Có một gia đình-Tiểu thuyết của Nguyễn Văn Hồng
tieuboingoan 26.08.2005 14:12:45 (permalink)
Có một gia đình


Tiểu thuyết của Nguyễn Văn Hồng


Nhà xuất bản Hà Nội - 2001


Chương một


1


Cái nắng "nước lên" sao mà khó chịu đến thế! Trời lúc nào cũng ong ong oi oi, ngột ngạt, khiến cho trong người cứ thấy bức bối, nóng nực, uống bao nhiêu nước vẫn còn thấy khát.

Con bé Cời vừa gẩy mớ rác phơi trên sân vừa ngẫm nghĩ ghét trời, ghét đất vô cùng. Vừa nắng rát mặt đã đùng đùng đổ mưa ngay được. Kiếm được gánh rác về phơi, từ sáng đến giờ cứ tranh với nắng, chạy với mưa, tướt cả người mà ướt vẫn hoàn ướt. Kiểu này không khéo rồi "giời đất" bắt mình đút tay vào bếp đây.

Gẩy xong mớ rác, Cời vào ngồi bệt xuống nền nhà, thò tay nắn bụng moi từ trong cạp quần ra một cái túi nhỏ có dây rút, mở dốc ra đất tất cả tiền trong túi, nhặt riêng thành từng thứ, rồi ngồi đếm. Mỗi ngày Cời đếm tiền của mình không biết bao nhiêu lần. Ðếm xong tủm tỉm cười một mình rồi lại nhặt từng đồng đút vào túi, giắt vào cạp quần như trước. Ðó là cái trò giải trí không bao giờ biết chán của Cời...

Kể từ hôm được chị Vận dạy bảo và giao cho tay-hòm thìa-khóa, cai quản cái bếp ăn của "gia-đình", với mức khoán: mỗi ngày 2 xu rau, 2 xu củi, một xu mắm muối, một xu dầu thắp. Tất cả là 6 xu một ngày. Tiền gạo, tiền quần áo, với tiền mua ba ngày một bữa thịt (hoặc cá) thì sẽ do chị ấy tự lo liệu. Chỉ cần mỗi ngày được chi tiêu 6 xu, Cời đã ranh ma "bỏ công làm lãi": đi hái rau rệu, rau rền cơm, rau mảnh bát... mỗi ngày một bữa, thế là bớt ra được một xu. Thêm khoản củi, Cời thầu tuốt cả hai bữa trong ngày, ăn chết 2 xu nữa, là ba. Thì tay đi kiếm, rồi tay lại đun, khói mình mình chịu! Thế là mỗi ngày chị Vận đưa cho 6 xu, Cời chỉ tiêu hết 3 xu. Nhặt miếng vải, giặt sạch, khâu lấy một cái túi, đựng tiền vào. Ngày nào cũng y ngày nào, hơn nửa tháng rồi, túi tiền đã đậm tay ra phết! Thích thật. Ðược thế này mãi, cứ là ối tiền cho mà xem.

Cời còn đang mê mải với niềm vui của riêng mình thì chợt có tiếng chân người đi vào sân. Cời ngẩng lên. Nó nhận ra người đang vào là bà Cai Keng. Bà Cai Keng làm ra vẻ như không biết có Cời đang ngồi chắn ở giữa cửa ra vào, hau háu trông ra. Bà cứ đàng hoàng cất bước, hai con mắt lơ láo nghiêng ngó dòm nom mọi phía. Mặc dù biết tỏng rằng nhà này không nuôi chó, tay bà Cai vẫn cầm lăm lăm một cành que tre, ngoặt ra sau, và dùng bàn tay bên kia nắm lấy cổ tay bên này, đặt cả hai cùng với cành que lên cặp mông héo quắt của mình.

Dừng lại trước mặt Cời, bà hỏi giọng lạnh tanh:

- Mày có phải là cái con cù bơ, cù bất ở ngoài cửa ô mà cái thằng Tấc ma-cà-bông không cha không mẹ, nhặt về đấy không?

Cời giương mắt thao láo nhìn vào mặt bà Cai, không đáp. Bà Cai Keng thản nhiên hỏi tiếp:

- Thằng Hải móm con nhà Năm Sẹo trên răng dưới dái, nuôi mõm chưa xong, lấy cơm gạo đâu ra mà tọng vào mõm chúng bay. ý hẳn lại tụ tập nhau trong cái nhà hoang này, lập thành một nhóm ăn cắp hử? Hôm nay bà phải vào củ soát nhà này xem chúng mày giấu diếm những gì nào. Tránh ra, con ranh!

Việc xảy ra quá bất ngờ, Cời chưa biết phải làm thế nào, đành cứ ngồi ỳ ra nhìn bà Cai. Không thèm chấp trẻ ranh, bà Cai nhấc chân gạt ngang một cái làm Cời ngã nghiêng, rồi bước vào nhà.

Bị gạt ngã, Cời nhớ ngay tới chiếc đinh thuyền to như một đẫn mía de, dài đẫy gang tay người lớn và nhọn hoắt mà nó đã nhặt được trong khi đi hái rau dại, hiện đang giấu sau nhà. Nó nhổm ngay dậy lỉnh rất nhanh ra lấy cái đinh thuyền, vạch áo cài chiếc đinh vào cạp quần trước bụng, rồi trở vào ngồi đúng tại chỗ cũ. Hai con mắt giương to hết cỡ, hau háu theo dõi từng bước đi, từng cử chỉ của bà Cai.

Không hề bận tâm đến Cời, bà Cai cứ thản nhiên lượn lờ và lơ láo nhòm ngó từng xó xỉnh bằng cặp mắt cú vọ sâu hoắm của mình. Bà giơ tay lên sờ vào chiếc chiếu cói vắt trên sào, vuốt ve một tí rồi khen: "Khéo tậu đây, chiếu nhỏ cói mà dệt mau gai thế này, nằm bền lắm!" Bà lượn vào bếp, nghiêng vò gạo, vốc một nắm ra ngắm rồi nhón mấy hạt đưa lên miệng nhấm thử, gật gù nhận xét: "Gạo quê thơm phức, quân này gớm thật! Thế ra thời buổi đổi thay, chỉ có bà chết, còn chúng bay thì lại đậm miệng thế này ư?". Nói xong, bà sờ đến cái nồi đồng điếu nhấc lên, cong một ngón tay gõ thử, rồi nắc nỏm: "Thật là nồi đồng, cối đá! Của này dùng đến mãn đời cũng chẳng hỏng được!"

Bà Cai cứ nhẩn nha sờ mó mọi thứ, để rồi lại tự lẩm bẩm nói một mình. Bà đâu có biết cứ mỗi khi bà mó máy vào bất kể vật gì trong nhà, là lập tức Cời thò tay vào trong áo, tóm cái đinh thuyền để sẽ sẵn sàng rút ra, nếu bà Cai tỏ ra muốn mang nó khỏi cửa! May sao việc ấy không xảy ra.

Khi đã không còn thứ gì để xem xét nữa, bà Cai phủi đi phủi lại hai bàn tay vào nhau cho sạch, rồi đủng đỉnh đi ra chỗ Cời đang ngồi, làm ra vẻ lơ đãng hỏi:

- Mày có biết thằng Hải móm với thằng Tấc chuột nhắt đã cuỗm đâu về những thứ ấy không, hả?

- Chị Vận mua!

Bà Cai Keng ngỡ mình nghe nhầm, vội hỏi lại:

- Mày bảo sao, con Vận xúi-quẩy mua về đây ý à?

- ừ, chị Vận mua!

Không hỏi thêm nữa, bà Cai Keng nghĩ thầm: "A thì ra là vậy. Lâu nay thấy chúng nó thì thụt vào ra, cứ ngỡ trò trăng hoa mèo chuột. Không ngờ lại là một ổ ma-cô trộm cắp, phen này thì chúng mày biết tay bà!"

Yên tâm vì đã tìm ra được điều mình cần tìm, bà Cai Keng dùng đầu gối hẩy cho Cời ngã, và đỏng đảnh bước ra khỏi cái mảnh sân hẹp nhà bác Năm Sẹo, đi khuất dần sau hàng râm bụt.

Cời lủng bủng chửi thầm rồi vào bếp lấy gạo ra vo chuẩn bị nấu cơm...

2


Cuối cùng thì cơm canh đều đã chín cả rồi mà vẫn chưa thấy ai về. Các chị các anh ấy dạo này sao mà ham đi thế không biết? Ði làm Việt Minh, đi cướp chính quyền ý mà. Chẳng biết kiếm được bao nhiêu tiền mà háo hức nhỉ? Hôm nay đến kỳ hạn được ăn cơm với thịt, ban sáng chị Vận dặn sẽ mua cho mỗi anh em hẳn một cái chả nắm nguyên! Chả nắm thì Cời được trông thấy rồi, nó to bằng quả trứng vịt thật to ý cơ. Một bữa cơm ăn làm sao hết được cả một cái chả nắm, có họa là ăn vã thì mới hết!

Cời mới nghĩ đến đấy thì thấy Tấc về. Bước vào nhà, Tấc hỏi ngay:

- Hải móm chưa về à?

- Chưa, à quên... chưa ạ!

- A, con này bỗng dưng đốc chứng ra, thưa gửi cẩn tó! Chắc lại bà chị Vận mớm cho phải không?

Cời không trả lời. Tấc cũng không nói thêm, im lặng đi tới xó nhà, kéo chiếc chiếu trên sào xuống, mang ra trải lên nền đất, định bụng nằm một chốc chờ cơm. Bất ngờ Cời chạy lại thu cái chiếu, mang đến trải lên mấy tấm rơm đánh kỹ, đặt bằng bặn ở bên mé trái nhà. Tấc ngạc nhiên hỏi:

- Con lỏi, mày làm trò gì thế hả?

- Chị Vận bảo "rải" chiếu xuống đất bẩn, chóng hỏng!

Tấc chậc lưỡi cho qua, lừng khừng bước tới chỗ cái chiếu đã trải sẵn, lăn kềnh xuống, dạng rộng bốn chân tay. à thì ra nằm trên cái chiếu mới thơm tho, lại có nệm rơm êm ái quả có khoan khoái con người ra thật! Nghĩ cho cùng thì "bà-chị" tuy có lắm điều một tí nhưng xem ra giỏi cái ngón cai quản đấy chứ. Buồn cười thật, một khẩu súng lục "của vứt đi", lớ ngớ thế nào lại vớ được cái thằng "cả Ngố" tổ sư rửng mỡ, tòi một đống của ra rước lấy! Ðời lạ thế đấy. Cái nghề no cơm ấm cật khắc là dậm dật mọi nơi, gan mật không hơn con sứa nhưng lại thích làm oai, làm phách. Cả đời không dám cắt tiết một con gà, ấy thế mà lại tậu súng đeo chơi để chọe đời! Hay thật! ờ mà cũng phải có những kẻ như thế thì người đời mới có chuyện để nói với nhau chứ! Ðời mà tất cả đều là quân hèn nhát hay tất cả đều là tay chơi thì cũng chán phè ra ấy mà. Phải có kẻ thế nọ người thế kia mới là đời chứ. Mới có cái chuyện "ly kỳ và rùng rợn" y như trên sân khấu Lạc-Thành-Ðài: Một khẩu súng lục khi nằm trong tay thằng "chó Nhật" thì thiên hạ sợ mất vía, khi rơi vào tay thằng Tấc này thì lại chỉ là của vứt đi, ấy vậy mà nó lạc vào tay bà chị Vận "của mình" lập tức biến hóa thành cơm gạo áo tiền! Mà không phải là chỉ cho một mình bà ấy đâu nhé. Thế mới "chơi" chứ? Nghĩa là cái thằng Tấc này, kể từ ngày hôm ấy đếch thèm bận tâm gì đến cái khoản "nhá" nữa. Ðời mà không còn lo đói thì việc chó gì phải đi "chớp" của đứa nào nữa. Hàng ngày cứ việc thả cửa đi "nghía" đời, đến bữa mò về ních đẫy ruột rồi thích ngáo thì ngáo, thích phới thì phới, đêm đến có nhà cửa đàng hoàng để "ngáo sưa" cho đến tận sáng bạch, không đứa nào dám đến quấy nhiễu, dội nước, chửi bới nhặng xị con mẹ chúng nó... được nữa. Khoái thật đấy!

Tất cả đều nhờ vào "công đức" của bà chị cả. Thằng này ví như khá giả hơn người, lại có quyền cao chức trọng, xin lập tức ban tặng bà chị cái mề đay "con-bọ-ngựa" thật to. Nghĩ mà thương bà chị, một mình ôm hết mọi thứ công việc vào người, cả ngày lúc nào cũng tất bà tất bật. Nhất là từ cái hôm cả Hà Nội nổi cơn phát rồ, đùng đùng lửa đốt kéo nhau đông đặc như nêm cối đi cướp chính quyền; cướp được rồi thế là cứ rối cả lên, tối tăm mặt mũi lại, lúc nào cũng thấy hối hối hả hả như nhà có đám, hết tụ bạ nhau bàn tính những chuyện trên giời dưới biển tận đẩu đâu ấy, chán rồi thì là phới... mất tăm! ¡n cũng vội, ngủ cũng vội... chả hiểu đi những đâu, làm những trò gì...

Tấc còn đang nằm nghĩ thì Vận đã từ ngoài ngõ te tái bước vào sân. Cô vừa đi vừa gióng giả hỏi:

- Em đã nấu chín cơm chưa, hả Cời? Ði đâu hết cả thế này, nhà cửa chẳng chịu trông, có mẻ gạo với đôi chiếu mới sắm, nó vào khuân đi mất thì rồi lại ôm nhau nhịn đói, nằm đất hả?

Vào đến nhà, nhìn thấy Cời đang đặt cái mẹt rách xuống giữa nhà để dọn cơm, và trong một góc Tấc đang nằm khểnh, Vận quát:

- Gớm chưa kìa, cả hai đứa lù lù ở đây mà chị hỏi cứ im như hến cả là ra làm sao?

Tấc ngồi dậy lừng khừng đáp:

- Ðến thì cứ vào, nhìn thì khắc biết, việc gì cứ phải hỏi mới được? Mấy hôm nay chị đi những đâu mà mất mặt thế hả?

Vận ngây người nhìn Tấc, cô hơi bị bất ngờ nên lúng túng, đáp:

- Thì... ngày nào mà chị chẳng sang đây hai ba lần, có thấy mặt cậu ở nhà lúc nào đâu?

- Không nói... Tôi... hỏi chị đi những đâu mà bỏ cả buôn cả bán. Tìm hết mọi nơi mà không thấy mặt là thế nào?

Vận hiểu ra, cô yên tâm giải thích:

- Việc gì cậu phải đi tìm. Nước nhà độc lập rồi, biết bao nhiêu công việc phải làm, mà việc nào cũng cần cả. Buôn với bán lúc nào cho được.

- Thế cứ đi làm việc giời ơi mãi thì định nhịn đói à?

- Nhịn thế qué nào được. Bên chị, bảo đảm sống được hai năm; bên này chị dám đảm bảo ba năm, không ai bị đói. Nói sai cứ việc đem đầu chị đi mà chặt.

Không làm sao được, Tấc đành lầu bầu nói như trách:

- Thì cũng phải nói cho người ta biết là chị đi đâu, làm công việc gì chứ?

Vận cảm thấy rưng rưng xúc động, cô gật đầu nói nhỏ:

- Ðược rồi, từ nay đi đâu chị sẽ nói cho em biết mà yên tâm. Thôi nhé, bây giờ thì ăn cơm đi. Chả bò nhà ông Búi-Tó đây, mỗi em một cái. Ðể phần cho cậu Hải, còn thì hai anh em cứ ăn cơm trước đi. Lát nữa Hải về bảo cậu ấy tối nay sang nhà cô giáo Bích học hát. Chị về đây.

3


Mảnh sân lát gạch lá nem nhà Bích bình thường rộng thế, hôm nay bỗng trở nên chật chội. Hai ngọn đèn ba dây treo trên mái hiên tỏa sáng xuống mảnh sân, nơi Bích cùng đám bạn của mình đang đứng ngồi, đi lại...

Mượn cớ học hát, Bích triệu tập 6 tổ cứu quốc mà Bích đã có dịp làm quen với các tổ trưởng, trong thời gian dạy Truyền-bá-quốc-ngữ: Tổ của Phạm Văn Trọng với hai đồng đội là Quốc Trung và Tuệ Lan, tổ của Ðan Thanh với Quang Huy và Lê Bào, tổ của Trịnh Ðình Thảo là Nguyễn Côn và Thúy Hà, tổ của Nguyễn Thị Bích là Hoàng Văn Thắng và Ðặng Quyết. Cuối cùng là 6 đội viên không có họ, người xóm Ngõ Bò là Thiệu-Minh-Hải-Tỳ-Vận-Tèo... Tất cả gồm 12 cô cậu học trò bậc trung học và 6 cô cậu mới bập bẹ thoát nạn mù chữ.

Thoạt đầu không khí chung có phần gượng gạo, chỉ có cánh học trò là thoải mái nói cười, còn đám 6 cô cậu dân Ngõ Bò cứ im như phỗng. Là một cô gái nhạy cảm, Bích phát hiện thấy ngay điều ấy. Và cô cảm thấy hết sức khó xử. Bí quá, Bích kéo Rô-be Thảo ra góc sân, thì thào:

- Nguy quá, bác có nhìn thấy mấy bạn ở xóm Ngõ Bò tỏ ra xa lạ với bọn học sinh của chúng mình quá không?

- Làm gì có?

- Ðấy, bác nhìn kỹ xem nào.

Thảo quay lại chăm chú nhìn rồi công nhận:

- ừ nhỉ, trông họ tội quá. Ðược rồi để Thảo ra phá cái không khí ấy cho.

Nói xong, với dáng vẻ đầy tự tin, Thảo đi ra giữa sân vỗ hai bàn tay vào nhau và gào to:

- Hỡi các bạn, xin hãy chú ý nghe tôi nói nào. Tất cả chúng ta ở đây đều là những đứa con can trường của dân tộc Việt Nam, đã dám đứng lên đi tiên phong trong cuộc đấu tranh một mất một còn với kẻ thù để giành lại chính quyền. Vậy thì tất cả chúng ta phải được bình đẳng như nhau thì mới là công bằng. Tôi nói thế có đúng không các bạn?

Nghe Thảo "diễn thuyết" mọi người ngớ ra không hiểu, họ xì xào hỏi nhau có chuyện gì thế? Không ai trả lời được. Bích chợt nảy ra một cách, cô tươi cười lên tiếng:

- Các cậu ơi, tớ có một câu hỏi muốn đặt ra cho các cậu đây. Trước kia thì cứ phải mắt trước mắt sau, hôm nay ta có thể đàng hoàng hỏi thẳng nhau: Các cậu ở đây có ai biết câu chuyện về đội cứu quốc đã xung phong diễn thuyết trên tầu điện ở đoạn giữa phố Bạch Mai và đã tước khẩu súng của tên chó Nhật hôm ấy không?

Ðan Thanh cười ré lên gọi Bích:

- Bích ơi, cậu quên rằng chúng tớ là dân Bạch Mai à? Câu chuyện cổ tích ấy có ai không biết mà cậu còn phải hỏi?

Bích vẫn giữ nguyên nụ cười vui vẻ trên môi, cô hỏi tiếp:

- Biết chuyện nhưng có ai đã từng quen biết một người nào trong số những đội viên cứu quốc đầy quả cảm ấy chưa nào? Tớ hỏi cậu đấy Ðan Thanh ạ.

Ðan Thanh nhăn trán ngẫm nghĩ rồi lắc đầu, nói:

- Trí nhớ của tôi không xoàng đâu, nhưng gặp họ thì chắc là chưa từng có hân hạnh.

- Thế bác Thảo thì sao?

Thảo lắc đầu đáp:

- Cũng chưa hề được gặp.

- Tôi muốn hỏi: Ngay bây giờ có cậu nào muốn được kết bạn với một người nào đó trong bọn họ không?

Tất cả nhao nhao hưởng ứng:

- Tớ, tôi, mình đây...

Bích nhanh nhẹn bước tới đứng bên cạnh Tỳ với Tèo và đưa tay ra kéo Vận lại gần, rồi nói rất rành mạch:

- Xin trân trọng giới thiệu để tất cả các cậu được dịp làm quen: Ðây là cậu Vận, người nữ chiến sĩ đóng vai diễn giả hôm ấy. Và đây là cậu Tỳ, người đã hiên ngang giương cao lá cờ đỏ sao vàng, đứng bên diễn giả. Còn đây là cô em bé bỏng nhất của đội, có tên là Tèo, mới mười ba tuổi rưỡi, người vệ sĩ quả cảm của đội. Tiếp đến những người đã tổ chức và chỉ huy cuộc hoạt động ấy, là ba cậu Thiệu, Minh và Hải này đây... Tất cả các cậu đã nhìn rõ chưa nào? Xin mời từng cậu hãy đến bắt tay làm quen đi, nhanh lên...

Không khí trong mảnh sân bỗng ồn ào, sôi động. Mười hai cô cậu học trò tranh nhau đến vây quanh sáu cô cậu thiếu niên thất học ở xóm Ngõ Bò. Cái khoảng cách vô hình mà hết sức kiên cố đã được xây dựng từ ngàn đời, lúc này, trên cái mảnh sân hẹp trong làng Quỳnh Lôi, giữa một đêm tháng 8 năm 1945 đáng nhớ, đã bị đám thiếu niên của thời ấy bước qua một cách thoải mái và hết sức vô tư, không mảy may đắn đo cân nhắc! Với họ, trong những ngày tháng ấy, họ chỉ vâng theo sự thôi thúc của chính con tim họ. Và, con tim họ lúc đó đang thuộc về Ðất Nước. Trong con mắt của họ lúc ấy chỉ có và chỉ trân trọng những con người có hành vi yêu nước.

Và họ đã gặp nhau trên cái điểm chung ấy!

Rô-be Thảo rồi Trọng và Ðan Thanh (những người đã dạy Truyền bá Quốc ngữ tại xóm Ngõ Bò) đều tranh nhau ôm lấy Tèo, với cử chỉ và ánh mắt đầy âu yếm. Thảo xúc động kêu lên:

- Trời ơi!... Jeanne d'Are(1) của chúng ta đây ư? Ôi, tôi hạnh phúc quá. Hoan hô ba vị anh thư của Tổ quốc chúng ta!

Minh đứng lặng lẽ chứng kiến mỗi giao lưu giữa các cô cậu học sinh với các bạn anh và với anh, anh đã cảm nhận được một điều hết sức mới mẻ và tốt đẹp đang nảy nở và hình thành trong tâm hồn và tình cảm của mình. Anh trân trọng chìa bàn tay dài ngoẵng của mình ra nắm chặt những bàn tay mảnh dẻ đầy thân ái đang thi nhau chìa về phía mình.

Cuộc họp mặt vui vẻ của mười tám cô cậu thiếu niên kéo dài đến tận khuya. Sau khi học thuộc bài Diệt phát xít trong tiếng nhạc đệm của cây đàn gió, trên hai bàn tay tài hoa của Nguyễn Côn, cậu học sinh năm thứ hai trường Lu-1 Pas-xtơ, đội viên cứu

quốc tổ Rô-be Thảo. Và, đã được bác Luân - thợ sắp chữ của tòa báo Ðông Pháp(2), cha của Bích, đãi một bữa cháo gà "cây-nhà-lá-vườn" thật no nê...

Trên đường về Tỳ thủ thỉ bên tai Vận:

- Làm Việt Minh sướng nhỉ. Ðược quen với bao nhiêu là bạn mới, tinh những người tốt.

=============

(1) Một nữ anh hùng của Pháp.
(2) Một tờ báo lớn của chế độ cai trị thời Tây.

(Còn tiếp)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.08.2005 14:14:44 bởi tieuboingoan >
#1
    tieuboingoan 26.08.2005 14:19:17 (permalink)
    4


    Bà Cai Keng mệt mỏi lê bước trở về nhà. Căn nhà ngày càng trở nên lạnh lẽo và đáng ghét, thế nhưng không về với nó thì bà biết đến nhà nào cho được! Nhà với cửa gì mà hàng chục cái chai không cái nào còn lấy một giọt rượu, hàng hai ba cái vò mà không cái nào bói ra lấy một hạt gạo! Quần áo, chăn màn... cái nào có thể cho lên "chùa con chim" được thì đã cho cất cánh cả rồi. Mấy món xuyến, hoa, nhẫn, hột "vàng" Mỹ-ký cũng đã sang tên cho mấy cô cháu choai choai dưới chợ Mơ, đổi lấy bún và đậu phụ dần, nay hết sạch rồi! Cuối cùng chỉ còn lại các xác nhà trống rỗng, mà bà đã năm lần bảy lượt gọi người tới mua, đắt rẻ gì cũng bán. Còn cái thân mình, bà sẽ xin với sư cụ chùa Liên Phái cho đến quét chùa, ăn mày lộc Phật, sống nốt quãng đời tàn. Chết một nỗi,

    chẳng ma nào thèm mua nhà bà. Họ nói: Cách mạng rồi, ai có quê hương bản quán đều đua nhau trở về, cái lều vịt của bà có mà bán cho chó!

    Vậy là tia hy vọng cuối cùng đành lịm tắt. Không nhẽ nằm đợi chết, bà nhặt cành que tre cầm tay, khật khù dạo quanh xóm, để xem xét dân tình! Trời xui đất khiến thế nào lại lạc chân vào nhà Năm Sẹo. Và bà đã thấy sự lạ rành rành ra đấy. Bà lập tức tốc thẳng xuống ủy ban Hành chính Tiểu khu trình báo tỏ tường và xin được ngay tức khắc dẫn đường cho người nhà nước đến bắt quả tang để lĩnh thưởng! Vậy mà cái thằng cha “đồng chí” ủy viên thường trực lại dám bảo với bà rằng: "Chỉ có thế thì chưa đủ cơ sở kết luận là có tội để đến khám nhà người ta được!". Bà đã khan vã giải thích mãi rằng đó chỉ là một cái nhà hoang, ai ra ai vào mặc sức, bọn du thủ du thực đã tụ bạ ở đấy để đi kiếm chác. Cứ việc đến khám, không sợ gì cả! Nói đến khô bọt mép mà cái thằng giời đánh ấy vẫn chẳng chịu nghe cho. Thế là đành "xôi hỏng, bỏng không", mất công đi sục sạo, mất công đi trình báo, mất công về. Chẳng ăn cái giải gì của đứa nào. Hẹm thật!

    Bà Cai mở khóa cửa, vào nhà nằm vật ra giường, ruột gan quặn thắt vì từ sáng vẫn nhịn vo. Bà nghĩ kế...

    Rồi bà cũng nghĩ ra, bà tự nói với mình: Muốn gì thì cũng phải ăn cái đã. Không ăn thì đến mẻ cũng chết, nói gì người!

    Bà vùng dậy quấn lại khăn, vuốt áo quần cho phẳng phiu, rồi lách cửa bước ra, chỉ quay lại khép hờ chứ không cần khóa. Bà nhẹ gót bước đi từng bước rất tự tin, đến thẳng nhà Năm Sẹo với một ý muốn mỗi phút một sáng rõ trong đầu bà: "Của giời ơi ấy không lấy để chúng nó nốc cho phí đi à?"

    Nhà vắng tanh. Con bé Cời chắc ra ao vo gạo, rửa rau và kín nước. Bà Cai lỏn vào nhà rất nhanh. Bà đi thẳng vào bếp xách cái nồi đồng đến đặt cạnh vò gạo, nhấc vào lên đổ gạo vào đầy nồi rồi đậy vung lại. Không kịp đút nút trả lại vò gạo, bà bỏ mặc nó đấy, bưng nồi gạo đi nhanh ra ngõ, về nhà.

    Mọi việc diễn ra gọn ghẽ, nhẹ nhàng, không một ai hay biết.

    5


    Tấc về đến nhà, thấy Cời đang ngồi ở giữa cửa ra vào, mắt đỏ hoe, mặt sưng như cái lệnh vỡ, thì hỏi:
    - Ðã có cơm chưa?

    Nghe hỏi, Cời bật lên khóc tức tưởi:

    - Nó lấy mất nồi rồi! Cả gạo nữa!

    - Ðứa nào dám lấy?

    - Em không biết ai lấy!

    Tấc vô cùng bực tức. Có đứa nào không biết thằng Tấc này đang sống trong cái nhà này! Nó dám lấy bất kỳ một thứ gì ở đây tức là nó đã coi thằng Tấc này chỉ là một con bọ gậy đáng khinh!

    - Từ sáng đến giờ những đứa nào vào nhà?

    - Không ai vào cả.

    - Thế hôm qua?

    - Có bà Cai Keng.

    - Vào làm gì?

    - Xem chiếu, xem nồi, xem cả vò gạo nữa!

    Trong óc lóe lên một ý định, Tấc lại xó nhà lấy cây thiết lĩnh giắt vào lưng rồi đi ra ngõ, sang nhà bà Cai Keng. Cửa ra vào nhà bà Cai cài chốt trong và dưới bếp có khói. Tấc gọi to:

    - Bà Cai Keng, mở cửa ra!

    Gọi tới ba lần mà vẫn không có tiếng người thưa. Cáu sườn, Tấc ra nhặt ba cục gạch vỡ, mang lại đặt ở trước cửa nhà bà Cai, rồi nhếch mép cười nhạt, nhặt từng cục, nhằm đúng cái nóc bếp đang tỏa khói, tương vào. Chỉ mới đến cục thứ hai thì tiếng la hét choe chóe của bà Cai đã bật ra gay gắt:

    - Cha tiên nhân bố đứa giời đánh thánh vật nào ném gạch ném đá vào bếp nhà bà thế hả? Mày đợi đấy bà ra bà xé nhỏ bỏ xác mày vào...

    Bà vừa chửi vừa chạy vội ra mở cửa. Câu chửi chưa kịp kết thì cánh cửa đã hé. Không chờ cho nó mở hẳn, Tấc phóng một cú đạp, cánh cửa mở toang, hất bà Cai ngã dúi xuống nền nhà. Bà Cai hoảng hồn lồm cồm bò dậy, chưa kịp định thần thì Tấc đã bước vào, khinh khỉnh hỏi:

    - Nồi đâu? Gạo đâu? Mang ra đây!

    - Cha tiên nhân thằng ranh. Sao mày dám...

    Tấc hét át hẳn tiếng bà Cai:

    - Mang ngay ra đây. Nghe rõ không, hả?

    Dứt lời, Tấc rút cây thiết lĩnh vung lên quật mạnh vào chiếc ghế đẩu cạnh đấy, khiến chiếc ghế bắn vọt qua giường va bộp vào ban thờ làm đổ loảng xoảng những chai lọ bầy trên đó.

    Bắt đầu cảm thấy chợn, bà Cai xuống giọng:

    - Cái thằng du côn, mày đến phá nhà bà đấy hả? Bà thì lôi cổ mày lên đồn bây giờ!

    Tấc lại vung thiết lĩnh lên quật vào cột nhà, hét:

    - Này du côn này! Này lên đồn này! Này phá nhà này!...

    Mỗi cú thiết lĩnh vung lên, căn nhà lại rung lên như muốn đổ. Bà Cai hiểu ra rằng không thể dọa nổi cái thằng oắt con ghê gớm này. Bà bèn nhào tới ôm lấy Tấc, van vỉ:

    - Thôi thôi thôi... chị xin, chị xin! Có gì không nên không phải chị cũng xin cậu! Nóng nảy thế, hại chị quá. Thân chị góa bụa, tứ cố...

    - Câm mồm đi. Mang ngay nồi với gạo ra đây, mau lên.

    - Ơ kìa cậu. Nồi nào? Gạo nào?

    Tấc cười nhạt cài thiết lĩnh vào lưng, tóm vai áo bà Cai dìu vào trong bếp. Bếp chỉ có cái quang treo vài cái bát đũa trong một cái rổ rách, mươi que củi vương vãi dưới đất với ba cái dầu rau đang đội một niêu cơm vừa mới nấu. Tấc lôi bà Cai trở ra nhà ngoài, lục soát gậm giường, gầm ban thờ và bắt mở cả cái hòm khóa chuông! Tất cả đều không thấy nồi với gạo. Ðã thất vọng định về nhưng chợt nhớ còn cái hố xí chưa xét đến, Tấc lôi bà ra nhà xí. Cũng không có gì ngoài cái vại con đựng phân! Tấc buông tay ra khỏi vai áo bà Cai, và làm ra vẻ muốn đi đái, lẳng lặng vừa cởi khuy quần vừa đi ra sau hố xí, đứng đái. Thật bất ngờ, Tấc trông thấy một đống rác rất mới ngay dưới chân rặng cúc tần, sau hố xí. Lập tức gọi to:

    - Bà Cai lại đây nào.

    Không có tiếng trả lời. Tấc chạy vào nhà thì thấy bà Cai mặt sượng ra đang ngồi ở mép giường. Tấc lôi bà ra, bắt dỡ đống rác, bưng nồi gạo ra.

    Và cứ thế, Tấc điệu bà Cai Keng về thẳng nhà mình, không nói thêm một lời nào. Sau khi đã đặt nồi gạo xuống sân, bà Cai khẽ nhếch môi cười gượng nói:

    - Cho chị xin lỗi cậu. Chỉ vì dạo này đét quá! Tha cho chị...

    6


    Từ trong trụ sở đi ra, Minh bảo Thiệu:

    - Tình hình chẻ hoe ra như vậy rồi, cậu định thế nào?

    - Ðịnh gì được nữa? Có thế nào cứ về nói cho mọi người biết y như thế. Ai thích sao mặc họ.

    - Ðã đành là như vậy. Thế còn ông cụ nhà mình với bà cụ bên cậu Tỳ, ta tính sao? Muốn gì thì mỗi nhà cũng phải có một tên chịu hy sinh, ở lại nhà để trông nom các cụ thì mới ổn!

    Thiệu gắt gỏng nói lên ý mình:

    - Thằng chó nào chẳng biết vậy. Vấn đề đặt ra lúc này là đứa nào sẽ ở lại? Cụ thể như nhà ta, đằng thằng ra mà nói thì tôi sẽ phải ở lại trông nom ông cụ chứ gì? Cậu cứ nói toẹt ra cho dễ nghe, việc gì cứ phải quanh co cho mất thì giờ!

    Minh khẽ thở dài, anh biết rằng chưa nên tranh luận với Thiệu vào lúc cậu ta đang tức bực như thế này. Tốt nhất hãy nghĩ thêm đã, từ giờ đến tối biết đâu chẳng nghĩ được cách. Anh đứng dậy bảo Thiệu:

    - Thôi, để nghĩ thêm đã, tối hẵng hay. Về đi.

    - Cậu về trước, tôi chưa về đâu.

    Minh e ngại nhìn Thiệu, anh lưỡng lự hỏi:

    - Tôi chờ cậu về cùng ăn cơm đấy nhé?

    - Tùy!

    Nghe Thiệu trả lời như vậy Minh yên tâm. Anh không ra thẳng chợ Hôm để bám tầu điện, mà lủi thủi xuôi theo ven hồ Bảy Mẫu trở về, vừa đi vừa nghĩ về mấy tờ thư giới thiệu đang nằm trong túi áo: Thiệu và Hải gia nhập Vệ quốc đoàn, Minh đến nhận việc ở Ty Liêm phóng, Vận với Tỳ lên làm việc ở huyện, chỉ có Tèo là phải ở nhà chờ thượng cấp sẽ cho đi học chuyên môn...

    Như vậy là với Hải có thể coi như ổn. Tỳ với Tèo thì chưa biết thế nào? Tính Tèo hấp tấp mà Tỳ thì lại quá chín chắn, quen nhường nhịn. Chắc rằng cô ấy sẽ giữ phần ở lại trông nom mẹ. Còn bên này thì khó thật, ba nhà ba đứa thì cả ba đều trúng tuyển, chẳng cần hỏi cũng thừa biết là cô Vận sẽ sẵn sàng tình nguyện nhường cho hai thằng được đi. Tính cô ấy vốn vậy. Ðến ông cụ thì còn gay hơn, nếu để ông biết rằng có đứa đã vì ông mà phải ở nhà thì không ổn, ông sẽ bắt tất cả phải đi nhận việc ngay cho mà xem. Tính ông ai còn lạ, không khi nào chấp nhận cho một ai đó phải vì ông mà chịu thiệt thòi, dù người đó là con đẻ của mình. Ðặc biệt là đối với Minh, Thiệu, Vận, "Ba đứa trẻ" đang nằm trong vòng tay bao dung che chở của ông. Ông có thể chết để cho chúng nó được sống, chứ lẽ nào chịu sống trong sự lo âu, lúng túng của chúng nó chỉ vì ông.

    Trước tình hình như vậy, việc cần phải có một đứa ở lại nhà không khó. Minh rất muốn chính mình sẽ là người ở lại, song anh biết không dễ dàng gì được mọi người chấp nhận. Ðã biết rằng không ai nghe mà cứ cố nói thì thật xấu, nói để tự khoe mình! Chỉ tiếc cho Vận, cô ấy để lỡ dịp này thì biết đến bao giờ mới bằng chị bằng em? Có cách nào mình ở lại thay cô ấy thì thật hay. Ðời thằng con trai ra đời sớm, muộn hẳn mười năm cũng cứ được, chứ con gái thì khó lắm. Minh cứ vừa đi vừa nghĩ ngợi, về đến cửa ô lúc nào không biết. Chợt có tiếng Tèo choe chóe gọi:

    - Anh Minh! Anh đi đâu về thế? Làm em đi tìm mãi.

    Minh giật mình dừng chân, hỏi:

    - Cậu tìm tôi có việc gì thế?

    Tèo cười ý tứ, lấp lửng đáp:

    - U em bảo sang tìm anh thì em tìm chứ em biết gì đâu.

    Minh ngẩn ra tự hỏi: Lạ nhỉ, bà Ba cho cô Tèo sang tìm có việc gì thế nhỉ? Xưa nay có chuyện như thế này bao giờ đâu? Anh hỏi:

    - Thế bây giờ u cậu ở đâu?

    - ở nhà ý, anh về đi.

    Minh cắm cúi đi thẳng về nhà bà Ba. Ðến cổng, anh nhìn thấy bà đang ngồi với Tỳ ở giữa sân. Hai mẹ con hình như có điều gì vui thú vừa trò chuyện vừa cười. Anh chào to:

    - Lạy bác ạ. Cậu Tỳ mở cổng cho tôi với.

    Nghe tiếng Minh gọi, Tỳ hớt hải đứng ngay dậy, cô định đi vào trong nhà nhưng rồi nghĩ thế nào cô lại quay ra mở cổng, chào:

    - Anh sang chơi ạ. Mời anh vào trong nhà.

    Minh vui vẻ bước vào sân, anh đến thẳng chỗ bà Ba đang ngồi và ân cần hỏi:

    - Bác bảo Tèo sang tìm cháu có việc gì thế ạ?

    Bà Ba sững sờ, nhưng rồi hiểu ngay trò đùa tinh nghịch của cô con gái bé, bà tươi cười nói:

    - ừ, có việc cần đến sức con giai mà nhà bác tinh đàn bà con gái, nhờ ông Cả không tiện, bác bảo em nó sang mời cháu đến để hỏi xem phải làm thế nào bây giờ? Kìa, sao con không lấy ghế ra cho anh ngồi?

    Tỳ ngượng nghịu đáp:

    - Con tưởng u mời anh ấy vào trong nhà?

    - Thôi ngồi ngoài này cho thoáng, con mang ghế ra đi.

    - Ghế đấy rồi ạ. Con vừa mang ra ngồi với u đấy thôi?

    Bà Ba cười, nói:

    - Thì u đã đến nỗi lẫn đâu. U nói với anh việc nhà, con không ngồi cùng nghe thì rồi biết đường nào mà làm? Mang ghế ra ngồi đây mau lên để anh nó còn về làm việc nhà chứ? Cháu cứ ngồi trước đi, em nó mang ghế ra sẽ ngồi nghe sau.

    Minh tỏ ra cảm động trước thái độ thân tình mà bà Ba dành cho mình, anh thận trọng ngồi xuống và e dè hỏi:

    - Nhà ta có việc gì thế ạ?

    Bà Ba chép miệng thở dài rồi nói:

    - Mấy tháng nay trời mưa mãi. Cái mái nhà dột quá không sao còn ở được nữa. Muốn hỏi cháu xem có thu xếp được thời giờ thì giúp bác xem sẽ phải chữa chạy ra sao? Dù có hết một vài chục bạc thì sức bác vẫn cố được cháu ạ.

    Minh hoảng hồn ngồi ngây ra như phỗng. Còn đang nặng trĩu trong lòng nỗi lo ngày mai đã phải rời xa gia đình, bây giờ lại được bà Ba nhờ cậy, với bản chất chân thật không quen nói dối, Minh bộc lộ sự bối rối rất rõ trên gương mặt. Tỳ băn khoăn hỏi mẹ:

    - Việc chữa nóc nhà phải hỏi bác Cả chứ anh Minh biết sao được mà u hỏi anh ấy?

    Bác Ba cũng đã kịp nhìn thấy sự lo âu, bối rối của Minh, bà hối hận tự trách mình đã vô tâm, vội nói:

    - Thì u cũng chỉ mới hỏi chứ đã định ngày nào làm đâu. Nếu cháu đang bận thì để khi khác xem giúp bác cũng được cơ mà.

    Minh lúng túng trình bày:

    - Cháu không bận gì đâu ạ. Chỉ có sáng ngày mai cháu phải đến một chỗ hẹn, có việc cần. Lúc nào về cháu sẽ mời bác Cả cùng sang để xem nhà cho bác. Việc chữa chạy bác Cả thấy phải làm thế nào thì mấy anh chị em chúng cháu sẽ làm, bác ạ!

    Bà Ba vui vẻ trả lời:

    - Ðược như thế thì bác yên tâm rồi. Cảnh nhà bác những việc khó khăn nặng nhọc ấy chỉ còn biết trông cậy vào ông lão với các cháu bên ấy mà thôi, cháu ạ.

    Minh đứng dậy, nói:

    - Nếu việc chỉ có thế thì cháu xin phép về, có gì mai cháu sẽ lại sang. Lạy bác ạ.

    - ừ, cháu về bên nhà. Con ra mở cổng cho anh, con.

    Ra đến cổng Minh dừng lại bảo Tỳ:

    - Thượng cấp đã chính thức cắt đặt công việc cho mỗi chúng ta rồi đấy. Tối cậu bảo cậu Tèo cùng sang nhà cậu Hải, tôi với cậu Thiệu, cậu Vận ăn cơm xong cũng sẽ sang. Chúng ta cùng bàn xem nên xử trí như thế nào cho phải.

    Tỳ muốn nói với Minh một câu, bởi rất hiếm dịp chỉ có hai người được đứng với nhau như thế này, nhưng cô hồi hộp quá, chỉ lúng búng thốt ra được mỗi một câu:

    - Vâng ạ.

    Minh vui vẻ chào:

    - Có thế thôi, tôi về đây, cậu vào với bác đi.

    7






    Thấy mọi người kéo đến, biết là có chuyện Tấc lẳng lặng bỏ đi. Hải bảo Cời:

    - Em mang chai đi bắt một ít châu chấu để mai ăn, bọn anh trông nhà cho.

    Cời vui vẻ chạy lại xó nhà nhặt cái vỏ chai rồi chạy đi ngay.

    Tèo láu táu hỏi Thiệu:

    - Chị Vận đâu, sao không thấy?

    - Còn đi tắm. Sợ về khuya quá, thèm ngủ lại chui vào cũi ngay sẽ hóa thành con chuột chù.

    Hải khen:

    - Kinh nhỉ, dạo này cậu cũng nói năng ra dáng đấy chứ. Liệu đã dám a-la-xô chưa, để cho anh em còn mài răng chờ ăn cỗ?

    Chưa ai kịp nối lời Hải thì Vận đã tong tả bước vào. Chẳng nhìn ai, cô nói ngay:

    - Tấc này, chị mang cho cậu cái này hay lắm cơ!

    Tèo cười thật to, cô dài mồm nói ra vẻ đay nghiến:

    - Suốt ngày lúc nào cũng chỉ thấy em Cời với cậu Tấc! Chuột tha hết chúng nó vào hang rồi bà chị ạ!

    Vận hiểu ngay là cả Tấc lẫn Cời đều không có nhà, cô thản nhiên đi lại xó nhà, mở nồi đặt cái gói trong tay vào rồi đậy lại. Cô quay ra bảo Hải:

    - Tớ mang sang cho ba anh em bát hạt mít luộc sẵn rồi đấy, tí nữa ăn với nhau. Ban chiều qua chợ Mơ, tàn chợ mua 7 xu được lưng một rá, cả nhà ăn no.

    Nói xong cô sà xuống chiếu, ngồi chen vào giữa hai chị em Tỳ. Minh bảo Thiệu:

    - Cậu bắt đầu được rồi đấy.

    Thiệu bĩu môi cười nói:

    - Cậu ngọng à? Hai thằng cùng đi nghe, lại muốn đùn cho ai?

    Minh cũng cười cười thanh minh trước mọi người:

    - Tôi đi guốc vào bụng cậu nên phải "mời" để xin phép, kẻo rồi lại vừa được nhàn thân vừa to họng trách móc. Biết chưa? Tôi với cậu Thiệu hôm nay được thượng cấp triệu tập lên tận phố Găm-bét-ta(1) để nghe nói chuyện về tình hình thế giới với cả trong nước mình. Nói dài lắm nhưng mà tôi không ghi chép được gì cả, chỉ còn nhớ lõm bõm nên chẳng nói lại làm gì. Chúng tôi mời các cậu đến cái chính là để báo tin thượng cấp đã thu xếp giao công việc mới cho từng đứa chúng ta rồi. Các cậu nghe cho rõ đây này: Có hai cậu được vào Vệ quốc đoàn... Các cậu có đoán được là những ai không nào?

    Tèo nói ngay:

    - Là anh với anh Thiệu chứ gì, lại còn phải hỏi?

    Cả Tỳ, Vận và Hải đều ngớ ra, mỗi người đều giấu một tâm sự không tiện nói ra. Minh lắc đầu, cười đáp:

    - Sai năm mươi phần trăm. Là hai cậu Thiệu và Hải!

    Tèo trố mắt nhìn Hải và kêu:

    - Vô lý! Cái thứ cậu Hải mà cũng được làm chiến sĩ Vệ quốc đoàn cơ à? Em cóc tin. Nếu cậu Hải mà làm Vệ quốc đoàn được thì em cũng làm được. Vô lý!

    Không thèm quan tâm đến sự bì tị của Tèo, Hải đứng vùng dậy vung nắm tay hét váng nhà:

    - Chúa thằn lằn! Hoan hô thượng cấp, hoan hô Minh sếu! Hoan hô tất cả các cậu! Thế là thằng Hải móm này đã mở mặt với đời rồi...

    Minh cảm thấy rưng rưng xúc động trước niềm vui ồn ào hiếm thấy ở Hải, đứa bạn “bạt mạng” này. Anh cố nén lòng, vỗ hai bàn tay vào nhau và nói:

    - Thôi nhé! Ðể tôi còn nói sang người khác nữa chứ! Ngồi xuống cậu Hải.

    Nghe Minh nói, Hải ngượng nghịu ngồi xuống. Tèo hích khuỷu tay vào lưng Hải rồi nói trống không:

    - Ai chứ ngữ ấy mà được làm Vệ quốc thì tớ đếch tin.

    Tỳ bấu vào tay em, nhắc khẽ:

    - Im nào, nghe kia kìa xem được giao việc gì nào.

    Minh tiếp tục nói:

    - Hai cậu Vận với Tỳ về nhận công việc ở huyện.

    Hải hỏi ngay:

    - Làm hai bà huyện cơ à?

    Thiệu đáp ngay:

    - Hãy cứ biết được thượng cấp cử đến đấy đã, còn làm công việc gì thì chờ đến nơi hãy hay.

    Tèo gào lên:

    - Thế còn anh với em, bị bỏ rơi à, anh Minh?

    - Không. Chẳng ai bị bỏ rơi cả. Chỉ có điều hơi phiền là em còn non tuổi quá. Hoạt động bí mật thì không sao, nhưng ra làm việc công khai lại hơi khó, cho nên thượng cấp sẽ cho em đi học chuyên môn. Còn anh thì được về nhận việc ở Ty Liêm phóng. Thế là hết đấy.

    - Ty Liêm phóng là thứ công việc gì? Học chuyên môn là thứ học gì? Em không đi học đâu, dứt khoát là em sẽ phải cùng ở một chỗ với chị Tỳ, chị Vận... làm việc gì cũng được.

    Minh nghe Tèo hỏi trúng với tâm sự của mình, anh thật thà thổ lộ:

    - Tôi cũng không hiểu Ty Liêm phóng là gì, học chuyên môn là gì, nhưng không hỏi được vì lúc ấy thượng cấp lắm việc quá, bao nhiêu người đang chầu chực chờ đến lượt. Tôi định bụng sẽ về hỏi cô giáo Bích, chắc là cô ấy biết. Bây giờ cậu Vận với cậu Tỳ có cần hỏi gì không?

    Không ai trả lời. Minh ngạc nhiên nhưng không tiện hỏi, anh tiếp tục trình bày:

    - Nếu các cậu nghe rõ cả rồi thì sáng sớm mai đúng bảy giờ từng người phải có mặt ở nơi nhận việc. Thư tôi cầm cả đây rồi, của cậu nào thì tự tay nhận lấy này.

    Minh nói xong đi phát thư giới thiệu cho từng người, ai cũng nhận chỉ trừ có Tỳ, cô không cầm mà nghẹn ngào nói:

    - Ðể cho em nghĩ đã...

    Thấy vậy Vận cũng đưa lại cho Minh, cô nói:

    - Tớ cũng không muốn đi, trả giấy cho cậu này.

    Minh cảm thấy khó xử, anh lúng túng bảo hai người:

    - Tôi chỉ là người cầm thư về chứ làm gì có quyền giải quyết công việc? Nhiệm vụ tổ trưởng của tôi với


    cậu Thiệu đã kết thúc, từ sáng mai chúng tôi đi mỗi người một ngả rồi. Các cậu trả thư cho tôi thì tôi biết làm thế nào?

    Vận nói giọng u ẩn nhưng quả quyết:

    - Làm thế nào cũng được, mặc cậu. Phần tôi, tôi chỉ biết là chưa thể rời bỏ nhà cửa mà đi được. Có vậy thôi. Tôi về trước đây!

    Vận nói dứt liền đứng vụt dậy, chạy đi ngay không cho ai kịp bàn bạc thêm điều gì. Thiệu cũng
    đứng dậy lừng lững đi ra. Hải càu nhàu:

    - Cái cậu Vận... cứ như con dở người! Ði làm cách mạng thì không muốn lại cứ muốn làm con bán đậu phụ nướng. Thật chán!

    Biết Hải nghĩ không đúng về Vận, nhưng Minh không tranh cãi, anh bảo Tỳ:

    - Tôi muốn nói chuyện tay đôi với cậu một lúc, có được không?

    Tỳ ngước cặp mắt thăm thẳm lên nhìn Minh mà không trả lời. Tèo vội vàng nói góp:

    - Phải đấy, chị Tỳ đi chơi với anh Minh kẻo mai anh ấy đi rồi. Em về trông u cho.

    Nói xong Tèo chạy biến đi ngay. Hải cũng đứng dậy, làm ra vẻ mỏi mệt, vươn vai nói:

    - Thôi, xong việc rồi, các cậu về cả đi cho tớ ngủ đây.

    Tỳ rụt rè đứng lên, cô hồi hộp đi theo đằng sau Minh ra ngõ. Minh dừng lại chờ và hỏi:

    - Cậu nghĩ gì có thể nói cho tôi biết với, được không?

    - Em em... em chẳng nghĩ gì cả.

    Minh đắn đo giây lát rồi nói:

    - Tôi có thể hiểu ý cậu đang nghĩ gì. Cậu lo cho bác nên không muốn lên huyện nhận việc, phải không?

    Chờ một lát thấy Tỳ vẫn lặng thinh, Minh bảo:

    - Ngay lúc nhận giấy trước thượng cấp tôi cũng đã nghĩ đến điều ấy. Phải chi tôi có thể thay được, để cậu yên tâm mà đi...

    Nghe Minh thủ thỉ nói, Tỳ xúc động bồi hồi, cô ngước cặp mắt đầy vẻ biết ơn nhìn anh. Bóng đêm lạnh lùng và hết sức vô tình đã ngăn không cho Minh được nhận cái nhìn ấy của Tỳ, anh vẫn đắm chìm trong dòng suy nghĩ của riêng mình. Ðối với Tỳ, trước nay anh luôn luôn nhìn nhận ở cô là một mẫu hình toàn vẹn về một người con gái tốt: Chăm chỉ, hiền lành, chín chắn, nết na, nhường nhịn... Anh thường tự nói với mình: Ước sao trong mỗi gia đình có một cô gái như Tỳ, chắc là chẳng mấy khi người ta phải nghe thấy có sự cãi lộn trong nhà. Một con người không bao giờ muốn đòi phần hơn trước mọi người, mặc dù biết rất rõ sự đúng sai, phải trái, hay dở... Minh nghĩ: Nếu như Tỳ là người cùng sống trong một nhà với anh, chắc chắn anh sẽ làm thay cho Tỳ cái công việc trông nom bà Ba, cũng như anh đã chủ trương sẽ ở nhà trông nom ông Cả để cho Thiệu và Vận được thoải mái ra đi.

    Chờ mãi không thấy Minh nói gì thêm, Tỳ ngập ngừng thổ lộ:

    - U em thì ốm yếu luôn, mà cái Tèo nó còn trẻ con quá. Anh... có bằng lòng. .. cho em... ở nhà không?

    Minh sửng sốt trước câu hỏi của Tỳ. Linh cảm mách cho anh biết điều gì đang đến với mình, Minh dừng bước. Anh chân thật nói với Tỳ những ý nghĩ thầm kín của mình:

    - Cậu Tỳ ạ, chúng ta đều còn ít tuổi lắm. Công việc đang đặt ra trước mặt chúng ta thì lại hết sức mới mẻ và bỡ ngỡ. Ngay trong đêm nay mỗi chúng ta phải quyết định công việc cho cả một đời. Tôi muốn cậu hãy nghĩ cho thật chín rồi tự mình quyết định. Có vậy sau này mới có thể thanh thản được, cậu ạ.

    - Nhưng em... em nói rồi đấy thôi. U em...

    - Cậu Tỳ ạ, bọn con trai chúng tôi dù có đến ba mươi tuổi mới bắt đầu lập thân cũng chẳng sợ. Con gái các cậu khó lắm, chậm một vài năm có khi lỡ cả đời. Tôi rất muốn cậu với cậu Vận làm thế nào mà đi nhận công việc được thì tốt. Tôi tình nguyện sẽ ở nhà, nhưng cũng chỉ được một bên, mà chúng ta cả hai bên đều có bố mẹ già...

    Tỳ rưng rưng nước mắt, cô rất muốn nắm tay Minh để cảm ơn nhưng không dám, chỉ nghẹn ngào nói:

    - Em cảm ơn anh! Thôi, em về đây...

    Nói xong, Tỳ chạy vụt về ngõ nhà mình. Minh đứng ngây ra nhìn theo cái dáng bé nhỏ của Tỳ khuất dần trong bóng đêm.

    Một lúc sau anh lững thững trở về. Ðến nhà thấy Thiệu và Vận vẫn chưa về, anh nghĩ thầm: Chắc Vận sẽ giữ phần thắng nếu có sự tranh luận giữa hai người!

    8


    Ðêm đã khuya, ông Cả vẫn không sao ngủ được. Từ sớm tới giờ xem cung cách đi lại, nói năng của đám con cháu, ông rất ngợ. Giác quan bén nhạy của một người chủ gia đình đấy ý thức nhắc ông cần phải lưu tâm.

    Mãi quá nửa đêm mới thấy Thiệu và Vận trở về. Chờ cho cả hai đã len lén đặt mình nằm, ông Cả mới trở dậy đốt ngọn đèn hoa-kỳ và lau bóng thật sáng, rồi mới gọi:

    - Các anh các chị dậy cả đi. Ra tôi hỏi đây!

    Ông nói không to, nhưng cả ba người đều nghe rõ và cùng lục tục trở dậy. Vận đàng hoàng đến ngồi cùng chõng với Thiệu. Chờ cho ai nấy yên chỗ ông Cả mới hỏi:

    - Có việc quan trọng xảy ra phải không?

    Thiệu và Minh đưa mắt nhìn nhau. Thấy vậy Vận nói ngay:

    - Có đấy ạ. Sáng mai hai anh con trai nhà ta đều đi làm việc nước, không ai ở nhà nữa!

    - Có sự ấy ư? Ði đâu? Sao không ai chịu nói với tôi một lời là thế nào?

    Vẫn là Vận trả lời:

    - Hai người lo con ở nhà không trông nom nổi sức khỏe của thầy nên có ý bàn lùi, bỏ cuộc đấy ạ!

    Ông Cả nghiêm sắc mặt, giọng hơi sẵng, nói:

    - Chị trả lời thay như thế đủ rồi. Bây giờ tôi muốn nghe nhời từ miệng hai anh nói ra, anh nào cho tôi biết nào?

    Minh nhìn Thiệu. Thiệu hất mặt ra ý nhường cho Minh nói. Minh dè dặt trình bày:

    - Hồi sáng, thượng cấp bảo cho chúng cháu biết rằng Thiệu với cậu Hải được gia nhập Vệ quốc Ðoàn, trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Còn cháu đến nhận việc ở Ty Liêm phóng. Cháu cũng chưa biết sẽ được giao làm công việc gì ạ!

    - Thì ra là như vậy! Việc vinh hạnh nhường ấy cớ sao còn phải phân vân? Các anh các chị chả nhẽ chưa hiểu được rằng chúng ta là hạng người như thế nào ư? Tiếng rằng cũng có hình hài như mọi con Tôi đã nhầm lẫn mất rồi bà ạ!

    Mặt Vận tái mét, cô ngồi ngây ra như kẻ mất hồn, không biết phải làm thế nào. Tỳ ngần ngại giây lát rồi vụt ngẩng mặt lên, cô bẽn lẽn nói từng lời rành rẽ:

    - Cháu... chưa bao giờ nói dối ai điều gì. Có những việc cháu làm u cháu không hỏi đến nên cháu không nói. Cháu có trốn việc để ở nhà với u cháu thật, nhưng hôm nay anh giáo Nam đã chính thức cử cháu với Vận được làm những chiến sĩ bí mật, vẫn sinh sống tại nhà như bình thường rồi ạ!

    Tèo cũng láu táu nói theo:

    - Ðúng thế đấy ạ. Anh ấy nói cháu cũng được nghe cơ mà!
    ================

    (1) Ðường Trần Hưng Ðạo bây giờ.



    (Còn tiếp)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9