CHO CON MÙA XUÂN - truyện ngắn
sen dat 04.02.2011 00:55:24 (permalink)
CHO CON MÙA XUÂN - truyện ngắn
Nguyễn Minh Trân
 
Loan cầm xấp vé số vừa đi vừa thở hổn hển nhưng mắt vẫn không ngừng quan sát chung quanh. Mệt quá! Còn mười lăm tấm vé mà nãy giờ cả hơn tiếng đồng hồ mời ai cũng không xong. Đang ỉu xìu bỗng mắt nó sáng rực lên. Có đoàn khách du lịch túi xách lỉnh kỉnh đang nhốn nháo trước cửa một khách sạn. Nó ù té chạy băng qua đường. Chân vừa chạm vệ đường nó đã sáp lại  đoàn khách mời rối rít:
_ Vé số đây mua đi bác ơi, chú ơi, cô ơi còn lại số đẹp không à chiều xổ rồi! Mua đi mua đi biết đâu chiều hên trúng thì sao? Mua dùm đi cô bác ơi! Mặc cho nó mời sát sạt ai cũng thờ ơ lắc đầu quay đi nói chuyện rôm rả như không hề có sự hiện diện của nó.  Bám theo một hồi mời hoài không kết quả nó quay đầu đi ngược về dãy phố ẩm thực. Trời nắng chang chang nên nó men theo các hiên nhà, tay bỗng dưng đưa lên sờ vào mặt kính mát lạnh của một cửa hàng sang trọng. Đi qua được vài bước chợt nghe có tiếng gọi giật:
_Bé ơi!
Loan quay lại thật nhanh kiếm tìm. Một người thò mặt ra khỏi cửa hàng hỏi:
_Vé số hả?
Nó gật đầu chạy lại nhưng ngập ngừng không dám bước vào. Người đàn ông ăn mặc lịch sự vẫy nó:
_Vào đây bé! Đưa vé số đây chú lựa coi!
Loan bước vào đưa nguyên xấp vé còn lại cho khách. Tuy không còn lạ lẫm bỡ ngỡ vì đã từng đi theo chơi với mấy đứa chuyên bán vé số trong xóm hồi hè năm ngoái nhưng chỉ thực sự bước vào nghề vài ngày nay do đó Loan vẫn hồi hộp mỗi khi nhìn khách lựa vé. Người đàn ông lật đi lật lại một lúc trước khi quyết định rút mười tờ, nó thở phào nhẹ nhỏm. Ông ta nhấp một ngụm cà phê rồi mới khoan thai đưa tay rờ túi tìm bóp tiền. Có tiếng tíc tắc đâu đó làm nó giật mình ngước lên nhìn. Mặt đồng hồ treo tường chỉ 1 giờ kém 15. Trời đất sao nhanh quá vậy! Giờ này chắc má nó về nhà rồi! Nó quýnh quáng không giữ nổi bình tĩnh chìa năm tấm còn lại giọng  run lên như sắp khóc:
_Chú ơi! Chú mua nốt dùm con năm tấm này nữa đi chú, con trễ học rồi nếu chú không mua con phaỉ chạy một đoạn khá xa để trả vé rồi mới đi học được. Biết đâu trong năm tấm còn lại này số hên chú trúng thì sao, chú  mua dùm con đi chú!
Người đàn ông ngước nhìn nó gật gù:
_Bán vé số mà còn nhớ tới giờ học là tốt.
Loan phân trần:
_Dạ lý ra thì ngày thường giờ này  con đã sửa soạn đi học rồi nhưng mấy bữa nay trường cho nghỉ sau khi thi học kỳ I nên con mới dám nhận vé số đi bán. Nhưng chiều nay học sinh lại phải lên trường nhận điểm thi học kỳ  sửa soạn liên hoan rồi mới được nghỉ tết luôn.
Vị khách giật năm tấm vé trên tay nó, rút tiền ra trao:
_Thôi được để chú mua cho. Đây cầm lấy tiền rồi về nhà nhanh còn lo sửa soạn đi học.
Loan cầm tờ giấy 200.000 đồng trên tay, người run lên, quá bất ngờ nó lắp bắp:
_Chú chờ chút con chạy ra bà bán thuốc lá đổi tiền thối lại cho chú nha chú!
Người đàn ông khoát tay:
_Thôi  khỏi thối, đi đi con kẻo trễ học đó!
Loan trố mắt nhìn ông ta ngơ ngác. Rồi như chợt nhớ đã quá trễ nó gật đầu chào, thoát nhanh ra khỏi cửa hàng, cắm đầu cắm cổ chạy.Trên đường về nhà hai má  nóng bừng, mồ hôi rịn ra ướt đẫm chân tóc nhưng   dường như nó quên cả mệt nhọc vì lòng đang hân hoan rộn rã. Chỉ mấy ngày thôi mà đã kiếm được chút ít rủng rỉnh có hy vọng đủ trả tiền học thêm môn ngoại ngữ, toán, văn khỏi phiền má để má nhẹ gánh được chút nào hay chút đó.
Loan đẩy cánh cửa khép hờ, lấm lét nhìn quanh, lẻn nhanh vào nhà, bỏ dép đi chân trần rón rén tót lên cầu thang hẹp và dốc đứng, thoắt một cái đã ở trên gác xép. Quơ đống sách vở nhét vào cặp khoác vội chiếc áo sơ mi trắng, xếp cẩn thận số tiền kiếm được sáng nay vào túi áo có thêu tên trường trước ngực, cài kim băng cẩn thận rồi lại lao xuống cầu thang tính tránh mặt má đi học luôn. Vừa đẩy cửa định thoát ra ngoài  thì giọng má nó cất lên sau lưng:
_Loan! đi đâu mà má về cả tiếng chưa thấy mặt vậy con?
_Dạ con đi học nhóm.
_Chứ không phải đã thi rồi sao con?
_Dạ thi rồi nhưng cô vẫn cho bài tập về làm ngày nghỉ. Ủa sao hôm nay má về sớm vậy?
_Sớm gì mà sớm! Trưa trầy trưa trật rồi! Đúng là hồi sáng má bán nhanh vì ai cũng mua xôi chè về cúng tất niên, nhưng lại phải lo đi mua đồ về nấu bún bò bán chiều nữa, má tranh thủ mấy ngày tết kiếm thêm ít để con má bằng bạn bằng bè, má không muốn Loan của má thiệt thòi hơn nữa đâu!.Thôi ra sau ăn cơm với má chứ để bụng rỗng đi học à? Không được đâu! má nấu cơm chín rồi vào ăn cho nóng rồi hẵn đi.
Loan nghe má nói xúc động không dám nhìn má nữa quay đi chạy thật nhanh ra ngoài nói vọng lại:
_ Trễ quá rồi má ơi! Hồi sáng qua nhà bạn ăn quà còn no, thôi má cứ để phần cơm đó chiều về đói con ăn sau. Thưa má con đi học.
Bà Chuyên bần thần nhìn theo bóng con hấp tấp chạy trên con đường xóm nhỏ cho đến khi khuất hẳn sau đám lá lốt.
Từ xa Loan nghe tiếng chuông reo vang. Nó tăng tốc trờ tới vượt qua cổng trường thì người giám thị cũng vừa đóng sập cửa lại. Nó chạy ù về phía các bạn cùng lớp đã nghiêm chỉnh xếp hàng. Cô giáo từ văn phòng hiệu trưởng bước ra lững thững đi lại. Cô nhìn một lượt học trò của mình, kéo tay Loan ra khỏi hàng dịu dàng nói:
_Các em vào lớp đi, còn Loan ở đây một lát, cô có chuyện riêng muốn nói với em.
Khi cả lớp đã vào chỉ còn hai người cô vuốt tóc Loan khẽ khàng hỏi:
_Má dạo này buôn bán đỡ không em?
_Dạ mấy bữa nay gần tết coi bộ bán được cô! Còn mấy tháng trước hàng họ ế ẩm lắm!
_Loan này, em biết đó năm nay là năm cuối cấp một. Phải thi lên cấp. Điểm thi của em kỳ này sút hẳn. Cô đã dặn với em là đừng ngại cứ tới nhà cô học thêm, trường hợp của em, cô không lấy tiền sao còn ngại gì mà không tới hả em?
_Thưa cô, cô hiểu rõ hoàn cảnh nhà em nên đã đóng tiền học kỳ này cho  em, nay lại còn tới nhà cô học thêm, không trả tiền em sợ các bạn cùng lớp nói là cô thiên vị, không tốt cho cô nên không dám. Má em nói  nhân dịp tết nhất tới nơi tranh thủ buôn bán nếu có đồng ra đồng vào sẽ hoàn lại tiền cho cô, rồi còn cho thêm tiền đi học tư môn toán và môn ngoại ngữ nữa đó cô! Cô ở cùng khu phố với em nên ai cũng biết cô còn mẹ già nằm liệt giường cần chăm sóc nuôi nấng không giúp được gì cho cô lại còn làm phiền thêm đâu có được!
Cô giáo xua tay:
_Không! em cũng như con cháu trong nhà, hoàn cảnh em như vậy cô giúp thôi phiền gì mà phiền! Không được nghĩ ngợi lung tung. Không được bỏ học nghe chưa? Em phải nên biết rằng nhà em tuy nghèo nhưng em còn may mắn hơn biết bao bạn khác, nhiều khi muốn cắp sách đến trường cũng không được.
_Dạ thưa cô em không nghỉ học đâu! Em mà nghỉ học em nhớ cô lắm!
Cô giáo cười tươi:
_Thiệt không đó! Cám ơn em! Thôi chúng ta vào lớp kẻo các bạn trông.
Cô giáo như thường lệ kiểm tra sĩ số học sinh rồi bắt đầu giảng giải lại bài thi. Cả lớp im phăng phắc. Chỉ có tiếng lách cách của viên phấn trắng di động trên bảng xanh. Ngón tay thon của cô lướt tới đâu những hàng chữ đều tăm tắp hiện ra tới đó. Phía dưới những trang giấy trắng được mở ra. Hàng loạt những mái đầu xanh cúi xuống nắn nót. Có làn gió hây hẩy thổi từ song cửa, Loan ngừng viết ngửng mặt lên đón gió. Suốt buổi sáng tất bật mời chào khách giữa trời oi ả, giờ ngồi đây không gian mát lạnh bình yên lời cô giáo giảng êm như ru ôi thật dễ chịu!
Trên bục cô giáo đã ngưng viết, hai tay chạm nhẹ vào nhau phủi bụi phấn. Rồi cô nhịp cây thước lên bàn gây sự chú ý:
_Các em à! Vậy là chúng ta chỉ còn một buổi học nữa thôi rồi nghỉ tết! Để buổi liên hoan ngày mai thêm vui nhộn giờ chúng ta tập hát lại hai bài mà cả lớp  đã lựa chọn tập dượt tuần trước, các em có bằng lòng không nào?
Cả lớp đồng thanh:
_Thưa cô có ạ!
Cô giáo dặn dò:
_Giờ cô hát trước một lần rồi khi nào cô hát lần nữa, bắt nhịp 2..3 thì các em hát theo nhé!
 Những cặp mắt mở to ngây thơ ngước nhìn lên bục giảng háo hức như sẵn sàng hứng trọn những lời ca của cô. Giọng cô cất lên sôi nổi thiết tha,  nắng luồn qua những khe hở của lá cây ngoài sân, lọt qua khung cửa xinh xinh sát bục giảng, những giọt trắng thánh thót nhịp nhàng nhảy múa trên  bảng xanh như đang vô tình đệm nhạc cho cô hát, rồi nắng lại lung linh nở hoa trên tà áo lụa phẳng phiu. Dáng cô mềm mại thướt tha. Bờ vai thon gầy nhẹ rung theo nhịp hát. Mái tóc đen của cô hôm nay không bới gọn mà xoã ngang vai. Ánh mắt cô mênh mông hiền dịu thỉnh thoảng lại hướng về phía Loan. Bỗng dưng Loan nghe ngập tràn niềm thương mến. Cô giáo sao giống như một thứ ánh sáng huyền dịêu mà mỗi khi nhìn lòng nó lại bình yên thư thả. Bất chợt Loan đưa tay lên ngực chạm vào túi tiền nở một nụ cười…Nếu mọi việc cứ suông sẻ như sáng nay, không những nó có đủ tiền lo học phí mà ngày 8-3 nó sẽ có tiền mua hoa hồng tặng cô để cô cài trên áo  hay trên tóc lúc ấy hẳn cô giáo sẽ còn tuyệt vời hơn nữa!  Cả lớp đã đồng thanh hát vang: “Đây Bạch Đằng giang, sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc hồng giống anh hùng nam bắc trung. Trên dòng xanh muôn sắc đua chen bóng ô, dưới đáy dòng nước ánh sáng vởn vơ nhấp nhô”  Khúc nhạc đầy hào khí nhanh chóng truyền sang Loan, nó  vỗ tay đuổi theo nhịp hát hoà chung với các bạn. Giữa muôn tiếng hát Loan thích thú khi nghe rất rõ giọng mình nổi bật lên, vút cao bay bổng hơn tất cả:“dòng nước vẫn sáng dưới trời quang đãng, từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng, dù có sấm sét bão bùng mưa nắng Đằng giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung…” Cứ thế nó say sưa hát…Bài hát chấm dứt. Những cánh tay thôi vỗ nhịp mà xếp ngoan trên bàn,. Ngưng một lát rồi cô giáo lại bắt nhịp sang bài thứ hai. Cả lớp lại hát theo “Ba sẽ là cánh chim cho con đi thật xa, mẹ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực, ba mẹ là lá chắn che chở suốt đời con…”  Từ trên bục giảng cô giáo nhìn xuống đám học trò đang ngây ngô hát, những đôi môi nho nhỏ mấp máy như những nụ hồng mới nhú mơn mởn đáng yêu làm sao! Bỗng cô khựng lại. Giữa những khuôn mặt vô tư có cô học sinh bé nhỏ cúi xuống cắn chặt vành môi để tránh không nấc lên, hai vai nhỏ bé run lên bần bật …Loan đã ngừng hát từ lúc nào và đang từ từ úp mặt  xuống bàn thổn thức… Cô giáo vẫn hát theo đám học trò nhưng đi lần xuống chỗ Loan ngồi xoa nhẹ đầu nó  như để an ủi và tỏ sự thông cảm.
+ + +
Bà Chuyên đặt gánh hàng xuống vì không thể len tiếp đi sâu vào trong chợ được nữa. Bà ngẩn người ra nhìn cảnh chen lấn của chợ tết.  Những đống dưa hấu này hồi sáng đã thấy đâu, giờ lù lù che cả tầm nhìn, những mẹt hàng trái cây đua nhau nhô ra chiếm đường đi, mọi người luồn lách xô đẩy.  Bà Chuyên thở dài  lẩm bẩm “ Giờ không biết tính sao đây?”. Đang lúng túng phân vân bỗng có ai đập nhẹ vai rồi một giọng cất lên:
_Ủa dì? Sao ra trễ vậy mà lại đứng  lơ ngơ ở đây?
Bà quay lại. Hoá ra là con nhỏ Hoa bán bánh tiêu thường ngày vẫn hay ngồi sát bên
_Thì có len vào chỗ thường ngày trong chợ đâu mà không đứng lơ ngơ?
_Dì ơi! Hôm nay có len được vào chỗ đó cũng đừng hòng bán! Chỉ có ai có tiền đóng cho ban quản lý chợ mới được phép bán. Bữa nay con đi bán dạo đồ ông Táo chứ không bán bánh tiêu.
Vừa nói nó vừa chìa cái mẹt xếp đầy vàng mã và những bộ Táo quân bằng  giấy xanh xanh đỏ đỏ…
Bà Chuyên nghe nó nói vậy hốt hoảng kêu:
_Thôi chết dì rồi! Ngồi đâu bán bây giờ?
Con Hoa nhanh nhẩu:
_Dì theo con lên chợ lầu chỗ bán đồ sida đi! Con thấy trên đó còn chỗ trống. Mau lên không thôi chút nữa lại hết chỗ.  Dì để con xách bớt đồ cho!
Vừa nói nó vừa giật lấy cái rỗ rau và bún của bà chạy te te lên trước. Bà Chuyên ngước nhìn cái cầu thang cao vời vợi mấy chuc bậc với ánh nhìn bất lực. Hai cái chân chưa bước lên đã thấy muốn rệu rã. Bà nhìn gánh hàng, một bên là cái lò than hồng trên có nồi nước lèo bự chàm dàm đang sôi, một bên là cái rổ đựng tô đũa và những thứ lỉnh kỉnh khác…Bất giác bà nhắm mắt lại khẽ rùng mình.  Kiểu này lên tới nơi không đứt hơi mới là lạ! Đang ngại ngần bỗng thấy có đứa trẻ cỡ bằng con Loan nhà bà níu tay mẹ phụng phịu chỉ trỏ đủ thứ. Khuôn mặt của đứa con thân yêu lại hiện ra.  Mệt nhọc bỗng tan biến. Bà gồng lưng nhấc gánh hàng trĩu nặng đến nỗi hai đầu đòn gánh oằn hẳn xuống, môi bậm lại gắng sức cẩn thận bước từng bước một lên những bậc thang. Cứ thế bà nhích dần lên cùng gánh hàng, mồ hôi vả ra chảy ròng ròng trên khuôn mặt khắc khổ bơ phờ cùng với nhịp thở ngày càng dồn dập hổn hển. Cuối cùng cũng lên tới chợ lầu. Bà giơ cánh tay áo lau vội mồ hôi rồi quay đầu nhìn xuống kêu thầm: Trời đất! Lên rồi nhìn xuống còn phát ớn! mà sao không đâu mình khoẻ vậy cà? Đứng lại  nghỉ chút cho tỉnh người, bà đưa mắt nhìn ra phía trước. Những tấm bạt to chất đầy quần áo trải dọc ven đường. Chợ trời Sida bữa nay huyên náo quá!.  Những tiếng rao cứ thi nhau cất lên không ngớt: “năm ngàn! năm ngàn!, mười ngàn! mười ngàn!, hai mươi ngàn! hai mươi ngàn!, ba mươi ngàn! ba mươi ngàn!…” Mọi người xúm lại chen nhau lựa đồ, chỉ cần nghe tiếng rao không phải trả giá, cứ theo túi tiền mà mua. Kẻ nhấc lên ướm thử, người bỏ xuống chê bai, giành nhau cái này cái nọ um sùm trời đất…  Lòng bà Chuyên rộn rã theo không khí chợ tết.  Dù sao ở đây cũng thông thoáng đường lại bằng phẳng. Bà vội quẩy gánh lên, tay đánh nhịp nhún nhẩy theo gánh hàng tạo lực cho bước đi dẻo dai nhẹ nhỏm hơn. Con Hoa đã đứng đợi sẵn vừa thấy bà nó vẫy lia lịa:
_ Con đây nè dì! Con xí chỗ này cho dì tuyệt lắm! Mau mau dì ơi!  À mà dì có thấy đồ sida mới đổ ra chưa? Có mấy cái còn nguyên xi hàng hiệu đàng hoàng mốt lắm, mua về nhà ngâm giặt ủi thẳng thớm là mới ke luôn, con nhắm thấy vừa cỡ bé Loan, dì  không mua uổng lắm! Bé Loan mà mặc vào bảo đảm đẹp bỏ xa diễn viên Hàn quốc đó nghen!
_Ừ nãy đi qua dì cũng thoáng thấy lát nữa bán xong con ghé đây giúp dì lựa đồ cho em nghen con, lựa cho khéo phải vừa đẹp vừa rẻ, tội nghiệp con Loan đã có đồ tết đâu!
Con Hoa hăm hở:
_Dạ dì khỏi lo con rành mua đồ Sida lắm! Thôi dì ở lại bán, con đi đây!
Vừa dứt lời nó đã hoà vào đám đông chỉ còn nghe được vài tiếng rao của nó trước khi bị chìm hẳn giữa phố chợ đông vui: “ Ba ngàn một bộ táo quân đây! Mua đi mua đi!”
Bà Chuyên vừa bày hàng ra đã có khách gọi:
-Bún bò ơi! cho ba tô đi!
_Cho bên này hai tô nữa!...Bà Chuyên dạ liên hồi, cuống quýt phục vụ khách liền tay không nghỉ, vừa múc thức ăn bà vừa nghĩ thầm:
_Ai dè lên đây không những bán chạy hơn phía dưới mà còn dễ thở không chật chội. Kiểu này mai mình cũng lên đây bán xôi chè luôn!
Bất thình lình có một giọng ai đó hớt hãi:
_ Chết cha tụi bây ơi! công an làm trật tự tới kìa! Mấy ổng cầm dùi cui, ngồi đầy nhóc một xe luôn dẹp dẹp lẹ lên!
Cả một khu chợ bán đồ Sida bỗng nhốn nháo xáo xào. Những tấm bạt quần áo được hối hả cuộn lại, bị kéo lê sền sệt dưới đất. Kẻ bán người mua ai cũng ù té chạy, có kẻ bị xô ngã sõng soài giữa đất. Những đống hàng sida to lù lù  được kéo đi nhanh như chớp, sẵn sàng xô dạt bất cứ gì ngăn trở ngáng đường chỉ để vụt thoát ra khỏi nơi bỗng chốc trở thành hiểm nguy này.  Có thứ dây nhợ hay móc sắt gì đó trong một cuộn hàng vô tình mắc phải cái quai nồi bún bò và thế là kéo theo muôn âm thanh đổ vỡ khác cũng với tiếng rú thất thanh của bà Chuyên khi bà ngã lăn mấy vòng xuống bậc tam cấp. Những người bán hàng hợp pháp tại các cửa hàng xung quanh thấy bà té chạy vội lại đỡ lên nhưng bà không thể đứng vững được mặt tái nhợt đi rồi khuỵu xuống ngất lịm.  Những người trong chợ quen biết bà Chuyên xúm lại bàn bạc  mau đưa bà  đi cấp cứu kẻo trễ quá không tốt!. Và thế là ngay lập tức bà được chở đi.
Loan đi học về vừa ló đầu vào nhà đã vội quăng cặp đó rồi hối hả chạy ra chợ hy vọng phụ má một tay, sau đó cùng má dọn hàng nè, xách hộ đồ về nè, ôi má thì mấy bữa nay sao cứ lu bu, không giúp lúc này còn giúp lúc nào nữa?.  Ra tới chợ tìm hoài không thấy má, hỏi dò một lúc Loan được một người mách lại là thấy bà gánh hàng lên chợ lầu, Loan chạy vội lên cầu thang tìm.  Vừa lên tới nơi đang đi bỗng hấy mọi người xúm lại thành một vòng lớn. Tò mò nó len vào xem. Khi nhìn thấy gánh hàng nồi, mâm lăn lóc tứ tung, tô đĩa vỡ tan sứt mẻ, nước lèo, giò heo, bún rau mỡ màng bắn tung toé. Có người đang lui cui dọn dẹp mọi thứ, hai mắt Loan mở to không thốt được lời nào rồi khi nhận ra cái ghế mẹ nó thường hay ngồi làm việc bị gẫy mất một chân nằm trơ ra đó nó hét lên:
_Má ơi! Má đâu rồi, sao vậy má, sao đổ hết trơn trọi vậy má?
Người phụ nữ đang thu xếp mọi thứ cho gọn ngừng tay chạy vội lại hỏi:
_Phải con là con má Chuyên không?
Nó gật đầu mếu máo:
_Má con đâu hả dì con sợ quá có chuyện gì vậy?
_Hồi nãy mấy ông công an chạy xe qua đường để làm trật tự ở chợ dưới, mấy đứa bán đồ sida tưởng mấy ổng tới tịch thu hàng hè nhau chạy bạt mạng nó đụng phải má con lúc đó đang ngồi bán  đổ hết nồi bún bò, làm má con té bị thương chở vô bệnh viện rồi!Thôi đừng khóc nữa con, tai bay vạ gió hoạ vô đơn chí biết sao giờ! Chắc má không sao đâu, con chờ dì thu dọn xong gởi hàng người ta rồi đưa con lên viện thăm má luôn một thể nghen con.
Tất cả mọi thứ trước mắt Loan cứ nhoà nhạt đi. Loan không nghe thấy gì nữa. Nhìn gánh hàng của má trái tim bé bỏng như muốn nát tan nổ tung thành trăm mảnh. Hai tay Loan bấu chặt lấy số tiền cài trong túi áo trước ngực khóc rưng rức. Thôi thế là hết chẳng còn ý nghĩa gì nữa! Ước mơ hy vọng hồi sáng khi bán được vé số giờ tiêu tan chỉ còn sự thất vọng ê chề và một nỗi sợ hãi túng quẫn khó khăn đang lù lù trước mắt có thể  ngăn trở việc học, không phải có thể nữa mà là chắc chắn việc học sẽ ngưng tại đây! Cô ơi! Em không thể xa cô và các bạn được! Nghĩ tới đây nó bỗng rú lên nức nở, như thể đang bị ai đánh rất đau. Mọi người xúm lại dỗ dành nhưng vô ích nó khóc mỗi lúc một to hơn tức tưởi hơn…
+ + +
Tám cầm con dao phay sắc lẻm lặng lẽ thái miếng bò bắp chốc chốc lại đưa mắt hướng về con lộ tráng nhựa phẳng phiu. Trời mới hơn bốn giờ nắng đã tắt hẳn. Những chuyến xe liên tỉnh vẫn rầm rập chạy qua nhưng chẳng có xe nào dừng lại! Chắc tại hôm nay cúp điện cả ngày quán buồn hiu, không có nhạc xập xình không tấu hài, không tivi. Bây giờ mà vẫn chưa có điện bực quá! Quán chỉ còn đám khách ở bàn giữa cà kê suốt từ trưa tới giờ. Bỗng một người trong đám hỏi vọng lại:
_Này Tám, bao giờ mới chịu ngừng tay sửa soạn khai trương khách sạn ba sao đây? Không phải nói nịnh đâu! Dạo này Tám phát tướng bảnh choẹ ra phết! Ra dáng đại gia lắm rồi đó! Còn tiếc gì mà không dẹp quách quán này cho rồi tội gì giờ còn ở đây lủi thủi một mình?. Mấy đứa nhỏ giúp việc chắc qua khách sạn hết rồi chứ gì? Khách sạn khai trương trước tết vậy Tám nhớ dành cho tụi này một phòng karaokê vào hôm mùng hai  khoảng 9 giờ tối nghen!
Tám lắc đầu:
- Nói thiệt với anh không phải Tám làm bộ đâu! Nhưng giàn karaokê của Tám trang bị toàn loại xịn không à, laị có phòng cách âm nữa nên nhiều người đã đặt  trước rồi chịu khó chờ ngày khác đi! Tám cho tụi nhỏ qua khách sạn chỉ còn Tám ở lại đây bán nốt hôm nay rồi nghỉ luôn đóng cửa để sang năm giao lại quán này cho người khác. Giọng Tám bỗng nhỏ xuống hẳn như lời tỉ tê tâm sự:
_Tám buôn bán đây lâu nay quen rồi nên vẫn nuối tiếc sao ấy khó nói lắm mấy anh à! Tám còn mong…
Nói tới đây Tám biết mình lỡ lời nên nín khe cúi xuống vờ đang chú ý thái thịt tiếp. Thật ra cuộc đời bán phở của Tám chẳng có gì để nhớ nhưng đôi lúc vẫn có những phút giây sao nó cứ khắc ghi hiện ra trong tâm trí Tám như một cuốn phim quay chậm và làm cho Tám cứ dây dứt mãi nhất là trong lúc này. Suốt mấy tháng nay Tám có ý trông một người vậy mà sao cứ bặt tăm. Tám có dò hỏi nhưng vẫn không tìm ra tông tích. Tám giận mình  sao những lúc gặp mặt không hỏi tên và địa chỉ. Cứ gọi người ta là anh Hai rồi quên luôn hỏi tên thật. Chẳng qua là do thói quen. Như Tám tên thật là Nết mà có ai biết đâu cứ gọi Tám cụt lủn. Tám mở quán phở kiêm luôn bán đồ nhậu thấm thoát đã hơn chục năm. Rời xa quê vào đây lập nghiệp bơ vơ không ai thân thích với cái thai trong bụng hậu quả của mối tình đầu cay đắng dại khờ.Lúc đầu vì tính con nhà võ, nghĩa hiệp, luôn nhẫn nhịn nên Tám gặp không ít khó khăn. Bọn đàn ông biết Tám ở xứ xa tới lạ nước lạ cái  mở quán ở đầu  hẻm  tuy nhìn ra là một giao lộ lớn nhưng vẫn vắng vẻ chỉ có khách đi đường xa ghé chút,  lại một thân một mình nên rủ nhau vào quậy phá, sàm sỡ, ăn quỵt ăn chặn tiền của Tám. Bị lừa xiểng liểng mấy lần Tám hận lắm, đâm ra nghi ngờ e dè cảnh giác khi giao tiếp với bọn đàn ông nhưng lại không muốn mất chỗ mưu sinh, thế là Tám  quyết định ra tay không tha cho bất cứ ai có ý định lợi dụng hay đe doạ tống tiền. Tên nào sàm sỡ lôi thôi  xáng ngay cho vài cái bạt tai, quơ chân tay vài cái nhẹ hều là ngã lăn cù lèo ra đất, cho biết tay gái Bình Định này! Danh tiếng Tám bỗng chốc vang xa. Khắp vùng bỗng rêu rao câu vè: “Ai vào quán phở mà coi con gái Bình Định múa roi đi quyền” Riết rồi không tên nào dám léng phéng nữa.  Ai ăn chịu thì lần sau tới phải trả rồi mới được ngồi ở quán.  Lạnh lùng khinh khỉnh coi bọn đàn ông chả ra gì nhưng Tám làm ăn vẫn cứ phất lên, quán mỗi ngày một đông khách. Thế rồi trong một lần có việc phải đi xa khi trở về lại thành phố vừa mới bước xuống bến bị bọn xe ôm chèo kéo đi theo mời trèo trẹo nhưng hỏi tới thì chém đẹp, ai đời mình là khách vừa mới mở miệng trả giá đã bị văng tục nói bóng gió tức lộn cả ruột gan, Tám xách hành lý nhất định đi bộ trong đêm tối trên xa lộ vắng người mệt cỡ nào cũng được cho cái bọn xe ôm ăn cám chứ thứ đó ăn cơm uổng! Đi được vài trăm thước Tám gặp một người chạy xe ngược chiều thấy Tám ông ta quay đầu chạy chậm lại hỏi han rất lịch lãm là Tám về đâu có cần đi xe không? Tám trả giá chỉ bằng nửa giá bọn xe ôm ở ngay bến, ông ta bằng lòng ngay lại còn đỡ hành lý cho Tám chờ Tám ngồi ngay ngắn đàng hoàng rồi mới chạy. Hôm đó Tám được chở về tận nhà chứ không bị bỏ ngay ngoài lộ rồi phải cuốc bộ một đoạn trên con đường đất như mọi lần khác. Trong lúc hỏi thăm nói chuyện Tám biết ông ta chỉ làm việc trên con đường này vào khỏang chiều tối và phải đợi khách cách bến xe một đoạn khá xa để tránh đụng độ bị thù hằn vì cho là tranh khách với bọn xe ôm đã kết bè phái với nhau đang hoạt động ngay tại bến. Đó là lần đầu tiên Tám gặp anh Hai. Khi chào từ giã Tám nhắc nhở anh Hai nhớ ghé quán Tám để Tám có dịp mời tô phở. Từ đó trở đi Tám quen anh.  Anh là vị khách Tám đặc biệt bị ấn tượng. Khi vào quán xe cứ nổ lịch bịch một hồi, luôn ngồi an phận ở góc khuất, gần chỗ Tám để nồi phở, bàn ghế chỗ đó thấp lè tè xập xệ hơn ở phía ngoài. Phong cách rất lặng lẽ, không hút thuốc uống rượu, không văng tục, không ăn chịu…Khi nào cũng gọi “phở chay” tức phở không có thịt chỉ có chút nước lèo. Hỏi sao vậy? Anh  cười buồn: "Còn sao nữa? Nghèo thì ăn cho no chứ ngon làm sao được. Ăn tô phở chay tám ngàn đồng còn kham được chứ thêm thịt vào gấp đôi thì tiền đâu mà ăn?”. Thấy anh  thật thà có sao nói vậy,  ăn xong rút tiền trả kèm theo câu cám ơn dần dà  Tám thật sự mến và tôn trọng.  Khi nào thấy bóng anh  vào quán dù rất bận Tám vẫn luôn ân cần, thi thoảng cho vào tô phở ít miếng gân bò để rồi trước khi đặt trước mặt anh, luôn khéo léo vin cớ này nọ để anh không ngại “Em bỏ miếng gân vào tô phở cho anh ăn cho khoẻ vì hôm nay  mua được mớ gân bò rẻ rề à…”
Có lẽ vì sự ân cần kỳ lạ của Tám mà dường như tuy ít nói hoặc tâm sự  anh tài xế xe ôm này  cũng có vẻ quý Tám lắm.  Cũng định bụng hôm nào có dịp rảnh anh em ngồi hàn huyên sẽ hỏi kỹ hơn về gia cảnh nhưng chưa kịp thì…đang nghĩ lan man bỗng khách gọi:
_Tính tiền đi!
Tám ngừng tay thái thịt tính nhẩm rồi lững thững đi tới bàn khách:
_Năm phở, một lòng, ba  rượu  tất cả là một trăm hai!
Nhìn đám khách quen duy nhất còn lại trong quán Tám lắc đầu ngao ngán. Tết nhất tới nơi mà còn bệ rạc quá! Mặt mày ai cũng đỏ bừng, ngồi quán gì mà muốn chảy thây ra luôn! Bọn họ có kẻ đã ngà ngà say ngồi xụi lơ trên ghế hai chân xoãi dài, tay buông lỏng,  đầu ngoẻo sang một bên,nhưng cũng có kẻ còn tỉnh táo đang hăng hái bốc những miếng lòng heo sót lại bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến phùng má trợn mắt. Đồ nhậu Tám không bỏ lên dĩa mà sắp trên lá sen hay lá chuối, khỏi mất công rửa lại tăng thêm phần bụi bụi, man mác hương vị hoang dã giang hồ lãng tử, quán Tám không phục vụ bia chỉ rượu trắng hay rượu Quốc Lủi mà thôi, làm dân nhậu càng khoái.  Một người móc tiền ra trả cười cười nhìn Tám đùa:
_Tám nè! Phải chi nhà nước còn cho đốt pháo ngày khai trương  tụi này sẽ tặng Tám một bánh pháo siêu bự dài hàng mấy chục thước để Tám treo chót vót từ lầu năm xuống tầng trệt, rồi phóng xe máy  đốt thêm pháo bông cho nó nổ tung giòn giã toe toé lửa để thiên hạ lác mắt chơi!
Tám bĩu môi nguýt dài:
_Hổng dám đâu mấy ông anh! Thiên hạ lác mắt hay chửi cho là chảnh nói xỏ nói xiên điếc lỗ tai luôn? Có ngon thì các anh cứ đi phong bì, nếu nhiều tiền quá Tám trích ra một ít làm từ thiện.
Cuối cùng bọn ăn tục nói phét cũng dắt díu nhau ra khỏi quán, Tám thở phào nhẹ nhỏm. Nhìn bọn họ Tám lại càng khắc khoải sốt ruột nhớ vị khách đặc biệt. Tám đi qua đi lại trong quán lâu lâu lại liếc nhìn vào góc khuất khắc khoải đợi chờ.  Chỉ còn vài tiếng nữa Tám sẽ rời nới đây làm ăn chỗ khác. Tám thì thầm một mình “Anh Hai ơi! Tám có được ngày hôm nay là do anh chỉ bảo vậy mà anh đi đâu không cùng chia sẻ niềm vui này với Tám?”. Trời đã nhá nhem quán vắng tanh, lại không có điện, Tám thắp  đèn dầu lên. Ngọn đèn nằm chơ vơ giữa những bàn ghế trống trơn khiến quán bỗng dưng hiu hắt lạ!. Tám nhớ lại lần cuối cùng anh Hai tới đây cũng tầm tầm đâu giờ này, hôm đó cũng vắng khách nên Tám có dịp ngồi tỉ tê kể lể là Tám sắp mua ngôi nhà lên tới mấy trăm triệu ở ngay trung tâm thành phố. Khi nghe Tám mô tả ngôi nhà sắp mua anh Hai hốt hoảng kêu lên "Mua chưa? đừng mua Tám ơi! Coi chừng bị lừa đó! Nhà đó có nhiều điều bất hợp pháp khi mua rồi chưa chắc sửa chữa gì được, không xin được giấy phép xây dựng đâu, tụi cò đất  thông đồng với chủ nhà lừa Tám vào tròng để kiếm chác đó!”
Nghe anh Hai nói vậy Tám hết hồn luôn, may có anh Hai cảnh báo trước không thôi Tám bị lừa một vố đau. Sau Tám dò hỏi thì quả đúng vậy! Bọn cò đất ôn dịch! thấy ở đâu có mùi tiền là đánh hơi chơi bẩn ngay! Cũng ngay hôm đó anh Hai nhân thể lại mách cho Tám  mua một lô đất khác của một người phải bán nhà gấp để chữa bệnh cho con nên gía  rẻ bất ngờ. Giấy tờ thủ tục làm rất nhanh suông sẻ vưà trao tay xong bỗng dưng có một đại gia nghe nói ở đâu xa cứ tìm tới quán Tám nài nỉ mua lại lô đất với giá gấp năm lần giá vừa mua mới lạ đời chứ! Lúc đầu cứ ngỡ  đang nằm mơ.  Cờ đến tay ai người đó phất.  Biết thần tài gõ cửa Tám chớp lấy thời cơ bán phăng đi cầm số tiền mua ngay một khách sạn năm tầng sửa sang lại thật sang trọng giờ sửa soạn khai trương đón khách du lịch đầu năm.  Tám bước lại gần nồi nước lèo nhìn vào góc khuất khẽ buông tiếng thở dài. Công anh Hai mách bảo chỉ dẫn vậy mà giờ lại biến đâu không trở lại cho Tám được kể chuyện Tám hoạnh tài để rồi còn hưởng hoa hồng nữa chứ! Tính có rẻ lắm thì phần anh cũng ngót nghét hai trăm triệu! Gặp tụi cò đất kiểu này Tám phải chi hoa hồng có gấp ba bốn lần chứ không ít đâu!. Nhìn vào nồi phở thấy nước vẫn sôi sùng sục nhưng than sắp tàn, Tám cúi xuống cời tro trong lò cho thoáng  rồi tiếp thêm than quạt vài nhát. Chưa gì than đã bén, hoa lửa li ti đỏ rực toe toé lấp lánh giữa cảnh trời mờ tối, liên tục nổ lách tách vô tình lấp dần đi khoảng không gian quá yên tĩnh trống trải. Đang lui cui bỗng Tám giật mình khi nghe có tiếng gọi:
_Cho tô phở chay Tám ơi!
Tám buông cái gắp than dựng phắt người lên nhìn vào góc khuất, rú lên mừng rỡ:
_Ui trời! Anh Hai ơi là anh Hai sao giờ mới tới? em trông đứng trông ngồi lâu nay…
Rồi Tám hí hửng tía lia cái miệng vừa kể lể vừa sửa soạn làm tô phở đặc biệt. Thấp thoáng sau làn hơi của nồi phở đang bốc lên vị khách ngồi trong góc khuất khuôn mặt thoáng vẻ ưu tư, nghiêm trang lặng lẽ nghe Tám nói. Cuối cùng Tám hỏi:
_Anh Hai ở đâu cho em địa chỉ mai em ghé nhà trả tiền “cò đất” rồi anh em mình tới khách sạn khai trương luôn, phần anh hai trăm triệu!
_Tám còn nhớ tới anh mà cho tiền cò thì thích quá rồi nhưng anh em với nhau giúp thôi mà  sao cho nhiều quá vậy? Có lộn không?
_Trời lộn gì mà lộn! Tám sòng phẳng lắm, luật chơi phải vậy chứ  nếu không ai làm ăn lâu dài với mình! Công của anh, Tám đâu thể phủ nhận được! Anh ở đâu?
_34 /2  hẻm sau khu chung cư Rạng Đông! Biết chỗ đó chứ hả?
_Trời đất! tưởng chỗ nào chứ chỗ đó em chạy xe qua hoài à!
Vừa nói Tám vừa lựa những miếng thịt bắp thật ngon bỏ vào tô, đang dội nước lèo lên thì bên ngoài bỗng lao xao ồn ã:
_ Cho mười tô phở đi! đói quá nhanh nhanh nghen! thắp thêm đèn  cái coi! quán gì mà tối mờ vậy nè!
Tám vội đặt tô phở trước mặt anh Hai chưa kịp hàn huyên gì thêm đã phải chạy đi phục vụ khách. Khi đang loay hoay thắp thêm ngọn đèn dầu, cả quán bỗng bừng sáng. Có điện rồi! Thế là khách lại tiếp tục tràn vào hết lượt này đến lượt khác, lăng xăng tất bật khi quay lại thì anh Hai đi mất rồi! Tám nhớ ra là mình lại chưa kịp hỏi tên nhưng không sao mai gặp lại lo gì!.
Ngày hôm sau…
Tám trả tiền rồi tươi cười đỡ cái giỏ trái cây được người bán sắp xếp gói ghém bằng thứ giấy kính trong suốt với một mảnh giấy đủ màu lấp lánh vắt ngang ghi chữ  “CUNG CHÚC TÂN XUÂN”,hí hửng đưa ra xe rồ máy chạy. Trên đường đi lòng Tám cứ hồi hộp khấp khởi sốt ruột, nhấn ga cho xe vọt lên. Chỉ một lát xe đã vòng qua khu chung cư Rạng Đông,Tám đưa mắt quan sát trước khi rẽ vào một con hẻm, chạy tà tà nhìn biển số hai bên 20, 22, 24 …. Con hẻm tuy nhỏ nhưng không khí tết xem ra vẫn tưng bừng. Có nhà đang lau kính cửa, có nhà đang bày xôi gà trái cây nhang đèn trước sân sửa soạn cúng tất niên. Tám tiếp tục chạy thêm một đoạn mắt vẫn lướt nhanh 26…28…Cuối cùng Tám buột miệng reo:” đây rồi! 34”. Tám ngừng lại,  tắt vội máy xe, ôm quà đứng trước cửa nhưng ơ kìa nhà đi đâu hết rồi? sao im lìm vậy ta hay là mình xui đến không đúng lúc chủ nhà đi vắng?. Tám ghé mắt nhìn qua rèm cửa sổ. Bên trong tối hù! Tám đưa tay gõ cửa. Không thấy ai Tám kêu to:
_Anh Hai ơi có nhà không Tám tới thăm nè!
Có tiếng chân người, đèn bật sáng cánh cửa từ từ mở ra. Một cô bé xuất hiện nhìn Tám gật đầu chào. Tám vội hỏi:
_Có anh lái xe ôm ở nhà không bé?
_Dạ cô hỏi ba con phải không?
Tám gật bừa: ờ… ờ… đúng đó! Con bé cúi xuống như cố giấu giọt nước long lanh đang ứa ra từ đôi mắt to đẹp nhưng trĩu buồn, rồi Tám mơ hồ nghe cô bé nói qua tiếng thở dài:
_Cô ơi! Ba con mất đã bốn tháng nay rồi! Ba con bị nhồi máu cơ tim cấp. Ba con đi mau lắm trở tay không kịp. Chắc cô ở xa nên không biết tin buồn này. Cô hỏi làm con cứ ngỡ như ba con chưa mất, cho đến giờ con vẫn không muốn tin là ba đã mất, mời cô vô nhà!
Nghe tới đây Tám bủn rủn cả người gói quà trên tay run lẩy bẩy mặc dù trong đầu nghĩ có lẽ mình nghe lầm số nhà. Nhưng con bé có nét mặt hiền dịu xinh xắn quá nó đang nhìn Tám đầy thân thiện khiến Tám thu hết can đảm bước vào. Con bé tiến vào trong vài bước kéo tấm rèm, một bàn thờ hiện ra…Tám bước lại sát nhìn tấm ảnh người quá cố và chữ ghi phía dưới tấm ảnh: Đoàn Văn Chuyên. Tám sững sờ: Chời! đúng anh Hai rồi! À không anh Hai Chuyên mới đúng! Tám vội đặt gói quà lên bàn xì xụp lạy. Miệng cứng lại không thể thốt lên điều gì. Thảo nào hôm qua anh Hai tới quán mà không nghe tiếng xe máy, khi hết khách lúc thu dọn chỗ anh tô phở vẫn y nguyên chỉ lạnh tanh mà thôi! Lúc đó Tám cứ ngỡ anh mắc chở khách nên phải vội đi ai dè…Tám trân trối nhìn anh Hai qua bức ảnh. Có một điều lạ Tám không còn thấy sợ hãi nữa mà nhanh chóng bình tĩnh trở lại. Anh Hai nhìn Tám như thể đang vui mừng đón chào. Không buồn như nét mặt anh hôm qua. Tám quay lại hỏi con bé:
_Con tên gì?Má con đâu có nhà không cho cô gặp được không?
_Dạ con tên Loan, má con ốm đang nằm trong phòng mời cô vào đây!
Tám theo con bé vào phòng trong. Vừa bước vào Tám giật mình. Một phụ nữ đang nằm trên giường tóc tai dã dượi mặt sưng bầm tím, một chân đang băng bột thấy khách cố gượng dậy buồn bã gật đầu chào Tám. Nhìn thấy cảnh tượng Tám hớt hải:
_Ủa má sao vậy con?
_Dạ má con bị té hôm qua ở chợ.
_Hôm qua à? Lúc mấy giờ?
_Khoảng năm giờ!
Tám chỉ kịp thốt lên: Trời! Rồi sà xuống bên người đàn bà tội nghiệp Tám sụt sịt kể lể sự tình rằng hôm qua vào lúc hơn năm giờ Tám đã gặp anh Chuyên và rằng tại làm sao từ chỗ không biết gì cả Tám lại tìm được tới đây. Người đàn bà càng nghe Tám kể lại càng khóc to hơn. Rồi bà cũng tâm sự với Tám là trước đây bà chỉ ở nhà trông con thôi nhưng từ khi chồng mất bà phải lăn lộn kiếm sống, mới đi buôn không có kinh nghiệm lúc đầu chẳng thấy lời mà còn lỗ lã rồi sinh ra nợ nần thiếu trước hụt sau. Nghe hai ngươì tỉ tê với nhau bé Loan đứng cạnh  chịu không nổi nữa   chạy lại vùi đầu vào lòng mẹ thổn thức.  Khoảng cách giữa Tám và mẹ con bà Chuyên mau chóng bị xoá nhoà. Tám ôm lấy hai mẹ con không chút ngượng ngập vỗ về an ủi như một người thân. Ba cái đầu chụm lại cùng khóc thương cho một người. Một lát sau Tám mới gượng đứng lên nói:
_Thôi giờ chị nghỉ đi, em ra thắp nhang rồi quay lại với chị ngay!
 Bà Chuyên lắc đầu quầy quậy:
_Không được! em để chị đưa em ra. Tám gạt phăng:_ Chị đau cứ nằm yên trên giường kẻo anh Hai em lo đó! Loan ơi ra thắp nhang cho ba luôn đi con!
Tám sắp trái cây ra dĩa, rút trong túi áo bọc tiền trịnh trọng đặt lên bàn thờ nhận cây nhang đã thắp đỏ đầu từ tay bé Loan sụt sùi khấn: “Anh Hai ơi! Cho Tám xin lỗi đã biết tin quá trễ. Nhưng Tám luôn có ý nguyện cầu xin một phép lạ trên cao để Tám được hội ngộ cùng anh. Chắc anh cũng biết  nên mới dẫn dắt em tới đây phải vậy hôn anh? Vậy là anh tha thứ cho Tám rồi nghen! Cũng bằng lòng với sự thoả thuận hôm qua đó nghen anh Hai! Giờ Tám chỉ xin anh thêm một điều cho Tám từ đây đến khi nhắm mắt được là người nhà của anh được bao bọc chăm sóc chị và bé Loan...”
Đứng bên cạnh,  nghe cô Tám khấn mà như đang nói chuyện nên Loan cũng bắt chước thầm thì: " Ba ơi con vẫn không muốn tin ba đã qua đời. Sao con cứ nghĩ  ba đang quanh quẩn bên con đang che chở bao bọc cho con. Bây giờ con mới hiểu tại sao mỗi lần đứng trước ảnh ba lòng con lại bình yên đến vậy! Hôm qua khi cả lớp hát bài “Cho con” con đã không cầm được nước mắt, con nhớ ba ! Từ ngày ba ra đi không ai đưa đón con, mỗi lần đến trường thấy các bạn được ba má đưa đón con lại nghe lòng nhói đau.  Việc cô Tám tới đây khiến con càng tin tưởng về tình yêu nhiệm màu của ba đối với con. Khi nào con chới với đau khổ là ba sẽ tới với con phải vậy không ba?. Con yêu ba quá ba ơi! Con yêu ba bất tận đến muôn đời…” Nói tới đây cổ họng Loan nghẹn lại… Cô Tám đứng cạnh cũng đang lặng im nhìn tấm ảnh. Rồi cô kéo nó lại sát bên. Lòng bé Loan như đang nở hoa ấm áp. Nó nhìn cô khẽ mỉm cười rồi hai cô cháu nắm chặt tay như đang truyền cho nhau cái cảm giác sung sướng hạnh phúc không thốt được nên lời.  Bên ngoài  tivi nhà ai  vang vọng khúc nhạc rộn rã:
“Xuân xuân ơi! xuân đã về! kính chúc muôn người với bao điều mong ước, trong hương xuân ta vẫy chào, kính chúc muôn nhà gặp nhiều an vui…”
Hết
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.02.2011 01:26:53 bởi sen dat >
#1
    sen dat 04.02.2011 01:37:55 (permalink)
    Nhân dịp năm mới Sen Đất xin chúc tất cả các bạn tham gia mục này một năm Tân Mão vạn sự như ý an khang thịnh vượng và sẽ có nhiều sáng tác mới phục vụ bạn đọc.  
    #2
      NgụyXưa 04.02.2011 05:16:47 (permalink)
      "Cho Con Mùa Xuân" đã được mang vào thư viện.
       
      Xin cám ơn tác giả.
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9