Những cơn mưa đầu mùa 4

Tác giả Bài
kien0745
  • Số bài : 91
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 20.04.2009
  • Nơi: Hắc Mộc Nhai
Những cơn mưa đầu mùa 4 - 21.05.2011 16:04:26
Bốn

Từ ngày có thêm bạn mới, Nghi vui hẳn lên. Lúc nào anh cũng cười đùa, làm việc nhà và bài tập đều chăm chỉ. Nhất làm ngồi bên cửa sổ thường xuyên hơn, mục đích thì ai cũng biết, đó là nhìn sang bên kia, chờ Thúy xuất hiện, nở một nụ cười, nhận lại sự đáp trả của Thúy, cũng bằng một nụ cười.
Việc ấy diễn ra rất thường xuyên, vì cả hai vẫn sớm tối gặp nhau mà. Nếu chỉ có thế thì không có gì để nói. Cái đáng nói là không chỉ có chào nhau bằng cách như trên, nhiều khi gặp thấy Thúy, Nghi đã làm đủ thứ trò hòng gây sự chú ý của cô. Tiếc là có nhiều trò gây phản cảm nhưng tại thời điểm đó anh không nhận thức được, cứ diễn đi diễn lại, như là nhảy nhót hay múa máy tay chân một cách không đẹp tí nào, làm cho cô bạn cảm thấy phát chán. Không biết Thúy có nghĩ anh chàng nay bị hâm hay không nữa.
Tuy nhiên, không vì những cái trò hâm ấy của Nghi mà khiến Thúy ghét bỏ, trái lại cô rất quan tâm đến anh, phải nói là đến từng chi tiết nhỏ. Chẳng hạn, một lần nọ, Thúy đã hỏi Nghi có phải nhà anh có tấm rèm che cửa mới không, màu tím của nó trông rất đẹp. Nghi suy nghĩ một hồi, mới sực nhớ là trước khi quen Thúy cũng khá lâu, anh đã mang về tấm rèm cửa sổ của lớp học, nhân dịp trực nhật. Để đỡ choáng cho, anh bèn treo nó lên cửa sổ nhà. Thế mà cũng bị cô bạn tinh mắt phát hiện. Nghi mới tường thuật lại sự việc cho Thúy biết.
Một lần khác, Nghi lết qua nhà Thúy, dáng vẻ tiều tụy, sụt sùi. Trông bộ dạng thảm hại ấy, Thúy mới hỏi vì sao lại ra nông nỗi này. Nghi bèn trả lời là anh bị mệt vì mấy hôm nay phải thức khuya học bài. Thật ra đó là lời nói dối, bởi anh ta do đi đá banh bị dầm mưa mà cảm lạnh đấy thôi. Tuy nhiên, Thúy vẫn tin lời anh và nói:
- Anh uống thuốc nhé, em sẽ lấy cho anh!
Nghi định từ chối nhưng nghĩ lại và ngồi im đồng ý. Thúy chạy vào trong nhà, lấy ra một viên thuốc cùng cốc nước:
- Anh uống ngay đi cho chóng khỏi, hôm sau chưa khỏe thì em sẽ đưa anh uống tiếp!
Nghi nuốt viên thuốc mà cảm giác như nuốt viên kẹo. Viên thuốc thường ngày đắng là thế, sao hôm nay lại ngọt vậy? Anh cảm động đến mức không nói nên lời, chỉ thiếu việc rơi nước mắt mà thôi. Thật ra việc một người này đưa thuốc cho người kia uống cũng bình thường thôi, nhưng cái Nghi xúc động không chỉ bởi viên thuốc, mà vì đây là lần đầu tiên nhận được sự quan tâm và chăm sóc từ người bạn khác phái, một điều chưa có tiền lệ. Cái cảm xúc ấy khiến anh nhớ mãi; cho đến tận bây giờ, khi nghĩ về nó, anh vẫn còn bồi hồi.
Qua một vài sự việc như thế, Nghi và Thúy đã vô cùng thân thiết với nhau. Từ dạo ấy, Nghi hay sang nhà Thúy chơi, ngồi lại cho đến tận khuya mới chịu ra về. Báo hại Thúy phải ngồi chịu trận, mắt không ngừng liếc nhìn đồng hồ, ra vẻ đuổi khéo. Nhưng Nghi vẫn cứ chứng nào tật nay, một khi đã thao thao thì sẽ bất tuyệt, không cần biết đến hoàn cảnh xung quanh nữa, dạng như trời sập cũng chẳng buồn để ý!
Trọng cũng thường xuyên qua nhà Nghi chơi từ dạo quen được Thúy. Mỗi lần như vậy, họ vẫn hay sang Thúy và cùng nhau trò chuyện phiếm. Trong những buổi trò chuyện như vậy, người phát biểu nhiều nhất vẫn không ai khác chính là tay “thi sĩ” nửa mùa, còn người nói ít nhất và hầu như không nói là Trọng. Anh ta chỉ thỉnh thoảng nói vài câu chiếu lệ, hoặc là tìm cách cắt ngang sự cao hứng quá mức của “nhà diễn thuyết”, kéo vị này trở về mặt đất, thế thôi. Và người hay lắng nghe nhất là Thúy. Cứ mỗi lần Nghi nói chuyện, Thúy đều tỏ ra rất chăm chú lắng nghe, đồng thời tỏ ra hiểu được ý của Nghi muốn nói (còn thật sự hiểu hay không thì có trời mới biết). Dần dần, theo sự đánh giá chủ quan của Nghi, hai người đã hình thành được mối đồng cảm nho nhỏ trong lời nói và ý nghĩ.
Như đã nói ở trên, Nghi thường hay cao hứng quá mức, phát biểu vô cùng nhiều. Tất nhiên, hệ quả của sự nói nhiều thì ai cũng biết, đó là trở thành kẻ buôn dưa lê. Đối lập với Nghi, Trọng thì thường xuyên im lặng, nói theo kiểu dân gian đó là một sự im lặng đáng sợ, còn khi đã phát biểu, thì thái độ chú ý lắng nghe mà anh nhận được nơi Thúy còn nhiều hơn cả cái Nghi nhận được. Tuy nhiên, thời điểm ấy Nghi chưa nhận ra sự khác biệt như vậy (mãi đến sau này, khi đã trải qua nhiều sự việc, anh mới đủ sáng suốt để nhận ra điều đó), một phần có lẽ là do Trọng rất tinh tế trong khâu xử sự, một phần do Nghi quá vụn về, lại cứ lo chăm chú vào mỗi Thúy, chẳng để ý đến mọi chuyện xảy ra xung quanh. Tuy nhiên, những nhận định trên đây nên tạm gác lại, mà nên nói đến những diễn biến xảy ra tiếp đó. Ngoài những cuộc tiếp xúc trên, giữa họ còn có những kỷ niệm khác mà riêng với Nghi, chúng trở thành những ký ức dường như khó phai.
Ấn tượng đầu tiên, đó là vào một ngày cuối tuần, nhân dịp sinh nhật báo Mực tím. Hôm ấy, Nghi rủ Trọng đi. Trong thời gian chờ bạn đến, anh mới sực nhớ ra là mình vừa có bạn mới, vậy thì sao mình không rủ người ta đi chung cho vui. Thế là Nghi lần sang bên kia, ngỏ ý với Thúy, và lẽ tất nhiên là nhận được sự đồng ý. Kết cục là ba người cùng nhau đi đến lễ hội. Trong lần vui chơi ấy, được dịp đèo cô bạn đằng sau, cũng là điều chưa có tiền lệ, lại được ngồi sát cạnh cô ấy trong lúc xem diễn, những thứ ấy tạo cho Nghi một cảm giác lâng lâng khó tả, khiến một người nhạy cảm như anh không sao vơi được nỗi hồi hộp. Lần ấy đã làm cho anh biết được thế nào là cảm giác thân thiện và trìu mến đối với con gái; cũng là lần làm cho anh thấy yêu đời hơn, sống lạc quan hơn. Anh mơ hồ nhận thức được đó chính là khởi đầu của sự rung động, và sự rung động ấy được xuất phát từ đáy con tim ….
Sau đó còn vài lần đi chơi. Một trong những lần ấy là vào dịp Chúa giáng sinh. Cuối năm, trời se lạnh. Nghi rủ Trọng đi vòng vòng cho vui. Đợi mãi mà ông bạn quý hóa vẫn chưa xuất hiện, Nghi vô cùng bực mình. Bốn mươi lăm phút đã trôi qua, Nghi lại chợt nghĩ đến Thúy. Ừ nhỉ, cứ ngồi đây đợi cái tay trễ hẹn chết tiệt ấy mãi làm gì, sao mình không qua rủ Thúy cho rồi! Nghĩ là làm, Nghi chạy qua ngay bên kia gặp Thúy và nói:
- Em có rãnh không, đi chơi nhé?
- Giờ ấy à? Nhưng sao anh không rủ thêm anh Trọng nữa cho vui?
- Anh có, nhưng tay ấy sử dụng giờ dây thun, trễ mất bốn mươi lăm phút rồi.
- Ta cứ đợi mười lăm phút nữa đi anh! Còn sớm mà!
- Thôi thì đợi vậy. Nhưng sau ngần ấy thời gian mà anh ta vẫn chưa đến thì anh và em sẽ đi mà không đợi nữa, nhất trí nhé!
Thuý suy nghĩ một hồi rồi đồng ý, sau đó đi vào trong sửa soạn. Còn Nghi thì vui mừng ra mặt và ngồi đợi. Thế rồi đúng vào phút thứ 14 và giây thứ 59, tay Trong đến, làm Nghi tức điên.
Cho đến lúc này, anh không mong Trọng xuất hiện chút nào nữa, chỉ mong anh ta quên mất cuộc hẹn này mà thôi; nhưng mọi sự đã diễn ra không như mong đợi. Sự xuất hiện của Trọng làm Nghi có cảm giác bị kỳ đà cản mũi. Mặc dù vậy, Nghi cũng không trách nhiều về sự chậm trễ của ông bạn, chỉ cằn nhằn vài câu mà thôi. Thế là hai cặp: một bên là Nghi và Thúy, một bên là Trọng và Minh, em trai Thúy bắt đầu xuất phát.
Họ bắt đầu đi kề nhau cho đến khu trung tâm thành phố. Đường Lê Lợi mọi khi to là thế, vậy mà hôm nay nó có vẻ chật hẹp vô cùng. Xe đủ loại chen chúc nhau từng phân vuông đường khiến cho cảnh tượng đường xá vô cùng ngột ngạt. Trong bối cảnh ấy, hai cặp người nêu trên, một đi xe đạp, một đi xe máy đã không thể nối đuôi nhau được nữa, thế là lạc nhau. Nhìn mãi vào dòng xe và người kinh khủng ấy, Nghi không sao nhận ra cặp còn lại. Không còn cách nào khác, anh đành đèo Thúy chạy vào những con đường vắng hơn. Và Nghi nghĩ trong lòng rằng không biết có phải do đấng trên sắp xếp hay không mà anh đã tạm thời thoát được khỏi con kỳ đà ấy rồi!
Trong lúc ấy, vì không còn Trọng kè kè bên cạnh, nên Nghi bỗng cảm thấy thoải mái, và cũng tha hồ tán hươu tán vượn mà không sơ bị kéo xuống mặt đất như mọi khi nữa. Và rồi anh bắt đầu huyên thuyên, hết chuyện nọ lại xọ chuyện kia, không để ý đến Thúy có nghe hiểu hay không mà trong đầu luôn có ý nghĩ là cô vẫn cứ lắng nghe, vì thỉnh thoảng co vẫn có phản ứng bằng những tiếng cười thích thú. Nghe được những tiếng cười ấy, lòng Nghi ấm hẳn lại, sự mệt mỏi cũng tan biến. Điều thú vị nữa là chiếc xe đạp chở hai người đã gặp sự cố mà anh ta vẫn chẳng hay biết, cứ đạp và đạp, nói và nói, mãi đến khi sắp về đến nhà mới phát hiện. Báo hại cho Thúy hôm sau phải mua xăm xe mới mà thay. Qua sự việc trên, Nghi mới hiểu được đối với anh, Thúy quan trọng biết dường nào.
Một chuyện khác xảy ra cũng ấn tượng không kém. Vào một ngày giáp tết cuối năm, Thúy hỏi Nghi:
- Anh có hay đi chợ hoa Nguyễn Huệ không?
Nghi suy nghĩ và nhớ lại là hình như mình đã đi qua nhưng không còn nhớ lắm vì lúc ấy anh còn bé, nên nói:
- Anh có đi qua từ hồi còn bé, nhưng mấy năm gần đây thì không.
- Vậy vài hôm nữa anh sẽ đi cùng em và vài người bạn nữa nhé?
- Đồng ý!
Thế là đợi đến ngày hẹn, theo kế họ cùng nhau đến nhà những người bạn. Khổ nỗi, những người bạn ấy một thì gặp phải chuyện buồn trong nhà, một thì thất hứa mà tự bỏ đi chơi. Không không còn cách nào khác, Nghi đành phải đi riêng với Thúy vậy. Và anh nghĩ trong lòng là sao mà kịch bản lại tương đồng với hôm Giáng sinh thế.
Hôm ấy trời đẹp. Đến chợ hoa, sau khi gửi xe, họ cùng sánh đôi bước vào khu trung tâm. Càng đi thì họ càng thấy dòng người ngày một đông đúc hơn, ngày một chật chội hơn. Để tránh lạc nhau trong trường hợp như vậy, cách tốt nhất là phải đi sát bên đôi phương. Đối với một người nhạy cảm như Nghi, cảm giác của anh có được lúc ấy là thế nào thì ai cũng biết: dường như anh sống trên mây chứ không còn đi dưới mặt đất nữa. Và cảm giác ấy xâm chiếm anh đến hai ba ngày vẫn chưa hết.
Lý giải cho vấn đề này, cũng không khó hiểu cho lắm. Với một người như Nghi, bình thường tiếp xúc bạn khác phái không nhiều, vậy mà bỗng nhiên hôm nay, một cô bạn đi sát bên cạnh, lại được thân thiện hơn mức bình thường, cộng với những trường hợp xảy ra trước kia, cứ như là nâng cao dần mức độ vậy. Với một xâu chuỗi tình huống như thế, sao mà một người nhạy cảm như Nghi lại không xúc động quá mức chứ?
Sau lần ấy, như một cách mặc nhiên, trái tim anh đã chấp nhận dành một chỗ trống để chứa đựng hình ảnh về người bạn gái thân nhất thời điểm ấy.
Năm hết Tết đến, mọi người vui chơi, Nghi cũng vui chơi. Tất nhiên là sự vui chơi của Nghi không thể thiếu sự có mặt của Thúy. Cả hai đã ở bên nhau rất vui, rất thoải mái cho đến khi xuất hiện một thứ làm cho niềm vui của họ không trọn vẹn.
Mùng bốn Tết, Nghi đèo Thúy đi chơi Thảo cầm viên. Lẽ ra đã có một cuộc vui thật sự nếu không phát sinh một số vấn đề. Số là mùng bốn Tết năm ấy trùng với ngày sinh nhật lớp của Nghi, lại tổ chức ngay tại Thảo cầm viên. Không biết suy nghĩ thế nào, Nghi lại chọn đi chơi với Thúy mà không chọn việc họp lớp. Với hoàn cảnh như vậy, Nghi gặp bạn bè trong ấy là điều chắc chắn.
Gặp nhau rồi, ít ra cũng phải chào hỏi cho phải phép, còn không thì vờ như không thấy gì cả rồi tìm cách lẻn đi càng nhanh càng tốt. Thế mà có phải vậy đâu! Anh chàng nhà ta cứ đi qua đi lại trước mặt mọi người cứ như là diễu binh vậy, mặt lại còn nghênh lên với thái độ đắc thắng, trông lố bịch không thể tả nổi. Trước sự việc như vậy, Thúy đã giận ra mặt nhưng chưa lên tiếng. Mọi việc chưa dừng lại ở đấy mà vẫn còn tiếp diễn.
Khi nhìn thấy cô bạn cùng lớp của Nghi, người mà cả lớp luôn gán ghé đủ điều với Nghi, anh ta đã đứng đực mặt ra nhìn, không còn phản ứng gì khác nữa. Như là giọt nước làm tràn ly, Thúy giận dỗi đòi về ngay, trước sự bất ngờ của Nghi. Anh không hiểu Thúy giận vì lý do gì (không hiểu là phải, vì trình độ hiểu biết nữ giới của anh ta quá tệ ấy mà).
May là cuối cùng thì mọi việc cũng đâu vào đấy. Sau khi rời khỏi công viên, Thúy đã nguôi giận và bắt đầu chịu nói chuyện, sau đó họ làm lành với nhau. Tuy nhiên, từ hôm ấy trở đi, họ đã không còn thân thiết như trước nữa. Hôm ấy cũng đánh dấu bước ngoặt mới: sự đổ vỡ.