VĂN HÓA ẨM THỰC Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
1
Thời gian gần đây báo chí hay bàn đến chuyện “Văn hóa ẩm thực’, khiến tôi nhớ lại mấy chuyện ăn uống mà mình đã thấy, đã gặp…
Ngày ấy nước ta đang có chiến tranh. Tất cả đều phải dành cho tiền tuyến. Đời sống vật chất vô cùng thiếu thốn, phải chia nhau từ cái kim sợi chỉ trở đi. Cái gì cũng phải có tem phiếu, và phải xếp hàng mất ngày mất buổi mới mua được. Nhưng chỉ riêng cửa hàng khách sạn, còn một số mặt hàng như cháo, chè, phở “không người lái” (không có thịt) là không phải tem phiếu.
Hôm ấy tôi đang ngồi ở cửa hàng khách sạn ở nơi sơ tán, nhai cái bánh “quẩy”. Loại bánh được chế tác từ bột mì tẩm đường rán, mà mọi người vẫn quen gọi là bánh “xái quai hàm”, thì thấy hai người khách bước vào. Cả hai người cùng mặc quân phục mầu lá cây. Quần xắn móng lợn, ống cao, ống thấp, áo buông vạt ra ngoài quần. Chân dép lốp. Đầu không mũ. Mỗi người đội một chiếc nón chúp nửa mạc, đã gỡ bỏ mấy vanh dưới cho lá lợp te tua như nón rách. Điệu bộ có vẻ ngang tàng, kiêu bạc như mấy vị “công thần” ở trại an dưỡng thương binh gần đây.
- Em ơi! Cho tụi anh một sải chè.
Một anh lên tiếng. Cô mậu dịch viên ngẩn mắt cười.
- Anh bảo một sải chè là thế nào ạ?
- Ủa, em hổng biết sao? Anh ta ra dấu tay – Chén để liền nhau theo mép bàn, dài một sải tay. Khi chè bê ra đủ, hai “thượng đê” vừa xì xụp ăn, vừa chuyện trò rất chi là vui vẻ. Một lúc sau có tiếng thốt lên: “Chu cha!.. Ớn quá rồi cha nội ơi! Thôi, bỏ mầy!”. Họ đứng dậy úp nón lên đầu đi.
Nhai hết cái “quẩy”, bụng vẫn lép kẹp, đi ngang qua, tôi liếc mắt nhìn. Mười lăm bát chè bột nếp chỉ hết bốn. Nhưng tất cả những bát còn lại, bát nào cũng bị hớt lớp váng trên mặt, hoặc san sẻ, chọc ngoáy vữa ra, không dùng được nữa.
Nghe nói thời xưa, dân công tử Bạc Liêu nổi tiếng chơi ngông. Có tay lấy tờ giấy bạc có mệnh giá cả trăm đồng Đông Dương làm đóm châm lửa hút thuốc…Vừa đi tôi vừa nghĩ, chẳng biết mấy tay nay có phải dân Bạc Liêu không?...
2
Ngày ấy bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển ở Uông Bí mới vận hành, các chuyên gia y tế Thụy Điển còn ở đây giúp ta điều hành và quản lý bệnh viện. Nghe nói nước họ chỉ chụp ảnh mầu. Nên họ rất thích ảnh đen trắng. Trước khi về nước, hầu như người nào cũng đến nhà tôi chụp mấy kiểu ảnh đen trắng để kỷ niệm ở Việt Nam. Hôm ấy có một cặp vợ chồng đem đứa con trai khoảng năm sáu tuổi đến. Bộ bàn ghế tiếp khách vẫn đủ bốn cái ghế, nhưng lúc ấy chỉ thấy có ba. Tôi mời hai vợ chồng ngồi hai ghế. Chiếc còn lại tôi ngồi, đang tráng ấm pha trà, bỗng thằng bé nói như hét, bằng tiếng Việt, giọng chắc nịch và rất sõi: “Tôi ngồi đâu?”. Mặt nó đỏ căng. Ôi chao! Cả hai điều bất ngờ cùng ập đến. Tôi không ngờ thằng bé lại biết nói tiếng Việt. Nhất là không ngờ nó lại biết đòi cái quyền cũng được ngồi của nó ở nơi xa lạ này. Tôi vội vàng đi tìm ghế đem đến: “Mời cháu ngồi đây!”.
Rồi như để chuộc lỗi của mình, nhân hôm trước có người đến chơi, cho trẻ nhà gói kẹo cứng, tôi lấy cho thằng bé mấy cái, nó cảm ơn rồi bóc kẹo ăn. “Cấc”. Thằng bé cắn, một mảnh kẹo văng ra mặt ban. Bố nó nhón tay nhặt, nhưng không bỏ vào cái gạt tàn, mà cho vào miệng nhấm nhấm.
Thụy Điển là một nước giầu. Họ có tiền viện trợ cho ta, nhưng trong tiêu dùng thì họ rất tiết kiệm, không xa hoa lãng phí. Còn dân ta, tuy còn nghèo nhưng sử dụng của cải vật chất lại rất lãng phí. Thậm chí có người còn coi sự lãng phí ấy là một mốt “chơi sang”, như mấy vị “thượng đế” ăn chè trên kia.Thật là đáng trách./.
Uông Bí, ngày 16/5/2006