NHÂN QUYỀN

Tác giả Bài
tahuudinhqn
  • Số bài : 125
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 30.08.2010
NHÂN QUYỀN - 11.02.2011 13:57:55
NHÂN QUYỀN
 
                                                   Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
 
Chính phủ đầu tư xây dựng công trình Làng văn hóa 54 các dân tộc Việt Nam, ở Ngải Sơn huyện Đồng Mô, tỉnh Sơn Tây (cũ). Với 605 hecta mặt đất, và 639 hecta mặt nước. Công trình được chia làm bẩy khu vực:
1) - Khu vực các dân tộc
2) - Khu vui chơi giải trí
3) - Khu dịch vụ du lịch và tổng hợp
4) - Khu di sản văn hóa thế giới
5) - Khu cây xanh mặt nước hồ
6) - Khu công viên và bến thuyền
7) - Khu quản lý, văn phòng
Theo các phương tiện thông tin đại chúng, thì công trình này nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vừa qua, đã được khánh thành đợt một.
Chẳng biết toàn bộ công trình được chia làm mấy đợt ? Nhưng chỉ đợt một thôi, trông trên màn hình đã thấy hấp dẫn lắm rồi !
Thế là Câu lạc bộ Văn hóa – Doanh nhân Uông Bí tổ chức đi thăm quan. Ông Giám đốc Công ty vận tải xe khách Phúc Xuyên, đồng thời là Chủ tịch câu lạc bộ, điều cho một chuyến xe ca miễn phí. Và một thành viên mới của câu lạc bộ, ông chủ salon ôtô Vinh Hậu bao chi ăn uống cho cả đoàn.
Được đi du lịch đã là sung sướng rồi, lại còn được miễn phí nữa, thì ai mà chẳng vui vẻ, phấn khởi. Nhất là các thành viên hoạt động văn hóa, văn nghệ. Cái túi của bọn họ hình như lúc nào cũng… “Có vấn đề!”.
Sau bát phở điểm tâm, đoàn du khách lên đường rất sớm. Do bị lạc, nên gần mười một giờ mới đến nơi. Nhưng…khi đi náo nức bao nhiêu, thì lúc đến lại thất vọng, ngán ngẩm bấy nhiêu. Vì trước mắt chúng tôi, toàn những đồi bạch đàn trùng trùng, điệp điệp, và bạt ngàn lau lách, sim mua hoang hóa. Cùng những con đường ngược xuôi, ngang dọc, quanh co uốn lượn dưới chân đồi. Đường có đoạn còn dở dang chưa xong, nhưng không thấy có người làm. Chắc hết vốn, còn chờ… Cảnh tượng nảy khác hẳn với những gì mà trước đây các phương tiện truyền thông đã đưa tin.
Đi một lúc lâu lâu nữa mới thấy lác đác bên sườn đồi có những ngôi nhà sàn của người Thái Tây Bắc, và nhà rông, mái cao vút của các dân tộc Tây Nguyên, chúng tôi mới biết mình đã đến khu vực thứ nhất của công trình: “Khu 54 các dân tộc”. Nhưng nhà cũng chỉ là những mô hình mô phỏng. Cái đã làm xong, cái còn dang dở. Chứ chưa có vật dụng gì là tượng trưng cho sinh hoạt của con người ở trong các ngôi nhà ấy. Cho nên cũng chưa có gì để xem. Chúng tôi muốn tìm đến khu vực khác. Nhưng đồng không mông quạnh. Đường không có cột mốc và biển chỉ dẫn, mà cũng chẳng thấy ai để hỏi thăm.
Nhưng cũng hãy con may, là ở cái nơi còn rất hoang sơ này đã có hai cửa hàng ăn, trưng biển chữ lớn: “Kính chào quý khách”. Đã hơn mười hai giờ trưa. Bát phở điểm tâm từ sáng sớm đã “bốc hơi” từ bao giờ rồi. Anh thợ lái chẳng cần hỏi ý kiến trưởng đoàn, lặng lẽ đánh xe vào sân nhà hàng. Sau ít phút ở quầy lễ tân ra, Chủ tịch câu lạc bộ hỏi:
- Đoàn ta ăn gì nào? Ở đây có món thắng cố, anh em có ưng không ?
- Ô..ô.. thắng cố ! Thắng cố !
Tôi nói như reo lên. Thắng cố là một món ăn đặc hữu của người Mèo. Cũng như phiên chợ TÌNH một năm mới họp một lần của họ. Mà từ rất lâu rồi, khoảng hơn nửa thế kỷ qua, nhờ báo chí tôi đã biết tiếng. Nhưng: “Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”. Nghĩa là văn hay đã biết tiếng, nhưng chưa được thấy người tài. Ở đây là: Món ăn ngon đã biết tiếng, nhưng chưa được nếm thử bao giờ.
Thôi, các bạn thực khách ơi ! Còn đắn đo gì nữa ? Mất nửa ngày công cốc. Nhưng được đền bù bằng cái mà mình chưa biết bao giờ, chẳng phải là bõ bèn sao ?
Sách giáo khoa ngày xưa có truyện ngụ ngôn về “Cái lưỡi”. Ngon hay không cũng ở cái lưỡi. Ở khẩu vị của từng người. Nhưng thắng cố quả là: “Danh bất hư truyền”. Nó có hương vị đặc trưng riêng biệt, không giống bất cứ món ăn nào, ở các vùng miền khác trong cả nước. Được thưởng thức món thắng cố. Tôi trộm nghĩ ở đây, sau này chắc rồi mỗi năm cũng sẽ có một phiên chợ TÌNH, để nam thanh nữ tú, và cả những cặp tình nhân già về hội tụ. Chợ TÌNH ở nơi kinh kỳ ngàn năm văn hiến, chắc sẽ rất đông vui, và cũng sẽ rất…TÌNH, hơn cả Khâu Vai, Mèo Vạc.
Cơm nước xong, chúng tôi lên đường, đi xem tượng Thánh Gióng, vừa mới khánh thành nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thánh Gióng (còn gọi là Ông Gióng), là một truyện thần thoại hay vào bậc nhất của nền Văn nghệ dân gian truyền miệng của nước ta. Mà vừa đây tổ chức Unesco của Liên Hiệp Quốc đã công nhận là: “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Tượng đặt trên đỉnh đồi. Hai bên bậc đá lát lối đi dẫn lên chân tượng, trồng hai hàng tùng la hán. Tùng còn nhỏ, chỉ cao vài ba mét. Phía bên kia, sau lưng tượng, trồng một rặng tre đằng ngà vàng suộm. Tượng trưng cho những cây tre khi đuổi giặc Ân, Ông Gióng đã nhổ ở hai bên đường, dùng làm vũ khí để tiêu diệt chúng.
Sau khi đánh tan giặc Ân, đất nước đã thanh bình. Nhưng Ông không về kinh để lĩnh công Vua ban, mà phi ngựa lên quả đồi này rồi bay về Trời. Tượng ngoảnh mặt về phía Đông Bắc. Vó ngựa chồm lên, bay vào không trung. Trông thật oai hùng và dũng mãnh. Chỉ có một chút nhỏ đáng tiếc là: Đứng ở dưới nhìn lên thì đầu Ông Gióng hơi thấp hơn đầu ngựa một chút. Sao không để đầu Ông cao hơn? Vì cả Ông cũng bay, chứ đâu phải chỉ có ngựa bay.
Tượng được đúc bằng đồng. Chắc là đồng nguyên chất. Cho nên xanh ngắt một mầu. Chứ không han dỉ như tượng ở Điện Biên Phủ. Cầu mong cho bức tượng đẹp đẽ này sẽ không bao giờ han dỉ, mà mãi mãi đứng ở đây, trường tồn cùng non sông đất nước ta!
                                                        *
                                                      *    *
Trên đường về, chúng tôi ghé vào một nhà hàng đặc sản, ở thành phố Bắc Ninh. Một bữa “tiệc chim”, đã được nhà tài trợ, ông chủ salon ô tô Vinh Hậu gọi điện đặt từ trước. Ôi… thật đúng là một bữa tiệc toàn các món chim. Từ con nhỏ nhất là chim sẻ, rồi chim đa đa, và sau cùng là chim cu gáy. Được ăn thịt chim thơm, ngon, ngậy, béo, bất chợt trong tai tôi hình như lại phảng phất có tiếng chim gù trên ngọn cây, hay ở trong lồng của nhà ai đó. Mới đây thôi cù..cù..cúc..cù..cù…
Ôi chao ! Những “nghệ sỹ” cu cườm. Khi sống chúng đã chẳng tiếc công ca hát, làm vui cho cuộc sống của con người. Và khi chết chúng lại hiến dâng cho con người một món ăn khoái khẩu. Cuộc đời của chúng mới thật đúng là: “ Sống là CHO và chết cũng là CHO”. Chứ không phải: “Sống là CHO và chết cũng là TRO”, như cuộc đời của nhà thơ Tố Hữu.
Chẳng mấy khi có dịp đến quê hương của nền dân ca Quan Họ nổi tiếng. Mà tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc đã công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Cho nên không thể bỏ qua một dịp thưởng thức hiếm hoi. Bốn nghệ sỹ dân ca và một nhạc công được mời đến giúp vui cho bữa tiệc. Thế là cùng một lúc cả bốn cơ quan cảm giác của thực khách đều được dự tiệc !
Ngồi trước bàn ăn, toàn những món chim thơm phức, khiến tôi sực nhớ bài báo nói về chim, của nhà văn Võ Đắc Danh (Văn nghệ số 49, ngày 7/12/2010). Bài báo cho biết ở quận Cam nước Mỹ, có một khu vực được mệnh danh là “Thế giới của loài chim công”. Trên đường phố, hàng ngàn con tự do nhẩy múa, ca hát và kêu la inh ỏi suốt cả ngày đêm. Thậm chí chúng còn vào nhà người ta leo trèo (chữ của VDD)lên cây ngủ, hoặc nhẩy nhót, múa hát ở trước hiên nhà. Nếu ai không chịu được sự huyên náo, ồn ã đó thì chuyển đi nơi khác, chứ không được xâm phạm tới chúng. Vì luật pháp đã quy định đây là thế giới riêng của chúng.
Kể cả nếu cho chúng ăn cũng không được phép. Vì người ta sợ thức ăn của anh không bảo đảm vệ sinh, không an toàn thực phẩm. Việc ăn uống và phòng bệnh, chữa bệnh cho chúng đã có nhân viên nhà nước chăm sóc.
Mà cũng không riêng loài chim mới được luật pháp ưu ái như vậy. Cả những loài động vật khác như hươu nai, hay loài bò sát như rùa cũng được bảo vệ như vậy…
Từ Ohio đi VVest có những con đường đi xuyên qua rừng, luôn luôn thấy những biển báo giao thông, vẽ hình con nai đang chồm tới để người lái xe đề phòng. Nhưng rồi cũng không ít những trường hợp ách tắc giao thông đã xẩy ra.
Có lần người tham gia giao thông gặp một con rùa bò qua đường. Tất cả xe ở hai đầu đường đều phải dừng lại, chờ con rùa bò xong mới được đi. Nếu gạt nó ra bên đường, hay bắt nó bỏ vào trong rừng để lấy lối đi, là vi phạm đến quyền tự do của nó. Pháp luật không cho phép.
Vậy là trong tay anh đang có phương tiện đi lại, nhanh vào hàng thứ nhì (sau máy bay) của con người. Nhưng vẫn phải lùi bước trước con vật có tốc độ dịch chuyển chậm nhất hành tinh !
Mất tự do thế, mà người ta vẫn mênh danh là “Thế giới tự do”. Có lẽ đó là thứ tự do cho loài vật, chứ không phải là tự do cho con người. Vì cái quyền của con người ở quận Cam và Ohio có bằng con rùa và con chim công đâu ! Thế mà người ta vẫn lớn tiếng chỉ chích chúng ta là “Vi phạm nhân quyền”. Rõ là “Nói người mà chẳng ngẫm đến ta” !
Phải. Sống như chúng ta đấy mới thật sự là “Tự do” và “Nhân quyền”. Vì chúng ta có thể bắt tất và xơi tất, chẳng kể gì chim muông, cầm thú, cò vạc, chó mèo, cầy cáo, hươu nai, hùm beo, rắn rết gì gì…chúng ta cũng đều biến chúng thành “đặc sản” tất. Mặc dù hầu hết chúng ta đều là tín đồ đạo Phật. Và ai ai cũng hiểu trái đất đang nóng lên, cần phải bảo vệ động – thực vật để cân bằng sinh thái.
Nhưng đó là việc của cả loài người, và về lâu về dài. Chứ trước mắt chúng ta thì những bữa “tiệc chim” như thế này, vẫn là nguồn vui bất tận của cuộc sống./.
 
                                             Viết trong những ngày COP 16 họp ở
                                                                                                               Cancun Mexico – 12/2010
                                                                                                               Uông Bí, ngày 10/12/2010
                                                                                                                               Tạ Hữu Đỉnh