H Ẹ N N H A U S À I G Ò N 2 0 1 2
Dzuylynh tùy bút | Trích Hồi Ký " Cò Bồng Dấu Ngựa " Bềnh bồng quán tưởng Chiếc phản lực cất cánh từ phi trường Taiwan Taoyuan International Airport rùng mình, gầm lên rồi thoắt biến mất trong làn mây trắng. Mây xây thành. Những cụm mây giành nhau trôi ngược về phía sau lưng, như từng vạt đậu hũ trên chiếc thìa bềnh bồng trong chiếc nồi nhôm, miếng gừng nướng, đập dập là tôi, và em Saigon là hũ nước đường thẻ thắng kèo kẹo, ngọt lịm đầu lưỡi.
Saigon ơi ! ta lại trở về đây !
Tôi chồm sát đầu vào khung cửa, theo thói quen cố hữu nhìn xuống dãy nhà chen chúc đủ hình dạng kích thước mọc san sát vô trật tự trên đảo, nơi người anh hùng mạt vận Tưởng Giới Thạch cùng những hào kiệt sinh bất phùng thời chọn làm chốn dung thân cuối cùng. Làn sóng đỏ tanh hôi đã ngập ngụa tràn Hoa Lục, và đang nhuộm đỏ cả quê hương Nam Việt, nơi cuống rốn bọc nhau tôi bỏ lại hơn nửa thế kỷ trước.
Phi cơ đang bay ngang trên dãy núi đồi trùng điệp, làm tôi nhớ Trường Sơn muốn khóc. Nhớ bạn bè đồng đội, nhớ gạo sấy thịt hộp, nhớ cá khô rau tàu bay. Nhớ gió Lào khắc nghiệt ngày thổi lửa rát mặt, đêm thốc tháo băng khí lạnh buốt thấu xương,.Nhớ tiếng thét xung phong vọng về từ căn cứ tiền phương Barbara, Phượng Hòang, Ái Tử, động Ông Đô. Nhớ mùi máu tanh của nguời ngã xuống mắt còn mở lớn căm hờn, không biết tại sao mình phải từ giã cuộc đời giữa tuổi thanh xuân. Nhớ mùi thuốc súng hăng hăng khen khét, nhớ đạn bom rền như pháo Tết, nhớ hỏa châu lập lòe pháo hoa tháng tám Trung Thu, nhớ tiếng hải pháo hạm đội chi viện rót từng đêm vào mặt trận Cửa Việt, và tự nhiên nhớ cả người đàn anh quân chủng Hải Quân chưa từng gặp mặt mà tôi đã hóa thân thay anh kể lại một giai đọan của đời mình trong một vở thọai kịch truyền thanh. Anh ấy là anh của một cô em gái cùng cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ với tôi, đang sống xa tôi cả một đại dương, sẽ không hẹn mà gặp,
Trái đất thật tròn ! Tròn thật. Tròn như tuổi thơ ngày trước!Tròn như bụng Mẹ lúc cưu mang tôi chín tháng mười ngày. Tròn như bát hương Cha tôi an vị trên bàn thờ Tổ Quốc từ một dạo tháng Tư huyết lệ.
Và cũng tròn như chiếc vòng kim cô mà hơn 80 triệu đồng bào Việt Nam đang phải bị mang trên đầu sau ngày "giải phóng miền Nam" vậy !
Hẹnnhausaigon2012 Những giòng sông như bầy rắn màu xanh uốn éo làm dáng một lúc rồi cuối cùng cũng đâm đầu về biển lớn .
Máy bay đã ra khỏi không phận Đài Loan, và chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi, người chiến binh thất trận năm nào lại sa chân một lần nữa vào cổng trại trừng giới. Rồi đây, cánh cổng sẽ hẹp dần, dẫn vào sào huyệt bọn ma đầu thổ phỉ thái thú buôn dân bán nước mà đồng vốn chẳng có một xu teng nào, ngoai trừ cái tài khoác lác, bịp bợm.
Thèm quá một hơi thuốc lá... mới kéo một lúc bốn điếu ở phòng hút Tapei rồi còn gì. Cổ họng khô khốc đắng nghét, giống như cảm giác trước giờ xung trận ngày nào. Như có uất khí chạy ngược lên đầu, nghèn nghẹn hồng cầu.
Áp suất thay đổi, tai bắt đầu có tiếng vo ve râm ran khi con chim sắt tăng nhanh tốc độ xé nát không gian vốn đã chưa bao giờ lành lặn vì sự chiếm đọat và nỗi thách thức chinh phục của con người. Mây rách từng mảng, và ký ức tôi vỡ toang hóac bởi vết thương chiến tranh của người lính chưa bao giờ giải ngũ.
Máy bay đang hạ dần cao độ, lướt vào không phận ViệtNam.
Hình chữ S sau 37 năm, cực bắc có vẻ như phình to hơn lúc trước bởi nhồi nhét của cải cướp lấy từ miền nam sung túc, miền trung thít lại gần đứt khúc vì đói nghèo hơn, dân cư hầu hết tha phương cầu thực trong thủ đô Saigon và các tỉnh miền tây. Đối với tôi, hànôi chưa bao giờ là thủ đô cả ! Chỉ là sào huyệt của đám sơn tặc và thổ phỉ cướp cạn miền Nam.
Biển ơi cho ta gởi một lời buồn Phía dưới là biển xanh, lạnh tanh.
Đại dương kia vẫn mênh mông thăm thẳm
Hỏi nơi nào liệm tẩm xác em tôi
Mũi thuyền nan di chỉ của sơn hà
Là ngọn bút ghi lời nguyền trên đá
Nào ai biết tìm đâu ra gia phả
Các oan hồn uổng tử biển Nam ta?
Cảm giác xót xa thương tiếc lẫn căm hờn dai dẳng theo tôi đến tận cuối phi đạo, để còn kịp nhìn thấy hai chiếc trực thăng UH 1B ngày cũ im lìm trơ gan cùng tuế nguyệt bạc màu mưa nắng, nằm phơi mình chịu đưng nỗi nhục mất nước bên góc trái đường băng.
Biết đâu đơn vị tôi,hay Anh, vị hôn phu của người em gái Trưng Vương đang sống quay quắt lạc lòai trên hoang tàn vôi vữa bức tường BáLinh hoài niệm? Cũng đã từng có lần nhảy xuống núi rừng Trường Sơn bởi chiếc máy bay hai cánh quạt này trong mùa Hè đỏ lửa 1972 ?
Cô nhân viên cửa khẩu dễ thương!? Có một nụ cười xã giao hiếm hoi hiền hậu nở trên môi người mặc áo Hải Quan Phi Trường Tân Sơn Nhất khi cô hỏi tôi với giọng miền nam :
- Anh... sinh tại Sàigòn hả? "
- Ừ !
- Anh về chơi?
- Không, ở đây có gì để chơi em gái! Anh về thăm gia đình, đã lâu chưa về... đang thất nghiệp thấy mồ, hứng thú gì mà chơi em !
Thốt nhiên, câu hỏi : "Anh, Chị, Bác. Chú... sinh tại Sàigòn hả? " nghe râm ran như điệp khúc một bài ca quen thuộc. Tôi liếc nhanh mắt nhìn chung quanh các "quầy kiểm tra" kế cận, vừa kịp thấy những anh chị bác chú kia vui vẻ nhét tờ giấy bạc in hình vị nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ vô sổ thông hành, và nụ cười rạng rỡ như hoa đào Nguyên Đán của cô em đối diện có đôi mắt lá răm giống một người "làm thơ" quen khiến tôi có chút thiện cảm với cô gái sắp làm mẹ này. Thuận tay làm nghĩa cử "tình thương mến thương" từ tốn kẹp tờ 5 đồng vào sổ thông hành :
- Cất mua đậu đen hầm giò heo ăn cho có sữa mà nuôi cháu ! Hải Quan ta dạo này khó khăn lắm phải không ?
Câu hỏi có chút xỏ xiên thân mật không cần thiết này không mua nổi một tiếng cám ơn ! Đã bảo là tôi xưa nay không biết làm duyên với phụ nữ mà. Tuy nhiên, không thấy có dấu hiệu trở mặt hình sự ! ( vậy mà có người nói tôi là người dễ thương, ga lăng... xăng và rộng lượng kia đấy! )
- Anh xong ! ( chìa tiền rồi là phải xong chứ em )
- Cám ơn em nghen !
...
- Chú ơi ! một cô khác réo tôi.
- Có gì không cô?
- Chú có mang theo dollar không?
- Trời đất ! Không mang lấy gì xài?
- Chú mang bao nhiêu?
- Vài ngàn bạc à .
- Lúc về chú có mang về không ?
- Ừ, nếu còn, mà chắc là không còn đâu cô .
- Cô còn cần hỏi gì thêm không?
Chắc thấy tôi ù lỳ tình vờ chuyện "xã giao", nàng xua tay:
- Dạ không ạ ! Chú về chơi vui vè nhé !
Thiệt là "dễ thương" hết sức, các cô nhân viên cửa khẩu ViệtNam !? Thời điểm năm 1980, giá cả để chạy chọt vào làm việc ở Hải Quan là 6 cây vàng cộng thêm lý lịch 3 đời là con nhà cách mạng. chỉ cần lao động... tốt trong vòng 6 tháng là lấy vốn lại như không! Bây giở thì lạc hậu và hẻo rồi ! Ôi thời oanh liệt nay còn đâu?
Quan Thuế Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam là một cơ quan độc nhất vô nhị trên thế giới có nghiệp vụ moi tiền, tống tiền đồng hương, đồng bào hải ngoại đểu cáng nhất. Đi khắp năm châu bốn bể, không có quốc gia thứ hai nào được như vậy !
( còn tiếp )
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.10.2012 21:26:18 bởi dzuylynh >