Tạp bút Trần Huy Thuận
Trần Huy Thuận 18.03.2011 05:18:23 (permalink)
LẠM BÀN MỘT CHÚT
VỀ HAI TỪ "LÃNH ĐẠO"
Cái từ "lãnh đạo" nghĩa thực chất của nó chỉ là "dẫn đường".
Khi động vật là số đông, sống bầy đàn - động vật hoang dã, thì thường phải có một con giữ vai trò ĐẦU ĐÀN - vai trò DẪN ĐƯỜNG - LÃNH ĐẠO. Chức năng của con vật lãnh đạo là bảo vệ cuộc sống cộng đồng, chống kẻ thù, chống bầy đàn khác xâm nhập lãnh địa của mình và hướng dẫn việc kiếm ăn cho các thành viên... Nhiệm vụ của từng cá thể là phải tuân theo sự lãnh đạo đó. Có lãnh đạo mạnh mẽ thông minh, am hiểu địa hình địa vật thì bầy đàn no ấm, ngược lại thi đói khổ, thậm chí bị tiêu diệt!
Với giống vật thì con vật đầu đàn (lãnh đạo) đồng thời là con vật chỉ huy. Con người thì khác: Người "lãnh đạo" - dẫn đường có thể đồng thời là người chỉ huy, nhưng người chỉ huy không nhất thiết phải là người dẫn đường. Ví dụ: Khi cần vượt qua một vùng đất lạ, người ta tìm người "bản xứ" để thuê dẫn đường chứ người chỉ huy không tự ý mò mẫn tìm đường một cách hú họa đầy bất trắc.
Uy tín của con vật đầu đàn - con vật làm nhiệm vụ lãnh đạo được tạo lập không chỉ bởi sức mạnh bản thân, sự quả cảm trong chiến trận với kẻ thù, mà còn bởi khả năng tìm kiếm thông minh các vùng đất sống quý giá, mang lại nhiều thức ăn phù hợp với đồng loại. Uy tín của con vật đầu đàn còn được củng cố bởi sự hy sinh quên mình cho cuộc sống bầy đàn. Trong tự nhiên, chỉ có một vài loài như Ong và Mối là có giai cấp lãnh đạo riêng - các con Chúa, với những đặc quyền đặc lợi đặc thù mà các con ong con mối bình thường dù có phấn đấu hay tu luyện đến mấy, cũng không thể có được. Còn các con vật đầu đàn khác thảy đều xuất phát từ thành viên của bầy đàn, thảy đều sống vì lợi ích chung của bầy đàn. Trong thực tế, quan sát giới động vật hoang dã nói chung, người ta chưa thấy những lãnh đạo các bầy đàn này có biểu hiện lợi dụng chức quyền để bắt các thành viên trong bầy dàn phải cống nạp hay hối lộ! Dù là thú hay là chim, thì con vật đầu đàn cũng vẫn sống cuộc sống như đồng loại, gần đồng loại, cùng đồng loại; sống trong bầy đàn, vất vả kiếm sống như bầy đàn, đói no cùng bầy đàn. Không ăn trên ngồi chốc, không nhà lầu xe hơi, không ngai vàng đế đô.
Qua thế đủ thấy rằng, LÃNH ĐẠO là một vị trí rất cần thiết cho sự tồn vong của mọi bầy đàn, mọi cộng đồng. Tự do như loài chim cũng vẫn phải có con chim đầu đàn. Loài người là động vật cấp cao, phát triển với tốc độ lớn, lại càng cần sự lãnh đạo hơn bất kì loại động vật nào trong tự nhiên. Nhưng loài người đôi khi thua các loại động vật khác ở đức hy sinh vì cuộc sống cộng đồng. Cứ leo lên vị trí lãnh đạo là chỉ muốn hưởng thụ hơn người, quyền lực hơn người. Đặc trưng dễ thấy ở loại người này như sau: Là con dân, nhưng cứ tưởng mình là con Trời; là cá nhân trong hưởng thụ nhưng luôn nhân danh "tổ chức", nhân danh "tập thể" trong điều hành, trong lãnh đạo. Đứng trong hàng ngũ "ưu tú nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động", nhưng lại sống phè phỡn trên lưng người lao động, sống buông thả, trác táng hơn cả cường hào ác bá xưa... Để rồi muốn gì cũng được, ra lệnh thế nào cũng phải chấp hành... Vừa tham vừa nhũng, vừa cậy quyền vừa ỷ thế, vừa lộng ngôn vừa lông hành, vừa tha hoá, vừa cường quyền... Thế là từ vai trò LÃNH ĐẠO, chẳng mấy chốc những kẻ như thế đã trở thành LÃNH CHÚA!...
Ta cứ nghĩ giống Hổ dã man, nhưng bản thân những con hổ đầu đàn, sống rất nghĩa tình với đồng loại - "hổ không ăn thịt con" là nhận xét của loài người chúng ta từ xa xưa, cũng phần nào nói lên điều ấy. Như bất kì động vật nào khác, trong nội tình loài dã thú như Hổ, Báo cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn, bất đồng quyền lợi. Khi đó, chúng cũng giải quyết mâu thuẫn bằng chiến trận sống mái, nhưng là cuộc đấu một chọi một, không hề có vấn đề lợi dụng uy quyền, thế lực... Cách giải quyết thật công bằng, đúng không?!.
Mọi người chúng ta, vốn đều xuất thân từ thường dân, là tầng lớp bị lãnh đạo, nhưng hầu như ai cũng ít nhiều từng kinh qua một lần làm lãnh đạo. Lãnh đạo một nhóm nhỏ, hay lãnh đạo cả hàng trăm, hàng vạn đồng loại. Nhưng về già nhìn lại, ngẫm khi còn ở cái cương vị lãnh đạo ấy, ta cũng đã đôi lúc không tránh khỏi cái thói xấu thường tình, là cứ tưởng mình ghê lắm, khác người lắm. Rồi nhìn xuống đám quần chúng dưới trướng, thấy họ thảy đều chỉ như con sâu, con kiến, ta muốn tác oai tác quái thế nào, đám sâu kiến ấy cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh! Nhận ra và hối hận, thì thường đã muộn quá rồi. Ấy là chưa kể tới những kẻ, cho đến khi đã "về vườn", đã rời khỏi chiếc ghế lãnh đạo, thậm chí sắp đi sang thế giới bên kia, mà vẫn không nhận ra, không hối hận. Thật quả có như vậy, xin thưa!


XIN HÃY LẮNG NGHE
NGHE đương nhiên bằng TAI rồi. Nhưng khi cha mẹ hay người lớn nói "Bảo mãi mà nó có nghe đâu", thì đấy không còn chỉ là vấn đề của riêng CÁI TAI mà đã trở thành vấn đề thuộc Ý THỨC, thành TRÁCH NHIỆM, hơn thế, còn là ĐẠO ĐỨC của người nghe nữa!
NGHE AI và AI NGHE?
Thông thường thì BỀ DƯÓI nghe BỀ TRÊN - Nghe theo chiều THUẬN.
"Bề dưới" ở đây có thể là con cháu trong nhà, nhân viên cấp dưới hoặc rộng hơn là "nhân dân". "Bề trên" là cha mẹ, ông bà, chú bác; là cán bộ cấp trên, là "sếp lớn", "sếp nhỏ" - gọi chung là "lãnh đạo". Cái chiều NGHE THUẬN này đơn giản lắm, chả mấy khi vướng mắc. Vướng mắc thời lập tức có cả một rừng quy chế xã hội ràng buộc - thấp thì có "gia pháp" cao thì có "luật pháp", khiến BỀ DƯỚI không thể không vâng theo. Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ, TRÊN bảo, bảo nhiều lần, DƯÓI vẫn không nghe! Tại cớ làm sao? Xin thưa: Có thể do ba nguyên nhân: Thứ nhất, tại cái khoảng cách giữa TRÊN và DƯÓI không được phân minh lắm, nói đúng ra là TRÊN chỉ là cái sự ngồi GHẾ TRÊN, chứ tư chất, kiến thức và hành động nhiều khi chỉ bằng thậm chí còn không bằng DƯỚI - thành "CÁ MÈ MỘT LỨA". Thứ hai, do "Bề trên ở chẳng chính ngôi, khiến cho bề dưới chúng tôi hỗn hào" - Ở chẳng "chính ngôi" thì có nhiều biểu hiện lắm, từ sống thiếu gương mẫu, buông thả đến nói một đằng làm một nẻo, tham lam vô độ, vơ vét của công, lừa dối mọi người... Thế là dần dần dẫn đến việc DƯỚI coi khinh TRÊN. Thứ ba, do kẻ dưới ngỗ ngược quá, vô luân quá, không coi gia pháp, luật pháp là gì, ngang nhiên làm điều sai quấy.
Nhưng trong một xã hội DÂN CHỦ thực sự, thì không chỉ tồn tại mỗi trường hợp NGHE theo thuận chiều như vậy. Song hành với nó là vấn đề rất được xã hội quan tâm: "NGHE theo CHIÊU NGƯỢC", tức là BỀ TRÊN nghe BỀ DƯỚI - biểu hiện cụ thể của sự tôn trọng quyền làm chủ của NGƯỜI DÂN (một cộng đồng thuộc BỀ DƯỚI). Chiều nghe ngược này phải thường xuyên được coi trọng ở tất cả các cấp, các ngành, từ trung ương xuống địa phương. Coi trọng không chỉ trên lý thuyết, mà phải bằng thực hành. Tại sao thế?
- Tại vì CHÂN LÝ không bao giờ thuộc quyền sở hứu cá nhân, cho dù cá nhân ấy là ai. Đã là của mọi người thì không thể chỉ có một chiều THUẬN: BỀ DƯỚI phải tuân theo (NGHE) BỀ TRÊN. Về điểm này, có một vị từng đóng vai trò BỀ TRÊN - Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã có lần nói: "Thực tiễn đã chứng minh rằng, không ai độc quyền chân lý, ngọc càng mài càng sáng. Chân lý ban đầu càng được cọ sát, càng được tranh luận và trải qua thử thách trong cuộc sống thì càng được làm sáng tỏ thêm, càng tiệm cận tới gần chân lý đích thực hơn, thậm chí có khi phải thay đổi nhận thức ban đầu tới 180 độ". (Nguồn: http://www.vinhcity.gov.vn/news/?url=detail&id=21183&language=1:).
- Còn tại vì, như Đảng và các Lãnh tụ ta thường khẳng định: "DÂN là GỐC", "DÂN là CHỦ", "mọi QUYỀN LỰC đều thuộc về NHÂN DÂN" mà DÂN như nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhận định, còn thuộc phạm trù VĨNH VIỄN (Tài liệu đã dẫn).
- Nghe DÂN tức là nghe theo ý chí và nguyện vọng của DÂN; là đặt lợi ích của DÂN, của DÂN TỘC, của TỔ QUỐC lên trên hết. Lắng nghe DÂN một cách trân trọng và thực sự cầu thị, không dùng những điều giả tưởng thiếu căn cứ, cũng như không bao giờ được dùng quyền lực để phủ quyết, phủ định ý nguyện của DÂN theo kiểu cậy quyền cậy thế! Lại phải biết lắng nghe không chỉ những điều THUẬN TAI mà còn phải trân trọng cả những ý kiến TRÁI CHIỀU, NGHỊCH TAI. Chính vì lẽ đó mà trong diễn văn kỉ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, TBT Nông Đức Mạnh vẫn phải nhắc lại điều tưởng như rất giản đơn và quen thuộc này: "phải lắng nghe ý kiến của nhân dân". Và chúng ta hiểu rằng, ông không chỉ "NHẮC" mà còn muốn thúc dục HÀNH ĐỘNG!
(Nguồn:http://vietnamnet.vn/chinhtri/201005/Tham-vong-quyen-luc-lam-hai-thanh-danh-cua-Dang-910719/).

- NGHE DÂN, thực ra cũng vẫn là nghe THUẬN CHIỀU, bởi DÂN mới thực sự là CHỦ NHÂN ĐẤT NƯỚC, cán bộ - dù ở cấp cao đến mấy, vẫn chỉ là ĐẦY TỚ của DÂN mà thôi. Một khi đầy tớ không nghe lời chủ thì đạo lý còn không, kỷ cương còn không?!.
"PHẢI LẮNG NGHE Ý KIẾN CỦA DÂN". Vâng! Tất cả những điều trình bầy ở trên, hoàn toàn không có gì mới, xưa cha ông ta đã dạy bảo chúng ta nhiều rồi. Vấn đề cốt lõi vẫn là chúng ta có chịu NGHE, tức có chịu VÂNG LỜI cha ông hay không, có muốn làm một người con có HIẾU với cha mẹ tổ tiên hay không, có muốn tuân theo GIA PHÁP và PHÁP LUẬT hay không?!.

ĐẦY TỚ DÂN HAY CHA MẸ DÂN?
Chúng ta thường nói: “Cán bộ là đầy tớ” của nhân dân! Câu này có xuất xứ từ chế độ phong kiến. Đạo Khổng, đạo Nho dạy: Quan là công (nô) bộc của dân. Suốt mấy nghìn năm lịch sử, không biết bao nhiêu triều đình phong kiến Á Đông đã tuân theo điều răn dạy ấy!
Nhưng không chỉ có một vế nô bộc, triều đình phong kiến còn định nghĩa: Quan là phụ mẫu của dân! Như vậy quan vừa phải là người tận tụy làm việc cho dân (như một nô bộc); vừa phải đàng hoàng, gương mẫu trước dân (như cha mẹ của dân)! Từ một dân tộc bị nô lệ dưới ách đô hộ của ngoại bang, được Cách mạng giải phóng, vươn lên thành chủ nhân đất nước , người dân còn ý thức được một điều hệ trọng: từ nay, không còn chế độ quan lại hạch sách nhũng nhiễu dân lành. Cán bộ cách mạng là những người làm việc công tâm; vì cuộc sống, vì lợi ích chính đáng của dân mà phục vụ hết lòng! Còn vấn đề... “cán bộ là đầy tớ của dân” thì hình như trong thực tế, đại bộ phận dân chúng cũng chỉ cho đấy là một cách nói dân chủ, cách nói thể hiện sự ưu việt đặc thù của chế độ xã hội mới, mà thôi! Nói thế, không có nghĩa là không tin, mà cái chính là, ngay cả trong thời đang còn “sẻ cửa sẻ nhà” nuôi cán bộ hoạt động bí mật, dân cũng không mong, và cũng không cần cán bộ phải hạ mình đến mức nô lệ như vậy!
Phải chăng lâu nay vì chúng ta chỉ nhấn mạnh cái vế phục vụ (“nô bộc, đầy tớ”), mà xảy ra tình trạng, một bộ phận cán bộ đã biến chất thành những tên – vẫn là đầy tớ đấy, nhưng là thứ đầy tớ lưu manh, ăn hiếp, ăn cắp, thậm chí ăn cướp của dân!
Vậy thì nên hiểu người cán bộ cách mạng là gì đối với dân? Theo thiển nghĩ của tôi, cán bộ, cấp nào cũng vậy, đều là viên chức nhà nước – viên chức cấp thấp và viên chức cấp cao. Là viên chức thì trước hết phải hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách, theo luật pháp; đồng thời phải hiểu được điều cốt lõi này: Đồng lương anh nhận hằng tháng, căn nhà anh ở hằng ngày, miếng cơm (cỗ) anh ăn hằng bữa, chiếc xe anh thường xuyên dùng... thảy đều của dân đóng góp từ mồ hôi nước mắt, hai sương một nắng mà có! Cái chức, cái ghế cũng do dân bầu, Đảng cử. Phải làm việc như thế nào cho xứng đáng, là trách nhiệm và lương tâm của mỗi người!
Không cần làm đầy tớ, chỉ cần làm tròn lương tâm, trách nhiệm và đúng pháp luật! Đừng cho mình là tầng lớp cao hơn dân; hoặc nhầm tưởng mình giống như vua quan phong kiến, lúc nào cũng chỉ muốn làm cha làm mẹ dân! Làm cha mẹ mà lại cứ chỉ nghĩ cách ăn cướp thật nhiều tài sản của con dân, thì « cha mẹ » ấy là thứ cha mẹ nào?!.

DÂN... "HỖN"!
Thông lệ, chúng ta chỉ thường nghe nói đến hai từ "THẰNG CON", "THẰNG DÂN", chứ không mấy khi nghe thấy những câu ngược lại. Nay nghe nhà sư nọ trong một cuộc họp cơ quan Mặt trận cấp cơ sở đã phát biểu : "PHẢI SỐNG VÀ LÀM VIỆC THẾ NÀO ĐỂ DÂN KHÔNG GỌI CÁN BỘ BẰNG THẰNG!" mà thấy giật mình: Đạo đức xã hội ngày nay suy đồi đến mức ấy ư? Tôi không được nghe trực tiếp nhà Sư nói câu đó, nhưng thường ngày không phải là không nghe dân chúng nói năng hỗn hào về cán bộ như vậy - đương nhiên là nói vụng, nói khi người cán bộ đó đã nghỉ hưu, đã hết chức hết quyền!...

Mặc dù trong thực tế cuộc sống xưa nay vẫn xảy ra ở nơi này nơi kia, chuyện con cái gọi bố mẹ bằng THẰNG, bằng "CON", nhưng chỉ là cá biệt, chỉ ở những gia đình đã tha hoá nghiêm trọng về đạo đức, như kiểu nhận xét của nhà thơ trào phúng đất Non Côi Sông Vỵ: "Nhà kia lỗi phép con khinh bố; Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng". Xưa, Lưu Quang Vũ có một vở kịch nổi tiếng, có tên "ÔNG KHÔNG PHẢI LÀ BỐ TÔI" - người BỐ trong vở diễn này vẫn còn được người CON gọi bằng "ÔNG", cho dù gọi một cách hận thù, khinh bỉ. Gia pháp sẽ thực sự bị thoá mạ, nếu trở thành phổ biến tình trạng con cái không gọi những người sinh thành nuôi dưỡng họ bằng cái từ quen thuộc BỐ, MẸ nữa!

Tương tự, thi thoảng ở chỗ này chỗ nọ, cá biệt có người dân tức tối gì đó với cách giải quyết của QUAN, của CÁN BỘ, cũng ... sinh tệ chửi đổng, gọi QUAN, gọi CÁN BỘ bằng THẰNG. Chứ đến mức cái việc gọi CÁN BỘ bằng THẰNG trở thành phổ biến đến nỗi nhà sư nọ phải đưa ra phát biểu có tính chất rung chuông báo động như vậy, thì tình hình đã trở nên thật sự nghiêm trọng, không thể cho qua! QUAN LẠI phong kiến đế quốc bị dân gọi bằng "THẰNG" cũng là điều dễ hiểu, bởi trong hàng ngũ họ, tuy có nhiều người thanh liêm chính trực, làm việc vì dân vì nước... nhưng cũng không hiếm kẻ chỉ chăm chăm bắt nạt, bức hại dân lành nhằm mục đích vinh thân phì gia. Nhưng CÁN BỘ thì khác. Hai từ CÁN BỘ (CÁCH MẠNG) do Bác Hồ đặt tên, nhằm nhấn mạnh trách nhiệm cũng như vinh dự được đem công sức và trí tuệ ra làm việc "có ích cho nước, có lợi cho dân", "chí công vô tư", "Hết lòng phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân" và cũng còn bởi, CÁN BỘ "Là người đầy tớ trung thành tận tuỵ của nhân dân"...

Suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến, CÁN BỘ với DÂN luôn tồn tại mối quan hệ gắn bó máu thịt. DÂN không chỉ nuôi mà còn sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ CÁN BỘ - Bởi dưới con mắt người DÂN thời ấy, CÁN BỘ đồng nghĩa với CÁCH MẠNG, CÁCH MẠNG đồng nghĩa với TỔ QUỐC ĐỘC LẬP, đồng nghĩa với DÂN ĐƯỢC DÂN CHỦ, TỰ DO , ẤM NO HẠNH PHÚC! Vì thế, hai từ CÁN BỘ luôn được DÂN vô cùng yêu quý, được nằm trang trọng trong trái tim mỗi người DÂN, từ người già đến con trẻ. Trong xã hội thời ấy, từ "THẰNG" chỉ còn dùng để gọi bọn Việt gian bán nước, bọn tay sai đế quốc sài lang, bọn trộm cắp! Cuộc sống thời chiến gian khó nguy hiểm là thế, mà tình nghĩa CÁN BỘ - NHÂN DÂN vẫn gắn bó một lòng, không mấy khi bị vẩn đục. Không chỉ DÂN yêu quý tôn trọng CÁN BỘ, mà chính CÁCH MẠNG - với người đại diện gần gũi là CÁN BỘ, cũng rất hiểu và tin yêu DÂN. Có một câu hát nói về vai trò NÔNG DÂN nhưng cũng chính là nói về NHÂN DÂN: "Không có Nông dân thì Kháng chiến ta không thể thành công!".

Vậy thì vì đâu mà bây giờ DÂN với CÁN BỘ lại xa cách nhau, thậm chí coi thường nhau như vậy? Phải có nguyên nhân chứ? Chả nhẽ cả trong chuyện này cũng lại do bàn tay của thế lực thù địch sao? Sẽ có người nói như thế đó, nên người viết bài này xin phép được dẫn ngay một câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh: "Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. (Về Ðảng cầm quyền, ST, trang 15)" . Thì ra Hồ Chí Minh đã tiên lượng rất chính xác: Khi CÁN BỘ không còn được DÂN kính trọng nữa, thì trước hết phải tìm nguyên nhân ngay trong chính cách cư sử của CÁN BỘ - "Tiên trách kỷ hậu trách nhân" mà! Hồ Chí Minh còn cẩn thận căn dặn: "Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta. (Toàn tập, ST, 1984, T4, trang 521)".

DÂN gọi CÁN BỘ bằng THẰNG là DÂN hỗn rồi, không thể cãi được. Nhưng CÁN BỘ nào bị DÂN gọi bằng THẰNG, thì trước hết CÁN BỘ đó phải tự kiểm tra lại chính mình, về mọi mặt "ăn ở"... Phải luôn ghi nhớ lời Bác dạy: "Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta". Câu ca dao cổ, nhưng vẫn rất "thời sự": "Bề trên ở chẳng chính ngôi, để cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào"!

Vậy đấy, hãy ăn ở cho CHÍNH NGÔI, thì dân chúng chẳng ai dám HỖN HÀO!


CHUNG QUANH MỘT CHỮ... "QUYỀN"

Quyền có loại do tự nhiên mà có, Trời sinh ra đã có, cho dù người đó là người như thế nào, dòng dõi ra sao, sinh sống ở đâu và làm việc như thế nào - Đó là QUYỀN CON NGƯỜI, bao gồm những Quyền rất cụ thể như quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền được học hành, quyền được sống, quyền được chăm sóc y tế... Khi một người đến tuổi Công dân thì có thêm Quyền Công dân, Quyền Làm chủ Đất nước. Xã hội, nhà nước, tổ chức chính trị... đều có trách nhiệm tôn trọng và phát huy quyền này. Trình độ văn minh, dân chủ của một quốc gia được đánh giá bằng mức độ thực thi loại quyền tự nhiên này. Chế độ Phong kiến còn biết LẤY DÂN LÀM GỐC, không lý gì con người trong xã hội hiện đại, Người Dân lại không được thực thi QUYỀN DÂN CHỦ.

Có loại Quyền được hình thành do vị trí và vị thế xã hội chính đáng của mỗi con người - QUYỀN CHỨC. Chức đến đâu Quyền đến đó. Quyền mà vượt chức là "tiếm quyền" và tuyệt không được lợi dụng chức quyền để làm bậy, để vơ vét, để chiếm đoạt.. Chức phải được tạo lập từ năng lực thực có, từ kết quả học tập, rèn luyện, phấn đấu, hy sinh của bản thân,.. kết hợp với cơ may gặp vận hội và môi trường sống thích hợp - phải nói như thế vì thực tế không hiếm những người có tài, có trí tuệ thông thái hơn người, có hy sinh và đóng góp lớn cho đất nước... vẫn chịu sống với vị thế không tương xứng, không ai biết đến, không được trọng dụng. Quyền mỗi cá nhân được đặt trong quyền của tổ chức, quyền của tổ chức phải đặt trong quyền của cộng đồng, của xã hội... và phải chống ĐỘC QUYỀN, dù là độc quyền cá nhân hay độc quyền tập thể. Quyền này đích thực là THỰC QUYỀN, bởi nó do THỰC LỰC của người có nó; nó chung lợi ích và mục đích với tổ chức, cộng đồng, xã hội. Nhưng cũng không hoàn toàn như vậy - cuộc đời vốn chả có gì tuyệt đối cả, vẫn tồn tại một thực tế là nhiều khi người có thực lực không có thực quyền, chỉ có HƯ QUYỀN. "Hữu danh vô thực" là như vậy!

Lại có loại Quyền cũng được tạo ra từ vị thế xã hội, nhưng là thứ vị thế do mua bán, chạy chọt, thoán đoạt, lừa đảo... mà có. Loại quyền này tuy không CHÍNH ĐÁNG, là HƯ DANH, nhưng vẫn là THỰC QUYỀN, thậm chí nhiều khi còn vượt cả THỰC QUYỀN. Quyền loại này thường được củng cố và phát huy bằng LỰC - lực của tập hợp, tập thể, tập đoàn, bè cánh, "bè lũ", "cánh hẩu", "cùng hội cùng thuyền"... Ngu dốt cộng với quyền lực trong trường hợp này sẽ trở thành độc đoán, thành bạo chúa độc tài là điều hiển nhiên.

Đã "Quyền" phải "Hành" - QUYỀN HÀNH. "HÀNH" đây là thực hành chứ không phải là hành dân. Quyền nào cũng phải được thực hành, phải trở thành hiện thực, phải được thực thi chứ tuyệt không chỉ tồn tại trên giấy, không nói suông, không "treo đầu dê bán thịt chó". Quyền đến đâu Hành đến đó, không được LỘNG QUYỀN.

Đã có QUYỀN tất có LỢI. Lợi từ LỘC. "Lộc" đúng nghĩa khi lộc đó là lộc của Bề trên "ban thưởng" hay của "bề dưới" thực sự tự nguyện trả nghĩa, trả ơn. Không phải như vậy, "Lợi" đó chỉ có thể là của "đút lót", của "hối lộ".

Quyền cần sự hỗ trợ của UY. Uy được tạo lập nhờ đức, nhờ nhân, nhờ tín, nhờ lễ, nhờ nghĩa. Nhưng cũng có "uy" được tạo lập do áp bức, áp chế, do cậy quyền cậy thế, do làm liều, do liều lĩnh, bạt mạng, bất chấp... Uy ấy là uy của mãnh thú, của bạo chúa.

QUYỀN phải có HẠN - QUYỀN HẠN. Trong bất kỳ trường hợp nào Quyền cũng phải có GIỚI HẠN Giới hạn cụ thể nhất là không được xâm phạm QUYỀN TỰ NHIÊN CỦA CON NGƯỜI, không được xâm phạm QUYỀN TỰ QUYẾT CỦA MỘT DÂN TỘC, QUYỀN ĐỘC LẬP, QUYỀN TOÀN VẸN LÃNH THỔ của một Quốc gia,... Quyền mà vô hạn, là cái HỌA lớn nhất đối với cộng đồng, đối với xã hội, đối với cả Loài Người. Quyền lực đến đâu cũng không được thoát ra, không được ĐỨNG TRÊN CÔNG ƯỚC, LUẬT PHÁP QUỐC TẾ; ĐỨNG TRÊN HIẾN PHÁP, LUẬT PHÁP QUỐC GIA.

Quyền luôn gắn với TRÁCH NHIỆM, NGHĨA VỤ. Quyền càng cao, Trách nhiệm càng lớn, Nghĩa vụ càng nặng nề. Khi nói "Quốc hội là CƠ QUAN QUYỀN LỰC CAO NHẤT đối với một quốc gia", phải hiểu rằng Quốc hội đó có trách nhiệm đại diện cho QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA NHÂN DÂN, có trách nhiệm đảm bảo QUYỀN DÂN CHỦ, QUYỀN LẬP HIẾN, LẬP PHÁP CỦA NHÂN DÂN được thực thi. Tương tự vậy, Nguyên thủ Quốc gia là người nắm Quyền lớn nhất trong bộ máy hành pháp, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề: Đối nội phải đảm bảo mọi hoạt động phải theo đúng HIẾN PHÁP và LUẬT PHÁP; phải làm cho Dân giầu Nước Mạnh, Xã hội Văn minh; đối ngoại phải mở rộng bang giao đi đôi với giữ vững quyền Độc lập và sự vẹn toàn Lãnh thổ Quốc gia do Cha Ông để lại... Không có thứ Quyền thoát ly Nghĩa vụ, Trách nhiệm.

Quyền - Ai ai cũng muốn, cũng ham, cũng mơ ước thậm chí... thèm khát. Nhưng trước tiên hãy cùng nhau tìm hiểu thấu đáo về nó, mặc dù nó chỉ có một từ: QUYỀN!

<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.08.2012 12:49:49 bởi Trần Huy Thuận >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9