CON ĐƯỜNG TÂM LINH
tahuudinhqn 05.05.2011 15:45:38 (permalink)
CON ĐƯỜNG TÂM LINH
( Thư ngỏ gửi nhà văn Minh Chuyên )
                                                               Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
Thưa ông,
Rất tiếc là tôi chưa đươc xem phim “Linh hồn Việt Cộng”, mà chỉ được đọc thiên bút ký “Gió dữ, gió lành” của ông (Văn nghệ số 30, ngày 26-7-2008). Theo tôi nghĩ thì thể loại ký khác truyện ở chỗ ký không hư cấu như truyện. Tức ký là sự thật. Nhưng…cũng xin thú thực với ông, tôi không tin những gì ông viết ở trong bài ký ấy là sự thật. Song, lúc ấy tôi nghĩ mặc thiên hạ, hơi đâu mà bận tâm đến sự giả dối của người đời. Nhưng rồi ít hôm sau lại thấy bài: “Minh Chuyên xin lấy tính mạng để bảo vệ  danh dự cho linh hồn liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm” (Văn nghệ số 35, ngày 30/8/2008). Nên không đừng được nữa, tôi viết thư này xin được hỏi ông một điều sau đây:
 - Linh hồn liệt sĩ (nếu có) Hoàng Ngọc Đảm có lỗi lầm gì, và ai đe doạ đến an nguy của linh hồn mà ông phải lấy tính mạng của mình ra để bảo vệ? Hay đúng ra là ông đang lấy linh hồn của liệt sĩ Đảm để bảo vệ cho danh dự của ông trước búa rìu của dư luận?
Về cái chết của liệt sĩ Đảm, ông cho Homer cựu binh Mỹ kể lại: “Tại cứ điểm 20 trên đồi 467 huyện Ayn Pa, Gia Lai, tôi đi phát khẩu phần ăn cho lính, bất ngờ gặp một lính Việt Cộng trên khúc cua đường.  Lưỡi lê sáng loáng trên đầu súng, anh ta đột ngột chĩa súng vào tôi. Tôi hô to         “chiêu hồi, chiêu hồi”. Tức câu kêu gọi đầu hàng. Anh lính Việt Cộng xông lên. Tôi đã nổ súng trước khi lưỡi lê của anh đâm vào tôi”.
Chẳng cứ gì lính, mà bất kỳ ai cũng hiểu viên đạn bay đi nhanh hơn lưỡi lê đâm. Vậy tại sao anh Đảm không nổ súng trước Hômer, mà lại “xông lên” định đâm? Chẳng lẽ súng của anh ta không có đạn? Mà cả Homer nữa cũng rất… vô lý. Súng của đối phương đã chĩa vào ngực rồi mà vẫn còn đủ can đảm để kêu gọi đối phương đầu hàng, thì chắc gan của anh ta phải là “gan sắt”, chứ không phải là gan người?
Rồi, kẻ giết người vừa nhanh tay bắn chết đối phương xong, thì ngay lập tức y lại đâm ra kính phục, vì thấy đối phương “chết anh dũng” quá! Nên anh ta bèn nhặt chiếc ba lô của đối phương gửi về Mỹ cho mẹ anh ta giữ gìn. Và do đấy mà một ông thầy bói nào đó đã nói với mẹ anh Đảm: “Anh đang ở nước Mỹ và đang được tôn kính vô cùng”. Rồi lại từ đấy mà thành ra chuyện anh Đảm đã “chiêu hồi”, đi theo Mỹ. Khiến gia đình anh phải chịu nỗi oan khiên, cay đắng bấy lâu !...
Vậy ra cả Chính quyền, Tỉnh đội, Huyện đội và nhân dân Thái Giang, Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cũng chỉ nghe dư luận mà chụp cái mũ “chiêu hồi” oan nghiệt cho người vô tội ư ?
                                                *
                                          *            *        
Ngày kháng chiến chóng Pháp thắng lợi. Sau chín năm xa quê hương. Hôm về thăm nhà, tôi đi đến đầu làng rồi mà vẵn còn đi nhầm ba bốn bờ ruộng, lúng túng mất một lúc, rồi mới nhận ra được đường đi về nhà mình. Thế mà Homer, một người ngoại quốc, sau 38 năm mới trở lại nơi xa lạ, cách nhau cả nửa vòng trái đất, để tìm mộ người anh ta đã sát hại, mà vẫn nhớ đường đi và đi đến đúng cái “Gò đất” ở Pleiku, thì quả là “thánh” thật! Nhất là vào thời điểm sau 20 năm đổi mới, diện mạo đất nước ta thay đổi từng ngày. Chỉ sau một vài năm, bãi bể đã hoá thành nương dâu, chứ là 38 năm!
Thật khó tin. Hay đúng ra là không thể tin được. Nhưng chính ông đã viết đây: “Lần theo con đường nhớ trong ký ức của Homer và kết hợp con đường “tâm linh” chỉ dẫn từ xa của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Hai ngày sau chúng tôi mới tìm được một gò đất bên gốc cây bằng lăng, cách nghĩa địa Ayn Pa hơn 100m”...
Nhà ngoại cảm Bích Hằng và Năm Nghĩa khẳng định dưới gò đất có hài cốt của liệt sĩ Đảm thì được rồi. Nhưng còn Homer, ông ta có phải là nhà ngoại cảm đâu? Sao cũng: “… phăm phăm đi tới mô đất và nói ông Đảm nằm ở đây”. Nhất là chỗ ấy lại không phải là địa điểm Hômer đã bắn chết liệt sĩ Đảm?
Rồi cả ba nguồn thông tin đều khẳng định địa điểm có hài cốt là gò đất. Nhưng vẫn có người còn nghi ngờ. Nên: “…các em liệt sĩ Đảm đề nghị làm lễ cầu thần linh phù hộ cho thật chắc chắn”. Mọi người đang chuẩn bị lễ vật, thì bỗng dưng anh Hoàng Văn Khánh (người trợ lý của nhà văn) ngã vật ra đất, bọt mép xùi đầy mỉệng, nói: “Sao không đào đi! Anh nằm ở đưới đây. Ba mươi chín năm qua, sao các em không vào đón anh về”. Rồi anh Khánh (chắc là thay anh Đảm) khóc hu..hu!..
Ôi chao! Vong linh liệt sĩ Đảm khôn thiêng như vậy, sao không        “bay” về Thái Bình, nơi quê cha đất tổ để báo mộng, hay nhập hồn vào vợ con, anh em và đưa đường chỉ lối cho họ vào Tây Nguyên đem hài cốt của mình về? Mà lại đợi mãi 39 năm sau mới nhập vào ông Khánh, một người xa lạ? Hay vong linh liệt sĩ Đảm chỉ “hợp” với hồn của mỗi mình ông Khánh thôi? !...
Bốc hài cốt xong, ông Đoản Anh Quân, phiên dịch nói: “Ông Homer bảo, ông muốn đem hài cốt của ông Đảm đến chỗ hai người gặp nhau để làm lễ rước vong ông Đảm. Vì hài cốt đã bốc lên rồi, nhưng có thể linh hồn ông vẫn phiêu bạt ở nơi ông ấy đã ngã xuống”.
Xin hãy khoan, chưa nên tin câu nói đó là có thât. Vì nhà văn không cho biết Homer có phải là tín đồ đạo Phật không? Nếu ông ta là, và có lẽ đến 99% ông ta là con chiên của Chúa Kito. Mà người công giáo thì đâu có quan niệm về vong linh như đạo Phật. Họ tin rằng người chết đã được Chúa gọi về “nước Chúa ở nơi Thiên đàng”. Cho nên ở cõi trần họ không thờ cúng vong linh người chết. Vậy thì câu nói ấy chỉ có thể là của chính tác giả chứ không phải là của Homer !
Mọi người đồng ý làm lễ rước. Rồi sau 30 phút đường rừng, Đoàn đến đồi 467, nơi Homer và Ngọc Đảm đã gặp nhau. Mọi người đang (lại đang) chuẩn bị làm lễ thì “…bất chợt một cơn gió lốc cực mạnh ào tới. Bộ chân máy quay phim văng ra. Đập vỡ chiếc máy quay Betacam. Chiếc máy gần một tỷ đồng, hỏng không dùng được. Mọi người ngã dúi dụi. Cơn lốc ào qua trong chớp mắt. Sau giây phút hoảng hồn, trấn tĩnh lại, chúng tôi tiếp tục làm lễ cầu vong. Nhưng thật kỳ lạ. Bốn chiếc máy ảnh của anh em trong đoàn, sau cơn lốc, tất cả đều tê liệt. Chiếc máy quay phim của các bạn Mỹ, không va đập, cũng không sử dụng được…”.
Buổi lễ rất xúc động nhưng không còn phương tiện ghi hình. Một tuần sau, em gái liệt sĩ Đảm gọi điện  báo cho nhà văn biết, gia đình chị đã hỏi một nhà tâm linh về sự cố hỏng sáu chiếc máy. Nhà tâm linh bảo: “Mọi người đưa hài cốt đặt lên chỗ người Mỹ bắn chết anh Đảm để quay phim là xúc pham anh ấy. Anh ấy và đồng đội anh ấy không muốn diễn lại cảnh này. Hôm ấy nếu còn máy quay phim chụp ảnh thì tai hại sẽ còn xẩy ra nữa…”.
Ối!…cha!…cha!…Thật khủng khiếp! Vậy là gió lốc, mưa giông có thể làm đổ cửa đổ nhà, không hẳn chỉ là do thời tiết, khí hậu sinh ra, mà còn do ý chí của linh hồn người chết, bằng một sự huyền vi nào đó đã tạo ra sức mạnh vật chất làm hỏng cả sáu chiếc máy ảnh và quay phim. Những dụng cụ được làm ra bằng sắt thép, nhựa cứng và thủy tinh. Thế mới khiếp chứ !..
Thưa ông Minh Chuyên, là một nhà văn, chắc ông không đến nỗi nhầm lẫn giữa tâm linh và mê tín. Vậy xin hỏi ông câu cuối cùng nay: Sau cơn “Gió dữ” ấy, cả sáu chiếc máy ảnh và máy quay phim, không va đập vào đâu mà cũng đều hỏng cả, thì đó là tâm linh hay mê tín?
Xin chào ông ./.
 
                                                                   Uông Bí, ngày 11/9/2008  
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9