Chợ Lớn Lịch sử địa lý, kinh tế và văn hóa
Thanh Vân 19.03.2011 06:45:54 (permalink)

Chợ Lớn Lịch sử địa lý, kinh tế và văn hóa: Phần 1
20-02-2011 22:07



Chợ Lớn, cách Sài Gòn khoảng 6km, trước đây từng được coi là thủ đô lúa gạo của toàn Đông Dương. Vai trò của Chợ Lớn là cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế Nam Kỳ xưa kia và ngay cả ngày nay. Lịch sử Sài Gòn gắn liền với lịch sử Chợ Lớn. Chợ Lớn được thành lập trước Sài Gòn. Sài Gòn thật ra là tên trước đây đặt cho khu Chợ Lớn và chính tên Sài Gòn có thể có nguồn gốc từ “Tai Ngon” hoặc ‘Tin-Gan” (Hán Việt là Đề Ngạn, chỉ thành phố gần đê dọc kênh tàu Hủ) mà người Quảng Đông đọc là “Thầy Ngòn” hay “Thì Ngòn” (4).

Bài này có mục đích giới thiệu lịch sử địa lý, kinh tế và văn hóa thành phố Chợ Lớn trong hơn 200 năm qua từ lúc người Hoa đến định cư đông đảo từ Cù Lao phố, Biên Hòa. Sự thăng trầm của Chợ Lớn trực tiếp gắn liền với lịch sử Việt Nam trong các thế kỷ đã qua. Chủ yếu là trung tâm thương mại, không có quyền lực và ảnh hưởng chính trị, Chợ Lớn không được đánh giá đúng mức về tiềm lực văn hóa, kinh tế trong các nỗ lực ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế, hạ tầng cơ sở xứng đáng với tầm vóc của thành phố này, cũng như phát triển văn hóa và bảo tồn các đặc trưng mà con người, trong đó người Hoa và Minh hương là chủ đạo, đã góp phần tạo thành đặc tính con người văn hóa Nam bộ.


Trong các năm gần đây, cảnh quan đô thị thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn đã thay đổi thật nhanh chóng qua sự bùng nổ dân số và kinh tế cùng các cơ sở hạ tầng và sự phình rộng đô thị với nhiều quận mới được thành lập. Không cần một bản báo cáo nghiêm túc về tình hình phát triển và quản lý đô thị vùng Sài Gòn-Chợ Lớn, hỏi bất cứ cư dân và của những khách viếng thăm về tổng quan về môi trường sinh thái, văn hóa thành phố Hồ Chí Minh thì tất cả đều có cùng nhận xét như người viết :


- Phát triển thiếu bền vững : quá tải, ô nhiểm môi trường khí, nước, vấn đề xử lý chất thải rắn. Giao thông ùn tắc, thiếu cây xanh, nước ngập do lấp kênh rạch (Sài Gòn - Chợ Lớn lịch sử là thành phố sông nước)
- Bảo tồn di sản và phát huy giá trị văn hóa lịch sử : sự biến mất gần đây của nhiều kiến trúc, cảnh quan có giá trị văn hóa lịch sử (Bến Bình Đông, Chương Dương, Hàm Tử) qua lợi ích trước mắt chứ không đặt trên cơ sở tìềm năng lâu dài.


Phong thái, phong cách kiến trúc, cảnh quan văn hóa và sinh thái của một thành phố làm nên cá tính của thành phố ấy. Chưa nói đến vấn đề sinh thái, cây xanh (đứng trên tòa nhà cao tầng ở quận 4, chỉ thấy nhà là nhà mới mọc chen chúc mà không có cây xanh nào trong toàn quận), tác giả đã đi qua và ghi lại những gì đã thay đổi trong các năm qua và qua bài này dóng lên tiếng báo động về sự biến mất của những khu phố cổ, những cảnh quan đô thị có giá trị văn hóa được thay bằng những tòa nhà không đồng bộ, nhếch nhác không có đặc thù kiến trúc qua sự thiếu hoạch định các khu phố của chính quyền địa phương.


Đặc biệt nhất là dọc theo rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ trên đại lộ Đông Tây vừa xây và các đường tiếp cận gần đại lộ đi Chợ Lớn. Những nơi này là nơi mà sự thay đổi đã làm các khu phố thay đổi hầu như toàn diện. Các hình ảnh xưa trong bài có nguồn từ (6) và hình ảnh gần đây là của tác giả và nhiếp ảnh gia Kinh Luân, báoThời báo Kinh tế Sài Gòn.


Sự thành lập và phát triển Chợ LớnNgười Hoa, từ Cù Lao phố, Biên Hòa, đã kéo về đây thành lập khu định cư mới vào năm 1778 sau khi Cù Lao phố bị Tây Sơn đánh phá. Họ là hậu duệ những người theo nhà Minh chạy khỏi Trung Hoa thời nhà Thanh đến miền Nam lập nghiệp ở Cù Lao Phố và Mỹ Tho vào năm 1680 sau khi được chúa Nguyễn cho phép.
Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí (1) nói về vùng Chợ Lớn là nơi phố thị buôn bán sầm uất, sinh hoạt văn hóa, kinh tế nhộn nhịp cuối thế kỷ 18 như sau :


“ Phố chợ Sài Gòn :
Cách trấn về phía nam 12 dặm ở hai bên tả hữu đường cái quan, là đường phố lớn, thẳng suốt 3 đường, giáp đến bến sông, một đường ngang ở giữa, một đường đi dọc theo sông. Các đường ấy đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá liền mái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ 3 dặm. Hàng hóa trong phố bày bán có : gấm, đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu trang sức, hàng sách vở, tiệm thuốc, tiệm trà, tiệm hủ tíu. Hai đầu nam bắc bến sông không gì là không có. Đầu phía bắc đường lớn của bổn phố có miếu Quan Đế và 3 hội quán : Phúc Châu, Quảng Đông, và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu ; phía tây ở giữa đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía nam đường phố lớn về phía tây có hội quán Chương Châu. Gặp ngày tốt, đêm trăng, như Tam nguyên, rằm, mùng một thì treo đèn đặt án, tranh đua kỳ xảo trông như là cây lửa, cầu sao, thành gấm, hội quỳnh, kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu, thật là một phố lớn nơi đô hội náo nhiệt. Trong đường phố lớn có cái giếng xưa, nước ngọt tràn trề, bốn mùa không cạn. Sông nhỏ chảy ngang phố có bắc cầu ván lớn, trên có hai dãy hành lang mái ngói, treo màn che nắng, đường đi râm mát như đi dưới mái nhà cao. Giữa phố về phía đông đường lớn có chợ Bình An bán đủ sản vật quý ở núi biển và thổ sản các nơi, ban đêm còn thắp đèn mua bán ”.
Khi từ Cù Lao Phố đến vùng nay gọi là Chợ Lớn cũ, đã có làng Minh Hương của người Việt gốc Hoa thành lập trước từ năm 1698 cũng do người Hoa nhà Minh đến định cư. Nhưng chỉ 4 năm sau, năm 1782, Tây Sơn Nguyễn Nhạc vào trở lại đánh thành Phan Yên (Phiên An, thành Sài Gòn sau này) ở Gia Định và sau đó đánh luôn Chợ Lớn khu người Hoa ở, tàn sát họ rất nhiều.
Theo Vương Hồng Sển (4) :
“ Sau trận giặc 1782, theo Trịnh Hoài Đức thuật lại, thì hàng hóa các tiệm buôn Tàu như trà, vải lụa, thuốc men, hương liệu, giấy má đủ loại bị tuôn ra bỏ bừa bãi lềnh khên ngập đường sá, hèn lâu như vậy mà không ai dám rớ dám mót lượm về xài. Qua năm 1783, giá hàng hóa vụt lên mà ngợp : kim may mỗi cây một lượng bạc, trà Tàu tám quan tiền một cân,... Còn nói chi số binh sĩ và thường dân Tàu bị chết đâm chết lụi kể trên số muôn, thậm chí thây ma lớp nằm chật đất, ngổn ngang từ vàm Bến Nghé đến tận kinh Chợ Lớn, lớp khác bị chuồi xuống nước, xác ma da, thằng chỗng kẹo lềnh một khúc sông, làm cho ngót ba bốn tháng trường, dân nghe nhắc mà ớn xương sống không dám rớ đến miếng thịt xương thịt cá ! Nhưng người Tàu quả là giống dân giàu tính nhẫn nại nhất thế giới : tính coi họ thất bại to tát làm vậy mà họ không bỏ cơ sở làm ăn. Ít lâu sau họ gầy dựng lại cơ sở Chợ Lớn, có mòi sung túc thịnh vượng hơn trước bá bội.
Họ lấy đất đắp thêm bờ kinh chỗ mới tạo lập, cẩn đá thêm cao ráo và kiên cố. Và có lẽ để ghi nhớ công trạng này họ đặt tên chỗ mới là “Tai-Ngon”, hoặc “Tin-Gan”, mà phát âm theo giọng Quảng Đông thì nghe ra “Thầy Ngồn” hay “Thì Ngòn”. Xét theo mặt chữ, thì “Tai-Ngon”, “Tin-Gan”, “Thầy Ngồn”, “Thì Ngòn” đọc theo giọng Việt là “Đề Ngạn” :
Đề, Đê :  là cái bờ, cái đê ngăn nước.
Đề : cũng có nghĩa là nắm lấy (Đề cương khiết lãnh là nắm lấy cái dây lớn của cái lưới, tức nhiên cả cái lưới sẽ trương ra ; kéo cái cổ áo thì cả chiếc áo nhấc lên. Nghĩa bóng : nắm lấy chỗ chủ yếu. Kể ra khi đi lựa địa thế, đã là đặt cả một hy vọng lớn rồi.)
Ngạn : bờ sông cao dốc.
Đề Ngạn là vùng Chợ Lớn cũ ngày nay vậy (truy ra là xóm Quảng Đông Nhai chỗ miếu Quan Đế, miếu Tam Hội) ”.
Khu cổ nhất ở vùng Chợ Lớn là xóm người Khmer chung quanh chùa Cây Mai và Phú Lâm. Chùa Cây mai, sau này thành đồn Cây Mai từ lúc Pháp đến đánh Sài Gòn đến ngày nay, nằm ở khu vưc gần các đường Nguyễn Trãi, Hồng Bàng và Nguyễn Thị Nhỏ. Chợ Lớn lúc đầu chỉ là tập hợp của nhiều làng, xóm chung quanh các kinh rạch. Nhiều làng xóm chuyên làm những nghề thủ công nghệ, sản xuất,.. mang tên đặc trưng của xóm đó như Xóm Dầu (sản xuất dầu dừa, dầu đậu phọng), Xóm Củi, Xóm Than, Xóm Lò Gốm,…

<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.03.2011 06:55:16 bởi Thanh Vân >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9