TRỘM CƯỚP THỜI HIỆN ĐẠI Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
Bọn lưu manh trộm cướp cũng có nhiều kiểu, nhiều loại khác nhau. Loại trắng trợn và dã man nhất, sẵn sàng giết người lấy của là cướp. Cướp ngày xưa dùng giáo mác, búa tạ, dao găm, lợi dụng những đêm mưa gió tối trời đến phá cổng nhà giầu, bắt chủ nhà trói vào gốc cột, nhét giẻ vào mồm không cho kêu, để chúng rảnh tay vơ vét. Còn cướp bây giờ thời hiện đại, dùng phương tiện di chuyển nhanh, chúng cướp túi, giật dây chuyền của khách bộ hành rồi tẩu thoát vào chỗ đông người. Hoặc thủ súng giảm thanh trong túi, chúng ung dung cưỡi những chiếc xe đắt tiền đi giữa thanh thiên bạch nhật, đến các hiệu vàng giầu có hay kho bạc, rút súng ra khống chế mọi người…Và chỉ mười lăm phút sau, khi đã “dọn sạch” các quầy, két và giấu xong hung khí, chúng lại như người lương thiện, phóng xe biến lẫn vao dòng người trôi chẩy ngược xuôi trên đường phố.
Loại thứ hai là ăn trộm. Cũng như bọn cướp, bọn này hoạt động cả ngày và đêm. Ngày xưa, trộm cắt rào, đào tường khoét ngạch, vơ vét bất cứ thứ gì, từ buồng cau nải chuối, đến thóc lúa, manh quần tấm áo, con gà con vịt. Thậm chí chúng bắt trộm cả trâu. Con trâu là đầu cơ nghiệp. Người nông dân, ngày đi cày, đêm phải ngủ ở cửa chuồng trâu. Thế mà trâu vẫn mất. Vì giấc ngủ say, trộm cứ việc khênh cái chõng tre ra chỗ khác để lấy lối dắt trâu đi.
Còn trộm bây giờ có kìm “cộng lực” và khóa “vạn năng”… Bất cứ cửa nào, khóa nào hay xe máy tối tân đến đâu chúng cũng cắt, cũng mở được tất !
Bọn thứ ba là bọn ăn cắp (bọn móc túi theo kiểu Tám Bính, nhân vật của Nguyên Hồng, chứ không phải là bọn quan tham nhũng). Bọn này thường lấy những chỗ đông người: Chợ búa, bến tầu bên xe làm “môi sinh”, làm địa bàn hoạt động. Và lợi dụng sự xô bồ, đông đúc làm “bình phong” che chắn cho chúng.
Lại nhớ ngày còn đi học, chúng tôi được thầy giáo kể: Một ông nhà giầu ăn mặc lịch sự, com lê ca vát, đầu đội mũ phớt (loại đắt tiền), tay chống can đi trên hè phố. Bỗng có người đàn ông đến vồn vã cười nói: “Ôi giời đất! Lâu lắm rồi mới gặp lại đai huynh! Ông anh đi đâu đấy? Về nhà em chơi xơi nước đã”. Ông com lê còn đang ngơ ngác chưa nhớ ra ai, thì…”Ông em” đã nhắc chiếc mũ đắt tiền quẳng lên ban công nhà bên cạnh, rồi vừa ngặt nghẽo cười vừa đi, y như người trêu đùa nhau vậy. Bị quá bất ngờ, ông Com lê há hốc miệng ra chẳng biết nói gì. Rồi trong lúc ông đang hoang mang, chưa biết làm cách nào để lấy lại mũ, thì một người trai trẻ, mau mắn chạy đến: “ Đồ mất dạy, đùa gì mà ác thế !”. Anh ta ngoái cổ mắng với theo “Ông em” rồi ngồi xuống công kênh ông Com lê lên vai mình để ông lấy mũ “Rất cảm ơn anh! Anh tốt bụng quá! Không có anh, một mình tôi, thực chẳng biết làm thế nào!”. “ Dạ, dạ, quý ông cứ dạy quá lời chứ có gi đâu ạ. Giữa đường gặp sự bất bằng…Ai mà chẳng vậy ạ”.
Rồi họ chia tay nhau bằng một cái bắt tay rất chặt và hai cái cúi đầu rất thấp, vừa lễ phép, vừa lịch sự, và hình như còn có cả một chút nhớ nhung lưu luyến nữa kia !
Đi một quãng khá xa rồi ông Com lê mới sờ đến túi, thi…ôi thôi! Cái ví tiền của ông đã biến mất từ bao giờ rồi !
*
* *
Theo quy luật vận động tự nhiên thì xã hội càng văn minh, khoa học công nghệ càng hiện đại thì con người càng phải rèn luyện, học tập để nâng mình lên cho ngang tầm. Nghề nào, việc gì cũng phải giỏi giang, phải chuyên môn hóa, tay nghề phải điêu luyện như các nghệ sĩ xiếc ấy, thì mới thích nghi được với thời đại và cuộc sống. Cho nên đến cả cái kỹ thuật bắt trộm chó bây giờ cũng rất chi là “điệu nghệ”, không đánh bả như ngày xưa nữa…
Thời xưa, quân Nguyên Mông nhờ cái vó ngựa và sợi dây thòng lọng tung lên, tròng vao cổ đối phương mà hùng mạnh hơn nhiều đạo quân khác. Bây giờ bọn lưu manh trộm cướp cũng nhờ tốc độ nhanh của xe máy để hành động và trốn tránh pháp luật. Một thằng lái xe. Một thằng quăng dây. Con chó bị sợi dây thít chặt cổ không kêu được, phải “ngoan ngoãn” chạy theo chúng.
Nhưng rồi hình như cái kiểu đánh bắt ấy kết quả không như ý muốn, nên chúng lại thay đổi kiểu mới. Sáng hôm qua khoảng bẩy giờ (đang cao điểm giao thông), trên vỉa hè ngã ba đường Quang Trung, có con chó đực, lông đen, béo mượt đang chạy đi tìm “bạn tình”. Thỉnh thoảng nó lại đứng lại, hít hít, rồi ghếch chân lên, tia vọt vào chỗ vừa hít một dòng nước đái mảnh như sợi chỉ, xong lại chạy đi.
Ở dưới lòng đường, một chiếc xe Dream chở hai người đang bon, bỗng giảm tốc độ, từ từ ghé sát vào vỉa hè. Rồi nhằm đúng lúc con chó đang đái, thằng ngồi sau xe liền đưa ngang cái vợt ra hớt một cái, con vật lọt thỏm ngay vào trong vợt, nhanh chóng, gọn ghẽ và chuẩn xác đến từng phân. Trông ngoạn mục y như các nhà sinh vật học vợt bươm bướm về làm “tiêu bản” để nghiên cứu vậy.
Con vật mê mẩn, cuống cuồng ăng ẳng sủa, cắn rứt,giẫy dụa nhằm thoát thân. Nhưng thoát làm sao được. Hai tên vô lại đã rú ga cho xe lao vọt ra đường Trần Quốc Toản rồi biến mất, trước những cặp mắt: Kẻ sững sờ, người dửng dưng, đang ngược xuôi hối hả!.../.
Uông Bí, ngày 20/10/2007