Có một gia đình-Tiểu thuyết của Nguyễn Văn Hồng
tieuboingoan 26.08.2005 14:12:45 (permalink)
Có một gia đình


Tiểu thuyết của Nguyễn Văn Hồng


Nhà xuất bản Hà Nội - 2001


Chương một


1


Cái nắng "nước lên" sao mà khó chịu đến thế! Trời lúc nào cũng ong ong oi oi, ngột ngạt, khiến cho trong người cứ thấy bức bối, nóng nực, uống bao nhiêu nước vẫn còn thấy khát.

Con bé Cời vừa gẩy mớ rác phơi trên sân vừa ngẫm nghĩ ghét trời, ghét đất vô cùng. Vừa nắng rát mặt đã đùng đùng đổ mưa ngay được. Kiếm được gánh rác về phơi, từ sáng đến giờ cứ tranh với nắng, chạy với mưa, tướt cả người mà ướt vẫn hoàn ướt. Kiểu này không khéo rồi "giời đất" bắt mình đút tay vào bếp đây.

Gẩy xong mớ rác, Cời vào ngồi bệt xuống nền nhà, thò tay nắn bụng moi từ trong cạp quần ra một cái túi nhỏ có dây rút, mở dốc ra đất tất cả tiền trong túi, nhặt riêng thành từng thứ, rồi ngồi đếm. Mỗi ngày Cời đếm tiền của mình không biết bao nhiêu lần. Ðếm xong tủm tỉm cười một mình rồi lại nhặt từng đồng đút vào túi, giắt vào cạp quần như trước. Ðó là cái trò giải trí không bao giờ biết chán của Cời...

Kể từ hôm được chị Vận dạy bảo và giao cho tay-hòm thìa-khóa, cai quản cái bếp ăn của "gia-đình", với mức khoán: mỗi ngày 2 xu rau, 2 xu củi, một xu mắm muối, một xu dầu thắp. Tất cả là 6 xu một ngày. Tiền gạo, tiền quần áo, với tiền mua ba ngày một bữa thịt (hoặc cá) thì sẽ do chị ấy tự lo liệu. Chỉ cần mỗi ngày được chi tiêu 6 xu, Cời đã ranh ma "bỏ công làm lãi": đi hái rau rệu, rau rền cơm, rau mảnh bát... mỗi ngày một bữa, thế là bớt ra được một xu. Thêm khoản củi, Cời thầu tuốt cả hai bữa trong ngày, ăn chết 2 xu nữa, là ba. Thì tay đi kiếm, rồi tay lại đun, khói mình mình chịu! Thế là mỗi ngày chị Vận đưa cho 6 xu, Cời chỉ tiêu hết 3 xu. Nhặt miếng vải, giặt sạch, khâu lấy một cái túi, đựng tiền vào. Ngày nào cũng y ngày nào, hơn nửa tháng rồi, túi tiền đã đậm tay ra phết! Thích thật. Ðược thế này mãi, cứ là ối tiền cho mà xem.

Cời còn đang mê mải với niềm vui của riêng mình thì chợt có tiếng chân người đi vào sân. Cời ngẩng lên. Nó nhận ra người đang vào là bà Cai Keng. Bà Cai Keng làm ra vẻ như không biết có Cời đang ngồi chắn ở giữa cửa ra vào, hau háu trông ra. Bà cứ đàng hoàng cất bước, hai con mắt lơ láo nghiêng ngó dòm nom mọi phía. Mặc dù biết tỏng rằng nhà này không nuôi chó, tay bà Cai vẫn cầm lăm lăm một cành que tre, ngoặt ra sau, và dùng bàn tay bên kia nắm lấy cổ tay bên này, đặt cả hai cùng với cành que lên cặp mông héo quắt của mình.

Dừng lại trước mặt Cời, bà hỏi giọng lạnh tanh:

- Mày có phải là cái con cù bơ, cù bất ở ngoài cửa ô mà cái thằng Tấc ma-cà-bông không cha không mẹ, nhặt về đấy không?

Cời giương mắt thao láo nhìn vào mặt bà Cai, không đáp. Bà Cai Keng thản nhiên hỏi tiếp:

- Thằng Hải móm con nhà Năm Sẹo trên răng dưới dái, nuôi mõm chưa xong, lấy cơm gạo đâu ra mà tọng vào mõm chúng bay. ý hẳn lại tụ tập nhau trong cái nhà hoang này, lập thành một nhóm ăn cắp hử? Hôm nay bà phải vào củ soát nhà này xem chúng mày giấu diếm những gì nào. Tránh ra, con ranh!

Việc xảy ra quá bất ngờ, Cời chưa biết phải làm thế nào, đành cứ ngồi ỳ ra nhìn bà Cai. Không thèm chấp trẻ ranh, bà Cai nhấc chân gạt ngang một cái làm Cời ngã nghiêng, rồi bước vào nhà.

Bị gạt ngã, Cời nhớ ngay tới chiếc đinh thuyền to như một đẫn mía de, dài đẫy gang tay người lớn và nhọn hoắt mà nó đã nhặt được trong khi đi hái rau dại, hiện đang giấu sau nhà. Nó nhổm ngay dậy lỉnh rất nhanh ra lấy cái đinh thuyền, vạch áo cài chiếc đinh vào cạp quần trước bụng, rồi trở vào ngồi đúng tại chỗ cũ. Hai con mắt giương to hết cỡ, hau háu theo dõi từng bước đi, từng cử chỉ của bà Cai.

Không hề bận tâm đến Cời, bà Cai cứ thản nhiên lượn lờ và lơ láo nhòm ngó từng xó xỉnh bằng cặp mắt cú vọ sâu hoắm của mình. Bà giơ tay lên sờ vào chiếc chiếu cói vắt trên sào, vuốt ve một tí rồi khen: "Khéo tậu đây, chiếu nhỏ cói mà dệt mau gai thế này, nằm bền lắm!" Bà lượn vào bếp, nghiêng vò gạo, vốc một nắm ra ngắm rồi nhón mấy hạt đưa lên miệng nhấm thử, gật gù nhận xét: "Gạo quê thơm phức, quân này gớm thật! Thế ra thời buổi đổi thay, chỉ có bà chết, còn chúng bay thì lại đậm miệng thế này ư?". Nói xong, bà sờ đến cái nồi đồng điếu nhấc lên, cong một ngón tay gõ thử, rồi nắc nỏm: "Thật là nồi đồng, cối đá! Của này dùng đến mãn đời cũng chẳng hỏng được!"

Bà Cai cứ nhẩn nha sờ mó mọi thứ, để rồi lại tự lẩm bẩm nói một mình. Bà đâu có biết cứ mỗi khi bà mó máy vào bất kể vật gì trong nhà, là lập tức Cời thò tay vào trong áo, tóm cái đinh thuyền để sẽ sẵn sàng rút ra, nếu bà Cai tỏ ra muốn mang nó khỏi cửa! May sao việc ấy không xảy ra.

Khi đã không còn thứ gì để xem xét nữa, bà Cai phủi đi phủi lại hai bàn tay vào nhau cho sạch, rồi đủng đỉnh đi ra chỗ Cời đang ngồi, làm ra vẻ lơ đãng hỏi:

- Mày có biết thằng Hải móm với thằng Tấc chuột nhắt đã cuỗm đâu về những thứ ấy không, hả?

- Chị Vận mua!

Bà Cai Keng ngỡ mình nghe nhầm, vội hỏi lại:

- Mày bảo sao, con Vận xúi-quẩy mua về đây ý à?

- ừ, chị Vận mua!

Không hỏi thêm nữa, bà Cai Keng nghĩ thầm: "A thì ra là vậy. Lâu nay thấy chúng nó thì thụt vào ra, cứ ngỡ trò trăng hoa mèo chuột. Không ngờ lại là một ổ ma-cô trộm cắp, phen này thì chúng mày biết tay bà!"

Yên tâm vì đã tìm ra được điều mình cần tìm, bà Cai Keng dùng đầu gối hẩy cho Cời ngã, và đỏng đảnh bước ra khỏi cái mảnh sân hẹp nhà bác Năm Sẹo, đi khuất dần sau hàng râm bụt.

Cời lủng bủng chửi thầm rồi vào bếp lấy gạo ra vo chuẩn bị nấu cơm...

2


Cuối cùng thì cơm canh đều đã chín cả rồi mà vẫn chưa thấy ai về. Các chị các anh ấy dạo này sao mà ham đi thế không biết? Ði làm Việt Minh, đi cướp chính quyền ý mà. Chẳng biết kiếm được bao nhiêu tiền mà háo hức nhỉ? Hôm nay đến kỳ hạn được ăn cơm với thịt, ban sáng chị Vận dặn sẽ mua cho mỗi anh em hẳn một cái chả nắm nguyên! Chả nắm thì Cời được trông thấy rồi, nó to bằng quả trứng vịt thật to ý cơ. Một bữa cơm ăn làm sao hết được cả một cái chả nắm, có họa là ăn vã thì mới hết!

Cời mới nghĩ đến đấy thì thấy Tấc về. Bước vào nhà, Tấc hỏi ngay:

- Hải móm chưa về à?

- Chưa, à quên... chưa ạ!

- A, con này bỗng dưng đốc chứng ra, thưa gửi cẩn tó! Chắc lại bà chị Vận mớm cho phải không?

Cời không trả lời. Tấc cũng không nói thêm, im lặng đi tới xó nhà, kéo chiếc chiếu trên sào xuống, mang ra trải lên nền đất, định bụng nằm một chốc chờ cơm. Bất ngờ Cời chạy lại thu cái chiếu, mang đến trải lên mấy tấm rơm đánh kỹ, đặt bằng bặn ở bên mé trái nhà. Tấc ngạc nhiên hỏi:

- Con lỏi, mày làm trò gì thế hả?

- Chị Vận bảo "rải" chiếu xuống đất bẩn, chóng hỏng!

Tấc chậc lưỡi cho qua, lừng khừng bước tới chỗ cái chiếu đã trải sẵn, lăn kềnh xuống, dạng rộng bốn chân tay. à thì ra nằm trên cái chiếu mới thơm tho, lại có nệm rơm êm ái quả có khoan khoái con người ra thật! Nghĩ cho cùng thì "bà-chị" tuy có lắm điều một tí nhưng xem ra giỏi cái ngón cai quản đấy chứ. Buồn cười thật, một khẩu súng lục "của vứt đi", lớ ngớ thế nào lại vớ được cái thằng "cả Ngố" tổ sư rửng mỡ, tòi một đống của ra rước lấy! Ðời lạ thế đấy. Cái nghề no cơm ấm cật khắc là dậm dật mọi nơi, gan mật không hơn con sứa nhưng lại thích làm oai, làm phách. Cả đời không dám cắt tiết một con gà, ấy thế mà lại tậu súng đeo chơi để chọe đời! Hay thật! ờ mà cũng phải có những kẻ như thế thì người đời mới có chuyện để nói với nhau chứ! Ðời mà tất cả đều là quân hèn nhát hay tất cả đều là tay chơi thì cũng chán phè ra ấy mà. Phải có kẻ thế nọ người thế kia mới là đời chứ. Mới có cái chuyện "ly kỳ và rùng rợn" y như trên sân khấu Lạc-Thành-Ðài: Một khẩu súng lục khi nằm trong tay thằng "chó Nhật" thì thiên hạ sợ mất vía, khi rơi vào tay thằng Tấc này thì lại chỉ là của vứt đi, ấy vậy mà nó lạc vào tay bà chị Vận "của mình" lập tức biến hóa thành cơm gạo áo tiền! Mà không phải là chỉ cho một mình bà ấy đâu nhé. Thế mới "chơi" chứ? Nghĩa là cái thằng Tấc này, kể từ ngày hôm ấy đếch thèm bận tâm gì đến cái khoản "nhá" nữa. Ðời mà không còn lo đói thì việc chó gì phải đi "chớp" của đứa nào nữa. Hàng ngày cứ việc thả cửa đi "nghía" đời, đến bữa mò về ních đẫy ruột rồi thích ngáo thì ngáo, thích phới thì phới, đêm đến có nhà cửa đàng hoàng để "ngáo sưa" cho đến tận sáng bạch, không đứa nào dám đến quấy nhiễu, dội nước, chửi bới nhặng xị con mẹ chúng nó... được nữa. Khoái thật đấy!

Tất cả đều nhờ vào "công đức" của bà chị cả. Thằng này ví như khá giả hơn người, lại có quyền cao chức trọng, xin lập tức ban tặng bà chị cái mề đay "con-bọ-ngựa" thật to. Nghĩ mà thương bà chị, một mình ôm hết mọi thứ công việc vào người, cả ngày lúc nào cũng tất bà tất bật. Nhất là từ cái hôm cả Hà Nội nổi cơn phát rồ, đùng đùng lửa đốt kéo nhau đông đặc như nêm cối đi cướp chính quyền; cướp được rồi thế là cứ rối cả lên, tối tăm mặt mũi lại, lúc nào cũng thấy hối hối hả hả như nhà có đám, hết tụ bạ nhau bàn tính những chuyện trên giời dưới biển tận đẩu đâu ấy, chán rồi thì là phới... mất tăm! ¡n cũng vội, ngủ cũng vội... chả hiểu đi những đâu, làm những trò gì...

Tấc còn đang nằm nghĩ thì Vận đã từ ngoài ngõ te tái bước vào sân. Cô vừa đi vừa gióng giả hỏi:

- Em đã nấu chín cơm chưa, hả Cời? Ði đâu hết cả thế này, nhà cửa chẳng chịu trông, có mẻ gạo với đôi chiếu mới sắm, nó vào khuân đi mất thì rồi lại ôm nhau nhịn đói, nằm đất hả?

Vào đến nhà, nhìn thấy Cời đang đặt cái mẹt rách xuống giữa nhà để dọn cơm, và trong một góc Tấc đang nằm khểnh, Vận quát:

- Gớm chưa kìa, cả hai đứa lù lù ở đây mà chị hỏi cứ im như hến cả là ra làm sao?

Tấc ngồi dậy lừng khừng đáp:

- Ðến thì cứ vào, nhìn thì khắc biết, việc gì cứ phải hỏi mới được? Mấy hôm nay chị đi những đâu mà mất mặt thế hả?

Vận ngây người nhìn Tấc, cô hơi bị bất ngờ nên lúng túng, đáp:

- Thì... ngày nào mà chị chẳng sang đây hai ba lần, có thấy mặt cậu ở nhà lúc nào đâu?

- Không nói... Tôi... hỏi chị đi những đâu mà bỏ cả buôn cả bán. Tìm hết mọi nơi mà không thấy mặt là thế nào?

Vận hiểu ra, cô yên tâm giải thích:

- Việc gì cậu phải đi tìm. Nước nhà độc lập rồi, biết bao nhiêu công việc phải làm, mà việc nào cũng cần cả. Buôn với bán lúc nào cho được.

- Thế cứ đi làm việc giời ơi mãi thì định nhịn đói à?

- Nhịn thế qué nào được. Bên chị, bảo đảm sống được hai năm; bên này chị dám đảm bảo ba năm, không ai bị đói. Nói sai cứ việc đem đầu chị đi mà chặt.

Không làm sao được, Tấc đành lầu bầu nói như trách:

- Thì cũng phải nói cho người ta biết là chị đi đâu, làm công việc gì chứ?

Vận cảm thấy rưng rưng xúc động, cô gật đầu nói nhỏ:

- Ðược rồi, từ nay đi đâu chị sẽ nói cho em biết mà yên tâm. Thôi nhé, bây giờ thì ăn cơm đi. Chả bò nhà ông Búi-Tó đây, mỗi em một cái. Ðể phần cho cậu Hải, còn thì hai anh em cứ ăn cơm trước đi. Lát nữa Hải về bảo cậu ấy tối nay sang nhà cô giáo Bích học hát. Chị về đây.

3


Mảnh sân lát gạch lá nem nhà Bích bình thường rộng thế, hôm nay bỗng trở nên chật chội. Hai ngọn đèn ba dây treo trên mái hiên tỏa sáng xuống mảnh sân, nơi Bích cùng đám bạn của mình đang đứng ngồi, đi lại...

Mượn cớ học hát, Bích triệu tập 6 tổ cứu quốc mà Bích đã có dịp làm quen với các tổ trưởng, trong thời gian dạy Truyền-bá-quốc-ngữ: Tổ của Phạm Văn Trọng với hai đồng đội là Quốc Trung và Tuệ Lan, tổ của Ðan Thanh với Quang Huy và Lê Bào, tổ của Trịnh Ðình Thảo là Nguyễn Côn và Thúy Hà, tổ của Nguyễn Thị Bích là Hoàng Văn Thắng và Ðặng Quyết. Cuối cùng là 6 đội viên không có họ, người xóm Ngõ Bò là Thiệu-Minh-Hải-Tỳ-Vận-Tèo... Tất cả gồm 12 cô cậu học trò bậc trung học và 6 cô cậu mới bập bẹ thoát nạn mù chữ.

Thoạt đầu không khí chung có phần gượng gạo, chỉ có cánh học trò là thoải mái nói cười, còn đám 6 cô cậu dân Ngõ Bò cứ im như phỗng. Là một cô gái nhạy cảm, Bích phát hiện thấy ngay điều ấy. Và cô cảm thấy hết sức khó xử. Bí quá, Bích kéo Rô-be Thảo ra góc sân, thì thào:

- Nguy quá, bác có nhìn thấy mấy bạn ở xóm Ngõ Bò tỏ ra xa lạ với bọn học sinh của chúng mình quá không?

- Làm gì có?

- Ðấy, bác nhìn kỹ xem nào.

Thảo quay lại chăm chú nhìn rồi công nhận:

- ừ nhỉ, trông họ tội quá. Ðược rồi để Thảo ra phá cái không khí ấy cho.

Nói xong, với dáng vẻ đầy tự tin, Thảo đi ra giữa sân vỗ hai bàn tay vào nhau và gào to:

- Hỡi các bạn, xin hãy chú ý nghe tôi nói nào. Tất cả chúng ta ở đây đều là những đứa con can trường của dân tộc Việt Nam, đã dám đứng lên đi tiên phong trong cuộc đấu tranh một mất một còn với kẻ thù để giành lại chính quyền. Vậy thì tất cả chúng ta phải được bình đẳng như nhau thì mới là công bằng. Tôi nói thế có đúng không các bạn?

Nghe Thảo "diễn thuyết" mọi người ngớ ra không hiểu, họ xì xào hỏi nhau có chuyện gì thế? Không ai trả lời được. Bích chợt nảy ra một cách, cô tươi cười lên tiếng:

- Các cậu ơi, tớ có một câu hỏi muốn đặt ra cho các cậu đây. Trước kia thì cứ phải mắt trước mắt sau, hôm nay ta có thể đàng hoàng hỏi thẳng nhau: Các cậu ở đây có ai biết câu chuyện về đội cứu quốc đã xung phong diễn thuyết trên tầu điện ở đoạn giữa phố Bạch Mai và đã tước khẩu súng của tên chó Nhật hôm ấy không?

Ðan Thanh cười ré lên gọi Bích:

- Bích ơi, cậu quên rằng chúng tớ là dân Bạch Mai à? Câu chuyện cổ tích ấy có ai không biết mà cậu còn phải hỏi?

Bích vẫn giữ nguyên nụ cười vui vẻ trên môi, cô hỏi tiếp:

- Biết chuyện nhưng có ai đã từng quen biết một người nào trong số những đội viên cứu quốc đầy quả cảm ấy chưa nào? Tớ hỏi cậu đấy Ðan Thanh ạ.

Ðan Thanh nhăn trán ngẫm nghĩ rồi lắc đầu, nói:

- Trí nhớ của tôi không xoàng đâu, nhưng gặp họ thì chắc là chưa từng có hân hạnh.

- Thế bác Thảo thì sao?

Thảo lắc đầu đáp:

- Cũng chưa hề được gặp.

- Tôi muốn hỏi: Ngay bây giờ có cậu nào muốn được kết bạn với một người nào đó trong bọn họ không?

Tất cả nhao nhao hưởng ứng:

- Tớ, tôi, mình đây...

Bích nhanh nhẹn bước tới đứng bên cạnh Tỳ với Tèo và đưa tay ra kéo Vận lại gần, rồi nói rất rành mạch:

- Xin trân trọng giới thiệu để tất cả các cậu được dịp làm quen: Ðây là cậu Vận, người nữ chiến sĩ đóng vai diễn giả hôm ấy. Và đây là cậu Tỳ, người đã hiên ngang giương cao lá cờ đỏ sao vàng, đứng bên diễn giả. Còn đây là cô em bé bỏng nhất của đội, có tên là Tèo, mới mười ba tuổi rưỡi, người vệ sĩ quả cảm của đội. Tiếp đến những người đã tổ chức và chỉ huy cuộc hoạt động ấy, là ba cậu Thiệu, Minh và Hải này đây... Tất cả các cậu đã nhìn rõ chưa nào? Xin mời từng cậu hãy đến bắt tay làm quen đi, nhanh lên...

Không khí trong mảnh sân bỗng ồn ào, sôi động. Mười hai cô cậu học trò tranh nhau đến vây quanh sáu cô cậu thiếu niên thất học ở xóm Ngõ Bò. Cái khoảng cách vô hình mà hết sức kiên cố đã được xây dựng từ ngàn đời, lúc này, trên cái mảnh sân hẹp trong làng Quỳnh Lôi, giữa một đêm tháng 8 năm 1945 đáng nhớ, đã bị đám thiếu niên của thời ấy bước qua một cách thoải mái và hết sức vô tư, không mảy may đắn đo cân nhắc! Với họ, trong những ngày tháng ấy, họ chỉ vâng theo sự thôi thúc của chính con tim họ. Và, con tim họ lúc đó đang thuộc về Ðất Nước. Trong con mắt của họ lúc ấy chỉ có và chỉ trân trọng những con người có hành vi yêu nước.

Và họ đã gặp nhau trên cái điểm chung ấy!

Rô-be Thảo rồi Trọng và Ðan Thanh (những người đã dạy Truyền bá Quốc ngữ tại xóm Ngõ Bò) đều tranh nhau ôm lấy Tèo, với cử chỉ và ánh mắt đầy âu yếm. Thảo xúc động kêu lên:

- Trời ơi!... Jeanne d'Are(1) của chúng ta đây ư? Ôi, tôi hạnh phúc quá. Hoan hô ba vị anh thư của Tổ quốc chúng ta!

Minh đứng lặng lẽ chứng kiến mỗi giao lưu giữa các cô cậu học sinh với các bạn anh và với anh, anh đã cảm nhận được một điều hết sức mới mẻ và tốt đẹp đang nảy nở và hình thành trong tâm hồn và tình cảm của mình. Anh trân trọng chìa bàn tay dài ngoẵng của mình ra nắm chặt những bàn tay mảnh dẻ đầy thân ái đang thi nhau chìa về phía mình.

Cuộc họp mặt vui vẻ của mười tám cô cậu thiếu niên kéo dài đến tận khuya. Sau khi học thuộc bài Diệt phát xít trong tiếng nhạc đệm của cây đàn gió, trên hai bàn tay tài hoa của Nguyễn Côn, cậu học sinh năm thứ hai trường Lu-1 Pas-xtơ, đội viên cứu

quốc tổ Rô-be Thảo. Và, đã được bác Luân - thợ sắp chữ của tòa báo Ðông Pháp(2), cha của Bích, đãi một bữa cháo gà "cây-nhà-lá-vườn" thật no nê...

Trên đường về Tỳ thủ thỉ bên tai Vận:

- Làm Việt Minh sướng nhỉ. Ðược quen với bao nhiêu là bạn mới, tinh những người tốt.

=============

(1) Một nữ anh hùng của Pháp.
(2) Một tờ báo lớn của chế độ cai trị thời Tây.

(Còn tiếp)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.08.2005 14:14:44 bởi tieuboingoan >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9