Phạt Con
Ở VN 3 tuổi là cha mẹ đã gởi con vào trường Mẫu Giáo, bắt đầu vào là lớp Mầm, rồi tới Chồi, rồi Lá là hết, xong vào Tiểu học lớp 1.
Gia đình tôi cũng vậy, 2 vợ chồng làm công chức, ở nhà riêng , buộc phải gởi con cho nhà trẻ, sáng đưa đi chiều đón về. Ngày đầu tiên mới là đứt ruột. Gởi cháu xong, cô vừa bế là cháu đã giãy nảy khóc đòi về theo ba mẹ, cô dỗ dành vỗ về sao cũng không chịu, nửa tiếng khóc khô cả nước mắt, khản cả cổ , không còn khóc nổi nữa. Ba mẹ ra về đi làm cho kịp giờ. Nhưng ra tới cổng trường đâu đành, lại núp sau bức tường nghe ngóng. Cháu đòi về với Ngoại, cô lại dỗ nhẹ nhàng…
Cháu lại khóc ré lên, dữ hơn nữa. Cả hai vợ chồng đều rớt nước mắt, muốn bay vào trường , thôi thì đón con về gởi Ngoại, chứ nó khóc riết vậy chịu sao nổi. Nhưng chả lẽ con người ta gởi được mà mình để ở nhà Ngoại sẽ thua kém.
Cả ngày đó hai vợ chồng chỉ mong sao cho qua thật nhanh đến chiều để đón con về. Buổi trưa về nhà không ai nói với ai một câu, một nỗi buồn kỳ lạ.
Chiều xin cơ quan về sớm, đến cổng trường đón con, thằng bé mắt hỏ hoe, sưng vù. Khóc cả ngày mà!
Hôm sau, thằng bé vẫn khóc nhưng đỡ hơn, gởi cô hộp sữa, cháu nhanh nhẩu cầm và uống ngay. Nó biết thân phận của nó, chạy trời cũng không khỏi nắng.
Ngày thứ ba , đỡ hơn nhiều, bịn rịn chút xíu , thằng bé nhìn theo cha mẹ chứ không nói hay khóc .
Học được 2 tháng, thật ra là đâu có học gì , thỉnh thoảng cô vẽ vài cái hình, lấy mấy đồ chơi cho ráp, tập trò chơi …nhưng vẫn phải có những quy định, như vệ sinh phải thế nào, chơi với bạn không được giành dựt …
Tháng thứ 3 , đi đón con. Cô gặp hai vợ chồng tôi, cô mắng vốn nhẹ nhàng nhưng tôi thấy …hổng xong rồi:
- Cháu vào lớp hay phá, ném đồ, chọc bạn, ăn uống không gọn…Anh Chị về bảo cháu thêm cho ngoan nhé.
Trên đường về, tôi bề ngoài hoàn toàn bình thản, còn cháu sau khi nghe cô "méc" ba mẹ thì có vẻ hơi lo, mặt căng thẳng chờ đợi.
Tới nhà, tôi ngồi phòng khách, rót ly nước, uống hết.. cho thấm giọng. Vợ tôi lui hui nấu cơm như thường lệ, thằng bé thì chơi ngoài sân.
Tôi bắt đầu …làm việc. Tôi nói lớn xuống bếp:
- Em, ngưng nấu nướng, lên đây có việc.
Quay ra sân tôi gọi:
- Con vào nhà ba bảo.
Hai mẹ con ngồi vào sa lon đối diện. Vợ tôi biết tính tôi, nên nói ngay với thằng bé
- Con xin lỗi ba đi con.
Tôi nói giọng nghiêm trang:
-Con có biết ba gọi con vào làm gì không?
- Làm gì , ba.
- Con đã không nghe lời cô giáo, trong lớp không tập trung theo hướng dẫn mà phá phách các bạn
Mẹ cháu sợ tôi nóng , nên lại đốc cháu:
- Con xin lỗi ba đi.
Tôi nóng thiệt, gạt ngay:
- Ba và mẹ không cần con xin lỗi, chỉ cần con biết nhận ra lỗi và không tái phạm.
Thằng bé lí nhí,mặt xanh lè:
- Dạ, con biết , con xin lỗi ba mẹ, con sẽ nghe lời cô
Nghe con nói , tôi thấy thương quá chừng, thằng bé ngoan chứ không lỳ, vì có lẽ sống trong gia đình ấm cúng, cha mẹ hoà thuận, chả có lý do gì cho mảnh đất cằn cỗi lầm lỳ nảy nở.
Nhưng tôi quyết định, mà sau này nhìn lại , tôi thấy mình hết sức sáng suốt. Tôi nói từng chữ:
- Mặc dù con biết lỗi và hứa sẽ không phạm nữa. Nhưng ba quyết định phạt con.
Thằng bé mặt như tàu lá chuối vì không biết tôi phạt gì dù từ lúc đẻ ra tới lúc đó tôi chưa hề chửi hay đánh nhẹ bao giờ. Không biết có phải đó là vì đàn ông khác với đàn bà ở điểm đó hay sao, chứ đối với tôi, đây là việc của ý thức.
Hàng xóm quanh khu tôi ở, nhiều nhà phạt con ..rất dã man, vô ý thức, thiếu trách nhiệm, có khi đánh con mấy chục roi, lúc dùng chổi lông gà, lúc roi tre, khi cây củi, cũng có lúc dùng tay chân, có người thậm chí còn dùng dây điện chập lại, gặp đâu đánh đó, bất chấp có khi đánh vào chỗ hiểm có thể chết, có nhiều trẻ mang thương tật hay sẹo suốt đời chỉ vì chuyện không đáng và vì đánh con vì tự ái cá nhân, vừa đánh vừa dằn" vừa chửi- mày sợ tao chưa, ---tao đánh cho mày chừa,- thà không có mày- tao đánh mày chết rồi tao đi tù- sao mà ngu như chó, vào trong nhà tiêu bốc vốc c …mà ăn
và còn câu chửi mà tôi ghi ra e quá tục và ghê tởm ...
Tôi nói chậm và dứt khoát:
- Ba phạt con 3 ngày, đi học về không cho ghé Ngoại hay Nội chơi, về ngay nhà, chỉ được ngồi phòng khách này thôi, không cho ra sân, không mở tivi.
Tôi thấy cháu hớn hở rõ. Vậy có gì là phạt, không chửi mắng, không đánh đập, chỉ việc ngồi trong phòng là xong, quá dễ.
Ngày đầu cấm vận, cháu mới biết thấm cái phạt. Con nít mà. Bắt ngồi trong phòng không cho đi đâu cũng như trói nó lại vậy.
Thường tivi giờ chiều tối có chương trình thiếu nhi là cháu không bao giờ bỏ qua. Vậy mà không mở.
Tôi nằm đọc báo xem thằng bé phản ứng sao. Thằng bé loay hoay hết món đồ chơi này tới món khác. lát sau nó lên tiếng:
- ba cho con xuống bếp đi đái tí.
- Được, xong lên ngay
Bữa cơm chiều ngày đầu phạt con thật buồn, hình như không có tiếng động, ngoài trừ tiếng đũa chén va vào nhau, vợ tôi không nói gì nhiều, cũng không dám phản kháng.
Ngày phạt thứ hai, về nhà , tôi cũng nằm ghế salon đọc sách, thằng bé sau vài giờ trong phòng khách, chịu hết nổi, nó tiến lại đứng dưới chân tôi, nói nhỏ:
- Ba cho con xuống bếp chơi với mẹ
- Không, ba phạt con 3 ngày không cho đi đâu ngoài phòng khách này.
Nó im lặng, lủi thủi quay ra chơi mấy món đồ chắc là đã chán ngấy
Một lát sau, thằng bé lại năn nỉ tôi:
- Ba cho con ra sân chơi tí đi Ba.
- Ba đã nói đúng 3 ngày là 3 ngày, không đi đâu cả
Bữa cơm thứ hai của ngày phạt, mẹ cháu cũng lên tiếng:
-Anh, thôi, con nó biết lỗi rồi, hôm nay mở tivi cho coi đi anh
-Không , em cứ nghe anh đi, anh phải phạt con đúng 3 ngày.
Bạn thấy buồn không, chính tôi còn thấy chịu không nổi, cả buổi từ chiều đến tối đi ngủ, mà không chơi, không làm gì, không coi ti vi, chỉ có mỗi việc là đứng lên ngồi xuống, đi qua đi lại trong phòng…
Hồi xưa ông nào 'chế" ra hình phạt tù bằng cách nhốt giam lại thật là vĩ đại. Không làm người ta đau đớn, chỉ tuớc đi quyền tự do mà khủng khiếp gấp bao lần đánh đập. Chả bù mấy nước Hồi giáo, hiện nay vẫn còn hình phạt đánh roi! Một học sinh gái 13 tuổi,mang theo điện thoại di động vào lớp bị phạt 90 roi! Còn người lớn ăn cướp nhỏ có thể bị phát đánh tới 500 roi. Có nơi tội ngoại tình bị ném đá cho tới chết. Đàn ông thì chôn ngang tới thắt lưng, còn đàn bà chôn ngang tới ngực rồi cứ thế những hòn đá trung bình ném cho chết dần.
Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Xã hội nào sinh ra con người đó. Ngoại tình nơi xứ sở Âu Mỹ là chiện nhỏ, bất quá ra toà ly dị là xong. Liz Taylor cũng "thưởng thức và nếm qua" tới 8 đời chồng mới chết, đó là chính thức, chứ thiệt bên trong bà ta bao nhiêu người đi qua đời bà có Trời biết. Vậy mà bà đi đâu , đám ký giả nhà chụp hình bu như kiến…ca ngợi….
Tôi phản đối hình phạt đánh roi và ném đá man rợ đó, thế kỷ 21 mà cứ như thời trung cổ.
Ngày thứ ba, chính tôi thấy cũng khó chịu, nhưng rút lại lịnh phạt là tôi biết con sẽ lờn ngay, lờn việc nhỏ sẽ nảy mầm ung lớn khác. Biết thế, nên dù vợ tôi có nói riêng tôi vẫn phải thuyết phục để hiểu là dạy con mà không kiên quyết là …thua đó.
Thằng bé buồn quá, lấy trái banh dẫn quanh phòng khách ( 5x5 mét ), một hồi qua lại bỗng cháu sút một quả.
Trái banh bay ngay cái đồng hồ điện mà tôi lãnh thưởng ngày nhà giáo VN. Chiếc đồng hồ treo bằng cây đinh đóng tường rơi bể tan nát. Mặt thằng bé lại xanh lè, chờ đợi lần này án phạt chắc chẳng chơi đâu, Mẹ cháu nghe tiếng rơi vỡ chạy lên, tôi khoát tay:
- Để đó cho anh
Rồi quay qua thằng bé, tôi nói:
- Lấy chổi quét dọn cẩn thận, coi chừng mảnh kiếng nha con
Nó nhanh nhẩu:
- Dạ
Rồi tôi phụ cháu dọn dẹp,
tôi biết cái này là lỗi ở tôi, không cho con nít nó chơi sao được, mà không chơi ở ngoài sân thì nó phải chơi trong nhà. Tôi cố "gỡ gạt" thằng bé chút đỉnh: - Con đá banh tệ quá vậy, lớn lên sao thành cầu thủ được
Thằng bé tươi thấy rõ.
Bữa cơm thứ ba của buổi phạt vui hơn, vợ chồng tôi và cháu trò chuyện nhiều hơn, nhưng tôi vẫn giữ án phạt 3 ngày không xem tivi và không được ra khỏi phòng khách.
Bắt đầu từ tháng thứ 3, tuần nào cháu cũng về khoe tôi cái "bông hoa bé khoẻ bé ngoan", đó là những bông hoa mà cô giáo dành cho trẻ ngoan mà trước đó 2 tháng cháu chưa bao giờ được cái "vinh dự" đó.
Tháng nào cũng đủ 4 cái.
Hai năm sau lên lớp Chồi và Lá cũng vậy. "Ra truờng Mẫu Giáo" cháu được phần thưởng lớn nhất trong top 5 của trường.
Xem ra kết quả phạt con của tôi có tác dụng.
Ngày cháu ra trường Mẫu Giáo tháng 5, thì tháng 6 tôi sang Mỹ định cư, bỏ lại vợ con. Còn nỗi đau nào đau hơn nữa!
Đêm trước khi lên đường, tôi không khóc, nhìn cháu ngủ ngon lành vô tư, mới 4 tuổi, mà như có ai xát muối vào lòng. Tôi đi cũng chỉ vì nước cờ tính cho cháu sau này. Nhà tôi 2 vợ chồng công chức quèn lấy tiền đâu mà cho con du học, học giỏi cũng phải chạy chọt mới được đi.
Bỏ lại căn nhà cả đời se xém làm lụng ngược xuôi đấu đá, bao mồ hôi và máu và nước mắt mới tạo dựng đưọc. Sao mà đắng cay chua xót đến thế là cùng. Bỏ lại người vợ hiền mới 10 năm tình còn xài ….tốt ( chưa cũ lắm ) nhưng trên tất cả vẫn là thương thằng con trai nhỏ đến quặn lòng, cả tuần trước khi lên đường,
đêm nào cũng ôm thằng bé, rồi quay đi dấu đôi mắt đỏ hoe, ( chứ không ôm vợ đâu ..) có lẽ trên đời này tôi là một trong số ít người cha mà thương con thật là đậm đà và sâu lắng!
Lúc thằng bé nhỏ lắm, tôi đã dạy cháu mà ngay mẹ cháu cũng đâu hay
- Ban đêm con gà nó ngủ ở đâu, con?
- Dạ, chuồng gà
- con bò?
- Dạ , chuồng bò
- con heo ?
- Dạ chuồng heo
- Thế con chó?
Thằng bé không thể trả lời là "chuồng chó" vì nhà đâu có chuồng chó, tôi buộc nó suy nghĩ rồi trả lời;
- ban đêm con chó ngủ …lung tung, lúc ngoài sân lúc trong bếp
Hay tôi đọc hai câu trong bài Tràng Giang của Huy Cận:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song Rồi tôi hỏi con:
- Con thấy hai câu đó có gì hay , hay có gì đặc biệt không?
Thằng nhỏ trả lời mấy lần tôi vẫn lắc đầu, để nó tự tìm ra.
cuối cùng , chắc là …hên thôi, cu cậu trả lời tôi:
- a, con biết rồi, câu thơ hay là nó nhắc đi nhắc lại mấy chữ điệp điệp song song
Tôi đọc tiếp:
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà. Xong tôi hỏi:
- Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà, là sao ?
Thật là tự nhiên, thằng bé lần này trả lời ngay , một lần:
- Vì lúc nào cũng nhớ nhà …
Vân vân và vân vân …..
Rồi khi qua Mỹ, tôi viết thơ về dặn con mọi thứ mà đó là kinh nghiệm rút ra từ quãng đời đi học. Tôi dạy nhiều về đạo đức cho thằng bé hiểu thế nào là lương thiện. Dĩ nhiên nhiều điều tôi chưa nói nó, vì chưa cần thiết, là nếu thế giới này chỉ được chia làm 2 loại người thì -một là người cai trị và hai là người bị trị.
3 năm mà tôi gởi về hơn 60 lá thơ, và sau đó có máy Fax tôi gởi khoảng 20 nữa.
Khi phỏng vấn, cô làm việc trong Lãnh sự kiêm thông dịch viên, không hề xem lá thơ gởi qua Bưu điện nào , mà chỉ toàn xem những lá thơ gởi qua đường Fax.
Cô khôn quá! Vì biết viết qua Bưu điện sẽ bị kiểm duyệt nên có thể tôi viết "né" đi, còn viết và gởi thẳng bằng máy Fax chỉ khi nào có vấn đề gì nghi ngờ nghiêm trọng lắm, nhân viên nghiệp vụ mới kiểm soát mà thôi. Do đó những lá thư viết qua đường Fax là thư thiệt, không "hư cấu".
Cô lựa ra 10 lá Fax, đọc sạch sẽ, lâu ơi lâu, mắt cô đỏ lên, …ngày phỏng vấn, sau khi interview vợ tôi xong, cô kêu vợ tôi đứng qua một bên, rồi kêu thằng bé lúc đó đã 7 tuổi, cô hỏi nó:
- Con có biết đàn không?
- Dạ có
- Đàn gì?
- Dạ đàn organ
- Được rồi , kêu mẹ cháu lại
Và cô thông báo là Bà Mỹ đã đồng ý cho 2 mẹ con qua định cư với tôi.
Thì ra cô đọc lá Fax, cô muốn thử lại xem có đúng không vì trong đó tôi nhắc đi nhắc lại với vợ là phải chịu khó chở con đi học Organ ở Nhà Thiếu Nhi. Nếu thằng bé trả lời là không có học, không biết đàn Organ, không biết kết quả như thế nào. Có thể bây giờ vẫn đang ở VN.
Gần đây , có lần cháu đi học về, ra mở thùng thư, vào nhà mặt buồn buồn, nói nhỏ :
- Ba , điểm ACT có 31...
- Vậy là được rồi, chú Brandon có bằng PhD mà thi ACT cũng có 30 chứ mấy
- Nhưng mà con biết, lớp con có con nhỏ 36/36,
- Bình thuờng thôi, nó hay hơn con
- Không , điểm GPA nó thua xa con thế mới tức
- Hai điểm đó khác nhau mà
- Con biết, nhưng con là ….đội Brazil, mà đội Brazil đến world cup không phải dành huy chương bạc!
Tôi phải hạn chế "máu" nó lại:
- Thôi con, mình là Việt Nam, lọt vào chung kết là đạt rồi. Biết người biết ta đi con.
( Nói vậy chứ , tôi nghĩ nếu mà tôi có thêm đứa con gái thì tệ lắm nó cũng phải hơn anh nó, vì con gái siêng năng hơn , Khổ nỗi khi ở VN , theo luật phải đẻ con thưa, cách 5 năm, nếu không cơ quan trừ điểm thi đua .
Mà tôi thì lập gia đình trễ, lúc sau này muốn sinh thêm thì "bả" già rồi ! hichichic)
"Sinh con , con gà mái cũng làm được,nhưng nuôi con và dạy con là việc vĩ đại." Đào Nam Hoà
July 29,2011
<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.06.2013 11:22:42 bởi Đào Nam Hoà >