ĐÁNH TỔ TÔM Tác giả :Minh Văn
http://www.box.com/shared/666afbf17ca17888771d Đang đứng trước hiên nhà hóng mát, thoáng thấy viên trưởng Công An xã đi qua, cụ Cử Hiên điên tiết chửi vống lên:
- Tiên sư chúng mày, việc ích nước lợi dân không làm, lại đi bắt mấy ông già chơi Tổ Tôm. Giỏi gớm nhỉ...
Khi viên Công an đi đã xa, cụ Hiên còn chửi với theo:
- Tao già rồi thì chỉ có Nghĩa Địa triệu tập nhá, chúng mày không có quyền triệu tập...!
Số là ngày hôm qua cụ Hiên cùng mấy bạn già nữa bị công an xã triệu tập ra ủy ban làm việc về cái tội mà họ gọi là đánh bạc. Trước đó mấy hôm các cụ có tập trung tại nhà cụ Hiên để đánh tổ tôm. Đó là cái thú tiêu khiển thường ngày của những người già. Vừa là để gặp gỡ bạn già, vừa giải trí cho đỡ buồn. Tiền thì cũng chỉ mấy đồng bạc lẻ con cháu cho, các cụ ngồi chơi tổ tôm với nhau cho có vẻ phong lưu đó thôi. Ấy vậy nhưng hôm ấy, khi các cụ đang say sưa xướng họa thì bất ngờ mấy tay công an xã ập vào, bắt cụ nào cụ nấy ngồi yên vị để cho họ lập biên bản bắt quả tang đánh bạc. Sau khi tịch thu bộ bài và tiền, họ bắt các cụ phải ký vào biên bản. Mấy công an xã thì toàn những anh bằng tuổi cháu các cụ, mặt còn non choẹt. Nhưng vì họ đại diện cho nhà nước nên các cụ đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt mà im lặng.
Tưởng thế là xong chuyện, ai dè sáng hôm qua công an xã phát đến tận nhà mỗi cụ một tờ giấy triệu tập. Các cụ đành rủ nhau chống gậy đến trụ sở ủy ban nhân dân. Tại đây mấy cụ được viên trưởng công an xã thuyết giáo một thôi một hồi về tội danh đánh bạc. Sau đó anh ta bắt các cụ ký vào biên bản cam kết không tái phạm rồi mới cho về. Rồi họ lại cho đọc lên loa phát thanh của xã về vụ bắt quả tang đánh bạc trên, tên các cụ được xướng lên như những kẻ phạm tội làm mất trị an xóm làng. Quả là một vố đau cho các cụ già đáng kính của chúng ta, thử hỏi còn mặt mũi nào mà nhìn thấy con cháu và hàng xóm, cùng bà con thân thích nội ngoại? Các cụ giận lắm, bàn với nhau rằng nếu gặp viên trưởng công an nọ thì phải chửi cho một trận mới hả giận. Vì vậy mà mới có cuộc tao ngộ nói trên.
Nghe đâu có mấy quan chức nhà nước đánh bạc mất tiêu cả những chiếc tàu thủy trị giá hàng triệu đô la, hay những chiếc xe hơi hạng sang. Lại nữa, còn có vị cán bộ nọ đánh mỗi ván cờ trị giá mấy tỉ bạc...; tất cả đều là tài sản và tiền bạc của nhà nước, của nhân dân. Ấy vậy mà những người
kia thì không bị làm sao, chả thấy công an nào đến bắt họ cả. Trong khi các cụ già chơi tổ tôm lại bị bắt, kể cũng lạ cho pháp luật của cái xứ sở ta?!
Quả là việc chơi bài cũng có nhiều điều bất tiện, nhiều khi yếu tố văn hóa và phi văn hóa có sự lẫn lộn với nhau. Người kể chuyện nhờ quý vị nào tinh tường mà gạn lọc dùm yếu tố văn hóa ra khỏi những tạp chất khác.
Bác Dương là người đam mê tổ tôm, và cũng là chỗ quen biết với cụ Cử Hiên. Theo con gái bác kể lại thì mặc dù mồm bác luôn lẩm nhẩm tính toán những nước bài cao như Gia Cát Thừa Tướng, nhưng trận đánh nào bác cũng gặp thất bại. Vì thế mà lâm vào tình cảnh giở khóc giở cười. Cái khoản lương hưu ít ỏi sau khi đã đóng góp nghĩa vụ cho bác gái thì chỉ còn dư chút đỉnh, vài trận thua là hết nhẵn. Bí quá đành làm liều, nhân lúc không có ai ở nhà Bác Dương xúc trộm lúa nhà đi bán. Cậu con trai thứ ba của bác đi học về tình cờ trông thấy được. “Cũng lạ!” – cậu nhủ thầm – thay vì cái dáng đạo mạo chống ba toong đi chậm rãi thường ngày thì nay bố cậu đang thoăn thoắt xúc lúa đổ vào bao tải, cặp kính lão trễ xuống tận sống mũi. Bác Dương chẳng hay biết gì, vẫn đang tả xung hữu đột chẳng khác gì Triệu Tử Long trong trận Trường Bản năm xưa. Cậu nép vào bức vách mà không dám lộ diện, sợ bị bố đánh. Chờ đến khi bố chở bao tải lúa đi bán cậu mới dám ló mặt ra. Sau một hồi băn khoăn cậu mới nảy ra một sáng kiến để báo cho mẹ và mọi người trong nhà biết mà không bị bố đánh. Cậu liền lấy hòn than viết lên tường hai chữ: “Bán Lúa”, tên của thủ phạm thì để trống, cậu đắc ý lắm vì chắc là mọi người sẽ hiểu ý mình.
- Bát Sách...
- Chi Chi...
- Bạch Thủ...!
Tiếng xướng nhịp nhàng theo từng ánh mắt dõi theo. Quả thực các quân bài có sức thu hút mạnh mẽ, và cái thú hơn thua cũng chẳng kém nào.
“Nghề chơi cũng lắm công phu”. Cụ Cử Hiên phải nhờ người mua bộ bài tổ tôm từ Hà Nội về (Hồi đó còn hiếm). Xong rồi cụ lấy lòng trắng trứng gà phết lên cả hai mặt quân bài, phơi ngoài nắng cho khô rồi mới đem chơi. Khi nào không chơi nữa thì cụ lại lấy hai thanh tre cật nhẵn bóng ốp hai bên bộ bài rồi dùng dây cột lại. Làm như vậy là để giữ cho bộ bài luôn được thẳng và nhẵn bóng, chơi cho được bền và lâu. Bộ Giong nhẵn bóng mát rượi là nơi các cụ thường ngồi để đánh tổ tôm, nâng đỡ cho cái thú đam mê tao nhã.
Trong các cuộc bài thì người ta thường hay trách cứ nhau. Người này thì trách người kia chơi kém để đến nổi phe mình bị thua, người thì bị trách đánh nước sai...; nói chung là có đủ lý do để trách cứ, một khi túi tiền bị vơi đi ít nhiều. Vì thế mà chung quanh chiếu bạc thường hay xẩy ra bất hòa và cãi cọ. Vẫn biết rằng “Thắng thua là việc thường của nhà binh”, nhưng cái tâm trạng thua bạc cũng không dễ chịu chút nào, nên cãi cọ đôi chút cũng là điều hiển nhiên thôi. Đối với các cụ thì có một đặc điểm khác với cánh thanh niên nhanh tay nhanh mắt. Ấy là do tuổi tác mà các cụ mắt mờ, tai kém. Vì vậy mà nhiều khi nẩy sinh cãi cọ là do hiểu nhầm chứ không phải do yếu tố chuyên môn. Chính vì tai kém mà khi nghe cụ đối diện lầm bầm với vẻ mặt bất mãn, lại gặp lúc đang thua nên các cụ hiểu nhầm mà cãi nhau. Vì rằng người này cứ nghĩ là người kia chê mình đánh dốt, tuổi già thì lắm tự ái mà.
Đánh tổ tôm là một thú chơi tao nhã tự ngày xưa, nó mang một giá trị văn hóa của cha ông mà ngày nay còn được lưu giữ. Hình ảnh các cụ già ngồi đánh tổ tôm mỗi dịp xuân về gợi nhớ cho chúng ta về những tháng năm của một thời quá vãng, thật đẹp và đáng nâng niu. Dân tộc nào cũng có lịch sử, quá khứ phải được gìn giữ để là một dân tộc vẹn toàn và hạnh phúc. Lịch sử nhiều khi được lưu giữ bởi những khía cạnh văn hóa mong manh, bởi những tập tục đơn sơ nhưng có sức sống lâu bền. Điều mà chúng ta lo lắng, là quan niệm và cách đối xử của nhà chức trách đương thời đối với các giá trị văn hóa cha ông. Liệu có cần bàn về một khái niệm “Văn Hóa Đánh Bạc” hay không?
Cụ Cử Hiên đang đi thì gặp Bác Dương chống Ba toong tới gần, cụ vui vẻ hẹn với bạn vàng chiều nay họp mặt tổ tôm. Nhưng vì nghễnh tai nên cụ nói lớn, mọi người đều nghe thấy hết:
- Hẹn chiều nay, ở nhà tôi nhá. Cụ Quang bên xóm Giếng cũng tới, đủ mặt anh tài cả.
Rồi cả hai cụ cười vang, chờ đến buổi chiều mà họp quân dàn trận.
07.6.2012