CHUYỆN TÀY ĐÌNH

Tác giả Bài
tahuudinhqn
  • Số bài : 125
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 30.08.2010
CHUYỆN TÀY ĐÌNH - 20.04.2011 22:21:54
CHUYỆN TÀY ĐÌNH
                                                                          Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
Truyện ngắn “Viên đạn thối” của Thăng Sắc (báo Văn nghệ số 18 + 19 cuối tháng 4/2006), kể về tai họa của gia đình ông Thịnh, một đại tá nghỉ hưu, về ở với con. Trong ngôi biệt thự ba tầng ấy, vợ chồng con trai ông nuôi một con chó tây. Chẳng hiểu sao ông Thịnh lại không thích con chó ấy. Có lần bạn đến chơi, ông bảo: “Mình ghét cái con quỷ đực ấy lắm, chỉ muốn bắn chết”. Thế nhưng vợ chồng con trai ông lại rất thích nó. Cho nó ăn giò, ăn phở…Rồi tác giả viết:
         “Vào một sáng thứ bẩy, trong phòng khách, con dâu ông đang ngồi lả lơi để cho con chó gác mõm lên đùi. Thì cái Lý, đứa ô sin, dắt thằng cháu lên ba của ông vào phòng khách. Mẹ nó buông con chó, đón thằng bé vào lòng. Thằng bé vẫn coi con chó là bạn. Nó vuốt lên mõm, lên bờm, lên tai con chớ. Nhưng con chó lai không coi thằng bé như một thiên thần. Con chó đã quen nghĩ rằng  chính nó mới là chủ nhân người đàn bà, rằng chỉ nó mới có quyền được người đàn bà âu yếm, vuốt ve, rằng nó không thể chia sẻ người đàn bà trắng trẻo xinh đẹp này cho ai. Vì thế trong mắt nó, thằng bé không là bạn, không là thiên thần mà chỉ là kẻ đang muốn lôi người đàn bà ra khỏi nó. Nó gừ lên dữ dội làm thằng bé giật mình, tụt xuống ôm lấy đùi mẹ. Động tác ấy làm cho chất ghen tuông dã thú trong con chó nổi lên cuồn cuộn, bỗng chốc mắt đỏ sọc, lông sù như lông nhím. Bằng một sức mạnh dã thú, nó chồm lên ngoạm vào cổ thằng bé…”.
          Mọi người xúm lại cứu đứa bé. Bố đứa bé và cả mấy người bạn của anh ta “…đã dùng những cánh tay lực sĩ đấm đạp…”. Nhưng rồi lại phải chính ông Thịnh với sự “linh hoạt của người lính”, đã giật dược cái cờ lê trong tay người bạn của con, đập mạnh vào gáy con chó nó mới mở miệng ra. Đứa trẻ được đưa đi bệnh viện, nhưng không cứu được. Thằng bé chết. Tác giả viết tiếp:
          “Một nỗi căm thù cuồn cuộn xâm chiếm ông, ông nghĩ tới khẩu súng K54 và hai viên đạn, vật kỷ niệm của người lính già. Trước khi rời quân ngũ, đồng chí hậu cần đơn vị đã nói:
           - Khẩu súng này đã gắn bó với thủ trưởng cả đời, thủ trưởng cứ giữ lấy làm  kỷ niệm.
           Ông Thịnh cười:
          - Súng mà không có đạn thì để là gì?
          -  Quân khu kiểm kê còn thừa hai viên, em đưa cả cho thủ trưởng.
          “…Ông Thịnh vẩy đạn vào đầu chó với sự lão luyện của người lính. Trong phòng vang lên tiếng nổ đanh như tiếng pháo cối, khói trắng tỏa ra từ nòng súng, con chó hú lên một tiếng kinh hoàng rồi ngã vật xuống. Ông Thịnh bình tĩnh một cách lạ lùng, giơ súng lên, chĩa vào thái dương mình bóp cò. Chỉ nghe một tiếng tách. Viên đạn thối”.
           Ối, cha.. cha..kinh thật! Chuyện tày đình! Suýt nữa chỉ vì một con chó biết nổi máu ghen tuông mà một lúc mất đến cả hai mạng người!
                                                          *
                                                     *           *
          Trong sáng tác văn học, tất nhiên tác giả có quyền hư cấu. Và đối với nhân vật do mình sáng tạo ra, thì tác giả là “chúa tể”, muốn bắt chúng đứng hay ngồi, muốn sai khiến chúng làm gì, thậm chí có thể bắt nhân vật này chết, để nhân vật kia sống, cũng là tùy ở nơi người sáng tạo.
          Song, mọi sự vật nẩy sinh, kể cả trong thế giới tự nhiên, cũng như trong xã hội con người, đều có quy luật, có cái logic riêng của nó. Đó là sự thật. Là thực tế  khách quan. Mà chính tác giả cũng bị phụ thuộc vào những quy luật ấy, khiến không thể bỏ qua, không thể nhắm mắt muốn “bịa” thế nào cũng được.
          Thí dụ đoạn văn này trong truyện ngắn “Viên đạn thối”: “Con chó đã quen nghĩ rằng chính nó mới là chủ của người đàn bà, rằng nó không thể chia sẻ người đàn bà trắng trẻo xinh đẹp này cho ai…”. Hiện nay, tuy chưa có máy móc gì trắc nghiệm xem con chó suy nghĩ ra sao. Nhưng những ý nghĩ đó chắc chắn chỉ có thể là của chính tác giả, chứ không phải và không thể là của con chó. Đã là con chó, thì dù chó Tây, chó Nhật, hay chó Tầu, dẫu có biết nằm mơ, chắc chắn chúng cũng không thể mơ được làm chủ một người đàn bà xinh đẹp.
          Tác giả bảo con chó vì ghen tuông mà cắn chết thằng bé là nói điêu, là bịa đặt, là vu oan cho một giống nòi mà đời đời kiếp kiếp chúng vẫn hết lòng trung thành với con người, chủ nhân duy nhất của nòi giống chúng. Đồng thời những lời lẽ nông cạn, thô thiển đó còn vô hình trung xúc phạm đến nữ giới nữa.
          Lại còn chuyện khẩu súng nữa. Chẳng biết tác giả lấy ở đâu ra mà đưa cho  ông Thịnh bắn chó xong rồi tự tử? Chứ quy chế sử dụng vũ khí, khí tài của quân đội ta, thì không có điều khoản nào quy định tặng vũ khí cho quân nhân xuất ngũ làm vật kỷ niệm, bất cứ người ấy ở cấp bậc nào.
          Đọc cái truyện “Viên đạn thối” này, tôi lại nhớ đến câu thành ngữ lâu nay vẫn thấy lưu truyền trong dân gian “Nhà văn nói láo, nhà báo nói khoác”. Liệu câu nói ấy có quá đáng không? Thưa quý vị bạn đọc, và ông Thăng Sắc !
 
                                                                   Uông Bí, ngày 14/5/2006  
                                                                   Đại Lải, ngày 14/7/2010