Mình muốn tìm nhân vật này.
huti 29.08.2005 14:18:55 (permalink)
Bạn nào biết về Alexander đại đế chỉ mình với.
#1
    mickey 30.08.2005 01:31:56 (permalink)
    Nghi vấn quanh cái chết của Alexander Đại Đế

    Nguồn: vietnamdaily.com

    Alexander Đại Đế là một ông vua lừng danh của thời cổ đại, người đã chinh phục nhiều vùng đất từ Hy Lạp, Ai Cập, đến Á Châu, nhưng lại vắn số khi chết ở vào độ tuổi 32.
    Các nhà khoa học ngày nay vẫn thắc mắc về cái chết đầy bí ẩn của vị vua nổi tiếng này. Theo các tài liệu ghi chép lại, Alexander sau một đêm uống rượu say mèm đã bị sốt cao, nằm hôn mê trong suốt 12 ngày rồi mới chết.
    Có phải là Alexander Đại Đế bị đầu độc hay không? Hay do uống rượu quá nhiều, hoặc do đau đớn vì mất người bạn và cũng là người tình của ông ta?
    Sau hơn 2000 năm, cựu giám đốc cảnh sát người Anh, Grieve, cố điều tra để lý giải nguyên nhân nào làm Alexander Đại Đế chết đi, xin mời quý độc giả theo dõi bài lược dịch dưới đây.


    Cái chết đầy nghi vấn của Alexander Đại Đế

    Theo tấm đá đặt trong Viện Bảo Tàng Anh Quốc có ghi rằng Đại Đế Alexander chết vào ngày 11 tháng Sáu, năm 323 trước Công nguyên.
    Cái chết của Đại Đế Alexander được ghi nhận rằng:
    “Có những đám mây bao phủ và chẳng mấy chốc sau đó, nhà vua băng hà”.
    Không một ai vào thời đó biết chuyện gì xảy ra cho ông vua này, họ chỉ biết rằng trước khi chết Alexander Đại Đế đã uống rượu đến mức say mèm. Tuy nhiên có một câu hỏi được đặt ra tại sao ông vua này nằm mê man suốt 12 ngày rồi mới chết.
    Các nhà khoa học hiện đại cho rằng có một vài nguyên nhân gây ra cái chết của Alexander Đại Đế, nhưng không phải là vì rượu. Một trong những nguyên nhân là có thể ông vua lừng danh này đã bị đầu độc. Đối với thế giới ngày nay, cái chết bất thường như thế sẽ được cảnh sát điều tra kỹ lưỡng.
    John Grieve, cựu phó giám đốc Cảnh sát của Luân Đôn, về hưu từ tháng Năm năm 2002, từ lâu đã quan tâm đến cái chết bất thường của vị Đại Đế Alexander lừng danh này.
    Grieve cho rằng:
    - “Alexander Đại Đế là một anh hùng, một nhà lãnh đạo của thời cổ”.
    Thiên tài của Alexander nằm ở yếu tố: luôn là người dẫn đầu dù trên chiến trường hay trong các cuộc chè chén.
    Các cuộc chinh phục Hy Lạp, Ai Cập, Đế quốc Ba Tư là kết quả của những chiến thuật tài ba của ông vua nổi tiếng trong thời cổ này. Dĩ nhiên là Alexander cũng bị nhiều vết thương trên chân và cơ thể của ông ta.
    Trong lứa tuổi 20, Alexander không chỉ là người có quyền lực nhất trên thế giới mà còn là người nổi tiếng nhất chưa từng thấy vào thời đó.
    Grieve nhận xét:
    - “Alexander Đại Đế là người chinh phục thành công nhất trong lịch sử cổ đại, và có lẽ là người giàu có nhất trên thế giới.”
    Cũng bởi vì có quá nhiều quyền lực và là người giàu có hùng mạnh nhất trên thế giới, nên Alexander Đại Đế cũng không tránh khỏi việc có nhiều kẻ thù.
    Sau cái chết của Alexander, có nhiều giả thuyết cho rằng ông vua này bị mưu sát, nhưng các nguồn giả thuyết ấy cũng không đáng tin cậy bao nhiêu.
    Sử gia Robin Lan Fox cho rằng:
    - “Những câu chuyện kể Alexander bị đầu độc thật ra cũng có nhiều sơ hở khó tin cậy.”
    Cựu phó giám đốc cảnh sát Grieve thì lý luận rằng:
    - “Khi một vị hoàng đế chỉ mới 32 tuổi chết đột ngột như thế người ta sẽ đặt nhiều nghi vấn, nhất là cha và chú của hoàng đế ấy lại bị mưu sát. Cả vợ và con trai của ông vua nầy cũng bị giết chết sau đó. Như vậy cái chết của Alexander thật sự có nhiều điều khả nghi.”
    Điều chúng ta ngày nay biết được là sau những năm chiến trận gian khổ, Alexander chết ở Babylon, thành phố lớn và quan trọng của vùng Mesopotamia, hiện nay là nước Iraq, và Alexander không bị đâm hoặc bị tấn công bởi kẻ thù mà sau một đêm uống rượu say mèm với những bạn hữu của ông ta, đã bị sốt cao và nằm mê man như vậy trong suốt 12 ngày rồi mới chết.
    Là do bệnh sốt rét gây ra?
    Một câu hỏi được đặt ra là: tại sao Alexander Đại Đế lại bị sốt cao? Có phải ông ta bị sốt cao là vì một vết thương cũ nào đó bị nhiễm trùng hay không? Một vết thương từ chiến trận càng làm cho Alexander được ca tụng nhiều hơn, nhưng chắc chắn là những vết thương ấy phải được chăm sóc cẩn thận.
    Vậy có phải là do nguyên do bệnh tật tự nhiên nào khác hay không? Thí dụ như bị sốt rét chẳng hạn.
    Tiến sĩ John Marr, giám đốc của Viện Dịch Tễ học, của Nha Y Tế Richmond, thuộc tiểu bang Virginia, giải thích rằng chỉ có một dạng bệnh khiến con người chết dễ dàng: đó là bệnh sốt rét xảy ra trong khu vực. Sốt rét với những phản ứng của nó mới làm một người chết mau như vậy.
    Bệnh nhân sẽ trở nặng sau mỗi ba ngày bởi cơn sốt cao, trong khi những con ký sinh trùng xâm nhập vào các hồng cầu và hủy diệt máu trong cơ thể. Kế tiếp tim, não, thận và phổi không còn hoạt động, nước tiểu cũng trở nên màu đen.
    Nhưng các ghi chú về cái chết của Alexander chỉ nói rằng ông ta bị sốt cao, lại không đề cập đến chuyện nước tiểu có biến thành màu đen hay không. Thêm vào đó không có một ai chết trong khoảng thời gian Alexander chết. Vì thế Marr cho rằng khó thể quyết đoán Alexander bị sốt rét mà chết.
    Là một nhà dịch tễ học, Marr nói rằng để đoán Alexander chết có phải là do bệnh dịch hay không cần phải chú ý đến thời tiết, môi trường lúc Alexander chết.
    Marr cho biết:
    - “Tôi nhìn vào thực vật, vào động vật, và vào môi trường chung quanh để xem nếu có những sự kiện nào đặc biệt xảy ra hay không?”
    Và Marr tìm thấy rằng trong một nguồn tài liệu có ghi chú là khi Alexander Đại Đế tiến vào Babylon, ông ta đã nhìn thấy những con quạ đang bay lượn trên bầu trời, nhưng bất thình lình chúng rơi xuống ngay dưới chân của Alexander và chết liền.
    Đối với nền khoa học hiện đại người ta sẽ không cho đó là một điềm bất lành như người thời xưa, mà lý giải rằng có thể có một bệnh dịch nào đó xảy ra.
    Việc chim chết cũng từng xảy ra ở Hoa Kỳ. Vào năm 1999, trong sở thú Bronx những con chim bị nhốt trong chuồng là loài chim bay lượn bên ngoài, nhất là loài cú, quạ tự nhiên lăn đùng ra chết.
    Chẳng bao lâu sau đó, người dân ở Hoa Kỳ lại bị một loại vi trùng bí mật tấn công. Các bệnh nhân của loại vi trùng bí mật này phàn nàn rằng họ bị sốt cao, nhức đầu, đau cổ, nổi mận đỏ trên người, buồn nôn, tiêu chảy và chóng mặt. Nhiều bệnh nhân khôi phục rất lẹ, nhưng một số người lớn tuổi lại bị chết vì không vượt qua khỏi.
    Vào lúc người ta tự hỏi rằng có phải con người đã nhiễm cùng loại vi trùng gây hại những con chim trong sở thú Bronx hay không. Chẳng bao lâu sau, những con ngựa cũng có cùng những triệu chứng như vậy và chúng bị bắn chết.
    Loại vi trùng ấy được định nghĩa là vi trùng West Nile - loại vi trùng rất quen thuộc đối với các bác sĩ ở Trung Đông, nhưng các bác sĩ ở Hoa Kỳ lại chưa biết gì về nó. Và căn bệnh lan truyền là do muỗi gây ra. Những con muỗi cắn vào các con chim, thú vật khác ấy rồi dẫn sang con người. Căn bệnh do muỗi chích ấy bộc phát vào năm 1937 tại khu vực miền Tây của sông Nile nên được gọi là vi trùng West Nile.
    Cái chết của Alexander Đại Đế có thể là bị nhiễm phải một loại vi trùng West Nile, nhưng có điểm nghi ngờ là trong vùng đó lại không ghi nhận có những người nào khác bị chết đột ngột như vị vua này.
    Có phải là bị đầu độc bằng độc tố của cây hellebore
    Hoàng đế ở thế giới cổ đại thường phải đối diện với những vụ mưu sát nhắm vào ông ta. Ngay cả Alexander cũng từng ra tay giết chết những kẻ chống đối hay làm mất lòng ông ta. Alexander đã ra lệnh giết chết một bác sĩ khi ông này không thể cứu sống người tình của ông ta là Hephaistion. Trong các triều đại hùng mạnh bao giờ cũng có sự ganh tị, ước vọng và trả thù.
    Giả thuyết bị mưu sát thường bị loại bỏ bởi không có bằng chứng nào cho thấy Alexander bị mưu sát cả. Các nhà khoa học lại đặt ra giả thuyết có khả năng vị Đại Đế này bị đầu độc.
    Nếu như bị đầu độc, có loại cây hay thuốc nào vào thời ấy gây ra những triệu chứng như Alexander chịu đựng trước khi chết hay không? Có thể là một loại cây độc dược nào đó mà người Macedonian thường sử dụng đã gây ra cái chết của Alexander Đại Đế?
    Bác sĩ Leo Schep, làm việc trong Trung Tâm Nghiên Cứu Độc Dược ở Tân Tây Lan đã tìm ra loại cây có độc tố cao: đó là cây hellebore (cây lê lư). Loại cây mọc ở miền Trung và Nam Âu Châu, được những người Macedonia cổ đại sử dụng.
    Bác sĩ Schep cho biết:
    - “Cây hellebore có vẻ hiền lành, nhưng rễ của nó chứa nhiều độc tố. Nếu như ăn phải những độc tố chứa trong rễ của loại cây này, nạn nhân sẽ bị sốt cao và nằm hôn mê trong nhiều ngày rồi mới chết.”
    Bác sĩ Schep nói thêm:
    - “Chất độc của nó hoạt động rất nhanh, khiến áp huyết tụt xuống, nhịp tim giảm đột ngột, gây đau đớn và làm bệnh nhân xuất mồ hôi. Các nạn nhân ăn phải chất độc này trở nên bất tỉnh, cơ thể yếu dần đi, và cần phải có thuốc chữa trị liền, bằng không nạn nhân sẽ bị chết.”
    Trong cuộc chiến Đại Hàn, đã từng xảy ra chuyện các binh sĩ tình cờ uống phải chén súp trong đó có cây hellebore được bỏ thêm vào một cách lầm lẫn. Những binh sĩ này rất may là được cứu chữa kịp thời. Họ cũng có những triệu chứng như áp huyết tụt xuống, nhịp tim đập chậm lại và đổ mồ hôi, giống như những triệu chứng được ghi chép trong trường hợp của Alexander Đại Đế.
    Đó là những bằng chứng có giá trị, nhưng vẫn còn thiếu nhiều chứng cớ chẳng hạn như việc phải tìm hiểu độc tố của cây hellebore hoạt động như thế nào. Liệu nó có thể có trong rượu được hay không?
    Có biết công dụng giết người của cây hellebore hay không?
    Chuyện độc tố của cây hellebore cũng khơi ra nhiều câu hỏi: Những người cổ xưa có biết rằng cây hellebore là loại cây có độc tố hay không? Nó có được sử dụng trong y khoa thời cổ hay không?
    Bác sĩ Robert Arnott, giám đốc của Trung Tâm Lịch Sử thuốc men thuộc Đại Học Birmingham, là người có thể giải đáp câu hỏi này:
    - “Từ rất sớm vào khoảng năm 1100 trước Công nguyên, cây hellebore đã được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc xổ.”
    Alexander Đại Đế chắc chắn phải biết và sử dụng cây hellebore như thuốc xổ, bởi người thầy của Alexander là Aristotle, một nhà thực vật học và triết gia thời đó.
    Những loại cây hellebore này sử dụng với liều lượng lớn, nó sẽ trở thành chất độc. Và những người dân cổ đại ở thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên đã sử dụng loại độc tố này để đầu độc nguồn nước của một thành phố thù địch đang bị bao vây.
    Ranh giới giữa liều lượng của hellebore sử dụng làm thuốc xổ và giết người thật khó phân biệt. Chỉ sử dụng quá một chút là hellebore trở thành loại cây giết người. Chính vì thế mà các nhà khoa học vào thập niên 1950 đã liệt kê hellebore là loại cây nguy hiểm.
    Có nhiều nhà khoa học lý luận rằng nếu như có người nào đó đầu độc Alexander Đại Đế bằng loại độc tố của cây hellebore, ông ta sẽ nhận ra nó ngay lập tức, bởi nó có vị đắng khi uống vào miệng. Vậy rượu có thể giảm bớt vị đắng của hellebore hay không?
    Bác sĩ Schep trả lời rằng:
    - “Vị đắng của hellebore có thể bị giảm bớt khi bỏ trong rượu hay mật ong. Thêm vào đó, chỉ cần 71,3mg được rút lấy từ 114 gram độc tố ở rễcu?a hellebore đã đủ làm chết người. Tức là chỉ cần một muỗng cà phê độc tố của hellebore là đủ làm chết một người. Nếu nạn nhân là một người uống rượu nhiều như Alexander, việc đầu độc ông ta dễ như trở bàn tay.”
    Tuy nhiên vào thời đó, nếu như muốn mưu sát một ông vua, những kẻ đối nghịch thường sử dụng cách thức dùng dao đâm chết ông ta chứ ít khi sử dụng thuốc độc. Chẳng hạn như cha của Alexander Đại Đế là Philip đã bị đâm chết trong tiệc cưới mà ông ta đến tham dự.
    Lane Fox cho rằng:
    - “Nếu như Alexander chết, sẽ có nhiều biến loạn xảy ra, những kẻ thù của Alexander Đại Đế chắc cũng nhìn thấy như vậy nên sẽ không mưu sát ông ta để xảy ra nhiều biến loạn khó dẹp tắt.”
    Và những giả thuyết khác
    Cũng có giả thuyết cho rằng Alexander bị tướng lãnh Antipater đầu độc. Vị tướng lãnh 70 tuổi này đã bị Alexander bỏ rơi lại ở Macedonia. Có những tin đồn cho rằng Antipater lo sợ bị mất quyền hành, không còn nhiều thế lực như trước. Có nguồn tài liệu ghi chép là mẹ của Alexander là Olympias thường viết thư phàn nàn với con trai rằng tướng Antipater luôn chống đối bà ta, khiến bà ta phải sang sống ở nơi khác.
    Bên cạnh đó, viên tùy tùng và là người chịu trách nhiệm vấn đề ăn uống của Alexander lại là Iollas, con trai của Antipater. Cùng lúc đó anh trai của Iollas là Cassander cũng vừa đến Babylon mang theo một cái rương đựng đầy nước của con sông Styx mà theo truyền thuyết được xem là con sông tử thần (theo truyền thuyết người ta đồn đại cái rương ấy chứa chất độc dược). Thêm nữa, sau khi Alexander chết đi, Cassander đã giết chết mẹ, vợ và con trai của ông này.
    Một giả thuyết khác cho rằng cây hellebore thường bị nhầm lẫn với cây long đờm - loại cây được sử dụng để làm men nấu rượu. Vì thế hellebore có thể bị trộn lẫn vào khi người ta làm rượu mà không ai chú ý đến.
    Còn cựu phó giám đốc cảnh sát Grieve lại nhìn vào nội tâm của Alexander để phân tích cái chết của ông vua này.
    Theo Grieve, tám tháng trước đó, người bạn thân nhất và còn là người tình của Alexander Đại đế là Hephaistion chết đi, dẫn đến việc Alexander trở nên buồn bã khiến ông này càng uống dữ hơn.
    Bác sĩ Harold Bursztajn ở phân khoa y khoa của Đại học Havard, cho rằng:
    - “Khi Alexander nhìn thấy người bạn và người tình của ông ta là Hephaistion chết đi mà không thể nào cứu chữa được, ông ta càng uống rượu nhiều hơn và không còn chú ý đến bản thân ông ta.”
    Bursztajn tin rằng nỗi buồn dã làm cho Alexander trở nên không còn chú ý đến mọi thứ chung quanh ông ta. Điều đó có thể làm Alexander Đại đế vô tình uống quá nhiều liều lượng độc tố của cây hellebore, và có thể làm cho những kẻ có ý định mưu sát ông ta dễ dàng hành động hơn.
    Grieve kết luận rằng:
    - “Tôi cho là Alexander Đại đế chết với nhiều nguyên do như là đau đớn trước cái chết của người bạn và cũng là người tình, vì uống quá nhiều rượu, vì bị sốt cao, do uống phải độc tố của cây hellebore.”
    Nhưng những điều này cũng bị cho là giả thuyết mà thôi. Còn sự thật về cái chết của Alexander Đại Đế là như thế nào, chúng ta khó đoán biết được.

    #2
      mickey 30.08.2005 01:33:05 (permalink)
      Alexander Đại đế có thực sự vĩ đại?

      Nguồn:vnexpress.net

      Nghệ thuật quân sự đã giúp vị hoàng đế trẻ Alexander lật đổ đế chế Ba Tư và xây dựng nên đế chế Hy Lạp khi ông chưa đầy 20 tuổi, nhưng không phải những cuộc chiến tranh xâm lược này đã mở đường cho sự bành trướng của nền văn hóa Hy Lạp ở khu vực Trung Đông.

      Các tài liệu khảo cổ trước đây cho thấy, vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên, vị hoàng đế trẻ Alexander vĩ đại đã làm chấn động vùng Trung Đông với cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Hầu hết các tài liệu khẳng định, cuộc chiến này đã mở đường cho sự bành trướng nhanh chóng của nền văn hóa Hy Lạp trên vùng đất bị chiếm đóng. Và đây là một trong những lý do chính để người ta tôn Alexander là đại đế.

      Nhưng theo một số nghiên cứu mới của Andrew F. Steward (Mỹ) và các cộng sự, thành công của vị hoàng đế Macedonia này có thể không vĩ đại như cái tên của ông. Có những bằng chứng khá rõ ràng về việc nền văn hóa vật thể của Hy Lạp vươn tầm ảnh hưởng đến bờ biển của Israel ít nhất là một thế kỷ trước cuộc chiến của Alexander.

      Theo Steward, kết quả nghiên cứu này đã mở ra những nghi vấn đối với các giả thuyết cho rằng tiến trình Hy Lạp hóa, hay quá trình xâm lược của văn hóa Hy Lạp, diễn ra mạnh mẽ nhờ những chiến thắng của Alexander. "Bằng chứng cho thấy nền văn hóa Hy Lạp đã không bành trướng, ít nhất là ở khu vực này, dưới thời Alexander. Nếu có, đó chỉ là một vài công trình quân sự, như các thành lũy", Steward cho biết.

      Trong suốt hai thập kỷ, Steward đã khai quật ở vùng đất cát xưa kia từng là một thành phố cổ thịnh vượng của người Phoenicia bên bờ đông Địa Trung Hải - thành Dor, mà nay chính là lãnh thổ Israel. Khu vực này rất ít bị động chạm đến trong suốt hơn hai thiên niên kỷ qua.

      Có vẻ như rất logic khi kết luận rằng các chiến thắng về quân sự ở Iran, Afghanistan, Israel hay một số điểm nóng khác dẫn tới sự bành trướng của nền văn hóa và các giá trị của đội quân xâm lược. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã không thấy có bằng chứng về một thành phố mới (điều chứng tỏ sự bành trướng về văn hoá sau một cuộc chiến tranh cổ đại) phát triển trên những phế tích của Dor như ở nhiều nơi khác.

      Steward và các cộng sự phát hiện ra hơn 100.000 cổ vật ở địa điểm này, chủ yếu là đồ gốm. Chúng đã kể một câu chuyện bằng tranh về những đổi thay từ nền văn hóa Phoenicia (thiên về đánh bắt hải sản) sang nền văn hóa vật thể Hy Lạp (thiên về sản xuất ) vào năm 400 trước Công nguyên, còn trước cả cuộc xâm lược của hoàng đế Alexander vào năm 336 trước Công nguyên. Các nhà khoa học cho đó là văn hóa vật thể, vì không có sự hiện diện của văn học, hay chính trị của văn hóa Hy Lạp bành trướng sang khu vực này. Các cổ vật chỉ ra rằng, chỉ có những người sống ở đó, hay đến nơi đó định cư mới chính là những người sản xuất ra chúng, và đồ gốm ở đây chính là đồ gốm Hy Lạp.

      Điều này cho thấy cư dân Dor là những người Hy Lạp, hoặc chí ít họ cũng muốn giống như người Hy Lạp từ rất lâu trước khi họ nghe tên Alexander. Do vậy, tiến trình Hy Lạp hóa đã không xảy ra dưới thời vị hoàng đế này trị vì. Những yếu tố văn hóa vật thể Hy Lạp đã có sẵn ở những nơi này, để chào đón Alexander khi vị vua trẻ lần đầu tiên đến đó.

      Văn hóa Hy Lạp đã ảnh hưởng sâu sắc đến các thành phố lớn dưới thời Alexander, và rất nhiều thành phố được vị hoàng đế này đặt tên là Alexandria, nhưng lịch sử của những vùng xa xôi thì vẫn chưa rõ ràng.

      Dor đã được xây dựng trước thời đại Alexander khá lâu, nhưng các tài liệu khảo cổ vẫn chưa đầy đủ để đi đến kết luận rằng liệu thành phố có nằm ngoài tầm kiểm soát của đế chế này hay không. Có vẻ như đã diễn ra một cuộc chuyển giao văn hóa trên hầu khắp vùng Trung Đông, nhưng không ai chắc chắn về điều đó.

      Dưới gót giày của quân đội viễn chinh Alexander, một bộ phận người dân Dor đã bị vỡ mộng về những giá trị Hy Lạp. Một số cổ vật chỉ ra rằng, đôi khi, những người dân địa phương đã cố để quay về với cội nguồn của họ, bài trừ cả kiểu cách lẫn chất liệu gốm sứ Hy Lạp. Có thể họ đã chán ghét Alexander Đại đế và các tướng lĩnh của ông. "Nói cho cùng, những người Macedonia là những vị chúa tể cực kỳ tàn bạo", Steward nói.

      Tuy vậy, nền văn hóa Hy Lạp vẫn không chịu buông tha Dor. Các nhà khảo cổ đã cùng nhau ghép được một nền nhà cổ khảm, ở giữa bức khảm là một người đàn ông Hy Lạp trẻ đeo mặt nạ đang diễn hài kịch và một dải băng buộc đầu khó hiểu gồm các mảnh thủy tinh và gốm sặc sỡ. Các nhà khoa học tin rằng, bức khảm này đã được tạo ra ở Dor khoảng 100 năm trước Công nguyên, rất lâu sau thời kỳ của Alexander, và có nhiều khả năng được tạo bởi một thợ thủ công lưu động đến từ Hy Lạp. "Tất cả đều mang đầy bản sắc Hy Lạp", Steward nói.

      Điều đó cho thấy, sự bành trướng của một nền văn hóa không hoàn toàn phụ thuộc vào chiến tranh xâm lược, mà phức tạp hơn thế nhiều.Liệu điều đó có nghĩa là lịch sử đã đánh giá quá cao về Alexander? Không hẳn vậy. Nghệ thuật quân sự của vị hoàng đế này cũng đủ để tôn vinh ông.

      Khi còn nhỏ, Alexander là học trò của Aristotle. Ông lên ngôi trị vì vương quốc Macedonia khi cha ông, vua Phillip II, bị ám sát vào mùa hè năm 336 trước Công nguyên. Mặc dù bị kẻ thù bao vây, nhưng ông cũng nhanh chóng nắm được quyền kiểm soát toàn Hy Lạp khi chưa đầy 20 tuổi.

      Các nhà sử học coi Alexander là một nhà quân sự thiên tài với khả năng chỉ huy quân đội ngay cả trong những tình huống tuyệt vọng nhất. Với 35.000 lính, ông đã đánh bại những đội quân đông hơn gấp bội, mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng sức mạnh của những kẻ thù của Alexander đã được các nhà sử học đánh giá cao hơn rất nhiều so với thực tế. Tuy nhiên, dù bình luận thế nào đi chăng nữa, thì chỉ trong thời gian 3 năm, ông đã thống trị một lãnh thổ rộng lớn, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ai Cập, lật đổ đế chế Ba Tư. Ông bị ốm ở Babylon năm 323, và mất ở tuổi 33.

      Tử Vi (theo ABC)
      #3
        mickey 30.08.2005 01:43:40 (permalink)
        NGUYỄN TRUNG CHÁNH

        Đại Đế Alexander

        Nguồn: giamy.com

        THỜI THƠ ẤU

        Cha của Alexander, Philip, là em của vua Perdiccas 3rd, cai trị vương quốc Macedonia (bắc Hy Lạp). Năm 359 Perdiccas băng hà. Con vua Perdiccas là Amyntas đúng ra sẽ lên ngôi dưới sự cố vấn của Philip. Nhưng Philip thoán ngôi, trở thành vua Philip đệ nhị.


        Tượng Alexander


        Philip là một ông vua thao lược và chỉ trong hai thập niên ông đã thống nhất hầu hết Hy Lạp.

        Vợ Philip (Olympias) là con vua Neotolemus (Albania). Alexander sanh năm 356 B.C. Alexander còn có người em gái tên Cleopatra (Không phải là Cleopatra nổi danh của Ai Cập)

        Không may là cha mẹ Alexander rất ghét nhau. Thay vì theo truyền thống một vợ, vua Philip có rất nhiều hầu thiếp. Opympias coi các hầu thiếp này như kẻ thù.


        Tượng Philip


        Có lần một trong các thê thiếp của Philip sanh con tên Philip Arridaeus bị chứng bịnh đần độn (retarded) và người ta tình nghi là đứa con này bị Olympias đầu độc.

        Mặc dầu không phải là người cha tốt, Philip tìm thầy dạy dổ cho Alexander về mọi phương diện (Aristotle là một trong những gia sư của Alexander)

        Thời niên thiếu Alexander kết bạn với một thiếu niên đẹp trai đồng lứa tên là Hephaestion. Rất có thể họ là tình nhân (vào thời đó đồng tánh luyến ái được coi là chuyện thông thường và chấp nhận tại Hy Lạp). Cha của Alexander cũng có nhiều "tình nhân" cùng phái. Điều chắc chắn là Alexander và Hephaestion trung thành với nhau cho đến chết.

        Vào thời đó cũng như có thể kéo dài đến ngày nay, Hy Lạp là quốc gia mà đồng tánh luyến ái (homosexuel) được xem như là chuyện thông thường. Ngày xưa, những người có thế lực, giàu có thường có ít nhất là một tiểu đồng (thường thì rất đẹp trai) theo hầu. "Tiểu đồng" này có bổn phận phục dịch chủ nhân về sinh lý nếu cần.

        HOÀNG TỬ CAN ÐẢM VÀ NÓNG TÁNH

        Khi Alexander lên 16 tuổi, vua cha Philip đưa quân đi đánh trận, giao lại cho Alexander cai trị Macedon. Trong lúc Philip viễn chinh, Alexander kéo quân đi dẹp loạn tại một vùng hoang dã (Bulgaria ngày nay). Alexander dẹp tan phiến loạn và tạo dựng thành phố Alexandropolis.

        Sau chiến thắng huy hoàng này Alexander trở thành một tướng lãnh dưới trướng của Philip. Nhưng liên hệ cha con giữa Philip và Alexander trở nên căng thẳng. Có lần, một nhóm binh sĩ nổi loạn định giết Philip. Philip trong khi chống cự bị té và sẵn đà, giả chết. Alexander xông vào đánh bật những loạn quân, cứu mạng Philip. Tuy nhiên Philip không hề nhắc nhở đến chuyện này. Alexander trong lòng rất tức giận.

        Alexander rất nóng tánh. Chuyện sau đây xảy ra vào buổi tiệc mừng cha của Alexander lấy thêm vợ cuối cùng: Trong buổi liên hoan, cậu của cô dâu là Attalus nâng ly chúc mừng và nói rằng hy vọng cô cháu của mình sẽ mau sanh ra đứa con hợp pháp đễ làm người thừa kế Philip.

        Alexander nổi giận, chọi ly rượu vào Attalus và hét lớn: "Mày coi tao là ai. Mày nghĩ rằng tao là đồ chó đẻ sao?" Attalus dùng ly rượu của mình chọi lại Alexander. Không khí trở nên nặng nề. Philip lại nhảy vào vòng chiến chưởi lại Alexander (Lịch sử không ghi lại nội dung). Hai cha con chưởi nhau thậm tệ, Philip rút kiếm nhảy lên bàn định xông vào chém Alexander nhưng trong lúc đang say rượu lại té soài xuống sàn nhà.

        Alexander trước mặt khách khứa mỉa mai: "Quí vị nhìn kìa, Ổng định vượt biển từ Âu Châu sang Á châu nhưng lại không vượt qua nổi cái bàn" (Lúc này Philip đang soạn kế hoạch vượt biển từ Hy Lạp (Âu Châu) sang xâm lăng Tiểu Á (Á Châu).

        Sau chuyện này, Alexander và mẹ rời Macedon. Sau một thời gian ngắn họ lại làm hoà và Alexander trở về. Tuy nhiên Alexander lúc nào cũng ngờ vực cha mình.

        Vua Philip thu xếp cho đứa con đần của mình là Arrideaus thành hôn với một quan lớn của Ba Tư. Alexander biết tin, sợ rằng Philip sẽ nhường ngôi lại cho Arrideaus nên lập kế hoạch để tự mình cưới cô này. Khi biết được kế hoạch này, Philip đày tất cả các bạn bè của Alexander ra khỏi nước (ngoại trừ Hephaestion) và quản thúc Alexander.

        Philip quyết định ly dị Olympias, người chủ mưu kế hoạch trên. Philip trói tay anh của Olympia (Vua của xứ Epirus) bằng cách gả Cleopatra cho ông vua này (nên nhớ rằng Cleopatra chính là cháu ruột của vua Epirus).

        Đám cưới được tổ chức linh đình. Lễ cưới được ấn định tại một hí viện. Khi vua Philip vừa bước vào hí viện thì ông bị ám sát bằng một mủi dao đâm vào tim. Người hạ thủ ông chính là Pausanias, đội trưởng đội cận vệ của ông.

        Thủ phạm tẩu thoát bằng cách chạy vòng qua phía sau hí viện, xuyên qua một vườn nho. Nếu không bị vướng vào một giây nho và té thì chắc là thủ phạm đã thoát thân. Pausanias vướng giây nho, té nhào và bị giết chết bởi một trong ba cận vệ của Philip.

        Nhiều người cho rằng chính Olympias và có thể là cả Alexander chính là chủ mưu vụ ám sát này. Tuy nhiên nhiều sử gia cho rằng Olympias và Alexander không dính dấp gì đến cuộc ám sát trên.

        ALEXANDER MỞ MANG BỜ CÕI

        Sau khi vua Philip bị ám sát chết, năm 336 B.C. Alexander lên ngôi. Ngay sau khi lên ngôi Alexander củng cố địa vị bằng cách đem xử tử tất cả các địch thủ của mình (tranh giành địa vị) kể cả Amyntas là người đúng ra là thừa kế ngôi vua. Tuy nhiên Alexander tha mạng cho người anh họ bị bịnh đần độn là Arrisaeus. Trong khi đó Olympias cũng bận rộn thủ tiêu địch thủ của mình.

        Chuyện kể rằng người vợ cuối cùng của Philip sanh ra đứa con gái thứ hai thì bị Olympias giết chết trước mặt người mẹ và sau đó ép buộc người mẹ phải treo cổ tự vận.

        Alexander lên ngôi lúc 20 tuổi. Alexander rất đẹp trai và là người bắt đầu chuyện cạo râu sạch sẽ (thời đó mọi người đàn ông đều để râu rậm rạp).

        Là tay uống rượu thường xuyên với tữu lượng cao, Alexander là người rất khoẻ mạnh và có một thân hình tuyệt đẹp và hay chơi thể thao. Alexander thích đọc sách, nghe nhạc và coi diễn kịch. Ông là người rất chí tình và trung thành với bạn bè cũng như thuộc hạ. Và đương nhiên, Alexander là một vị tướng lảnh tài ba, lổi lạc.

        Sau khi lên ngôi, Alexander tiếp tục kế hoạch của Philip xâm chiếm Ba Tư (Persia). Sau vài năm ông chiếm hầu hết Tiểu Á (Asia Minor) và tự phong chức cho mình là "Chúa tể Á Châu".

        Vì muốn được người Ba Tư chấp nhận mình là người lãnh đạo, Alexander cố gắng đối xử tốt với họ. Nhưng vì bốc đồng và nóng tánh, thường là sau những buổi nhậu nhẹt say sưa Alexander đã gây ra vài điều tai hại.

        Một trong những thí dụ điển hình là sau khi nhậu say, Alexander bị thuộc hạ nói khích, kéo quân đi đánh thành phố Persepolis. Thành phố bị phá tan thành bình địa. Vua Ba Tư là Darious phải chạy ra khỏi thành phố và tìm đến tỉnh trưởng Bessus cầu cứu. Tuy nhiên sau cùng thì chính Darius yêu cầu Bessus giết mình chết.

        Alexander đưa xác Darius về chôn cất với những nghi lể long trọng. Sau đó truy lùng và bắt được Bessus đem về đóng gông và xử tử trước công chúng về tội giết chết Darius.

        Điều mà Alexander cố gắng lấy lòng người Ba Tư cùng với quyền lực cũng như tham vọng càng ngày càng tăng của Alexander đã gây phẩn nộ trong giới thân cận của ông.

        Con trai của một vị thướng lãnh thân cận nhất của Alexander tham gia vào nhóm người chủ mưu ám sát ông. Mặc dầu vị tướng lãnh này không dính dấp gì đến việc này cũng bị Alexander đem ra xử tử cùng với người con. Vị tướng lãnh lên thay lại lở xúc phạm đến Alexander trong một buỗi tiệc và bị Alexander giết chết ngay tại chỗ.

        Năm 327 B.C. Alexander bắt được một nhóm loạn quân và sau đó tương tư Roxane, con gái của vị loạn tướng này. Hai người thành hôn và Roxane mang thai. Tuy nhiên thai nhi bị chết khi còn là trứng nước. Vì thường bận rộn việc thân chinh, Alexander ít khi có thời giờ cho Roxane nên đến bốn năm sau Roxane mới lại mang thai.

        Sau khi thành hôn với Roxane, Alexander mang quân xâm lấn Ấn Độ, và chiếm được nhiều vùng miền tây. Sau một trận chiến đẫm máu mà quân Alexander thắng trận thì binh lính mệt mỏi không chịu tiếp tục tiến binh. Alexander phải chiều lòng lui quân.

        Trên đường về, Alexander lại đánh chiếm thêm một số các thành phố khác. Sau một trong những trận chiến này, Alexander bị trúng tên vào ngay ngực và may mắn là không tử trận.

        Mùa đông 325-324 Alexander về đến Ba Tư và biết được trong thời gian vắng mặt nhiều viên thống đốc của ông đã lạm dụng quyền hành quá đáng. Alexander ra lệnh hành quyết những vị này.

        Nhằm mục đích tái tạo sự sống chung hoà hình giửa quân đội mình và dân bản xứ Ba Tư, Alexander ra lịnh cho 80 trong số những thuộc hạ quan trọng nhất của mình thành hôn với các thiếu nữ thuộc hàng quyền thế của Ba Tư. Và ngay chính Alexander cũng thành hôn với con gái của vua Darius tên là Barsine (Alexander vẫn còn vợ là Roxane). Hephaestion, người bạn thân của Alexander cưới cô em gái của Barsine là Drypetis.

        Alexander lại dùng một số người Ba Tư trong những chức vụ cao cấp, viện lẽ người Ba Tư và người Macedonians cần phải chung hưởng quyển lợi của đế quốc. (Tuy nhiên kế hoạch này tiêu tan sau khi Alexander băng hà).

        Vào mùa thu năm 324 Hephaestion chết. Alexander đau đớn trong lòng và sang mùa hè sau thì trở bệnh và chết vào ngày 13 tháng sáu tại thành phố Babylon, hửng dương 32 tuổi. Những nhà sử học ngày nay cho rằng Alexander chết vì bị bệnh sốt rét.

        SAU CÁI CHẾT CỦA ALEXANDER

        Alexander chết đi lúc Roxane đang mang thai. Rất có thể là Barsine cũng đang trong thời kỳ thai ngén.

        Ngay sau khi Alexander chết đi, Roxane mạo danh Alexander viết thơ triệu Barsine về Babylon ngay lập tức. Khi Barsine và em gái Drypetis vừa đến Babylon thì bị Roxane cho người giết chết và quăng xác xuống giếng nước.

        Roxane sanh con trai đặt tên là Alexander Aegus. Aegus lên ngôi, cùng Arrideaus làm vua. Sau đó Arrideaus bị Roxane thủ tiêu. Perdiccas, một tướng lãnh của Alexander lên làm nhiếp chánh cho Aegus.

        Đế Quốc được tạo dựng bởi Alexander bị tàn tạ vì sự tranh chấp quyền hành của các cố vấn và các tướng lãnh.

        Năm 321 Perdiccas bị một nhóm loạn quân giết chết và chức vụ nhiếp chánh được Antipater lên thay. Đến năm 319 Antipater chết và Polyperchon lên thay. Không lâu sau đó thì con trai của Antipater là Cassander lật đổ Polyperchon để lên nắm quyền hành.

        Olympia chống đối chuyện Antipater nắm quyền nhiếp chánh và tiếp tục chống đối Cassander. Năm 317 bà tự đặt mình làm nhiếp chánh nhưng lại bị Cassander lật đổ. Binh lính của Cassander không chịu giết Opympia (mẹ của Đại Đế Alexander). Cassander giao Olympia lại cho một gia đình mà trước đây bị Olympia ám hại. Gia đình này giết chết Olympia.

        Sau đó Roxane và con trai bà cũng bị Cassander giết chết. Năm 305 Cassander lên ngôi vua. Alexander Aegus chết khi lên 13 tuổi và người ta không biết gì thêm về Alexander Aegus.

        NGUYỄN TRUNG CHÁNH


        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9