VÀI ĐIỀU XIN TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ “Đất thiêng một giải nghiệm”
tahuudinhqn 07.04.2011 12:20:57 (permalink)
VÀI ĐIỀU XIN TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ
“Đất thiêng một giải nghiệm”
(VN số 32, 11/8/2007)
                                                                 Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
Tác giả Lê Cường viết: “Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều nhà khoa học, giáo sư tiến sĩ… trao đổi một số vấn đề mang tính khoa học tâm linh, một nhu cầu quan trọng trong đời sống xã hội. Giai đoạn dài, đất nước có chiến tranh, chúng ta không được phép bàn tới, phủ nhận, thậm chí quy kết là điều cần thiết…”.
Thưa tác giả Lê Cường, là một người đọc tôi xin phép được hỏi: Ta đã “quy kết” cái gì vậy? Và vì sao trong chiến tranh ta lại không được phép bàn đến vấn đề tâm linh? Hay ý nghĩa của tâm linh bao hàm cả sự chết, nên phải kiêng? Và nếu vậy thì những cuộc chiến tranh trước đây, ông cha ta có kiêng không?
Tác giả viết tiếp: “Hàng tỷ năm vận hành hình thể vỏ trái đất không đều do bùng phát dòng Nham Thạch phun trào từ trong lòng và các thiên thạch va đập tạo ra núi, biển…?
Không biết có phải tác giả định nói đến thiên thạch là ”đá” ở ngoài không gian, hay ở đâu “va đập” vào trái đất mà tạo thành “núi, biển”. Nếu đúng là ở ngoài không gian, thì khối “Thạch” ấy phải rất chi là khổng lồ, là vĩ đại. Vậy hiện nay nó đang nằm ở đâu? Sao ngành du lịch thế giới không quảng bá để khai thác kinh doanh, mà chỉ thấy mấy cục ở nhà bảo tàng?
Về chuyện Cao Biền trấn iểm, tác giả khẳng định đó là sự thực: “Cuốn Cao Biền di cảo viết rõ: “Trẫm (Vua Đường) nghe An Nam có nhiều ngôi đất thiên tử, ngươi tinh thâm địa lý nên hết sức iểm đi”. “…Tăng Cổn là viên quan cấp dưới, sau khi Cao Biền bị gọi về nước, liền được thăng chức: Tiết độ sứ, ghi nhận hiện tượng trấn iểm của Cao Biền trong cuốn Giao Châu ký…?.
Khoan hãy nói về nội dung chuyện trấn iểm. Xin được bàn về địa danh trước: Theo sách Niên biểu Việt Nam của nhà xuất bản KHXH, thì Nhà Đường (Trung Quốc) khởi nghiệp vảo thế kỷ thứ bẩy (năm 618), kết thúc vào thế kỷ thứ mười (năm 963).Hơn ba trăm năm thời Đường, chẳng biết ông Cổn làm quan vào năm nào? Chỉ biết ông ta gọi nước Việt là ”Giao Châu”. Còn vua Đường thì lại gọi là “An Nam”.
Vậy vua Đường gọi đúng, hay quan Đường gọi đúng đây? Có lẽ là vua sai (hay chính là tác giả Lê Cường sai), quan Đường đúng. Vì thời gian đó nước ta bị nhà Đường thống trị. Để thực hiện tham vọng đồng hoá người Việt, họ đã sáp nhập nước ta vào nước họ. Coi nước ta chỉ là một “Châu” hay một “Quận” của họ mà thôi, nên Tăng Cổn gọi nước ta là “Giao Châu”. Tức châu “Giáo Chỉ”, cũng như có thời kỳ Bắc thuôc, họ gọi ta là quận “Cửu Chân” vậy.
Vả lại, nhìn cả chiều dài lịch sử nước ta, có tám lần thay đổi quốc hiệu, từ Văn Lang đến Việt Nam, cũng chưa bao giờ nước ta mang cái tên “An Nam” như vua Đường gọi, mà hai từ ấy, có lẽ cuối thời Mãn Thanh, đầu thế kỷ hai mươi mới thấy xuất hiện trong khẩu ngữ của người Tầu.
                                               *      *    *
Bây giờ xin trở lại chuyện trấn iểm. Tác giả đã viện dẫn nhiều sách vở, của các tác giả lớn đã viết, để khẳng định việc Cao Biền trấn iểm là có thật. Vâng. Đúng là như vậy. Từ ngày xửa ngày xưa dân ta đã tin như vậy. Song kết quả của việc làm ấy có đạt được mục đích không? “Long mạch” của những “ngôi đất thiên tử” của nước ta có bị phá, bị cắt đứt rời ra không? Hay đó chỉ là ý muốn ngu muội của kẻ ngoại bang cầm quyền thởi bấy giờ? Thì lại không thấy tác giả nói đến.
Cũng như chuyện bà Hoàng hậu của vua Lý, mời thầy phù thuỷ nhà Tống sang Thăng Long iểm bùa, chôn hình nhân nhằm hãm hại mẹ con bà Ỷ Lan, nhưng kết quả chỉ là một cuộc trả thủ đẫm máu!
Nếu bảo bùa iểm của Cao Biền là linh ứng, thì sao năm 939 Ngô Quyền lại chôn vùi quân sâm lược xuống sông Bạch Đăng và lên ngôi “Thiên tử” được? Rõ ràng chuyện trấn iểm chỉ là mê tín, là hoang đường và ảo tưởng.!
Tác giả Lê Cường viết tiếp: “Trong lịch sử, Đạo giáo là một trong ba tôn giáo lớn ở Việt Nam có nhiều tín đồ. Nhưng đồng thời, dân gian lưu truyền và sách vở ghi lại có một vài thầy phù thuỷ, luyện theo tà thuật hoặc theo cách trấn iểm, chúng tìm cách phá, đào rỗng lòng núi, đồi, đào hồ, ao cắt dòng, chuyển hướng dòng chẩy những con sông phá vùng đất thế núi linh thiêng…”.
Ối !..chà…chà…! Chỉ có “một vài thầy phù thuỷ luyện theo tà thuật”. Mà sao lại làm được lắm việc vĩ đại thế? Chắc mấy tay “tà đạo” này được chính quyền cai trị giúp đỡ, bắt dân phu bản xứ đi đào, khoét núi sông. Vậy thưa ông (hay bà) Lê Cường, những quả núi nào của nước ta đã bị đào rỗng, và những con sông nào đã bị đổi dòng?
Tôn giáo và phù thuỷ là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Sao tác giả lại trộn lẫn vào nhau, nhất là lại trộn chính giáo vào tà thuật?
Theo sự hiểu biết ít ỏi và nông cạn của người viết bài này, thì ba tôn giáo lớn nhất ở nước ta là Phật giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo. Hay gọi cách khác là Đạo Phật, Đạo Thiên chúa và Đạo Hồi. Cả ba tôn giáo lớn ấy đều có giáo chủ, người đã khởi xướng ra một chủ thuyết và đem chủ thuyết ấy đi giáo hoá cho chúng sinh. Như Thích Ca (Gutama), Kito Giesu và nhà “Tiên tri” Môhamét. Còn cái “Đạo giáo” mà tác giả Lê Cường bảo là lớn và có nhiều tín đồ ấy thì chẳng biết đó là cái “Đạo” gì ?
Tác giả viết tiếp: “… Kinh đô là cơ quan đầu não, trái tim cả nước, vì thế vô cùng quan trọng đối với dân tộc. Cao Biền tìm cách iểm triệt kinh thành Đại La (Hà Nội) nhưng thất bại và phải xây tường thành theo lời chỉ dẫn của thần Long Đỗ “vị địa thần linh thiêng…”.
Ô hay! Có lẽ tác giả quên, hay nhầm lẫn thế nào ấy chứ, làm sao kinh đô lại có thể là “cơ quan đầu não” của một quốc gia được. Kinh đô chỉ là địa điểm có các cơ quan đầu não của quốc gia đóng ở đấy mà thôi.
Và thành Đại La lúc bấy giờ cũng chưa có nhà sử học nào viết đó là kinh đô của nước ta, mà chỉ là cứ điểm, là doanh trại, là thủ phủ của bọn Cao Biền đang chiếm đóng, sao ông ta lại iểm triệt để rồi thất bại và phải xây tường thành?
 Còn việc Cao Biền xây tường ở thành Đại La, cũng chỉ là việc tự nhiên, bình thường như người ta rào cái bờ rào nhà mình để phòng trộm cắp. Hay cũng như các vua chúa Trung Hoa ở Tử cấm thành Bắc Kinh. Các vua chúa Nhà Nguyễn xây tường bao chung quanh kinh đô Huế vậy. Chứ đâu phải vì ông ta iểm triệt thất bại mà phải xây tường.
Lại còn cái vị thần Long Đỗ kia nữa. Tác giả bảo là “Địa thần linh thiêng”. Vậy thần thiêng của đất Việt, đời đời thụ hưởng hương hoa, lễ vật của người Việt, sao lại đi “chỉ dẫn” cho kẻ thù của nước Việt xây thành để chống lại nhân dân nước Việt? Vậy chẳng phải là lại có cả thần Việt gian nữa ư ?!
Chung quanh vấn đề này còn một điều nữa cũng xin được nói hết: Tác giả cho biết: “Cao Biền xây tường thành theo lời chỉ dẫn của thần Long Đỗ”. Như vậy tức là vị thần này đã học ngoại ngữ, nên biết tiếng Hán và phát âm thành “lời” cũng như người trần mắt thịt, để Cao Biền hiểu!
Ôi chao ! Thật linh diệu lắm thay!
Về cách thức iểm triết của bọn Cao Biền, tác giả viết: “…Chúng dùng nhiều trinh nữ, luyện phù chú, mồm cho ngậm sâm, chôn sống, đổ cát lên, đóng cọc giữ thi thẻ không bị trôi, để chết dần, nên vong hồn không siêu thoát, biến thành tà tinh, đúng theo quan niệm dân gian chết trẻ khoẻ ma, làm rối loạn phần âm và dương trên sông Tô Lịch”.
          Vậy là (theo tác giả Lê Cường): “Vong hồn không siêu thoát nên biến thành tà tinh”. Tức là “hồn” biến thành “tinh”. Cũng như “Sơn tinh”. “Thuỷ tinh”. “Mộc tinh”, “Yêu tinh”.”Kê tinh”. “Trăn tinh”. “Hồ li tinh” và rất nhiều loài tinh khác…Thế liệu có trường hợp nào hồn lại biến thành “Chính tinh” không?
          Thiển nghĩ “tà” hay” chính” là phải căn cứ vào hành vi ứng xử của “tinh” đó thì mới phân biệt được chứ? Còn riêng vị “tinh” ở sông Tô Lịch thì hành vi đã rõ. Vì làm “rối loạn” cả sông Tô Lịch, nên bị tác giả xếp vào loại “tà tinh” là phải rồi. Song về gốc rễ, hồn cốt của vị “tinh’ này, chắc chắn không phải là người Hán, mà là một thiếu nữ người Việt. Vậy đã linh thiêng, sao “tinh” không báo thù kẻ đã hãm hại mình, mà lại đi làm “rối loạn” ở chính quê hương đất nước mình?
          Theo từ điển tiếng Việt, của Viện ngôn ngữ học định nghĩa, thi “rối loạn” là: “Ở tình trạng lộn xộn, không còn trật tự nào cả”. Hoặc: “Gây rối mất trật tự trị an…”.Vây, thưa ông (hay bà) Lê Cường, tình hình an ninh trên sông Tô Lịch có phải đã và đang “rối loạn” không?
Tác giả còn lấy cả việc các nhà khảo cổ tìm thấy rìu đá ở trong mộ cổ để khẳng định rằng: “Người Việt cổ sớm có  niềm giao cảm giữa người sống và người chết, họ tin có một thế giới tồn tại và chôn theo hiện vật hiến dâng người chết mang về cõi âm”. (Ở đây chắc tác giả định viết: “…họ tin có một thế giới khác cõi trần”. Nhưng vì sơ xuất thế nào đó nên câu không rõ nghĩa).
Vâng. Chẳng riêng gì thời xa xưa người Việt cổ tin, đến tân bây giờ người Việt “kim” cũng rất tin. Chỉ khác là bây giờ người ta không chôn đồ thật, mà đốt đồ giả làm bằmg giấy. Tuy cũng chẳng ai biết, vong linh người chết làm cách nào để biến cái đống tro tàn ấy thành ra đồ vật để sử dụng? Song dẫu sao việc làm đó cũng đáng quý, vì người đang sống đã không quên người đã chết.
     Tác giả còn cho biết: “Trấn iểm, trấn trạch, bùa chú, chài, hèm, tu luyện được thần, thánh phù hộ… là hiện tượng có từ lâu của người Việt và nhiều nước…”.
Vâng! Đúng là về môn trấn iểm, bùa ngải từ lâu người Việt ta cũng giỏi giang chẳng thua kém gì ai. Song cái “tài” ấy chắc không đồng nghĩa với việc từ lâu người ta đã tìm ra vac-xin chống bệnh dại và bệnh đậu mùa…
Nhân nói đến bùa iểm, xin được kể một trường hợp của chính gia đình tôi:
Vào khoảng trước năm 1945, cha tôi bị bệnh thấp khớp, thuốc thang liền mấy năm không khỏi. Mẹ tôi đi xem bói, thầy bảo mình cao số nặng, bị quỷ ám, ma làm. Phải mượn thầy cúng ma, trừ tà thì bệnh mới khỏi được.
Ông thầy phù thuỷ được mời là người nổi tiếng “cao tay” nhất vùng. Thầy liền sai bắt bốn chú cóc, nhưng chưa cho biết là để làm gì. Bàn thờ đặt ở ngoài sân. Lễ vật hương đăng, hoa trái, rượu thịt đủ cả. Ba ông thầy ngồi xuộng chiếu hoa, trống phách búng beng, xủng xoảng lập tức nổi lên, tụng niệm, khấn vái, bắt quyết, hô phong hoán vũ, roi dâu tẩm nước tiểu khai mù, quất vun vút vào không khí. Thầy sai “âm binh” bắt ma trừ tà suốt đêm.
Sáng hôm sau, thầy rọc bốn dải giấy bản, viết bốn hàng chữ nho, cầm nén hương đang cháy lầm rầm niệm “Thần chú”. Miệng niệm, tay ngoáy nén hương lên dải giấy. Khói hương vẽ thành những vòng tròn xanh đứt, nối, mờ tỏ, tạo ra không khí vừa thiêng liêng, vừa huyền bí. Rồi thầy mở tráp lấy cái hộp nhỏ mở hộp, nhón tay lấy một chút bột mầu nâu, có mùi thơm hăng hắc như hoa hồi, rắc lên các dải giấy. Rồi vê thành cái “bùa”, có dáng như người đứng giang hai tay ra. Thầy nhét “bùa” vào miệng cóc, để vào cái đĩa sứ, úp cái bát lên, sai đem ra vườn, đào bốn cái “huyệt”, chôn bốn “bùa cóc”, theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Bọn thầy phù thuỷ đi rồi. Chỉ hơn một tháng sau, cha tôi cũng…đi!
Tác giả Lê Cường viết tiếp: “… Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ khả năng khác thường của vua Hùng: “Ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương”.
Nói gì thời Hùng Vương xa xôi mãi trước Công nguyên, ngay thế kỷ 11 cũng có truyền thuyết kể rằng thân mẫu của Lý Công Uẩn đi vãng cảnh chùa gặp tiên mà thụ thai, chứ không phải là gặp người!
Vì sao vậy? Có lẽ do lòng tôn kính, ngưỡng mộ các vị anh hùng, và để phân  biệt giữa họ với người bình thường, nên người ta đã tưởng tượng ra những giai thoại dị thường, khác lạ rồi gán cho thần tượng của mình, để khẳng định rằng các bậc đế vương, thiên tử là do trời sinh, trời định trước…
Giáo sư Phan Huy Lê cũng từng nói; “Trong lịch sử hình thành, phát triển của các quốc gia đều có một lớp “sương mù” huyền thoại, huyền tích, dã sử bao phủ mà cái lõi của chúng không phải là không có ít nhiều sự thật”.
Hay như trên truyền hình đang chiêu phim “Truyền thuyết Du Mông” của Hàn Quốc đấy. Làm gì có “Con chim ba chân”. Nhưng những cuộc giao tranh đẫm máu giữa các quốc gia, bộ tộc thì là sự thật.
Cho nên giữa phải và trái, giữa chân và giả, giữa chính và tà, giữa tâm linh và mê tín, khoảng cách chỉ bằng sợi tóc, rất dễ nhầm lẫn./.
 
                                                            Uông Bí, ngày 21/8/2007
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9