[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/68461/3F1A0221610B4F988822F9CA4CB2D620.jpg[/image]
Bằng lăng Cây bằng lăng không phải là loại cây mà tôi biết đến đầu tiên trong thời thơ ấu, cũng không phải là cây ở ngôi nhà đầu tiên thế nhưng tôi có thể xem nó là cây đại diện cho cuộc sống của tôi ở Việt Nam.
Có ba cây mà tôi thường nhớ tới khi nghĩ về mái nhà xưa của chúng tôi: cây gòn, cây gõ và cây bằng lăng. Cây gòn là loại cây lớn tại mái nhà đầu tiên từ khi tôi vừa chào đời (“nhà cũ”); tôi và các chị của tôi thường nhặt hoa gòn và trái gòn làm đồ chơi. Hoa gòn rụng và héo đã làm cho tôi, ở lứa tuổi mềm mại, nghĩ đến một bà lão tóc trắng hiền hòa. Cây gõ là cây ở nhà hàng xóm giàu có (theo ý nghĩ của tôi lúc còn bé); tôi cũng thường lượm hạt trái gõ rơi rụng ngoài đường đem về làm đồ chơi. Hạt gõ ngộ nghĩnh có phần màu đen và phần màu vàng dính với nhau như một cặp tình nhân. Tôi không bao giờ quên những lần không đi dép bị đạp lên vỏ trái gõ có gai đau thật là đau!
Cây bằng lăng là cây to ở ngôi “nhà mới”, là ngôi nhà thứ hai của gia đình mà tôi biết, cũng là ngôi nhà sau cùng của tôi ở quê hương Miền Nam Việt Nam.
Chẳng biết ai đã trồng cây bằng lăng và trồng từ lúc nào nhưng khi cha mẹ chúng tôi dựng nhà ở miếng đất thuê từ bà Phán thì cây đã đứng ở đó, oai nghiêm giữa khoảng đất cao ráo bỏ không. Thân cây trắng, to lớn hùng vĩ nhưng vẫn có đường nét dịu dàng, như một cô gái Á Đông có chiều cao và nước da trắng như Tây Phương, một cô gái cài nhiều hoa tím và nhiều hạt nâu đen ngộ nghĩnh.
Tôi đã chơi đùa thật ngây thơ dưới gốc cây bằng lăng. Cùng chơi đùa với tôi là những chú kiến vàng linh hoạt, những nàng chim se sẻ nhát nhúa, những anh chị rắn mối lén lút, ông tắc kè thường tằng hắng và thỉnh thoảng thốt lên câu nói bất hũ “Cóc cần! Bất cần!... Cóc cần! Bất cần!...” Tôi cũng nhớ những chú bọ xè xì xào, những nàng bọ ngựa kênh kiệu, và những nấm nhỏ nên thơ phun khói bụi tinh nghịch khi tôi động nhẹ vào như là chọc ghẹo tôi.
Và tôi cũng học bài học đầu tiên về ảnh hưởng buồn của chiến tranh đến chính gia đình tôi, khi một quả đạn pháo lạc vào nhà làm gẫy một nhánh bằng lăng thật to. Tôi đã thấy nét lo, nét buồn trên mặt mẹ: anh tôi là lính trong quân đội miền Nam, và các cậu của tôi là bộ đội miền Bắc… Tuy không hiểu rõ chuyện người lớn, tôi bỗng dưng có những giây phút buồn vô cớ, nghĩ về cái chết của chính bản thân mình: Tôi không còn muốn sưu tầm tem nữa vì “sưu tầm để mà chi, mình có sống mãi đâu… và chẳng ai trong nhà mình thích chơi tem để mà tiếp tục nữa cả…”
Trái đạn lạc đã làm cây bằng lăng có dáng dấp què quặt thật đáng thương. Mẹ tôi nhờ chú Tư hàng xóm chặt bớt những nhánh bị thương để chúng đừng rớt vào chúng tôi khi chơi dưới bóng cây.
Cây bằng lăng bình phục rất nhanh và ngày càng cao lớn nhưng tôi đã mất phần nào sự hồn nhiên, không chơi dưới gốc bằng lăng nữa.
Gần đến ngày 30/4/1975, tiếng đạn pháo lại đến với tôi thường xuyên hơn. Cây bằng lăng bị thương mỗi tuần, mỗi ngày do trúng miểng pháo kích. Mẹ tôi yếu đi nhiều do lao lực và lao tâm nhưng vẫn vững chãi, vững chãi như cây bằng lăng vậy.
Và tôi bắt đầu thật ghét cây bằng lăng. Hàng xóm của tôi, kể cả người lớn, nói là họ thấy ma ở cây bằng lăng. Chiều tối nào tôi cũng nghe tiếng chim cú kêu. Đối với đám trẻ chúng tôi và một số đông dân địa phương, tiếng chim cú là biểu hiện của sự chết chóc. Và tôi đã thật sự thấy chết chóc sau những lần nghe tiếng chim cú: chiến tranh và miểng đạn vô tình chẳng tha ai, già hay trẻ, gan dạ hay chết nhát như tôi. Rồi tôi thấy những loài chim ăn đêm thường ve vãn cây bằng lăng và cất lên những tiếng kêu ma quái. Quá nửa đêm mỗi đêm, tôi thường lén lút ra khỏi nhà đến cây bằng lăng để tung muối và gạo đến những tiếng chim kêu buồn bã để xả xui, theo lời chỉ dẫn của một bà cụ hàng xóm mà tôi tình cờ nghe được.
Tôi quả quyết là tôi đã nghe tiếng chim cú kêu trên cây bằng lăng. Tôi không biết là ai trong nhà tôi sẽ chết. Tôi nghĩ ngay đến mẹ tôi và thật đau xót. Tôi không muốn người phải chết là mẹ tôi, nhưng tôi cũng nhận ra ngay rằng ai chết cũng thật tang thương, dù là cha tôi, dù là anh chị tôi… Hay là người đó nên là tôi? Một vài bạn cùng lứa với tôi đã chết vì trúng miểng đạn pháo kích nên tôi không thể nào chắc chắn là chuyện đó sẽ không xảy ra với tôi.
Tôi thường xuyên mất ngủ ở lứa tuổi thiếu nhi. Tối tối, tôi len lén lục tủ thuốc tìm thuốc ngủ và rượu thuốc của cha mẹ tôi để uống. Tôi khẩn cầu miểng pháo và đạn nếu muốn tôi chết, hãy lấy mạng tôi ngay trong lúc tôi đang ngủ đi…
Chiến tranh chấm dứt ngày 30/4/1975 trong sự mừng rỡ của bà con, láng giềng, gia đình và nhất là tôi… Cũng nhờ vậy, cây bằng lăng được yên ổn trong nhiều năm. Thân cây to hơn, hoa tím rụng nhiều hơn. Tôi đã hy vọng là mọi điều tốt lành sẽ đến với mẹ tôi, với gia đình. Tôi nhìn cây bằng lăng với ánh mắt dịu dàng và thán phục.
Thế nhưng nhiều tai họa khác đã đến thay cho tiếng pháo kích đã mất đi. Đầu tiên, anh Hai tôi bị bắt giữ và đưa đi biệt tăm sau khi anh đến sở làm làm hỏi về việc “trình diện”. Kế đến, chị của tôi đang học sư phạm thì bị gửi về địa phương “quản lý” (tức là không được phép học nữa). Mẹ tôi không hiểu chữ “quản lý” là gì và đã lo đến đổ bệnh. Ông Ngoại tôi ở miền Bắc viết được một lá thơ duy nhất thăm con cháu trong Nam rồi qua đời, không kịp gặp con cháu sau gần 25 năm trời chờ đợi. Ba mẹ tôi lại bị sở thuế yêu cầu và phải đóng một lúc một số tiền lớn cho họ vì quán cà phê của chúng tôi đã không đóng thuế cho chính phủ VNCH (chính phủ miền Nam) trong nhiều năm trước năm 1975. Quán cà phê của ba mẹ tôi là quán nhỏ, quán nghèo, nghèo như chính cái gia đình con cái lam lũ chúng tôi nên sở Thuế Vụ của chế độ cũ đã chẳng màng tới việc kêu cha mẹ tôi đóng thuế… nhưng… đã có nhiều thứ khó giải thích nổi xảy ra rồi, và cha mẹ tôi thì chỉ muốn yên thân mà thôi.
Chiến tranh lại xảy ra. Lần này chúng tôi ăn đạn pháo của Pol Pot. Cây bằng lăng lại đứng mũi chịu sào… Những tiếng chim cú vọ lại trở nên quen thuộc nhưng tôi đã không còn sợ chết nữa. Cha tôi hay nói sống chết có số mạng, tôi trở nên gan dạ một cách ngấm ngầm và bạn bè cùng trường lớp thường ngạc nhiên khi thấy tôi không vội vã chui xuống hầm để tránh đạn mỗi lần có pháo kích.
Pol Pot đã bại trận và hòa bình lại đến với miền Nam. Nhưng anh Hai của tôi vẫn biệt tăm biệt tích. Quán cà phê nhỏ mái lá dễ thương của cha mẹ tôi đã bị đóng cửa từ lâu. Cây bằng lăng còn đó, vẫn khỏe mạnh nhưng mẹ tôi thì đã yếu lắm rồi. Tôi đang có ước mơ trở thành một bác sĩ thì có thơ gửi đến cấm tôi thi đại học trong ba năm và ban tuyển sinh có khuyên tôi là sau ba năm, nếu tôi có thi đại học, họ cũng đánh rớt, “thi làm gì cho mất công!” Sau đó thì tôi bắt đầu bệnh và yếu, tưởng là sẽ yếu như mẹ tôi vậy.
Một ngày thật buồn, tôi từ giã cha mẹ, vĩnh biệt cây bằng lăng đã gắn bó với mảnh đời của tôi trong thời chiến lẫn thời bình tại quê nhà… Tôi đã bỏ cha mẹ tôi, bỏ anh chị em tôi… và bỏ cả cây bằng lăng và những kỷ niệm buồn vui tại quê hương….
Đến Úc Đại Lợi, tôi nhận diện ra ngay những cây bằng lăng hoa tím, và nhiều màu khác nữa. Thân cây cũng trắng nhưng nhỏ như cây ổi, thiếu hẳn sự cao sang của cây bằng lăng của quê hương… Cha tôi viết thư cho tôi từ quê nhà cho biết là cây bằng lăng đã gây nhiều trở ngại cho mái nhà cũ kỹ của gia đình và đã bị đốn và gỗ cây có thể làm được một quan tài cho mẹ tôi.
Hình ảnh cuối cùng của cây bằng lăng kỷ niệm là chiếc quan tài đơn sơ, mộc mạc bao che cho thân xác người mẹ, người mẹ cả đời hy sinh cho chồng con và không hưởng được thành quả gì của con cháu cả.
Cây bằng lăng đã không còn. Mẹ tôi đã không còn. Những làn sóng biển trắng xóa tại xứ người bỗng dưng được thay thế hình ảnh của nhánh bằng lăng thân trắng của quê hương khi tôi muốn nhớ về người mẹ, nhớ đến tiếng mẹ ru, dáng mẹ chắt chiu ngày đêm và nhớ tiếng thở dài của mẹ khi thấy tôi ho bên ánh đèn dầu và chồng sách vở không làm nên tương lai…
Ôi mẹ ơi, con nhớ mẹ quá!
Viết vào ngày Quốc Tế Phụ Nữ, 8/3/2011
dohop – Nam Bán Cầu Ảnh: Trong vòng tay mẹ già - "Arms of the Old Mother" Loren Zeman - Bali, Indonesia
Ngày tôi chưa khôn lớn
Ngày tôi mới ra đời
Mẹ tôi đã lớn tuổi
Dòng sữa thấm phận người
Mẹ dịu dàng nuôi tôi
Bao nhiêu năm gian khổ
Sữa mẹ ngọt mồ hôi
Bao nhiêu năm biệt xứ
Sữa mẹ mặn biển đời
Ngày tôi mới ra đời
Đã hiểu tiếng Việt Nam
Phải chăng dòng thơm ngọt
Xuôi nguồn từ ngàn năm?
Ngày tôi chưa kịp lớn
Sức mẹ đã tận rồi
Mẹ không thể cứu tôi
Khỏi cuồng phong bão bụi
Ngày tôi chưa kịp lớn
Quê hương đã xa rồi
Mẹ già vẫn còn đó
Khóc con sớm mồ côi?
Ngày tôi chưa kịp lớn
Mẹ tôi đã qua đời
Tôi nụ hoa chớm nở
Đã phải xa cành rồi
Ngày tôi chưa khôn lớn
Dòng sữa đời đã nghẹn
Ôi nguồn suối quê hương
Tôi chưa uống trọn vẹn
Ngày tôi chưa khôn lớn
Sóng biển mặn ru tôi
À ơi, con của Mẹ
Tóc con đã bạc rồi!
dohop, Mùa Vu Lan 2010 dohop xin chân thành cảm ơn ca nhạc sĩ Dzuy Lynh đã thực hiện audio và chữa cho những câu tiếng Việt bị sứt mẻ - tiếng Việt của dohop cũng bị thương tật vì chiến tranh.
Trang audio:
http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=673990
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.03.2011 04:17:28 bởi dohop >