[truyện ngắn] Cái Mụn
lanhtamkhach 18.04.2011 11:31:17 (permalink)
Cái mụn





i


“Một cái mụn bọc mọc sát khóe miệng nhưng ở vị trí không éo le cho lắm bởi nó nằm dưới miệng chứ không chình ình ở mép trên như mọi bận. Tuy vậy, cái mụn bọc ấy, dù đã duyên dáng nép trong bóng che của đôi môi, té ra lại khá to. Sáng qua, nó mới nhú lên nhòn nhọn, sang hôm nay đã thành một bọc trắng xêm xêm hạt đỗ xanh, bùng nhùng, chạm vào là đau từ thể xác đến tinh thần, đau tâm lý vật nhau với đau vật lý, chẳng rõ cái nào thắng cái nào thua mà đều xuất hiện trọn vẹn đủ đầy cả đôi. Chắc phải dăm bữa nữa, nó mới rắn lại rồi tuột đi, để lại một miệng núi lửa thâm sì. Mặt nàng nhiều núi lửa đã tắt như thế lắm, có ngọn còn rộng ngoác đến mức nuốt trôi được đầu ngón cái ấy chứ.

Nàng miên man ngắm mụn đã hơn một giờ đồng hồ, từ mười giờ mười lăm phút sáng đến mười một giờ bốn mươi bảy phút trưa. Thế là gần hết buổi sáng thứ bảy mộng mơ.

Nàng tự nhủ thế cũng tốt, ít ra là có lý do chính đáng biện hộ cho việc ngồi nhà cuối tuần. Nàng sẽ không đỏ mặt khi kể qua yahoo – không webcam – với bạn trên mạng rằng tao không muốn cả thế giới đổ xô vào nhìn tao chỉ vì tao có cái mụn bọc to khiếp. Với lý do này, chúng nó không thể bỉ bai nàng như tuần trước hay cả tuần trước nữa.

Đến mười hai giờ ba mươi hai phút bốn mươi bảy giây, cái mụn vỡ - nàng chắc thế vì một cơn đau đột ngột thọc vào óc nàng, vạch một đường dài từ cái mụn xuyên qua đỉnh đầu làm nửa mặt trái hoàn toàn tê dại. Của đáng tội, nàng sờ mụn từ lúc đặt mông ngồi trước gương đến giờ đã được mấy tiếng đồng hồ mà lị, mụn có bọc thép cũng phải vỡ chứ chả chơi.

Không hay rồi – Nàng nhìn xuống mẩu trắng thối hoang thối hủy trên đầu ngón trỏ to bè của mình.

Mấy hôm nữa, thể nào cũng có cái khác trồi lên, có khi liên tục cả tuần. Vấn đề là làm sao căn ngày hết thức ăn rơi đúng vào khoảng giữa hai cái mụn để còn thò mặt ra đường.”

- hi em

- Chào anh ạ

- em đang làm rì đấy?

- Tập viết tiểu thuyết ạ, hi hi

- à ha. Sợi xích phiên bản mới?

- …

- anh đùa mà

-…

- so rì em


Khóe miệng nàng hơi trễ xuống, cặp môi hơi cong lên, không trả lời

- …

- shocked thật mà em.
À tối em dỗi không?


- Chuyện gì vậy anh?

- tối cà phê không? Có quán jazz mới mở hay lắm.

- Thế hả anh?

- ừ, toàn sinh viên nhạc viện, học trò Quyền Văn Minh.

- Ôi, thích thế


- nghe jazz Việt cho lạ, nghe da đen mãi cũng nhức đầu, lại không quen tai

- Vâng, còn Trần Mạnh Tuấn nữa -
Diệu chờ đợi một câu nhận xét “búa bổ” thường thấy từ người bạn chat lúc nào tự tin ngời ngời vào vốn kiến thức của bản thân.

- ông ý thì ở SG, cải lương hơn.

Nàng rúc rích cười, thong thả gõ bàn phím như thể ngập ngừng lắm

- Em không biết

- tối đi thì biết

- Vâng, mà có những ai hả anh?

- hội phượt và mấy đứa mê ảnh. Có cả thằng Thành chụp em tuần trước.

Mà em và nó có gì không?

- Không ạ. Có chuyện gì hả anh?

- thành nó khen em, có thần thái, tóc dài rất duyên. Nó nói nhiều lắm.


“Mệt lão Hiếu vượn quá. Chị Lan nói lão ốc bò đằng miệng quả không sai.” Diệu thở hắt nhưng tay vẫn gõ không ngừng.

- ối ui. Anh nói với anh Thành là vào beauty salon là tóc óng mượt ngay ạ.

- anh chịu chuyện hai đứa.
Thế 7h30 nhé, anh nói Thành đến đón nhé.

- Thôi anh ạ, để em tự đi

- em làm nó buồn đấy. Hotboy của nhóm.

- Hì, hotboy thì càng phải dè chừng chứ anh. Nhóm mình cũng nhiều hotboy nữa.

- thôi, anh phải làm việc tiếp đây.


- bb anh

- Không hun anh à

=;

- :* :-h

x-( x-( x-(


Diệu khép hờ mắt cho đỡ mỏi.

“Ông Hiếu già nhố quá, chắc rỗi việc đi phá mình?”

Lần nào chat với người trong nhóm chơi cùng, Diệu đều muốn cười, cười nhếch mép, nhưng chỉ nhếch một tý thôi.

Ngày trước thi thoảng Diệu còn mạnh dạn thử nhếch mép cười giữa đám gọi là nhóm bạn hoặc hội chơi Diệu quen trên net. Mỗi lần thử cười nhếch mép thế, Diệu toàn chuyển thành cười thật vì kinh ngạc thấy chẳng ma nào nhận ra Diệu cười thế nào. Diệu đâu chỉ thử một lần? Diệu đã để tâm quan sát kĩ từ ánh mắt đến khóe miệng của những nhân vật tự tin tinh tế nhất trong nhóm, nhưng hoàn toàn không thấy bất kì biểu hiện lạ nào. Mọi người còn bận nghe nhạc Trịnh, hát nhạc Trịnh, phát biểu cảm xúc về nhạc Trịnh, vỗ tay tán thưởng người hát sao cho rền vang mà vẫn ý nhị. Phải rất Trịnh và phải rất Thiền. Tất cả đều do người đẹp google khuyên bảo, nghĩa là kiểu nghe nhạc được bảo đảm ấy. Giờ tiện lợi chẳng phải hỏi ai, cứ search cái là ra cả đống báo chí rồi chuyên gia ngợi ca nhạc Trịnh. Cũng mất công mất sức lắm, phải quan tâm từng từ một ấy, phải tra cả hoàn cảnh sáng tác nữa. Xong xuôi thì tha hồ réo rắt nỉ non đủ dạng tâm tình ngợi ca, càng đượm mùi nhang đèn thì càng có vẻ đúng, càng có vẻ sang, càng có vẻ sâu sắc, ưu tư nhân tình thế thái với lại thân phận con người. Mà không nói được (do tự dưng quên chẳng hạn), rút mùi xoa ra mà sụt sịt khụt khịt, một giọt nước mắt bằng vạn lời khấn khứa ý chứ. Tệ nữa, không nói cũng không khóc nổi thì cười bí hiểm, tập mất độ năm phút chứ bao lâu.

Dĩ nhiên, nhóm chơi của Diệu cũng không ngu dại đi chê nhạc của các nước phát triển. Có xòe hai bàn tay, thêm vào hai bàn chân cũng không đủ để kể các thể loại nhạc nhá. Một lần ông Hiếu và ông Minh tý nữa lao vào nhau thua đủ về vụ new age với chẳng world music cái nào hay hơn cái nào. Diệu lần đầu gặp phải thấy kinh sợ, giờ Diệu quen rồi.

Ngoài âm nhạc, nhóm còn mấy thứ làm sang khác như nhiếp ảnh, viết truyện, làm thơ, bình tán chính trị kinh tế xã hội, nghĩa là chẳng bỏ qua xó xỉnh nào, chỗ nào cũng có người nhúng mũi vào. Tỷ như chị Liên trưởng chi nhánh một công ty du lịch có tài xuất khẩu thành thơ. Chị chơi từ thơ thất ngôn bát cú, thơ song thất lục bát, thơ haiku ba câu mười bảy chữ tới thơ tự do, thơ vắt dòng, thơ hậu hại điện. Ngày nào chị Liên họp hành tiếp khách bận quá không kịp tuôn thơ thì tiên thơ giận dỗi chị, tiên hành chị sống dở chết dở, tiên ám cho đầu óc người ngợm chị Liên bứt rứt hoảng hốt đứng ngồi không yên. Hay như lão Hiếu vượn ngọng líu ngọng lô nhưng thích bàn về kinh tế và chính trị thế giới, bàn bằng giọng rất oách hẳn hoi, mặt lão Hiếu lúc đó rất vểnh, cứ như lột xác thành người khác. Hãi nhất em Tâm, trai Tự Nhiên thích đồ cổ, mặt mũi huyền bí như Đạo Đức Kinh, mở miệng là giá trị Á Đông sẽ lên ngôi, nay mai thay thế hệ tư tưởng thực dụng Âu Mỹ; nhưng lúc thằng Bill chuột túi - bạn trai em “Huệ hổ vồ”, sinh viên năm cuối Viện Đại học Mở - chìa tay ra thì mặt em Tâm đỏ lên, quai hàm em Tâm trễ xuống, run rẩy toát mồ hôi bắt tay thằng Bill bằng cả hai tay. Sau vụ bắt tay đó, em Tâm bạt mất gần hai tháng mới quay về với nhóm.

Diệu ngả hẳn người ra sau, ngẩng lên nhìn bầu trời bị phân thành những khoảng song song bởi rèm cuốn.

“À, phim nữa. Mà phải gọi là điện ảnh mới chuẩn! Cứ thấy IMDb chấm cao là xúm vào khen lấy khen để như sợ mất phần oai.”

Diệu lại cười, kèm thêm cái khịt mũi ngầm. Chuyện cười về điện ảnh của người trong nhóm phải bằng chuyện cười mảng âm nhạc và mảng thơ ca cộng lại rồi nhân đôi. Diệu điểm lại thì phát hiện ra nhóm không có ai tý toáy gì về hội họa. “Có vẻ thứ này hơi xa vời với tầng lớp trí thức nửa mùa”. Diệu rùng mình vì ý nghĩ vừa nháng lên trong não bộ của Diệu. “Mình cũng nửa mùa đấy thôi”, Diệu cười nửa miệng và lại nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời vẫn sáng lắm. Cây hoàng lan mẹ trồng vẫn ủ rũ như mọi khi. Cây hoàng lan dĩ nhiên chịu chung số phận với bầu trời, nghĩa là nó cũng bị rèm cửa cắt thành những mảnh song song. Diệu đôi khi tự nhủ thế giới mà Diệu thấy chắc không thực, toàn bị cắt lìa thành những mảnh rời nhau. Diệu phải kì cạnh ghép chúng lại và thỉnh thoảng hứng lên đầu óc Diệu chơi trò ghép lộn đầu đuôi cho vui. Diệu cười thầm, nghĩ vẩn vơ thế này giết được vô khối thời gian.

Đã bao nhiêu năm mọi thứ Diệu làm chỉ để cho vui, dù là cái vui qua ngày đi nữa. Chẳng hay ho gì nhưng chẳng chết ai.

“Giá mà quên được Dương.” Diệu chầm chậm hít một hơi dài qua đường miệng làm căng lồng ngực, căng hết cỡ. Diệu không vội thở ra, tập trung chú ý đến vùng ngực trái càng lúc càng nhói. Cảm giác nhói ngực trái ấy thì Diệu quen lắm, quen đến độ nghiện, đôi khi Diệu còn mơ hồ thấy tim như lọt hẳn ra ngoài, đập thình thịch. Chỉ là phần ngực trái thỉnh thoảng chơi ác thắt buốt bất thình lình, làm Diệu đau đến dại người.

Diệu ngắm phần cao nhất của cây hoàng lan mà Diệu có thể nhìn được từ cửa sổ. Cây quá im lìm và trơ trọi.

Diệu chịu gia nhập đủ thể loại nhóm hội cũng bởi nghe lời Dương. Dương viết trong email thứ bốn mươi ba rằng Diệu nên hòa nhập hơn, nên ra ngoài nhiều hơn. Email thứ bốn mưa ba của Dương chỉ có năm dòng, bao gồm cả phần chào hỏi và kí tên. Ban đầu Diệu thấy tổn thương, sau thấy Dương đúng - Dương bao giờ cũng đúng. Nếu không có Dương chắc Diệu chẳng bao giờ đi làm mẫu chụp ảnh, uốn éo chống tay ngoẹo đầu xõa tóc lặp lại các tư thế của người khác. Nhưng thật quả cũng vui, để dành được khối chuyện cười ra nước mắt. Diệu không dám làm phiền Dương với những chuyện vặt vãnh này, không đáng để kể.

Diệu thở dài, quay lại màn hình laptop đang chạy tới chạy lui logo Windows XP.

“Chắc phải thêm thắt thêm nhiều” – Diệu thầm nhủ.

Nhân vật mà Diệu định dựng là cô nàng đạt điểm thấp về ngoại hình, tính tình cáu bẳn, tài lẻ không có, chỉ được tiếng rẽ tính, sạch sẽ và chịu khó. Chịu khó và rẽ tính thì dễ hiểu. Còn mục đích cao cả nhất của ăn ở sạch sẽ là để ngừa mụn thì thất bại thảm hại.

Diệu tưởng tượng ra những hố sâu toang hoác chen chúc trên mặt một người con gái, nuốt chửng mọi đường nét của nạn nhân. Người đời dù vô tình hay cố ý, dù nhìn nguyên một phút hay chỉ một phần nghìn của một giây, đều xoáy vào những miệng núi lửa thâm đen ấy, đều làm rát bỏng những miệng núi lửa thâm đen ấy. Mỗi lần như thế, cô gái nhận ra ngay lập tức như thể được gắn ra-đa loại tối tân nhất. Nhưng cô gái cũng chỉ biết cắn răng chịu đựng một mình. Kể với ai? Ích gì? Những người chung cảnh lắm mụn như cô chắc đều ru rú một xó nên không gặp được nhau mà an ủi mà than thở mà chia sẻ cho nhau cho vơi nỗi lòng.

Bản thân cô gái từ lâu đã mệt lả, đã thấy mình chìm dần vào những hố đen ác nghiệt. “Tại ai cũng bận cả, chứ người tốt còn nhiều, chỉ là họ không ở gần thôi, họ chưa biết thôi. Nhưng biết đâu chẳng có một ngày…” Cô gái tự an ủi thế, coi như có một hy vọng, một chỗ bám để không bị các hố sâu tối đen nuốt chửng hoàn toàn. Kết quả tranh đấu giữa lực hút của các hố đen với thứ hy vọng tự tạo kia là cơ thể cô, đầu óc cô bị vặn vẹo, bị kéo dài mãi như ngày xưa người ta kéo kẹo kéo, không rõ lúc nào thì đứt phựt một cái cho xong đời.

Nhưng tới đoạn tâm lý chi tiết đó thì còn lâu. Diệu gượng quay về với vụ phác thảo nhân vật chính.

Cô ta có hai người gọi bạn. Hai người này vừa xấu vừa vô duyên lại có thói dựa dẫm lợi dụng cô gái tội nghiệp. Nói thẳng ra là không hợp nhau nhưng dù gì cũng là bạn học phổ thông. Hơn nữa, ba người chẳng chơi với nhau thì cũng không biết chơi với ai giữa thành phố xa lạ này. Chơi mãi thì thấy cũng thân được, cứ nghĩ như thế cho đời nhẹ.

Diệu bỗng thấy mệt nên với tay mở tủ lạnh, lấy ra chai Lavie mới, rót lưng lưng chiếc cốc thủy tinh lùn. Nước mát làm Diệu thấy tỉnh ra đôi chút. Trời không nóng, phòng có máy lạnh nhưng Diệu vẫn thường xuyên uể oải như người ốm dở, cơ thể cứ như chực vỡ ra, tan thành chất lỏng, rồi đổ xuống sàn, bẹp dí luôn ở đó. Diệu từ chối nghĩ tiếp đoạn vũng chất lỏng kia bị hút vào nền phòng và biến mất vĩnh viễn trong khoảng tối đen thăm thẳm không rõ nào đó.

Diệu bất giác ngẩng nhìn bầu trời còn sáng ở-bên-ngoài-phòng. Cây hoàng lan chẳng hiểu sao giờ lại thêm cái vẻ sầu muộn cô đơn.

“Dương ngày xưa gọi là cây ilang. Lúc Dương nói, lưỡi cong lên rất nghịch.”

Diệu thở dài nhìn những mẩu song song của cây hoàng lan. Diệu đã google để biết sao Dương lại gọi nó là ilang. “Nó thành cây si lâu rồi.” Diệu vừa rót thêm ít nước vào chiếc cốc trong suốt vừa nhớ đến một truyện ngắn nổi tiếng có cây hoàng lan.

Uống nước và viết truyện là một cách đối phó với những nghĩ ngợi vẩn vơ. Diệu lại hơi nhiều vơ vẩn. Thành ra da Diệu đẹp, chẳng cần như chị Lan chị Lý nhắm mắt nhắm mũi uống cho đủ ngày mấy lít nước. Còn viết truyện ư? Để quên! Quên nhiều thứ, Diệu nhiều lúc còn có cảm giác đã quên cả chính Diệu. Nếu không đúng thế, Diệu sao dám gọi thứ mình viết ra là truyện?

“Dương chắc trợn tròn mắt với thứ truyện của mình mất!”

Màn hình máy vi tính hiện lên một nụ cười méo xệch.

Thằng Tú em Diệu hôm trước khoe tìm được lớp dạy yoga hay lắm. Diệu miệt thẳng vào mặt nó là đã già đâu mà học thứ ấy, nhưng thằng ranh vẫn đặt mẩu giấy ghi địa chỉ lên bàn làm việc của Diệu. Mặt thằng Tú trông … Diệu chẳng biết phải tả ra làm sao. Ngăn trên cùng của bàn làm việc của Diệu lúc nào cũng có một tấm ảnh cũ, dù Diệu thay bàn làm việc dễ đến sáu lần.

“Mười một năm chứ ít gì!”

Diệu bần thần nhìn màn hình laptop và nhớ về Dương, khuôn mặt của Dương, nụ cười của Dương. Nhiều chuyện đã xảy ra quá, lại đẹp đẽ quá, nên chẳng thể nào quên được. Những chuyện cũ làm Diệu nhận ra mình khác xa mọi người, đẹp và thơ hơn hẳn mọi người. Mười một năm sống như thế, Diệu mang một vẻ khác, ít nhất là kiêu hãnh và bất cần. Những người ở hiện tại và những chuyện ở hiện tại “có vị gì đâu” nên Diệu cần gì phải quan tâm.

Quãng năm hay sáu năm trước Diệu còn băn khoăn về những ảnh hưởng của Dương, về những chuyện cũ, rằng sao mấy thứ không cầm nắm được ấy sao lại tác động mạnh thế đến Diệu. Liệu có quái đản quá không, có ai như Diệu không. Nhưng giờ Diệu thấy không cần nghĩ thêm nữa vì Diệu thấy có gì đáng phàn nàn về cuộc sống của mình. Mà phàn nàn thì được gì kia chứ? Diệu vuốt lại sợi tóc vừa vương ngang mặt.

“Mười một năm chỉ có đúng năm mươi bảy emails. Không chat lần nào. Mỗi lần nhận được email thì lại …”

Diệu thở dài, nhìn đồng hồ treo tường ngay trên cửa sổ, rồi cố gắng nghĩ đến nhân vật định viết.

Nhân vật chính cần lấy chồng, dĩ nhiên thế, vì cô ta chuẩn bị băm nhát thứ ba đau khổ trong đời, đã thành hình một quả bom khổng lồ trong mắt bố mẹ và cậu em trai thèm cưới. Con bé người yêu suốt ngày cằn nhằn dằn dỗi thằng bé. Lệ làng là phải tuần tự có trên có dưới nên cậu em trai ức lắm. Tháng tháng cậu em sức dài vai rộng thúc bố mẹ gọi điện cho bà chị giục gửi tiền về nhà nhân thể nhắc luôn chuyện bà chị phải lấy chồng ngay; tháng sau thì điện thoại nhiều hơn tháng trước; lời nhắn gửi của cậu em càng ngày càng chêm nhiều từ thô; giọng cậu em ngày càng chua – chua hơn cả bà chủ cho thuê nhà. Nhân vật chính vì thế học được cách tảng lờ những từ đại loại như “gái già”, “xấu điên còn ra vẻ cành cao lá dài” hay “voi đú, chuột đú, lợn sề cũng hộc” của cậu em quí hóa.

“Những từ nặng đô hơn chắc phải nhờ chị Lan gợi ý!” – Diệu tủm tỉm khi nhớ đến chị Lan, nhân viên ngân hàng, gần bốn mươi và rất mê văn học. “Thần tượng Mac Levy”. May là còn thích Nguyễn Huy Thiệp và từng đọc cả “Đốt”. “Nhưng chị Lan kêu Bảo Ninh là khó hiểu.” Diệu không nén được, cười lên hinh híc.

Diệu quay lại với tiểu thuyết chưa thành hình của mình.

“Chắc chỉ có về quê mới lấy được chồng? Phải nghĩ ra lý do nào đó cho thuyết phục. Nhưng lý do nào nhỉ? Thành phố cũng đâu thiếu người không có điều kiện để mà kén chọn?” – Diệu lại vặn nút chai Lavie.

Diệu băn khoăn không rõ chuyện một cô nàng bằng cấp, thu nhập tàm tạm, lấy vội một chàng dưới quê chưa tốt nghiệp cấp ba thì gia đình lục đục kiểu gì, những chuyện gì xảy ra tiếp theo để đôi bên có cơ hội hiểu nhau, rồi yêu nhau thật. Mà thế có Hàn có sến quá không? Ai đi đọc cái thứ chảy nước này? Mà hạnh phúc của đôi này là hạnh phúc kiểu gì?

Diệu lại thấy mệt mỏi.

Lần này Diệu đi pha sinh tố. Mãng cầu và ổi chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin C. Diệu không cưỡng nổi ham muốn nhìn về chiếc gương lớn ở tủ quần áo. Diệu cúi đầu vào khủy tay vừa đưa lên ngang cổ, hít nhẹ khoan khoái. Diệu nổi tiếng có làn da trắng hồng láng mịn và thơm tự nhiên.

Diệu vuốt nhẹ bờ vai mát rượi như lụa của mình. Bốn người đàn ông đã được chạm vào đấy. Còn Dương thì chưa bao giờ chạm vào, kể cả những phần cơ thể khác, bất kể phần nào.

“Hồi đó ngây ngô và giữ kẽ hơn lũ trẻ bây giờ. Dương lại sắp đi xa.”

Diệu bây giờ đã gần ba mươi, đủ trưởng thành để không cau mày khi nghĩ đến chuyện thể xác. Nhưng đôi khi chính Diệu phân vân có thực Diệu từng làm chuyện ấy không, những bốn lần. Sao Diệu chẳng nhớ gì. Nếu không phải mỗi lần nghe Diệu thông báo vừa chia tay người yêu, mẹ lại quay đi thở dài, còn thằng Tú lại bóng gió chị ác khẩu thêm, chả hay gì đâu, thì Diệu đã cho là Diệu toàn tưởng tượng.

Cuộc đời thật lạ lùng, luôn có một phần nào đó chẳng thể hé lộ cho ai vì chẳng tin có ai đủ sức hiểu mình hoàn toàn, dù có muốn và có cố đi nữa. Cái chẳng tin ấy đã không dập tắt cái mong muốn được thấu hiểu thì chớ lại còn làm nó ngày càng lớn thêm, ngày càng sục sôi thêm. Cứ như hai màu đen trắng đặt cạnh nhau vậy, đen mà thẫm màu thêm, lập tức trắng sẽ chói sáng lên. Cái này tồn tại bởi vì cái kia tồn tại, cùng động cũng tĩnh. Chắc sau một thời gian chúng phải đến với nhau chứ nhỉ, theo nghĩa bình thường tử tế ấy, nghĩa là nắm được tay nhau dung dăng dung dẻ ấy, chứ không phải kiểu tinh thần hay lý thuyết cao siêu “tự thẩm du” nào. Tinh thần mãi mệt lắm, không chịu nổi. Nhưng bao giờ thì đến thời khắc ấy? Một kiếp người hay vô vạn kiếp người? Mà một kiếp người có mấy năm là đẹp đẽ là thanh xuân chứ? Mà hơn nữa chẳng lẽ không có cách khác, không có lựa chọn nào khác ư?

“Chuyện này có khi Dương cũng không hiểu... bởi mình có nói đâu, mà nói cách nào cho xuôi được?”


Diệu nhìn đăm đăm chiếc cốc men xanh trên tay. Cốc nặng nhưng giữ nhiệt rất tốt. Chiếc cốc Dương chỉ dùng để uống Milo. “Chiếc cốc mười mấy tuổi rồi” Diệu thoáng chớp mắt. Người con gái hiện trên nền xanh sẫm của cốc liền chớp theo. Người con gái ấy có vẻ đẹp hiện đại với gò má hơi cao và cằm thon gọn. Mái tóc dài chấm eo của Diệu vừa được cắt cao hơn vai độ hai phân. Khuôn mặt Diệu vì thế càng thêm sắc nét, cột cao tóc lên là có ngay hình ảnh một supermodel thách thức kiêu sa. Ngoài đời, Diệu cũng có dáng, thứ trời ưu ái cho riêng một số ít người và thứ này gần như không thể học mà có. Mặt xinh thì nhiều và giờ cũng dễ lắm, cần thì đi gọt xương mặt, cắt mí mắt và nâng mũi là lung linh ngay.

“Thành có thể là người thứ năm”

Diệu nhếch miệng tạo một nụ cười lạnh lùng xa cách. Nhưng đôi mắt – Diệu tự biết – còn lạnh hơn nụ cười cả ngàn lần. “Thế mới chết người chứ!”

Đầu óc Diệu đột nhiên choán đầy một nỗi buồn tựa như Diệu đang ngồi trơ trọi trước cửa nhà vào một chiều mưa, cơ thể bải hoải nhìn ánh sáng cứ ảm đạm dần đi, biến mất hết đi. Sức sống trong Diệu cũng rút dần, lịm dần theo thứ ánh sáng đang tàn lụi ấy. Chẳng có ai bên cạnh cả, chỉ ngồi lặng đơn độc thế thôi. Diệu chợt cười độc địa, nguyền rủa những đứa dở hơi ưa lãng mạn vớ vẩn, chắc chưa đứa nào hiểu thực sự cái u ám nặng nề mà thoạt trông thì tưởng đẹp lắm ấy. Diệu bất giác thở dài, nụ cười héo quắt trên đôi môi căng hồng. Diệu cũng thôi tự ngắm mình, lẩm nhẩm tự động viên bản thân “Thành cũng ổn. Kiến trúc sư, khá đẹp trai, có khiếu thẩm mỹ, chụp ảnh được, thẩm âm cũng tạm. Điểm trung bình cỡ 8,5. Mỗi tội Thành hơi trẻ con, hình như ít hơn mình một hay hai tháng. Nhưng mà có sao! Trẻ con cũng okay!”

Diệu đặt chiếc cốc men xanh lên giá sách. Gương mặt cô gái trên lớp men của cốc đầy nếp nhăn – những nếp nhăn chỉ Diệu mới thấy.

“Đã sáu giờ, phải đi tắm thôi” – Diệu cười. Lần này trông rất tươi.


ii



Thành đang dạo thử Ru ta ngậm ngùi. Khuôn mặt Thành vốn đàn ông giờ có thêm vẻ lãng tử bởi thứ ánh sáng vàng mờ của quán cà phê.

Quyến rũ thì vô chừng nhưng nếu đo đếm bằng những ánh mắt ngưỡng mộ và yêu mến của nữ giới thì Thành phải ở nhóm đầu. Diệu chắc chắn đến mức không buồn ngó quanh kiểm tra. Diệu đang ngắm cốc sấu muối của mình. Chiếc thìa dài ấn nhẹ một trong hai quả sấu bên trong cốc. Mái tóc của Diệu che gần nửa khuôn mặt đang cúi xuống. Thế là thành một tư thế thích hợp khi người yêu biểu diễn. Nhân tiện, Diệu thấy luôn, qua hình phản chiếu trên cốc, cái liếc mắt ghen tị của con bé Hạnh học Ngoại Giao. Con bé theo đuổi Thành từ lâu. Diệu phớt lờ con bé hoàn toàn bởi thấy nó thảm quá, ai đời lại lồi mắt ngắm trai vô duyên thế kia chứ.

“Chú ý những thứ vụn vặt cũng hay, vừa được cười lại vừa được quên” – Nhưng Diệu không cười lúc này vì rõ ràng là không nên.

Tiểu thuyết Diệu định viết vẫn dở dang. Cảm xúc tự dưng chạy đi đâu mất. Diệu cố lắm mới hình dung được cảnh cô nàng lắm mụn vớ phải anh chồng tốt mã, có nghề sửa xe nhưng nghèo kiết vì ham mê cờ bạc lô đề. Anh thợ sửa xe lấy cô nàng lắm mụn dĩ nhiên vì tiền. Tiền dành dụm hơn mười năm của cô nàng ngay sau ngày cưới đã bị đám chủ nợ chộp ngay. Hai cô bạn cũ trông thấy chồng của bạn thì đờ đẫn cả người. Đờ đẫn xong, cả hai đeo dính hai bên cô nàng lắm mụn để xót xa rằng sao mày ngu thế, mày dại thế, mày bị nó cho ăn quả lừa, năm bữa nửa tháng nó đá mày ra bờ, rằng mày nhục nhã có ngày, thôi bỏ nó đi. Cô nàng lắm mụn im lặng. Mấy ngày sau lên thu dọn đồ đạc lần cuối, cô nàng kinh ngạc thấy hai cô bạn mình thu lu trong phòng, mỗi người có nguyên một cái mụn bọc to bằng hạt đỗ tương, mọc ngay mép trên miệng, người bị bên trái kẻ bị bên phải.

Chị Lan mê Mac Levy đọc đoạn ấy cười rú lên kêu stress và xấu bụng thế thì mọc mụn là đáng đời. Nhưng chị Lan trách em tả cũng ác quá; hơn nữa có phải mụn bọc lúc nào cũng để lại vết đâu, nặn sớm mới bị, không thì cũng không việc gì, trừ phi da dữ. Chị Lan còn truy là mày có thằng Thành đẹp ngời ngời sao lại viết rợn thế hả em, có chuyện gì không hả em. Diệu chẳng biết nói sao đành cười trừ mấy giây rồi mới vẽ ra cái lý do là muốn sống thử cuộc đời khác, hoàn cảnh khác. Viết truyện đâu có dựa vào kinh nghiệm bản thân được ạ, cụt vốn ngay chị ạ, em bịa là chủ yếu ạ...

Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình. Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên. Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình. Xin người hãy gọi tên…

“Thành đã vào bài.”

Diệu nhắm mắt khi giọng người yêu nghiến vào câu “Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm.”

Diệu đã nghe trước và yêu cầu Thành nhấn vào hai tiếng “cuồng điên”. Diệu có cảm giác vừa uống một ly rượu màu máu cay xé, khó chịu nhưng đã đời.

Diệu và Thành thành một cặp được một năm bảy tháng mười một ngày. Diệu biết rõ thế vì Diệu gật đầu nhận lời yêu đúng Thành – như bốn lần trước - vào cái ngày chẳng thể nào quên, ngày Dương ra đi. Còn tính từ lần đầu gặp nhau, ngày Thành đánh tiếng nhờ cô làm mẫu ảnh gì đó, thì Diệu chịu, chắc hai hay ba năm, bốn năm cũng không chừng. Chẳng quan trọng, đến ngày kỉ niệm gặp nhau ấy, Thành sẽ nhắc Diệu bằng hoa hồng và hộp quà được gói thắt nơ cẩn thận.

“Xin ngủ trong vòng nôi, ta ru ta ngậm ngùi. Xin ngủ dưới vòm cây…”

Chất giọng trầm của Thành đi đến phần cuối Ru ta ngậm ngùi. Diệu biết mình cần ngẩng lên và nhìn sâu vào đôi mắt to và nghị lực của người yêu.

Diệu thực hiện việc này tuyệt đối tự tin. Giả dụ một người bạn của Thành có quan sát sẽ thấy liền mắt Diệu dành cho Thành long lanh chứa chan tình cảm ra sao. Ấy là chưa kể đến ánh đèn mờ ảo đồng lõa với Diệu đấy nhé.

Diệu chưa thấy cần phải nghĩ xem liệu Thành có phát hiện ra dưới lớp vỏ long lanh đầy tình cảm kia thực ra chỉ là sự cảm ơn không hơn, như một khán thính giả bình thường thôi, như mọi người thôi – à, phải trừ ra con bé Hạnh ngây ngốc đằng kia.

Diệu cúi nhìn cốc sấu muối lần nữa. Diệu thấy đau đớn vì lại bắt gặp trong đôi mắt của Thành tình yêu dành cho Diệu. Tuy nhiên, Diệu cũng lờ mờ nhận ra thêm nét tuyệt vọng nơi đôi mắt nghị lực của Thành. Đây là lần thứ ba. Lần đầu tiên cách đây chừng sáu tháng. Đó cũng là lần đầu tiên Thành thấy làn da tuyệt đẹp của Diệu, thấy toàn bộ. Diệu lần đó buộc phải sử dụng quyền lực của mình. Diệu giờ đã thành thạo lắm, đã không mấy khó khăn trong việc làm mờ đi những nghi ngờ hay tuyệt vọng nơi Thành. Có điều Diệu tin mình làm vậy còn vì thực tâm muốn bù đắp cho Thành, cũng như bốn người trước đó. Diệu cho thế là sòng phẳng, chẳng nợ nần gì ai. Vả lại, Diệu là con gái thì lúc nào chẳng thiệt hơn. Diệu đố ai dám kêu ca Diệu đấy. Hơn nữa, người Diệu chọn cũng được lắm, không thể xảy ra chuyện gì quá được.

“Nếu Dương không tồn tại, mình có thể yêu Thành không?” – Diệu dầm dầm quả sấu to nhất trong cốc, chọc thủng một lỗ trên lớp vỏ giòn giòn sật sật của quả sấu. “Con bé Hạnh vô duyên vô dáng lại nhìn sang chỗ mình.” - Diệu cau mày.

Khoảng không bên phải Diệu xao động. Diệu không quay sang mà tự động ngả người về phía đó. Diệu biết đó chắc chắn là Thành, vì Diệu rất rõ cách Thành ngồi - sẽ ngồi sát Diệu. Và vì mùi của Thành nữa.

Diệu thầm hít một hơi sâu. Thành liền quay sang Diệu.

“Chắc phải cảm động lắm” – Diệu buồn bã không biết mình bù đắp được bao nhiêu và bao lâu cho Thành. Diệu không biết đến lúc nào Thành sẽ lại rời đi với thất vọng và có thể cả căm hận nữa, cho dù Thành đã nán lại lâu hơn hẳn bốn người trước đó.

- Anh đừng hát nữa! – Diệu thầm thì vào tai Thành, chẳng hiểu tại sao lại nói thế.

Diệu thấy vành tai Thành nóng lên trong thứ ánh sáng mờ mờ của quán. Diệu cảm nhận được nhiệt độ cơ thể Thành tăng lên. Diệu còn thấy Thành nhè nhẹ hít sâu. Diệu chợt thấy thích thú và thỏa mãn. Phía ngực trái của Diệu tự dưng tưng tức lên.

- Em sao thế?

“Giọng Thành trầm quá”
– Diệu lại nghiêng về phía Thành và trả lời - ngạc nhiên với vẻ dằn dỗi trong giọng nói của chính mình:

- Em không thích… Không tại sao gì cả!

Diệu mặc kệ những cái cười ẩn ý và cả những tiếng huýt sáo của anh Minh Xây Dựng, anh Nghĩa Bách Khoa. Diệu thấy chị Lan béo mê Mac Levy đang lừ mắt lập trật tự rồi nháy mắt với Diệu, chị Lan còn mủm mỉm cười.

Diệu bỗng ngẩng lên và thấy Thành đang nhìn mình. Thành chớp mắt thật mạnh như muốn thay cho một cái gật đầu. Đột nhiên Thành cúi xuống nói thầm vào tai Diệu:

- Lúc nào anh hát cho riêng em Giấc mơ Chapi.

Diệu chao đảo. Hơi thở của Thành đốt nóng vành tai Diệu, làm đầu óc Diệu mụ mẫm đi. Diệu không thể kiểm soát bản thân được nữa.“Ở nơi ấy…trên ngọn núi cao… chỉ có hai người… hai người yêu nhau…ư hư hừ… Họ đã sống không mùa đông…không mùa nắng mưa…Chỉ có một mùa yêu nhau… Chỉ có một mùa yêu nhau…”

Diệu sững sờ “Mình sao thế này?”.

Diệu vội vã quay lại với cốc sấu muối và tự nhắc mình thở đều và sâu để bình tĩnh lại.

Dương hoàn toàn không còn trong Diệu những hơn một phút.

“Lại còn thấy hạnh phúc!??? Mình điên rồi!!!”

Diệu hoảng sợ khi chợt nhận ra cánh tay trái vạm vỡ của Thành đang ép sát vào cơ thể Diệu. Cánh tay vững chãi ấy bị chính Diệu kéo lại, quấn chặt bằng tay phải đang run rẩy của Diệu.

Diệu lắc mạnh đầu và len lén thu tay lại.

- Thành hát bằng nửa Y Moan không mà đòi – Diệu gượng gạo

- Sao không? – Giọng Thành đầy tự tin.

Dường như bóng tối bị chặn lại hết sau lưng Thành.

Diệu cúi đầu không dám nhìn Thành.

Diệu hít gấp một hơi khi bàn tay Thành đang chậm rãi tìm đến bàn tay Diệu, rồi xiết nhè nhẹ.

Có điều không ai biết ngoài Diệu rằng cái hít sâu đó không vì Thành. Tâm trí Diệu thời điểm ấy đã không ở trong cái quán cà phê đó nữa.


iii




Đêm cuối mùa thu. Diệu nằm nghiêng nhìn mảnh trăng nhạt bên ngoài. Diệu nhìn trăng từ lúc mười hai giờ đêm đến lúc này tính ra chắc phải ba tiếng.

Diệu mất ngủ từ đêm thứ bảy tuần trước, cái ngày Diệu nhận ra Dương đang mờ dần trong Diệu. “Mất Dương ư? Làm sao lại thế được? Làm gì có ai thay thế được Dương?” Diệu giật một túm tóc mai, thái dương rần rật đau buốt. “Làm gì có ai hiểu mình như Dương!” – Diệu thấy chiếc giường đang rạn ra, sắp vỡ vụn đến nơi. Nếu vỡ thật, không biết Diệu sẽ sụp xuống chỗ tối tăm nào? Nếu mất Dương, quên Dương thì Diệu còn gì? Những hơn mười năm, sai cả ư? Sai liên tục những mười năm ư? Sai cả bốn lần thử yêu, thử phá phách ấy ư? Thế thì nhục quá…

Diệu tránh mặt Thành đã năm hôm.

Diệu cũng tránh mặt cả nhóm chơi cùng, tất tật cả thơ văn lẫn hát hò phim ảnh. Diệu thay số di động và không sign in vào yahoo messenger. Diệu cũng không check mail, không check cả hộp thư yahoo cũ.

Diệu bỏ hẳn cái truyện dang dở về cô gái già hay nặn mụn. Chẳng còn tâm trí đâu để nghĩ đến nó. Diệu quá thừa mỏi mệt. Diệu cũng không thể tập tiếp yoga. Cô hướng dẫn nói Diệu đang loạn, không ốm mà đầu như đang sốt, tập tiếp trong nhóm đông e nguy hiểm. Nhưng Diệu không muốn tập riêng với cô.

Diệu chẳng muốn gặp ai. Diệu đã xin nghỉ làm ngay chủ nhật, sau cái ngày thứ bảy kia.

Mấy lần Thành đến nhà, Diệu cũng không xuống tiếp, kể cả khi mẹ Diệu lên phòng, hầm hầm nổi giận. Diệu chưa thấy mẹ giận như thế bao giờ.

Bố Diệu, mẹ Diệu, và thằng Tú em Diệu đều quí Thành.

Mẹ nhẹ giọng “Vừa vừa thôi con. Quá quá thành ra…” Mẹ dừng ở đó. Diệu biết mẹ không thể nói thêm. Diệu biết mình còn lâu mới bằng mẹ về khoản chừng mực.

Diệu biết bố và em trai đã vào cuộc chiến giữ chân chàng rể tương lai, nhưng Diệu không rõ bố và thằng Tú làm cách nào. Diệu lúc này không nghĩ nổi nữa, đầu óc nhộn nhạo quay cuồng.

- Con cần một chút thời gian

- Chị nghĩ nhanh lên. Em thấy anh Thành được nhất đấy! – Thằng Tú chen ngang.

Diệu thấy bố và mẹ hoàn toàn đồng tình với cậu con trai duy nhất, không mắng nó, mẹ còn không lườm nó lấy một cái.

Diệu chỉ biết cúi đầu. “Thằng Tú cũng quên Dương sao? Dương ngày xưa chở nó đi ăn kem, đi mua Đô rê môn cho nó cơ mà? Sao thằng Tú lại có mới nới cũ như thế?”

Trăng vẫn sáng lạnh cả trời.

Diệu quờ lấy cái iPod.

“Trời ơi, mình đang nghe nhạc bằng iPod!!!” – Diệu hình dung ra cái vẻ cay đắng của nụ cười trên môi mình. “Nếu Dương biết Diệu-nghe-nhạc-cổ-điển-bằng-iPod thì sao nhỉ?” Dương thấy mình thấp kém đi nhiều quá, so với ngày xưa.

Nụ cười đột ngột dừng. Diệu nhớ ra cái iPod là quà Thành tặng đợt Diệu đi công tác ba ngày đầu năm nay. Mấy bản nhạc cổ điển trong trong iPod cũng là Thành để sẵn. Trông Thành lúc đó tồi tội, còn mẹ bảo trông Thành đàn ông.

Diệu nhắm mắt, cố nghĩ đến Dương, tưởng tượng ra Dương lúc cô thông báo sắp đi công tác. Dương chắc chắn sẽ không bao giờ như Thành. Dương biết rõ nhạc giao hưởng thì ít ra phải dùng loại dàn nào để nghe. Chắc Dương sẽ có một món quà khác dành cho cô, tinh tế hơn…

Bốp!

Diệu vả mạnh vào má phải của mình. Diệu thấy Diệu là một con quái vật. Không phải loại thường mà phải là loại bẩn thỉu nhơ nhớp nhất, sống ở nơi tối tăm bẩn thỉu nhất.

Bốp! Bốp…

Diệu bật dậy, tự tát liên tục vào mặt mình. Má phải Diệu nóng rát. Diệu vẫn không ngừng tay. Diệu như thể muốn đuổi cái phần xấu xí và hỗn loạn trong Diệu rời khỏi đầu óc Diệu, đừng có ám Diệu nữa.

Diệu hay áp má vào tay trái của Thành.

Gương mặt Thành hiện lên vời vợi.

Diệu thừ người.

Thành lúc nào cũng điềm đạm. Thế mà ban đầu Diệu thấy Thành trẻ con.

“Mình thật sự quên Dương sao? Mình đang thành thứ gì?” Màu đen trào lên trong Diệu, cuốn lấy Diệu, hút tụt Diệu xuống vực sâu thăm thẳm. Một phần nhỏ nhoi trong Diệu bùng lên, rực rỡ, buồn bã vẫy tay chào Diệu. Phần màu trắng sáng lóa bay lên cao mãi, rồi mất hút. Vĩnh viễn xa rời.

Ngực Diệu đau thắt, đau đến co quắp cả người.

Diệu thấy mình rơi thẳng đứng. Diệu thấy Diệu là một loại hạ đẳng tởm lợm. Tởm lợm hơn nhiều so với bốn lần chung đụng với bốn người Diệu giả vờ yêu trước đây ấy, bởi vì hồi đó Diệu chưa bao giờ quên Dương, cái phần kí ức có hình bóng Dương vẫn nguyên vẹn đẹp đẽ, ngời ngời sáng, cao quí và thánh khiết. Diệu rủa sả bản thân mà không nhăn mặt vì những từ ngữ thô thiển Diệu chưa bao giờ dám dùng. “Nhưng chỉ chúng mới thích hợp với mình” Diệu cười mỉa mai cái bóng đang đổ dài trên giường. Diệu thấy Diệu hóa ra lại chẳng bằng ai, thậm chí Diệu còn không bằng số không, tệ hơn cả những người Diệu từng khinh ngầm. Diệu thấy nhục nhã quá, nhục nhã kinh tởm không tưởng tượng nổi.

Diệu vùng dậy, đi đến bàn trang điểm. Diệu chống tay, nhìn xuống bức ảnh của Dương – bức ảnh từ lâu đã bị đặt nằm.

Diệu muốn khóc, như những lần nhìn ảnh Dương, nhưng không được.

Dương trong ảnh thật thông minh. Và xa vời.

Diệu nhìn Dương rất lâu. Nhưng tâm trí Diệu chỉ trượt trên bề mặt tấm ảnh, Diệu chẳng thể nhìn Dương sâu như cũ. Diệu bỗng thấy Diệu không thể khóc bởi khóc là giả dối đến tột cùng, đê tiện đến tột cùng. Diệu không xứng đáng với những giọt nước mắt trong trẻo của ngày xưa. Mà “ngày xưa” là thế nào. Diệu ngẩn ngơ. Thời gian như bị rạch đôi và giữa “ngày xưa” và “bây giờ”là khoảng trống rợn người. “Ngày xưa” là đẹp, là kiêu hãnh, là không ngại ai cả. Còn “bây giờ”? Lộn ngược tất cả ư?

Diệu giữ nguyên đôi mắt đau rát chằm chằm nhìn vào gương. Một đầu mụn bọc trắng đục đang phồng lên ngay giữa nhân trung. Nhưng cái mụn không thu hút được Diệu. Diệu đang nhìn đôi mắt của mình được phản chiếu trên gương. “Những lần trước, mày khóc cho ai? Có thật cho thứ mày gọi là tình yêu không?”

“Có thật không hả con-khốn-nạn-đê-tiện-bẩn-thỉu kia?” – Diệu muốn gào lên câu hỏi này, gằn từng tiếng một. Móng tay Diệu cào lên gương rin rít.

Diệu muốn muốn cào muốn cấu muốn cắn muốn xé tan cái khuôn mặt giả dối trâng tráo trong gương. Diệu căm thù khuôn mặt ấy. Diệu còn muốn móc con mắt vô cảm trên khuôn mặt ấy, cho máu chảy ra từ hốc mắt, cho đầu óc buốt đau. Thế mới đáng tội.

“Ở nơi ấy… tôi đã thấy… trên ngọn núi… cao… chỉ có hai người… chỉ có hai người … yêu nhau…ư ừ hừ…” – Giọng Thành bỗng vang lên khát khao vỗ về Diệu.

Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt Diệu.

“Họ đã sống không mùa đông… không mùa nắng mưa. Chỉ có một mùa… chỉ có một mùa… một mùa… yêu nhau…ư hừ ừ…”

iv



- Cháu xin phép hai bác cháu về!

- Cháu lại nhà, đi đứng cẩn thận, trời tối và lạnh lắm – “Giọng bố trầm và gãy gọn”

- Để bác bảo em nó – “Giọng mẹ nhẹ và buồn”

“Thằng Tú trốn ngay lên phòng lúc tiếng xe của Thành vang ngoài cổng”

- Dạ, không sao đâu ạ. Cháu sẽ liên lạc với Diệu sau. Cháu xin phép. – “Giọng Thành thì sâu”

Diệu dựa vào tường, hoàn toàn kiệt sức. Chân Diệu khụy xuống, cơ thể Diệu trượt xuôi theo bức tường trơn nhẵn. Trước mặt Diệu, cửa sổ phòng bếp cũng bị chia thành những ngăn song song với nhau, bầu trời vì thế lại rời rạc, chắp vá, không nguyên vẹn.

“Thành có thể làm mình quên được Dương thật không? Hay chỉ trong chốc lát thôi?” Thêm một lần nữa, Diệu không biết Diệu sẽ thế nào.

Tối hôm trước, Diệu đã thử thay “Thành” bởi “anh”. Tối hôm qua, Diệu nhắm mắt tiếp tục cố. Diệu cứ tưởng phải tệ như uống một vốc berberin, nhưng hóa ra không phải. Có lẽ tại chị Lan đến tận nhà, tỉ tê phân tích cho Diệu, khiến Diệu bớt ngần ngại, khiến Diệu quên đi nhiều thứ. Chị Lan đến ngay sau cú điện thoại nhờ vả của mẹ. “Cháu đến khuyên em nó giúp cô!” Diệu thầm bắt chước giọng của mẹ. “Mẹ có số của chị Lan chắc do thằng ôn con lục túi xách của mình.” Chị Lan còn định lôi Diệu đi buffet, bảo em đi chơi với chị cho nhẹ đầu. Chị Lan kéo tay Diệu quyết liệt đến mức Diệu ứa nước mắt mới chịu thôi. Chị Lan lắc đầu ôm vai Diệu khi Diệu thút thít nói lời cảm ơn.

Diệu đang thẫn thờ ngồi dựa tường bỗng giật mình chỏi tay nhỏm dậy khi thấy mẹ bước vào gian bếp.

- Cô quí hóa lịch sự quá! – Giọng mẹ đay nghiến như người ta đang miết ngón tay trên một mặt trơn nhẵn. Diệu thấy mình là một con kiến giữa hai mặt đang chà xát nhau ấy, chỉ có thể chịu đựng, không thể chống trả.

- Mai con đi gặp… anh Thành!

- Anh Thành? Sao hôm nay mày ngọt ngào với nó thế? – Mẹ Diệu thoáng giật mình - Mày còn mặt mũi nào mà nhìn nó nữa không hả con?

Diệu nhận ra những tia lo lắng trong ánh mắt mẹ. Giọng mẹ đã dịu lại.

- Mẹ cũng thấy con gọi khác đi rồi còn gì. – Diệu thấy giọng mình bình thản một cách giả tạo.

- Nghĩ cho chín con ạ. Khó tính như bố mà còn phải khen thằng Thành! - Mẹ buông một câu chắc nịch.

Mẹ nói tiếp, giọng nhẹ hơn:

- Mẹ thấy nó cũng được.

Mẹ không nói tiếp mà lướt qua Diệu, tiến về phía rổ rau gần tủ lạnh. Mẹ nói tiếp, vẫn xây lưng về phía Diệu, giọng gần như ra lệnh:

- Cô còn đứng đấy làm gì. Đi nằm đi!

iv



Gần ba tuần nữa là Tết. Phố xá chộn rộn nhưng thưa người hơn.

Gió mùa lại về chiều nay. Chắc là đợt cuối cùng của năm.

- Em không muốn dối anh! Giờ anh biết hết về em rồi!

Diệu tuyệt vọng nhìn Thành đang ngồi lặng trước mặt mình. Diệu thấy mình tựa như một con rối không thể tự chủ, bị đặt ngay trên mép vực tối đen; Thành cạnh đó mà như ảo ảnh. Diệu vươn tay mãi ko với tới Thành, Diệu gọi mãi nhưng không âm thanh nào thoát khỏi cổ họng. Thành cứ mãi lặng im. Đầu óc Diệu trì trệ tê dại. Diệu chỉ biết chờ đợi. Nỗi tuyệt vọng bốc lên từ vực sâu mỗi lúc một mãnh liệt. Nỗi tuyệt vọng sắp nuốt chửng Diệu.

- Anh có thể hiểu đây là lời từ chối của em không?

- Không ạ! – Diệu vọt miệng. Đầu óc Diệu căng như dây đàn. Diệu không nghe ra cao độ của giọng nói của chính Diệu. Diệu tiếp tục nói nhanh: - Em chỉ muốn xác định thật rõ mọi chuyện thôi.

Im lặng quá.

- Anh hiểu.

Diệu thấy bóng Thành cao lớn và trùm phủ. Thành đang nhìn sâu vào mắt Diệu. Diệu không dám chớp mắt.

- Em muốn anh chờ bao lâu? – Giọng Thành nghe xa vắng.

Diệu bặm môi, cúi đầu, tránh ánh mắt của Thành và băn khoăn liệu làm thế có sai không. Diệu gần như chẳng nghĩ được gì. Diệu thấy khoảng thời gian dự tính từ nhà sao dài quá. Nỗi sợ hãi lại trào lên.

“Nhưng anh vẫn giữ nguyên tư thế, không ngả về sau!”

Hôm qua, Diệu nhận được email của Dương. Tết này Dương về chơi. Dương nói muốn gặp Diệu. Dương đã mua được mấy bộ collection của dàn nhạc gì gì đó mà Diệu không thèm đọc tên.

Nhưng có lẽ Dương chẳng về thì Diệu cũng phải thú thật mọi chuyện với Thành.

Diệu vừa ngẩng lên, Thành đã nói:

- Anh không ép em nhưng bà nội anh yếu lắm. Bà muốn gặp em dịp Tết. Em cũng gặp bà bốn lần rồi đấy.

- Vâng – Diệu khẽ đáp. “Thành nói ngay vậy là tốt đúng không nhỉ? Thành có ý gì không?”

Diệu hít một hơi dài, rồi hỏi:

- Mai em đến thăm bà được không anh?

Diệu lại thấy Thành xoáy vào mắt mình. Nhưng lần này Diệu không cúi xuống nữa. Diệu thật lòng thương bà nội Thành. Diệu cũng thích nghe bà kể chuyện ngày xưa nữa, bà cũng kể thủa bé Thành nghịch thế nào. Diệu thấy xúc động khi nhớ lại bàn tay nhăn nheo nhẹ bẫng của bà nắm chặt lấy tay Diệu như thế nào.

- Em cứ đến… nhưng em làm sao đừng để bà biết chuyện. Bà có mỗi anh là cháu trai thôi.

- Dạ - Diệu lúng túng - Hay là thôi anh ạ…

Diệu lập tức nhận ra mình ngu dốt và tệ bạc.

- Cũng được Diệu ạ!

Diệu hốt hoảng ngẩng lên nhìn Thành. Thành không gọi cô là “em”.

- Em chỉ muốn thật chắc chắn thôi... Em không biết…

Diệu chới với khi Thành ừ một tiếng rồi nhìn ra hàng phượng quanh hồ. Hàng phượng se sắt trong đợt gió mùa mỗi lúc một mạnh.

Thành ngồi đó, xa xôi như hàng cây thiếu lá kia.

Diệu cảm tưởng như nghe được tiếng vụn vỡ nơi ngực trái Thành. Diệu không lường nổi sao lại đau đớn thế này. Hiện tại, trong Diệu chỉ có cái xót xa, dành cho Thành. Cái xót xa đau buốt át hết những sợ hãi, những vực sâu trong Diệu.

Thành đã quay lại, mắt sáng lạ.

- Em đừng nghĩ ngợi quá. Tình cảm không ép nhau được. Chuyện gì đến thì sẽ đến thôi.

- Em cảm ơn anh!

Diệu lí nhí. Hình ảnh cái mụn bọc bị cậy sớm, mở ra một hố tối bất chợt nháng lên trong tâm trí Diệu. Diệu cau mày. Tại sao lại thế? Đầu óc rối bời, nhưng Diệu biết phải tập trung vào cuộc nói chuyện với Thành, vào mọi phản ứng của Thành, dù là nhỏ nhất cũng phải nắm được.

Diệu lại nhìn Thành, chăm chú. Diệu thấy trước mặt mình chỉ có Thành, không gì khác. Chẳng rõ tự bao giờ.

Giọng Thành rất trầm:

- Anh cảm ơn em.

Diệu vẫn đăm đăm nhìn người con trai trước mặt mình.

- Nếu em không tôn trọng anh … và không có chút tình cảm nào, em đã không nói thế với anh.

Diệu chợt nhận ra giọng Thành khang khác. Mặt trời phía sau Thành đột ngột tàn úa.

- Diệu ạ, có khi anh cũng cần nghĩ một chút. Em cũng cần tĩnh tâm để quyết định.

Lần đầu tiên trong chiều, Diệu thấy mình phải lặng im.

Một lúc sau, Diệu mới hỏi:

- Thế còn bà ạ? Làm thế nào bây giờ hả anh?

Diệu thấy ánh mắt Thành chợt ấm.

- Cảm ơn em. Nhưng… nói thế nào nhỉ?

Câu cảm ơn của Thành làm đầu óc Diệu căng lên. Cô tìm kiếm đôi mắt Thành. Thành lúc đó cũng nhìn vào mắt Diệu.

Mặt trời đã hoàn toàn khuất bóng.

Diệu bỗng lên tiếng, giọng sâu và chậm như giọng của người khác:

- Anh nhất định không bên em thời gian tới à?

Nói xong, Diệu chợt thấy nhẹ nhõm. Diệu điều chỉnh nhịp thở của mình, từ tốn hít những hơi dài. Cảm giác bên miệng vực mới nhen nhóm quay lại đã lui dần như triều xuống. Màu đen có vẻ cũng không quá đang sợ. Diệu nghĩ mình có thể đối mặt với nó, quan sát thật kĩ nó, cái miệng vực sâu thẳm và tối thẫm kia, một cách bình thản.

Thành đột nhiên lên tiếng, giọng ấm khôn cùng:

- Em đọc Say ngủ của Banana Yoshimoto bao giờ chưa?

Và Diệu bật khóc. Diệu không thể kìm được nước mắt đang thi nhau tràn ra, lăn dài trên má Diệu. Nước mắt nóng hôi hổi. Vai Diệu rung lên.




Hết

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9