẩn trong nhà có lúc đứng cửa ngóng ra, một lát mới quay vào (chắc nó còn nhớ phép tắc của mẹ). Xem ra cô nàng cũng không đến nỗi quá vô tâm.
Tuy nhiên, miu vẫn cứ là miu, chỉ vài ba bữa là lại chỉ ăn và ngủ, như khi còn mèo mẹ. Song, nó không đáng mặt miu -càng không đáng gọi là mèo. Nó không biết bắt chuột. Bữa nọ, một con chuột khá bự bị nhà bên đuổi đánh chạy tọt qua mũi cô miu đang đứng hóng gió ở cửa. Miu ta giật mình giơ một chân lên và … ngó theo. Trong nhà đã có ý kiến: “nuôi làm gì cái đồ ăn hại, đem bán cho quán nhậu đặc sản còn được món tiền”. Bà tôi bảo: “Người ta nuôi mèo chỉ làm vật trưng, có sao. Nhà ta nuôi cho chuột nó hãi. Từ nay, cứ gọi nó là con mãn”. Có lẽ bà còn tiếc cái mẽ “y như hổ”.