Lạ miệng với mực cóc Vị ngon ngọt tươi của mực cóc khiến bạn khó để tin rằng đó là loại hải sản bình dân.
Mực cóc là tên của người dân Thắng Hải (Hàm Tân - Bình Thuận) đặt cho mực nang loại nhỏ. Do phần thân nhỏ hơn phần đầu, nên nhiều người thường nhầm loại mực này với bạch tuộc. Nếu chú ý kỹ, phần thân của mực cóc dài và dẹt chứ không ngắn, tròn như bạch tuộc.
Khá nhỏ, hình dáng lại không đẹp, vì thế nếu mực nang lớn có giá thành chót vót thì mực cóc lại rẻ (30.000đồng/kg), được xếp vào loại hải sản dành cho nhà nghèo. Song có rất nhiều lý do để đánh giá cao loại mực này.
Đầu tiên, được ngư dân đánh bắt lúc nửa đêm, sáng đưa đến chợ nên không thể chê về độ tươi. Phần thân mực, dù nhỏ nhưng nếu làm sạch, cắt thành miếng, để chung với những lát mực nang loại lớn thì người sành ăn đến mấy cũng khó phân biệt được, bởi độ dày, độ trắng của hai loại mực này không khác nhau. Khi ăn, càng khó nhận biết hơn vì độ sần sật của mực cóc không hề kém cạnh với mực nang loại lớn. Bên cạnh đó, ai thưởng thức một lần đều có cảm giác mực cóc ngọt hơn, thơm hơn, có lẽ do mực cóc gần như là mực non.
Có thể chế biến mực cóc thành rất nhiều món ăn ngon lành như "mì tôm hải sản" cho một bữa sáng vội vàng, hoặc món mực xào, mực kho cho bữa trưa.
Song món đặc biệt nhất phải chờ đến buổi chiều, sau khi mọi việc đã sắp xếp xong xuôi, trộn thêm ít muối hay ít ngũ vị hương vào đĩa mực trắng phau, thổi thêm lò than mang ra trước hiên nhà. Trong cái nắng hanh hao của buổi chiều, cái lồng lộng của gió biển, cả nhóm vừa trò chuyện, vừa để miếng mực trắng phau trên vỉ nướng, hít hà hương thơm ngạt ngào. Khi miếng mực bắt đầu cháy cạnh, hơi trở màu, rồi khô hẳn nước là vừa chín tới, chiêu thêm cốc rượu, miếng bia để thấy cái vị ngon, giòn, tươi của loại mực này càng đặc biệt.
Theo Bưu điện VN
Nguồn: giadinh.net.vn