Cần tình nguyện viên cho dự án "Bare feet, iron will"- dự án ý nghĩa về lịch sử
barefeet_ironwill 31.05.2011 04:18:42 (permalink)
Chào các bạn,

Mình xin gửi bạn thông tin về dự án "Chân trần, chí thép" của mình. Dự án được lấy tên theo cuốn sách về chiến tranh Việt Nam của ông James Zumwalt một cựu chiến binh Mỹ, con trai của người đã ra lệnh rải chất độc màu da cam ở Việt Nam. Sau đó chính anh trai tác giả (cũng là cựu chiến binh) lại phải hứng chịu hậu quả của chất độc màu da cam và mất vì ung thư.
Dự án của mình nhằm thu thập các câu chuyện, tác phẩm về 2 cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc. Sau đó nhóm dịch sẽ dịch ra tiếng Anh, đưa lên 1 trang web, nhằm tuyên truyền về lịch sử ko những cho các bạn trẻ mà còn để bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam.

Dưới đây là thư ngỏ về dự án, kế hoạch thực hiện ban đầu và cách tham gia:

DỰ ÁN BARE FEET, IRON WILL - CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP
 
Tôi vừa đọc xong cuốn sách Bare feet, Iron will của tác giả James G. Zumwalt. Cuốn sách thể hiện rất chân thực những suy nghĩ của một cựu chiến binh Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam thông qua nhiều bài phỏng vấn của ông với những người ông từng coi là “kẻ thù”. Nhưng có một điều khiến tôi băn khoăn rằng là người Việt, mà còn quá nhiều những câu chuyện về chiến tranh tôi không biết, chưa từng biết, hay chỉ mơ hồ nghe nói đến. Sinh nhật gần sát ngày giải phóng miền Nam, nhưng quả thực với tôi, cũng như với hầu hết số người trẻ tự nhận là có chút chữ nghĩa, ngoài các tác phẩm nổi tiếng, thì việc tự đi tìm tòi mua những cuốn sách về các cuộc chiến giữ nước của ông cha mình là rất ít. Ngay cả trong trương chình học phổ thông, việc ghi nhớ một cách khá máy móc tên, địa danh các mốc lịch sự quan trọng đối với chúng tôi chỉ là để phục vụ mục đích thi lấy điểm (ngoài những bạn thực sự đam mê và sau này theo học sử lên bậc đại học). Tôi tự hỏi, liệu những người trực tiếp tham gia chiến đấu, những người trực tiếp sống ở thời đó, những bậc cha chú, ông bà, họ sẽ còn là nhân chứng sống của cuộc chiến trong bao lâu? Nếu tình trạng ở những người trẻ không tự tin về kiến thức lịch sử dân tộc như tôi còn tiếp diễn thêm 10, 20 năm nữa, khi những câu chuyện thật lịch sử đã ra đi mãi mãi cùng thế hệ đi trước, thì con tôi, cháu tôi sau này, sẽ lại chỉ học gạo lịch sử qua những trang sách giáo khoa, để rồi ra khỏi ghế nhà trường là quên hết?
 
Cái làm tôi thích ở quyển Bare feet, iron will chính là sự mộc mạc của cuốn sách. Chúng ta đã quá quen với những câu chuyện về các chiến công của các anh hùng mà tên tuổi họ đã được nhắc đến trong những trang sách từ cấp 1 đến cấp 3. Vâng, sự hi sinh của họ là vô cùng vĩ đại. Nhưng còn rất nhiều, rất rất nhiều những anh hùng chưa được biết tên, những người thậm chí còn không tự cho mình là anh hùng, đã sống qua một thời kỳ như huyền thoại của đất nước. Tôi muốn nghe, muốn tìm hiểu những câu chuyện thực của họ về trải nghiệm chiến tranh, về cách mà họ đã sống, chiến đấu với chính bản thân họ như thế nào bên cạnh việc chiến đấu với kẻ thù. Những cô gái thanh niên xung phong, họ đã trải qua ngày đầu tiên, đêm đầu tiên xa nhà, cận kề nguy hiểm ra sao. Những thanh niên hăng hái tham gia nhập ngũ, nhưng đã bao giờ họ thoáng một nối sợ rất con người khi lần đầu tiên nhìn thấy người bạn, người đồng chí vừa lúc trước còn ở bên mình, lúc sau đã mãi mãi ra đi. Những người ở lại hậu phương, nỗi nhớ thương lo lắng của họ cho người đang ở đầu hòn tên mũi đạn, những cực nhọc trong cuộc sống thiếu thốn đủ đường. Những chiến sĩ tình báo, phải sống chung, phải tạo vỏ bọc để kẻ thù không nghi ngờ, họ phải xử lý ra sao khi đứng trong hàng ngũ kẻ thủ mà phải đối mặt với chính những người đồng đội của mình. Những đứa trẻ phải xa gia đình đi di tản, hoặc trở thành mồ côi do chiến tranh, họ đã lớn lên, đã tự chăm sóc bản thân mình thế nào. Tôi muốn nghe câu chuyện về những tiếng khóc, và cả cách trong hoàn cảnh như vậy họ vẫn nghĩ về những tiếng cười. Bên cạnh những chiến công, tôi muốn nghe cả về những sai lầm của họ, những điều làm họ nuối tiếc, thậm chí cả những ám ảnh. Dù huân chương có đeo đầy ngực, thì những người chiến sĩ ấy trước hết vẫn chỉ là con người. Họ không phải thần thánh, và có lẽ cũng không bao giờ muốn được viết về mình như thần thánh. Có quá nhiều khía cạnh “con người” mà tôi chưa hiểu về cuộc chiến. Theo quan niệm của tôi, người ta chỉ có thể bị nói là giáo điều khi đưa ra những lập luận thuần tư tưởng, lý luận chính trị, còn khi nhìn vào góc độ “con người”, không ai có thể phủ nhận tinh thần, ý chí của những con người bình thường đã làm nên một dân tộc vĩ đại.
 
Những người trẻ như chúng tôi bây giờ, không phải là không còn lí tưởng, không còn tinh thần và lòng yêu nước. Chỉ là chúng tôi có quá nhiều câu hỏi mà chưa được giải đáp. Chúng tôi không muốn nhìn vào cuộc chiến theo một góc nhìn bị áp đặt. Chúng tôi không muốn nhìn vào chiến thắng theo một hướng tuyệt đối hóa. Chúng tôi ngày càng phản biện nhiều hơn, và chúng tôi sẽ nghi ngờ khi những phản biện ấy không có trả lời. Có lẽ vì thế mà những cuốn sách viết về chiến tranh một cách trung thực, không che đậy dấu diếm, hay những cuốn được viết bởi chính những người đứng bên kia chiến tuyến, dễ thu hút chúng tôi hơn. Chất anh hùng không phải cứ nhất thiết cần gắn với tên của một chiến công. Chỉ riêng việc có ý chí để tiếp tục sống, trong những ngày mù mịt ấy, vượt qua tất cả những điều tưởng như quá sức chịu đựng ấy, đã là cả một sự chiến thắng vĩ đại rồi.
 
Khi mà chính những người trong nước còn chưa hiểu rõ, thì tranh cãi xung quanh chiến tranh Việt Nam trên thế giới là điều không thể tránh khỏi. Bao nhiêu năm sau khi chiến tranh đã lùi xa, vẫn còn rất nhiều người Mỹ nghĩ rằng Việt Nam là một đất nước man rợ, còn rất nhiều người tin rằng nếu quay lại Việt Nam sẽ bị trả thù. Ví dụ như đến sau những năm 2000, một người Mỹ trẻ sang Việt Nam dạy tiếng Anh cho chúng tôi vẫn còn nói rằng trước khi qua đây, nhiều người đã sửng sốt khi biết cậu ấy tham gia dự án tình nguyện vì tin rằng đến Việt Nam là quá mạo hiểm. Có cả trường hợp một người bạn đã từng hỏi tôi, ở Việt Nam đã có điện chưa. Thậm chí có những người rất thật khi nói rằng trước khi đi du lịch Việt Nam, ý định của họ đến đất nước ta là để xem cuộc sống mông muội, lạc hậu là như thế nào. Khi giới thiệu mình đến từ Việt Nam cho bạn bè các nước, dù không muốn, nhưng sau một hồi giải thích thì chúng tôi phải dùng đến gợi ý cuối cùng là “Vietnam war” để họ à lên một tiếng, và có khái niệm gì đó về đất nước mình, dù khả năng cao là họ không hiểu gì về cuộc chiến ấy cả. Hình ảnh Việt Nam sau chiến tranh, khi mà chúng ta đã rất nỗ lực để quảng bá, còn mơ hồ với thế giới đến vậy, thì chẳng có gì lạ nếu họ không hiểu về Việt Nam trong chiến tranh.
 
Khi đọc một bài phỏng vấn của ông James G. Zumwalt, ông có nói mong muốn nhận được những câu chuyện thật về cuộc chiến từ những người đã sống ở thời đó để có thêm tư liệu viết những cuốn sách khác về Việt Nam, có một chú thích khiến tôi suy nghĩ : “những câu chuyện đã được dịch ra tiếng Anh”. Tôi biết rằng phần lớn người tham gia chiến đấu xuất thân từ nông dân. Sau cuộc chiến phần đông trong số họ trở về làm nông dân. Có bao nhiêu người trong số những người đã từng ở thời đó có thể kể câu chuyện của mình bằng tiếng Anh hay bất cứ một ngoại ngữ nào khác? Chắc chắn không phải là đa số. Và tôi nghĩ, mình biết ngoại ngữ, rất nhiều bạn bè của mình biết ngoại ngữ, và quá nhiều người giỏi ngoại ngữ, tại sao ta không giúp thế hệ trước dịch những câu chuyện ấy. Điều đó sẽ giúp bản thân chúng ta tìm hiểu thềm về lịch sử, và còn có thể giúp thế giới hiểu hơn về cuộc chiến ở Việt Nam. Tôi tin rằng, chỉ cần mỗi người trẻ giúp chính cha, ông, chú, bác, họ hàng của mình ghi lại nghi lại những kỷ niệm về khoảng thời gian ấy, và có thể chính họ, hoặc họ gửi cho nhóm dịch tình nguyện của chúng tôi câu chuyện (nếu có thể đi kèm với các bằng chứng, tài liệu) thì thực sự sẽ là một dự án to lớn, cả về quy mô và ý nghĩa. Nếu có thể đưa ý tưởng về một dự án “Bare feet, iron will” vào hiện thực, tôi mong muốn nhận được sự hưởng ứng của mọi người. Mục tiêu ban đầu có lẽ là thu thập càng nhiều câu chuyện càng tốt để dịch ra tiếng Anh (và các ngoại ngữ khác nếu được). Những tài liệu này sẽ được đưa lên mạng để công bố rộng rãi như những câu chuyện rất thật, mà lại “như phim” đối với hầu hết các bạn trẻ. Nếu điều kiện cho phép, mục tiêu tiếp theo sẽ là tìm những chứng cứ xác minh các chi tiết trong những câu chuyện ấy, để chứng minh được đó là lịch sử chứ không phải chỉ là thêu dệt của những người ở tư thế chiến thắng.
 
Tôi hiểu rằng để đạt được mục tiêu trên có thể sẽ phải mất rất nhiều công sức trong nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ. Tôi cũng hiểu rằng có thể những mục tiêu ấy là quá sức. Nhưng nếu không có một sự bắt đầu, thì đến bao giờ mới có ngày hoàn thành, chẳng nhẽ chúng ta cứ phải hi vọng, chờ đợi sự công nhận của quốc tế.
 
Có một điều tôi rất sợ khi đề xuất dự án này, đó là nếu nó không được hưởng ứng, thì nó sẽ chết yểu, nhưng nếu nó “bị” hưởng ứng thái quá, thì sẽ trở thành 1 thứ giả tạo hình thức. Tôi mong rằng những ai ủng hộ và cùng tôi thực hiện dự án này sẽ là những người thực sự có cái tâm muốn góp một phần nhỏ bé để tạo nên những điều lớn lao hơn cũng như hiểu rằng đây là hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận. Thông tin về tất cả những người tham gia thực hiện dự án (ngoài nhân vật truyện) chỉ được lưu trữ nội bộ (ít nhất là trong giai đoạn đầu) để tránh tình trạng một số người lợi dụng mục đích của dự án và tránh những rắc rối không cần thiết.


Kế hoạch thực hiện trong thời gian đầu:
 
Mục tiêu: thăm dò dư luận, tìm sự ủng hộ, xây dựng lực lượng 
 
Tôi đã liên lạc với ông James G. Zumwalt qua trang web của ông để xin lấy tên “Bare feet, iron will” cho dự án và được chấp nhận. Website của dự án cũng sẽ ra mắt trong thời gian gần nhất. Hiện giờ bạn có thể tham gia thảo luận về dự án qua trang facebook:


https://www.facebook.com/pages/Bare-feet-Iron-will-Ch%C3%A2n-tr%C3%A2%CC%80n-chi%CC%81-the%CC%81p/192399300808569



  Cách tham gia:


Các bạn có thể tham gia một trong hai hoặc cả hai nhóm: (1) nhóm dịch thuật; (2) nhóm phóng viên. Để tham gia đơn giản bạn chỉ cần gửi về hòm thư barefeet.ironwill@gmail.com các thông tin sau trên một file word đính kèm thư (tiêu đề thư xin ghi rõ “Tham gia nhóm “chân trần chí thép” để tiện việc phân loại):
 
Phần bắt buộc: (phần này sẽ được công bố cho mọi người trong nhóm mà bạn tham gia)
Họ và tên (bạn có thể lấy nick name nếu muốn)
Năm sinh (nếu không muốn ghi cụ thể, bạn có thể ghi 8x, 9x…)
Nơi ở hiện tại (nếu không muốn ghi cụ thể, bạn có thể chỉ ghi thành phố, quốc gia)
Nhóm muốn tham gia: nhóm dịch thuật/ nhóm phóng viên/ cả hai
(Nếu bạn muốn tham gia nhóm dịch thuật thì xin vui lòng ghi rõ những ngoại ngữ mà bạn biết. Hoan nghênh tất cả các ngoại ngữ, chứ không chỉ riêng tiếng Anh)
Bạn có thể tham gia vào nhóm quản lý dự án không? (Chỉ trả lời “có” khi bạn thực sự có thể cam kết tham gia lâu dài. Đây là đội ngũ cần sự ổn định nên chúng tôi sẽ có thông báo yêu cầu thêm thông tin cá nhân để tuyển chọn đối với các bạn muốn vào nhóm quản lý dự án. Nhóm sẽ gồm 7-10 người, ưu tiên phân bố vùng miền).
 
Phần không bắt buộc: Bạn có thể chia sẻ thêm thông tin về bản thân theo các mục tùy chọn như sau:
 
Lí do tham gia:
Thời gian rỗi của bạn (điều này sẽ tiện cho việc phân công công việc cho nhóm hoặc khi cần họp nhóm)
Nick chat (nếu bạn muốn giao lưu)
…. (bất cứ điều gì bạn muốn chia sẻ)
 
Không có hạn đăng ký hay bất cứ điều kiện gì ràng buộc. Bạn có thể đăng ký bất cứ lúc nào bạn sẵn sàng tham gia, và thông báo nghỉ bất cứ khi nào vì bất cứ lí do gì bạn không thể tiếp tục. Tuy nhiên, tôi rất mong muốn các bạn tham gia ổn định, để duy trì dự án được lâu dài.
Nếu bạn không muốn tham gia nhóm mà chỉ muốn gửi câu chuyện của mình đến cho chúng tôi, xin ghi rõ trên tiêu đề thư “Câu chuyện “chân trần, chí thép” để giúp cho việc phân loại thư được dễ dàng.
 
Tất cả các hình thức thể hiện đều được hoan nghênh: truyện dài kỳ, truyện ngắn, truyện rất ngắn, truyện kể một kỷ niệm vui, các tác phẩm văn hóa nghệ thuật của chính những người ở thời đó (ví dụ như những bài thơ, bức tranh, bài hát được chính các ông bà cô bác thời đó sáng tác, thư tín… Điều kiện duy nhất (ngoài việc mong bạn sử dụng ngôn ngữ phù hợp) là tất cả những gì bạn gửi cho chúng tôi đều phải là sự thật (đúng với những gì nhân vật còn nhớ) hoặc được sáng tác thật trong giai đoạn chiến tranh. Nếu bạn muốn sáng tác hư cấu, xin đợi một dự án khác. Nếu có thể, khuyến khích kèm theo ảnh của nhân vật, giấy khen, thư khen (nếu bạn kể về một chiến công được công nhận) và ảnh chụp các hiện vật, di vật… Khuyến khích các bạn scan các tài liệu viết tay để đảm bảo tính trung thực (đặc biệt là thư tay).
Khuyến khích các bạn trẻ động viên chính các nhân vật của câu chuyện, những người hiểu biết về lịch sử, ngoại ngữ, ngoại giao tham gia vào dự án. Sau khi lập nhóm và ghi lại được một số lượng truyện nhất định, dự án rất cần ý kiến cố vấn để đảm bảo chất lượng.
 
Sau khi gửi thư, bạn sẽ nhận được thư xác nhận là chúng tôi đã nhận được thư của bạni. (Trong thời gian đầu do thiếu nhân sự, mong bạn kiên nhẫn đợi thư xác nhận trong vòng 7 ngày. Sau 7 ngày nếu chưa nhận được thư xác nhận, xin bạn vui lòng gửi lại thư. Khi có đủ nhân lực, chúng tôi sẽ cố gắng làm việc quy củ hơn, mong bạn thông cảm)
 
Thời gian đầu chúng tôi chỉ nhận thư điện tử. Sau khi thành lập nhóm quản lý sẽ bắt đầu nhận thêm thư tay và fax.
 
Tất cả thông tin về dự án bước đầu sẽ được đăng tại trang facebook này: bao gồm số thành viên từng nhóm, số tác phẩm đã nhận... Các thông tin này sẽ được lập thành báo cáo theo tháng. Trong thời gian đầu hoạt động, nếu dự án nhận được nhã ý tài trợ từ các nhà hảo tâm thì mục đích sử dụng khoản tài trợ này sẽ được trưng cầu công khai trong 1 tuần. Sau đó nhà tài trợ sẽ được hướng đến trao tài trợ trực tiếp cho các cá nhân, các quỹ từ thiện. Nhóm thực hiện dự án sẽ không thay mặt bất cứ tổ chức cá nhân nào trong việc trao nhận từ thiện để tránh việc lợi dụng dự án, cũng như tránh rắc rối trong việc quản lý tiền tài trợ. Bất cứ ai tự nhận là trong nhóm thực hiện dự án để thu nhận tài trợ đều là lừa đảo. Nếu tài trợ là để dành trực tiếp cho nhóm thực hiện (ví dụ tài trợ tiền duy trì website, tài trợ lộ phí của nhóm phóng viên,…) sẽ được công bố rõ ràng với thông tin đầy đủ của nhà tài trợ trên các trang chính thức của dự án.
 
Hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp của tất cả các bạn.

 
Mục tiêu từ nay đến 31/12/2012: Có website chính thức của dự án và đăng được 365 tác phẩm đã dịch (trung bình mỗi ngày 1 tác phẩm).

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9