hamtuduong
-
Số bài
:
21
- Điểm: 0
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 03.02.2011
|
RE: Thuyết Định Mệnh - Tác Giả Venus - Cực Sốc !!!
-
14.02.2011 19:07:40
Lời Mở Đầu Xin chào các bạn, trước khi đọc cuốn tiểu thuyết này, mình xin kể cho mọi người về cuộc đời của mình, có thể nói nó rất đen tối nhưng mình nghĩ dù sao thì nó cũng là một đời người, không ai có thể quyết định hay biết trước mình sinh ra sẽ như thế nào, cho nên dù số phận có như thế nào đi nữa thì mình cũng vẫn chấp nhận. Khi mình viết cuốn truyện này thì mình đã trở thành một cô gái trưởng thành có địa vị và quyền lực, thế nhưng những kỉ niệm về tuổi thơ và quá khứ vẫn luôn hiện rõ trong kí ức của mình. Trong câu chuyện kể này, mình xin được giấu thông tin cá nhân và danh tính của mình và các nhân vật liên quan, còn lí do vì sao mình phải làm vậy thì mọi người đọc sẽ hiểu. Cuối cùng xin chân thành cảm ơn các bạn đã quan tâm và đọc câu chuyện này của mình. Phần 1 : Vua Bãi Rác Mình sinh ra trong một gia đình nghèo, cái nghèo ở đây không phải là nghèo chung chung mà người ta vẫn nói, mà là “nghèo đô thị” một trong những loại nghèo đang trở nên phổ biến ở các thành phố và đô thị lớn. Mình không muốn lấy cái nghèo ra để kể khổ nhưng vì nó có ảnh hưởng quan trọng đến tương lai của mình sau này nên mình vẫn nhắc đến cho mọi người hiểu. Gia đình mình có ba chị em, mình là chị cả, còn hai đứa em sinh đôi một trai một gái. Tiếc rằng khi mẹ mình mang thai hai đứa em thì bà bị cảm nặng, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy mà khi mẹ mình mang thai đến tháng thứ 8 thì đẻ non, tuy vẫn cứu được 2 đứa trẻ nhưng chúng khá yếu, phải ấp lồng để chăm sóc. Sau này chỉ có em trai là phát triển bình thường, còn em gái mình thì không nói được, có lẽ là do khi mẹ mình mang thai sức khỏe kém nên đã ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Ba mình là một người cần mẫn, chăm chỉ, cho dù làm quần quật cả ngày nhưng cũng chỉ nhận được một mức lương còm cõi, chỉ đủ nuôi sống qua ngày. Còn mẹ mình mắc bệnh phong gây biến chứng ở khớp và xương. Năm mình học lớp 3, mẹ mình đi chợ bị một tên quan chức cảnh sát say rượu lái xe ô tô đâm vào, khiến cho bà bị gẫy chân và sau này đi lại rất khó khăn, thế nhưng hắn chỉ đền cho mẹ mình một ít tiền rồi chẳng quan tâm gì nữa, gia đình mình chẳng thể làm gì được vì hắn là cảnh sát, có thể đổi trắng thành đen. Từ đó mình đã có tư tưởng căm nghét bọn cảnh sát và những người giàu có. Kinh tế gia đình mình hoàn toàn phụ thuộc vào ba. Ba mẹ mình đều là những người không được học hành, thế nhưng họ vẫn cố gắng để cho 3 chị em mình đi học, có lẽ ba mẹ mong muốn con cái có một tương lai tốt đẹp hơn chứ không tăm tối mù mịt như cuộc sống hiện nay. Được đi học đáng lẽ ra là một điều may mắn, thế nhưng đối với mình thì nó lại khác, mình không thích đi học vì mặc cảm với bạn bè. Cho dù lúc đó mình còn rất bé nhưng vẫn nhận thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, vì vậy mình rất rụt rè, ít giao tiếp và thích cuộc sống một mình. Trong suốt những năm học tiểu học, mình cố gắng học hành chăm chỉ để không thua kém bạn bè trong lớp và làm vui lòng ba mẹ. Kết quả là mình trở thành học sinh giỏi của lớp và trường. Thế nhưng mình lại chẳng cảm thấy điều đó là vinh dự cả, nhiều khi lên nhận phần thưởng còn cảm thấy tủi thân khi được cái danh hiệu “học sinh nghèo vượt khó”. “Nghèo không phải là tội, Nghèo không phải là nhục, nhưng tại sao chẳng ai muốn kết bạn với Nghèo”. Tuy được coi là sinh sống ở thành phố nhưng đâu phải cứ sống ở thành phố là có cuộc sống khá giả, nơi mình sống là vùng rìa ngoài của ngoại ô, là khu vực tập trung cộng đồng những người nghèo và tầng lớp thấp (chủ yếu là người nhập cư). Thời ấy những người thành phố gọi khu vực đó bằng cái tên cũng chẳng đẹp đẽ gì và còn có ý miệt thị, coi thường những người sống nơi đây. Sự phát triển kinh tế một cách thần tốc làm cho bộ mặt đất nước thay đổi rõ rệt, đi cùng với đó là sự phân hóa giàu nghèo, phân hóa giai cấp ngày càng trở nên sâu sắc hơn, điều đó tạo nên một nghịch lí là người giàu thì càng giàu hơn, còn người nghèo thì lại càng nghèo. Đồng hành với sự bùng nổ kinh tế là sự bùng nổ về rác thải và ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy mà khu vực mình ở đã thành một bãi rác khổng lồ, là nơi tập kết rác của cả thành phố và một số khu vực khác. Sự xuất hiện của bãi rác đã làm thay đổi khu vực mình sinh sống, tiêu cực có, tích cực cũng có. Vào những ngày nắng nóng, mùi hương nồng nàn từ bãi rác bay xa tới cả chục km, bao trùm cả một khu vực rộng lớn. Mùi hương nồng nàn đó không một từ ngữ nào có thể lột tả chính xác được, khủng khiếp như mùi của người chết bị phân hủy vậy, đó là thứ mùi mà người dân ở đây có đến chết cũng không thể quên được. Mùi hương đó mang đến sự khiếp sợ đối với con người nơi đây, thế nhưng nó lại quyến rũ lũ ruồi nhặng đến đây kiếm ăn và sinh sản. Ruồi nhặng tập trung đông đến không thể tưởng tượng nổi, chúng bay thành từng đàn đen kịt làm u ám cả bầu trời. Đầu tiên chúng tập trung ở bãi rác, sau đó thì mở rộng địa bàn hoạt động ra phạm vi xung quanh và cuối cùng là cả khu vực dân cư nơi đó. Thảm họa Ruồi là nỗi khiếp sợ lớn thứ hai sau thảm họa mùi hương của người dân nơi đây. Lũ ruồi hoạt động mọi nơi, mọi lúc, cả ngày lẫn đêm và trong mọi điều kiện thời tiết. Không có gì có thể ngăn cản sự hoạt động của chúng, có vẻ như thượng đế rất ưu ái cho khả năng sinh tồn của loài ruồi nhặng. Ruồi có mặt ở khắp mọi nơi, bất cứ chỗ nào đậu được là chúng bám vào. Từ trong nhà, ngoài sân cho đến vỉa hè, đường cái, chỗ nào cũng có mặt bọn chúng. Việc bị ruồi nhặng bâu vào người rất khó chịu, có vẻ chúng thích chọc tức con người vậy, ngay cả đến chó mèo cũng còn cảm thấy khó chịu và bức xúc khi bị lũ ruồi làm cho mất giấc ngủ. Trong bữa ăn chúng cũng không để cho người ta được yên, cứ bay vòng vèo qua mặt, có con còn táo bạo đậu cả vào giữa bát cơm cứ như nhận phần “chỗ này là của ông”. Còn trong thức ăn có lẫn ruồi cũng trở lên phổ biến, thôi thì cũng đành chấp nhận, coi như là được bổ sung chất đạm miễn phí. Nếu như trước kia người ta nói “chó ngáp phải ruồi”, thì bây giờ người ngáp phải ruồi là chuyện bình thường. Ngay cả đến mình còn bị ruồi bay lạc hướng chui tọt vào miệng, nhổ mãi không ra và mắc trong cổ họng, cuối cùng đành chấp nhận uống nước để cho nó chui tọt vào bụng. Cuộc chiến giữa con người và ruồi có lẽ chẳng bao giờ kết thúc, mặc dù con người đã tìm mọi cách để tiêu diệt chúng, kể cả là phun thuốc diệt ruồi đồng loạt nhưng hình như chẳng ảnh hưởng đến quân số và hoạt động của chúng. Hồi đó, mình có nghe một nhân viên phun thuốc diệt ruồi nói một cách hóm hỉnh rằng : “Loài ruồi là sinh vật rất thông minh, chúng hoạt động rất có tổ chức và chặt chẽ, nơi nào ruồi mới bị phun thuốc diệt xong là chúng lập tức cho quân tiếp viện tới ứng cứu và tiếp tục duy trì hoạt động, không bao giờ để lãng phí vườn không nhà trống cả”. Vì vậy mà con người nơi đây vừa tìm cách chống lại ruồi nhưng cũng dần chấp nhận sống chung với ruồi như một quy luật tự nhiên của xã hội “ở đâu có người thì ở đấy có ruồi, ở đâu có ruồi thì ở đấy có con người”. Thế nhưng bất chấp những hậu quả tiêu cực mà bãi rác gây ra thì nó lại trở thành nguồn sống để kiếm ăn qua ngày của một bộ phận cư dân nghèo nơi đây. Và cũng chính từ khi bãi rác xuất hiện, một nghề mới được hình thành và ngày càng phát triển, đó là nghề “bới rác”. Thế nhưng bất chấp những hậu quả tiêu cực mà bãi rác gây ra thì nó lại trở thành nguồn sống để kiếm ăn qua ngày của một bộ phận cư dân nghèo nơi đây. Và cũng chính từ khi bãi rác xuất hiện, một nghề mới được hình thành và ngày càng phát triển, đó là nghề “bới rác”. Thời gian đầu chỉ có vài người làm công việc này, nhưng sau đó họ rủ người thân và bạn bè cùng làm, từ đó nghề “bới rác” trở thành một nghề hót ở nơi đây. Bình thường mỗi ngày có khoảng một trăm đến hai trăm người làm công việc này, có lúc đỉnh điểm lên đến ba bốn trăm người. Công việc của những người bới rác là nhặt những đồ bỏ đi như vỏ chai, lon bia, bao tải, săm lốp, nhựa, dây điện, dây cáp, túi nilon… hay bất cứ thứ gì có thể bán được tiền. Những người làm công việc này gồm đủ mọi thành phần, lứa tuổi, có những đứa trẻ 9, 10 tuổi đã theo ba mẹ đi làm và cả những ông bà già sấp xỉ 70 tuổi vẫn cố làm lụng kiếm thêm chút đồng bạc lẻ sống qua ngày. Ba mình cũng đi làm công việc này nhưng chỉ tranh thủ lúc 3h đêm đến 6h sáng mà thôi vì lúc đó các xe chở rác tập kết về bãi nhiều nhất. Thời gian này hàng trăm con người bịt khẩu trang vây quanh các xe chở rác vừa mới đổ xuống để dùng cào bới các bao rác đã bó thành từng túi nilon lớn. Đây là công việc rất vất vả và nguy hiểm, có người đã bị đè gãy chân vì xe rác đổ vào người, vì vậy trẻ con chúng mình không được phép làm vào thời gian này. Năm mình học lớp 4, hai chị em mình đã cùng bọn trẻ con trong xóm tụ tập nhau lại cùng đi nhặt rác ở bãi để kiếm tiền phụ giúp gia đình và mua sắm sách vở. Chị em mình và bọn trẻ con chỉ có thể tranh thủ vào lúc không đi học và những ngày chủ nhật được nghỉ phép, còn lại vẫn phải chăm chỉ cắp sách đi học như bình thường. Nhặt rác ban ngày nhàn hạ hơn lúc sáng sớm vì xe chở rác không nhiều, thế nhưng bãi rác vẫn không bao giờ dưới một trăm người, cả lớn lẫn trẻ nhỏ. Bãi rác rộng lớn là vậy nhưng lòng tham của con người dường như vô đáy, họ tranh giành nhau những chỗ làm ăn tốt nhất dẫn đến những cuộc ẩu đả cãi nhau chí chóe… Bọn mình là trẻ con nên chỉ biết đứng ngoài cuộc xem mà thôi và cũng không dám tranh giành với họ. Cứ cái gì liên quan đến tiền, đến lợi ích là con người ta chẳng còn kiêng nể gì nhau hết. Một số người châm biếng nói “ý thức con người chẳng bằng con ruồi” cũng chẳng sai vì loài ruồi ở đây đông đúc hơn con người hàng tỉ lần nhưng chúng chẳng bao giờ tranh giành với nhau mà còn biết phân chia địa bàn một cách hợp lý. Mọi người đừng coi thường những con người nơi đây tranh giành nhau chỉ vì thứ rác rưởi bẩn thỉu. Mà ở các nước phương tây họ cũng tranh giành nhau thứ “của nợ” hái ra tiền này. Đặc biệt là ở thành phố cảng Napoli miền Nam nước Ý, nơi mà bọn tội phạm Mafia hoành hành, bọn chúng coi rác là mỏ vàng quý giá mang lại nguồn thu nhập khổng lồ hàng năm, kể cả là ma túy cũng không thể sánh bằng. Chính vì vậy mà ở Ý đã xảy ra cuộc khủng hoảng rác trầm trọng nhất trong lịch sử thể giới, khiến cho cả thành phố Napoli phải khốn đốn, vật lộn trong biển rác. Bãi rác thành phố thực ra cũng bị một thế lực ngầm kiểm soát và thao túng. Những khoản tiền khổng lồ mà chính quyền thành phố chi ra để xử lý rác hầu hết đều rơi vào túi của một số quan chức và công ty quản lý môi trường… Chính vì vậy rác được xử lý một cách rất cẩu thả và qua loa, không theo những quy định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ môi trường, kết quả đã gây ra ô nhiễm bầu không khí và nguồn nước ngầm cả khu vực dân cư xung quanh. Nguồn nước ngầm bị ô nhiễm dẫn đến người dân không có nước sinh hoạt, phải bỏ tiền đi mua nước của các công ty tư nhân với giá cắt cổ, cuộc sống vốn khó khăn của người dân nơi đây nay lại càng cực khổ hơn. Thương dân cực khổ vì không có nước sạch dùng, thế là mấy ông “tham quan” liền giương cao khẩu hiệu “ bằng mọi giá phải có nước sạch cho nhân dân”. Chỉ trong thời gian ngắn sau đó, mấy ông quan tham đã xin được tiền vốn từ cấp trên lên tới cả triệu đô, nhà máy nước sạch cũng được nhanh chóng xây dựng cho kịp tiến độ, không để cho dân phải chờ lâu. Khi nhà máy được khánh thành, người dân vô cùng vui sướng, hạnh phúc. Thế nhưng niềm vui sướng đó chẳng được bao lâu, nhà máy hoạt động cầm chừng và chất lượng nước ngày càng kém, chưa đầy 4 tháng sau, nhà máy ngừng hoạt động vì hỏng hóc. Sau đó, họ đưa ra đủ mọi lí do cho sự ngừng hoạt động này và cuối cùng nhà máy đóng cửa vĩnh viễn. Thế là người dân lại quay trở về với cuộc sống ngày xưa là đi mua từng thùng nước về dùng. Hồi đó mình nghe những người lớn tuổi nói rằng khi xây dựng nhà máy nước sạch đã bị mấy ông tham quan và chủ thầu xây dựng vơ vét gần hết, cuối cùng nhà máy được xây dựng cho có lệ mà thôi. Sau này mình sống và làm việc cùng cha nuôi thì mới hiểu được số tiền chi cho dự án này được chia thành rất nhiều phần, một phần biếu cho cấp trên đã kí quyết định và cấp vốn xây dựng( nếu không biếu bọn này thì họ không bao giờ kí quyết định), một phần biếu các sở nghành liên quan, một phần cho những ông “tham quan” thương dân ở địa phương đã vận động xây dựng nhà máy, một phần cho chủ thầu xây dựng dự án… và cuối cùng số tiền bé nhỏ còn lại mới được giành cho xây dựng công trình thế kỉ. Thế mới hiểu họ vận động xây dựng nhà máy nước sạch không phải vì thương dân, mà thực ra là để vơ vét tiền của nhà nước mà thôi, cứ mỗi một dự án là họ lại có tiền đút túi làm của riêng bất chấp nỗi khổ của dân chúng. Lúc đó mình còn quá nhỏ để hiểu được những vẫn đề đó, mình chỉ biết nghét “tham quan, tham nhũng” vì thấy người ta lên án, còn nó là cái gì thì mình cũng không hiểu. Sau một năm nhà máy nước sạch đóng cửa, có một công ty tư nhân đã mua lại và bỏ vốn xây dựng cơ sở vật chất, đưa nhà máy hoạt động trở lại như cũ, từ đó cuộc sống của người dân mới bớt khổ hơn. Cuộc sống của những đứa trẻ nhặt rác nơi đây cũng chẳng tốt đẹp gì, một tương lai u ám không gì sáng sủa, một số phận bấp bênh sống dựa vào sự lên xuống của rác. Tuy sống trong rác chết vùi trong rác, nhưng những đứa trẻ như mình luôn ý thức một rằng phải giữ cho con người và tâm hồn mình trong sáng, không vì rác mà bị vấy bẩn. Nhặt rác là một công việc khá vất vả, đòi hỏi phải có sức chịu đựng tốt vì luôn đối mặt với mùi hôi thối và ruồi nhặng. Thời gian đầu hai chị em mình cảm thấy rất khó chịu, chóng mặt và buồn nôn, về nhà cơm cũng chẳng muốn ăn. Thế nhưng nhìn những đứa trẻ khác trong xóm làm được thì chị em mình tự nhủ phải cố gắng hơn, quyết không để thua kém bọn nó. Sau gần hai tháng miệt mài, hai chị em mình cũng dần quen được môi trường khắc nghiệt đó. Tuy nhiên, những ngày nắng nóng và mưa phùn vẫn khiến cho tụi trẻ con chúng mình phát ớn vì khó chịu. Ngày nắng nóng thì mồ hôi nhễ nhại, nắng cháy da và mùi thối của rác bốc lên nồng nặc. Còn những ngày mưa phùn thì tồi tệ hơn, rác trở lên lấm bẩn vì dính nước mưa.. rác mà bẩn thì tụi mình cũng bẩn theo, thế là không có quần áo thay, càng khiến cho tụi mình khó chịu hơn. Có rất nhiều người tò mò hỏi về thu nhập của công việc nhặt rác, nhưng họ lại không hiểu rằng một khi làm cái nghề thấp hèn này thì không ai muốn trả lời câu hỏi đó, họ chỉ cần hiểu một điều đơn giản là công việc này giúp cho những người nghèo nơi đây đủ trang trải cuộc sống khó khăn hàng ngày. Ai cũng nghĩ đây là một nghề thấp hèn của xã hội, nhưng mọi người nơi đây thì lại quan niệm khác “không có nghề hèn, chỉ có người hèn”, vì vậy mặc kệ người ta nói gì, những người nhặt rác vẫn cứ cần cù chăm chỉ làm việc, mong tích cóp được một khoản tiền nhỏ để cho con cái sau này có một tương lai sáng sủa hơn.. Nhặt rác là công việc vất vả nhưng còn có một mối nguy hiểm tiềm ẩn mà không ai ngờ tới, đó chính là ô nhiễm, độc hại làm ảnh hưởng tới sức khỏe. Mình cũng chứng kiến nhiều người nhặt rác phải gánh chịu hậu quả và di chứng, có đôi vợ chồng cưới nhau mấy năm nhưng ba bốn lần sẩy thai, đến năm thứ 5 mới đẻ được nhưng đứa trẻ rất gầy còm, chậm phát triển.., 4 người bị phát hiện ung thư, một số người chết non không rõ nguyên nhân.., chưa kể rất nhiều người mắc các bệnh về hô hấp, da liễu... Ai cũng biết làm cái nghề này rất độc hại, nhưng họ chẳng còn con đường nào khác, rác là lựa chọn duy nhất của những con người khốn khổ nơi đây. Cho dù rác độc hại nhưng cũng chẳng mấy ai quan tâm, nghèo khổ thì chẳng bao giờ sợ chết, chỉ có bọn nhà giàu lắm tiền mới phải lo lắng điều đó. Con người cho dù sinh ra có cuộc sống sung sướng hay nghèo khổ, có thân phận cao sang hay thấp hèn.. thì khi chết đi đều được đem về an táng chung một nơi là nghĩa địa. Những vật phẩm hàng hóa của con người sản xuất ra cũng giống như vậy, cho dù đó là sản phẩm đắt giá hay rẻ tiền, cao quý hay bình dị.. nhưng một khi không còn giá trị hay không được sử dụng nữa thì cùng chung một số phận là bị người ta vất ra bãi rác.. Chính vì vậy mà ở bãi rác có tất cả mọi thứ, có thứ còn dùng được, có thứ không, có thứ người này không sử dụng được nhưng người khác lại dùng được.. tất cả đều nằm lẫn lộn với nhau. Những người nhặt rác tận dụng tất cả những gì có thể bán được tiền và cả những thứ còn sử dụng được đem về nhà dùng. Họ còn nhặt cả những thứ đồ chơi mà bọn thành phố vất đi để mang về cho con nhỏ ở nhà chơi (búp bê, gấu bông, ô tô…). Chứng kiến cảnh đó mình có cảm giác buồn khó hiểu và trong đầu đặt ra một câu hỏi lớn : “tại sao lại có sự bất công lớn như vậy, có đứa sinh ra trong giàu có được mua đồ chơi mới, còn những đứa trẻ nghèo phải dùng đồ vất đi của bọn chúng”. Tuy mình cũng ước ao có được cuộc sống giàu sang như họ, nhưng không hiểu sao mình lại có tư tưởng nghét người giàu có, còn nguyên nhân vì sao thì mình cũng không giải thích nổi.
|