TRANG LƯU TRUYỆN, KÝ - Lê Phú Hải
hai1957 17.05.2011 14:29:21 (permalink)
Chút tình đã cũ  

            Tôi nhận được thư nhỏ Mai từ Mỹ gởi về vào những ngày giáp tết Nguyên đán. Trong thư, ngoài những lời lẽ thăm hỏi và chúc mừng, nó còn nhắc lại những kỷ niệm thuở hai đứa còn ngồi ghế nhà trường. Nó cũng nhắc đến Tân, anh chàng “trưởng lớp” của chúng tôi ngày xưa mà nó vừa tình cờ gặp lại ở Cali và nói là đã gặp lại “chút tình đã cũ”. Tôi chợt mĩm cười vì cách dùng chữ có vẻ ngộ nghĩnh của nó. Mà suy cho cùng nó nói cũng đúng, chuyện tình cảm học trò ba mươi mấy năm rồi mà không cũ sao được…
 
            Chúng tôi bước vào những năm cuối cùng của thời trung học khi cuộc chiến dai dẵng ở Việt Nam đã sắp đến hồi kết thúc. Còn nhớ năm học cuối cùng, cả miền Nam dường như xôn xao hơn bình thường. Những buổi học trên lớp luôn kèm theo tiếng ì ầm đâu đó phía chân trời và những tin về chiến sự không mấy sáng sủa cho phía quân đội Sài Gòn. Thật ra những xôn xao ấy đã bắt đầu từ mùa xuân năm bảy lăm, khi đứng giữa thủ đô Sài Gòn người dân vẫn nghe rõ tiếng đại bác u u vọng về từ đâu đó. Thế hệ chúng tôi là thế hệ học sinh lớp cuối bậc trung học trong giai đoạn chuyển giao quan trọng này. Khắp các thành thị của cả dãy miền Nam Trung bộ đang rùng rùng chuyển động. Dăm ba lời kêu gọi “tổng động viên” rời rạc vang lên trong các trường trung học càng làm cho chúng tôi hiểu phe miền Bắc đang đến gần. Và lúc này giọng ca Khánh Ly “Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe…” chợt trở nên thấm thía hơn bao giờ hết. Những buổi học đôi khi bị ngắt đoạn giữa chừng bởi những lời kêu gọi hiến máu cho binh sĩ bị thương từ các chiến trường tải về các quân y viện mỗi ngày một nhiều. Nhớ có một lần “trưởng lớp” của chúng tôi lên tiếng phản đối thật gay gắt. Anh đứng ra trước lớp và nói với chúng tôi, đại ý là cuộc chiến tranh đang đến hồi tàn cuộc, và mỗi người chúng tôi hãy tự thương lấy bản thân mình. Anh ta nói nhiều và hay lắm, bây giờ tôi không nhớ được hết, chỉ biết lúc đó chúng tôi đã xuýt xoa anh chàng nói hay thiệt, có sức thuyết phục lắm! Thầy giáo dạy bộ môn chỉ ngồi gật gù không nói năng gì. Khi chúng tôi lên tiếng hỏi thầy chỉ đáp thản nhiên và lấp lững: “Tùy vào phán đoán của các anh chị thôi. Tân nó nói đúng đó… và có thể biết rằng chiến thắng sẽ thuộc về phe xã hội chủ nghĩa…”
            Thật ra bọn con gái chúng tôi không để ý gì nhiều về thời cuộc. Sinh ra và lớn lên ở thành phố, cuộc sống không giàu có dư dật nhưng cũng tương đối vừa phải, chúng tôi sống vô tư trong sự bình an của thị thành, không cả lo cả nghĩ như các bậc cha mẹ mình. Chỉ biết khi có những sự cố gì đó được nghỉ học là vui rồi. Xì xào bàn tán một hồi cuối cùng bọn chúng tôi cũng đứng dậy rần rần bỏ lớp ra đường, chỉ còn một nhóm nhỏ con trai ở lại. Thật ra chúng tôi chỉ mượn cớ để… đi chơi. Nhóm Loan -Điệp - Thu đi dạo biển, nhóm Vân – Phương - Nga đi chợ, nhóm Mai - Yến và tôi đi ăn kem còn các nhóm khác đi về nhà hay đến rạp xi nê tùy theo “vốn liếng” nhỏ nhoi mang theo trong cặp…
 
            Cho đến giờ tôi vẫn không tìm hiểu xem các con mình có kết bạn theo từng nhóm sở thích như chúng tôi ngày xưa hay không nhưng đối với chúng tôi lúc bấy giờ tình bạn quả là sâu đậm. Mối thân thiết gắn bó đến nỗi mỗi nhóm đều chọn một màu mực riêng cho nhóm mình. Nhóm Hồng Loan hay mơ mộng chọn màu mực tím. Nhóm chúng tôi lập dị chọn màu đen tuyền để gây “ấn tượng”, nhóm Bạch Vân yêu báo “Tuổi Ngọc” nên chọn màu xanh dương còn nhóm Ngọc Lan chọn màu xanh đen. Các anh chàng lớp tôi thì đơn giản hơn, cứ ra tiệm sách mua mực Pilot blue black pha sẵn đem về dùng. Riêng trưởng lớp Tân bắt chước chúng tôi sử dụng mực đen, chỉ vì một lý do anh ta hơi có tình ý với nhỏ Ngọc Mai.
 
            Đầu tháng ba, thầy giáo phụ trách lớp tôi tổ chức chuyến đi picnic ở Bãi Dương vào một ngày chủ nhật. Tôi còn nhớ hôm ấy trời rất đẹp, bãi biển như trải dài ra với những đợt sóng êm vỗ nhẹ vào bờ cát. Bãi cát dưới chân rừng phi lao rộng và mát mẻ đủ cho chúng tôi đùa nghịch đủ trò. Những bộ quần áo thể thao gọn gàng thay thế cho tà áo dài và những chiếc sơ mi trắng thường ngày cho phép chúng tôi tha hồ nghịch phá. Sau một hồi vui đùa mệt đứ đừ, chúng tôi túm tụm nhau lại thành từng nhóm quanh những chiếc trại nhỏ được dựng lên vội vàng bằng những tấm poncho của lính. Cây ghi ta bập bùng giữa một nhóm bạn phía xa xa. Có tiếng ồ ề của mấy thằng bạn cùng lớp: “Ta cùng lên đường đi xây lại Việt Nam. Bàn chân ta đi mau đi sâu vô tới rừng xa, vác những cây rừng to về nơi đây ta xây lại nhà. Dựng nhà mới cho dân ta về, dựng nhà mới cho làng quê…” (nhạc TCS). Rồi đến giọng đơn ca của nhỏ Cẩm Phương: “Nắng nóng cháy da đã về rồi trên thân người đẹp tôi. Bão tố buốt xương cũng về rồi cho thêm tàn phai…”. Cả lớp yên lặng chăm chú lắng nghe vì giọng ca của nhỏ hay nhất lớp. Bài hát với âm giai nghe buồn buồn như lời than thở mênh mông đâu đó. Giọng ca nhỏ dần và kết thúc với hai câu hát mà mãi tới giờ tôi vẫn còn nhớ: “…Giờ còn có nhau giúp nhau cho thật nhiều, ngày nào mất nhau sớt chia chẳng được đâu…”. Tôi vốn không có khiếu văn nghệ nên cũng chẳng để ý biết bài hát của ai, chỉ nhặt ra được dăm ba câu hay hay để nghêu ngao rồi nhớ nhớ một cách vô tình… Giờ đây thỉnh thoảng hồi ức đi rong lại đôi khi bắt gặp những câu hát cũ. Những câu hát vô tình thuở nào bất chợt trở nên có ý nghĩa vô cùng… Không khí vui tươi của buổi picnic chợt như chùng xuống, mọi người lại quay về với thực tại, xôn xao bàn tán về những gì sẽ xảy ra nay mai trong nỗi lo lắng xem lẫn chút ít vui mừng. Trên đường về, tôi rẽ xe đạp ra sau lưng tháp Bà hướng ra phía bờ sông. Dòng sông Cái vẫn lặng lẽ trôi in đầy dấu tích tuổi thơ tôi qua từng trưa từng chiều nhạt nắng. Năm ấy tôi đã gần mười tám tuổi.
 
            Ngày mười tháng ba năm bảy lăm quân miền Bắc đánh chiếm Ban Mê Thuột, quân Sài Gòn rút chạy theo tỉnh lộ bảy về thị xã Tuy Hòa. Rồi từng đoàn người di tản ào ạt tràn về phía Nam, không khí như đặc quánh lại vì khói và bụi. Xe cộ lũ lượt ngày đêm xuôi ngược tiến về hướng Sài Gòn. Chúng tôi vẫn đến trường mỗi ngày nhưng hình như không còn học hành gì nữa. Thầy trò ngồi yên lặng nhìn nhau và chờ đợi. Chờ đợi một nỗi bất hạnh nào đó mơ hồ không rõ nghĩa, hay chờ đợi một điều gì đó đã rõ ràng nhưng chưa tiện nói ra.. Rồi bắt đầu lác đác có người ra đi. Vài đứa bạn đến lớp chào tạm biệt với con mắt đỏ hoe để theo gia đình di tản… Rồi đến một ngày, không cần lệnh ai, cả trường chúng tôi tự động giải tán. Ba tôi đưa gia đình tản cư về một vùng nông thôn gần đó để phòng tránh tai bay đạn lạc. Nhà tôi đào hai cái hầm thật to để tránh bom. Hàng ngày chúng tôi chỉ được phép đi ra đi vào trong cái xóm quê nhỏ bé ấy, nấu cơm ăn rồi ngủ vùi hay đọc sách, chờ nghe tiếng sung nổ hay tiếng bom hú là vội chạy ra hầm.
            Ngày hai tháng tư, quân miền Bắc tiến vào Nha Trang, đi ngang chỗ chúng tôi ở và tiếp tục tiến về phía Nam… Đến lúc này nghe tin nhà ngoại tôi ở Tuy Hòa vẫn bình an và mấy cậu tôi đã thoát chết từ các chiến trường trở về, má tôi vui mừng lau vội hai hàng nước mắt. Rồi hai quả bom rơi vào thành phố gần xóm nhà tôi ở khi chiến sự đang diễn ra ở Phan Rang. Tôi vội vả đạp xe chạy về ngơ ngác nhìn hố bom tròn to ngay giữa cầu Xóm Bóng mà tưởng như tuổi thơ mình đang bị sứt mẻ. Quả kia rơi vào xóm nhà dân dưới chân tháp Bà và đã có nhiều người chết trong đống gạch ngói hoang tàn… Tôi bàng hoàng đạp xe ra phía bờ sông. Sông vẫn trải dài trước mắt tôi và tôi như nhìn thấy sông đang vừa mừng vui vừa dập dềnh thương nhớ…
 
            Chúng tôi lại gặp nhau sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Vẫn còn đầy đủ các nhóm nhưng hình như nhóm nào cũng thiếu vắng đôi ba người. Nghe phong phanh có đứa đã di tản sang nước ngoài, có đứa ở lại luôn trong thành phố. Cũng bùi ngùi nghe tin nhỏ Vân Bích - cô bé nhỏ con nhất lớp - bị đạn chết trên đường di tản… Len lõi một nỗi ngậm ngùi trong lòng mỗi người. Chúng tôi chỉ lặng lẽ nhìn nhau mà không nói được gì. Bước vào tháng sáu, chúng tôi được tập trung lại theo khu vực liên trường để học nốt chương trình năm cuối cấp trung học. Một số thầy cô vừa từ căn cứ về, vừa ở miến Bắc vào cùng với một ít thầy cô cũ tham gia giảng dạy theo chương trình học mới. Một không khí học tập lạ lẫm diễn ra vừa sôi nổi vừa ngỡ ngàng. Tháng tư xôn xao đã đi qua, chúng tôi cũng xôn xao bước vào cuộc sống mới… Trưởng lớp Tân được bầu làm tổng thư ký liên lớp mười hai và hoạt động rất tích cực trong các hoạt động đoàn thể suốt ba tháng học bù sau đó. Nhỏ Ngọc Mai bỗng trở chứng. Nó không còn ngoan hiền như trước nữa. Nó thường hay tranh luận gay gắt với một số thầy cô giáo mới. Tôi lựa lời khuyên can nó nói kệ tao, tao không chịu được cách dạy và học như thế này. Tôi nói coi chừng không được thi tốt nghiệp nó bảo không cần. Và quả thật năm đó nó bị kỷ luật không được thi tốt nghiệp. Nó lặng lẽ rời bỏ chúng tôi, bỏ luôn trưởng lớp Tân mà một thời nó từng yêu mến.
            Cuộc sống bắt đầu khó khăn, tôi bận bịu với việc chuẩn bị thi vào trường sư phạm vì tôi muốn đi làm ngay để có điều kiện giúp đỡ gia đình. Ba má tôi lúc này đã chuyển hẳn về quê cũ. Căn nhà tôn ở phố được bán rẻ cho người khác nên vốn liếng chẳng là bao. Tôi học sư phạm cấp tốc trong sáu tháng rồi ra trường đi dạy ở một tỉnh kề bên. Bạn bè xưa ít khi còn gặp lại. Mà thỉnh thoảng có gặp lại ai đó thì cũng ít biết thêm về người khác. Chỉ biết cùng đi dạy với tôi chỉ có đôi ba người, số còn lại lưu lạc lung tung và làm đủ thứ nghề. Hoài Phương bán hàng ngoài chợ, trưởng lớp Tân thi đậu vào đại học, Bạch Vân theo ngành thương nghiệp, Hồng Loan lấy chồng xa xứ… Rồi ít lâu sau tôi được tin Ngọc Mai, Cẩm Phương và Phi Yến bị bắt vì tội vượt biên, đã được đưa đi cải tạo. Chỉ biết lo lắng bâng quơ và cầu may cho chúng nó.
            Nhưng thật bất ngờ tôi gặp lại Ngọc Mai trong một lần nhỏ cùng đội văn nghệ của trại cải tạo A30 xuống diễn ở thị xã. Tôi hẹn buổi chiều sau giờ dạy sẽ đến thăm. Anh công an phụ trách bằng lòng cho tôi bảo lãnh nhỏ Mai trong vòng hai tiếng đồng hồ. Hai đứa lang thang qua các phố phường và nói đủ thứ chuyện. Tôi hỏi nhỏ sau này khi được thả về sẽ làm gì, nó nói như giỡn: “Tao tiếp tục vượt biên”. Tôi nói: “Mày gan quá!”. Nhỏ cười: “Gan gì mà gan, liều mạng thôi”. “Thôi, bây giờ đi vô chợ, mày muốn gì tao mua tặng một thứ. Vừa mới lãnh lương đây”. Nhỏ nhìn tôi, vẽ mặt chợt ngây ra vì cảm động: “Tao thèm… một đôi guốc mày ạ”. Tự nhiên tôi thấy như nước mắt mình chực ứa ra hai bên khóe mắt…
 
            Ba năm sau tôi lấy chồng và sinh cơ lập nghiệp luôn nơi quê mới. Chồng tôi cũng dạy học như tôi và hơn tôi khá nhiều tuổi. Anh là giáo viên lưu dung. Gia đình anh là một gia đình bình thường ở thị xã nhỏ này. Ban đầu chúng tôi ở tập thể sau được nhà nước cấp cho một lô đất. Vậy là cũng yên ổn một đời con gái… Tôi sinh được hai đứa con trong những năm sau đó. Cuộc sống cũng bình yên, tĩnh tại. Năm thì mười họa có dịp đưa con về ngoại cũng không đủ thì giờ thăm hỏi bạn bè xưa, chỉ biết nhỏ Ngọc Mai đã thực hiện được cái quyết tâm ngày nào của nó…
            Cho mãi đến năm kia, trong một lần về nước nó tìm đến thăm tôi. Thật là một điều ngạc nhiên thú vị. Nó vẫn nhanh nhảu như thuở nào nhưng dáng vóc thì thật là “bệ vệ”. Tôi hỏi mày ăn gì mà mập vậy? Nó nói chẳng ăn gì cả nhưng nhờ sống vô tư. Tôi hỏi mày có gặp đứa bạn nào ngày xưa bên đó không? Nó nói có vài đứa nhưng cũng ít có điều kiện gặp nhau, chỉ thỉnh thoảng nói với nhau qua điện thoại chút đỉnh rồi thôi. Tụi nó sống ra sao? Mười đứa thì hết bảy đứa li dị hay bỏ chồng. Đứa nào cũng bù đầu vào việc kiếm tiền. Ngọc Mai có chồng người Mỹ. Tôi hỏi: “Sống với nhau ra sao mày?”. Nó hỏi ngược lại tôi: “Mày nghĩ sao khi có đứa tỏ tình với mày bằng câu I love you hay bằng một giọng tiếng Việt lơ lớ anh yêu em?”. Rồi nó cười phá lên nói tiếp: “Kệ! Vậy cũng yên một đời mày ạ”. Tự nhiên tôi thấy thương thương nó chi lạ.
            Thư nó gởi tôi mới đây có đoạn viết: “…Vừa rồi tao tình cờ gặp lại Tân. Hình như “ổng” tham gia một phái đoàn nhà văn hay nhà báo gì đó qua làm việc bên này. Tao có mời về nhà chơi và anh chàng đã trố mắt nhìn lũ con tóc vàng mắt xanh của tao. Gặp lại Tân tự nhiên tao nhớ đến tụi mày ghê gớm. Chưa biết khi nào có dịp về thăm. Còn tình cảm riêng đối với anh ta hình như lòng tao không còn gì xao xuyến. Chỉ hơi bâng khuâng mơ hồ về “chút tình đã cũ”…
 
 
L.P.Hải
#1
    hai1957 17.05.2011 14:32:52 (permalink)
    Còn yêu và phải sống  
     
                Út Nhớ mở tủ lôi mớ áo quần vừa mới giặt sạch chiều qua bỏ ra giường. Chiếc bàn ủi điện cũng vừa nóng lên kêu lách tách nhờ chiếc rờ le tự động bên trong. Ngoài đường lộ những chuyến xe chở khách, xe thồ hang chạy lên chạy xuống tấp nập. Nắng tháng chạp trải vàng trên con đường nhựa ấm áp. Út Nhớ chợt thấy vui vui. Còn không đầy tháng nữa là tết. Có lẽ đây là cái tết đáng nhớ nhất trong đời mình. Út nghĩ thầm như vậy. Mà không đáng nhớ sao được, bởi hai tuần nữa sẽ là đám cưới của Út rồi. Chắc chắn hai vợ chồng sẽ rất bận rộn trong mấy ngày đầu xuân vì vừa phải ra mắt họ hàng hai bên vừa phải đi thăm bạn bè gần xa trong thị xã…
                Nếu như đám cưới của bất kỳ người con gái nào cũng là điều bình thường đối với một gia đình thì với Út Nhớ lại khác. Út mồ côi từ nhỏ. Mà cái sự mồ côi của Út cũng không bình thường: ba mất, mẹ trốn con đi lấy chồng khác. Nghĩ đến điều này tự nhiên trong lòng Út trỗi lên một nỗi giận hớn ghê gớm. Út không thể nào hình dung được một người mẹ lại có thể rứt ruột bỏ đứa con chưa tròn hai tuổi của mình để ra đi mà không hề trở lại, dẫu chỉ là ghé thăm trong chốc lát.
                Thật ra cuộc đời bà Vang - mẹ của Út Nhớ - cũng khá truân chuyên  và không ít ba chìm bảy nổi. Bà lấy chồng năm mười tám tuổi và về ở phía chồng, một xã giáp ranh nằm trong vùng tranh chấp trong thời chiến. Và có lẽ đối với miền Nam đây là hoàn cảnh khá bình thường: ban ngày quân đội Sài Gòn về chiếm đóng, ban đêm rút đi và cách mạng bí mật về hoạt động. Và cũng có không ít người phải làm việc cho cả hai phía. Chồng bà Vang hoạt động cho cách mạng. Rồi đến khi thằng Nam - con của hai người - vừa tròn tuổi thì ông bị bắn chết trong một trận phục kích. Có lẽ không thể nào kể ra được nỗi đớn đau của một người vợ mất chồng, đứa con mất cha, cha mẹ mất con… mà cả đất nước này đã phải chịu đựng suốt mấy mươi năm trời. Bà Vang phải vượt lên nỗi đau để tiếp tục tồn tại nhờ vào một nghị lực mà ít khi con người rõ tên, hay như có ai đó đặt tên cho điều này là bản năng phải sống của con người.
                Và hai năm sau Út Nhớ đã ra đời nhờ vào bản năng phải sống của mẹ. Trong những chuyến buôn gạo qua lại bà Vang đã yêu và làm say mê anh lính gác cầu Đá Phèn là ba của Út. Đám cưới của hai người cũng giản đơn vì mẹ Út là người đàn bà tái giá, và nhất là vì sự phản đối kịch liệt của ông bà nội Út. Cũng phải thôi vì ở xứ ta ít khi nào người ta dễ dàng ưng thuận cho đứa trai tân ưng một bà góa chồng lại đang có mang bất chính! Nhưng “con tim có lý lẽ riêng của nó”, ba Út đưa mẹ về ở tại khu gia binh trong thị xã, kể cả đứa con trai đời trước của bà. Út ra đời trong cuộc sống gia đình khá đầm ấm như vậy…
                Rồi đến năm bảy lăm, chiến thắng của cách mạng đã làm một cuộc đổi đời to lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến số phận của cả dân tộc cũng như của mỗi con người. Út Nhớ mới có một tuổi nên cũng chẳng biết gì, chỉ sau này nghe kể lại rồi biết cuộc tháo chạy hỗn loạn chỉ diễn ra ngắn thôi, sau đó cách mạng ổn định lại tình hình, thiết lập chính quyền mới. Trừ những gia đình di tản, cả nhà Út ở lại thị xã và qua cơn binh lửa một cách bình yên. Ba Út chỉ bị đi học tập dăm ba tuần rồi được thả về nhà.
                Hòa bình rồi mọi người lục tục trở về quê. Ông nội Út chia đất cất nhà cho các con trai: bác Sáu ở nhà từ đường, bác bảy, ba Út thứ tám và chú Chín mỗi người một lô riêng. Còn chút ít lưng vốn, mỗi người xây lại một căn nhà ở giáp ranh với nhau. Những căn nhà mới xây được tô vôi và kẻ màu khá đẹp mắt. Nhưng chỉ là ở bên ngoài thôi bởi những ngày đầu sau chiến tranh nguyên vật liệu rất khan hiếm nên chí có giàn cột kèo là bằng gỗ tốt còn xi măng trét tường chỉ là pha chế giữa vôi, cây bồ lời và nước mật đường. Bởi vậy nên khi lớn lên Út Nhớ thấy vách tường cứ tự nhiên vỡ ra từng mảng lớn, phô hàng gạch thẻ đỏ au phía bên trong. Sau giải phóng mọi thư đổi thay nhiều và vì vậy bên nội Út chẳng còn ai nhắc lại hay trách móc gì chuyện ngày trước. Anh em Út sống bình yên trong sự bảo bọc của chú bác và ông bà nội. Những tưởng từ đây cuộc sống sẽ rất suôn sẻ nhưng rồi mọi sự lại đổi thay khi ba Út mắc bệnh ung thư di căn phải nằm liệt một chỗ, mọi lo lắng trong nhà đều dồn lên vai người đàn bà lận đận là mẹ của Út. Bà lại phải bương bả xuống lên buôn bán nông thổ sản với huyện miền Tây để nuôi người chồng ốm đau và hai đứa con còn quá nhỏ chưa đến tuổi ăn tuổi học. Rồi một ngày kia mẹ Út Nhớ bỗng không trở về nhà sau một chuyến đi. Người trong họ đi tìm hỏi thì mọi việc mới vỡ lẽ ra, rằng mẹ của Út đã có mối quan hệ với một người đàn ông khác ở miền Tây. Bà lỡ có thai nên xấu hổ không dám quay về. Biết chuyện ba Út chỉ nằm im trên giường bệnh không nói năng gì, vài tháng sau thì ông mất. Lúc này người chồng trước của mẹ Út được truy nhận là liệt sĩ và gia đình phía bên ấy buộc anh Hai của Út về để hưởng chế độ, Út chỉ còn lại một thân một mình…
                Thật ra Út Nhớ còn quá nhỏ để có thể ý thức được mọi việc bất hạnh đang xảy ra cho mình. Út chỉ khóc nhớ mẹ vài hôm rồi lại quen dần với cuộc sống mới, cuộc sống của một đứa trẻ mồ côi phải nương nhờ gia đình chú Chín ở kề bên. Căn nhà và mấy sào ruông khoán của hợp tác xã phân cho gia đình Út được gia đình bác Sáu đứng ra chăm lo với tư cách là người giám hộ. Và Út lớn dần lên trong hoàn cảnh côi cút như cái thân cây rừng được chăm chút bởi lòng từ ái của thiên nhiên, cây cỏ. Hết lớp chín Út nghỉ học để đi học nghề. Chút vốn liếng để dành từ mấy sào ruộng do bác Sáu giữ dùm được đem ra chi phí cho một năm theo học nghề may… Và cứ như vậy Út thản nhiên bước vào cuộc đời…
     
                Có tiếng người kêu bên hàng rào, Út rút phích điện bàn ủi chạy ra. Tiếng chú Chín: “Sao tới giờ mày chưa chịu lên miền Tây báo cho má mày một tiếng? Con này khó biểu dữ ha!”. “Từ từ vài bửa rồi con đi chú Chín à, có gì đâu mà nôn nóng. Mà chắc gì bả dìa dự đám mà mời hở chú?” Út trả lời. “Bả có dìa hay không thì kệ bả. Bổn phận mày là phải báo một tiếng cho trọn đạo làm con. Lấy chồng là chuyện đại sự một đời người. Mà dù sao đi nữa thì bả cũng là mẹ ruột của mày. Thôi! Tao không nhắc nữa, liệu mà đi sớm sớm một chút”. Nói xong chú Chín quay vào nhà. Út Nhớ đứng bần thần bên rào, nửa buồn, nửa tủi. Người ta lấy chồng là chuyện vui, Út lấy chồng thiếu đi cái ấm áp của một gia đình đầy đủ. Cũng may là từ lâu chú Chín cũng như là cha nên mọi sự đều do chú lo liệu cho Út. Nhưng dù sao cũng đâu bằng ruột thịt. Tự nhiên Út thấy cay cay nơi khóe mắt…
     
                Người đàn bà ngồi trước mặt Út trông tiều tụy hơn là Út tưởng. Cô cố gắng tìm kiếm một nét quen thuộc nào đó từ khuôn mặt dãi dầu kia nhưng chịu. Có vẻ như ký ức những tháng ngày bên mẹ quá ngắn ngủi nên chưa có hình ảnh nào ghi dấu đậm sâu nơi Út. Đã lâu không gặp mẹ nhưng Út vẫn hiểu được hoàn cảnh của bà nhờ vào những bạn hàng buôn bán lên xuống hàng ngày gặp trong xóm. Út biết mẹ mình có cuộc sống không mấy sướng vui và đầy đủ. Ba đứa con với người chồng sau, cộng với ba đứa con riêng của ông ta quả là một gánh nặng thực thụ đối với một gia đình sống thuần bằng nghề nương rẫy. Và một bầy trẻ thất học để tham gia vào công việc kiếm sống là lẽ đương nhiên. Tự nhiên Út thấy dâng lên trong lòng mình một nỗi xót xa vô hạn.
                Tiếng người đàn bà nhỏ nhẹ: “Thôi, có chú Chín và bên nội là được rồi Út à. Chắc má không dìa được đâu. Mà mùa này công việc thu hoạch cũng bận rộn lắm”. Tự nhiên Út cảm thấy giận dữ. Cô nói lớn tiếng: “Chắc má mắc cở chớ gì. Thôi thì tùy má đó. Đây là do chú Chín biểu, má không dìa thì thôi, từ nhỏ tới giờ tui cũng đâu cần gì tới má!”. Một thoáng nhẫn nhục chợt hiện ra trên khuôn mặt người đàn bà lam lũ: “Con trách thì má chịu, biết làm sao bây giờ? Tại cái số má nó vậy. Má cũng cố gắng lắm mà ông trời đâu có thương. Rồi có chồng con sẽ hiểu. Con người ai cũng cần có sự yêu thương và chia xẻ. Đàn bà sống mà không có đàn ông nó thiếu thốn tình cảm lắm con à. Rồi con sẽ hiểu thôi…”.
                Út giận hờn quay mặt nhìn ra đường cái. Ánh chiều muộn trải trên lối đi chút ánh sáng vàng vọt, nạm vàng trên mấy cây rơm đầu ngõ. Đám bông vạn thọ của nhà ai bên kia đường trổ hoa sớm vàng chóe một góc sân. Một đàn bò đang thong thả bước đi trên con đường đất dẫn vào xóm trong. Út nhớ giận mẹ ghê gớm. Rồi cơn giận từ từ lắng xuống, nhường chổ cho nỗi xót thương. Từ lâu, ai cũng trách mẹ Út là người không biết kềm chế, nay nghe mẹ thẳng thắn bộc bạch điều đơn giản ấy ra với mình tự nhiên Út cũng thấy hơi xúc động. Bất giác cô đưa tay khẽ sờ vào cái bụng hơi lum lúp của mình mà cảm thấy xót thương mình quá đỗi!
     
                                                                                                                             L.P.Hải
    #2
      hai1957 17.05.2011 14:34:48 (permalink)
      Rừng núi giang tay  

                  Nói đến rừng có lẽ hình ảnh đầu tiên ai cũng nghĩ đến là núi. Bởi dãi đất miền Trung dài và hẹp này là nơi tiếp giáp giữa núi rừng và biển cả; là nơi mà có lẽ cách đây nhiều triệu năm sóng vỗ ì ầm không ngơi vào vách núi…
                  Rừng trong kinh nghiệm tuổi thơ tôi là hòn núi Sạn cạnh nhà, nơi hàng ngày tôi và lũ bạn háo hức chờ đợi những người thợ chẻ lăn những viên đá hoa cương vuông vức từ trên lưng chừng núi xuống. Những viên đá lăn long lóc từ triền núi mạnh mẽ đổ về xuôi rồi dừng lại trước hàng đá to làm rào chắn ngay sát cạnh những ngôi nhà dưới chân núi. Những lúc ấy chúng tôi hồi hôp và cũng hớn hở ghê gớm. Bởi vì những viên đá lao đi như chở theo muôn vàn mơ ước của tuổi thơ tôi theo từng vòng lăn đầy bất trắc. Tôi thường thơ thẩn ra trước sân nhà mỗi buổi chiều tối nhìn lên núi và rồi tự hỏi liệu có điều gì huyền bí ẩn nấp đằng sau những tán cây rậm rạp trên cao kia? Lớn hơn một chút, hòn núi Sạn của tôi bỗng dưng bé lại. Tôi lại dõi mắt về một phía chân trời xa hơn, tìm một quả núi lớn hơn để nghĩ ngợi về rừng và những điều u u minh minh đọc được trong sách vở.
                  Tuổi niên thiếu của mỗi người thường chất chứa nhiều mộng mơ. Tôi đã lớn lên với những mộng mơ vô tư như thế. Đứng từ phía Hòn Chồng nhìn ra hướng Bắc, những quả núi nằm trong cụm núi của đèo Rù Rì đổ ra biển Đông tạo thành dáng ngực và đầu của một thiếu nữ đang nằm, tóc xõa dài ra biển. Tôi đã nhiều lần nhìn ngắm và cũng thật sự cảm động dù đã đủ trí khôn để hiểu rằng người ta chỉ tưởng tượng ra vậy thôi. Nhưng xét cho cùng cũng thật thương lắm lắm! Bởi ai đã từng lớn lên mà không đem lòng yêu thương và nhung nhớ một “con người”?
       
                  Tuổi học trò thế hệ chúng tôi đã trôi qua với nhiều niềm vui và cũng đầy lo lắng. Lúc bấy giờ đang là năm bảy mươi tư. Chiến sự đang ngày càng tiến gần đến thành thị và hai tiếng “hòa bình” luôn là nỗi niềm khát khao đến cháy bỏng trong lòng mỗi người. Trong hoàn cảnh như vậy chúng tôi không có cơ hội để thực hiện những chuyến đi xa. Mà nếu có đi xa đâu đó thì cũng không thể nào rời khỏi thành phố, thị xã hay những cụm dân cư đông đúc. Lúc này rừng núi đối với chúng tôi lại càng thêm bí ẩn vì chất chứa trong lòng nó là vô số những câu hỏi chưa được trả lời. Chỉ biết túm tụm nhau ôm đàn ngồi hát Rừng núi dang tay… của Trịnh Công Sơn mà mơ về một ngày mai tươi sáng. Chúng tôi rất tâm đắc và xúc động với câu hát này của ông:
      “Ta cùng lên đường, đi xây lại Việt Nam. Bàn chân ta đi mau đi sâu vô tới rừng cao, vác những cây rừng to về nơi đây ta xây dựng nhà, dựng nhà mới cho dân ta về, dựng làng mới trên miền quê…”
      Và có mấy lần chúng tôi đã dạn dĩ đi về phía Suối Dầu, tìm thăm mộ Louis Pasteur rồi vượt rừng tiến về phía Suối Tiên để rồi tự thấy mình sao mà lớn lao, sao mà dũng cảm… vì đã chinh phục được… đại ngàn. Vì đại ngàn của chúng tôi ngày ấy chỉ là dăm câu thơ của Quang Dũng:
      “… Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
      Heo hút cồn mây súng ngửi trời
      Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
      Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi…”
       
                  Rồi hòa bình…
                  Trong cái hăm hở của tuổi thanh xuân chúng tôi mạnh mẽ bước vào đời bằng mọi ngã, dù chẳng suôn sẻ chút nào. Và cũng giống như câu hát của nhạc sĩ họ Trịnh năm nào, nhóm sư phạm chúng tôi bước theo dấu chân của lực lượng thanh niên xung phong đi về hướng của rừng để dựng nhà mới cho dân ta về, dựng làng mới nơi miền quê… Sẽ không có gì đáng nói thêm về những gian khổ của những năm đầu tiên sau hòa bình, chỉ biết rằng chúng tôi đã thực sự chung sống với rừng để lắng nghe và thấu hiểu:
      “… Đêm nằm trông chớp bể
      Ta biết có mưa nguồn
      Có ta buồn quá thể
      Mỗi ngày không vui hơn…”
      Rồi bất chợt nhận ra đại ngàn kia cũng có âm thanh riêng của nó. Chúng tôi đã đứng hàng giờ liền dưới cơn mưa dầm dề xứ núi để ngắm nhìn, nghe ngóng tiếng thác lũ gầm gừ hùng hổ băng băng tuôn về phía hạ nguồn và thầm gởi nỗi lòng mình trôi theo về hướng ấy. Những lúc như vậy, tôi lại muốn hình dung ra đây chính là con suối nhỏ hiền hòa róc rách, mon men theo những bãi bờ trong những mùa nắng lửa, làm mát chân nhiều lứa học trò.
       
                  …Bây giờ thì “đại ngàn” của tôi đã lùi xa về phía núi sâu rừng thẳm, nhường chổ cho ngô khoai mía lúa. Lại một hy sinh nữa cho sự tồn tại của con người ?! Những gốc cây khô qua nhiều nắng mưa đã trở về với đất. Cũng đành lòng thôi. Rừng nuôi đất, đất nuôi người. Chỉ xin giữ lại một chút kỷ niệm riêng tư về những cánh rừng mà tôi đã sống, đã từng thao thức… trong chập chùng thác nguồn…  
       
                                                                                                                                L.P.Hải
      #3
        hai1957 17.05.2011 14:37:22 (permalink)
        TIẾNG SÓNG ĐÊM
         
                    Tôi quen anh trong dịp đi dự hội thảo chuyên đề của ngành giáo dục về giảng dạy môn Văn bậc trung học. Sự quen biết nhau bắt đầu từ một ấn tượng không hay ho gì cho lắm. Tôi và anh đã có những ý kiến trái ngược nhau về đặc trưng đặc thù bộ môn và các phương pháp giảng dạy. Ngày hôm sau tôi không còn hứng thú gì với các nội dung thảo luận. Có vẻ như những người có tí học vị cao thường ít biết lắng nghe thực tế. Tôi đã nghĩ vậy và thường tìm cớ đi ra ngoài, chẳng để làm gì, chỉ lẻn ra phía cuối hội trường, tựa vào lan can nhìn ra biển. Gió thổi mát rượi mang theo mùi hăng hăng của rong, của đá. Biển dập dềnh lóa nắng phía xa xa. Lòng tôi tự nhiên chùng hẳn lại, không vui không buồn, chỉ có chút bâng khuâng chao đảo như những con sóng vỗ bờ ngoài kia…
                    Sau bữa cơm chiều, khu vực nhà nghỉ vắng lặng hẳn. Hầu hết anh chị em giáo viên ở các địa phương về đây dự họp đều từng nhóm rủ nhau đi ra phố. Ánh chiều bắt đầu buông chầm chậm từ phía chân núi. Có mấy đồng nghiệp nữ rủ tôi đi shop. Không thích, tôi khéo léo từ chối và một mình lửng thững đi dạo ra phía bờ biển. Mặt biển đang bắt đầu sẫm lại, thoảng mùi tanh mặn của san hô phơi nắng. Những con sóng ì ào chạy đuổi nhau vỗ vào bờ cát. Thủy triều xuống nhanh để lộ ra những mảng san hô xám ngoét trong lòng biển. Khu vực nhà nghỉ đã lên đèn, những mảng sáng vàng vọt yếu ớt hắt ra ngoài hành lang, soi lờ mờ những gốc dừa và hàng ghế đá trên sân cát. Phía xa xa, những đồi núi lô nhô bắt đầu nhòe đi theo bóng đêm đang xuống. Tự nhiên tôi nhớ đến mấy câu hát của nhạc sĩ họ Trịnh thuở nào: “Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về…” để bất chợt nhận ra rằng cũng đã khá lâu mình không còn ai để thương để nhớ. Và có phải vậy chăng mà cũng không có ai nhớ để gọi tên mình về. Buồn thật! Có lẽ một trong những nỗi bất hạnh của con người là không có ai để nhớ, không có người để gọi tên và nơi chốn để quay về. Thật ra tôi cũng đã trải qua một vài mối tình, nhưng chúng cứ nhàn nhạt và vô vị làm sao! Không phải bởi tôi khó tính hay kén chọn, đơn giản vì tôi ít cố gắng trong việc gìn giữ một tình yêu nào đó… Những người đàn ông thường hay nói tôi là người khó hiểu trong khi tôi vẫn sống và làm việc một cách giản dị vô cùng. Hay tận cùng của sự giản đơn là phức tạp?

                    Tôi đi vòng ra xa sát mép nước. Ánh đèn pha của con tàu tuần tra từ biển quét vào và tôi chợt nhận ra không phải chỉ có một mình mình trên bãi cát. Đôi kính cận bắt sáng lóe lên đủ để tôi nhận ra “anh ta” đang ngồi cách đó không xa, trên ghế đá. Bối rối và hơi ngượng nhưng tôi vẫn phải lên tiếng chào hỏi cho đúng với qui ước giao tế xã hội của con người. Thật mệt! Hình như con người đi đâu, làm gì cũng không bao giờ tránh khỏi sự ràng buộc của luật và lệ. Anh cũng hơi bối rối: “Lẽ ra tôi phải xin lỗi cô mới đúng, bởi vì có vẻ như tôi là người tò mò theo cô ra đây dù thật lòng tôi không có ý đó”. “Không sao, mỗi người đều có tự do của mình mà” - tôi trả lời. Anh bâng quơ: “Tối nay trời khá nóng. Cô không đi ra phố sao?” “Không, tôi không thích ồn ào”. Anh đứng lên bước tới đi bên cạnh tôi. Lại một kiểu tán tỉnh nữa đây - tôi thầm nghĩ. Tiếng anh nhỏ nhẹ: “Hôm trước tôi đã có những ý kiến hơi trái ngược với cô? Cô có giận không?” “Không có gì đâu, anh là người có học vị, lại là ngành cấp trên mà” - tôi mĩa mai. “Ồ, cô hiểu lầm rồi. Tôi không hề có ý nghĩ đó”. “Hiểu lầm sao? Thì xin lỗi anh vậy” - tôi nói, cố giữ thái độ lãnh đạm. Một sự im lặng ngột ngạt. Thoáng xa xa có tiếng rè rè của vài con tàu đánh cá đang ra khơi. Anh chợt hỏi thăm tôi về nơi công tác. Tôi thẳng thắn trả lời anh về tên trường tôi dạy, một ngôi trường không mấy tiếng tăm ở một huyện miền núi. Anh cũng tỏ ra thân mật và cởi mở khi nói về công việc của mình. Anh nói anh từng công tác ở miền núi trước khi được chuyển về trường cao đẳng và bảo vệ thành công luận án thạc sĩ. Anh thành thật chia sẻ với tôi về tình hình học tập của học sinh vùng sâu vùng xa, về những điều kiện còn khó khăn của sự nghiệp giáo dục miền núi. Tôi cũng trao đổi với anh về một vài suy nghĩ cá nhân và nhận ra anh cũng không đến nỗi nào. Anh nói: “Tôi và cô là đồng nghiệp với nhau dù môi trường có khác nhau chút đỉnh. Chúng ta đang có chung đối tượng nghiên cứu phải không? Tôi rất thích được trao đổi và tranh luận để tìm ra cái kết quả tốt nhất”. Tôi im lặng và tự hỏi không biết anh ta muốn gì đây. Mình có cần phải cảnh giác không? Có vẻ như mình hơi mặc cảm? Chắc là không. Bạn bè trong trường đều cho rằng tôi là người kiêu kỳ, kẻ ít ác ý hơn nói tôi có trái tim lạnh. Thật ra thì không phải vậy. Trong đời, tôi đã từng thử yêu vài người đàn ông. Yêu một chách chân tình và có khi bạo liệt. Có người đã từng được tôi tự nguyện hiến dâng trọn vẹn mà không hối tiếc gì… Nhưng cuối cùng đành phải chủ động chia tay vì thấy họ cũng tầm thường như những con người tầm thường khác…

                    Anh mời tôi ngồi xuống ghế đá và cả hai đều im lặng. Anh khoanh tay, rồi chống cằm. Tôi đưa mắt nhìn về phía biển đêm. Thủy triều rút đã khá xa bờ, tiếng nước vỗ oàm oạp vào các tảng san hô nghe vọng lại rất nhỏ. Thật xa là dãy đèn đánh cá lấp láy. Thoáng có tiếng ốc mượn hồn đi trên đám lá dương khô rào rào. Lát sau anh nói: “Tôi vẫn còn nhớ lắm những cơn mưa dầm dề xứ núi, những đêm lạnh đốt lửa sưởi ấm nhau trong căn phòng tập thể, những tàn thuốc lá chuyền tay và những củ khoai trái bắp… của một thời”. “Tôi nghĩ anh đã quên, vì trí nhớ con người đôi khi rất tệ” - tôi nói. Làm sao quên được” - anh thở dài. Rồi anh nói với tôi về việc phải giữ gìn những kỷ niệm đẹp cho mình. Anh nói đừng để cho tâm hồn bị thương, vì như vậy ta sẽ nhìn đời luôn luôn xám ngắt. Trái lại cũng đừng cảm nhận đời sống một cách quá tỉnh táo để khỏi bị thất vọng, vì không bao giờ cuộc sống có sự công bằng tuyệt đối. Tôi nói tôi cần sự hoàn thiện. Anh nói anh chỉ cần thành công với chính bản thân mình, không cần thành công trong cuộc sống. Tôi cho rằng anh là người tự mãn. Anh xác nhận: “Có thể, nếu nó giúp tôi sống vững vàng và chân thật”. Im lặng một lúc anh lại nói: “Thật ra tôi xấu xa ít hơn cô đã nghĩ. Tôi vẫn yêu tha thiết cuộc đời. Và vì yêu cuộc đời nên lúc nào tôi cũng mong cho nó được hoàn mỹ. Tôi ghét sự giả dối và cách nói cho vừa lòng nhau. Thật là điều bất nhẫn vô cùng nếu cứ phết lên cuộc đời còn đang ốm yếu này một lớp sơn ngụy tạo. Tốt nhất hãy chữa bệnh cho nó đã”. Tôi cải: “Nhưng nếu chữa bệnh bằng cách ôm nhau mà khóc lóc thì ích gì kia chứ. Anh là người thầy? Đây, tôi giao cho anh sách vở, anh hãy dùng nó mà nâng cấp kiến thức cho tụi nhỏ đi. Làm được như vậy có nghĩa là anh đã góp phần chữa bệnh cho cuộc đời rồi đó”. “Đâu đơn giản như cô tưởng. Ai bảo rằng sách vở được miễn nhiễm? Có những căn bệnh đời đã trở thành ác tính rồi cô ạ. Nó cũng giống như những khối u bám chắc vào da thịt, rất vướng nhưng cắt đi thì nguy hiểm vô cùng cho cơ thể”. Rồi anh lại cười to: “Nói chuyện với cô thú vị thật đó. Nhưng thôi, chúng ta hãy đổi sang đề tài khác đi, nói những chuyện vui nhé. Lẽ nào ta gặp nhau chỉ để tranh cải mãi hay sao?”. Rồi anh thông báo cho tôi biết nhà xuất bản Văn học vừa tái bản quyển Les étoile của Anphonse Daudet. Chúng tôi chuyển đề tài xoay quanh các truyện ngắn trong đó. Tôi nói tôi thích nhất là truyện “Những vì sao”. Anh nói anh cũng vậy, anh cũng thích được như chú bé chăn cừu kia lắm. Chỉ sợ không có nàng Staphanette nào mang cơm đến cho mình, khéo rồi chết đói thôi…
                    Đêm đã khá khuya. Đã thôi không còn nghe tiếng tàu trên biển. Những ánh sao trong bóng đêm vụt sáng lên. Dãi ngân hà trải dài một vệt màu xanh nhạt…
         
                    Tuần lễ thứ hai chúng tôi có những tiết dự giờ thực nghiệm tại một trường điểm của thành phố. Nội dung và phương pháp là những điều đã được chuẩn bị sẵn trên cơ sở đề tài sáng tạo mới của ngành mà vừa qua chúng tôi đã mang ra mổ xẻ, thảo luận. Tôi bực mình nói với anh hóa ra chúng tôi được mời về đây chỉ để vỗ tay và củng cố thêm cho những luận điểm đã được chuẩn bị trước hay sao. Anh vỗ về tôi bằng những lời an ủi, rằng những ý kiến của cơ sở cũng rất quan trọng, sẽ chọn lọc và bổ sung cho những lần sau. Anh tế nhị tìm cách ngồi cạnh tôi trong mấy buổi dự giờ và ghi ghi chép chép một cách cẩn thận. Buổi tối anh lại tìm đến phòng tôi, khi thì với một quyển sách mới xuất bản, khi thì một tập tài liệu có liên quan nào đó. Trước sự chăm sóc ân cần của anh, có lúc lòng tôi bỗng dấy lên một niềm xúc động. Thành thật mà nói chúng tôi có những điểm khá gần nhau, nhất là cả hai đều thích văn học nước ngoài. Anh nói anh rất thích cái qui luật “tâm hồn nặng gấp trăm lần thể xác…” của Noda Dumbatze. Và tôi cũng vậy. Một lần anh thủ thỉ tâm tình với tôi về đề tài niềm tin và giấc mộng của con người, rồi anh đọc cho tôi nghe một trích đoạn của Erich Maria Remarque như sau:
        -       Không nên bao giờ cứu với những giấc mộng
        -       Nên chứ! Nếu không thì cứu với gì bây giờ?
        -       Cứu vớt niềm tin.
        -       ??
        -       Giấc mộng này qua đi và giấc mộng khác sẽ đến. Chỉ có niềm tin đáng nuôi dưỡng khi bóng tối đang bao trùm trên giấc mộng loài người…
        Cuối cùng thì anh cũng đã chinh phục tôi hoàn toàn. Không phải bởi tôi là một người cả tin hay dễ dãi. Được ở bên cạnh anh tôi thấy mình vui hơn vì được nghe nhiều điều thú vị mà tôi ít được trải qua khi tiếp xúc với những người khác. Đêm nay, đêm cuối cùng trước khi chia tay, tôi lại cùng anh đi dọc theo bờ biển. Một bên là phố đã lên đèn, một bên là lao xao tiếng sóng. Biển lặng gió và đêm như trải dài mênh mông. Thật xa bờ là dãy đèn đánh cá. Tiếng sóng lăn vào bờ cát nghe rào rào. Một ánh sao băng bất chợt xẹt ngang qua màn đêm. Tôi im lặng đứng yên trong vòng tay anh ấm áp. Rồi chợt hơi rùng mình khi anh đưa tay vào trong cúc áo của tôi. Tự nhiên tôi nghe từ thân thể anh như có mùi thơm của hoa mướp và mùi của những trảng tranh cháy nắng. Anh cúi xuống hôn ngấu nghiến lên môi tôi. Tôi lại thoáng nghe có vị mặn của san hô, của rong biển. Nhưng… tự sâu thẳm tâm hồn mình tôi vẫn thấy hình như cảm xúc của tôi là những gì không thật. Rồi anh nói anh yêu tôi bằng một giọng xúc động. Tôi nói tôi cũng vậy và cả hai quay lại đoạn đường vừa đi qua. Tôi và anh lặng lẽ bước đi, chẳng nói gì với nhau suốt đoạn đường về. Gió bắt đầu thổi hút mạnh từ phía biển. Bầu trời sao bỗng nhợt nhạt…
         
                   Sáng hôm sau anh đi sớm và không chào tạm biệt tôi. Tôi đã giận và vẫn còn giận anh suốt thời gian sau đó mãi đến bây giờ. Lá thư anh gởi cho tôi có nói bóng gió đến việc anh và tôi không thể tiếp tục mối quan hệ tình cảm vì một lý do gì đó. Tìm hiểu qua một vài người quen tôi mới biết anh đã đính hôn. Đó là một phụ nữ thuộc một gia đình có quyền thế nào đó ở tỉnh. Cô ta đang làm việc ở tỉnh ngoài. Lá thư sau chính anh đã xác nhận với tôi điều đó. Tôi không liên lạc với anh nữa. Tôi giận lắm. Tôi cố gắng quên đi, coi đó như một trong những mối tình thoảng qua trong đời. Nhưng cứ đến những đêm tối trời, mắc võng nhìn bầu trời sao, nghe gió thổi về qua những trảng tranh xào xạc nhhư tiếng sóng tôi lại nhớ anh đến não lòng.
                    Tuy nhiên cứ mỗi lần nghĩ đến anh, tôi không tránh được cảm giác mình bị lừa dối và khinh bỉ.

        L.P.Hải
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9