Những người khách trọ ở chốn thiên đường- O'Henry

Tác giả Bài
spiderkien
  • Số bài : 80
  • Điểm: 0
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 13.04.2007
Những người khách trọ ở chốn thiên đường- O'Henry - 08.04.2011 02:57:01
0
Những người khách trọ ở chốn thiên đường
(Transients in Arcadia)


-O’Henry-
Người dịch: Đào Huy Kiên


 Có một khách sạn ở Broadway đã thoát được cảnh bị những người tổ chức các chuyến nghỉ hè phát hiện ra. Khách sạn sâu, rộng và mát mẻ. Những phòng nghỉ của nó được trang hoàng bằng gỗ sồi tối màu ở nhiệt độ thấp. Những cơn gió thoảng và bụi cây xanh đậm đem lại cho nó cái khoái cảm của Adirondacks mà không kèm theo những bất tiện. Một người có thể trèo lên những bậc thang rộng hoặc lướt lên như mơ trong chiếc thang máy nhẹ như không, được phục vụ bởi người hướng dẫn có những chiếc cúc áo bằng đồng, với niềm vui nhẹ nhàng mà những người leo núi An-pơ chưa bao giờ có được. Người bếp trưởng của khách sạn sẽ chuẩn bị cho bạn món cá hồi suối tuyệt hơn cả ở White Mountains, những món hải sản sẽ khiến Old Point Comfort phải ghen tị, và món thịt thú rừng vùng Maine sẽ làm tan chảy trái tim công quyền của một người bảo vệ khu cấm săn bắn.
 Một vài người đã tìm thấy ốc đảo này trong sa mạc tháng bảy của Manhattan. Trong tháng đó, bạn sẽ thấy những vị khách đã thưa đi của khách sạn tản mác một cách xa hoa trong buổi chạng vạng mát mẻ của phòng ăn lộng lẫy, nhìn nhau qua khoảng không của những bàn trống mà thầm chúc mừng nhau.
  Những người phục vụ bàn thừa thãi, chu đáo, nhiệt tình quanh quẩn gần đó, đáp ứng mọi ý muốn trước khi nó được biểu lộ ra. Nhiệt độ luôn luôn như ở tháng Tư. Trần được vẽ bằng màu nước giả một bầu trời mùa hè với những đám mây mềm mại trôi ngang và không bao giờ biến mất như trong thiên nhiên để khiến ta nuối tiếc.
 Tiếng ồn dễ chịu, xa xôi của Broadway trong trí tưởng tượng của những vị khách vui vẻ biến thành tiếng thác nước tràn ngập khu rừng bằng âm thanh thư giãn của nó.Với mỗi bước chân lạ những vị khách đều dỏng tai nghe, lo sợ bị phát hiện và xâm phạm bởi những kẻ đi tìm khoái lạc không ngừng nghỉ, những người mãi mãi săn tìm thiên nhiên tới tận những hang ổ sâu nhất của nó.   
 Bởi thế trong đoàn người đã thưa đi, một số nhỏ những người sành sỏi ghen tị, tận hưởng đến cùng khung cảnh núi non và bãi biển nơi hội tụ cả nghệ thuật và kĩ năng để phục vụ họ.  
 Trong tháng bảy này, khách sạn đón một người khách mà tấm card của cô gửi cho người tiếp tân ghi hàng chữ “Madame Heloise D’Arcy Beaumont”.
 Madame Beaumont là một người được khách sạn Lotus yêu mến. Cô sở hữu dáng vẻ quí tộc, cáu kỉnh và ngọt ngào theo một cách thanh lịch khiến tất cả nhân viên khách sạn thành nô lệ của cô. Cậu trực tầng phải tranh giành để có được vinh dự trả lời điện thoại của cô; người thư kí có thể sẽ dâng cả khách sạn cho cô nếu cô muốn; những vị khách khác coi cô như người cuối cùng còn giữ được vẻ nữ tính và sắc đẹp khiến cho mọi thứ xung quanh trở nên hoàn hảo.
 Vị khách siêu phàm này hiếm khi rời khỏi khách sạn. Thói quen của cô hòa hợp với truyền thống của những vị khách nghỉ tại khách sạn Lotus. Để tận hưởng nơi trú chân thú vị này, người ta phải bỏ lại thành phố ở phía sau như thể nó cách đây cả trăm dặm. Vào ban đêm, người ta có thể đi chệch hướng sang những mái nhà bên cạnh; nhưng suốt ban ngày oi bức họ ở lì trong thành trì râm mát của khách sạn Lotus như một chú cá hồi lượn lờ trong làn nước trong veo ở cái hồ nó ưa thích.
 Mặc dù ở một mình trong khách sạn Lotus, Madame Beaumont vẫn duy trì tình trạng của một nữ hoàng với nỗi cô đơn chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Cô ăn sáng lúc mười giờ với phong thái dễ chịu, ngọt ngào, ung dung và tinh tế. Cô tỏa những tia sáng dịu dàng trong bóng tối như một bông hoa nhài trong buổi hoàng hôn.
 Nhưng bữa tối mới là lúc thiên đường của cô vươn đến đỉnh cao. Cô mặc một chiếc áo dài lộng lẫy và mờ ảo như làn sương tỏa ra từ một thác nước lớn mà chưa ai nhìn thấy trong một hẻm núi. Thuật ngữ để chỉ chiếc áo dài này vượt quá tầm suy đoán của các học giả. Luôn là những đóa hoa hồng thắm tựa vào viền đăng-ten phía trước. Đó là một chiếc áo dài mà người bồi bàn trưởng phải nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Khi nhìn thấy nó bạn sẽ nghĩ đến Paris, rồi có thể cả những vị nữ bá tước bí ẩn, và dĩ nhiên là Versailles, những thanh kiếm, bà Fiske và lối chơi bài “đỏ và đen”. Có một lời đồn không rõ xuất xứ ở khách sạn Lotus rằng Madame là người đi chu du khắp thế giới, và rằng với đôi tay trắng muốt thon thả của mình cô đã đứng sau giật dây ở nhiều quốc gia theo hướng có lợi cho nước Nga. Đã quá quen với những con đường êm ái nhất trên thế giới, không có gì lạ khi cô nhanh chóng nhận ra khách sạn Lotus là nơi tuyệt vời nhất ở nước Mĩ để lưu lại nghỉ ngơi trong mùa hè nóng nực.
 Trong ngày thứ ba của Madame Beaumont ở khách sạn, một chàng trai trẻ tới đây và đăng kí với tư cách một vị khách. Trang phục của anh đơn giản, phong thái tử tế và đúng mực, và lối ăn nói của một người đàn ông tự tin và từng trải. Anh nói với người lễ tân rằng mình sẽ lưu lại ba bốn ngày, hỏi thăm lịch xuất hành của những chuyến tàu tới châu Âu, và chìm vào khoảng không hạnh phúc của khách sạn độc nhất vô nhị với sự hài lòng của một người du khách trong quán trọ ưa thích của mình.
 Chàng trai trẻ tên là Harold Farrington. Anh trôi vào dòng đời êm ả trong khách sạn Lotus khéo léo và âm thầm đến mức không một vết gợn báo hiệu những người bạn đồng hành của anh sau kì nghỉ. Anh ăn trong khách sạn và tận hưởng sự yên bình hạnh phúc với những thủy thủ may mắn khác. Một ngày anh kiếm được bàn ăn của mình, người bồi bàn của mình và nỗi lo sợ những kẻ náo động sau giấc ngủ ở Broadway có thể sẽ đâm bổ tới và hủy hoại chốn này.
 Sau bữa tối của ngày thứ hai Harold Farrington lưu lại, Madame Beaumont đánh rơi chiếc khăn tay khi đi ngang qua. Ngài Farrington nhặt lên và trả lại mà không lộ vẻ háo hức muốn làm quen.
 Có thể có một mối đồng cảm bí ẩn giữa những vị khách sáng suốt của khách sạn Lotus. Có thể họ dễ thu hút nhau bởi cùng có được cái may mắn khám phá ra đỉnh cao của những khu nghỉ dưỡng mùa hè trong một khách sạn Broadway. Họ nói với nhau những lời xã giao nhã nhặn và ngập ngừng đưa câu chuyện trở nên thoải mái hơn. Và trong không khí thích hợp của một khu nghỉ dưỡng mùa hè đích thực, một mối quan hệ đã nảy mầm, đơm hoa và kết trái như thể có bàn tay của một pháp sư trong đó. Trong một lúc, họ đứng cùng nhau ở ban công cuối hành lang và buông lời chuyện trò vu vơ.
“Người ta đã chán ngấy những khu nghỉ dưỡng cũ rồi”, Madame Beaumont nói, với một nụ cười nhẹ nhưng ngọt ngào. “Có ích gì khi đi đến những ngọn núi hay những bãi biển để trốn khỏi ồn ào và bụi bặm trong khi những người tạo ra cả hai thứ ấy lại theo chúng ta đến đó?”
“Kể cả trên đại dương”, Farrington buồn bã nhận xét, “những kẻ thô tục cũng bám theo ta. Những con tàu đặc biệt nhất giờ cũng chẳng hơn những chiếc phà là bao. Thật may khi những người đi nghỉ hè thấy rằng Lotus ở xa Broadway hơn là Thousand Islands hay Mackinac”.
“Tôi hi vọng bí mật của chúng ta sẽ được an toàn trong một tuần, dẫu sao…”, Madame nói với một cái thở dài và một nụ cười, “Tôi không biết mình sẽ đi đâu nếu họ tới Lotus thân yêu này. Tôi chỉ biết một chỗ khác cũng rất thú vị vào mùa hè, và đó là lâu đài của bá tước Polinski ở trong dãy núi Ural”.
“Tôi nghe nói Baden-Baden và Cannes cũng khá vắng vẻ vào mùa này”, Farrington nói, “Mỗi năm những khu nghỉ dưỡng cũ lại kém tiếng tăm đi. Có thể nhiều người khác giống như chúng ta cũng đang đi tìm những nơi vắng vẻ yên tĩnh mà phần đông mọi người bỏ qua”.
“Tôi tự hứa với bản thân sẽ ở đây nghỉ ngơi thư giãn thêm ba ngày nữa”, Madame Beaumont nói. “Đến thứ hai, tàu Cedric sẽ xuất hành”.
 Đôi mắt Harold Farrington bày tỏ sự nuối tiếc. “Tôi cũng phải rời khỏi đây vào thứ Hai”, anh nói, “nhưng tôi không ra nước ngoài”.
 Madame Beaumont nhún vai với một tác phong ngoại quốc.
“Người ta không thể náu mình ở đây mãi được dù cho nó có quyến rũ thế nào chăng nữa. Tòa lâu đài đã chuẩn bị đón tôi hơn cả tháng rồi. Những buổi tiệc tùng mà ta phải tham dự đó thật là phiền toái! Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên một tuần ở khách sạn Lotus này”.
“Tôi cũng thế”, Farrington nói với giọng trầm, “và tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho Cedric”.
 Vào buổi tối chủ nhật, tức là ba ngày sau đó, hai người ngồi tại một bàn nhỏ vẫn ở cái ban công ấy. Một người bồi bàn ý tứ mang đến những viên đá và những li rượu vang đỏ.
 Madame Beaumont vẫn mặc chiếc áo dài tuyệt đẹp mà bà luôn mặc khi dùng bữa tối. Cô dường như trầm tư hơn. Gần bàn tay của cô trên bàn là một chiếc ví nhỏ. Sau khi đã ăn mẩu nước đá của mình, cô liền mở ví và lấy ra một tờ giấy bạc một đô-la.
“Ngài Farrington”, cô nói với nụ cười đã chinh phục cả khách sạn Lotus, “Tôi muốn nói với ông điều này. Tôi sẽ rời đi trước bữa sáng bởi vì tôi phải trở lại làm việc. Tôi làm ở quầy hàng dệt kim tại Cửa hàng Casey’s Mammoth và kì nghỉ của tôi sẽ kết thúc vào tám giờ sáng mai. Tờ đô-la này là đồng xu cuối cùng của tôi cho đến khi tôi được lĩnh tám đô-la tiền lương vào tối thứ bảy tới. Ông là một quí ông đích thực, ông đã rất tốt đối với tôi, và tôi muốn kể cho ông sự thực trước khi ra đi”.
“Tôi đã dành dụm một năm chỉ để có được chuyến nghỉ hè này. Tôi muốn sống một tuần như một quí bà nếu không thể có lần nào khác. Tôi muốn thức dậy khi mình thích thay vì phải bò khỏi giường vào bảy giờ mỗi sáng; và tôi muốn được sống xa hoa, được chờ đợi, được rung chuông để gọi đồ giống như những người giàu. Giờ tôi đã thực hiện được điều đó, và tôi đã có khoảng thời gian hạnh phúc nhất mà tôi vẫn mong đợi trong đời. Tôi sẽ trở lại công việc và căn phòng ngủ nhỏ bé của mình thêm một năm nữa. Tôi muốn nói với ông điều đó, ngài Farrington, bởi vì tôi… tôi nghĩ rằng dường như ông thích tôi, và tôi… tôi cũng thích ông. Nhưng, ôi, tôi không thể lừa dối ông thêm nữa, mọi thứ đã diễn ra giống như một câu chuyện cổ tích đối với tôi. Bởi vậy tôi đã nói về châu Âu và những điều tôi đã đọc về những quốc gia khác, và khiến ông nghĩ rằng tôi là một quí bà tuyệt vời.
 Chiếc áo tôi vẫn mặc đây là chiếc duy nhất phù hợp mà tôi có. Tôi đã mua nó từ O’Dowd & Levinsky bằng cách trả góp. Giá là bảy mươi lăm đô la và tôi đã đặt may nó. Tôi trả ngay mười đô-la và họ thu một đô-la mỗi tuần cho đến khi trả hết. Đó là tất cả những gì tôi phải nói, Ngài Farrington ạ, ngoại trừ việc tên tôi là Mamie Siviter chứ không phải Madame Beaumont, và tôi cảm ơn ông vì đã lắng nghe. Tờ đô-la này là để trả góp cho chiếc váy vào ngày mai. Tôi xin phép về phòng bây giờ”.
 Harold Farrington lắng nghe câu chuyện của vị khách đáng yêu nhất Lotus với một vẻ mặt bình thản. Khi cô kết thúc anh rút ra một cuốn sách nhỏ giống như một tập chi phiếu từ túi áo choàng. Anh viết vào một khoảng trống trong tập giấy với một mẩu bút chì, dứt một mảnh ra, ném cho cô và lấy tờ đô-la.
“Tôi cũng phải trở lại làm việc vào sáng mai”, anh nói, “và tôi cũng có thể bắt đầu ngay từ bây giờ. Đó là tờ biên nhận cho một đô-la trả góp. Tôi đã làm nhân viên thu tiền cho O’Dowd & Levinsky được ba năm. Thật hài hước phải không khi cả tôi và cô đều có chung ý tưởng cho kì nghỉ của mình? Tôi đã luôn muốn đi nghỉ ở một khách sạn hạng nhất, và tôi đã dành dụm từ số tiền lương hai mươi đô-la. Này, Mame, cô nghĩ thế nào về một chuyến đi thuyền tới Coney tối thứ bảy tới?”
 Khuôn mặt của Madame Heloise D’Arcy Beaumont giả hiệu trở nên rạng rỡ.
“Ồ, chắc chắn tôi sẽ đi, ngài Farrington ạ. Cửa hàng đóng cửa lúc mười hai giờ vào thứ bảy. Tôi nghĩ Coney cũng tốt kể cả khi chúng ta đã ở một tuần với những người giàu sang nhất”.
 Dưới ban công, thành phố oi ả đang rì rầm trong một đêm tháng Bảy. Bên trong khách sạn Lotus, những bóng râm mát dịu vẫn ngự trị và người bồi bàn chu đáo đứng bên những cửa sổ sẵn sàng phục vụ Madame và người đàn ông của cô. 
Tại cánh cửa thang máy, Farrington nói lời giã từ và Madame Beaumont chuẩn bị đi lên lần cuối cùng. Nhưng trước khi họ tới chiếc lồng sắt yên tĩnh, anh nói: “Hãy quên cái tên ‘Harold Farington’ đi nhé!- Tên tôi là McManus- James McManus. Hãy gọi tôi là Jimmy”.
“Chúc ngủ ngon, Jimmy”, Madame nói.


Hết
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.04.2011 02:58:04 bởi spiderkien >
Tôi làm những điều mình muốn
Tôi làm những điều mình tin
Dù cho ai có nghĩ gì
Dù cho là sai hay đúng
Cuộc đời này chỉ hai chữ
"Tự do"