TẾT GIẾT SÂU BỌ
tahuudinhqn 26.05.2011 17:18:56 (permalink)
TẾT GIẾT SÂU BỌ
 
Chiến tranh phá hoại tràn ra miền Bắc. Nhà máy điện Uông Bí bị ném bom. Cả phố đi sơ tán. Gia đình tôi cũng vậy. Chỉ một mình tôi ở nhà mở cửa để chụp ảnh kiếm sống. Nhưng rồi đạn bom mỗi ngày một thêm ác liệt, chẳng ai vui thú gì mà nghĩ đến chuyện chơi bời, chụp ảnh kỷ niệm. Chỉ thỉnh thoảng mới có người đến chụp một kiểu 3x4 làm thẻ đảng, làm chứng minh thư hay hồ sơ xin việc làm. Thế là hoàn cảnh gia đình tôi ngày càng lâm vào tình trạng “bóc ngắn cắn dài”, thu không đủ chi. Ấy là chỉ tính mức sống tối thiểu, ngày hai bữa cơm rau, độn mạch độn mì.Nhưng như người ta nói: “Sự sống chẳng bao giờ chán nản”. Dù thế nào  thì chúng tôi cũng phải sống. Ngày nào tôi cũng mở cửa ngồi đón khách. Báo động thì chạy xuống hầm. Báo yên lại lên. Có hôm ngồi chầu hẫu cả ngày như ông từ giữ đền mà chả có ma rạc ma rài nào đến.
Dạo ấy lại đang cữ tháng năm, giữa mùa hè nắng lửa mưa dầu. Trời nóng như nung. Nhà có cái quạt “tai voi”, do anh bạn thời chống Pháp được tiêu chuẩn phân phối, thấy lũ trẻ nhà tôi đứa nào cũng rôm sẩy đầy người, anh ấy nhường cho mua, nhưng sợ bom rơi đạn lạc, hỏng mất “của quý” nên đã đem sơ tán về quê rồi. Đang phì phạch chiếc quạt nan bỗng thấy ngoài đường người ta hỏi nhau: “Mai tết mồng năm, nhà ấy đã mua hoa quả giết sâu bọ chưa?”. Ôi chao là thời gian! Tôi bừng tỉnh như vừa ngủ quên, mặc dù mình vẫn thức mới ngày nào gót đỏ như son, tóc còn để chỏm. Thế mà nay đã…
Ở quê tôi ngày xưa, tết mồng năm tháng năm tuy không phải là cái tết to, nhưng lại rất nhiều vẻ thiêng liêng, huyền bí, vì các tục lệ xung quanh cái tết ấy. Người ta tin rằng các loài thảo mộc, cỏ cây hôm tết mồng năm cũng thay đổi khác thường. Cây nào thuộc loại có ích, thì bản chất tốt hôm ấy tăng lên. Cây nào độc hại thì sự độc hại lại giảm xuống. Có lẽ vì thế nên các ông lang hay đi hái thuốc vào ngày hôm ấy. Bà tôi cũng vậy, cứ đúng sáng mồng năm, bà lại sai anh tôi trèo lên cây vối ở bờ ao, bẻ cành lá cho bà băm, ủ để uống cả năm. Bà bảo phải ủ đúng ngày tết thì lá có đắng chát đến đâu cũng thành ra ngọt, càng đặc, nước càng ngọt, càng thơm. Mà cũng không riêng gì lá vối, bất cứ lá gì, nếu thu hái vào ngày hôm ấy, cũng đều có thể uống được cả.
Thậm chí đến cả loài động vật hoang dã như hùm beo, rắn rết, ngày hôm ấy cũng không cắn người. Nếu có ai bị rắn cắn thì cũng chẳng sao. Vì ngày hôm ấy rắn không có nọc độc.
Chẳng biết những tín điều đó có đúng hay không? Còn cái tục lệ nhuộm móng tay cho trẻ con, thì bọn trẻ con chúng tôi đứa nào cũng sướng mê lên.
Ngay từ chiều mồng bốn áp tết, bà tôi đã đi hái “lá móng tay” và xin nhà chùa mấy quả me mun. Về nhà, bà rửa cối, rửa chày để giã. Hai anh em chúng tôi náo nức tranh nhau chỗ ngồi để xem bà làm. Và tranh nhau hỏi: “Bà ơi! Tại sao lại gọi là “lá móng tay?”. Bà ơi! Lá xanh, tại sao buộc vào tay, móng tay lại đỏ?”. Bà bảo: “Lá để ruộm móng tay, nên người ta gọi như vậy để nhớ. Còn đỏ là do có phép tiên đấy”. Bà bỏ lá và những quả me trắng như gạo nếp, tròn, có khe múi nhỏ như những viên bi vào cối giã. Đêm hôm ấy trước khi đi ngủ, hai thằng được bà rửa tay chân thật sạch, lau khô. Rồi đứa nào cũng xòe tay ra, đòi bà buộc lá cho mình trước. Bà bảo đêm ngủ, cấm không được gãi. Đứa nào gãi thì móng tay sẽ không đỏ. Chúng tôi lên giường nằm yên, cả đêm không dám động cựa. Sáng hôm sau ngủ dậy, cởi dây buộc. Hai đứa sướng run lên vì móng tay đứa nào cũng đỏ chót như son!
Tôi không nhớ bộ móng ấy đỏ được bao nhiêu ngày thì nhạt mất? Chỉ nhớ lúc đòi bà nhuộm lại, bà bảo: “Không được! Chỉ nhuộm vào ngày tết móng tay mới đỏ”. Rồi trưa hôm ấy (mồng năm tết), mẹ tôi đi chợ về, mua cho mỗi đứa một cái khánh vàng (bằng giấy nện), có dây tua chân chỉ hạt bột rất đẹp. Mẹ vừa tròng sợi chỉ đỏ đeo khánh vào cổ cho anh em tôi xong, hai thằng đã ù té chạy đi khoe lũ trẻ hàng xóm…
Cả cái tục lệ ăn trái cây cũng vậy. Cỗ bàn xôi thịt thì tùy hoàn cảnh từng nhà. Giầu làm kép hẹp làm đơn. Nhưng mấy thứ trái cây thì chẳng nhà nào không có. Mà chẳng hiểu sao, chỉ là những quả rất bình thường, quen  thuộc như quả ổi, quả đào, quả mận, nhưng ăn vào ngày hôm ấy thì lại gọi là “ăn tết giết sâu bọ?”. Tại sao lại gọi Tết 5 - 5 là tết giết sâu bọ? Thắc mắc ấy cứ đeo đẳng suốt cả đời tôi. Mãi về sau do đọc sách mà tôi được biết. Mồng năm tháng năm là ngày giỗ nhà thơ Khuất Nguyên, ông quan Tả Đồ của nước Sở, thời Đông Chu bên Trung Quốc.Vua Sở sai ông làm pháp lệnh. Ông soạn thảo chưa xong thì Đại phu Thượng Quan, người vẫn ghen ghét tài năng với ông, bèn dèm với vua:
- Bệ hạ sai Khuất Bình (Bình là tục danh) làm pháp lệnh không ai là không biết. Mỗi khi lệnh ban ra Bình lại khoe công của mình, nói: “Ngoài ta ra chẳng ai làm nổi!”.
Thế là Sở Hoài vương giận, bỏ rơi ông. Bị thất sủng, ông đi lang thang như người cuồng. Rồi ngày 5 - 5, ông ôm đá nhẩy xuống sông Mịch La tự vẫn. Dân chúng thương ông, nhớ ngày ấy cúng giỗ ông, rồi lâu đời thành ra ngày tết.
Nếu bạn hỏi ngày tết ấy là của nước Sở, sao dân ta cũng tết? Xin thưa: Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã nói: “Nền văn hóa Việt Nam bị nền văn hóa Trung Hoa hiếp dâm mà sinh ra”. Vâng Đó là cách nói riêng của ông ấy. Còn dân ta ai cũng hiểu, đó là sự giao thoa giữa hai nền văn hóa, cho nên cả hai nước cùng có chung một ngày tết. Còn tại sao ngày tết ấy lại gọi là “tết giết sâu bọ”, thì đó vẫn còn là một ẩn số chưa có lời đáp. Hay vì lúc còn tại chức Khuất Nguyên vẫn coi bọn quan tham lại nhũng nước Sở là sâu bọ, cần phải diệt trừ mà thành ra danh xưng đó chăng?...
Nhưng thôi đó là chuyện của quá khứ. Còn hiện tại trước mắt ngày mai đã là ngày tết rồi. Chẳng có xôi, có thịt thì cũng phải có mấy thứ trái cây để lũ trẻ khỏi tủi thân, vì chúng cũng được ăn tết như những đứa trẻ khác. Nhưng đào đâu ra tiền bây giờ? Suốt từ sáng đến trưa, rồi từ trưa đến giờ đã sang chiều rồi mà chẳng có “chó cô, mèo lạc” nào đến nhà. Đi vay ư? Hàng xóm toàn nhà nghèo, mà nhà nào cũng đi sơ tán cả, vay ai? Chỉ còn một chút hi vọng mỏng manh là anh cháu họ, tháng trước nó vay mấy chục, hẹn lĩnh lương sẽ trả, mà chăng biết nó có nhớ không?...
                                                *                                
  Phía tây đỏ ối một vùng. Mặt trời sắp lặn rồi. Và cái oi bức đã có phần dịu bớt. Giờ cao điểm máy bay đã qua. Và cái hi vọng kiếm lấy mấy đồng của tôi ngày hôm ấy cũng sắp hết. Tôi bồn chồn, khắc khoải, nửa vui, nửa buồn, nửa mừng nửa lo. Mừng vì đã được sống một ngày yên ổn, không có máy bay và bom đạn. Buồn lo vì cuộc sống của gia đình mình vừa nghèo, vừa bập bênh chẳng có gì chắc chắn!… Nhưng dù thế nào thì cũng phải đón lũ trẻ về. Ở nhờ nhà người ta cả ngày tết thì bất tiện quá. Tôi đóng cửa, kẽo kẹt đạp cái xe “tộc tộc” lên xã Phương Đông, nơi vợ con đang sơ tán.
Cơm chiều xong. Trời cũng vừa tối. Lũ trẻ lâu mới được về nhà, chúng vui mừng chạy nhẩy, cười nói ầm ĩ, đứa đi trốn, đứa đi tìm rậm rịch khắp các xó xỉnh. Vợ chồng tôi ngồi uống nước. Chưa mất hết hi vọng, tôi vẫn để mắt hóng ra ngoài đường. Nhưng nhìn càng lâu càng mất hi vọng. “Thế là nó hứa hão rồi”.Vợ tôi vừa nói vừa nhìn vào mặt tôi như ngầm bảo: “Đấy cháu của ông đấy!”.
Nghĩ quẩn nghĩ quanh, bỗng tôi sực nhớ ra và gọi đứa con gái đang vui chơi với em đến, bảo:
- Mấy hôm nay không có khách chụp ảnh, nhà mình hết tiền rồi. Ngày mai Tết giết sâu bọ. Hay là… “làm thịt” chú lợn đất của con, Dung nhé?
Năm ấy Dung vừa tròn chín tuổi, cũng biết nghĩ rồi. Nó gật đầu bằng lòng ngay. Thấy vậy hai đứa em nó vui sướng nhẩy nhót, vỗ tay reo ầm ĩ:  “Hoan hô! Hoan hô! Bố nàm thịt chú nợn đất”. “Bố nàm thịt chú nợn đất!”. Vợ tôi chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ cười. Nụ cười nửa vui nửa buồn. Có lẽ nàng vui vì thấy các con mình vui, còn buồn vì thấy mình quá nghèo. Con Dung hăng hái vào trong buồng khệ nệ bế chú lợn đất ra để xuống chỗ trống giữa nhà rồi bối rối hỏi:
- Lợn đây làm thế nào hả bố?
- Con dập ra.
- Đập thế nào cơ?
Ôi con gái yêu quý của tôi! Nó biết bố đang cần những đồng tiền của nó để dành ở trong đó. Nhưng nó không dám làm vỡ con vật nguyên lành đẹp đẽ mà nó vẫn quý, vẫn yêu!..
Và cả tôi nữa, tôi cũng không đang tay đập vỡ con lợn. Vì từ trong đáy lòng mình, tôi cũng không vui gì khi phải tiêu đi những đồng tiền của con mình đã dành dụm, ky cóp bấy lâu. Vì tiêu như vậy là thêm một lần nữa, tôi lại làm vỡ cái lớn hơn con lợn đất rất nhiều. Đó là những ước mơ bé mọn của con gái mình. Và như vậy tôi là một người cha tồi, không làm tròn trách nhiệm!..
Tuy nghĩ thế, nhưng biết làm sao được, đất nước đang có chiến tranh, cái gì mà chẳng phải hy sinh. Tôi bảo con gái: “Con xuống bếp lấy con dao lên đây”. Dung chạy đi, rồi lên cầm con dao đưa cho tôi. Không! Tôi đã nghĩ kĩ rồi, ai có công “chăn nuôi” thì người ấy có quyền thu hái. Tôi bảo: “Con đập đi!”.  Nó cười, vừa rụt rè, vừa lúng túng, hết nhìn bố lại nhìn con lợn. Rồi nó nhắm mắt lại, giơ con dao lên và đánh “cha..ất” một tiếng. Những đồng tiền kẽm sáng choang cùng những mảnh đất sét đỏ au bắn ra tung tóe. Vợ con tôi xúm lại nhặt tiền. Tôi vội ngoảnh mặt đi, sợ họ trông thấy mắt mình ướt đẫm./.
                                                                   Uông bí, tháng 6/1972
                                                                 Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9