Có một nhà văn, khi đến Sài Gòn đã viết về quán cóc “Quán cóc hiện diện như một chi tiết, nét vẻ dễ thương trên gương mặt Sài Gòn”, nếu không có những quán cóc có lẽ sẽ không có nhiều người yêu và nhớ Sài Gòn đến thế…. Sài Gòn sau cơn mưa, mát mẻ và dễ chịu biết bao. Đứa bạn kéo tay “ La cà quán xá không, lâu lắm rồi chưa đi”. Tâm trạng đang vui và thoải mái sau một cơn mưa dài như trút bỏ hết mọi phiền lo, tôi gật đầu cái rụp “Ừ thì đi”.
Từ đơn sơ thế này... La cà quán cóc vỉa hè, tìm những quán vừa đông khách lại rẻ tiền là sở thích của những đứa sinh viên tỉnh lẻ như chúng tôi. Hôm nay đứa nào tìm được một quán hay thể nào cuối tuần cũng cả nhóm kéo ra quán ấy.
Khi mới đặt chân đến Sài Gòn tôi cứ tưởng ở các nơi phồn hoa này chỉ có những ngôi nhà chọc trời, những nhà hàng sang trọng chứ không có những quán hàng nhỏ bé, với đôi ba ghế ngồi, cái bàn nhỏ trưng mấy thứ hàng như ở quê tôi.
Khác với những gì tôi nghĩ, Sài Gòn lại có rất nhiều hàng quán dành cho tầng lớp bình dân, cho những sinh viên nghèo tụ tập. Tôi cũng phát hiện ra, bên cạnh một Sài Gòn lúc nào cũng náo nhiệt còn có một Sài Gòn bình yên, của những con người rất nhỏ bé, họ chẳng bon chen, chẳng vội vã như dòng xe tấp nập ngược xuôi ngoài đường. Họ bình thản với cuộc sống vốn có của mình, tuy cuộc sống lúc nào cũng khó khăn nhưng họ luôn cười, thân thiện với khách. Khách hàng chỉ là những người bình dân, những sinh viên nghèo, những công nhân nhưng đó như những vị khách quý của những người bán hàng. Bất cứ lúc nào dù bán hết hàng hay bán ế, vẫn thấy họ cười.
...đến xôm tụ... Có lẽ vì thế tôi thích đến những hàng quán này hơn là những quán café bên kia đường, tuy sang trọng thật đấy nhưng khi vào trong ấy thấy lạnh lẽo, cô đơn. Có một tác giả đã từng nói “Chúng tôi, dù trúng nhiều tấm vé số độc đắc, cũng không thích tới những quán cà phê như vậy, vì, nói chung, nó lạnh lùng, phù phiếm, nhạt nhẽo, kiểu cách, trưởng giả (học làm sang)...”
Vào những buổi chiều muôn hay những ngày cuối tuần, tôi thường cùng bạn bè la cà những quán cóc trong thành phố, hôm nào rảnh thì chạy ra những quận ngoại thành như Thủ Đức, Quận 7, Bình Chánh…ra ngoại thành quán cóc nhiều hơn mà giá thành cũng rẻ hơn. Ở nơi đây tập trung nhiều trường Đại họ, đông sinh viên nên mấy đứa tôi rất thích, lại thấy háo hức và rộn ràng hơn. Có hôm mấy đứa đang ngồi ăn lẩu trong làng Đại học, nghe thấy mấy người nói giọng miền Trung, một anh bàn bên cạnh chạy qua làm quen rồi nhận đồng hương, thế là chúng tôi lại có thêm những người bạn. Tự nhiên lại thêm yêu những quán cóc ở Sài Gòn, nhờ những điều bình dị ấy chúng tôi tìm thấy những tình bạn, những tình thương dành cho nhau giữa những con người xa lạ. Điều này thật khó có được khi mà ta cứ cố bon chen ngoài cái xã hội đang không ngừng phát triển kia.
...cũng lịch sự... Quán cóc ở Sài Gòn có rất nhiều dạng, có quán chỉ là một gánh hàng với hai ba cái ghế nhỏ như cô bán bắp, khoai nướng, chị bán bánh tráng hay đậu hủ. Có hàng lại có mái che nằm trên một vỉa hè, ban ngày cái vỉa hè ấy là nơi kinh doanh của một tiệm tạp hóa, ban đêm được cô bán hủ tiếu thuê căng mái che cùng mấy bộ bàn ghế làm chỗ ngồi cho khách. Có quán lại có mặt bằng riêng, như một nhà hàng nhỏ là các quán lẩu, các quán nhậu bình dân, quán ốc…những quán này thường rất đông khách hơn vì có thể đi theo nhóm bạn, có không gian rộng hơn.
Các quán cafe võng dọc đường thì được chủ quán căng bạt lên che nắng cho khách, trong cái chòi nhỏ ấy có treo mấy cái chiếc võng để khách đi đường vô nghỉ chân thì có thể ngã lưng một lát, cũng có thêm những bộ bàn ghế. Một số quán thì làm chòi lá, khách có thể vô đó trốn năng, cũng có thể đánh một giấc mà không sợ ai làm phiền.
...
Quán cóc trở thành một nét vẽ dễ thương trên khuôn mặt Sài Gòn. Có một nhà văn, khi đến Sài Gòn đã viết về quán cóc “Quán cóc hiện diện như một chi tiết, nét vẻ dễ thương trên gương mặt Sài Gòn”, nếu không có những quán cóc có lẽ sẽ không có nhiều người yêu và nhớ Sài Gòn đến thế….
<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.04.2011 17:01:05 bởi Ct.Ly >