HÃY CHUNG TAY HOÀN THIỆN CHỮ VIỆT, TIẾNG VIỆT
NguoiTamHuyet 31.03.2011 22:27:11 (permalink)
Tổ tiên chúng ta dùng chữ Hán, rồi dùng vừa chữ Hán vừa chữ Nôm. Đến thế kỷ thứ 17, Linh mục Alexandre de Rhodes dùng các mẫu tự La-tinh sáng tạo chữ Việt cho chúng ta. Từ đó đến nay chữ Việt đã được chỉnh sửa và bổ sung nhiều lần, nhất là các học giả Pétrus Ký, Huỳnh Tịnh Của, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn… đã góp nhiều công sức để chúng ta có chữ Việt ngày hôm nay. Chúng ta thành kính cám ơn các vị đã cho ta chữ Việt để người Việt Nam học hành, giao tiếp thuận lợi
I. Hoàn thiện chữ Việt:
Được thừa hưởng, chúng ta phải có nhiệm vụ vun đắp thêm cho chữ Việt ngày càng hoàn thiện. Biết hưởng thụ, biết xài mà không vun đắp thêm là không tốt, là có tội với tổ tiên và con cháu.
Đáng lẻ tôi phải nêu trước các nguyên tắc, các lý do phải chỉnh sửa chữ Việt, những khó khăn lớn và những lợi ích của việc chỉnh sửa nhưng ngược lại, tôi sẽ đề cập đến các vấn đề đó sau khi đề nghị các vấn đề chính cần chỉnh sửa sau đây:
1. Vai trò của các nguyên âm e, ê, i trong chữ Việt:
Ta có 11 nguyên âm: a ă â e ê i o ô ơ u ư
Ghép với một phụ âm như: b, t chẳng hạn ta có các chữ:
ba bă bâ be bê bi bo bô bơ bu bư
ta tă tâ te tê ti to tô tơ tu tư
Điểm ưu việt của chữ Việt so với một số chữ khác là đánh vần được, do âm thanh thuận tai. Khi đọc b, a rất nhanh là đã nghe âm ba rồi, không thể nhầm với các âm: ca, da … chẳng hạn.
Nếu các cháu đã học thuộc 11 nguyên âm và ghép với vài phụ âm như trên thì các cháu có thể ghép với các phụ âm khác và đọc đúng được, ví dụ:
Với d sẽ có: da dă dâ de dê di do dô dơ du dư
Với đ sẽ có: đa đă đâ đe đê đi đo đô đơ đu đư
Nhưng bị trở ngại rồi, nếu viết ca că câ ce cê ci co cô cơ cu cư là sai. Chữ ce cê ci phải viết: ke kê ki mới đúng.
Tại sao vậy? … - Vì luật.
Luật gì? … - Luật là chữ e không được đứng trước các nguyên âm e, ê, i nên phải thay chữ c bởi chữ k. Luật này do ai đặt ra, vì sao đặt ra luật ấy? Luật này có thay đổi được không hay chắc nịch như định luật về sức đẩy của nước (sức đẩy Archimede), sức hút của trái đất,… Suy cho cùng là: Người sáng lập ra chữ Việt là vị linh mục sinh ra tại Pháp, nên ông không thể không bị ảnh hưởng văn hóa Pháp. Chữ Pháp có chữ ce.
Ví dụ: Qu’est-ce que c’est? (Đây là cái gì?)
Chữ ce đọc theo tiếng Việt là xơ không thuận âm với ca, că, câ nên ông phải thay chữ c bởi chữ k để ghép với chữ e vẫn đọc là ke, thuận tai với ca.
Cũng tương tự, chữ ci trong tiếng Pháp đọc là xi (đọc theo tiếng Việt) không thuận âm với ca, că, câ nên ông thay chữ c bởi chữ k
Ví dụ: ceci est un livre (đây là quyển sách)
Vì vậy, thay vì viết ci thì ông viết ki để cùng âm với ca.
Từ đó ghép luôn ba chữ e, ê, i với chữ k.
Ông khôn ngoan chọn chữ k thế cho chữ c để phát âm thuận tai.
Ví dụ: c – ông k – ông: đọc nhanh đều cho âm công.
Bác hồ cũng viết: kách mệnh thay vì cách mệnh: Bác đã gởi cho ta thông điệp: Cần cải tổ chữ Việt hợp lý hơn.
Vậy mà ta không chịu nghiêng cứu thêm để cải thiện chữ Việt.
Tôi đã phân tích rõ tại sao đáng lẽ viết
ce cê ci
thì ông lại viết: ke kê ki
Quí độc giả nhớ rằng ta là người Việt, tại sao ta không sửa lại là: ce cê ci mà vẫn đọc là ke, kê, ki như cũ.
Do đó đối với người Việt Nam, luật “Chữ c không đứng trước chữ e, ê, i mà phải thay bằng chữ k” không có ý nghĩa gì cả
Đề nghị thay: ke, kê, ki bởi: ce, cê, ci
Như vậy: vai trò của chữ e, ê, i không khác gì 8 nguyên âm còn lại
Được như vậy thì:
- Đơn giản cho học sinh: học sinh tránh bớt lỗi chính tả
- Để dành chỗ trong bộ nhớ của học sinh cho vấn đề khác ích lợi hơn.
- Không bắt học sinh chấp nhận điều vô lí (điều này rất quan trọng, vì không thể bước đầu của học tập đã bắt học sinh chấp nhận cả những điều vô lí, gây dấu ấn ban đầu là nhắm mắt nghe theo)
Cũng tương tự như trên, do vai trò của 11 nguyên âm là bình đẳng nên:
ghe, ghê, ghi xin đổi lại thành ge, gê, gi
nghe, nghê, nghi xin đổi lại thành nge, ngê, ngi
Và trong tiếng Việt xóa các chữ phụ âm kép: gh, ngh, còn chữ k không xóa (tôi sẽ đề cập sau)
Đến đây sẽ có người bảo là tôi ngông, dốt, đề nghị vô lí, cho zero, viết sai luật. Nhưng luật nào? Chữ Pháp có chữ h câm (h-muet) nên ngài Alexandre de Rhodes thêm chữ h vào giữa chữ g và e giữa ng và e … thì đó là điều có thể thông cảm được cho ông. Nhưng ta đang đề cập đến chữ Việt, ta đâu cần chữ h câm, mà trong văn phạm của ta không hề nhắc đến h câm (h-muet), mà có thêm vào thì cũng có ích gì đâu, chỉ làm khổ học sinh thôi. Hồi nhỏ tôi có người bạn dự định bỏ học vì ba cái qui tắc vô bổ đó làm nó không nhớ nổi. Có người sẽ hỏi: Thôi chấp nhận thay đổi như vậy nhưng khi đó chữ gì (cái gì? con gì?...) không lẽ đọc lại là ghì (đọc theo đề nghị mới), đọc ngọng sao? Tôi xin trả lời trong đoạn 3.
Dù sao nếu chỉ chừng đó chữ cũng có thể khắc phục được, nhớ được, nhưng trong chữ Việt hiện tại còn nhiều rắc rối lắm, phải nhớ riêng từng trường hợp.
2. Rắc rối về dấu hỏi, ngã. Trong đoạn 1) tôi đã chứng minh một luật nên bỏ để cải thiện chữ Việt, vì vậy tôi có nhắc đến ông tổ của chữ Việt, nhưng quí vị độc giả đừng hiểu oan cho tôi là vong ân bội nghĩa. Không, tôi rất quí trọng ông, khâm phục ông, là một người nước ngoài nói tiếng Việt đã là khó rồi, vậy mà sáng tạo ra cả một hệ thống chữ Việt đồ sộ, trong lúc hàng triệu người Việt Nam ta, trong đó có tôi, có ai làm được việc đó không? Cũng có bạn bảo là vì ông có học chữ La-tinh, ta đâu có để sáng tạo như ông? Nhưng thử hỏi, nếu ta cũng có bộ chữ cái La-tinh, liệu chúng ta có sáng tạo ra được như ông không? Không những thế, ông còn đi khảo sát thực tế, có nơi họ phân biệt dấu hỏi, dấu ngã. Những âm phát giống giống nhau theo một hướng nhất định nhưng phát âm nhẹ thì viết dấu hỏi và phát âm nặng thì viết dấu ngã.
Ví dụ: đẹp đẽ (nói nặng) và sinh đẻ (nói nhẹ)
lồi lõm (nói nặng), và lỏm bỏm (nói nhẹ)
Nhưng trong thực tế ở Việt Nam vùng miền phát âm theo dấu hỏi (phát âm nhẹ) và theo dấu ngã (phát âm nặng) là rất ít, còn đại bộ phận các vùng miền khác thì phát âm như nhau. Ngay cả vùng miền có phân biệt nặng nhẹ trong phát âm thì sự nặng nhẹ đó không rõ ràng, khó phân biệt chứ không rõ ràng như những âm nhấn trong tiếng Anh. Vậy mà dấu nhấn trong tiếng Anh cũng chỉ thể hiện lúc đọc chứ trong chữ viết cũng chẳng dùng thêm một dấu hay một chữ đặc thù nào cho dấu nhấn.
Vậy nếu có địa phương có nói nặng, nhẹ đôi chút thì có cần thể hiện trong chữ viết không? để bắt học sinh cả nước khi viết phải chọn một trong hai dấu hỏi , ngã không? Tại sao phải cầu kì để bắt lỗi học sinh (và ngay cả người lớn). Thực tế là học sinh viết sai dấu hỏi, ngã rất nhiều. Tôi còn nhớ hồi học tiểu học khi thầy đọc chính tả cho học sinh viết, chữ dấu ngã thì đọc to và nhấn thật mạnh, vì thầy biết rằng học sinh khó mà viết đúng. Thầy thương học sinh đó nhưng thầy đâu có ở mãi bên cạnh mọi học sinh để nhắc nhở suốt đời về dấu hỏi, ngã được.
Vì khó phân biệt khi nào thì viết dấu hỏi, khi nào thì viết dấu ngã và viết rất hay sai cho nên người ta cũng đúc kết một số trường hợp giúp cho học sinh bớt sai, đó là luật hỏi ngã sau:
“Hỏi sắc không, huyền ngã nặng”
Và để dễ nhớ người ta thêm vào ít chữ và trở thành:
“Hỏi con dao có sắc không; anh Huyền bị ngã nặng”
Nghĩa của luật ấy là:
Các chữ láy mà một chữ có dấu sắc hoặc không dấu và chữ kia phân vân giữa dấu hỏi hoặc ngã thì chọn dấu hỏi; Còn nếu một chữ có dấu nặng (.) hay dấu huyền mà chữ kia phân vân giữa dấu hỏi hoặc ngã thì chọn dấu ngã.
Tóm lại: Dấu hỏi đi với dấu sắc hoặc không dấu.
Dấu ngã đi với dấu huyền hoặc dấu nặng.
Nhưng luật đó chỉ áp dụng được với tiếng láy.
Ví dụ: nghỉ ngơi (ngơi: không dấu)
nghĩ ngợi (đi với dấu nặng)
nõn nà (đi với dấu huyền)
Ngược lại chữ: lưỡi dao (dao không dấu nhưng lưỡi dùng dấu hỏi là sai vì lưỡi dao không phải là chữ láy). Nếu chữ không phải là láy thì phải nhớ từng trường hợp. Vì số chữ láy quá ít, so với khối lượng chữ Việt đồ sộ, cho nên chủ yếu phải nhớ từng trường hợp còn lại.
Thật là lắm chuyện rắc rối. Vậy là 95% số trường hợp là phải khắc sâu vào bộ nhớ trường hợp nào là dấu hỏi, là dấu ngã. Thật là khổ cho bộ nhớ. Vậy cần phải có một hướng giải quyết rõ ràng
Trong chữ Việt coi như có 6 dấu thanh: đó là không dấu, huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã.
Tôi đề nghị: hai dấu hỏi, ngã chỉ nên chọn một dấu thôi, có lẽ tốt hơn là chọn dấu ngã, dấu hỏi cũng không xóa bỏ mà dùng vào cuối câu nghi vấn (câu hỏi). Thế là nhẹ gánh cho học sinh rất nhiều. Nên để thì giờ và đầu óc các cháu nghỉ ngơi bớt hoặc học hỏi những thứ cần thiết cho cuộc sống thì hơn.
3. Chữ d và gi:
Cũng như âm có dấu hỏi, ngã, chữ bắt đầu bằng d hoặc gi và phần còn lại phía sau giống nhau thì hầu hết các địa phương phát âm giống nhau, tuy nhiên cũng có ít địa phương phát âm khác nhau đôi chút. Phát âm vần d thì nhếch khóe miệng rộng hơn tí xíu nên âm phát ra có khác nhưng không khác rõ rệt. Có những địa phương phát âm hai chữ này giống chữ d và ngược lại có noi phát âm đều giống chữ gi. Vậy giải quyết thế nào? Học sinh cũng viết nhầm lẫn giữa hai chữ này rất nhiều.
Do đó chỉ dùng một trong hai chữ d hoặc gi thì đơn giản hơn.
Như vậy tôi đề nghị dùng chữ d
Ví dụ: dày dép (thay cho giày dép)
mưa dó (thay cho mưa gió)
việc dì? (thay cho việc gì?)
dận hờn (thay cho giận hờn)
Viết vậy thấy kì quá phải không quí vị. Chính tôi cũng thấy lạ mắt quá (dù chính tôi đề nghị thay đổi), tuy nhiên chỉ thấy khó chịu thời gian đầu thôi.
Tại sao không dung chữ gi mà dùng chữ d. Vì:
• Lý do hòa nhập, nhiều nước dung chữ d chứ không dùng gi.
• Bớt đi một phụ âm kép (gồm 1 phụ âm + 1 nguyên âm)
• Chữ gi khó đánh vần (đọc di, dờ, ghi, … đều không ổn)
Nhưng chữ “gi” không xóa sổ như chữ “gh”, “ngh” vì chữ “gi” có trong dãy chữ ga, gă, gâ, ge, gê, gi, go, gô,…
Ví dụ: ghi chép viết lại là gi chép (vẫn đọc là ghi chép như cũ)
4. Mẫu tự c và t ở cuối chữ:
Cũng tương tự, nếu trường hợp mẫu tự cuối cùng là t mà nếu đổi thành c, không làm thay đổi cách phát âm hay có thay đổi đôi chút nhưng khó phân biệt thì nên mạnh dạn đổi.
Trong trường hợp đó nhiều chữ sẽ xóa bỏ trong tiếng Việt, ví dụ:
at, ăt, ât, et, êt, it, ưt, oat, oăt, oet, iêt, uât, ướt, uyêt, …
vì những chữ có vần đó đều thay chữ t bằng chữ c rồi.
Tôi thấy trong quyển sách tập đọc lớp 1 (sách giáo khoa của Bộ giáo dục xuất bản), mỗi bài học gồm 2 chữ (ví dụ bài at, et), như vậy chỉ riêng trường hợp này thôi, ta đã tinh giản được bao nhiêu bài học cho các cháu. Muốn giảm tải thì ta nhắm đúng cái gốc phát sinh quá tải chứ không phải nhằm vào cái ngọn, hay đẩy lên lớp trên và kéo dài thời gian học (ví dụ bậc phổ thông đã tăng từ 10 năm lên 12 năm, bậc đại học từ 3 năm đến 4 năm, bây giờ là bốn năm, bốn năm rưỡi, và năm thứ ba sinh viên đại học mới bắt đầu học chuyên ngành)
Cũng có người cho quan điểm trên là của “ếch ngồi đáy giếng”, vì có vùng miền phân biệt cách phát âm c và t.
Thật ra điều đó tôi đã biết từ lâu, nhưng đại bộ phận người Việt Nam không phân biệt như vậy. Hơn nữa nếu có phân biệt cũng không rõ ràng lắm và các cháu ở đó cũng viết sai. Để như cũ cũng là một trở ngại lớn cho các cháu ở các vùng ấy; Chuyển từ đơn giản qua phức tạp mới khó, ngược lại chuyển từ phức tạp qua đơn giản thì dễ cho mọi người, để thì giờ học những thứ khác cần hơn cho cuộc sống.
Ghi chú: Có những chữ như mốt, mút không thể đổi thành mốc, múc được vì âm phát ra sẽ bị thay đổi rõ ràng.
Tóm lại: Chữ t (ở cuối) đổi thành chữ c nếu phát âm không thay đổi (hay thay đổi không đáng kể)


5. n và ng ở cuối chữ:
Chữ có ng cuối cùng, nếu bỏ chữ g mà cách phát âm không thay đổi, hay sự thay đổi không rõ ràng thì bỏ chữ g
Ví dụ:
Chữ cũ Viết lại Chữ cũ Viết lại
Buổi sáng Buổi sán Hương vị Hươn vị
An khang An khan Miệng mồm Miện mồm
Nhưng nếu thay đổi rõ ràng thì giữ như cũ.
Ví dụ:
Chữ cũ Không viết lại
Ung dung Un dun
Con ong Con on
Ghi chú: Các vần: ong, ông, ung, ưng không được bỏ g, nghĩa là những vần này vẫn còn trong vần ngược. Nếu ai muốn đề nghị xóa thì phải đưa ra được một phương án thay thế hợp lí.
Quí vị cũng có thể đề nghị phương án ngược lại là nếu chữ tận cùng n thì có thể đổi thành ng nếu cách phát âm không đổi.
6. Chữ y và i
Thời chúng tôi đi học thì y được đọc là i – Grêc
Sau một thời gian đổi là i dài; khi đó chữ i thường đọc là i ngắn
Cả 2 cách đọc đó đều phức tạp nhất là khó đánh vần mà ưu điểm nổi bật của chữ Việt so với phần lớn chữ của các nước khác là đánh vần được, bất cứ chữ nào trong tiếng Việt, cho dù chưa bao giờ gặp, đều có thể đánh vần để đọc đúng, viết đúng (trừ những trường hợp rắc rối đã đề nghị thay đổi)
Thấy nhược điểm đó nên Bộ giáo dục đổi cách đọc y là i. Như vậy hai chữ i và y đọc giống nhau. Điều đó lại càng không thể chấp nhận được; Ví dụ thằng cu Tí khi có em mà cũng muốn gọi là cu Tí thì phải gọi rõ là cu Tí anh, cu Tí em (giống như i dài, i ngắn hồi trước vậy). Ngoài vô lí về hai chữ khác nhau và đọc giống nhau, còn trở ngại khác là đánh vần, và hai chữ gồm các mẫu tự đọc giống hệt nhau nhưng tạo ra hai chữ đọc khác nhau là điều vô lí.
Ví dụ: túi (túi xách) và túy (thuần túy) phát âm khác nhau rõ rệt nhưng cùng dấu sắc, cùng có 3 chữ đọc giống nhau cấu thành là t, u, i (vì y cũng đọc là i). Đánh vần chữ túy thế nào? Không lẻ vì khó nên bỏ đánh vần tất cả luôn. Ưu điểm của chữ Việt là đánh vần được mà.
Qua phân tích như trên tôi đề nghị:
a) Trường hợp chữ y đổi thành i mà không thay đổi khi phát âm thì ta mạnh dạng thay đổi (như cải cách của bộ giáo dục)
b) Chữ y đọc là uy (cách đọc cũ) và thay thế vai trò cho chữ uy (và chữ uy không còn nữa)
Ví dụ:
Chữ cũ Viết lại Chữ cũ Viết lại
Vô lý Vô lí Yêu thương Iêu thương
Yên ổn Iên ổn Uyên bát Yên bác
Mưa tuyết Mưa tyếc Huỳnh huỵch Hỳnh hỵch
Uy nghi Y ngi Thuần túy Thuần tý
Huyết mạch Hyết mạch
Chữ y thay cho uy rất dễ đánh vần
Ghi chú: Chữ Uyên viết lại là Yên nhưng vẫn đọc là Uyên vì chữ y đọc là uy
Tất cả các chữ có vần uy đều thay bằng y (và đọc là uy) khá dễ đánh vần.
Như vậy chữ uy (uy nghi) viết lại là y nhưng vẫn đọc là uy
Chữ hỳnh đánh vần y (đọc là uy) nhờ ynh (đọc là uynh),
h (đọc là hờ-uynh) hynh huyền hỳnh (đọc là huỳnh như cũ!)
Chữ hỵch đánh vần: uy – chờ uych, h – ych nặng hỵch.
Việc đánh vần rất tiện, thuận tai, tuy nhiên hiện giờ quí vị vẫn thấy khó đọc.
Lý do là vì chữ y trong đầu bạn cứ nghĩ là i, còn uy thì lạ tai lạ mắt. Quí vị tự cho 10 ví dụ là thấy thuận tai thuận mắt.
7. Vai trò của chữ k và kh:
Trong đoạn 1, đã đề nghị: ke, kê, ki đổi lại ce, cê, ci như vậy chữ k đã giảm đi một nhiệm vụ, đề nghị chữ k giữ nhiệm vụ mới là thay thế cho vai trò chữ kh và có tên mới là “khờ”
Như vậy chữ khác được viết lại là: kác và đánh vần: khờ - ác – khác
Chữ cũ Kha khă khâ khe khê khi kho khô khơ khu khư
Viết lại
(nhưng đọc y như cũ) Ka kă kâ ke kê ki ko kô kơ ku kư
Có độc giả sẽ thắc mắc: chữ khẽ sẽ viết lại là kẽ, trùng với kẽ tay, kẽ chân thì sao.
Xin trả lời theo cách viết mới thì kẽ tay, kẽ chân được viết lại là cẽ tay, cẽ chân làm sao trùng nhau.


Ví dụ:
Chữ cũ Khu vực Khá giỏi Khuyến khích
Viết lại
(nhưng đọc y như cũ) Ku vực Ká dõi Kyến kích
Lạ mắt quá phải không quí vị? Ví dụ khá giỏi mà viết: ká dõi làm sao chấp nhận được, nhất là các nhà thơ, nhà văn, nhưng đừng lo. Thấy lạ là vì gần như cả đời viết chữ giỏi mà bây giờ viết là dõi. Quí vị cứ lấy cái chuẩn cũ để làm thước đo, để đánh giá thì sao được. Vì cái cũ đã bỏ rồi.
Lấy ví dụ cụ thể. Ngày xưa một nước mà không có vua thì không thể được. Nhưng đến một thời điểm lịch sử nào đó người ta vẫn thiết lập chế độ dân chủ, bây giờ đâu có lạ.
8. Chữ ph và f
Trong chữ Việt hiện tại không có chữ f; Bây giờ tôi đề nghị đưa chữ f vào thay thế cho chữ ph và đọc là “phờ”
Tôi biết chắc chắn là có người sẽ không đồng ý vì trong tiếng Pháp chữ p và f đọc khác nhau, chữ ph và f cũng khác nhau, nhưng thử hỏi, ta có phải là người Pháp đâu, hơn nữa chữ ph hiện tại cũng đọc là “phờ” và tôi đề nghị chữ f thế vai trò của ph và đọc như chữ ph mà.
Ví dụ: phá rối viết lại là fá rối và đánh vần:
f (đọc là phờ) – á – phá (khi dùng quen rồi thì viết f – á – fá)
Chữ cũ phập phồng lệ phí phương nam pha chế
Viết lại fập fồng lệ fí fương nam fa chế
Tuy nhiên chữ p không xóa trong mẫu tự chữ Việt, vì còn dùng một số trường hợp.
Ví dụ:
Chữ cũ phá phách giải pháp bão táp
Viết lại fá fách giải fáp bão táp
Tôi nghĩ rằng nếu nhà nước (Bộ giáo dục) không công khai đổi chính thức thì dần dà lớp trẻ cũng đổi thôi, đổi vô tội vạ, vô tổ chức, điều đó đã và đang xảy ra khi ghi chép, nhắn tin, gõ máy tính để tiết kiệm thì giờ, sẽ đau lòng lắm
Lẽ ra tôi còn đưa ra một số điểm thay đổi nữa, nhưng tôi chưa có một phương án hay, nếu thay đổi mà không hay hơn thì thay đổi làm gì.
Tôi mong rằng khi đọc xong bài này, quí vị cần suy nghĩ thêm những lỗ hổng khác trong chữ Việt và đề xuất ra phương án sữa đổi tối ưu.
Chúng ta cùng chung tay góp sức mà.


II. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC: khi đề xuất các sửa đổi trên tôi hướng theo các nguyên tắc sau:
1) Những gì bất hợp lí thì đề xuất thay đổi. Những gì đã thay đổi thì phải hay hơn, tiện lợi hơn trước, những gì nhận thấy chưa tốt hơn cũ thì nêu ra để mọi người cùng đóng góp ý kiến.
2) Hai chữ viết khác nhau thì phát âm khác nhau
hay: Hai chữ phát âm giống nhau thì phải viết giống nhau.
Ví dụ: 1) i và y không thể cùng đọc là i
2) tí (một tí) và tý (tuổi tý) phát âm như nhau thì không thể viết khác nhau.
3) Loại bỏ những qui tắc vô lí, thừa thải, rắc rối để
 Giảm tải cho học sinh và giảm rắc rối cho mọi người.
 Điều không đáng phí nhiều công sức mà cứ phí là không thể chấp nhận.
4) Sau ba, bốn tháng học phải đọc thông, viết thạo, nghe bất kì tiếng nào cũng viết được, viết đúng mà không cần phải phân vân đúng hay sai (phân vân chọn: hỏi – ngã, c – t, d – gi, i – y, …) và không cần bỏ công sức nhờ từng trường hợp.
III. ƯU ĐIỂM
• Đọc kỹ phần I, II quí vị đã nhận thấy nhiều ưu điểm của việc chấn hưng chữ viết. Tôi tin tưởng rằng học sinh sẽ học nhanh hơn và thấy dễ hơn nhiều, từ đó sẽ phấn khởi, hứng thú trong học tập
• Thay vì bắt các cháu học những qui tắc vô bổ (đã nêu trên) thì nên dành thì giờ cho các cháu vui chơi và học những điều bổ ích hơn, cần thiết hơn nhằm nâng cao chất lượng học tập, để cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
• Đơn giản chữ Việt như trên sẽ tạo điều kiện cho người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài dễ học tiếng Việt hơn và có nhiều cơ hội cho họ hòa nhập vào Việt Nam. Các dân tộc thiểu số của Việt Nam cũng dễ học tiếng Việt hơn, tạo điều kiện càng dễ dàng cho sự hòa nhập kinh thượng.
IV. CÁC KHÓ KHĂN VÀ TỒN TẠI:
1. Sự thay đổi nào lại không gây khó khăn và xáo trộn ban đầu. Thay đổi chữ viết lại gây xáo trộn rộng lớn hơn vì nó có liên quan đến mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan, mọi tổ chức.
2. Các cháu mới bắt đầu đi học thì thuận lợi bội phần nhưng các cháu học ở các lớp trên và người lớn thì gặp khó khăn ban đầu (vì đã quen với lối viết cũ), họ phải bỏ ra vài buổi để học, để tìm hiểu và cả tháng để làm quen. Hồ sơ của cá nhân, của cơ quan phải có một quá trình thay đổi hợp lí thì mới giảm bớt khó khăn và tốn kém.
3. Trong phần I tôi đã đề cập 8 mục cần thay đổi và tôi đã đề nghị hướng thay đổi. Tuy đã suy nghĩ kĩ, nhưng chắc chắn vẫn còn thiếu sót, nhất là mỗi người một ý. Tôi rất mong quí vị bày tỏ chân thành ý nghĩ của mình, cũng có thể nếu đồng ý từng phần hoặc là đồng ý thay đổi nhưng theo hướng khác, cứ mạnh dạn nêu ra rồi chúng ta cùng trao đổi.
4. Tôi nghĩ rằng trong chữ Việt, ngoài 8 vấn đề nêu ở mục I. chắc chắn còn nhiều tồn tại khác, quí vị thử tìm rà soát lại xem, sau đây tôi đưa ra một số ví dụ:
a) Còn nhiều cách đọc không hợp lí, chẳng hạn chúng ta xem cách đọc chữ quốc (quốc gia, quốc tế).
• Từ các chữ uấc, uất ta ghép với chữ q thì ta có chữ quấc (cây hồng, cây quấc), quất (quất ngựa truy phong)
• Với chữ uốc ta ghép với một số phụ âm, chẳng hạn: thuốc (thuốc chữa bệnh), cuốc (cây cuốc), đuốc (cây đuốc)
Vậy chữ quốc (quốc gia, quốc tế) có vần uốc nhưng lại đọc theo loại thứ I, như vậy đáng lẻ phải viết quấc hay quất, còn nếu vẫn viết “quốc” thì phải điều chỉnh cách phát âm.
b) Trong mục a vừa rồi, tôi có nhắc đến hai vần q và c vần q trong chữ Việt nó luôn kèm thêm nguyên âm u rồi mới đến các nguyên âm khác, ta coi như qu là một phụ âm kép (phụ âm + nguyên âm u), nhưng tôi thấy khó đánh vần. Ví dụ qua, quên, quyền,…
Quí vị xem thử ta có nên thay phụ âm q bởi c không?
Ví dụ:
Chữ cũ quơ qua quanh ……
Viết lại cuơ coa coanh ……
c) Trong đoạn I.3 tôi có đề cập chữ d và gi, tôi có đề nghị dùng chữ d thay cho chữ gi, nhưng cũng có người muốn dùng chữ z thay cho cả d và gi
Khi đó các phụ âm d và gi có bị xóa sổ trong tiếng Việt không? (trong khi đó các nước có dùng chữ La-tinh đều có chữ d)
d) Một số chữ nếu bỏ dấu sắc ( ) mà phát âm không thay đổi thì có lẻ ta nên bỏ dấu ( ).
Ví dụ:
Chữ cũ Tấc mác bác xích mích cốc lết ……
Viết lại tâc mac bac xich mich côc lêt ……
• Chữ tâ và tớ chẳng hạn, chọn cách viết nào
tă và tá chẳng hạn, chọn cách viết nào
Có lẽ nên viết tâ (thay cho tớ), tă (thay cho tá) cho phù hợp với cách bỏ dấu sắc
e) Có nên thay các phụ âm ghép như ch, ng, nh,… bằng một phụ âm khác đơn giản hơn không?
Cũng vậy, có một số vần phức tạp như ươm, uôn, iêu,… có phương án nào để thay thế không?
f) Trong chữ Việt có một số chữ có dấu như ô, ơ, ê, ư và các dấu thanh: huyền, sắc, … khó đánh máy vi tính có phương án nào thay thế mà đơn giản hơn không?
Từ 4a đến 4f, tôi đưa ra để mong quí vị tìm giải pháp, nếu chưa có giải pháp nào hay thì ta vẫn giữ như cũ, nếu một số trường hợp trong mục 4 có phương án hay thì ta điều chỉnh phần đó. Tôi tin rằng nhiều người suy nghĩ thì hy vọng rằng mọi lỗ hỏng trong chữ Việt trước hay sau gì cũng có người tìm ra giải pháp.
V. LÍ DO TÔI VIẾT BÀI NÀY
• Như tôi đã nói ở đoạn I, hồi còn nhỏ, tôi có người bạn thân, viết bài học và viết chính tả sai nhiều nên hay bị thầy rầy la, cha mẹ quở mắn, anh ta chán nản và nhiều lần định bỏ học.
• Khi mới học vần, tôi hỏi người anh họ, tại sao không viết ce, cê, ci mà viết ke, kê, ki và được trả lời không ai viết ce, cê, ci mà phải viết ke, kê, ki.
Tại sao? Được trả lời, luật như vậy, mà cần gì phải hỏi, mà cần nhớ là được. Tôi không thỏa mãn với câu trả lời.
• Khi học ở cấp hai, tôi cũng thấy một số bạn viết sai nhiều, tôi cứ nghĩ sao kì lạ vậy, khi đọc, khi viết chú ý một chút thì viết đúng thôi. Té ra không phải mọi người đều thông minh và nhớ dễ dàng đâu.
• Khi nghỉ hưu và sau một cơn bạo bệnh, do ảnh hưởng của thuốc nên trí óc tôi bị suy thoái, tôi viết hay sai chính tả hoặc cứ phân vân không biết viết vậy đúng chưa?
Có lần tôi nói chuyện này với ông bạn thân, anh ta nói làm sao mà viết sai được, có gì khó đâu. Ngay hôm sau tôi chuẩn bị mười chữ để đố, anh ta trả lời sai hết ba chữ.
Từ đó tôi và bạn tôi nhất trí với nhau rằng chữ Việt không dễ viết. Sau đó tôi nghĩ phải tìm một giải pháp nào đó cho học sinh và mọi người đỡ phải nhọc nhằn.
1) Tôi vào cuộc. Tôi suy nghĩ nhiều về những ưu điểm của chữ Việt là ngoài mấy cái rắc rối như hỏi hay ngã, c hay t,… thì bất kì tiếng nói nào phát âm được và có nghĩa đều viết được, viết đúng, lúc mới học thì đánh vần mà viết. Có lẻ không mấy nước trên thế giới có được điều đó. Rồi tôi suy nghĩ và tìm hiểu tại sao chữ ke, ki không viết là ce, ci. Tại sao chữ này phải viết dấu hỏi, chữ kia phải viết dấu ngã, v.v… và v.v…
Thì ra vì chữ này có dây mơ rễ má với một chữ Pháp, một chữ Tàu (chữ Hán)… nào đó, nên phải viết thế này, phải viết thế nọ, tôi nghĩ rằng không cần thiết.
Ta phải suy nghĩ ra một phương án chỉnh sửa nào đó cho chữ Việt của chúng ta ngày càng sáng sủa hơn, trong sáng hơn, giảm thiểu những gập ghềnh, giảm thiểu các chướng ngại vật như là những lô cốt, những hố tử thần trên các con đường nhựa
Sau khi đã suy nghĩ nhiều tôi bắt tay viết bài này, và tôi nghĩ rằng tìm ra con đường hoàn thiện cho chữ Việt không khó lắm mà vấn đề khó nhất là tư tưởng thủ cựu và sức ì của con người.
Khi tư tưởng chưa thông thì đừng hy vọng làm được việc này, việc nọ. Do đó, tôi mong rằng chúng ta cùng nhau xem xét các vấn đề sau:
a) Chúng ta phải có tư tưởng đổi mới: Điểm khó nhất của vấn đề, theo tôi là chúng ta đã quen với cách viết cũ, viết khác đi được cho là viết sai, sai luật, sai chính tả. Nhưng luật nào? Luật đó đã được chứng minh là vô lí, tại sao lại lấy ra để làm chuẩn mực, để đánh giá được.
b) Sửa đổi cách viết chữ Việt có làm mất tính lịch sử văn hóa không?
Trên đây tôi đã nói, chữ Việt do các linh mục Bồ Đào Nha sáng tạo ra mà ai cũng biết trong đó có Alexandre de Rhodes, sinh ra tại Pháp, chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, nên ta sửa đổi lại cho ít bị ảnh hưởng hơn, đó là ta đã góp một tay vào lịch sử văn hóa Việt Nam, do đầu óc con người Việt Nam nghĩ ra thì còn gì mà sợ mất tính lịch sử văn hóa. Tôi lấy một ví dụ khác:
“Quân, sư, phụ” là tư tưởng, là nền tảng đạo lí của văn hóa Việt Nam xưa (ảnh hưởng Tàu) Bây giờ không còn vua nữa như vậy có sợ mất đi tính lịch sử của nền văn hóa dân tộc không? Xin thưa, ngàn lần không.
c) Đơn giản chữ Việt có làm cho chữ Việt tối nghĩa, dễ nhầm lẫn không?
Tôi đồng ý, khi đơn giản chữ Việt thì có tình trạng là một chữ nhiều lúc có nhiều nghĩa hơn, nhưng tôi chắc chắn không thể dễ nhầm lẫn được.
Trước hết, trước đây ta cũng có một chữ nhiều nghĩa (đồng âm dị nghĩa) ví dụ đơn giản: xét chữ lục trong các chữ sau:
Xanh lục, lục tỉnh, lục đục, lục soạn.
Hỏi: cũng chữ lục nhưng có sự nhầm lẫn với nhau không?
Ví dụ khác: Nếu nói giày dép mà viết là dày dép thì chữ dày hiểu là dày mỏng mất. Xin thưa, đó là do cái chuẩn cũ còn ám ảnh thôi. Khi nghe giày dép bạn có cần hỏi lại giày viết chữ d hay gi để hiểu cho khỏi nhầm không? Chắc chắn là không. Chẳng hạn người không biết chữ họ đâu có biết chữ gi hay d mà họ vẫn hiểu đúng. Chữ viết thay cho lời nói mà nói nghe hiểu (không cần biết d hay gi) thì tại sao khi viết thì phải phân biệt.
Quả thật, phân biệt được thì càng tốt thôi, nhưng không cần lắm, ngược lại nó nặng nề cho các cháu quá, ta không nên bày vẽ thêm. Khi đi xa, ta cần chuẩn bị hành lí vừa đủ thì tốt hơn là quá thừa.
Tôi quan niệm rằng chữ viết là công cụ thay cho lời nói, với một âm thì chỉ nên có một chữ là tốt nhất. Như vậy vừa nhẹ nhàng, vừa trong sáng, không nên bày vẽ ra nhiều cách viết vô lí để làm khổ trẻ thơ; không nên gài nhiều bẩy trên con đường học tập của các cháu sợ rằng đến một lúc nào đó, bẩy này sẽ trở thành hố tử thần. Vẻ đẹp giản dị, trong sáng có lẽ tốt hơn vẽ đẹp của chiếc áo cưới trên đó có 2011 bông hoa hồng đính bằng kim cương.
Sự đa dạng phong phú sẽ thể hiện rõ nét trong âm điệu, trong lời nói chứ không phải trong chữ viết, bằng chứng là khi ta chưa có chữ Việt thì ta vẫn có các tác phẩm thi ca bất hủ của các bậc tiền bối để lại.
d) Có cần phải cải cách chữ Việt không?
Bạn có ý nghĩ gì về câu sau: “Chữ Việt có nhiều rắc rối, khó học, khó viết nhưng từ trước đến nay, dân ta cũng học được, cần gì phải cải cách”.
Tôi không trả lời trực tiếp nhưng tôi hỏi lại, hãy đánh giá câu sau đây: “Tổ tiên ta, phần lớn không biết đọc, biết viết, vậy chúng ta cần gì phải học”
Vậy là đã rõ rồi chứ gì.
e) Cải cách chữ viết có quá tốn kém không?
Muốn thực hiện một công trình nào đó, nhất định phải có tốn kém, nhưng tốn kém nhiều hay ít là tùy theo phương án thực hiện; nhất là về mặt văn hóa; có thể tốn hàng mấy trăm tỉ, cũng có thể dưới một tỉ, tùy theo cách làm.
Lấy ví dụ: Nếu những người có trách nhiệm có thể có những cách làm sau:
Thành lập một ủy ban cải cách chữ Việt nghiên cứu trong vòng mười năm, rồi tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, khen thưởng…
Sau nhiều công đoạn nữa, rồi đúc kết. Kế tiếp là công bố một quyết định bất ngờ: ngày tháng thực hiện. Nếu vậy thì chỉ tính riêng số sách ở các nhà sách bị bỏ cũng là con số khổng lồ.
Nhưng nếu làm như sau: Nếu bài này hay những bài tương tự được phổ biến rộng rãi và tìm cách để kích thích các độc giả tham gia ý kiến,sau đó sẽ giao cho một số người có trình độ nghiên cứu những ý kiến hay nhất để đúc kết. Khi quyết định thực hiện thì tính toán kĩ lộ trình thực hiện cho phù hợp theo hình thức cuốn chiếu và phải nghiên cứu kĩ các bước thực hiện sao cho ít tốn kém nhất, ít ảnh hưởng nhất đến mọi người thì chi phí sẽ rất thấp.
Nếu càng kéo dài thì càng vướng và càng nhiều trở ngại, chi phí sẽ gấp bội phần.
Ai sẽ đứng đầu tàu trong công tác này? Tôi nghĩ rằng người dân có tâm huyết và tài giỏi đến mức nào cũng không thể đứng ra làm việc này được và không có quyền thực hiện, chỉ có thể là nhà nước, mà bước đầu phải do bộ giáo dục hay viện nghiên cứu ngôn ngữ đảm nhận vai trò chủ đạo.
Qua những phân tích trên, tôi nhận thấy rằng chúng ta đang thừa hưởng một gia tài đồ sộ về chữ Việt, chúng ta có bổn phận chung tay hoàn thiện chữ Việt, tiếng Việt.
Trước đây, tổ tiên ta cũng đã nhiều lần chỉnh sửa tiếng Việt, chữ Việt mới có được hoa trái ngày nay cho chúng ta hưởng.
Bây giờ ta có nhiệm vụ làm sao cho hoa thơm hơn, trái ngọt hơn.
VI. HOÀN THIỆN TIẾNG VIỆT
Chữ Việt và tiếng Việt có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu nói đến chữ Việt thì không thể không nói đến tiếng Việt.
1. Tiếng Việt còn nhiều bất cập:
• Ngày xưa việc đi lại rất khó khăn, cuộc sống của ông cha ta khép kín trong các lũy tre làng nên việc giao lưu giữa các vùng miền rất hạng chế, do đó mỗi nơi có một giọng nói riêng, cách phát âm riêng, cùng một vật một hiện tượng mà nơi này nói khác với nơi kia, nên người ta gọi là tiếng địa phương.
• Ngày nay cuộc sống hội nhập việc giao lưu mở ra rộng rãi nên tiếng nói địa phương cũng là một rào cản lớn. Thời gian qua báo chí đưa ra nhiều trường hợp về những khó khăn điển hình trong giao tiếp giữa các vùng miền nhưng vẫn chưa thấy ai đưa ra một đề xuất nào để khắc phục. những khó khăn này không phải chỉ là vấn đề riêng của kẻ chân đất, mà ngay cả trong giới có học hành như sinh viên, học sinh cũng gặp khó khăn khi thay đổi chỗ học chỗ làm đến ở các thành phố lớn. Do đó, rất cần hoàn thiện Tiếng Việt để khi giao tiếp với những người ở vùng miền khác bớt gặp khó khăn.
2. Tại sao phải thống nhất tiếng nói:
a) Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, vậy tiếng nói cũng là một.
b) Nhiều trường hợp con cháu phải rời nơi chôn nhau cắt rốn để đến thành phố học hành công tác. Bước đầu họ cũng gặp lắm khó khăn, nói cũng chẳng ai nghe, ai hiểu. Họ đã cố gắng bỏ dần tiếng lóng, tiếng địa phương, đổi dần giọng nói để phù hợp với môi trường sống mới. Khi trở về làng cũ, đáng lẽ phải hoan nghênh họ, mừng cho họ nhưng nhiều cụ lại cho là lai căng mất gốc. Thái độ đó chỉ làm tiếng địa phương họ chậm thay đổi. Họ càng chậm hòa nhập vào cộng đồng, làm cho địa phương họ thiệt thòi. Bây giờ ta phải quan niệm quê hương ta là Việt Nam, những phong tục tập quán tốt của địa phương thì nên giữ gìn, nên trân trọng nhưng những gì cản trở cho cuộc sống, sự tiến bộ của địa phương mình, cho con cháu mình thì cần tìm cách khắc phục, sửa đổi và học hỏi cái tốt ở nơi khác để bổ sung. Tiếng nói cũng vậy, nếu nói mà ở vùng miền khác không hiểu được thì mình phải cải thiện giọng nói, bỏ tiếng lóng, tiếng địa phương, làm như vậy không phải là mất gốc, nếu ta cố chấp thì chỉ hại cho địa phương mình, cho con cháu mình. Thử hỏi tuổi trẻ học tiếng Anh có phải là hạng người hướng ngoại, mất gốc không? Không, họ học vì bản thân, vì muốn đất nước tiến lên. Cũng vậy, hướng tới thống nhất tiếng Việt là việc làm cần thiết chứ không thể gán họ là quên quê cha đất tổ.
c) Chúng ta phải chấp nhận rằng các thành phố lớn là những đầu tàu để kéo tàu Việt Nam về với văn minh, thịnh vượng. Chúng ta có thể đề phòng, ngăn chận những thói hư tật xấu xâm nhập vào làng xã của chúng ta chứ không câu nệ việc con cháu ta thay đổi giọng nói, tiếng nói khi vào thành phố. Có vậy làng xã ta, địa phương ta có điều kiện tiến bộ hơn.
Tóm lại, phải làm sao cho mọi người thấy rằng, vì lợi ích của địa phương, của cả nước, của con cháu ta mà phải làm sao giảm bớt rào cản về tiếng địa phương để vươn lên tiếng nói thống nhất. Chúng ta tìm cách đưa tiếng nói thống nhất này đến các buông, làng xa xôi, các dân tộc thiểu số để tạo điều kiện cho họ tiến bộ nhanh.
3. Thống nhất tiếng Việt thực hiện như thế nào?
Tiến hành các bước thống nhất chữ Việt và tiếng Việt có khác nhau. Chẳng hạn:
Về chữ Việt thì có liên quan đến mọi cá nhân, mọi cơ quan nhưng sau khi đã nghiên cứu kỹ và công bố văn bản rồi thì coi như đã thực hiện được 70%. Còn 30% thì thực hành từ từ qua từng bước để giảm bớt xáo trộn và tốn kém và mọi người cứ thế thi hành.
Nước ta đang chuẩn bị đợt cải cách giáo dục sâu rộng, nếu kết hợp đợt cải cách này với cải cách chữ Việt thì rất thuận lợi.
Còn cải cách tiếng Việt tuy rằng rất cần nhưng không thể tiến hành gấp rút được. Cần phải có sự cộng tác của các nhà ngôn ngữ cả ba miền và cần phải sát thực tế, ví dụ nên chọn chính là tiếng nào trong các tiếng sau đây làm tiếng thống nhất:
- Ngõ, hay hẽm, hay kiệt,…
- Tấc ngắn, tấc dài hay vớ cổ ngắn, vớ cổ dài …
- Cái thìa, hay cái muỗng, hay cái môi…
Và khi đã thống nhất rồi thì cũng áp dụng từ từ để thấm dần và sữa chữa dần, chứ không thể cùng một lúc được.
Trong lúc đó, những nhà ngôn ngữ học 3 miền (Bắc, Trung, Nam) cùng hợp tác và ra một quyển tự điển Việt Nam thống nhất để dùng chung cho cả nước.
Những người làm các nghề, các công việc mà chữ viết, tiếng nói của họ có ảnh hưởng đến số đông thì phải chọn lọc chặt chẽ: như giáo viên mẫu giáo, phát thanh viên, người viết sách, viết báo…
Tôi mong rằng mọi người cùng chung tay, góp sức và những người có trách nhiệm (nhất là bộ giáo dục) hãy tích cực và có phương án cụ thể để hoàn thiện chữ Việt, tiếng Việt.
Tôi đã trình bày khá kỹ càng về những cảm nghĩ của tôi với ước nguyện là đơn giản và thống nhất chữ Việt, tiếng Việt, trong đó tôi nói nhiều về chữ Việt, vì đó là phần cần thiết có thể tiến hành kịp với đợt cải cách giáo dục (nếu có thể) còn phần cải cách tiếng Việt có lẻ phải dùng biện pháp mưa lâu thấm dần.
Tôi bỏ công sức viết bài này với tâm nguyện là con cháu mình bớt vất vả, không phải nhắm mắt nghe theo những luật vô lí, rắc rối. Tôi không nghĩ tới lợi lộc riêng tư, nếu ước nguyện của mình được thực hiện hay được thực hiện một phần và được phản hồi hợp lý trước khi mình xuôi tay nhắm mắt thì tôi hoàn toàn mãn nguyện. Tôi mong mọi người suy nghĩ kỹ rồi tham gia góp ý và các nhân vật có trách nhiệm quan tâm, ngày nào tôi còn làm việc được, tôi sẵn sang phục vụ. Cảm ơn tất cả bạn bè đã động viên tôi, cảm ơn tất cả mọi độc giả.

Địa chỉ liên lạc:
tran_huu_nho@yahoo.com.vn


#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9