Thi tập Ở BÊN TRỜI - Xuất bản tại Úc năm 2000 (Tâm sự người viễn xứ!)

Tác giả Bài
tramthytrang
  • Số bài : 40
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 24.02.2011
  • Nơi: NSW - Úc Đại Lợi
Thi tập Ở BÊN TRỜI - Xuất bản tại Úc năm 2000 (Tâm sự người viễn xứ!) - 27.02.2011 07:09:17
(*) Muốn chữ lớn lên hay nhỏ xuống [để dễ đọc]; xin bấm nút CONTROL và bấm dấu trừ [-] hoặc cộng [+] bên cạnh số 0 [zero].


[sm=welcome.gif]


VẦN THƠ LỮ THỨ

Xuất bản tại N.S.W - Úc Đại Lợi - năm 2000




GIỚI THIỆU


Ở BÊN TRỜI là thi tập đầu tay của Đông Hải.

Hầu hết những thi phẩm trong thi tập này được viết bằng thể cổ điển và trong những năm gần đây [1995-99], một số bài đã được đăng tải rải rác trên báo chí Việt ngữ Úc châu trong hình thức thơ xướng họa với các thi hữu vong niên...

Thi tập Ở BÊN TRỜI ; một kỷ niệm, một tâm sự được nối dài từ năm 1975 – 1999. Hôm nay, bên đời lữ thứ; tâm sự và kỷ niệm đó được gom góp lại, chọn lựa lại rồi đóng thành tập và trân trọng gởi đến bạn hữu cùng tha nhân với ước mong nhận được sự chia sẻ chân thành trong đường lữ thứ, nơi đất khách.

Trân trọng

Trọng đông năm Kỷ Mẹo.
TRẦM THY


(*)Thi tập Ở BÊN TRỜI đã được phát hành và ra mắt đồng hương tại N.S.W – Úc Đại Lợi năm 2000.


[sm=welcome.gif]

VÀO TẬP



MƠ NGÀY HẠNH NGỘ

Mưa rơi tí tách suốt canh thâu,
Năm tháng sương pha điểm mái đầu.
Tâm sự mênh mang lòng kẻ Á,
Thanh bình nhộn nhịp phố người Âu.
Thương rừng nhớ tổ – chim thôi hót,
Mất cội xa nguồn – gỗ có đau.
Dệt mãi ước mơ ngày hạnh ngộ,
Trời đêm mù mịt khói mây sầu.


ĐÔNG HẢI




SẦU LY BIỆT
(Mượn vần bài “Thăm mái nhà xưa”
của bà Kim-Y Phạm lệ Oanh)


Vẫn trải lòng ra đón thế nhân,
Tuổi theo năm tháng cũng qua dần.
Ngoảnh nhìn cát bụi bờ oan nghiệt,
Chợt thấy rêu phong bến thiện chân!
Một kiếp vương mang cùng bút mực.
Nửa đời tô điểm với thơ văn.
Tha phương ray rứt sầu ly biệt,
Dâu bể trầm luân nợ cõi trần!


ĐÔNG HẢI




NHỚ NGƯỜI XƯA
(Họa thơ “Quỳnh hoa công chúa”
của cố thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phác.)


Chim đêm buông tiếng gọi qua ngày,
Tỉnh mộng cho lòng lặng phút giây.
Mơ chút hương xưa, mơ bởi nhớ,
Tưởng vầng trăng cũ, tưởng hay say.
Nguyệt-hiên (1) một thuở thừa thi vị,
Biệt-thất (2) mấy mùa thiếu dị cây.
Ôn cố tri tân buồn viễn xứ,
Ngoài kia gió cuốn lá hoa bay.


(1)(2) Tân-Nguyệt-Hiên ở “Quỳnh Lâm Biệt Thất”
của cố thi sĩ Đông-Hồ và bà Mộng-Tuyết.

ĐÔNG HẢI




NGÀY CŨ

Chia cách nào không khỏi vấn vương,
Phong ba che khuất nẻo hồi đường.
Hương xưa chất ngất màu mưa nắng,
Ngày cũ điêu tàn phủ khói sương.
Sử sách còn ghi dòng bão tố,
Bia đời vẫn khắc nét đau thương.
Hai mươi năm dễ làm phai nhạt,
Tiếng quốc kêu khan nỗi đoạn trường!


ĐÔNG HẢI (1995)




ĐÔI BỜ

Man mác trời đêm nỗi nhớ nhà,
Mưa buồn chẳng tạnh để phôi pha.
Đèn khuya không tỏ người qua lại,
Gió lạnh vẫn lùa cảnh xót xa.
Trăng sáng có soi đầu núi Tản,
Mây ngàn còn đợi cuối sông Đà.
Rong chơi mãi chuỗi ngày ly biệt,
Hun hút đôi bờ nẻo thiết tha.


ĐÔNG HẢI




CHIỀU

Hoàng hôn nắng nhạt gió hiu hiu,
Gợi nhớ quê xưa những buổi chiều.
Tiếng võng nhà ai vang não nuột,
Giọng hò thuở ấy vẳng cô liêu.
Mờ mờ liễu rũ, chân con hạc,
Thấp thoáng rừng xa, bóng chú tiều.
Lờ lững thuyền trôi trên bến vắng,
Thôn nghèo mái rạ ngả xiêu xiêu.


ĐÔNG HẢI




Ở BÊN TRỜI
(tứ thủ liên hoàn)

1- Nỗi sầu đọng mãi tự xa xôi,
Một thoáng qua đi mất nửa đời.
Hờ hững mây bay, sông vẫn chảy,
Bâng khuâng gió thoảng, lá còn rơi.
Chiều buông vệt nắng loang niềm nhớ,
Ngày hết bầy chim xải rã rời.
Lữ thứ trông hoài về cố quận,
Ngậm ngùi thương kiếp sống bèo trôi!

2- Ngậm ngùi thương kiếp sống bèo trôi,
Khúc hát quê hương đã nhạt rồi.
Tiếng quốc lẻ đôi đêm vĩnh biệt,
Giọng hò lỡ nhịp buổi chia phôi.
Bài thơ hội ngộ bao giờ kết,
Chén rượu tao phùng ước mãi thôi.
Bến đó bờ đây xa mấy đỗi,
Nhưng mà vời vợi cố nhân ơi.

3- Nhưng mà vời vợi cố nhân ơi,
Nắng ấm bao năm khuất núi đồi.
Quê cũ điêu tàn khi tái hợp,
Làng xưa tan tác lúc chia đôi.
Giăng giăng giông bão mờ thân phận,
Mù mịt phong ba phủ kiếp người.
Tạo hóa như dần quên vũ trụ,
Bình minh chẳng đến ở bên trời.

4- Bình minh chẳng đến ở bên trời,
Bi sử còn ghi nét tả tơi.
Đọc áng văn xưa lòng thổn thức,
Kết vần thơ cổ dạ bồi hồi.
Ngàn phương mỏi cánh chim xa tổ,
Bao bận nhớ nguồn rượu đắng môi.
Trăng tiễn mây bay về chốn ấy,
Nỗi sầu đọng mãi tự xa xôi!


ĐÔNG HẢI 4/1997




MƯA ĐÊM

Ngồi nghe réo rắt tiếng mưa rơi,
Đen thẳm màu đêm phủ đất trời.
Nhớ mái nhà xưa, ngày cách biệt,
Mơ hương năm cũ, buổi chia phôi.
Thủy chung vẫn giữ tròn hai chữ,
Ân nghĩa còn ghi nặng một đời.
Kỷ niệm tràn về bên trống vắng,
Muộn phiền tâm sự cứ đầy vơi!


ĐÔNG HẢI




ĐÊM MƯA BUỒN
(Họa thơ “Mưa đêm” của Đông Hải)

Ngoài hiên mưa cứ mãi rơi rơi,
Gợi nhớ xa xăm tận cuối trời.
Đêm vắng làm tâm tư lắng đọng,
Canh tàn ôm kỷ niệm phai phôi.
Thương bờ bến ấy, thương quê mẹ,
Tiếc tháng năm kia, tiếc cuộc đời.
Réo rắt từng cơn ngoài cửa sổ,
Giọt buồn pha giọt lệ chưa vơi!


TRẦM THY (phụng họa)




NHỚ SÔNG XƯA

Trăng treo một mảnh chiếu đầu non,
Bàng bạc sương sa phủ lối mòn.
Liễu rũ như buồn cơn sóng nhỏ,
Tiêu vang tựa ngóng bóng thuyền con.
Tiếng hò se thắt lòng cô lữ,
Giọng hát vương sầu dạ sắt son.
Nhớ mãi bầu trời đêm giã biệt,
Sông kia chưa cạn, tủi đang còn!


ĐÔNG HẢI




ĐÊM TRĂNG

Bâng khuâng nỗi nhớ tối Nguyên Tiêu,
Tri kỷ xưa nay vốn chẳng nhiều.
Lá rụng ngoài song, đời lặng lẽ,
Trăng soi bên mái, cảnh đìu hiu.
Người đi xao xuyến tình cô lữ,
Kẻ ở ngậm ngùi cõi tịch liêu.
Trống vắng trải dài trên giấy mực,
Buồn trong ánh nguyệt tỏa yêu kiều!


(Đêm Nguyên Tiêu năm Bính Tý)
ĐÔNG HẢI




NỖI LÒNG
(Họa thơ “Đêm trăng”của Đông Hải)

Quạnh vắng đêm nay nhớ tiếng tiêu,
Bao năm hương cũ khát khao nhiều.
Bâng khuâng trước bóng, trăng tàn úa,
Lác đác bên thềm, mưa hắt hiu.
Bút mực vương mang ngày lữ thứ,
Nỗi lòng lắng đọng lúc cô liêu.
Gió khuya man mác sầu xa xứ,
Dáng nguyệt tha phương vẫn diễm kiều.


TRẦM THY (phụng họa)



MỘT MẢNH TÌNH

1- Lặng lẽ màn đêm phủ phố phường,
Thu tàn chất ngất nỗi tơ vương.
Tình xưa dẫu vẫn còn trong mộng,
Cảnh cũ lại không ở cuối đường.
Xao xuyến mỗi chiều buông nhạt nắng,
Ưu phiền một bến khuất mờ sương.
Gửi về bên ấy niềm tâm sự,
Đong mãi cho đầy những nhớ thương.

2. Đáo tiết đông mang giá lạnh về,
Tháng ngày lữ thứ vẫn lê thê.
Trăng nhô bên mái, sầu mơ mộng,
Mưa hắt ngoài hiên, tủi ước thề.
Viễn xứ bao năm nương đất khách,
Tha phương nửa kiếp nhớ hương quê.
Dừng chân lặng ngắm đường phiêu bạt,
Chỉ thấy sương khuya trắng cuối lề.

3. Gió lạnh ngày đông gợi với mình,
Dòng đời vẫn cuốn kiếp nhân sinh.
Trầm luân tang tóc, mùa ly loạn,
Dâu bể điêu linh, lúc thái bình.
Mấy kẻ chưa quên sầu cách biệt,
Bao người còn giữ nét nguyên trinh.
Đồng hương, chung cảnh, cùng mơ ước,
Dệt mãi cho thơm một mảnh tình.

4. Mưa đông lất phất rải trên cao,
Sương trắng như tơ quyện gốc đào.
Một cõi phai đi...không hẳn thế,
Trăm năm gẫm lại...có là bao.
Niềm thương quê cũ làm ray rứt,
Nỗi nhớ làng xưa cứ dạt dào.
Thao thức mỗi lần đêm xuống lạnh,
Ngắm đời rong ruổi, ngắm trăng sao!

5. Mưa đông rả rích bên đàng,
Sầu vương đất khách ngập tràn trong tim!


*Trầm Thy Trang, đông 1997
ĐÔNG HẢI




CHIỀU ĐÔNG

Hoa tuyết rơi rơi trải phố phường,
Chiều về chẳng thấy bóng tà dương.
Đông sang - xóm vắng buồn mưa lạnh,
Thu hết - rừng hoang phủ khói sương.
Lữ khách bâng khuâng sầu bến nhớ,
Tha nhân lặng lẽ bước bên đường.
Huyền Anh (1) gợi tủi đời luân lạc,
Bao mảnh tình chung với cố hương!


*Canberra 7/1997 (1) Huyền Anh là mùa đông
ĐÔNG HẢI




HOANG PHẾ

1- Thanh thanh trăng tỏa một khung trời,
Lấp lánh sao dời đã mấy ngôi.
Chạnh nhớ xứ mình mây vẫn phủ,
Chợt buồn đất mẹ nắng không tươi.
Quê hương đã mãi thôi mơ ước,
Nhân loại đang còn nối cuộc chơi.
Nửa thế kỷ, qua trong thác loạn,
Điêu linh tang tóc khóc pha cười.

2- Tứ phía vây quanh vạn bức tường,
Ngậm ngùi tổ quốc khóc quê hương.
Mưa sa mắt lệ mờ xuân sắc,
Nắng hạn vai gầy gánh gió sương.
Khiếp hãi nhân sinh nhìn địa ngục,
Ngây ngô thảo mộc ngắm thiên đường.
Bi thương bốn biển còn vang vọng,
Ảo ảnh quay cuồng nỗi vấn vương.

3- Để dòng sử chuyển đến ngàn sau
Tiếng khóc đêm đêm mẹ khấn cầu.
Bão tố xuân kia vương gió bấc,
Điêu tàn thu ấy phủ mưa ngâu.
Đồng hoang lũ bướm vờn hoa dại,
Phố vắng bầy dơi đón ánh thâu.
Ký ức đong đầy trong biến loạn,
Mênh mang viễn cảnh dệt tâm sầu.

4- Dáng hạc hoàng hôn bé tí teo,
Cùng mây bay khuất cuối chân đèo.
Rêu phong lối cũ con diều lượn,
Cát bụi đường xưa vó ngựa reo.
Một gánh đau thương mình vẫn quảy,
Mấy thời nghiệt ngã họ đang theo.
Trời chiều bóng ngả màu hoang phế,
Lờ lững trôi đi những cánh bèo.


ĐÔNG HẢI - 1997




TƠ VƯƠNG

Gió đưa mây đến gợi niềm thương,
Tím ngắt vườn hoang - vắng sắc hường.
Ríu rít trên cành - chim xứ lạ,
Bâng khuâng bên suối - kẻ tha phương.
Mưa rơi - nắng nhạt, vì ngăn cách,
Bão hết - trời quang, bởi lẽ thường.
Năm tháng qua đi đời chẳng đợi,
Để lòng se thắt mối tơ vương!


ĐÔNG HẢI




HOÀI HƯƠNG

Chỉ là ray rứt chẳng nguôi thôi,
Nỗi đắng niềm cay đã đủ rồi.
Bão tố cuộc đời kiên nhẫn quảy,
Thời gian mưa nắng hững hờ trôi.
Ngồi buồn nhớ mãi miền quê ngoại,
Đứng ngóng thương hoài đất nước tôi.
Cảm gió đưa hương từ chốn cũ,
Để lòng se thắt , để mặn môi.


ĐÔNG HẢI




HƯ VÔ

1- Đêm phủ lâu rồi...đã sáng chưa,
Phong ba mù mịt cuốn trong mưa.
Bên bờ vực thẳm cheo leo ấy,
Hoen ố một thời sách sử xưa!

2- Ngăn cách ngàn trùng tựa giấc mơ,
Nỗi lòng ai kết đẹp như thơ.
Bên trời dĩ vãng mênh mang gợi,
Lối cũ, quê xưa bỗng nhạt mờ.

3- Nỗi nhớ dạt dào dãy lúa xanh,
Hương quê nhè nhẹ thoảng qua mành.
Bàng hoàng chợt tỉnh trăng vừa tỏ,
Để thấy sương khuya đẫm lá cành.

4- Xuân vắng lâu rồi hỡi nhạn ơi,
Muộn phiền hoài bão vẫn chưa phơi.
Buông lơi mơ ước nhân sinh vậy,
Gẫm cái hư vô, gẫm mệnh trời.

5- Độc ẩm đêm này để biết cay,
Rượu nào chưa uống đã như say.
Bên đời kỷ niệm vương mang mãi,
Năm tháng theo cùng cánh hạc bay.

6- Năm tháng theo cùng cánh hạc bay,
Tìm đâu tuổi ngọc mất không hay.
Mộng xanh phai mãi trong mây loãng,
Tóc bạc thưa dần trước gió lay.
Bão tố vẫn về cho biển động,
Thủy chung còn đọng để thơ say.
Đường đời vốn dĩ khôn bằng phẳng,
Chỉ ngắm nhìn thôi chẳng giải bày,

7- Chỉ ngắm nhìn thôi chẳng giải bày,
Để lòng thanh thản với hôm nay.
Vần thơ cứ dệt khi chưa cạn,
Men rượu không nồng lúc đã say.
Khóm trúc vừa tàn mưa lại đến,
Hàng dương chửa lặng gió còn lay.
Tha nhân tự cổ hề đa dạng,
Ai cảm ráng chiều mây trắng bay.

8- Ai cảm ráng chiều mây trắng bay,
Bởi sầu thiên cổ phủ tương lai.
Mệnh trời đã đặt, câu thành bại,
Phận số còn mang, chữ rủi may.
Nỗi nhớ u hoài trong ánh mắt,
Niềm thương ôm ấp ở vòng tay.
Mình về ngắm đoá hoa sen tự,
Để gẫm cho đời sự đúng sai.

9- Để gẫm cho đời sự đúng sai,
Trăm năm cõi ấy vốn không dài.
Đêm thu hoa lá rơi rơi rụng,
Bên cửa trăng sao lấp lánh cài.
Nhớ áng thơ xưa mình vẫn cảm,
Quên bầu rượu cũ họ đang say.
Ngoài hiên ánh nguyệt thanh thanh tỏa,
Soi xuống mặt hồ một hoá hai.


Trầm Thy Trang 3/98
ĐÔNG HẢI




ĐÊM THU

Vỡ tổ chim bay khắp đất trời,
Thu về lặng ngắm lá hoa rơi.
Sầu theo mây quyện vầng trăng khuyết,
Hận nối đêm tàn mắt lệ vơi.
Nhớ mảnh quê xưa lòng khắc khoải,
Dệt vần thơ cũ dạ trông vời.
Xa xôi đất mẹ bên bờ ấy,
Hạ có đi rồi cũng thế thôi!


ĐÔNG HẢI




TỪ THU ẤY
(tứ thủ liên hoàn)

1/ Mỗi độ thu sang phủ cảnh đời,
Chạnh lòng một nỗi nhớ xa xôi.
Ngoài hiên trăng tỏa màu hoang dại,
Đáy dạ sầu dâng thoáng rã rời.
Hình ảnh năm xưa còn rõ nét,
Ân tình ngày cũ chẳng phai phôi.
Ngồi đây nghĩ mãi về mai hậu,
Để khóc quê mình buổi tả tơi.

2/ Để khóc quê mình buổi tả tơi,
Bão thu Ất Dậu cuốn tơi bời.
Tìm đâu một thoáng hương vương lại,
Chỉ thấy nghìn dâu hận chẳng nguôi.
Đất mẹ bia ghi dòng biến loạn,
Văn Lang sử chép đoạn bồi hồi.
Bốn ngàn năm lẻ thăng trầm trải,
Nửa thế kỷ rồi lệ vẫn rơi.

3/ Nửa thế kỷ rồi lệ vẫn rơi,
Đêm hoang mưa vọng tiếng ru Hời.
Gợi buồn viễn xứ quên ngày tháng,
Lặng nhớ quê hương khuất biển khơi.
Một mảnh trăng soi bờ vực thẳm,
Bao thu gió lộng cõi chơi vơi.
Trí nhân ngã gục bên cường bạo,
Từ ấy điêu linh ngập đất trời.

4/ Từ ấy điêu linh ngập đất trời,
Bạch Tàng đem đến xót xa thôi. (*)
Cổ nhân có khóc thời rong ruổi,
Hậu thế còn mang kiếp nổi trôi.
Lời mẹ nồng nàn khi vỡ tiếng,
Điệu ru khắc khoải lúc nằm nôi.
Để trong tiềm thức ai khơi lại,
Mỗi độ thu sang phủ cảnh đời.


(*) Bạch Tàng là mùa thu.
ĐÔNG HẢI - Trầm Thy Trang 1998




BỐN ĐOẠN THƠ TÂM SỰ

1- QUẨN QUANH (1985)

Lặng nghe bão tố lộng khua mành,
Hoa lá từng hồi rớt rụng nhanh.
Rét mướt đông sang, sương phủ trắng,
Nồng nàn xuân đến, mộng trồi xanh.
Đêm thu gió rít buồn thơ thẩn,
Ngày hạ mưa rơi nghĩ quẩn quanh.
Nguyễn Trãi năm nao mài kiếm đợi,
Thời nào Nguyễn Huệ phá quân Thanh.


2- CHIẾN SĨ VÔ DANH (1986)

Rừng đêm rộn tiếng thú kêu sương,
Nghĩa sĩ mài gươm diệt bạo cường.
Sông núi tủi hờn vang tiếng gọi,
Đồng bào khắc khoải nuốt đau thương!
Phong ba vẫn đến cùng oan nghiệt,
Bão tố còn qua với máu xương.
Nối chí tiền nhân gương bất khuất,
Mong ngày trỗi dậy cứu quê hương!


3- LỐI VỀ (1995)

Một mảnh quê hương khuất bến bờ,
Cuối trời thăm thẳm ngỡ như mơ.
Vườn xưa hoa nở màu hoang vắng,
Cảnh cũ tình vương dạ thẫn thờ.
Gửi gió tâm tư người viễn xứ,
Chờ trăng sầu muộn kẻ yêu thơ.
Lối về bão tố giăng giăng phủ,
Chợt thoáng thương đau mắt lệ mờ!


4- HOÀNG HÔN (1996)

Thấm thoát thoi đưa bóng xế về,
Quãng đời xa xứ trải lê thê.
Chiều tàn hoa lá màu phai úa,
Ngày hết chim muông lướt mải mê.
Hoài bão vẫn còn vun ước nguyện,
Tha nhân như đã giũ lời thề.
Nhìn quanh chỉ thấy trời mây rộng,
Lặng ngắm hoàng hôn dạ tái tê!


Thơ rằng:

Mẹ Việt nam ơi nỗi đoạn trường,
Bốn ngàn năm lẻ lệ còn vương.
Hồn thiêng sông núi phò dân tộc,
Nung mãi trong tim chí quật cường.


ĐÔNG HẢI




LAN HOA TRANG

Năm ấy xuân sang viếng cụ Trần,
Xứ người nắng ấm trải đầy sân.
Hương xưa như bỗng về đâu đó,
Cảnh cũ dường đang hiện đến gần.
Vịnh áng thơ sầu, chào viễn khách,
Ngoạn vườn lan quí, lụy thi nhân.
Tha phương chung đoạn đường luân lạc,
Cảm chút tình quê buổi trốn Tần.(1)


(1) “trốn Tần” chữ của cụ Tú Phan trong bài “Ngẫu Phùng”
ĐÔNG HẢI (1996)




TƠ LÒNG
(Cảm đề khi đọc tập thơ ‘’Bèo Mây 3’’ của nhà thơ LỆ HOÀNG)

Ba tập Bèo Mây góp với đời,
Tơ lòng vẫn trải ý không vơi.
Ngậm ngùi tâm sự vương bên lối,
Man mác hương thơ tỏa khắp trời.
Tiếng nhạn tha phương sầu muộn gọi,
Con đò viễn xứ lững lờ trôi,
Đôi bờ một mảnh tình chưa nguội,
Nửa kiếp đau thương vắng nụ cười.


TRẦM THY - ĐÔNG HẢI




BIỂN VẪN ĐỢI CHỜ

Mây trên ngàn - mây bay, mây bay
Tình tựa như ngọn sóng vỗ bên bờ
Nghìn trùng mênh mông, dấu xưa mờ xóa
Bên đời tôi còn dư âm thôi.

Như ngàn lời thơ trong tiếng tạ từ
Theo dòng nhạc rung trên phím muộn phiền
Trong những đêm buồn ru cõi hư không
Vẫn vọng một trời bên bờ hoang vắng.

Vằng vặc trăng soi từng đợt sóng xa
Đá vẫn còn chờ như tôi đợi anh
Như bờ biển đêm nay vẫn đợi chờ
Rồi một mai mưa có về réo gọi
Mưa gọi bên trời hay mưa trong tôi.

Mây chẳng ngừng trôi - trôi theo tháng năm
Ghềnh đá trơ vơ biển vẫn mong chờ
Một cuộc tình phai, một cuộc đời dài
Dấu xưa nhạt nhòa, biển cát bao la.


TRẦM THY




BỒ TÁT
(Viết về Thanh Hải Vô Thượng Sư)

Trong chốn thế gian nhiều trái oan hệ luỵ
Từ thiên đường Ai lạc bước xuống đây
Hồng trần mù mịt mưa bay
Thương người trong chốn lưu đày hôm nay.

Đem nắng ấm cho đời thôi lạnh giá
Cõi ta bà nhân loại biết về đâu
Đưa tay cứu độ muôn loài
Bên bờ kiếp sống lạc loài vô minh.

Đem chân lý soi đường về nước Phật
Bước chân Người đi khắp chốn trần ai
“Nhìn xem! Những vết tiền thân
Của đời bể khổ mênh mông vô bờ”.

Ôi tiền kiếp! Ôi kiếp người! Vô ngã
Cám ơn Người đem nắng ấm hồn tôi
Cám ơn Người dắt tôi về
Đường xưa lưu dấu - vết mờ tiền thân.


TRẦM THY




XUÂN HOÀI
(Riêng tặng Trầm Thy - 1995)

Xuân đến rồi đi ở cuối trời,
Để làm héo úa cánh hoa tươi.
Mười năm lận đận - hai màu tóc,
Một gánh cưu mang - nửa kiếp người.
Nhớ mãi rừng xưa - chim mất tổ,
Thương hoài biển cũ - cá xa khơi.
Hương quê viễn xứ tìm đâu thấy,
Bó gối đề thơ cũng thú chơi.


ĐÔNG HẢI




XUÂN TUYẾT LỆ

Ngập ngừng khai bút gởi về đâu,
Thăm thẳm trời mây ướp mộng sầu.
Cúc trúc năm xưa gây nỗi nhớ,
Mai đào ngày cũ gợi niềm đau.
Hè đi – thu lại, cây thay lá,
Đông hết – xuân sang, tóc đổi màu.
Chẳng đợi không chờ sao cứ đến,
Bâng khuâng Tuyết Lệ với đêm thâu. (*)


(*)Tuyết Lệ là Sydney
ĐÔNG HẢI




XUÂN TRÊN ĐẤT KHÁCH
(họa thơ ‘’Xuân Tuyết Lệ’’ của Đông Hải)

Ngậm ngùi mây tiễn gió về đâu,
Sao mãi bâng khuâng nhặt trái sầu,
Xa cách nghìn trùng cho tiếc nhớ,
Chia ly đôi bến để thương đau.
Tết về đất khách hoa không thắm,
Xuân đáo quê xưa nắng nhạt màu.
Cứ đến rồi đi ta chẳng đợi,
Cảm hờn thiên cổ trải canh thâu.


TRẦM THY phụng họa




CẢM XUÂN

Ngàn trùng tâm sự gởi chim bay,
Cảm nắng xuân nào đọng đó đây.
Lối cũ đông tàn - người bước rộn,
Đường xưa Tết đến - trẻ chơi bầy.
Quê hương xa khuất mờ sương khói,
Lữ khách sầu vương ngút gió mây.
Thắp nén hương tàn lòng chất ngất,
Rượu cay say giấc mộng cuồng xoay.


ĐÔNG HẢI




XUÂN XƯA

Nước trong, liễu rũ, ánh trăng ngà,
Soi bóng nàng xuân những buổi xưa.
Thấp thoáng con thuyền trôi lờ lững,
Bổng trầm tiếng sáo vẳng xa xa.
Tao đàn - họa, xướng đưa bạn đến,
Thi hứng - rượu, trà đón khách qua.
Nghe pháo đầu năm đâu đó nổ,
Sum vầy ấm áp đượm hương hoa.


ĐÔNG HẢI




SANG CANH

Đêm xuân chim đã ngủ trên cành,
Thơ thẩn từng đàn cá lội quanh.
Vằng vặc trăng soi chân nước bạc,
Xôn xao gió thổi đỉnh non xanh.
Trời cao thăm thẳm mây trôi chậm,
Biển rộng chập chùng sóng vỗ nhanh.
Tết đến bên bờ xa khuất ấy,
Cho lòng trĩu nặng lúc sang canh!


(Giao thừa Xuân Mậu Dần tại bờ biển Wollongwong.)
ĐÔNG HẢI




KIẾP THA HƯƠNG
(Họa thơ “Sang canh” của Đông Hải)

Xuân sang hoa thắm nở đầy cành,
Nắng ấm cho đàn én lượn quanh.
Mơ mãi nhành mai chen đối đỏ,
Nhớ hoài cánh hạc xải đồng xanh.
Thương đời lữ thứ tình phai vội,
Cảm kiếp tha hương tuổi chất nhanh.
Thấm thoát hai mươi năm cách biệt,
Tết về xao xuyến trải thâu canh!


TRẦM THY phụng họa (Xuân Mậu Dần)




XUÂN QUA XỨ LẠ
(tứ thủ liên hoàn)

1- Xuân ơi xa vắng tự lâu rồi,
Đất khách vương sầu viễn xứ thôi.
Đông hết bâng khuâng nhìn én lượn,
Đêm tàn thổn thức ngắm hoa cười.
Mai đào phố cũ còn khoe sắc,
Cúc trúc vườn xưa có thắm tươi?
Thương mãi bến bờ lưu luyến ấy,
Ngậm ngùi khai bút gửi đôi lời.

2- Ngậm ngùi khai bút gửi đôi lời,
Nắn nót vần thơ cổ lẻ loi.
Chia nỗi bi thương cùng đất mẹ,
Cảm niềm hờn tủi với quê tôi.
Xuân sang cảnh cũ làm xao xuyến,
Tết đến tình xưa gợi rã rời.
Nhắn áng mây bay về bến nớ,
Để hồn lắng lại lúc chơi vơi.

3- Để hồn lắng lại lúc chơi vơi,
Sống cõi phù sinh ngắm cuộc đời.
Nghe gió miệt mài xua biển động,
Nhìn trăng thầm lặng tiễn mây trôi.
Đông đi - xuân đến, hoa đua nở,
Hè hết - thu về, lá rụng rơi.
Rón rén Thanh Dương (*) qua xứ lạ,
Bao giờ nàng mới thật lên ngôi?

4- Bao giờ nàng mới thật lên ngôi,
Tiếng thét nhân sinh vọng một thời.
Vỡ tổ chim bay đời lạc lõng,
Mất rừng hổ sống kiếp buông xuôi!
Trầm trầm lữ thứ đường hiu quạnh,
Lặng lẽ tha phương bước tả tơi.
Tống cựu - nghinh tân, còn ước mãi,
Xuân ơi xa vắng tự lâu rồi!


(*)Thanh Dương là mùa xuân
ĐÔNG HẢI Trầm Thy Trang - xuân Mậu Dần 1998




XUÂN THA HƯƠNG
(Tâm sự riêng tặng Trầm Thy)

Hoa lá trên cành phất phới bay,
Xuân sang lặng ngắm mảnh hình hài.
Bao năm tết đến - vui cùng gió,
Mấy bận đông tàn - tủi với mây.
Mỏi gối đi hoài đường viễn xứ,
Bạc đầu nhìn mãi lối trường nhai.
Nghìn sau vẫn cõi ta bà ấy,
Cạn chén rượu này để thấm say.


ĐÔNG HẢI




MỘNG CHIỀU

Giấc mộng yên lành dưới ánh dương,
Trời chiều nắng khuất mịt mù sương.
Rừng xa cánh hạc miên man xải,
Xóm nhỏ chuông chùa lặng lẽ buông.
Thương nỗi gian truân miền đất mẹ,
Sầu niềm trắc trở bến sông Tương.
Bao giờ quy lại trời nam nhạn,
Để đón xuân về với cố hương.


ĐÔNG HẢI




XUÂN ẤT MÃO

Đông tàn gợi nhớ mãi khôn nguôi,
Kỷ niệm bi thương một quãng đời.
Dạo ấy nắng vàng chưa bớt nhạt,
Năm mà mộng thắm hãy còn tươi.
Quê mình giông bão vùi mơ ước,
Đất mẹ phong ba lấp tiếng cười.
Giặc giã qua đi trong thống hận,
Chơi vơi bên ảo tưởng xa vời.


ĐÔNG HẢI




TÂM SỰ
(Họa thơ “Xuân Ất Mão” của Đông Hải)

Nỗi sầu ray rứt mãi chưa nguôi,
Một mối đau thương, một cõi đời.
Đông hết quê mình mây nắng nhạt,
Xuân về đất khách lá hoa tươi.
Tình kia chan chứa trong câu hát,
Tâm ấy vương mang ở nụ cười.
Xa cách bao năm bờ bến cũ,
Để lòng xao xuyến dạ trông vời.


TRẦM THY phụng họa (1977)




GỞI MẸ
(Mượn vần bài “Xuân Ất Mão” của Đông Hải)

Nỗi buồn xa cách chẳng hề nguôi,
Bởi đã sinh ra, sống giữa đời.
Biển rộng - công cha tô vẫn thắm,
Sông dài - nghĩa mẹ giữ luôn tươi.
Tháng ngày trôi nổi nhiều giông bão,
Mưa nắng gian truân thiếu nụ cười.
Bỉ cực, thái lai vòng chuyển vận,
Thương về Chu-Phước bến xa vời. (*)


(*) Chu Hải và Phước Tỉnh - Nhân ngày Mother’s Day 1997
TRẦM THY (NTT)




CHA

Cha ơi!
Tình cha như biển rộng
Như mặt trời tỏa ấm giữa mùa đông
Như dòng sông bồi đắp những cánh đồng
Như bóng mát một đời trong nắng hạ.

Cha ơi!
Tình cha như trăng sáng
Ánh trăng rằm giữa đêm tối mênh mông
Soi sáng cho con từ ngưỡng cửa tuổi hồng
Dắt con đón ngày bình minh tươi sáng.

Cha ơi!
Ơn cha như vũ trụ
Như hải hà trên trái đất bao la
Tạo con ra trong thương mến mặn mà
Ơn nghĩa ấy suốt đời con ghi tạc.

Cha ơi!
Ơn cha trong đáy dạ
Vẫn luôn đầy như ngọn thủy triều dâng
Vẫn muôn vàn kính mến lẫn ân cần
Thiêng liêng nhất – thiêng liêng tình phụ tử.


TRẦM THY




TRĂNG ĐÊM NAY
(kỷ niệm lần giỗ thứ 7 của mẹ)

Xóm vắng trăng khuya thiếu ánh ngà,
Sao mai lấp lánh tỉnh hồn ta.
Sương rơi mờ khuất niềm tâm sự
Gió thoảng ru buồn nỗi xót xa.
Dáng nguyệt thanh thanh sầu muộn tỏa,
Chòm mây bàng bạc thẫn thờ qua.
Đêm nay cũng tháng này năm ấy,
Nhớ cảnh em thơ khóc mẹ già.


TRẦM THY TRANG 29/11/1996




TÌNH THƠ

Chưa quen nhưng tựa mến từ lâu,
Đọc mãi vần thơ bắc nhịp cầu.
Dẫu chẳng một lần vui chén tạc,
Mà như trăm bận trải canh thâu.
Tiếng lòng chung gởi niềm tâm sự,
Đáy dạ cùng mang nỗi cảm sầu.
Chạnh nhớ Cao, Thanh thương bạn hữu, (*)
Bởi tình tri kỷ dễ tìm đâu.


(*) Cao Phong và Thanh Hương trong
‘’Nhóm Bảo Vệ Nam Phong’’ Queensland

ĐÔNG HẢI



DUYÊN THƠ - trong Brisbane Tạp Chí

Queensland nắng ấm một khung trời,
Gió quyện mây ngàn rộn khắp nơi.
Người kết tình thơ - chim kết bạn,
Duyên hoà bút mực - nước hoà khơi.
Để hương năm cũ thơm trên giấy,
Cho áng văn xưa đượm với đời.
Xướng hoạ, nhịp cầu giao cảm đẹp.
Thú vui thanh nhã - nhã mười mươi.


ĐÔNG HẢI




HỘI NGỘ

Hội ngộ lâng lâng chén rượu này,
Cuộc tàn, bầu cạn vẫn chưa say.
Tình như gói ghém cùng duyên mệnh,
Thơ đã chan hoà với gió mây.
Một buổi tao phùng - lòng vẫn nhớ,
Mười năm luân lạc - dạ không phai.
Nghìn sau tri kỷ gìn như ngọc,
Tựa mảnh trăng tròn chẳng xẻ hai.


ĐÔNG HẢI




LAN HOA TRANG TAO PHÙNG

Tình thơ vốn nặng tự xưa nay,
Tri kỷ tìm nhau nghĩa vẹn đầy.
Xướng họa đôi vần, vui với bạn,
Tơ vương nửa mối, thẹn cùng mây.
Tao phùng, nét chữ làm xao xuyến,
Hội ngộ, chén trà thấy ngất ngây.
Bao ngả đường đời chung điểm gặp,
Trăm năm nhớ mãi một ngày này.


*Làm tại Lan Hoa Trang 12/1/98
ĐÔNG HẢI




VÃN THI TRUY ĐIỆU
CỐ THI HỮU TÚ PHAN
(1)

Cụ Tú Phan ơi, cụ Tú ơi,
Sao đành từ giã thế gian rồi!
Sông đời vạn khúc, ông đà trải,
Giấy mực nghìn trang, bác bỏ rơi!
Một cõi phiêu du thôi vĩnh biệt,
Trăm năm mãn hạn phải buông xuôi!
Mênh mông nghiã bút tình thi xã,
Cụ Tú Phan ơi, cụ Tú ơi!


Trầm Thy Trang 19/8/1999
TRẦM THY và ĐÔNG HẢI
(1) Thi sĩ Tú Phan tên thật là Thẩm Tú Phan
từ trần tại Bệnh viện Canterbury N.S.W ngày
18/8/1999, hưởng thọ 80 tuổi.




BẠN TÔI(1)

Nhân sinh hưởng thọ tuổi năm mươi?
Mình đã bốn lăm với cuộc đời.
Bể khổ vô bờ, ai vẫn khóc,
Niềm đau bất tận, bạn quên cười!
Trần ai...lụy mãi trần ai ấy,
Không sắc...vương hoài không sắc ơi!
Kẻ ở, người đi luân chuyển sự,
Trước sau, nhanh chậm tại thiên thôi..!


Trầm Thy Trang 29/7/99
(1) Viết cho người bạn thân và đau khổ
trong cơn nghiệt ngã của cuộc đời.

ĐÔNG HẢI




TAN TÁC
(Nhân đọc trên báo chí Việt ngữ về
một tù nhân chính trị VN được phóng thích...)


Ảo mộng qua đi...quả lạ lùng,
Một đời tan tác cõi lao lung.
Quê hương thoi thóp bên bờ vực,
Khổng tước bi thương cạnh cửa lồng.
Nửa thế kỷ trong cơn thác loạn,
Hai mươi năm với nỗi hoài trông.
Thái lai hay thoát vòng giam hãm,
Tiếng thét, vần thơ quặn thắt lòng!


ĐÔNG HẢI




QUỲNH HOA

Nhìn quỳnh hoa nở cảm thương thay,
Tạo hóa sinh chi cảnh chóng chầy.
Nàng đến nửa khuya phô sắc thắm,
Hương bay một thoáng tỏa thân gầy.
Không chờ nắng sớm bình minh lại,
Chẳng đợi trăng tàn giã biệt ngay.
Khoe dáng kiêu sa cùng dạ nguyệt,
Màng đâu bướm lũ với ong bầy.


ĐÔNG HẢI




TỰ VỊNH
(Mười đã)

Bao năm đã cách biệt quê xưa,
Đã sống rong rêu, đã sống thừa.
Đã khóc cố hương nhiều tủi hận,
Đã sầu viễn xứ những đêm mưa.
Đã thương ngày cũ tình còn đượm,
Đã thấy hôm nay tóc đổi thưa.
Đã kết vần thơ trong nỗi nhớ,
Đã buồn thân phận, đã hay chưa!


ĐÔNG HẢI *Trầm Thy Trang 10/1997




THƯƠNG ĐAU!
(Cảm đề khi đọc bản thảo thi tập Ở BÊN TRỜI
)


Chân trời lận đận lắm thương đau,
Góc biển phiêu lưu trải nỗi sầu!
Giông tố phũ phàng trong biến cố,
Ngậm ngùi thế sự giữa vàng thau!
Lênh đênh Bèo,Nước đường xa xứ,
Bóng ngả trăng tà kiếp bể dâu!
Lữ thứ nghiên còn câu huyết thệ,
Vọng hoài bút ký gạt hồng châu!


Lidcombe 31.12.1999
BẠCH VĂN NHÀN




BÊN TRỜI CÓ NHAU
(Cảm đề khi đọc bản thảo thi tập Ở BÊN TRỜI)


Gió ru ước mộng hiu hiu
Ngước trông cố quận trăng chiều buồn tênh
Non sông nặng gánh chênh vênh
Quan hoài nửa nhớ nửa quên phận người
Trao đời một nụ hồng tươi
Dẫu cho mưa nắng bên trời có nhau!


LỆ HOÀNG




TỈNH MỘNG.
(Tặng anh chị Trầm Thy và Đông Hải
nhân ngày ghé thăm anh chị - 13.10.2006)



Qua hiên quán trọ cuộc đời.
Vết phù sinh vẩn bụi thời gian trôi.
Về qua rũ tóc sương phơi.
Giũ xiêm áo bạc một thời công danh.

Tình lơi những giọt tơ mành.
Gió đong đưa nhẹ lời thanh tiếng vàng.
Mộng đời thế thái nhân gian.
Phủi tay gác lại muôn ngàn tỉnh say.

Thoát hài nhẹ gót thang mây.
Tử sinh thoáng chỉ vài giây mơ màng.


LÊ ĐÌNH VIỄN LAN.




CHO TÔI.

Bên thơ từ thuở nằm nôi.
Mẹ yêu con hát ru hời võng đưa.
Con nằm ngủ giấc say sưa.
Thơ chung võng cứ...ầu ơ...một đời.


(Tặng anh chị TT+ĐH với căn nhà thơ - nhạc; nhà tuyệt vời.)
LÊ ĐÌNH VIỄN LAN.




NẮNG THU
(Tặng Trầm Thy + Đông Hải)

Thấp thoáng vườn thơ cánh bướm vờn,
Đan thanh ai vẽ nét hồn đơn.
Trầm tư thi hữu lòng xao xuyến
Dào dạt biển đông sóng dập dồn.
Tri kỷ tương phùng đâu dễ gặp,
Tâm đầu ý hợp mấy ai hơn.
Nhạc- thơ quấn quýt chờ thu đến,
Chắp cánh bay lên nắng chập chờn.


VIỆT NHI



Mời quý vị nhàn lãm thi tập Ở BÊN TRỜI nguyên bản qua đường dẫn: Trầm Thy Trang: Thơ

Trang chủ: www.tramthytrang.net

Trân trọng




BẠT


Nỗi niềm gởi gấm cho ai..?!

Qua thi tập Ở BÊN TRỜI - tác phẩm thi ca đầu tay của nhà thơ kiêm nhạc sĩ Đông Hải.

Đây không phải là tiếng lòng của một kiếp người lưu vong đứng trước một mệnh số, mà là nỗi niềm của cả một dân tộc từ sau cái ngày tháng tang thương máu lửa ấy.

Hôm nay, Đông Hải đã nhập cuộc chơi văn nghệ trong những ngày tháng tận năm cùng của một thế kỷ. Đây quả là một thách đố với nghiệp chướng, một món nợ khó trả, đó là món nợ văn chương và qua tâm cảm của anh đã gởi gấm trong thi tập BÊN TRỜI để nói về một quê hương tang tóc, về một chia lìa đớn đau đã kéo dài suốt bao nhiêu năm, sau ngày dứt chiến chinh.

Đây không phải là nỗi hoài vọng tội nghiệp về thân phận của một dân tộc bị vẫy vùng trong vũng lầy của chủ nghĩa mà là nỗi hoài vọng của đòi hỏi vượt thoát, mối oan khiên đã tích tụ trong tâm linh anh thành đứa con tinh thần hôm nay. Thơ Đông Hải đã gieo cho ta cả một trời thương nhớ trong lòng những kẻ tha hương lưu đầy mong gửi gấm nỗi niềm về bên kia trời quê hương. Chúng ta thử đọc bài "Ngày Cũ" của anh:


Chia cách nào không khỏi vấn vương,
Phong ba che khuất nẻo hồi đường.
Hương xưa chất ngất màu mưa nắng,
Ngày cũ điêu tàn phủ khói sương.
Sử sách còn ghi dòng bão tố,
Bia đời vẫn khắc nét đau thương.
Hai mươi năm dễ làm phai nhạt,
Tiếng quốc kêu khan nỗi đoạn trường!


Sau tháng Tư năm 1975, Đông Hải đã tiêu phí bảy năm trong trại cải tạo mà anh gọi đó là những ngày tháng chết oan, những đêm dài ác mộng, những năm tháng chịu tội trên thánh giá đời. Con chim mang tên Đông Hải đã bay thoát khỏi ngục tù quê hương, bay qua biển đông để đến được bến bờ tự do và nhập cuộc chơi văn nghệ.

Đây là cuộc dấn thân tận cùng của ý thức trước thân phận mong manh của đời người, vì chấp nhận chơi văn nghệ trên một siêu xa lộ của thế kỷ tin học. Quả là một hành động tự phóng sinh cho thân phận mình, tự trải tấm thảm thần của Aladdin và bay vào cõi trời vô biên tự tại...

Đông Hải đã chọn thi ca, lựa hành trang chữ nghĩa, một trò chơi liều lĩnh hơn trò chơi của những tên đu bay không có lưới an toàn ở bên dưới, chỉ cần một sơ sót nhỏ là ta có thể bị tan xương nát thịt, bởi vì thời gian của những kẻ sống sót sau cái tai trời ách nước ấy là cái tự do ta tìm lại được còn trân quý hơn kim cương, châu báu hơn cả bạc tiền và mọi tiện nghi vật chất.

Những bài thơ Đông Hải viết về quê hương, về thân phận mình đã nói cho ta nghe về một trang sử đời người đã đi qua, bỏ lại Ở BÊN TRỜI quê hương xa cách ngàn trùng. Tôi xin cúi đầu cảm phục lòng can đảm của nhà thơ Đông Hải khi chứng kiến anh đã chấp nhận nhập cuộc và chọn đúng cách chơi của mình, vì không đi về với lịch sử, với quê hương, với thân phận mình thì làm sao ta có thể nói lên tiếng lòng u uất của đời ta với đồng loại, nhất là với thế hệ mai sau...

Thôi! Chúng ta hãy đi vào thi tập của Đông Hải, chúng ta hãy mở rộng đôi cánh cửa của trái tim để đón nhận những dòng thơ điêu luyện và trữ tình quê hương của anh; vì thơ là con đường ngắn nhất để ta nhận diện được nhau, để ta trở về với lịch sử và thơ cũng là một cách tốt nhất để biểu lộ ý chí tự do của con người.

Đông Hải đã bước qua một giai đoạn lịch sử hoang phế đầy chông gai, để hầu mong tìm kiếm lại được tự do trọn vẹn. Chúc thơ Đông Hải bay cao và bay xa trên khắp mặt địa cầu để sưởi ấm lại những tấm lòng băng giá hôm nay.

LK - ANH TUẤN - Queensland 31-12-1999




ĐÔNG HẢI: người nghệ sĩ đa sầu đa cảm
(Cảm nghĩ khi đọc bản thảo thi tập Ở BÊN TRỜI)


Đây là những cảm nghĩ rời, vụn, chắt chiu trong tầm hiểu biết hạn hẹp của mình. Nhưng vì không muốn phụ lòng bạn hiền nên đành thưa thốt vài hàng. Xin cái nheo mắt của bạn đọc thông cảm, biết sao hơn.

Ở đời, hiểu được lòng nhân thế đâu phải chuyện dễ, huống chi là những rung cảm của một nghệ sĩ tài hoa như Đông Hải!

Tôi đã làm quen với Đông Hải qua dĩa nhạc đầu tay của anh mang tên Thu Khúc, lâng lâng với nghững âm điệu như mây theo gió một đời, một kiếp…như tình yêu là trò cút bắt dị thường, mệt vậy mà ai cũng ham yêu!

Âm điệu trong Thu Khúc ru đời bằng những vuốt ve, mơn trớn. Buồn nhưng không ảm đạm. Rời rạc nhưng không tắc nghẹn. Chán chường nhưng không tuyệt vọng…chừng ấy đã đủ đưa tên tuổi Đông Hải góp mặt trong dòng nhạc viễn xứ vốn đã khan hiếm và hạn hẹp trong cuộc sống đẩy xô trước mặt.

Sức sáng tác của Đông Hải quả thật mãnh liệt và tuyệt vời. Anh làm chóa mắt giới thưởng ngoạn bằng cuốn CD mới trình làng còn vang vang âm hưởng ngọt ngào. Mới đó, nay anh lại cho ra mắt tiếp thi tập Ở BÊN TRỜI...hầu hết những bài thơ trong thi tập này được viết bằng thể thất ngôn bát cú và xướng họa với những tên tuổi sáng chói hiện thời tại Úc.

Tôi tin chắc bạn đọc yêu thơ sẽ coi Ở BÊN TRỜI như một người bạn tri kỷ của mình.

N.S.W 24/12/1999
Thi nhạc sĩ
PHẠM QUANG NGỌC



[sm=welcome.gif]and

Mời quý vị nhàn lãm thi tập Ở BÊN TRỜI - nguyên bản - qua đường dẫn
: Trầm Thy Trang: Thơ [sm=welcome.gif]
***
Cũng trong Việt Nam Thư Quán này; mời quý vị đọc CẦU TRE LẮC LẺO - Tiểu thuyết [Tâm tư người viễn xứ] [sm=welcome.gif]
***
Trang chủ: www.tramthytrang.net[sm=welcome.gif]

Trân trọng


ĐÔNG HẢI - Nhạc[sm=welcome.gif]

ĐÔNG HẢI - Văn nghệ[sm=welcome.gif]

ĐÔNG HẢI: Vần Thơ Lữ Thứ[sm=welcome.gif]

:: Đã đưa vào TV ::
Cảm ơn bạn TTT nhiều

Việt Dương Nhân

Đa tạ V/H Việt Dương Nhân.
Tình thân
Trầm Thy Trang


Mời quý vị tham gia Diễn Đàn Dân Tộc: DiendanDanToc@yahoogroups.com
Moderator: ĐÔNG HẢI
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.11.2011 13:27:39 bởi tramthytrang >
TRẦM THY TRANG

Ngàn vàng không kết mối tri âm,
Bởi mến ngũ cung - chuộng áng trầm.
Mặc khách có duyên xin đáo lại,
Chung trà lữ thứ tải chân tâm.

Trầm Thy + Đông Hải
www.tramthytrang.net

tramthytrang
  • Số bài : 40
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 24.02.2011
  • Nơi: NSW - Úc Đại Lợi
TRẦM THY: VÀI NÉT CĂN BẢN VỀ THƠ CỔ ĐIỂN - 03.05.2011 08:33:43
(*) Muốn chữ lớn lên hay nhỏ xuống [để dễ đọc]; xin bấm nút CONTROL và bấm dấu trừ [-] hoặc cộng [+] bên cạnh số 0 [zero].

[sm=welcome.gif]

VÀI NÉT CĂN BẢN VỀ THƠ CỔ ĐIỂN


TRẦM THY

Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt tại hải ngoại nói chung và tại Úc nói riêng - sau hơn 25 năm về sắc thái đã nở rộ, tạo thành một vườn hoa đầy màu sắc rực rỡ, đó là điều đáng mừng về sự đóng góp tích cực cho nền văn học nghệ thuật nước nhà trong mai hậu.

Bài viết này, người viết muốn đặc biệt trình bày những nguyên tắc rất căn bản trong thơ cổ điển - nhân dịp thi tập Ở BÊN TRỜI được dự định để tái bản lần thứ hai.

Khi nói đến thơ - thì; ngoài hồn thơ, ý thơ (tứ thơ) người ta đặc biệt chú ý đến niêm luật của bài thơ đó nếu là thơ cổ điển (giống như khi chúng ta đánh cờ tướng - thì chúng ta cũng phải tuân theo các luật lệ ràng buộc phải có của nó, chứ chúng ta không thể cho tướng sĩ ra ngoài cung, tượng qua bên kia sông, chốt đi ngược...được). Ở đây, người viết không nhằm ủng hộ hay không ủng hộ bất kỳ một thể loại thơ nào, mà chỉ nhằm đề cập đến những chi tiết rất căn bản về thơ cổ điển mà thôi.



Trong thể loại cổ điển mà chúng ta thường gặp nhất, là những loại thơ như: thất ngôn bát cú, thất ngôn liên hoàn, thất ngôn tràng thiên, thất ngôn tứ tuyệt, thơ phân đoạn...v...v...(thơ phân đoạn là thơ gồm nhiều bài thất ngôn tứ tuyệt tạo thành; như bài “Hai sắc hoa Tigôn” của T.T.Kh chẳng hạn).

Thời tiền 75; ở bên nhà - trong chương trình Việt văn cho bậc trung học đệ nhất cấp có dạy về cách làm thơ, viết văn..v..v...và “Niêm luật, bằng trắc...” cho loại Thơ thất ngôn bát cú như sau: (B là bằng, T là trắc)

Thất ngôn bát cú vần trắc:
T T B B T T B,
B B T T T B B.
B B T T B B T,
T T B B T T B.
T T B B B T T,
B B T T T B B.
B B T T B B T,
T T B B T T B.

Thất ngôn bát cú vần bằng:
B B T T T B B,
T T B B T T B.
T T B B B T T,
B B T T T B B.
B B T T B B T,
T T B B T T B.
T T B B B T T,
B B T T T B B.

Như thế là niêm thì; câu 1 niêm với câu 8, câu 2 niêm với câu 3, câu 4 niêm với câu 5, và câu 6 niêm với câu 7 (niêm ở đây có nghĩa là giống nhau về bằng trắc) và được chia làm 4 cặp là: cặp đề (Câu 1 và 2)- cặp trạng (còn gọi là thực - câu 3 và 4)- cặp luận (câu 5 và 6) - cặp kết (câu 7 và 8) và nếu để ý thì ta thấy chữ cuối cùng của những câu một, hai, bốn, sáu và tám đều là vần bằng và chữ cuối cùng của những câu ba, năm và bảy đều là vần trắc. (trừ trường hợp trốn vần, khi trốn vần thì chữ cuối cùng của câu một không theo vần và có thể là vần trắc...v...v..hoặc Thơ phá thể thì ngược lại, tức là chữ cuối của những câu 1, 2, 4, 6 và 8 là trắc và chữ cuối của những câu 3, 5 và 7 là vần bằng ...v...v... )

Thơ thất ngôn tứ tuyệt (và dĩ nhiên cả thơ phân đoạn nữa) là loại thơ không có hai cặp câu đối ở giữa (tức là cặp trạng và cặp luận) mà chỉ dùng cặp đề và cặp kết để tạo thành mà thôi và niêm thì câu 1 niêm với câu 4, câu 2 niêm với câu 3.

(thất ngôn tứ tuyệt - Vần bằng [chữ màu xanh])

B B T T T B B,
T T B B T T B.

T T B B B T T,
B B T T T B B.
B B T T B B T,
T T B B T T B.
T T B B B T T,
B B T T T B B.




(thất ngôn tứ tuyệt - Vần trắc [chữ màu xanh])
T T B B T T B,
B B T T T B B.

BB T T B B T,
T T B B T T B.
T T B B B T T,
B B T T T B B.
B B T T B B T,
T T B B T T B.




Trong chữ Việt; những chữ mang dấu huyền và không có dấu là vần bằng, còn những chữ mang dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã và dấu nặng là vần trắc. (nghĩa là ngoài những chữ không có dấu và những chữ có dấu huyền là vần bằng, còn những chữ có những dấu còn lại là vần trắc).

Bây giờ chúng ta nói đến những điều căn bản tối thiểu cần phải giữ trong thơ cổ điển (như những luật lệ phải giữ khi đánh cờ tướng vậy):

1/ Nhất tam ngũ bất luận - nhị tứ lục phân minh: nghĩa là trong mỗi câu của bài thơ thì chữ thứ nhất, chữ thứ ba và chữ thứ năm không nhất thiết phải giữ theo luật bằng trắc. Còn những chữ thứ hai, chữ thứ bốn và chữ thứ sáu thì nhất định phải giữ theo luật bằng trắc của nó. Phải giữ như vậy trong mỗi câu thơ. (nếu cả nhất tam ngũ và nhị tứ lục đều “phân minh” thì tốt, còn không thì chỉ giữ nhị tứ lục thôi là đủ; chứ nhất tam ngũ và cả nhị tứ lục đều “bất phân minh” cả thì mình đã làm sai niêm luật của thơ cổ điển!!!)

Ta có thể lấy hai bài thơ (đã đi vào văn học sử dân tộc) của Bà Huyện Thanh-Quan làm tiêu biểu; đó là bài “Thăng Long Thành Hoài Cổ” (vần trắc) và bài “Chiều Hôm Nhớ Nhà” (vần bằng) để làm hai bài thơ mẫu; đại loại như sau:

THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ
(vần trắc)

Tạo hoá gây chi cuộc trường,
Đến nay thấm thoát mấy thu sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Nghìn sau gương soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.



Và bài “ CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ
(vần bằng)

Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống đồn.
Gác mái ngư ông về viễn phố,
sừng mục tử lại thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn chương đài người lữ thứ,
Lấy aikể nỗi hàn ôn.



Những chữ có gạch đít và in đậm là những chữ đã (phải) giữ đúng “luật bằng trắc” (nhị tứ lục phân minh). Người viết [đề nghị] dùng hai bài thơ này làm “Hai bảng mẫu” để đối chiếu niêm luật cho thơ cổ điển - vì nó dễ nhớ hơn “Hai bảng mẫu bằng trắc” (như đã ghi ở trên) và dĩ nhiên hai bài thơ này “Nhị tứ lục rất phân minh” lại ở dạng thất ngôn bát cú - chữ nghĩa, đối đáp rất vững vàng dùng để kiểm soát những bài thơ cổ điển chung quanh rất dễ dàng, nhanh chóng.

Để kiểm soát niêm luật của thơ thất ngôn tứ tuyệt (và dĩ nhiên cả thơ phân đoạn nữa) thì ta dùng cặp đề và cặp kết của “hai bảng thơ mẫu” này. Ta hãy thử đọc lại một vài đoạn trong bài “Hai Sắc Hoa Tigôn” của T.T.Kh:

Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn,
Nhặt cánh hoa rơi, chẳng thấy buồn.
Nhuộm ánh nắng qua mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu thương.
...

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi.
từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim một bóng người.
...

Ta thấy hai đoạn này, đoạn đầu là vần bằng, đoạn sau là vần trắc và dĩ nhiên nhị tứ lục rất phân minh, được kết thành bởi cặp đề và cặp kết của thơ thất ngôn bát cú (tnbc).

2/ Điệp tự: là những chữ đồng âm và đồng nghĩa, tức là trong một bài thơ không nên có những chữ giống nhau về âm thanh và giống nhau cả về nghĩa. Còn những chữ đồng âm dị nghĩa thì không gọi là điệp tự (tức là những chữ giống nhau về âm thanh nhưng khác nghĩa) và “chữ láy” cũng không gọi là điệp tự thí dụ như cặp trạng của bài “Quỳnh Hoa Công Chúa” của cố thi sĩ Đông-Hồ:

- tuyết băng trinh ngọc chuốt,
-Chút vàng hương điểm chút hương say.

Trong trường hợp này; chữ là và chữ chút là láy không phải là điệp tự. (điệp tự nếu có trong một bài thơ thì không phải là bài thơ đó sai).

*Thơ thất ngôn liên hoàn là nhiều bài thất ngôn bát cú (tnbc) dính vào nhau tạo thành một bài liên hoàn (không giống như thơ thất ngôn tràng thiên cũng gồm nhiều bài tnbc để tạo thành nhưng mỗi bài tnbc là một bài riêng biệt). Thí dụ: tam thủ liên hoàn là có ba bài tnbc dính vào nhau - bởi câu cuối cùng của bài thứ nhất là câu đầu của bài thứ hai, câu cuối cùng của bài thứ hai là câu đầu của bài thứ ba và câu cuối cùng của bài thứ ba là câu đầu tiên của bài thứ nhất. Lại không nên có “điệp vần” (?) tức là vần thơ của bài thứ nhất không nên dùng lại trong vần thơ của bài thứ hai và bài thứ ba...v...v...(bởi tuy là nhiều bài tnbc tạo thành nhưng là một bài liên hoàn). Như vậy mới hay, trọn vẹn, khó lạc đề và công phu. (vần thơ: chữ cuối cùng của những câu một, hai, bốn, sáu và tám. Thí dụ như trong bài “Chiều Hôm Nhớ Nhà” của Bà Huyện Thanh-Quan là những chữ hôn, đồn, thôn, dồn và ôn). Tuy nhiên nếu có “điệp vần” trong thơ liên hoàn thì cũng không phải là bài thơ đó sai.

3/ Câu đối: (cặp trạng và cặp luận) ta nên dùng cùng một loại tự để đối với nhau thí dụ; danh từ đối với danh từ, tĩnh từ đối với tĩnh từ, động từ đối với động từ ...v...v... hay màu sắc đối với màu sắc...hoặc chữ ngoại ngữ đối với chữ ngoại ngữ...(thí dụ chữ gốc Hán, chữ Anh, chữ Pháp...v...v...) nhưng nếu không đối hay đối không chỉnh hoặc là có điệp tự hay “điệp vần” mà chỉ giữ đúng niêm luật thôi thì bài thơ đó không sai nhưng kém về giá trị.

Nếu hiểu như thế, thì chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy một bài thơ cổ điển được làm đúng quy cách - mà bài thơ đó ý tứ không xuất sắc lắm, hồn thơ không hay lắm mà lại có người cứ đọc đi, đọc lại như ngắm một bức tranh lập thể rồi tấm tắc khen hay. Bởi vì bài thơ đó khó có thể (hay không có thể) tìm được những chữ hay hơn để thay vào mà không thay đổi ý thơ và không sai niêm luật.



Thật ra thơ cổ điển bây giờ cũng có nhiều người làm và nhiều người thưởng thức - nhưng loại “thơ cổ điển bất niêm luật”(?) làm thì cũng được, nhưng chỉ nên làm để đọc chơi hay cùng lắm là xuất hiện trên báo chí mà thôi, chứ không nên in ấn thành sách để phát hành như người viết đã từng đọc được đâu đó rải rác ở Úc và cả các nơi khác trên thế giới. Vì như thế có thể là “điều đáng tiếc” cho người đọc, người làm và cả cho văn học nữa?!

Những bài thơ được làm theo thể cổ điển trong thi tập Ở BÊN TRỜI của Đông Hải đã giữ được tất cả những điều căn bản như đã trình bày ở trên; duy có điệp vần trong bài “Hư Vô” (gồm đoạn đầu là thơ phân đoạn và được nối tiếp với tứ thủ liên hoàn) vốn được hoạ từ bài thơ “Một Thoáng Tâm Sầu” của Trần Thiện Hiếu và một điệp tự “tơi” (chữ thứ sáu, dòng thứ hai, đoạn thứ hai) trong bài “Từ Thu Ấy” - Điệp tự này có lẽ tác giả đã không loại bỏ được! Ngoài ra Đông Hải còn phá niêm trong bài ‘’Xuân Xưa’’. (chữ ‘’lờ’’ - chữ thứ sáu, câu thứ ba)

TRẦM THY
- 2000

(*)Bài viết trên đây đã được đăng tải nhiều lần từ năm 2000-2008 trên báo chí, tập san… tại NSW – Úc.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.11.2011 13:29:43 bởi tramthytrang >
TRẦM THY TRANG

Ngàn vàng không kết mối tri âm,
Bởi mến ngũ cung - chuộng áng trầm.
Mặc khách có duyên xin đáo lại,
Chung trà lữ thứ tải chân tâm.

Trầm Thy + Đông Hải
www.tramthytrang.net

tramthytrang
  • Số bài : 40
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 24.02.2011
  • Nơi: NSW - Úc Đại Lợi
HỒ TẤN VINH: LẠC PHƯƠNG - 14.06.2011 14:55:39
(*) Muốn chữ lớn lên hay nhỏ xuống [để dễ đọc]; xin bấm nút CONTROL và bấm dấu trừ [-] hoặc cộng [+] bên cạnh số 0 [zero].

[sm=welcome.gif]


LẠC PHƯƠNG

Người ơi
trời cao biển rộng
ai đã đến rồi
ai dị mộng ảo du

Lửng lơ trong áng mây mù
tiếng oan còn vọng, tiếng thù chưa tan
năm nào lá đổ mơ oan
vẽ lem trang sử lên đàng cầm vong
thôi rồi cái vận non sông
từ nay chìm nổi, sóng hồng cuốn xa
Rùng mình tiếng két điêu ngoa
đâu cần đến phải phong ba đất hiền
người ơi rừng núi ưu phiền
thông reo gợi nhớ ước nguyền ngày vui
người ơi, người có là người
mẹ ru cha dưỡng một lời nước non
trước sau hai chữ vuông tròn
bước chân còn dấu lối mòn ngày đi
người ơi, người có là người
khói lam vẫn nặng một lời ngày xanh

Người ơi
Đợi chờ còn có mái tranh
nẻo về có lối, sao đành lạc phương


HỒ TẤN VINH

vnh_h@yahoo.com.au 




:: Bài thơ đưa vào TV ::
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.11.2011 13:30:36 bởi tramthytrang >
TRẦM THY TRANG

Ngàn vàng không kết mối tri âm,
Bởi mến ngũ cung - chuộng áng trầm.
Mặc khách có duyên xin đáo lại,
Chung trà lữ thứ tải chân tâm.

Trầm Thy + Đông Hải
www.tramthytrang.net

tramthytrang
  • Số bài : 40
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 24.02.2011
  • Nơi: NSW - Úc Đại Lợi
HỒ TẤN VINH: VIẾT VỀ NHÀ THƠ TRUY PHONG - 07.07.2011 13:15:27
(*) Muốn chữ lớn lên hay nhỏ xuống [để dễ đọc]; xin bấm nút CONTROL và bấm dấu trừ [-] hoặc cộng [+] bên cạnh số 0 [zero].

 
[sm=welcome.gif]
VIẾT VỀ TRUY PHONG
HỒ TẤN VINH

‘Có người cho bút hiệu T.P. là của thi sĩ Trần Phong nhưng vì bút hiệu nầy rất xa lạ với chúng ta ngày nay. Nhất là trọng tác giả bài thơ lại ký là hiệu T.P. chúng tôi không muốn tìm hiểu chi hơn nữa. Đó là bút hiệu ký trên bài thơ Một Thế Hệ Mấy Vần Thơ. Một nhà thơ rất trí thức, tài làm thơ lão luyện, bình tĩnh lạ thường, Người đã nhìn thấy chuyện thất bại của Pháp cả ở Bắc phi trước khi Pháp quyết định để cho xứ nầy được tự chủ.

Bài thơ gồm hằng trăm năm lịch sử chiến tranh giữa người Việt giành độc lập tự do và người Pháp thực dân. Vừa châm biếm chua cay, vừa rắn rỏi tha thiết lại vừa bi phẫn, nhà thơ vừa kể lại những nét lớn của trang sử Việt.


Lần đầu trong tập Mã Thượng có in lại, nhưng nguyên bản có sửa đổi khác đi nhiều. Nay chúng tôi tìm được nguyên bản ghi vào sách để làm tài liệu cho người tầm thơ, thưởng thức một áng thơ đẹp, hào hùng ở cuối thời kháng Pháp’

 
Đó là nguyên văn những gì tác giả Trần Tuất Kiệt viết về Truy Phong trong quyển sưu tầm thật công phu gồm 1170 trang giấy THI CA VIỆT NAM HIỆN ĐẠI.
 
Sơn Nam cho rằng Một thế kỷ mấy vần thơ là bài thơ hay nhứt thế kỷ.
 
Truy Phong viết Một thế kỷ mấy vần thơ năm 1956 để tiễn chân quân Viễn chinh Pháp, kỷ niệm trăm năm Việt–Nam đau khổ, đã tiên đoán được nếu Pháp ghé Bắc phi để tiếp tục chánh sách thuộc địa thì Pháp sẽ gặp rắc rối. 

Tàu anh rời bến Việt-nam
Hãy xuôi một ngã, một đường mà đi.
Xin tàu đừng ghé Bắc-phi
Sóng to gió lớn chắc gì đến nơi. 

Quả nhiên, Pháp đã không đàn áp nổi nên phải trả lại độc lập cho ba nước Bắc phi (Maroc, Algerie và Tunisie). Trần Tuấn Kiệt đã lưu ý và khâm phục kiến thức chánh trị và khả năng tiên đoán thời cuộc của Truy Phong.
 
Sau đây là một trường hợp đáng ngạc nhiên hơn.
 
NHỚ TÓC 
 
Năm xưa mái tóc em dài
nết na em đẹp, mặt mài em xinh
nhớ lần em viếng quê anh
đầu tiên gặp mặt, anh nhìn tóc em
mái tóc huyền đen
anh khen tóc mật
thả xuống vai gầy
ngây ngất người trông
tóc em là tóc chờ mong
tóc còn trinh trắng như lòng nữ sinh
tóc em chưa nhiễm thị thành
gió xuân đưa thoảng, tóc lành gieo hương 
 
Bàn chuyện văn chương
em ngồi đối diện
tim anh xao xuyến
bên tóc mịn màng
lơ thơ đôi sợi rơi vầng trán
càng điểm thêm em nét dịu hiền
thăm thẳm đường ngôi em rẽ lệch
trông người nhân hậu, tóc đoan trang 
 
trông lên mái tóc nghĩ thầm
tóc em là tóc Việt Nam lưu truyền
ngày sau là tóc vợ hiền
một thương, một mến, một duyên, một chồng
tóc em sau này sẽ
là tóc mẹ đàn con
sớm hôm khổ hạnh nuôi con để
con lớn sau giúp nước non 
 
tóc em sau này sẽ
là tóc kẻ vuông tròn
gánh gồng mái tóc pha sương nắng
vai nước vai nhà vẹn hiếu trung 
 
nhìn tóc em suông sẻ
anh nghĩ ngợi xa gần
anh nghĩ ngày kia em đã lớn
tóc huyền thôi thả kẹp lên vai
bới lên vén khéo trên đầu tóc
đầu tóc em xinh biết mấy lần 
 
Nhưng anh ngờ đâu được
mới một sớm một chiều
em ra ngoài đô thị
cắt mái tóc thân yêu
đem tóc anh thương em uốn quắn
trông hình anh tiếc biết bao nhiêu 
 
thôi rồi, mái tóc
duyên dáng mỹ miều

thôi rồi, mái tóc
trộm nhớ thầm yêu
nó lăn quăn, liêu quiêu
nó cuốn tròn, cuốn xoáy
như dang như lánh duyên từ mẫu
như lãng như quên phận vợ hiền
như chẳng còn thương đồng ruộng nữa
như nhìn xa lạ kẻ thân yêu 
 
Em ơi
nước của ta nghèo
tóc quăn kia lại cần nhiều phấn son
dân ta tình nghĩa chưa tròn
tô canh chưa ngọt, bát cơm chưa chưa đầy
thì em cho tóc quăn chi
bao giờ sum họp vui vầy hãy quăn 
 
Từ ấy những nay
ai hay ai biết
anh buồn anh tiếc
mái tóc thơ ngây

phất phơ dáng tóc ai qua cửa
anh ngỡ hiện về suối tóc xưa 
 
TRUY PHONG

Vào khoảng năm 1969-70, tôi có quen biết Truy Phong. Chúng tôi không có gặp g nhau trực diện. Tôi không có biết địa chỉ của Truy Phong. Chúng tôi liên lạc với nhau qua trung gian một người bạn. Dựa theo lời người bạn liên lạc, tôi biết Truy Phong đang dạy học tại một trường Bán công ở Trà Vinh. Anh có cảm tình với Kháng chiến nhưng anh không có tham gia một tổ chức nào. Anh thường mặc một bộ đồ bà ba trắng. Bộ bà ba trắng này có thể là để xác định một lập trường.
 
Tôi không biết ngýời liên lạc nói với anh về tôi như thế nào, nhưng sau đó anh có đưa cho người liên lạc bài thơ Nhớ tóc để tôi phổ biến.
 
Bản chánh viết tay của anh, tôi đã để mất từ lâu rồi và sau hơn ba mươi sáu năm chìm nổi, bài thơ tôi còn nhớ trong đầu có thể có một vài chữ sai.
 
Tôi thử trình bày cách tôi hiểu bài thơ Nhớ tóc.
 
Trong chiến tranh VN, trực diện đối đầu với nhau tại chiến trường là hai lực lượng, Việt cộng và VNCH. 
 
‘Năm xưa mái tóc em dài’
Em là ai?
Phải chờ đến câu
Nhưng một sớm một chiều,
em ra ngoài đô thị
cắt mái tóc thân yêu
thì ta mới biết đích xác ‘em là ai’.
 
Vợ con người lính Cộng hòa chắc chắn đã phải cực khổ trăm bề để chạy gạo nuôi mình, nuôi gia đình rồi còn phải đi thăm chồng, cha, con ở khắp bốn vùng chiến thuật. Cho dù họ có ở nhà quê đi nữa, họ cũng đã ngược xuôi các đô thị lớn nhiều lần. Họ không phải là kẻ một sớm một chiều, ra ngoài đô thị’.
 
Vậy thì người một sớm một chiều ra ngoài đô thị là những người từ các chiến khu bưng biền hay các rừng rậm đi vô Saigon .
 
Năm 1954, chiến tranh VN tạm ngừng. VN bị chia hai. Cho nên giành được độc lập rồi thì thống nhứt là việc đương nhiên. Lúc quân Pháp rút binh ra khỏi VN, Dân chúng vẫn có ước mơ như vậy. Cũng như mọi người, tại Trà Vinh ngày 17-4-56, Truy Phong viết trong bài Một thế kỷ mấy vần thơ: 

 
Tham lam ai muốn vô xâm chiếm,
Thì ‘Giặc vào đây, chết ở đây’
Việt-nam : nước của tôi!
Ruộng dâu hóa bể
Lòng chẳng đổi thay
Dầu ai cắt đất chia hai
Cho trong đau khổ, cho ngoài thở than
Dầu ai banh ruột xẻ gan,
Cho tim xa óc, cho nàng lìa tôi
Thì anh cứ nhớ một lời,
‘Ngày mai thống nhứt, liền đôi bến bờ’ 
 
Năm 1975, ước mơ bấy lâu nay được ‘Độc lập và Thống nhứt’ bây giờ có thể thực hiện rồi.
 
Nếu ta hiểu ‘độc lập’ là người Việt cai trị người Việt, không bị người Pháp hay người Mỹ chỉ thị, nếu ta hiểu ‘thống nhứt’ là hai miền VN chỉ có một chánh phủ thì sau 1975, VN đã thật sự có độc lập và thống nhứt.
 
Nhưng cả nước không vui.
 
Sau khi Pháp rút ra khỏi VN và CS vào được Hà Nội thì họ liền khởi động phong trào ‘cải cách ruộng đất’ giết hại đồng bào ở miền Bắc, và ở trong Nam thì có Tết Mậu thân, CS lại giết hại đồng bào ở Huế. Người thức thời hiểu được rằng độc lập và thống nhứt chưa hẳn là cái hay. Năm 1969, trong bài thơ Nhớ tóc, Truy Phong không còn nói đến ‘Độc lập, Thống nhứt’ nữa mà thay thế vào đó là cái ước mơ ‘Sum họp Vui vầy’
 
Sống bấy lâu nay luôn luôn lo sợ súng bắn đạn bay, muỗi chích, mưa lạnh, bệnh không thuốc, ăn không đủ no. . . Bây giờ người trong rừng là kẻ chiến thắng. Đương nhiên là họ phải mừng rỡ. Họ phải ăn nói nghênh ngang. Con gái thì phải uốn tóc, thoa son, tô má hồng, đeo vòng vàng . . .
 
Nhưng không phải ai cũng vui hết.
 
Có rất nhiều người sợ hãi cái độc lập người Việt cai trị người Việt. Người ta tiên đoán sẽ có biển máu. Biển máu thì không có, nhưng hằng triệu người chạy tán loạn ra biển thì có. Và họ cầu xin được Pháp, Mỹ, Úc, Anh v.v. làm ơn cai trị họ dùm họ. Lúc đầu là những người có liên hệ với VNCH. Nhưng sau đó thì con cái của cán bộ gộc cũng đi luôn. Chỉ sau một thời gian tương đối rất ngắn để định cư, mấy triệu người này đang sống thoải mái và ăn nên làm ra. Thì ra sắc dân của người cai trị không quan trọng bằng tấm lòng của người cai trị. Người Việt thời bán khai cũng đã từng biết ơn Sĩ Nhiếp. Sau 36 năm được độc lập và thống nhứt, hiện giờ trong nước có bao nhiêu triệu người Việt mơ ước được bỏ nước, ra đi định cư ở ngoại quốc? Họ không còn thương nước nữa sao? Hay họ bắt đầu trở cờ phản quốc hồi nào? 
 
'Độc lập và Thống nhứt’ lộ nguyên hình là những ảo tưởng. Độc lập và thống nhứt tự nó không phải là mục tiêu của cuộc đời. Hạnh phúc của con ngưòi mới là mục tiêu thật sự. Người ta lầm tưởng rằng độc lập và thống nhứt sẽ tự nhiên đưa đến hạnh phúc. Nhưng thực tế cho thấy không phải như vậy.
 
Độc lập thống nhứt có thể đưa đến sum họp vui vầy. Mà độc lập thống nhứt cũng có thể không đưa đến sum họp vui vầy. Bây giờ thì chúng ta hiểu hết rồi.
 
Việt nam bây giờ ‘Độc lập, Thống nhứt’ thì có, nhưng ‘Sum họp, Vui vầy’ thì chưa có.
 
Một đảng viên đảng CS nổi tiếng như nữ BS Dương Huỳnh Hoa đã biết phân biệt điều đó liền sau tháng 4 năm 1975. Nhưng trước đó thì khó mà phân biệt được.
 
Từ năm 1969, Truy Phong đã tiên đoán được VC sẽ vào Saigon và VC sẽ trở mặt với đồng bào. Trở mặt như thế nào? Truy Phong đã diễn tả một cách chính xác một sự việc chưa xảy ra nhưng như mình đã thấy tận mắt rồi. 
 
như nhìn xa lạ kẻ thân yêu!

Sau năm 1975, mấy chục triệu dân Việt đã nhìn thấy CS trở mặt với đồng bào ra sao. Biết bao trang giấy và sách vở đã diễn tả cái trở mặt đó. Nhưng chưa có ai nói một câu ngắn gọn như Truy Phong.  
như nhìn xa lạ kẻ thân yêu! 
 
Tùy theo tâm trạng của mỗi người mỗi lúc, ta có thể hiểu đó là một tiếng than bi thương, một cái lắc đầu đau đớn, hay một cái nghiến răng uất ức phẩn nộ, hay cái bỉu môi khinh bỉ.
 
Muốn phân tách một sự gì có thể xảy ra ở tương lai thì phải dựa vào các dữ kiện chính xác của hiện tại và quá khứ. Thời buổi đó chưa có Internet, còn Truy Phong ở tận Trà Vinh đâu có cách nào thường xuyên tiếp xúc với báo chí ngoại quốc chỉ có bán ở Saigon, có thể anh đã kiên trì theo dõi các đài ngoại quốc để nắm được các thông tin chính xác để mà tiên đoán độc lập thống nhứt sẽ đem đến chia lìa, đau khổ mà viết bài thơ tiên tri?
 
Năm 1982, lúc đó tôi còn đang lẩn trốn tại Saigon, một người bạn biết tôi có quen Truy Phong nên có cho tin rằng VC có mời Truy Phong tham gia Câu lạc bộ Văn hóa của họ. Dường như anh lấy lý do già cả nên không có nhận lời. Tôi bây giờ đang lang thang ở ngoại quốc, nhớ đến Anh, đem sự việc đang xảy ra trước mắt so lại với bài thơ viết trước đây hơn 40 năm, thật đúng y chang!  
dân ta tình nghĩa chưa tròn
tô canh chưa ngọt, bát cơm chưa đầy 
 
Truy Phong, bây giờ Anh đang đuổi gió ở đâu? 

 HỒ TẤN VINH

(Kỷ niệm 36 năm Việt nam Độc lập và Thống nhứt
Melbourne - Tháng 6 năm 2011)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.11.2011 13:31:12 bởi tramthytrang >
TRẦM THY TRANG

Ngàn vàng không kết mối tri âm,
Bởi mến ngũ cung - chuộng áng trầm.
Mặc khách có duyên xin đáo lại,
Chung trà lữ thứ tải chân tâm.

Trầm Thy + Đông Hải
www.tramthytrang.net

tramthytrang
  • Số bài : 40
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 24.02.2011
  • Nơi: NSW - Úc Đại Lợi
Thơ CHÂN DIỆN MỤC - 30.08.2011 08:17:18
(*) Muốn chữ lớn lên hay nhỏ xuống [để dễ đọc]; xin bấm nút CONTROL và bấm dấu trừ [-] hoặc cộng [+] bên cạnh số 0 [zero].

[sm=welcome.gif]


CẦU TRE ẤM NHỊP
(Cảm đề khi đọc tiểu thuyết CẦU TRE LẮC LẺO)

Cành Nam chim Việt khắp nơi nơi,
Toả mộng ngàn phương ngát giữa đời.
Chẳng hẹn mà nên cùng góp sức,
Nhịp cầu quê mẹ vọng lời vui.
Người trông sông biển trao tâm sự,
Ta vọng trời mây nhắn gửi lời.
Hẹn ước trăng thề soi vạn thuở,
Cầu tre đẹp mãi nhịp tình trôi.


CHÂN DIỆN MỤC

***

TẠ LẠI ĐÔNG HẢI
(Họa thơ Trầm Thy Trang)

Cảm thông gõ phím tạ tri âm,
Đồng điệu xa đưa tiếng bổng trầm.
Chưa nhắp đã say trà bằng hữu,
Hương sen ngào ngạt thấm vào tâm.


CHÂN DIỆN MỤC

***

CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI
(Tặng Trầm Thy Trang)

Mịt mù khói toả lừng không
Hạt cao hạt thấp chớp giăng núi dài
Cà phê đã lạnh lâu rồi
Bước chân cô lẻ còn ngoài hoang vu
Ngày xưa trôi giạt hững hờ
Người xưa đã khuất mà thơ vọng về
Thơ ta đem đọc dưới mưa
Treo vào vách đá gửi hờ bóng mây


CHÂN DIỆN MỤC - Tịnh Biên - Ba Chúc - thu 2010

***


MƯA ĐÊM
(Họa thơ “Mưa Đêm + Đêm Mưa Buồn của Trầm Thy Trang)

Đêm tàn rả rích giọt sầu rơi,
Dẫn dụ tâm ta tận cuối trời.
Mù mịt tháng năm đời trắc trở.
Ngại ngùng sương gió nét pha phôi.
Không danh chẳng phận cho qua kiếp,
Chẳng nghiệp không công để với đời.
Quê cũ giờ đây mưa có lạnh,
Lòng ta lơ đãng nhớ chơi vơi.


CHÂN DIỆN MỤC. chandienmuc36@yahoo.com.vn


ĐÔNG HẢI: Tâm tư người viễn xứ.


VNThưquán: Thi tập Ở Bên TRỜI.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.11.2011 13:32:00 bởi tramthytrang >
TRẦM THY TRANG

Ngàn vàng không kết mối tri âm,
Bởi mến ngũ cung - chuộng áng trầm.
Mặc khách có duyên xin đáo lại,
Chung trà lữ thứ tải chân tâm.

Trầm Thy + Đông Hải
www.tramthytrang.net

tramthytrang
  • Số bài : 40
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 24.02.2011
  • Nơi: NSW - Úc Đại Lợi
VƯƠNG VĂN KÝ: CHUYỆN TẾU VĂN CHƯƠNG TRONG CÁCH NÓI…LÁI ( DỦNG) - 26.09.2011 18:23:38
(*) Muốn chữ lớn lên hay nhỏ xuống [để dễ đọc]; xin bấm nút CONTROL và bấm dấu trừ [-] hoặc cộng [+] bên cạnh số 0 [zero].

[sm=welcome.gif]

CHUYỆN TẾU VĂN CHƯƠNG
TRONG CÁCH NÓI…LÁI ( DỦNG)

*NGŨ CÂN tiểu bối


*Vài lời bộc bạch của tác giả trước khi vào đề:
Mới đọc tên tác giả, chắc quý đồng hương nghĩ rằng: Đây là một nhân vật trong truyện chưởng. Không! Tác giả tên thật là V.V.Ký và thứ 5 trong gia đình nên mọi người thường gọi là “năm Ký” (5,000g).

Một “cân” ngày xưa khoảng 600g; nhưng ngày nay, người mình ở Việt Nam dùng chữ Cân thay cho chữ Ký. Hóa ra 5 ký = 5 cân…Lỗ tới xương! Mà 5 cân, nếu nói tiếng Hán Việt là “ngũ cân”. Xin quý vị đừng cười tội nghiệp! Ngày xưa, người anh hùng cái thế có sức mạnh ngàn cân. Còn kẻ sinh sau đẻ muộn này lại chỉ được 5 cân, nên xưng “tiểu bối”là đúng lý rồi! Đó chính là lý do mà tôi có “biệt danh” nầy. Xin cúi đầu chịu tội….



Tôi không biết nhiều về ngôn ngữ của các nước trên thế giới. Riêng ngôn ngữ Việt Nam thì đặc biệt có thể nói lái một cách dễ dàng. Lại có người còn nói lái trong câu đối mới đáng khâm phục nữa chứ! Nhớ lúc còn nhỏ, đọc sách Văn học sử Việt Nam của giáo sư Dương Quảng Hàm, thấy các câu như: “Con cá đối nằm trên cối đá, con cò lửa đậu ở cửa lò, chim vàng lông đậu trên giồng lang”…tác giả vô cùng khoái chí. Đã thế người Việt mình lại có tánh hài hước, biết pha trò trong câu đối nên đã tạo được nhiều câu chuyện văn chương dí dỏm, tiếu lâm…

Tác giả không thể nhịn cười được khi nghe kể lại câu chuyện đối đáp của một đôi trai gái trong một buổi lễ cưới tại Tân Thuận Đông (?). Sui gia hai họ, đàng gái thì gốc Gò Công còn đàng trai là người quận Hóc Môn, Gia Định. Số là, sau khi đi rước dâu từ khuya và sau phần nghi thức hôn lễ, hai họ và thân bằng quyến thuộc được nhà trai khoản đãi long trọng tại tư gia. Mà khi rượu vào thì lời phải ra như ông bà ta xưa nay thường nói. Thấy các cậu đi họ nhà trai vừa liếng thoắng vừa vui vẻ, một cô gái Gò Công, không những xinh xắn mà lại có máu tiếu lâm, bị kích động, cả gan “chọc ghẹo” các cậu trai quê 18 Thôn Vườn Trầu. Cô nói:

-Trai Hóc Môn thật là danh bất hư truyền, chơi rắn mắt không ai chịu nổi!

Có ai đó lớn tiếng đòi cô giải thích. Cô thản nhiên đáp:

- Chứ không phải “Trai Hóc Môn vùa hôn vừa móc” đó sao? Hóc Môn là hôn móc chứ còn gì nữa! Mọi người vỡ lẽ cười vang lên làm các cậu đi họ nhà trai đỏ mặt vì mắc cỡ (hay vì nhậu quá trớn không chừng).

Cũng may, trong đám di họ nhà trai lại có một nhân vật cừ khôi thuộc loại “tứ chiến giang hồ, võ lâm cao thủ” trong làng tếu. Mặt đỏ gay vì men rượu, cậu khoan thai đứng dậy chào hai họ rồi ung dung trả lời:

Thưa quí chị quí cô, nhờ con trai Hóc Môn chơi bạo như vậy nên mới có chuyện “Gái Gò Công vừa gồng vừa co” đó mà! (Gò công nói lái là gồng co).

Mọi người lại được dịp vui cười thoải mái một lần nữa trong tình thông gia hai họ và về sau câu chuyện được đồn đãi khắp nơi.

Sau đây là những chuyện có thật mà người viết một thời từng là tác nhân hoặc chứng nhân. Lúc đó, khoảng đầu thập niên1970, người viết là một “trưởng tràng” của một trường trung học công lập tại một quận lẻ tỉnh Tây Ninh. Buổi trưa, các thầy cô thường tổ chức nấu ăn tại nhà vợ chồng ông Lao công của trường. Gia đình ông Lao công nghèo, không con, được nhà trường du di thu xếp một phòng học làm nơi ăn nghỉ tại trường. Một buổi nọ, cô H., dạy văn trong trường, nhân lúc ăn uống vui vẻ, ứng khẩu ra một câu đối và mời mọi người đáp lại cho vui. Cô nói:

Cô Hồng cởi áo cô hồng trần.


Mọi người bỗng ngừng đũa, mỉm cười nhìn nhau tinh nghịch chờ đợi câu trả lời, trong số đó có tôi. Là một người ham thích câu đối từ lúc còn nhỏ, tôi cũng cảm thấy bất ngờ, không thể nào đối đáp ngay được. Bỗng tôi sực nhớ đến tên mình và tên thường gọi ở nhà của thằng con trai trưởng là “Lục”, tôi đáp liền đáp:

Thầy Ký lột quần thầy ký lục.


Một nam giáo viên mặt nghiêm nghị, ngó thẳng vào mặt tôi rồi lớn tiếng phản đối:

- Người ta mới cởi áo, anh làm gì mà gấp gáp quá vậy! Lột quần người ta rồi lục lạo tùm lum là nghĩa làm sao? Anh không bị đưa ra tòa vì tội sách nhiễu tình dục cũng là may!
Mọi người đồng loạt cười vang rân thiếu điều muốn sặc…

Đây cũng là một kỷ niệm vui mà anh chị em thường nhắc nhở sau ngày “mất dạy”: 30.04.1975 (Vì sau ngày nầy Việt Cộng không cho dạy nữa nên thành mất dạy).

Một lần khác ba anh em chúng tôi trong đó có một thầy dạy toán và một thầy dạy sinh vật có việc đi xa, bị mắc mưa giữa đường. Cả ba liền tắp vào một quán cà phê cạnh đường, vừa đụt mưa, vừa du dương điếu thuốc bên cốc cà phê phin nóng hổi. Tiệm cà phê khá lớn và rất đông nhân viên phục vụ. Đang ngồi lim dim nhả khói, bỗng thầy HTC, dạy môn vạn vật, nhớ lại chuyện hai con bò cạp giao hoan mà thầy có cơ may chứng kiến nên nảy ý làm một câu đối trong đầu rồi vừa cười mỉm, vừa rung đùi, ra vẻ khoái chí lắm. Thầy nghĩ rằng câu đối hóc búa nầy mà nói ra sẽ không ai đối được. Thầy cười duyên nói:

- Tôi dạy môn sinh vật nhưng nay tôi xin múa rìu, nghĩ ra câu đối nầy đố anh em đối được thì tôi sẽ phục sát đất. Nầy nhé:

“Con bò cạp, cạp con bò cạp, cạp chỗ bò mà bò chỗ cạp.”


Thầy Cao T. Giám học của trường, nguyên là giáo sư ban toán, gốc người Huế, nổi tiếng hài hước trong trường, trầm tư tìm vế đối. Cũng may, trước đó mấy ngày báo Trắng Đen trong đó có tường thuật một vụ quan hệ tình cảm bất chính của một cặp thương gia bị đổ bể và bị đưa ra Tòa. Ngó ngay mặt thầy C., anh thách:

Nếu tao đối được thì mầy trả chầu cà phê nầy nhe! Còn nếu đối không chỉnh, tao sẽ trả hết, luôn hai gói Capstan. Mấy khách ngồi uống cà phê ở mấy bàn kế cận, cười tủm tỉm chăm chú lắng nghe.

Thầy Cao T. tằng hắng một tiếng rồi giả bộ nghiêm trang nói:

Anh tiểu thương, thương chị tiểu thương, thương chổ tiểu mà tiểu chỗ thương.


Một tràng pháo tay nổ vang trong quán xen lẫn với tiếng cười vui. Thầy C. dạy môn sinh vật vừa gật đầu, vừa vỗ tay tán thưởng nhưng muốn tìm cách gỡ huề cho bớt “quê”, thầy nói:

- Bây giờ, nếu mấy anh đối được câu nầy, tôi sẽ mời chầu khác ngay tại đây vì trời vẫn còn mưa, chưa thể đi được. Cả bọn đồng ý. Không khí trong quán cà phê bỗng trở nên ấm cúng và vui nhộn lên đến nỗi mấy anh chị chạy bàn cũng đứng lại nghe ngóng một cách thích thú. Thầy C. ôn tồn nói câu mới:

Thầy sinh vật, vật cô sinh vật, vật chỗ sinh mà sinh chỗ vật.


Anh tiếp viên trẻ, tự nãy giờ tuy đi tới đi lui nhưng vẫn chăm chú lắng nghe một cách khoái chí. Bỗng anh góp ý:

Xin phép mấy anh cho tôi tham gia được không?

Mọi người đồng thanh hoan hô và khích lệ cậu tiếp viên. Cậu ta làm ra vẻ rụt rè rồi đáp:
Em nói ra, nếu có gì sai, xin quý anh tha cho nhé! Em xin đối:

Anh cà phê thương chị cà phê, phê chỗ cà mà cà chỗ phê.


Báo hại thầy sinh vật lại tốn thêm một chầu cà phê thuốc lá nữa…Còn mấy cô nữ tiếp viên đồng loạt cười vang rân rồi chạy trốn vào trong vì mắc cở…

NGŨ CÂN tiểu bối.


(*)Đông Hải xin đóng góp trong “bài viết vui” này của “thầy Ký” về: “Con cá đối nằm trên cối đá, con cò lửa đậu ở cửa lò, chim vàng lông đậu trên giồng lang”… Trước đây; người phụ nữ VN, thường “nằm than” trong thời gian đầu, sau khi sanh nở - chữ nằm than – than ở đây là than đốt trong lò sưởi, để sưởi ấm. Thì:

Con cá đối nằm trên cối đá,
Cái lò tôn đặt dưới l. to.


Nghe cũng chỉnh lắm - cả về niêm luật; như một cặp câu đối thật - phải không, thưa quý vị? [Vế đối dưới là do ĐH lượm lặt] Hoặc nói lái trong thơ; mà ĐH nhớ mài mại đâu đó – không rõ lắm – đại loại là:

Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi,
Chiến khu sao lại chú khiên(g) rồi.
Đấu tranh chỉ để đánh trâu mãi,
Kháng chiến lâu ngày khiến chán(g) thôi.
(Hình như của Trần Dần thì phải [?])



Kính bạn Đông Hải,
Theo như tôi nhớ thì đó là:

Chú phỉnh tôi rồi, chính phủ ơi
Chú khiêng lên hết chiến(g) khu rồi
Thi đua chi nữa, thua đi mãi
Kháng chiến lâu ngày khiến chán(g) thôi.

Thân,
THANH THANH [Lê Xuân Nhuận] lechannhan@yahoo.com




Thưa ông 4 câu thơ trên tôi không nhớ tên tác giả.Nhưng tôi nhớ chắc chắn như sau:

Chú phỉnh tôi hoài Chính Phủ ơi,
Chiến khu thâu lúa chú khiên(g) rồi.
Thi đua chi nữa thua đi mãi,
Chú phỉnh tôi hoài Chính Phủ ơi.

tnguyen8310@comcast.net

<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.11.2011 13:32:38 bởi tramthytrang >
TRẦM THY TRANG

Ngàn vàng không kết mối tri âm,
Bởi mến ngũ cung - chuộng áng trầm.
Mặc khách có duyên xin đáo lại,
Chung trà lữ thứ tải chân tâm.

Trầm Thy + Đông Hải
www.tramthytrang.net

tramthytrang
  • Số bài : 40
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 24.02.2011
  • Nơi: NSW - Úc Đại Lợi
CHÂN DIỆN MỤC: SỨC SỐNG HUYỀN DIỆU CỦA CA DAO - 19.10.2011 16:25:24
(*) Muốn chữ lớn lên hay nhỏ xuống [để dễ đọc]; xin bấm nút CONTROL và bấm dấu trừ [-] hoặc cộng [+] bên cạnh số 0 [zero].

[sm=welcome.gif]
SỨC SỐNG HUYỀN DIỆU CỦA CA DAO



CHÂN DIỆN MỤC

Ngày nay nói đến Ca Dao là người ta nghĩ ngay tới Lục Bát , thậm chí có người còn thu hẹp hơn nữa , nghĩ rằng ca dao là những lời mẹ ru (?) .

Sở dĩ người ta chẳng biết gì về ca dao là vì ngày nay người ta không hát nữa . Tuy trong nhà trường có nói tới , nhưng không có những giờ học , những lời bình giảng đàng hoàng nên học sinh ít chú ý , chẳng ai học , nên sau đó quên luôn .

Ở một vài nơi tại Bắc Ninh , người ta có hát lục bát trong những dịp lễ ... nhưng người ta gọi đó là hát Quan Họ , hát Xẩm ... chứ không ai biết rằng đó cũng là một thứ Ca Dao .

Riêng tôi thấy Ca Dao xưa , cùng với tục ngữ , chuyện cổ tích , chuyện tiếu lâm , không chỉ là bộ môn nghệ thuật mà là linh hồn của dân tộc , là tiếng nói , hơi thở , nhịp đập của con tim người dân Việt . Nhất là ca dao , nó xuất hiện bất cứ lúc nào , 24 tiếng trên 24 , và ở mọi lứa tuổi , mọi tầng lớp .

Từ một em bé :


Má ơi đừng đánh con hoài
Để con câu cá nấu xoài má ăn


đến những cô cậu mới lớn :


Cô kia núm vú chủm cau
Lại đây anh bóp có đau anh đền


và rồi đến tuổi lỡ thì :


Trai ba mươi tuổi rũ bờ
Gái ba mươi tuổi còn tơ mành mành


cả đến những ông bà già :


Mồ cha đứa chê thiếp già
Thiếp còn gánh nổi một và trăm kim


Bất cứ lúc nào người ta cũng có thể hát lên . Từ giữa trưa :


Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như nưa ruộng cày


hoặc đêm khuya :


Lạnh lùng thay láng giềng ơi
Láng giềng lạnh ít sao tôi lạnh nhiều


Người ta nghe gió lạnh mà xuất khẩu như thế , nhưng nếu trằn trọc , không ngủ được , thì lời hát thấm thía hơn :

Đêm nằm vuốt bụng thở dài
Thương chồng thì ít , thương trai thì nhiều


Nguồn cảm hứng của ca dao thật là vô tận . người ta nhìn cái điếu thuốc lào mà nhớ đến người tình :


Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên


nhìn chim quyên xuống đất mà nghĩ về người ngãi


Chim quyên xuống đất tha mồi
Anh xa người ngãi đứng ngồi không yên


ngó bụi ớt trước sân mà thương cô bạn vô vàn ;


Chim chuyền bụi ớt líu lo
Mảng sầu con bạn ốm o gầy mòn


Cái nhớ trong ca dao nó xôn xao , cuồn cuộn , bốc khói thì không thi sĩ nào tả nổi :


Nhớ ai em những khóc thầm
Năm thân áo vải ướt đầm như mưa ....
.... NHớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai ....
.... Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than


Các thi sĩ chào thua thôi ! Đương nhiên rồi ! Vì nó là sức sống tư6 nhiên , không phải là sức sống khuôn mẫu , gò ép , mài giũa .

Thơ thì phải có niêm , luật , ngâm lên cho đúng điệu ... không khổ độc . Còn ca dao thì ai muốn nói , muốn ca , muốn hét hay rống lên .... tuỳ thích :

Đi đâu mà chửa lấy chồng
Người ta lấy hết chổng mông mà gào
Gào rằng đất hỡi trời ơi
Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng


câu sau đây :


Đêm qua anh đến chơi nhà
Thấy mẹ múc cháo thấy cha vét nồi
Thấy em dựa cột liếm muôi
Anh tưởng con chó anh lùi trở ra


tuy cũng là lục bát ( mà lục bát đúng điệu ) nhưng tôi đố thi sĩ nào ngâm lên cho êm tai đấy !
còn câu sau đây nữa :


Hát cho ngựa tế bò lồng
Hát cho con gái bỏ chồng mà theo
Hát cho chó cắn mèo kêu
Hát cho ông lão trong lều bò ra


ôi ! biết nói thế nào nhỉ ! Tôi đành gọi nó là Kích Động Ca Dao (đâu kém gì kích động nhạc ngày nay)

Chính vì thế mà tôi nói rằng ca dao hơn hẳn thi , từ , ngâm , khúc ... vì nó chính là lời nói , hơi thở , nhịp đập của con tim .

Khi hai trái tim đã cùng nhịp đập , thì người đối diện nói ra câu nào cũng có duyên .
khi chàng than :

Phòng loan trải chiếu rộng thinh
Anh lăn đụng gối tưởng bạn mình anh hun


thì lời than có duyên này được đáp trả lại liền :


Phải chi em được ở chung
Thì đâu đến nỗi anh phải ôm hun gối gòn


Khi cô gái duyên dáng té xuống bùn :


Xẩy chân em té xuống bùn
Thân em lem lấm anh hun chỗ nào


thì chàng trai sẵn sàng ... hầu tiếp :


Cô ơi đừng nói thấp cao
Thân cô lem lấm chỗ nào tôi cũng hun


Chính ở giữa cánh đồng nên thơ , có một tiếng hát bâng quơ ... là có ngay tiếng khác ... ứng theo liền !
Nếu có một giọng chanh chua :

Thằng kia be bé mà lại chơi trèo
Chị thắt giải yếm chị treo lộn cành


thì sẽ có một chàng trai trơ cái mặt thớt ra , đối lại một câu ... vô duyên mà ... có duyên tệ :


Lộn cành mặc kệ lộn cành
Hoa thơm ta cứ bẻ từng nhành ta cố đeo


Người ta đồn rằng những danh sĩ như Nguyễn công Trứ , Phan bội Châu cũng từng tham dự vào những hội hè đầy sức sống . Một lần, đường trơn , chàng té nhào , bị các nàng cười , bèn hát rằng :

Đất đâu có đất lạ lùng
Bấm thì chẳng chịu nằm cùng thì cho


hoặc lần khác , chàng bị một nàng thách :


Cho anh một nắm ngô rang
Đút đâu cho mọc chịu chàng giỏi thay


thi sĩ cũng ứng khẩu đáp bừa :


Chỗ mô mà nắng không khô
Mà mưa không ướt đút vô mọc liền


Cái không khí tươi vui , thoải mái đó đã bất chấp học thức , sang hèn , giầu nghèo , và ... hẳn nhiên nó thách thức cả lễ giáo .

lễ giáo ca tụng trinh tiết , ca dao thì :


Chữ trinh đáng giá ngàn vàng
Từ anh chồng cũ tới chàng là năm
Còn như yêu vụng dấu thấm
.............................................................


lễ giáo khuyên người ta phải chuyên nhất , ca dao thì :


Có chồng càng dễ chơi ngang
Đẻ ra con thiếp con chàng con ai


Các bạn nói tôi ca tụng sụ nổi loạn chăng ? Không đâu ! Luật Hồng Đức đã chẳng quy định là : nếu người chồng thất tung quá ba năn thì người vợ có quyền lấy người khác đó ! nên sẽ là bình thường khi một người vợ lính hát :

Cô kia má đỏ hồng hồng
Chồng cô đi lính cô nằm với ai
Cô nằm cô đẻ thằng bé con trai
Chồng về chồng hỏi con ai thế này
Con tôi đi kiếm về đây
Có cho nó gọi bằng thầy thì cho


Tôi phải nói rằng chính ca dao đòi quyền sống cho người phụ nữ .
Ca dao hết than phận lẽ mọn :


Con mèo kia lúc túng cũng gào
Gái ba mươi tuổi ai đào thấy xuân
Mười phần chị bớt cho em một phần
Để em kiếm chút chơi xuân kẻo già .....


lại " bức xúc " trước tục tảo hôn :


Tham giầu em lấy thằng bé tí tì ti
Làng trên xóm dưới thiếu gì trai tơ
Em đem thân cho thằng bé nó dày vò
Mùa đông tháng giá nó nằm co trong lòng


rồi cảnh lấy chồng già :


Vô duyên vô phúc múc phải chồng già
Ra đường người hỏi rằng cha hay chồng
Nói ra đau đớn trong lòng
Ấy cái nợ tiền kiếp có phải chồng em đâu


Nàng này sẽ được nhiều cậu thông cảm và an ủi đấy


Trời mưa nước chảy qua sân
Cô đi cô lấy ông lão qua lần thời thôi
Bao giờ ông lão chầu trời
Thời cô lại lấy một người trai tơ


Và rồi phụ nữ vùng lên :


Đi thì ra dáng ông đồ
Về nhà hỏi vợ cám khô đâu mày ?
- Cám khô tao để cối xay
Chó mà ăn mất thì mày đừng ăn


coi thường đàn ông :


Ba đồng một chục đàn ông
Ta bỏ vào lồng ta xách ta chơi
Ba trăm một vị đàn bà
Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi


Không được coi ngang hàng thì tức mình nói : bướng " , coi đàn ông chẳng ra gì :


Làm trai rửa bát quét nhà
Vợ gọi thì dạ bẩm bà con đây


hoặc :


Chồng người như trống mới bưng
Chồng em như khỉ trong rừng mới ra


thậm chí nói ... ngược ... rằng mình có nhiều chồng :


Gái chính chuyên lấy được chín chồng
Vo viên bỏ lọ gánh chồng đi chơi
Chẳng may quang đứt lọ rơi
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng
Chị em ơi cho tôi mượn cái gầu sống
Để tôi múc nước vớt chồng tôi lên


Nhưng cũng có thể là một thắng lợi tinh thần như A.Q. để đối lại các chú đàn ông . Thử xem ai cần ai , ai thèm ai ....

Cái cò là cái cò quăm
Mày hay đánh vợ mày nằm với ai
Có đánh thì đánh sớm mai
Chớ đánh chập tối không ai cho nằm


Nói cho cùng thì đây không phải là cuộc đấu tranh sinh tử , một mất một còn ... nó là cuộc đấu tranh có lý có tình ! Nên khi chàng có bức xúc bất tử :

Một bên lửa tắt cơm xôi
Một bên con khóc chồng đòi tóm tem


thì nàng sẵn sàng xí cô hồn cho chàng :


Bây giờ lửa đã cháy lên
Con thời đã nín tòm tem thì tòm


Điều đó cho thấy người đàn bà Việt Nam thật là toàn vẹn , đảm .... mọi thứ chuyện .
Chắc chắn cái sức sống toàn diện này đã sản sinh ra những bà Trưng bà Triệu chứ không phải là thứ Nho Giáo khắt khe kìm hãm con người !

Chính vì được ca hát tự nhiên mà ca dao nó đi vào lòng người và lan toả theo không gian và thời gian .
Tôi đã từng nghe một cô gái hát trước sự chứng kiến và chấp nhận của bà già :

Xưa kia ai cấm duyên bà
Bây giờ bà già bà cấm duyên tôi


và tôi cũng từng nghe một nông dân hát trước mặt một địa chủ


Ít tiền thì ít cù lao
Ít cơm ít gạo thì tao ít làm


Tôi lại nhấn mạnh một lần nữa ở đây là ca dao không những do đủ mọi hạng người sáng tác , mà một câu ca đã do nhiều người sáng tác . Nghĩa là người ta không chỉ hùa theo người khác để sáng tác , mà người ta toàn quyền sửa đổi hay thêm bớt lời ca của người khác . Không có bản quyền Tác Giả , người ta đã " sở hữu tập thể " nên ca dao đã được " nhuận sắc " , " đổi mới " nên nó ngày một đẹp ra và phong phú hơn. Nghe một câu hát :

Nam Vang đi dễ khó về
Trai đi có vợ gái về có con


thì người ở Mỹ Tho , Cần Thơ , Rạch Giá có toàn quyền " Bẻ Lại " như :


Kiên Giang đi dễ khó về
Trai đi có vợ gái về có con


nghe một câu xưa :


Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát giang cũng lội cửu thập đèo cũng qua


người ta có thể " Môi ra ":


Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát giang cũng lội , tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua


người ta có thể môi ra cho một câu dài tới mấy chục chữ cho thêm phần lâm ly :


Em thấy anh tương tư bệnh chắc
Em mua một thang thuốc Bắc
đem về em sắc ,
ba mươi chén còn lại một phân ,
em thêm vào một lát gừng sống ,
một đống gừng lùi ;
một nồi chuối hột ,
một hộp đơn quy ,
một ky trái táo .....
thần quy một lượng ,
khoai sương một trăm ,
rau răm một đám ,
cám một bao ,
con gái lao rao mười hai đứa ,
sứa lửa vài trăm ,
huỳnh liên huỳnh bà huỳnh cầm ,
uống ba thang không khỏi em đào hầm chôn luôn


(Ôi! Tôi uống một thang chắc đã xí lắc léo rồi )


Tôi nghĩ những người bẻ lại , môi ra ... này có nhiều khuynh hướng, quan điểm khác nhau , nhưng bẻ qua bẻ lại nhiều lần , thì những câu nào ... hợp lòng người .... sẽ thắng thế. Ý tôi không muốn nói rằng đa số thắng thiểu số , tôi chỉ muốn nói rắng câu nào vui tươi , lạc quan, sảng khoái sẽ đi vào lòng người và sẽ tồn tại với thời gian .

Các nhà Nho hương nguyện sẽ không bao giờ chấp nhận những câu : " Chuột kêu rúc rích ....." hay " Ăn rồi nằm ngửa ..... ". Các thi sĩ quý tộc chỉ chấp nhận những từ thanh nhã dùng làm " thi liệu " thì sẽ lên án :

Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó đứng trông trên bờ


là tục tĩu , không phải là văn chương. Nhưng người thường thì lại rất cần sảng khoái , thú vị , chơi cho mút mùa , chơi cho ... đã !

Chơi cho liễu chán hoa chê
Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời


Thật không còn ai vênh váo hơn anh chàng 9 vợ dưới đây :


Hôm qua đi chợ Gò Vấp
Mua một sấp vải
Đem về cho con hai nó cắt
Con ba nó may
Con tư nó đột
Con năm nó viền
Con sáu đơm nút
Con bẩy vắt khuy
Anh vừa bước cẳng ra đi
Con tám níu
Con chín trì
Ới mười ơi sao em để vậy còn gì áo anh

Nhưng mà ... có như thế .... nó mới ... đã !

Tôi nghĩ rằng chính vì sáng tác tập thể , sáng tác bình dân , sáng tác tự do ... nên ca dao nó phản ảnh chân thực tâm tình người dân . Dù là tâm tình bộc lộ hay thầm kín ( người ta có thể lầm thầm ca dao một mình khi đi trên quãng vắng )

Đó là ý nghĩ lành mạnh hay chưa lành mạnh lắm thì nó cũng thực là của dân mình , và nó đồng hành cùng dân . Phải chăng đó là hành trang hay kho báu của dân ta mà ông cha đã gìn giữ và bồi đắp

Vâng , ca dao đã được sáng tác và hát bởi mọi hạng người trng xã hội . Nếu cộn cả những câu xưa từ Bắc tới Trung tới Nam thì có thể có tới hàng trăn ngàn câu ca dao . Tôi chắc một điều là có bà ít học ( và dĩ nhiên trí nhớ không tốt lắm ) có thể thuộc tới cả ngàn câu !

Ôi ! thật là kỳ diệu sức truyền tải của ca dao .

Ngày nay ta tự cho là văn minh (!) Nhưng tôi thấy các bà mẹ ngày nay quá xệ , chắc chẳng bao giờ họ được dạy :

Ngày con đã biết chơi biết chạy
Đừng cho chơi cầm gậy trèo cao
Đừng cho chơi búa chơi dao
Chơi vôi chơi lửa chơi ao có ngày
.......................................


Ngày nay người ta hát với sân khấu hoành tráng , áo đẹp , ánh sáng và âm nhạc tiến bộ , ắt hẳn họ sẽ chê ca dao là quê mùa :

Chuột kêu rúc rích trong rương
Anh đi kheo khéo kẻo đụng giường má hay


hoặc


Ăn rồi nằm ngửa tinh hinh
Không ai nằm sấp lên mình cho vui


Nhưng ngày nay đâu có biết rằng ta có hằng trăm ngàn câu : Ơn vua nợ nước , làm trai tang bồng hồ thỉ , cha mẹ dạy con , vợ khuyên chồng ... được hát với sự cảm thông chia sẻ trong không khí tràn đầy ấm cúng gia đình , làng nước .

Trong không khí thanh bình một đêm trăng mà vang lên câu hát :


Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ


thì ai mà không rộn lên một niềm tự hào về văn hoá Việt Nam .


Người Âu Mỹ không thấy ta có những kiến trúc hoành tráng như Tầu và Ấn Độ thì coi thường ta . Nhưng nếu họ biết rằng ta có hằng trăm ngàn câu ca dao thì hẳn cái nhìn của họ sẽ khác đi , và hẳn sẽ công nhận ta là một nước văn hiến .

Bớ này các anh trai
Bớ này các em gái


Hãy cùng nắm tay nhau hát lên lời ca dao Việt Nam dưới mái nhà tình yêu , hãy hát lớn lên cho tiếng hát bay qua mái nhà ra ruộng đồng , sông dài , núi cao , cho mây ngừng bay , gió ngừng thổi , rắn cuộn tròn lắng nghe, chim thẹn thùng không ganh hót . Cho mặt trời đẹp hơn mọi ngày , giọt sương lóng lánh thêm trên cánh hoa lan ... Tiên tổ hiện về gật gù hãnh diện : Ôi ! Vẻ đẹp này sẽ trường tồn cùng dân Việt...


CHÂN DIỆN MỤC

chandienmuc36@yahoo.com.vn
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.11.2011 13:34:03 bởi tramthytrang >
TRẦM THY TRANG

Ngàn vàng không kết mối tri âm,
Bởi mến ngũ cung - chuộng áng trầm.
Mặc khách có duyên xin đáo lại,
Chung trà lữ thứ tải chân tâm.

Trầm Thy + Đông Hải
www.tramthytrang.net