BẢO BỐI CỦA ANH KẾ TOÁN Truyện ngắn của Tạ Hữu Đỉnh
Ông ấy là ngưởi có chức, có quyền của một xí nghiệp lớn, được nhiều người biết tiếng biết tên. Nếu tiết lộ tên ông ấy ra đây, chắc nhiều người hiểu ngay đó là ai. Nhưng thôi, phải giữ uy tín, thể diện cho người ta. Vả lại, trong trường hợp này, giữ bí mật danh tính cho ông ấy còn là cái “phao cứu sinh”, là “bùa hộ mệnh” cho người kể chuyện nữa. Vậy để tiện dắt dẫn câu chuyện, người kể chuyện xin bịa ra một cái tên. Tên ông ấy là Tuấn. Trần Đình Tuấn. Trước ông Tuấn công tác ở tỉnh này, sau được Tổng công ty rút về Hà Nội.
Gần đây, nhân trở lại địa bàn cũ làm việc với lãnh đạo xí nghiệp, ông Tuấn ghé lại thị trấn X thăm bà Lan, bạn cùng công tác với ông trước. Nay bà Lan đã nghỉ hưu. Bà mời ông ở lại chơi xơi cơm. Khách vui vẻ nhận lời.
Tiện nhà em ở gần, bà Lan chạy sang nhờ Lệ, cô em dâu út của mình (người mà bà vẫn tín nhiệm về khả năng làm bếp) đi chợ, làm cơm giúp.
Lệ đã có một con, nhưng còn khá xinh đẹp. Hay vì mới có một con mà cô càng trở nên xinh đẹp. “Gái một con trông mòn con mắt” cơ mà! Nàng thiếu phụ ngoài hai mươi tuổi ấy có nước da trắng hồng và mịn như trứng bóc, mặt trái xoan thanh tú, đôi mắt to, đen sóng sánh dưới hai nét mày cong như lá liễu. Lệ ăn vận rất giản dị, nửa tây nửa ta, như hầu hết các chị em phụ nữ ở tỉnh lẻ thời bấy giờ. Chiếc quần lụa Hà Đông, đen, mỏng và mềm mại. Cái áo sơ mi pôpơlin cổ cánh dơi, ôm sát người, nổi lên những đường cong gợi cảm. Cử chỉ dịu dàng. Nói năng nhỏ nhẹ. Trông Lệ thật xinh tươi, hiền hậu. Nhất là khi nàng bước vào trong nhà nghiêng đầu chào khách, cặp mắt sóng sánh ấy bỗng sáng bừng lên như ánh lửa hồng. Và khi Lệ xách cái làn nhựa, nhón gót bước qua sân, thì tấm thân trẻ trung, thon thả, tràn trề sức sống kia lại như thanh nam châm cuốn hút cặp mắt tinh đời, từng trải của vị khách. Ông nhìn theo Lệ ra mãi ngoài ngõ…
Dần, chồng Lệ, làm kế toán ở một cơ quan trên tỉnh. Mỗi tuần anh chỉ về nhà một lần vào ngày chủ nhật. (Lúc bấy giờ các cơ quan chỉ nghỉ một ngày trong tuần). Lệ ở nhà một mình, vừa trông con, vừa đan len thuê.
Tuy mới lần đầu tiếp xúc, nhưng trong bữa cơm “gia đình” hôm ấy, tình cảm giữa ông Tuấn và Lệ đã mau chóng trở thành thân mật.
Là người trưởng thành trong thời chiến, phải dành trọn tuổi xuân cho kháng chiến, giờ đây trên đầu đã hai thứ tóc, nhiều lúc ông Tuấn cảm thấy nuối tiếc tuổi xuân. Nên ông rất yêu quý sự trẻ trung và xinh đẹp của Lệ. Và cũng chính vì thế mà ông tranh thủ thời gian trò chuyện với Lệ nhiều hơn với bà Lan, bạn cũ của mình. Thấy Lệ ăn uống không được tự nhiên, ông gắp thức ăn để vào bát cho cô, giục ăn đi. Và thỉnh thoảng ông lại cầm cốc bia giơ lên, nhìn vào mắt Lệ, nhìn bà Lan tươi cười: “Nào, xin chúc sức khỏe chị, chúc sức khỏe cô, chúc cuộc gặp và mọi sự tốt lành. Mời chị Lan. “Cạch!”. Mời cô Lệ. “Cạch!”. Uống đi chứ! Bia chỉ có lợi cho sức khỏe chứ chẳng hại gì”.
Ông ngửa cổ dốc cạn, rồi đặt cốc xuống bàn, lấy khăn tay thấm nhẹ lên khóe mép. Lệ định rót tiếp, nhưng ông ngăn lai: “Khoan! Tôi còn chờ hai chị em cô cạn cốc. Nếu hai người thôi thì tôi cũng xin thôi”. Thế là tiệc vui như con tuấn mã đang phi lại bị một làn roi quất. Nó chồm lên. Bia tuôn trào bọt trắng. Các miệng cốc lách cách chạm nhau. Và cả những ánh mắt cũng…”va” vào nhau, cùng tiếng cười, tiếng nói râm ran, vui vẻ. Rồi hơi men bốc lên, ông Tuấn ngất ngây, dõng dạc đọc: “Buồn đau là biển cả/ Vui sướng là ngọc châu…”. Có nhà thơ nào đó đã viết như vậy đấy. Quả là chí lý. Đời người đã ngắn ngủi, lại sướng ít khổ nhiều. Nhất là lứa tuổi như tôi với chị Lan đây. Cô Lệ ạ. Cho nên tôi nghĩ, ta cũng nên tận hưởng những gì cuộc sống đã đem đến cho mình. Nào uống đi chứ, cô Lệ!”
Là thị dân ở phố nhỏ, ít va chạm, ít ồn ào tiếp xúc, Lệ cũng như con cá ở ao tù, luôn luôn mong muốn được vẫy vùng bơi lội ở nơi sông to, sóng cả. Nên cô rất sẵn lòng ngưỡng mộ những người có tiếng tăm, danh vọng như ông Tuấn. Và giờ đây bỗng dưng được ngồi cùng mâm, được chuyện trò thân mật, cởi mở với ông, khiến Lệ cảm thấy vui sướng, tự hào, hãnh diện, và cả một chút hàm ơn ông nữa.
Rồi để đáp lại tình cảm ấy, Lệ đã dành cho ông không ít những nụ cười, những khóe mắt vui tươi trìu mến. Đang gọi ông bằng “bác” xưng “cháu”, nhưng có lúc vì men nồng chếnh choáng, Lệ đã vô tình buột miệng gọi ông là “anh” xưng “em”.
Và cái sự vô tình bất chợt ấy, cũng xin bạn đọc lượng thứ, đừng trách nàng là kẻ lả lơi. Vì người đàn bà đẹp nào mà chả muốn làm duyên với ngưởi khác giới? Và cái sự làm duyên ấy là vô tư. Cũng như bông hoa nở, tự nhiên mà phô sắc, tự nhiên mà tỏa hương, chứ đâu phải là hoa nhằm trêu gió, ghẹo trăng, hay quyến rũ bướm ong.
Nhưng rồi cuộc vui nào mà chẳng phải tàn? Hôm ấy, mãi đến lúc bóng nắng đã tắt, mặt trời cuối hạ đã chìm vào vùng ráng chiều đỏ ối ở phía Tây, thì tiệc vui ở nhà bà Lan mới kết thúc. Cả hai chị em bà cùng đi tiễn khách.
Trước khi lên ô tô, cảm ơn và chia tay bạn cũ xong, ông Tuấn vội nắm lấy bàn tay búp măng trắng muốt, nóng ấm, mềm mại của Lệ rất chặt, và lâu hơn tất cả những cái bắt tay ông đã bắt từ trước đến giờ. Khiến trái tim Lệ phập phồng, thình thịch đập rộn lên. Lệ rùng mình, sởn gai ốc, khi cái cảm giác người đàn ông lạ nắm tay mình lan truyền đi khắp thân thể. Muốn rút tay ra nhưng Lệ không dám. Cô liếc trộm bà Lan một cái rất nhanh, rồi bối rối nhìn xuống đất, mặt đỏ lên như trái bồ quân. Biết Lệ có bằng trung cấp kế toán, nhưng chưa xin được việc làm, ông mời Lệ lên Hà Nội chơi, và hứa sẽ giúp cô tìm chỗ làm. Rồi chiếc xe hơi mầu đen sang trọng ấy lao vút đi, trước sự bâng khuâng, lưu luyến của người đưa tiễn
Thế rồi lời mời hôm ấy cũng không đến nỗi chỉ là câu nói suông trong lúc chia tay, mà chỉ nửa tháng sau, ông Tuấn lại gửi thư về, khẩn khoản mời Lệ một lần nữa.
Hà Nội! Đi Hà Nội! Ôi chao! Cái thành phố to đẹp mênh mông ấy, mới chỉ có mỗi một lần Lệ được đặt chân đến. Đó là ngày Lệ đi thi đại học. Nhưng vì thi trượt, chẳng còn bụng dạ đâu, nên cũng chỉ như thầy bói đi xem voi thôi, chứ nào Lệ đã biết đầu cuối nó ra sao đâu? Tuổi trẻ được bay nhảy, được đi cho biết đó biết đây, thì ai mà chẳng thích. Nhất là lại được “bao cấp” toàn phần. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mình là gái đã có chồng. Nể ông ấy thì nhận lời, chứ Lệ không dám đi.
Thế rồi thời gian thấm thoắt. Cái mới chẳng bao lâu đã cũ. Cây bàng trước ngõ nhà Lệ, mới hôm nào còn xanh tươi mơn mởn, thế mà sáng nay dưới gốc lá đỏ đã rụng đầy. Và lời mời cũ Lệ cũng đã quên đi.
Nhưng bỗng một hôm ở thị trấn X, người ta lại thấy xuất hiện chiếc ô tô mầu đen, sang trọng. Chỉ có điều không ai dám chắc, đó có phải là xe của ông bạn bà Lan không? Vì xe không đỗ ở trước cửa nhà bà mà ở nhà Lệ. Ở phố nhỏ chuyện vặt cũng thành “thời sự”. Thấy lạ, mấy bà hàng xóm tò mò vội nghển cổ nhìn với qua bờ rào. Nhưng họ cũng chỉ kịp nhìn thấy một ông to lớn đẫy đà, mặt mũi phương phi, tóc hoa râm, com lê ca vát, chững chạc đi vào nhà Lệ.
Thế là cái tin nóng hôi hổi ấy, không cánh mà bay khắp hang cùng ngõ hẻm. Khiến các vị “buôn dưa lê” của quý trấn vội vã túm tụm lại và giẩu mỏ vào nhau mà xôn xao bàn tán:
- Này, này có phải cái ông hôm xưa đã về nhà bà Lan không?
- Nào đã ai biết.
- Ô tô sang thế, cầm chắc là sếp bự rồi.
- Đằng ấy có biết là ông nào không?
- Ông Hũ đấy!
Cả bọn cười rộ lên. Rồi một bà nói, giọng trầm trầm, nửa buồn nửa trách:
- Chồng con người ta thế, chứ chồng con mình thì…Nồi bẩy quăng ra, nồi ba quăng vào, mà suốt đời cũng chẳng làm nên tích sự gì. Sáu bẩy năm đi lính cụ Hồ, vào Nam ra Bắc, đến khi xuất ngũ cũng chỉ được mỗi cái hàm hạ sĩ, chức vụ anh nuôi!
- Rõ khéo cái mụ này! Tham danh hám lợi. Bới xấu chồng, sao chẳng nghĩ đến câu: “Chồng ta áo rách ta thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người”?
- Thôi thôi tôi xin cả hai bà! Ơ...nhưng mà này! Có thấy bảo vợ chồng nhà cái Lệ có người làm to đâu, nhỉ? Họ hàng chẳng phải, nhân ngãi cũng không. Có việc gì sao không phóng xe lên tỉnh gặp chồng, mà lại đến ngày thường, chỉ có mỗi vợ ở nhà. Tớ nghi lắm các mợ ạ. Đã ai biết ma ăn cỗ lúc nào đâu? Hí…hí…
Họ lại cười rộ lên. Nhưng chỉ khoảng nửa tiếng sau, chiếc ô tô ấy đã vội vã ra đi.
Vâng. Đó chính là xe ông Tuấn, bạn cũ của bà Lan.
Ông Tuấn đi đã lâu rồi. Và cơn giông tố cũng đã qua. Căn nhà cấp bốn nhỏ xinh và đầm ấm như cái tổ chim câu của vợ chồng Lệ cũng vắng lặng trở lại rồi. Cả thằng Cu, sau lúc giật mình khóc thét, giờ cũng ngủ yên rồi. Thế mà Lệ vẫn bàng hoàng, sửng sốt. Cơn sợ hãi vẫn chưa qua. Lệ ôm con ngồi yên như chết lặng đi ở góc giường. Vì sau những phút giây căng thẳng đến tột cùng, thì giờ đây Lệ lại vô cùng hoang mang, không hiểu sao con người rất đáng kính, cả về tuổi tác lẫn địa vị ấy, lại có hành vi điên rồ như vậy?..
Rồi ngay tối hôm ấy, trong khi Lệ còn chưa kịp “hoàn hồn”. thì hai mụ hàng xóm tò mò, hiếu sự đã tong tả chạy sang. Họ muốn biết ngay: Do đâu mà nhà Lệ lại có cái “vinh dự” được hẳn một ông sếp đánh ô tô đến tận nhà? Ông ấy là ai? Đến có việc gì?..
Vì tình xóm láng, tối lửa tắt đèn, buộc lòng Lệ phải đổi giận làm vui, tiếp họ. Lệ rót nước, đặt chén vào tay từng người mời, và vui vẻ chuyện trò. Chuyện trăng sao, tây đông một lúc. Rồi một bà hỏi: “Khách không ở chơi lại về ngay à? Trông ông ấy phúc hậu, đẹp lão quá nhỉ? Sếp của chú hay Việt kiều mới về chơi?”. Lệ chưa kịp đáp thì bá kia đã chen vào: ‘Nếu ông ấy là Việt kiều thì tua này mẹ con thằng Cu tha hồ mà tiêu nhỉ? Hi!... Hi!...”. Bất giác Lệ cũng nhếch mép, nhưng chẳng phải là cười, mà cũng không ra khóc. Trán Lệ thoáng cau lại, tim gan như muốn sôi lên. Rõ vớ vẩn, nghe mà lộn cả ruột. Rồi để tống tiễn cái “của nợ” ấy đi, Lệ cố bình tĩnh nói: “Không, ông ấy là cán bộ, bạn chị Lan, đang giúp em xin việc. Hôm nay đi qua, bác ấy vào lấy hồ sơ của em đấy mà”.
Hai bà hàng xóm về rồi. Lệ nhìn ra ngoài xa, trút một hơi thở dài nhẹ nhõm. Trời đêm trăng sao mờ tỏ mênh mông. Gió heo may vi vút. Đêm se se lạnh. Phố vắng. Lệ vào trong nhà. Hai gian nhà vắng vẻ, bỗng như rộng hẳn ra. Vẫn là giường, là tủ, là bàn, là ghế ấy, nhưng gối chăn sao lẻ loi, quạnh quẽ thế?.. Rồi không sao cầm lòng được. Nước mắt trào ra. Lệ khóc!..
Nhà Lệ chẳng có đài đóm, ti vi, phát thanh truyền hình gì, ngoài cái loa galen, nhỏ như bao diêm, đóng đinh treo trên tường, mà lúc nào nói cũng lụp bụp nổ như ngô rang, giọng thì lè rè như người ngạt mũi.
Tuy thế, nhưng nó vẫn là “người bạn” thuỷ chung và luôn luôn song hành cùng Lệ. Tối nào Lệ cũng ngồi, vừa đan len, vừa nghe đài, mãi đến khuya mới đi ngủ. Nhờ nó mà cái “tổ chim câu” vắng vẻ của Lệ, lúc nào cũng ồn ã tiếng người.
Nhưng đó là trước đây. Còn đêm nay thì Lệ chẳng còn hơi sức đâu mà ngồi đan len và nghe đài nữa. Thu don xong, Lệ lên giường nằm ôm con. Cô định ngủ một giấc cho lại sức, nhưng suốt đêm lo nghĩ trằn trọc. Có lúc vừa thiếp đi được, thì chỉ một tiếng động nhỏ cũng khiến Lệ giật mình tỉnh dậy. Lệ cầu mong từng phút, từng giây mau mau, chóng chóng qua đi để đến lúc Dần vể. Để Lệ kể hết cho anh ấy nghe. Chắc anh sẽ cảm thông, sẽ hiểu lòng Lệ vẫn thuy chung trong trắng và anh sẽ càng yêu thương Lệ hơn…
Thế rồi cái phút giây Lệ bồn chồn mong đợi ấy cũng đến. Vừa trông thấy chồng bước vào ngõ, mặt Lệ đỏ bừng lên, và cặp mắt trong veo ấy bỗng mờ đi vì nước mắt. Nàng tủi thân. Chỉ vì hoàn cảnh xa cách, mà mình không được chồng bảo vệ, chở che, khi bị cưỡng bức, áp chế. Lệ chạy ùa đến, choàng tay ôm cổ chồng, áp mặt vào vai, vào ngực chồng thổn thức khóc. Dần chẳng hiểu chuyện gì, anh cuống quýt, hốt hoảng, ôm xiết vợ vào lòng và dồn dập hỏi:
Sao, làm sao? Xẩy ra chuyện gì thế, em?
Lệ không trả lời, và càng nức nở hơn. Nước mắt thấm đẫm ngực áo Dần. Thấy vợ đang quá xúc động, Dần dìu vợ vào trong nhà. Anh nâng mặt vợ ngước lên, nhìn vào đôi mắt ướt đẫm ấy, và vuốt những sợi tóc vương, dính trên má Lệ, rồi dồn dập hôn lên mắt, lên môi, lên khắp cả khuôn mặt thanh tú ấy.
- Em không ngờ ông ấy lại dám làm như vậy. Lệ nói.
- Em bảo ông nào? Làm sao? Dần hỏi.
- Là cái lão hôm xưa về nhà chị Lan chơi ấy. Em đã kể với anh rồi. Nhưng em không nói cho anh biết là ông ấy mời em lên Hà Nội chơi. Chiều hôm qua lão ấy lại dẫn xác về đây, bảo đón em lên Hà Nôi. Em bảo cháu không đi. Thế là ông ấy nắm tay em, kéo giật em lại, ôm chặt em vào lòng, ghé mặt định hôn em. Sợ quá. Em ngoảnh mặt đi. Ông ấy liền bế xốc em lên giường. Em chống lại, bảo: “Nếu bác không bỏ ra, cháu kêu lên đây này”. Nhưng rất lì lợm, lão ấy không bỏ, mà còn dỗ dành em: “Tôi, tôi xin cô. Anh xin em. Anh yêu em. Em chiều tôi đi! Em chả mất gì mà cả hai chúng ta cùng được vui vẻ. Rồi em muốn gì tôi cũng chiều”. Không! Không đời nào! Em chống cự quyết liệt. Nhưng như con hổ đói, lão vẫn không chịu rời em ra. Tức quá. Em không khóc mà nước mắt cứ tràn ra. Sợ hàng xóm biết, em không dám kêu. Vật lộn mãi, mệt quá tưởng chết mất. Nhưng em nghĩ: “Nếu có chết, mình cũng như ngọn lửa, phải bùng lên lần cuối cùng rồi mới tắt”. Em huy động đến giọt sức cuối cùng, cố gắng vùng lên. Miệng cắn, tay đấm, chân đạp túi bụi. Giường chiếu xô dạt, va đập ầm ầm. Bỗng thằng Cu ngủ ở giường bên giật mình khóc thét lên. Thế là lão phải buông em ra. Em vội vàng ôm chặt lấy con, dỗ, ru cho nó khỏi sợ. Ông ấy đứng lên, vuốt tóc, lau mồ ôi, chỉnh sửa quần áo rôi ra bàn ngồi thở.
Em tin chắc lão đã khuất phục được nhiều đối tượng rồi, nên mới dám liều như vậy. Nhưng lần này thì lão không ngờ…Rồi trước khi đi, ông ấy còn đổi giọng, làm ra vẻ hối hận, bảo em: “Bác rất lấy làm tiếc là đã xẩy ra như vậy. Thôi xin cháu thông cảm, bỏ qua cho bác”.
Lệ ngừng lời lấy khăn lau mặt. Vẻ mặt Lệ vẫn còn buồn, nhưng đã bớt xúc động.
Muốn tránh cho chồng những tổn thương tinh thần không đáng có, và đồng thời cũng là giảm áp lực cho mình, nên khi kể lại cuộc vật lộn với ông Tuấn, Lệ đã bỏ bớt đi những chi tiết cọ xát da thịt giữa hai người. Nhưng dòng máu ghen tuông trong huyết quản người chồng vẫn sôi lên sùng sục. Dần chỉ muốn trả thù, rửa nhục bằng bất cứ giá nào. Giận quá, anh nghiến răng, chửi tục. Nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, Dần cũng hiểu rằng, mình chỉ là quả trứng nhỏ bé, mỏng manh, làm sao có thể đối chọi với tảng đá lớn như vậy được. Mà lấy đấu ra bằng chứng? “Khẩu thuyết vô bằng”. Lời nói gió bay. Không khéo mình còn bị quy kết là “phần tử xấu”, vu khống, làm mất uy tín cán bộ, thì tai họa còn chưa biết đến đâu mà lường. Vả chăng, kẻ xấu cũng chưa thực hiện được ý đồ. “Của nả” vẫn còn nguyên, thì cũng nên cho qua. “Một sự nhịn là chín sự lành”.
Dần an ủi vợ:
- Thôi, chuyện đã qua rồi, đừng nghĩ ngợi nữa em ạ. Ta chỉ nên coi đó là một bài học, để đề cao cảnh giác thôi.
Nhưng rồi những ngày sau đó, cũng chính vì cái tinh thần “đề cao cảnh giác” ấy đã thúc đẩy anh kế toán ôn lại, nhớ lại và xem xét lại tất cả cử chỉ, hành vi đạo đức cũng như các mối quan hê của vợ mình với bạn bè, với những người chung quanh, xem có gì mờ ám, khuất tất không? Nhưng không. Hai đứa cùng ở một phố. Lúc nhỏ chơi với nhau. Lớn lên cùng học một trường, yêu nhau, rồi thành vợ chồng, mọi sự đều rõ ràng, sáng tỏ. Khiến Dần rất yên tâm tin tưởng.
Dần vốn là người hiền lành, ít nói, rất ngại va chạm. Trong xử thế anh luôn luôn lấy câu “Dĩ hòa vi quý” làm phương châm. Là một viên chức rất cần mẫn, luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng vì lí do này, lí do khác, anh chưa phải là đảng viên. Anh rất tin những người ở trong đảng, đều là người ưu tú. Nhất là các cấp lãnh đạo. Họ có lí tưởng cao cả, có năng lực và đạo đức tốt. Họ không vị kỷ tham lam, không hủ hóa, tham ô, xách nhiễu. Mà cái quan hệ nam nữ sai lầm được gọi là “hủ hóa” ấy, lúc bấy giờ còn bị coi là một tội nặng. Ai trót mắc phải, nhẹ thì cũng bị phê bình, cảnh cáo. Nặng thì mất chức, hạ cấp, khai trừ đảng. Thậm chí không ít trường hợp còn bị đưa ra ngoài biên chế, mất công ăn viêc àm, và tiêu vong cả sự nghiệp.
Vậy, tại sao một cán bộ dầy dặn kinh nghiệm như ông Tuấn, mà lại mắc sai lầm đó? Thật khó hiểu, khó tin…
Nhưng nếu không tin, chẳng hóa ra Lệ đã bịa đặt? Mà nàng bịa để làm gì? Không! Không! Dần hiểu Lệ không phải là kẻ điêu ngoa. Có lẽ ở phía sau, ở nơi sâu kín của vấn đề này, còn ẩn chứa một điều gì đó mà Dần chưa hiểu được. Cho nên anh cần phải biết, phải xem xét cho tường tận, xem đó là cái gì? Vả chăng, kinh nghiệm cũng mách bảo anh rằng: Muốn biết đúng, biết hết sự thật, thì phải nghe cả hai tai, phải nắm bắt thông tin từ nhiều phía. Ngoài ra, còn một điểm nữa cũng phải xét đến. Đó là việc làm của ông Tuấn, đương nhiên còn xúc phạm cả Dần nữa. Cho nên anh cần phải tỏ rõ thái độ cho ông ấy biết.
Dần quyết định viết thư cho ông Tuấn. Thư là một mũi tên, nhưng nhằm hai đích. Một là để kiểm chứng lời kể của Lệ. Hai là, ngăn chặn đối phương, nếu còn ý đồ, thì cũng không dám tiếp tục nữa.
Biết rõ tầm quan trong, và sự nguy hiểm của việc mình làm, nên Dần đắn đo, cân nhắc rất kỹ nội dung thư. Anh dùng những câu, chữ vừa lễ độ, vừa khiêm nhường, thuật lại lời kể của Lệ. Và cuối cùng, anh viết: “Bác là người gia đình chúng cháu rất kính trọng và quý mến. Thế mà nay, thật không ngờ lại xẩy ra chuyện đáng tiếc như vậy. Nhiều lúc cháu rất hoang mang, không hiểu hư thực thế nào? Nên cháu rất mong được biết ý kiến của bác”.
Thư đi. Chờ mãi chẳng thấy hồi âm. Và thời gian chờ đợi càng lâu bao nhiêu, thì sự băn khoăn, ngờ vực càng tăng lên bấy nhiêu. Cuối cùng, biết có chờ nữa cũng vô ích, Dần lại viết thư thứ hai. Lần này, lòi lẽ có mạnh bạo hơn và quyết đoán hơn trước: “…Nếu bác cố tình không giải thích, thì xin phép bác, cháu sẽ nhờ Ban tổ chức giải thích cho cháu vậy”.
Quả nhiên, bị điểm đúng “huyệt’.
Chỉ một tuần sau, Dần nhận được, không phải là một, mà những hai thư trả lời của ông Tuấn. Thư trước, ông tỏ ý rất lấy làm tiếc là mình đã có lúc – ông gọi là “mềm lòng, yếu kém’, để xẩy ra chuyện không hay. Song, ông lại vin vào hoàn cảnh: “Có lẽ do bác phải đi công tác nước ngoài nhiều nên cũng bị ảnh hưởng lối sống, tác phong người châu Âu. Mong các cháu thông cảm, bỏ qua cho bác”. Cuối thư, ông còn tái bút: “À tí nữa thì quên. Cháu Lệ chưa có việc làm, sự chi tiêu chắc cũng không được rộng rãi. Kinh tế bác cũng có tích lũy. Nếu các cháu không chê, bác sẽ gửi chút ít đỡ tay cho các cháu. Hay cần giúp đỡ gì, cứ viết thư cho bác”.
Thư sau, ông Tuấn viết sau thư trước ba ngày. Ông báo tin, đã tìm được nơi cần nhân viên kế toán: “…Chỉ tiếc là xí nghiệp này ở Hà Nội, xa xôi, không tiện. Hay cứ nộp đơn, rồi xin chuyển vùng sau?”.
Thế là cả hai mục đích, Dần đều đạt được. Mọi sự đã rõ ràng. Đáng lẽ, anh chẳng cần gì ở ông ta nữa, nhưng vì cái thư thứ hai, anh nghĩ có thể có hai khả năng. Một là, ông ấy thật lòng, muốn giúp Lệ. Hai là, nấp dưới cái “vỏ” ấy để có cơ hội tiếp tục “chinh phục” Lệ. Nên, một lần nữa, Dần lại viết thư cho ông Tuấn. Lời lẽ vẫn lễ phép, nhã nhặn như trước, nhưng ý tứ thì đầy vẻ chua cay, khinh mạn: “Thưa bác, chúng cháu rất cảm ơn ý định giúp đỡ của bác, cả việc làm, cũng như tiền nong. Song, cháu nghĩ, đồng tiền ấy ở tay bác là tiền chân chính, nhưng sang tay chúng cháu thì thành bất chính. Thưa bác, chúng cháu dù nghèo, nhưng không bán phẩm giá của mình, không làm cái việc mà bất cứ người có lương tri nào cũng phải thấy là đáng hổ thẹn”.
Từ đấy, quan hệ giũa hai bên, Dần và ông Tuấn đã chấm dứt. Anh cất mấy cái thư của ông ấy đi để kỷ niệm. Coi đó là bằng chứng của sự thủy chung của Lệ. Đồng thời cũng là bài học giúp anh tỉnh ngộ…
*
* *
Một hôm có người lạ mặt đến nhà Dần. Anh ta tự giới thiệu mình là cán bộ Ban tổ chức, biết Dần đã lâu, do đi xem thi đấu bóng chuyền. Vì “mến mộ” khả năng chơi bóng của Dần, nên tiện dịp xuống thị trấn công tác, anh đến chơi thăm.
Vốn tính thật thà, lại được khen chút tài nhỏ của mình, nên Dần rất vui vẻ tiếp khách. Lân la hết chuyện này sang chuyện khác. Từ thể thao bóng đá, bóng chuyền, cầu lông. Rồi đến chuyện gia đình, vợ con, làm ăn sinh sống. Cả chuyện cơ quan xí nghiệp, ở đâu, đơn vị nào làm ăn phát đạt. Ở đâu xẩy ra tham ô lãng phí, nội bộ “đấu đá” nhau mất đoàn kết anh ta đều biết rất cụ thể.
Cuối cùng, thấy khách ở chơi lâu quá mức một cuộc giao tiếp bình thường, Dần đâm ra nghi. Anh đang băn khoăn, không hiểu mục đích thực sự của khách là gì? Thì vị cán bộ tổ chức ngỏ ý muốn được xem mấy lá thư của ông Tuấn. Và để Dần yên tâm, anh ta còn cho Dần biết, trong đợt khai lý lịch kiểm tra cán bộ vừa qua, ông Tuấn đã thành khẩn tường trình với tổ chức, và đã nghiêm khắc kiềm điểm sai lầm của mình rồi. Nhưng vì nguyên tắc công tác tổ chức, anh ta vẫn cần phải xem mấy lá thư đó.
À thì ra là thế!...
Vì quá bất ngờ, Dần có vẻ bối rối, Nhưng anh vẫn kịp nhận ra rằng, hai cái thư đó đã trở thanh “vật chứng” quan trọng. Và con người đang hiện diện trước mắt mình đây, chẳng phải ai khác, mà chính là người của ông Tuấn. Có lẽ do những lời lẽ “gai góc” trong cái thư cuối cùng của Dần, đã khiến ông ấy cảnh giác, đề phòng bất trắc. Nên ông ấy muốn thu hồi “vật chứng” về cho chắc chắn.
Dần từ chối. Nhưng chẳng hiểu sao lúc ấy anh lại nói một câu lấp lửng, nước đôi: “Vâng. Nhưng không chắc đã còn. Có khi tôi bỏ đi rồi. Để tôi tìm rồi gửi anh đọc sau” (Câu trả lời này, về sau nhiều lúc làm cho Dần phải hối tiếc). Khách đành thất vọng ra về.
Thế rồi, đùng một cái có Đoàn thanh tra tài chính đến cơ quan Dần làm việc. Anh hết sức kinh ngạc. Vì vị trưởng của cái đoàn “đáng gờm” ấy, chẳng phải ai xa lạ, mà chính là vị cán bộ tỏ chức hôm nào đã đến nhà mình.
Sau hơn một tuần làm việc khẩn trương, căng thẳng, Đoàn thanh tra phát hiện ra một bản hợp đồng, đã thanh lý sai nguyên tắc. Bên A (cơ quan Dần) đã tạm ứng cho B (người thân của giám đốc cũ), số tiền lớn hơn tổng số cước phí vận tải mà A phải thanh toán cho B. Rồi để hợp thức hóa số tiền chênh lệch đó, theo lệnh giám đốc, kế toán trưởng đã ghi tăng cây số vận tải, và nâng giá cước cao lên, để thanh lý hợp đồng.
Đoàn thanh tra ra quyết định, kỷ luật người cố ý làm trái, ở mức cảnh cáo ghi lý lịch, và phải bồi hoàn số tiền thất thoát cho công quỹ. Giám đốc cũ đã nghỉ hưu, chỉ còn kế toán trưởng. Dần phải chịu trách nhiệm thi hành quyết định đó.
Số tiền ấy, với tập thể thì chẳng đáng là bao, nhưng với cá nhân thì không phải là nhỏ. Dần đang lo lắng đến bạc cả tóc, mà vẫn chưa tìm được cách giải quyết thì vị trưởng đoàn thanh tra gọi Dần đên bảo: “Cách giải quyết khó khăn của anh đang nằm ở trong tay anh đấy. Chỉ cần anh chuyển nó cho tôi là xong thôi mà”.
Thì ra lại vẫn là cái “của nợ” ấy! Giá hôm ấy mình cứ bảo là đã hủy đi rồi, thì có phải yên chuyện không!
Và nhanh như một ánh chớp, một ý nghĩ vụt lóe lên, mách bảo Dần: Nếu đưa cái “bảo bối” ấy ra, thì tiền anh vẫn phải đền, mà chưa chắc chuyện đã xong. Vì không có bằng chứng sai phạm, tức là không sai phạm. Đến lúc ấy, liệu ông Tuấn có tha cho một thằng nhãi nhép, mà dám ngạo mạn, xấc xược với cấp trên như anh không? Chắc là không. Vậy thì anh phải giữ cho thật chắc cái “bảo bối” ấy. Vì giờ đây nó không chỉ là cái “áo giáp chống đạn” để bảo vệ anh, mà nó còn là một thứ vũ khí để răn đe đối phương nữa. Suy nghĩ như vậy, Dần liền lễ phép nói với ông thanh tra: “Thưa anh, quả tình tôi đã tìm rất kỹ, nhưng thật đáng tiếc là mấy lá thư đó không còn”.
Trả lời như vậy, Dần hiểu sự khó khăn, nguy hiểm vẫn đang treo lơ lửng trên đầu mình, Nên ngay chiều thứ bẩy ấy về nhà, để cho thật yên tâm, thật chắc chắn, Dần đã đem mấy cái thư ấy đi “sơ tán”.
Ở nhà chị gái về, sau bữa cơm chiều, khoảng tám giờ tối, vợ chống Dần đang ngồi uống nước, nghe đài, thì ông tổ trưởng dân phố dẫn hai người đàn ông lạ mặt đến nhà. Ông ta giới thiệu là Đoàn kiểm tra hành chính của thị trấn đến làm việc. Các nhà chức trách, ai cũng trang phục tề chỉnh, mặt mũi nghiêm trang, cử chỉ cẩn trọng, lặng lẽ. Chẳng biết có chuyện gì. Nhưng chắc chắn là quan trọng. Hai vợ chồng Dần cùng đánh mắt sang nhau dò hỏi, sợ tái mặt đi. Một ông mở cặp lấy giấy, đọc Lệnh kiểm tra của Viện kiểm sát nhân dân huyện. Rồi ông yêu cầu chủ hộ chấp hành pháp lệnh.
Dần bảo vợ đưa chìa khóa. Anh mở tủ, mở va ly, túi xách, ngăn kéo để Đoàn khám xét. Họ lặng lẽ làm việc, không ai trao đổi với ai, dù chỉ là một lời nói thầm. Khiến không khí càng trở nên căng thẳng, nặng nề. Họ lục lọi khắp nơi. Giũ tung cả chăn màn quần áo. Song, Dần thấy họ đặc biệt chú ý đến chồng sách vở, báo chí của anh ở trên bàn. Họ mở từng quyển sách ra xem xét, và giũ các tờ báo cũ xem có gì kẹp vào trong không?...
Thế là Dần hiểu, cái vật mà các nhà chức trách đang cần tìm là cái gì rồi…
Thì ra cuộc “kiểm tra” này cũng chỉ là bước tiếp theo của lần “thanh tra” trước. Và cái màn kịch trá hình, nấp dưới danh nghĩa Nhà nước này, chẳng phải ai khác mà chính là ông Tuấn, một cán bộ đã thoái hóa biến chất, đạo diễn. Ôi thật hú vía! Chỉ chậm một tí nữa thì…
Kết quả cuối cùng là sau hơn một tiếng đông hồ khám xét, Đoàn kiểm tra của quý trấn chẳng tìm thấy bất cứ vất gì là phi pháp. Nên cái vẻ nghiêm trang, căng thẳng lúc đầu đã được thay thế bằng mấy câu hỏi han hòa nhã. Rồi trước khi đi, họ còn cảm ơn gia đình đã cộng tác, giúp đỡ để Đoàn hoàn thành nhiệm vụ.
Họ đi rồi. Sự gay go, căng thẳng trước mắt đã qua đi. Nhưng nỗi lo cho tương lai thì càng tăng lên gấp bội. Vì qua lần kiểm tra này, càng chứng tỏ quyết tâm của ông Tuấn, muốn đào cùng tát cạn, để đạt được mục đích của mình. Và rồi đây còn những chuyện gì nữa sẽ xẩy ra? Dần cũng không thể biết chắc được. Vậy, anh phải làm gì để bảo vệ cuộc sống bình yên của bản thân và gia đình mình đây?...
Lo lắng, trằn trọc mãi. Rồi như kẻ sắp chết đuối vớ được cọc chèo, Bất chợt anh nhớ đến ông Trần Sâm, phó chủ tịch phụ trách khôi văn xã. (Ông Sâm là “một cây đại thụ” trong làng bóng chuyền). Vừa nghĩ đến cái “cọc lim” vững chắc ấy, Dần đã thầm thốt lên lời cảm ơn số phận, cảm ơn Thần Phật, tổ tiên đã dun dủi, an bài, để anh đến với thể thao, với quả bóng chuyền. Nhờ đó mà anh được quen biết, được cùng hội cùng thuyền với ông ấy. Ngoài chức vụ, ông Sâm còn là anh em con chú bác vơi ông Tuấn. Nếu ông vui lòng giúp đỡ Dần, thì mọi rắc rối của anh, chắc chắn rồi sẽ ổn thỏa.
Sau giờ làm việc, Dần đến nhà riêng gặp ông Sâm. Anh trình bày cặn kẽ sự việc và xin ông vui lòng giúp mình.
Nghe xong ông Sâm bảo:
- Bậy thật! Mình hoàn toàn không biết gì về viêc này. Còn cái thằng Vũ, cậu bảo nó là trưởng Đoàn thanh tra ấy, chính nó cũng dính vào một vụ tham nhũng, công an đang điều tra. Chắc nó định đoái tội lập công đây. Ông ngừng lời, ngẫm nghĩ một lúc rồi nói tiếp:
- Thôi được. Cậu cứ về yên tâm công tác. Rồi mình sẽ nói với ông Tuấn cho. Nhưng mà nay…cậu đưa cho mình xem mấy cái thư ấy một tí có được không?
Câu hỏi quá bất ngờ, khiến Dần ngây ra, ấp úng mãi chẳng nói được nên lời, chỉ:
- Dạ, da, thưa, thưa…anh…
Uông Bí, tháng 6 năm 2007