Cây tre cứu người Cứu tô sâm Theo hai cuốn sách thuốc bí truyền của cung đình nhà Nguyễn là Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính và Nguyễn Phúc tộc y gia truyền thế thường hành, có tới hơn 200 vị thuốc từ cây tre, có thể chữa được nhiều bệnh tật của dân chúng, thương tật của quân sĩ trên chiến trường và làm đẹp cho các bà hoàng trong cung cấm.
Tre làng ở xã Tây Vinh (Tây Sơn, Bình Định) - ảnh: Hoàng Tuấn
Tôi sinh ra sau một lũy tre. Mười năm đầu đời sống với tre. Ăn, ở, chơi bời, cái gì cũng gắn với tre, bị đánh đòn cũng bằng roi tre. Tre thân thiết với cuộc sống người dân nông thôn miền Trung chúng tôi như cơm ăn áo mặc, như cha mẹ như chị em như bè bạn. Thân thiết nhưng không thấy quan trọng.
Lớn lên đi học thấy tre tràn ngập trong văn chương. Người ta đã viết quá nhiều về cây tre, từ cây tre của Thánh Gióng đến cây tre vót chông đánh giặc, sách vở thơ phú cổ kim đều dành cho cây tre một vị trí trân trọng. Tre nuôi nấng chở che cho bá tánh, tre là bạn của ẩn sĩ, tre cao khiết bên cạnh thánh hiền.
“Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết/Đáo lăng vân xứ dã hư tâm”, một cao sĩ nào đó thời xưa đã làm hai câu thơ (câu đối) quá hay như thế về cây tre: Chưa nhú khỏi mặt đất đã có khí tiết (tiết: cũng có nghĩa là đốt tre), lên đến tận mây mà lòng vẫn trống không (hư tâm: cũng có nghĩa là rỗng ruột); tiết tháo của Khổng tử, vô vi của Lão tử, sự không chấp của Thích Ca “đồng nguyên” trong một cây tre.
Còn tre của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Tú hoa dã trúc tam xuân hảo/Tinh nguyệt minh song nhất thất hư” (Xuân đán cảm tác), ông Đinh Gia Khánh dịch “Trúc hoang, hoa đẹp, ba xuân tốt/Cửa sáng, trăng trong, nhà trống trơ”. Theo tôi dịch như vậy không lột được ẩn ý sâu xa của hai câu thơ. Đặt dấu phẩy giữa “trúc hoang” và “hoa đẹp” làm hỏng câu thứ nhất, đặt dấu phẩy giữa “cửa sáng” và “trăng trong” làm hỏng luôn câu thứ hai. “Tú hoa dã trúc” chỉ là một, không phải là hai. Ở đây chỉ có tre thôi, Nguyễn Bỉnh Khiêm coi tre chính là hoa. Nếu hoa bên cạnh tre ở đây thì chỉ là câu thơ tầm thường. Không phải Nguyễn Bỉnh Khiêm tùy hứng coi tre là hoa, mà từ xa xưa cha ông ta đã gọi tre là “Quảng lịch thảo” hay “Quảng lịch hoa”. Cũng như vậy, ở câu thứ hai: song cửa và trăng không phải là hai thứ, mà “tinh nguyệt minh song” chỉ là cái song cửa, cái song cửa đọng ánh trăng tinh khiết mà thôi. Trạng Trình vốn coi tre là một thứ trân quý.
Có một chuyện bên lề không rõ thực hư: Ông Nguyễn Phúc Ưng Viên hỏi tôi cậu có biết sau khi Hoa Đà mổ vết thương rồi cạo chất độc ngấm vào xương của Quan Công, ông ấy rịt vào đó thứ thuốc gì không, tôi nói tôi làm sao biết được. Ông bảo đó là “Phùng ma tán”, thuốc này được làm từ gốc tre già ngâm bùn (tre ngâm bùn gọi là “trúc nịch”). “Phùng ma tán” là thuốc “thiện trị khẩu thương bất hiệp” (đặc trị vết thương không lành) Trong loạt bài Bí ẩn trầm hương (Thanh Niên, 4 - 7.1.2011), chúng tôi có đề cập đến lời của ông Nguyễn Phúc Ưng Viên “giá trị của tre không thua kém gì trầm”. Đó vẫn là một lời khiêm tốn, có phần thiếu công bằng đối với cây tre.
Tri thức về cây tre được Nguyễn Bỉnh Khiêm cung cấp, trên cơ sở đó nhà Nguyễn đã có 400 năm khảo nghiệm và sử dụng trên mọi lĩnh vực của đời sống và quốc phòng, đúc kết thành pho y lý ghi trong hai cuốn sách thuốc bí truyền của dòng họ: Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính và Nguyễn Phúc tộc y gia truyền thế thường hành.
Với những công dụng chữa bệnh kỳ diệu, cây tre còn được các Chân y ngày xưa gọi là “Cứu tô sâm”, tức là một thứ sâm cứu người. Y lý bí truyền của nhà Nguyễn tổng kết có trên 200 vị thuốc từ cây tre. Toàn thân cây tre, không có bộ phận nào không có tác dụng chữa bệnh. Người Việt Nam ta sống với tre, sinh tồn với tre, vì sống với tre nên ít bệnh tật. Tre chữa bệnh đề cập ở đây là tre mỡ và tre gai, hai loại tre được trồng phổ biến ở miền Trung nước ta.
Ông Viên nói ngày xưa trị thương cho quân đội làm gì có các thứ giống tây y sử dụng như ngày nay, nhưng người lính bị thương do kiếm đâm đao chém, bị bỏng nặng do hỏa công, đều được chữa trị hữu hiệu bằng “trúc nịch” và các bộ phận khác của cây tre phối hợp với một số thảo dược.
Chúng ta đều biết người bị bỏng nặng sẽ bị sốc huyết tương mà chết, tây y chỉ chữa được nếu bỏng không quá nặng. Cha ông ta trị bỏng, dùng “trúc tâm” (là đọt tre chưa xòe ra thành lá) kết hợp với cây chuối sứ con. Chuối con xắt lát giã nhuyễn vắt lấy nước. Đọt tre cũng hơ nóng giã nhuyễn vắt lấy nước. Hai thứ nước này trộn chung lại bôi đều lên vết bỏng, sẽ chống được sốc huyết tương, bảo toàn và làm hồi sinh các mạch máu. Sau khi bôi, đắp xác chuối và xác đọt tre lên vết bỏng, mỗi ngày thay một lần, ban đêm khi ngủ lấy lá chuối non hơ ấm quấn lại. Để vết thương mau lành, có thể kết hợp thêm với “trúc nịch”. Dùng phương cách này trong ba ngày sẽ ổn định. Sau khi lành, sẹo để lại rất giới hạn.
“Trúc tâm” kết hợp với trầm hương, rễ tre và dịch của cây chuối hột chế ra một loại thuốc làm tái tạo men ruột cho người bị thương hàn, đồng thời cũng dùng làm thuốc trị bỏng và cầm máu; phối hợp với chè, trắc bá diệp, bồ công anh… để trị thủng ruột non do kiết lỵ nặng, trị chứng chảy máu cam kinh niên, chứng hơi thở nặng mùi hôi hám và trĩ ra máu nhiều.
Rễ tre tưởng là thứ vô dụng chỉ làm xấu đất, nhưng ông Ưng Viên bảo không. Nó là “trúc căn”, không những không làm xấu đất mà ngược lại nó làm tốt đất, bằng chứng là xung quanh rễ tre “tập hợp” rất nhiều giun dế. “Trúc căn” có tác dụng kiện tỳ trường vị, thanh can dưỡng tạng, rất tốt cho cơ thể. Rễ tre non có thể dùng làm dưa hoặc làm bánh, ngày xưa ở một số vùng miền Trung có món bánh phất làm bằng rễ tre non. Dưa rễ tre non hoặc bánh phất ăn vừa ngon vừa trợ tiêu hóa, cân bằng cường toan, giúp men ruột non tốt và giúp ruột non thủy phân thông suốt trực tiếp vào mạch máu.
Rễ tre (“trúc căn”) còn gọi là “lạp bát”. Nếu đem rễ tre non nấu cháo với vài loại cá chép hoang dã (cá chép vàng và đen) cùng một số rau rừng thì gọi là “Lạp bát thang” hoặc “Lạp bát hoa”, ăn rất ngon, vừa bổ dưỡng vừa chữa được nhiều bệnh và giải được độc. Rễ tre non mọc xen dưới gốc chuối, mít, gọi là “trúc liên tiêu”, có thể dùng để bào chế thuốc trị chứng đau nửa đầu, chứng đau râm ran trong bụng sau khi bị tả lỵ và thương hàn.
Lá tre, gọi là “trúc diệp”, trong tự nhiên giúp cân bằng sinh thái, khi rơi xuống đất có tác dụng khống chế, thuần hóa các vật ký sinh trong môi trường. “Trúc diệp” sát tạp khuẩn nên dùng để khử độc trong ẩm thực, gói bánh đặt một lớp lá tre giữa hai lớp lá chuối sẽ làm bánh ngon hơn và để được lâu hơn. Lá tre còn lông gọi là “trúc mao diệp”, có thể dùng làm thuốc trị đẹn, nhiễm trùng họng, nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng sinh thực nữ; nó còn có thể trị được chứng trào ngược dạ dày và chứng ách nghịch (nấc cụt).
Chỉ sơ sơ vài bộ phận “râu ria” của cây tre, những thứ tưởng như bỏ đi, đã thấy quý. Những bộ phận khác của cây tre còn quý hơn nhiều, trong đó có những chứng bệnh các Chân y ngày xưa bảo phi tre không cách gì chữa khỏi. Theo sách Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính, các chứng như: “tam quan tuy tuyệt uất đàm bạo nộ”, bệnh biểu hiện ở ba mạch quan trọng trên cơ thể đã chết, đàm kéo lên như cuồng phong (đàm ở đây là dịch bôi trơn của tế bào trong cơ thể đồng loạt tiết ra), chứng này là nan y, thầy thuốc ngày trước bó tay nếu như không có dược liệu từ cây tre; hoặc chứng “Lục mạch tuy đều hình nhục thoát tử vô sầu tuyệt”, biểu hiện ở 6 mạch đều bình thường nhưng cơ thể càng ngày càng gầy đi, trạng thái chờ chết nhưng không sợ chết, chứng này tây y gọi là “lao nhiệt”, đông y gọi là “lao sác”. Bệnh “lao sác” này dùng thuốc từ tre cứu được
(còn tiếp).
Hoàng Hải Vân
(Theo Thanh Niên Online)
Bài viết về trầm hương:
http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=663961&mpage=1&key=
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.03.2011 15:59:58 bởi Nón lá >