LỄ KHAI ẤN ĐỀN TRẦN

Tác giả Bài
tahuudinhqn
  • Số bài : 125
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 30.08.2010
LỄ KHAI ẤN ĐỀN TRẦN - 15.03.2011 16:21:47
LỄ KHAI ẤN ĐỀN TRẦN
 
                                              Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
 
Chữ “khai” trong cụm từ “khai ấn” là từ Hán-Việt. Khai nghĩa là mở. Mở cửa, mở gói, mở tiệc… Mở đối lập với phong (niêm phong, phong bì…). Chữ nôm là gói. Gói - mở. Hai từ này có liên quan với nhau, cũng như vế của một đôi câu đối. Có vế này, tất phải có vế kia. Có gói nên mới có mở. Vậy, tại sao không thấy các vị chức sắc đền Trần tổ chức lễ “phong ấn”, mà chỉ có lễ “khai ấn”? Phải chăng vì gói ấn lại cất đi, khách thập phương chẳng được “ban phát” gì, thì họ không chịu mở hầu bao ra “công đức” ?
Không nhớ từ bao giờ, người viết những dòng này đã được đọc, hay được nghe ai đó kể rằng: Thời nhà Trần, sau ba lần đánh thắng quân Nguyên-Mông xâm lược, khi đất nước đã thái bình thịnh trị, nhà vua đã ban chiếu cho tất cả các cơ quan, sau một năm chăm lo chức phận, phụng sự triều đình, đến ngày giáp tết Nguyên Đán đều được phép phong ấn, đóng cửa công đường về gia đình nghỉ ngơi ăn tết. Và sau những ngày nghỉ tết, vào ngày rằm tháng giêng các công đường lại mở cửa, những quả ấn đã niêm phong lại được mở ra, và công việc lại tiếp tục.
Cũng như thời tiền Lê, vua ban chiếu lập ra lễ “Hạ điền”. Và đích thân vua Lê Đại Hành đã xuống đồng cầm cày cày ruộng, cầu cho mưa thuận gió hoà, quả sai lúa tốt, mùa màng bội thu, quốc dân no ấm. Cái việc phong và khai ấn của triều Trần cũng tương tự như vậy. Vừa là thủ tục hành chính, đồng thời cũng là lễ nghi văn hoá được áp dụng hàng năm.
Thế rồi cái lệ tục ấy, chẳng biết từ bao giờ đã được các vị chức sắc đền Trần, và nhân dân địa phương biến hoá thành ra một ngày lễ tâm linh văn hoá: Lễ khai ấn đền Trần.
Nhưng rất đáng tiếc, ngày lễ đó mấy năm gần đây đã bị thương mại hoá, và mê tín hoá hết sức nghiêm trọng. Hàng vạn khách thập phương đổ xô về đây chờ đợi, chầu chực để xin ấn (là tờ giấy quét mầu vàng giả lụa có in dấu ấn). Ban tổ chức tuyên bố phát ấn miễn phí, và không hạn chế số lượng. Nhưng sự thật cả mấy chục bàn phát ấn đều thực hiện theo kiểu: “Tiền trao cháo múc”. Tiền có vào thì ấn mới ra. Mặc dù cái giá 120.000 đồng mỗi bản ấn đã được che đậy dưới cái tên là tiền “công đức”.
Mà lại còn cả ấn giả, ấn nhái được rao bán công khai ngay tại sân đền, với giá từ hai đến ba trăm đồng một bản. Nhưng người ta vẫn mua. Vì ai cũng tin rằng nếu mình có được những bản ấn thiêng liêng đó, thì cả năm gia đình mình sẽ gặp may, khoẻ mạnh, được thăng quan tiến chức, được nhiều bổng lộc của cải… Cho nên người ta sẵn sàng mở túi tiền, và sẵn sàng xô đẩy nhau, giẵm đạp lên nhau (khiến nhiều người bị chết ngất), để giành giật lấy quyền lợi về cho mình!
Mà đây mới chỉ là hy vọng ở thì tương lai, nếu ai có bản ấn thì có thể sẽ đạt được những thứ ấy. Vậy, giả sử là sự thật, ở trên những chiếc bàn kia, ngoài các bản ấn, còn có cả những tờ “Quyết định” thăng chức, lên lương đóng dấu son, và hàng đống vàng, đống tiền sẽ đem ra phân phát, thì chắc chắn người ta sẽ không chỉ giẵm đạp lên nhau, mà còn xông vào nhau băm vằm chém giết nhau để tranh cướp lấy càng nhiều giấy tờ, vàng bạc càng tốt!
Cái lòng tham của con người thật khủng khiếp, người ta xô đẩy nhau, phá tan cả hàng rào sắt. Hai nghìn nhân viên bảo vệ cũng không giữ gìn được an ninh trật tự. Họ phải co cụm lại để bảo vệ bản thân, hoặc lẩn tránh đến chỗ an toàn.
Thậm chí người ta còn tung tiền vào trong kiệu, khi đoàn rước ấn đi vòng quanh hồ. Vì ai cũng tin rằng, nhận được tiền “công đức” của mình, chắc chắn vong linh các vị vua Trần sẽ phù hộ cho mình cầu được ước thấy.
Rõ thật là chuyện nực cười. Nếu ở cõi “Niết Bàn”, các vị Thần thánh cũng tiêu tiền, thì hẳn nhiên ở đó cũng có ông quan được làm Thống đốc ngân hàng, chuyên trách việc in tiền cho các vị thần thánh tiêu. Chứ dại gì mà các vị ấy lại dùng tiền của nhà Ngân hàng Việt Nam luôn luôn mất giá.
Mà lại còn điều này nữa, cũng hết sức vô lý mà người ta vẫn tin: Nếu bảo ai có bản ấn triều Trần, thì người đó sẽ gặp may mắn, sẽ hành thông phát đạt, thăng quan tiến chức. Vậy chính các ông đang ngồi thu tiền phát ấn kia, họ có thiếu gì bản ấn đâu, sao họ không được thăng lên thành các ông quan to, hoặc rất to? Và sao họ không giầu có thành các “đại gia”, thành tỉ, tỉ phú ? Mà vẫn như bao giờ, họ chỉ khiêm tốn là những ông từ khư khư ngồi giữ ấn?
Có lẽ cái sự tin tưởng đến mức u mê đó cũng chẳng khác gì ngày xưa, những cặp vợ chồng hiếm muộn đã dâng lễ vật lên đền xuống phủ để cầu tự. Đi một lần chưa được, thì đi hai ba lần. Rồi các cô, cậu con Thần, con Phật ra đời…Thôi khỏi phải nói đến sự sung sướng của những người cầu được ước thấy ấy. Nhưng rồi…chẳng hiểu sao, cả hình hài lẫn tính nết của các vị con thần ấy, đều không giống người cha hợp pháp của họ, mà lại hao hao giống ông… hàng xóm ?!
Về cái chuyện phù phép mập mờ này, có lẽ cũng không riêng gì ở những cặp hiếm muộn là thường dân. Mà đến cả bậc đế vương như Lý Công Uẩn cũng từng được coi là một vị con Thần. Tác giả tập sách: “Tám vị vua triều Lý” đã viết: “Thân mẫu Lý Công Uẩn đi chơi chùa Từ Sơn, cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, và sinh ra ông…”. Thiển nghĩ đó cũng chỉ là một cách dùng mĩ từ của tác giả. Chứ ai chẳng biết cái việc “giao hơp”, nhất thiết là phải có “dụng cụ” mới thực hiện được. Mà Thần linh thì lấy đâu ra cái của quý hoá ấy ? Mặc dù họ là bậc siêu phàm, thần thông biến hoá.
Thế rồi từ ngày y học tìm ra phương pháp thụ thai trong ống nghiệm, thì những người hiếm muộn chẳng ai đi chùa cầu tự nữa. Họ đến bệnh viện nhờ khoa học can thiệp, và kết quả thì ai cũng đã biết. Và qua đó cũng chứng tỏ, cái chuyện con Thần, con Phật chỉ là bịa đặt, là mê tín dị đoan.
                                                        *
                                                     *      *
Xin được trở lại chuyện khai ấn.
Vậy thử hỏi những quả ấn đang được sử dụng ở đền Trần, có phải là ấn của triều Trần còn truyền lại không ? Chúng tôi nghĩ là không phải. Vì thời gian đã quá lâu. Đất nước ta lại trải qua quá nhiều loạn ly, và biến thiên hưng phế. Đến quả ấn của triều Nguyễn, được trao cho chính quyền Cách mạng, mới có hơn 60 năm nay, thế mà đã mất tăm mất tích từ bao giờ rồi ? Mà chẳng ai biết rõ vì sao ? Một dạo, trên báo chí thấy mấy ông nhà văn, nhà báo xôn xao bàn tán. Ông bảo kẻ trộm đột nhập vào kho nhà Bảo tàng lấy mất. Ông lại bảo năm 1946 bọn lính Pháp đào hào ở ngoại ô Hà Nội vớ được. Rồi Pháp trao trả ông Bảo Đại. Nếu đúng như vậy thì cái vật “quốc bảo” ấy vẫn còn. Chỉ tiếc là không ai biết đích xác, hiện nay báu vật đang lưu lạc ở phương trời nào ?...
Còn mấy quả ấn ở đền Trần. Theo các nhà nghiên cứu thì quả ấn có chữ “Trần Triều Quốc Bảo” được chế tác lâu nhất cũng chỉ cách đây 200 năm. Còn quả “Trần Miếu Tự Điển” thì mới khắc từ đầu thế kỷ 20. Nếu đúng như vậy, thì càng chứng tỏ ấn ở đền Trần tuy có chữ “Trần triều”, nhưng đó chỉ là ấn của nhà đền, chứ không phải là ấn của nhà nước phong kiến thời Trần còn lưu truyền lại.
 Vậy nhà đền khắc ấn để làm gì ? Có thể lớp trẻ có người chưa biết. Đó là một nghi thức: Trong những ngày sóc vọng, tế lễ các vị thần linh. Mà ở đây (đền Trân) là các vị vua Trần. Ban khánh tiết phải soạn thảo một bản “chúc văn” (như các cơ quan viết báo cáo), để đọc trong khi hành lễ. Và để cho thêm long trọng, tôn kính, người ta đã chế tác ra con dấu để đóng vào bản “chúc văn” đó. Xong lễ, “chúc văn” được “hoá” đi để gửi lên vị thần được tế lễ ngày hôm đó.
  Nhưng những năm gần đây, lợi dụng chính sách tự do tin ngưỡng của nhà nước, người ta giương cao ngọn cờ “Lễ hội văn hoá tâm linh” để biến lễ khai ấn và những quả ấn được mệnh danh là quốc ấn của triều Trần trở thành phương tiện để họ buôn thần bán thánh, gieo rắc tâm lí mê tín dị đoan.
   Sự thật những quả ấn đó đâu phải là của triều Trần. Mà cho dù là phải, thì những mảnh giấy in dấu ấn đó cũng chỉ nên coi như bức tranh thư pháp để kỉ niệm, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ và lòng tự hào về ông cha mình đã chiến thắng một đạo quân xâm lược hùng mạnh nhất hành tinh. Chứ những bản ấn đó quyết không có khả năng thần bí, phi phàm gì mà có thể đem đến cho người sở hữu chúng sức khoẻ, địa vị và vinh hoa phú quý.
    Cuối cùng. Để kết thúc mấy dòng nông cạn và dông dài này, chúng tôi xin kính đề nghị Bộ Văn hoá-Thông tin-Du lịch nên có văn bản hướng dẫn và giải thích giúp người dân có cơ sở dể phân định được rõ ràng đâu là “tâm linh văn hoá”, và đâu là “mê tín dị đoan”. Đồng thời Bộ cũng nên có biện pháp hành chính cần thiết để ngăn chặn những việc làm thiếu văn hoá, văn minh trong các cuộc lễ hội./.
 
                                                           Uông Bí, ngày 9/3/2011
                                                                   T H Đ