Từ xa xưa, khi màn đêm buông xuống, người dân sống ở vùng ngoại ô thường háo hức nhìn về đô thành Sài Gòn với bao nỗi ước ao, thèm thuồng. Ở phía phố thị rực rỡ ánh sáng đèn hoa ấy, có biết bao nhiêu là cao lâu, tửu quán đang chờ đón khách ăn đêm. Người Trung Quốc đã có hẳn một từ rất tao nhã để nói về chuyện người ta ăn uống buổi tối, đó là ăn "tiểu dạ", nghĩa là ăn nhẹ, chút ít gì đó vào ban đêm. Đúng ra thì ở bất cứ thời nào cũng vậy, ngày cũng như đêm, đã là một thành phố lớn như Sài gòn thì bất cứ đại lộ, đường nhỏ, ngõ hẻm, ngã tư, ngã ba đường, góc chợ nào cũng đầy dẫy những hàng quán, tiệm ăn. Như câu nói "buôn có bạn, bán có phường", ngành kinh doanh ẩm thực về đêm tại Sàigòn thường tập họp thành những khu phố ăn uống, những dãy quán tiệm đủ các cấp, từ hạng sang đến hạng "bèo", rất tiện lợi cho thực khách bốn phương chọn lựa mà tìm đến.
Đầu tiên là ở quận 1. Là quận "nhà giàu" nên có thể nói đồ dùng ăn đêm đặc trưng của quận 1 là những khu ăn uống sang trọng, mở cửa ngày đêm. Riêng quán ABC ở đường Nguyễn Đình Chiểu thì trên bảng hiệu, bảng thực đơn cùng giấy bọc đũa ghi rõ "Mở cửa đến 4 giờ sáng". Được bài trí khá sang trọng nên khách lui tới quán này phần lớn thuộc giới trung lưu cùng giới văn nghệ sĩ, diễn viên. Ghé quán này, thực khách có thể vỗ về cái bao tử kiêu kỳ, kén ăn của mình bằng những món cháo sò điệp, cháo tôm, cháo thập cẩm, cháo thịt heo bắc thảo, cháo cật heo, cháo thịt gà xé, cháo bò... Cũng thuộc hạng "giá cao" là ngay trung tâm quận 1, ở khúc đường Nguyễn Trãi gần ngã Sáu Sàigòn, nổi trội là nhà hàng Dìn Ký. Hẳn tập đoàn ẩm thực này "chạy" bộn tiền để "mua" mặt bằng nên mới có cảnh tượng là, từ khoảng 9 giờ đêm trở đi, những cái bàn trải khăn đỏ được nhà hàng ngang nhiên kê trên vỉa hè, còn dưới lề đường là cả dãy xe hơi của khách đậu san sát. Ngược lại, cũng khoảng 8 - 9 giờ đêm, các quán bình dân, không bảng hiệu ở gần ngã tư Hai Bà Trưng - Lê Thánh Tôn thường xuyên bị công an tới hốt, dẹp vì tội kinh doanh không xin phép, còn lấn chiếm lòng, lề đường. Giá cả thì rất rẻ nhưng thực khách thường bị cảnh đang ăn uống bỗng phải đứng bật dậy, cầm theo chén đũa của mình để chủ quán lẹ làng dọn, cất bàn ghế (toàn thứ bằng nhựa!) vào nhà. Xe "cây" của công an vừa chạy đi, lập tức bàn ghế mới được dọn ra chỗ cũ cho khách ăn tiếp.
Vậy mà khu ăn uống vừa bầy hầy vừa... vui nhộn này vẫn được dân ít tiền ủng hộ, còn gọi là khu "Dốc sương mù" vì ở đây chuyên bán các món lẫu và nướng, khiến khói bay mù mịt, giống như sương mù ban đêm phủ xuống cái đoạn đường Hai Bà Trưng đổ dốc xuống bờ sông Sàigòn.
Có sắc thái riêng, tĩnh tại chứ không náo nhiệt như khu "sương mù", là khu ăn uống ở đường Hải Triều mà dân sành điệu quen gọi đây là khu Cấm Chỉ. Lý do là vì ở đây chủ yếu bán những món ăn miền Bắc, giống như phố ăn đêm Cấm Chỉ nổi tiếng ngoài Hà Nội. Nhưng bên cạnh những tô phở, bún, mì "Bắc" vẫn có một đĩa giá sống Nam bộ. Cũng được nhắc tới nhiều là khu Đa Kao, mà những người lớn tuổi ngụ ở vùng quận 1 còn gọi là khu Đất Hộ. Khu này có đủ các loại cháo, mì, phở, hủ tíu, nhưng nổi danh từ trước ngày 30/4 là món bánh cuốn của quán Tây Hồ, ăn sáng hay tối gì cũng ngon.
Từ quận 1, con đường Nguyễn Trãi kéo dài vào quận 5 với những quán xá ít hào nhoáng hơn với những quán tiệm bán lẫu, xúp bong bóng cá, bò vò viên, mì hoành thánh, xíu mại ...như màu sắc ẩm thực cố cựu của vùng Chợ Lớn người Hoa xưa cũ. Ân cần đón nhận tất cả đại chúng giàu nghèo lẫn lộn là những dãy quán ăn, tiệm cơm ở các đường Trần Quí Cáp (quận 3, có món cơm tấm xuất sắc), Nguyễn Tri Phương (quận10), Phan Xích Long (quận11), Lê Văn Sỹ (trải dài từ quận 3 đến quận Tân Bình), vòng xoay Hàng Xanh đi cặp với đường Điện Biên Phủ (cùng ở quận Bình Thạnh, mà gần cầu Điện Biên Phủ có quán bánh khọt Cô Ba Vũng Tàu khá độc đáo nhưng đã đổi chủ).v.v..
Bàn về món ăn đêm, ăn khuya thì nhìn chung, có sức quyến rũ khách ăn đêm nhất có lẽ là cháo, bởi trước khi đi ngủ, ăn cháo thì nhẹ bụng, lại không rắc rối, màu mè, mất thời gian. Khu bán cháo đang được nhiều khách lui tới hiện nay nằm trên đường Lý Chính Thắng (quận 3). Khách về khuya tấp xe vào, gọi một tô cháo trắng, gọi cả các món ăn kèm với cháo. Như cháo ăn với hột vịt muối, hột vịt bắc thảo, trứng chiên 3 màu. Rồi cháo ăn cùng cá cơm, cá bống kho tiêu, cá cơm sấy mè (hay chiên), hoặc con ruốc chấy tỏi, ba khía ngào, tôm rim. Hay cháo ăn với thịt kho tiêu, chà bông cá / thịt. Đạm bạc hơn là cháo ăn với các loại dưa món , dưa mắm và cải xá bấu xào tôm khô. Ở gần những tiệm bán vịt quay khu vực ngã ba Hàng Xanh cũng có vài quán cháo trắng nấu với lá dứa, có cả cháo ăn chay nhưng không đông khách lắm.
Món cháo thường rẻ tiền nhưng nên để ý là ở khu Lý Chính Thắng, một tô cháo hột vịt muối chỉ khoảng 8.000 VNĐ, còn ở khu đường Hải Triều quận 1 lại đắt hơn nhiều (tô cháo heo bắc thảo hay thập cẩm tới 14.000 VND, nếu là cháo sò điệp hay cháo tôm tới 24.000 VNĐ). Cũng nên dắt túi khá khá tiền khi muốn đến quán Thu Nga, chuyên món cháo vịt, vịt luộc, tiết canh vịt ở bên khu Thanh Đa. Nửa con vịt luộc (ăn kèm gỏi bắp cải) mà ba người ăn còn phải rón rén, giá đã gần chẵn 100,000 đồng!
Đứng hạng nhì về sức phổ biến và thu hút người ăn là món lẫu dê, lẫu bò. Ở khu vòng xoay Hàng Xanh, ngày trước có cái hai quán lớn, chuyên về các món dê và rất đông khách. Mỗi quán lại gia giảm các vị thuốc Bắc, tạo ra hương vị riêng biệt, nhất là món lẫu dê, nên giá cả cũng mắc, rẻ khác nhau. Hiện nay, quán lẫu dê giá cao, "nhiều thuốc Bắc "đã dẹp, nhường chỗ cho một hiệu buôn bán điện thoại di động nên không còn cảnh xe cộ của khách ăn để tràn lan ra đường. Cùng mặt hàng lẫu dê, vú dê nướng giá cao là một quán lầu 4 tầng ở đường Trương Định (quận 3, nổi tiếng từ khi còn nằm trong sân của khách sạn Hoàng Đế gần đó) và hai quán sân vườn Tư Trì 1 và 2 rộng mênh mông bên bờ sông Thanh Đa. Dân thích lẫu dê nhưng ít tiền thì hay nhắc tới khu làng hoa Gò Vấp (đường Cây Trâm), có hai, ba quán của cha con chú Hai Châu chuyên bán lẫu dê, lẫu bò giá rất bình dân, hồi năm nào còn tính một cái lẫu nhỏ chỉ có 20,000 đồng.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.03.2011 16:09:08 bởi Ct.Ly >