Câu Lạc Bộ TRI ÂM
Thay đổi trang: << < 585960 > >> | Trang 59 của 72 trang, bài viết từ 871 đến 885 trên tổng số 1076 bài trong đề mục
hai1957 27.12.2012 16:47:29 (permalink)
0
À nghe được rồi anh Lynh ơi, bài hát hay quá!
dzuylynh 28.12.2012 01:51:47 (permalink)
0



***




https://www.box.com/shared/fyofvf4xs0imnnm795se

VỀ THÀNH XƯA

thơ LêphúHải . phổnhạc&trìnhbày Dzuylynh.Dec.27.2012
( để nhớ ngày QuảngNam thất thủ 29.3.1975 & cổ thành ĐinhcôngTrángMùaHèĐỏLửa1972 )


Về thành xưa đứng bên vầng trăng xế
Ngựa hồng ơi nhớ ai đôi mắt buồn
Thành quách kiia đã trăm ngàn hoang phế
Và tích xưa cũng rêu phong bao mùa

Ngựa hồng đứng tháng ba rền tiếng sấm
Ngoài biển khơi tiếng chim kêu não nùng
Về phố xưa đứng nghe tình quê quán
Chợt thấy ta trắng tay từ mấy trùng

Lòng hải âu có sóng kiia vỗ về
Ngựa hồng đi rừng xanh vẫn chờ mong
Thành quách xưa đứng nghe dòng nước cuốn
Đời trôi đi qua muôn trùng mênh mông

Ngày và tháng của bao đời vẫn thế
Ngựa hồng quay bước chân khua vó mòn
Thành quách ơi nhớ ai mà hoang phế
Biển hát ru tháng ba dòng nước buồn.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.12.2012 04:55:54 bởi dzuylynh >
hai1957 28.12.2012 11:11:25 (permalink)
0
Cảm ơn anh DzuyLynh, bài phổ nhạc của anh hay quá.
Lâu rồi em cũng có phổ nhạc bài này nhưng hơi đơn điệu, không hay lắm
Gởi anh xem cho vui...

hai1957 28.12.2012 11:31:44 (permalink)
0
Chiêu Quân là bài phổ thơ của Quang Dũng, viết rồi để đó vì không có điều kiện phổ biến.
Nhờ anh DzuyLynh xem và thể hiện giúp, nếu được.
Bài này cần có một chút chất "ca trù" có lẽ sẽ thích hơn
dzuylynh 29.12.2012 00:24:04 (permalink)
0


GỬI NGƯỜI XA

thơ Thương Giang | phổ nhạc & trình bày Dzuylynh


<bài viết được chỉnh sửa lúc 31.12.2012 02:15:31 bởi dzuylynh >
Phù vân 29.12.2012 20:08:15 (permalink)
0
ĐỌC BÁO GIÙM BẠN


ALBERT EINSTEIN: KHOA HỌC, TRIẾT HỌC VÀ TÔN GIÁO.



Gần đây có nhiều độc giả thắc mắc về mối liên hệ giữa nhà khoa học thiên tài Albert Einstein (1879-1955) và Đạo Phật như thế nào? Vì họ thấy đây đó có nhiều trích dẫn lời phát biểu của ông về Đạo Phật. Bài viết sau đây sẽ đề cập đến mối liên hệ ấy. Dù chưa đầy đủ lắm, nhưng hy vọng rằng nó sẽ là mấu chốt để chúng ta phăng tìm những tư liệu chi tiết về sau:


Ông Albert Einstein năm 40 tuổi


Ông Albert Einstein, sinh ngày 14 tháng 03 năm 1879 tại thành phố Ulm, Đức quốc, trong một gia đình làm nghề thủ công và tiểu thương. Bố là một người giỏi về hóa học và mẹ là người có khiếu về âm nhạc. Năm 1894, gia đình ông di cư sang sống tại Ý. Ông được bố gởi đi học ở Thụy Sĩ và đã tốt nghiệp tiến sĩ triết học tại Đại học Zurich. Sau khi ra trường, ông được mời dạy toán và vật lý tại một trường bách khoa ở Thụy Sĩ, ngoài việc dạy học, ông dành hết thời gian còn lại để nghiên cứu vật lý học và ông còn làm việc tại văn phòng thẩm tra cấp bằng sáng chế ở Berne, Thụy Sĩ. Năm 1905, ông gởi đăng bài "Lý thuyết tương đối hẹp" dài 5 trang trên tờ Physics. Bài báo nhanh chóng được chú ý và nó là tiếng nổ lớn của ngành khoa học về không gian và thời gian, ông đã phá vỡ các khái niệm tuyệt đối về không gian và thời gian của nhà vật lý học và toán học vĩ đại, Issaac Newton (1642-1727). Lập tức tên tuổi của ông được nhiều người biết tới và được xem là một khoa học gia nổi tiếng nhất vào thời điểm ấy.

Năm 1911, Ông là giáo sư vật lý ở Prague. Năm 1913, ông được mời làm giám đốc Học Viện Vật Lý Hoàng Đế Wilhelm tại Berlin. Đến năm 1921, ông được trao giải thưởng Nobel về Vật lý học qua đề án nghiên cứu "Lý Thuyết Tương đối" (The Theory of Relativity). Trong thế chiến thứ nhất (1914-1918), ông từng bị tống giam vì tội "chống chiến tranh và ủng hộ hòa bình". Sau khi Adolf Hitler (1889-1945) trở thành quốc trưởng của Đức, ông ra sức chống lại chủ nghĩa phát xít và rời bỏ nước Đức sang sống tại Hoa Kỳ.

Từ năm 1933 đến năm 1945, ông là giáo sư toán và lý tại Viện Cao học Princeton ở bang New Jersey. Phát xuất từ lòng căm thù chủ nghĩa phát xít mà ông đã giúp cho Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt (1882-1945) chế tạo bom nguyên tử và cuối cùng bị xem là "cha đẻ" của thứ vũ khí giết người này. Đây cũng là lý do mà về sau năm 1950, ông thành lập Viện Kiểm Soát Nguyên tử Quốc tế tại Hoa Kỳ.

Ba thập niên cuối đời mình, ông dành thời gian để nghiên cứu về "Lý thuyết thống nhất giữa lực hấp dẫn và hiện tượng điện quang" (The Theory of unify gravitation and eletro-magnetism).

Mặc dù bận rộn nghiên cứu và giảng dạy khoa học, nhưng ông Einstein vẫn dành thời gian nhất định để nghiên cứu triết học và tôn giáo, đặc biệt trong đó có Đạo Phật. Theo tài liệu "The World As I See It" (Trần thế khi tôi nhìn thấy nó, nhà xb Philosophical Library, New York, 1949) và quyển "Ideas and Opinions" (Những Ý Kiến và Những Quan Điểm, nhà xb Crown, NY, 1945) là hai tuyển tập những bài báo, bài tham luận về tôn giáo và khoa học mà ông Einstein viết từ đầu những năm ba mươi. Đáng chú ý trong tập này là các bài như "Religion and Science" (Tôn giáo và Khoa học), viết từ 1930; bài "Science, Philosophy & Religion, A Sumposium" (Khoa học, Triết học và Tôn giáo, một buổi hội thảo) viết năm 1941; bài "Religion and Science: Irreconcilable?" (Tôn giáo và Khoa học: không thể hòa giải được sao?) viết vào năm 1948.


Ông Albert Einstein năm 63 tuổi


Theo các tài liệu trên thì chính A. Einstein tự xem mình là một người thuộc về tôn giáo. Tôn giáo của ông được người ta biết qua lý thuyết khoa học của ông. Ông bác bỏ sự thần thánh hóa trong tôn giáo, ông quan tâm đến đời sống con người ở hiện tại và ngay cả sau khi chết. Trong các buổi hội thảo về triết học và tôn giáo, có lúc ông trích dẫn lời của Chúa, rồi có khi ông dẫn lời trong kinh Phật. Quan điểm của ông về tôn giáo chưa bao giờ có hệ thống và nhất quán. Tuy nhiên, với trí tuệ sắc bén và lòng ngưỡng mộ của ông đối với các tôn giáo đã giúp cho ông hiểu đúng và chính xác về các tôn giáo mà ông để tâm nghiên cứu. Ông vẫn thường nhắc nhở các nhà khoa học nên học hỏi ở các tôn giáo để bổ sung cho những khiếm khuyết của khoa học. Ông nói: "Khoa học mà thiếu tôn giáo là khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng" (Science without religion is lame. Reigion without science is blind).


Năm 1999, ông được chọn là nhân vật của thế kỷ 20


Cũng theo các tài liệu trên cho thấy, ông đã nghiên cứu Đạo Phật qua các sách báo của các học giả Phật học của người Âu Mỹ viết, đáng kể là triết gia người Đức Schopenhauer Arthur (1788-1860), tiến sĩ người Đức Paul Carus (1852-1919), viện sĩ hàn lâm người Nga Vasily Vasaliyey (1818-1900)... là những nhà Phật học nổi danh ở phương Tây. Nhờ nghiên cứu như vậy mà A. Einstein đã nhìn thấy Đạo Phật như là một triết lý phương Đông cực kỳ sống động và triết lý ấy đã đi vào cuộc đời bằng chân lý thực chứng của mình, ngỏ hầu cắt ngang sự chậm tiến, lạc hậu, mê tín, cuồng tín và kém văn minh của thời đại. Đạo Phật đã đem lại cho con người một cái nhìn mới, một lối sống mới, một sự hài hòa mới, sống với nhau như ánh sáng trong không gian, chan hòa với nhau như nước với sữa. Chính vì thấy rõ cái độc đáo đó mà ông Einstein đã phát biểu về Đạo Phật như sau : "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó" (The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sence, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description). Đồng thời, một lần khác ông cũng khẳng định rằng: "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học" (If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, becauseit embrances science as well as goes beyond science). (Cả hai câu trên được trích từ Collected famous quotes from Albert Einstein. http://rescomp,stanford,edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm).


Tượng đồng Albert Einstein


Dù những lý thuyết khoa học của ông rất phức tạp và khó hiểu, nhưng tấm lòng nhân đạo và mến chuộng hòa bình của ông đã khiến cho mọi người cảm thấy gần gũi với ông. Ông đã cống hiến tất cả trí tuệ và sức lực của mình đối với sự phát triển khoa học của nhân loại. Ông làm việc không biết mệt mỏi cho đến ngày qua đời. Ông mất vào lúc 1giờ 25 phút rạng sáng ngày 19 tháng 04 năm 1955 tại Princeton, Hoa Kỳ, hưởng thọ 76 tuổi. Ngày nay, đối với mọi tín đồ Phật Giáo trên khắp năm châu đều thành kính khi nhắc đến tên tuổi của ông, người đã từng góp phần khẳng định lại giá trị vĩnh cửu đối với Giáo lý của Đạo Phật.

Thích Nguyên Tạng

Tổng hợp tài liệu theo :
- THE WORLD I SEE IT (Giáo sư Robert Topmiller tại đại học Kentucky, USA tháng 11/1997)
- ALBERT EINSTEIN, A Biography/F. Albrecht/ Viking/USA/1997
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.12.2012 19:26:14 bởi Phù Vân >
thiên thanh 30.12.2012 18:55:12 (permalink)
0
10 điều ly kỳ về nền văn minh Maya



Văn minh Maya không chỉ nổi bật bởi hệ thống chữ viết cổ phát triển hoàn thiện, mà còn có nền nghệ thuật, kiến trúc và hệ thống thiên văn, toán học đáng kinh ngạc. Dù các nhà khảo cổ học luôn cố gắng khám phá, nhưng đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại.

Người Maya có nguồn gốc từ vùng Mesoamerica, tức Trung Mỹ ngày nay. Khu vực này nằm giữa Mexico và Nam Mỹ, là quê hương của nhiều nền văn hóa, trong đó có Aztec, Olmec, Teotihuacan và Toltec. Người Maya sinh sống trên khu vực mà ngày nay là Guatemala, Belize, Honduras, El Salvador và miền nam Mexico.

Dưới đây là những sự thật thú vị về nền văn minh Maya.

10. Người Maya ngày nay



Dù nền văn minh này đã suy tàn, nhưng hiện nay còn khoảng 7 triệu người Maya đang sinh sống trên trên khu vực bản địa của ông cha và gìn giữ được nhiều di sản của văn hóa cổ. Nhiều người trong số họ khá hòa nhập với văn hóa hiện đại của các nước mà họ đang cư trú, nhưng không ít người tiếp tục duy trì bản sắc văn hóa riêng, cũng như dùng ngôn ngữ riêng là ngôn ngữ chính. Dân số đông nhất của Maya đương thời đang cư trú trên một số bang của Mexico gồm Yucatán, Campeche, Quintana Roo, Tabasco, và Chiapas, cùng với các quốc gia Trung Mỹ gồm Belize, Guatemala và miền tây của Honduras và El Salvador. Ngôn ngữ ngày nay sử dụng nhiều từ có nguồn gốc từ tiếng của người Maya, như “shark” (cá mập), “cocoa” (ca cao).

9. Làm lác mắt trẻ em

[image]http://i50.tinypic.com/2nsucya.jpg">


Phương pháp chữa bệnh của người Maya là sự kết hợp phức tạp giữa tư tưởng, cơ thể, tôn giáo, nghi thức và khoa học. Điều quan trọng nhất là chỉ số ít bác sĩ được đào tạo tốt mới hành nghề chữa bệnh. Những pháp sư này kết hợp cả thế giới tâm linh và tự nhiên. Họ có nhiều phương pháp chữa bệnh tiến bộ, như khâu vết thương bằng tóc người, bó xương, lắp răng giả làm từ ngọc bích và hàn răng bằng pirit sắt.

7. Đến giờ vẫn hiến tế máu



Người Maya hiến tế máu vì mục đích tôn giáo và y học, nhưng ít ai biết rằng tục lệ này vẫn được duy trì tới tận ngày nay. Tuy nhiên, người Maya hiện đại không còn hiến tế máu người, mà lấy tiết gà để thay thế. Ngoài tục hiến tế máu, người Maya còn lưu truyền nhiều tục lệ khác như cầu nguyện, đốt nhang copan, nhảy múa, tiệc tùng, và uống rượu trong nghi lễ truyền thống.

6. Thuốc giảm đau



Người Maya thường xuyên dùng các loại thuốc gây ảo giác trong các nghi lễ tôn giáo, nhưng họ cũng sử dụng hàng ngày để giảm đau. Xương rồng, bìm bìm, một số loài nấm, thuốc lá, và một số loài để tạo ra chất cồn... được dùng để chiết xuất thuốc giảm đau. Ngoài ra, đồ gốm sứ và hình trạm chổ cho thấy người Maya sử dụng phương pháp bơm thụt để nạo thai nhanh.

5. Sân banh



Chơi banh là môn thể thao được những người tiền Colombus ưa thích. Trò chơi này có nhiều phiên bản khác nhau, và một phiên bản của trò ulama vẫn tồn tại ở vài nơi trong khu vực cho đến ngày nay. Sân thể thao là không gian công cộng được sử dụng trong nhiều sự kiện văn hóa của giới quý tộc và các hoạt động tôn giáo, như biểu diễn âm nhạc, lễ hội, thể thao. Một số đầu lâu được tìm thấy gần khu vực sân này, nên có người suy đoán người Maya dùng đầu lâu và xương sọ làm banh.

4. Phòng tắm hơi



Một trong những nghi lễ rửa tội quan trọng đối với người Maya cổ là tắm hơi cho đổ mồ hôi. Gần giống như phương pháp tắm hơi ngày nay, phòng tắm hơi của người Maya được xây từ nhiều tảng đá, và trần nhà tắm chỉ có một lỗ nhỏ. Nước được đổ xuống những tảng đá nóng trong phòng để tạo nên hơi nước, khiến cơ thể toát mồ hôi nhằm thanh lọc. Người Maya thích phương pháp tắm này vì họ cảm thấy sảng khoái hơn và sạch sẽ hơn.

3. Bang cuối cùng của người Maya tồn tại tới tận thế kỷ 17



Thành phố đảo Tayasal là vương quốc Maya độc lập cho tới tận năm 1697. Một vài giáo sĩ Tây Ban Nha vẫn đến thăm nơi này và giảng đạo cho vị vua Itza cuối cùng. Vương quốc Itza rơi vào ách thống trị của Tây Ban Nha từ tháng 3/1697.

2. Nhiều bí ẩn chưa có lời giải



Không chuyên gia nào thực sự chắc chắn về nguyên nhân sụy đổ của nền văn minh Maya.

Nền văn minh Maya suy thoái trong thế kỷ thứ 8 và 9. Dân số quá tải, nước ngoài xâm lược, nông dân nổi dậy, sự sụp đổ của những con đường thương mại chủ chốt, đại hạn hán… đều là những điều có thể khiến nền văn minh vĩ đại suy tàn.

1. Lịch Maya - một thành tựu văn minh tuyệt vời

Người Maya rất chú trọng đến việc ghi chép lại lịch sử của con người. Tuy không phải những người đầu tiên nghĩ ra lịch, nhưng họ cũng tự tạo ra 4 hệ thống lịch riêng cho những giai đoạn riêng. Tùy vào nhu cầu, người Maya sử dụng vài loại lịch khác nhau hoặc kết hợp hai loại lịch để ghi chép một sự kiện. Người Maya sử dụng hệ lịch Tzolk'in, Haab, hệ lịch tròn và hệ lịch Long Count (Đếm dài).

Cùng phát triển với các nền văn minh Trung Mỹ khác, người Maya sử dụng hệ đếm nhị thập phân (vigesimal) và hệ ngũ phân. Hệ ngũ phân trên cơ sở so sánh với số ngón tay của một bàn tay, còn nhị thập phân là toàn bộ số ngón tay và ngón chân. Trong tiếng Quiche, từ chỉ số 20 là huvinak, có nghĩa là "toàn thân".

Ngoài ra, người Maya đã phát triển khái niệm "số 0" vào năm 357, sớm hơn châu Âu khoảng gần 900 năm. Văn bản cổ cho thấy, những người Maya, có nhu cầu công việc cộng vào hàng trăm triệu và số ngày lớn đòi hỏi phải có phương cách chính xác để thực hiện chúng. Kết quả tính toán về thiên văn học theo một không gian và thời gian dài là cực kỳ chính xác; bản đồ về sự vận động của Mặt Trăng và các hành tinh có độ chính xác ngang bằng hoặc vượt xa các văn minh khác quan sát vũ trụ bằng mắt thường.



Theo lịch của người Maya, độ dài của một năm gồm 365 ngày, thời gian Trái Đất quay hết một vòng quanh Mặt Trời. Cách tính này chính xác hơn rất nhiều lịch được châu Âu sử dụng vào thời đó (lịch Gregory).

Lịch Long Count dựa trên cơ sở năm Mặt Trời với 365 ngày. Một năm Mặt Trời được chia thành 18 tháng, mỗi tháng có 20 ngày (dùng hệ đếm cơ số 20), năm ngày dư lại được đưa vào cuối năm. Các ngày trong tháng được ghi bằng số thứ tự từ 0 đến 19 trước tên tháng (0 đến 4 cho tháng thiếu, cuối năm có 5 ngày).

Theo lịch này, các năm nối tiếp nhau không ngừng, không có năm nhuận. Như vậy kết quả là lịch sẽ bị sai lệch lùi về một ngày trong vòng 4 năm. So với lịch Gregory hiện đại, thì khoảng 3.257 năm lại có sai số gần 1 ngày.

Một chu kỳ lịch Long Count của người Maya kéo dài 5.125,36 năm - gọi là một Đại chu kỳ.

Khi khớp với lịch Gregory hiện đại thì lịch Maya kết thúc vào ngày 21/12/2012. Theo lịch và cách viết của người Maya thì ngày 21/12/2012 được viết là 13.0.0.0.0, báo hiệu sự chấm dứt của Đại chu kỳ.

Tuy nhiên, các học giả và người địa phương cho rằng mốc này không liên quan gì đến ngày tận thế, mà chỉ giống như đêm giao thừa của một năm. Không có văn bản hay tài liệu nào của người Maya dự doán ngày tận cùng của thế giới khi Đại chu kỳ kết thúc.

nhận qua mail
thiên thanh 30.12.2012 19:13:28 (permalink)
0
Chúng tôi chỉ là một giai-đoạn chuyển-tiếp, một thế-hệ bị mất mát, bị hy-sinh để dân-tộc di-dân chúng tôi có thể lật qua một trang sử mới.
Để đời sau, con cháu chúng tôi có hy-vọng thành-công trên đất người, đi tiếp con đường mà chúng tôi đã không đi hết.




THẾ HỆ BÁNH MÌ KẸP





Tác giả : YÊN HÀ

Tôi ra đời giữa hai cuộc chiến, giữa một trăm năm đô-hộ giặc Tây và hai mươi năm nội-chiến từng ngày. Sau đó, tôi được đi du-học và tôi đã sống “vô tư lự” bên trời Âu sung-túc trong khi khói lửa vẫn ngập trời nơi quê nhà.



Giờ đây, bom đạn đã ngừng tiếng nhưng một lần nữa, gia-đình tôi đã phải cuốn gói rời bỏ quê-hương và mấy triệu người Việt-Nam bỗng nhiên phải sống tản mác trên toàn thế-giới như những cây bị bật rễ, ở những chốn dung-thân như Mỹ, Gia-Nã-Đại, Pháp, Úc…

Phần mất mát vẩn còn đó, nguyên vẹn, ít ra đối với bố mẹ chúng tôi và chúng tôi, thế-hệ đầu của những người di-dân. Một thế-hệ “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”, lơ lửng giữa không-gian quê hương, chơi vơi giữa thời-gian thế-hệ, lạc lõng trong tâm-tư văn hoá. Một thế-hệ “bánh mì kẹp”.

Kẹp giữa hai quê-hương



Những người di-dân này, ngày hôm nay mang sổ thông-hành Mỹ, Pháp, Úc… nhưng vẫn chỉ là Mỹ (Pháp, Úc…) giấy, phần đông tiếng Mỹ (Pháp, Úc…) vẫn còn ba-xí ba-tú, miệng vẫn hôi mùi nước mắm chứ không hôi hamburger hay camembert, vẫn không có bạn bè Mỹ (Pháp, Úc…) mà chỉ sống quanh-quẩn với nhau, tụ-tập nơi những thương-xá, chợ búa Á-Đông, hay rủ nhau “party”, ăn uống, karaoke với nhau.
Những người Mỹ (Pháp, Úc…) gốc Việt này đã đi tìm một nơi nương-tựa để sống “tạm-bợ” nơi xứ người mà trong thâm-tâm còn cố tưởng-tượng như mình đang sống ở quê nhà, và lúc nào có dịp, có phương-tiện là lại vù về Việt-Nam, một số để “hưởng-thụ”, nhưng phần lớn vẫn vì nhớ nhà.

Tôi không nhớ ai đã có nói: “Ma patrie, c’est là où je suis heureux”
(Quê-hương tôi là nơi chốn nào tôi sống hạnh-phúc)



Tôi muốn tin ông lắm, tôi cũng muốn tự an-ủi mình lắm, nhưng tiếng gọi của cội-nguồn réo rắt lắm, ông ơi. Tôi cứ ngỡ quê-hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nguồn, là cội, là gốc, là rễ cơ mà ?
Ở hải-ngoại, đương-nhiên chúng tôi được tự-do, phần đông được ăn sung, mặc sướng, đủ tiền mua nhà, chăm lo cho con cái ăn học, đi shopping hay du-ngoạn đây đó… Đời sống này, nhiều đồng-bào ta nơi quê nhà mong mỏi có được, và tôi thừa hiểu chúng tôi « hạnh phúc » hơn rất nhiều người lắm. Tôi không dám than thân, trách phận hay phân-bì với ai cả, chẳng qua nơi đây, tôi chỉ nói lên tâm-sự u-uẩn những người tha-hương chúng tôi mà thôi.
Nhất là trong trường-hợp tôi, hiện đang mang hai quốc-tịch Pháp và Mỹ, sống bên Mỹ nhưng tim vẫn còn « vọng Nam », tâm vẫn còn hướng về Pháp, đôi khi vẫn nhớ về khung trời Bỉ Quốc. Những nơi tôi đã sống, làm sao tôi có thể xóa quên được ?
Quê-hương như người mẹ đã bụng đau, dạ chửa cho tôi ra đời, nuôi-nấng, dậy-dỗ tôi nên người, và quê-hương thứ hai, thứ ba là những bà mẹ đã mở rộng vòng tay, đón-nhận tôi khi tôi không còn chỗ đứng dưới ánh mặt trời.
Ơn-nghĩa này, chúng tôi không quên (từ ngày sang Mỹ, năm 1975, bố mẹ tôi năm nào cũng gửi chút quà giáng-sinh cho gia-đình ông sĩ-quan Mỹ đã giúp nhà tôi sang Mỹ, và sau khi bố tôi mất, mẹ tôi vẫn tiếp-tục gửi, mặc dù người ân-nhân này đã mấy lần đề-nghị nên thôi gửi quà).
Tôi cảm quí những bà « mẹ nuôi » lắm, tôi lại càng xót-thương Mẹ Việt-Nam, quê-hương đau-khổ. Ôi, quê-hương tôi đâu ? Mỹ, Pháp, Úc… ? Hay vẫn là Việt-Nam muôn thuở ?

Kẹp giữa hai nền Văn-hoá

Ngày hôm nay, tôi đã lục-tuần nhưng tôi đã chỉ được sống ở quê nhà có mười tám năm. (Tôi đã mất mát quá nhiều rồi.)



Bao nhiêu năm tháng sống bên Pháp, bên Bỉ, đã rèn đúc tôi với một lối suy-luận, một cách ăn nói, một cách cư-xử xã-giao, một nền văn-hoá mà tôi hãnh-diện mang bên cạnh văn-hoá của mình, Qua bao năm tháng đó, tiếng Pháp đã dần-dà trở thành tiếng tôi thông-dụng nhất, ngay cả để diễn-tả những tâm-trạng sâu-thẳm nhất của mình.
Tuy nhiên, bao nhiêu năm tháng đó chỉ có thể thấm vào cái vỏ bên ngoài, chỉ có thể thay đổi hình-dạng và cử-chỉ của tôi, chỉ có thể tạo nơi tôi những sở-thích ăn mặc, đi đứng, nói chuyện, chỉ có thể tạc lên cái “Tôi” bên ngoài.
Tất cả những năm tháng đó không hề thay đổi nước da hay sắc tóc tôi (tóc tôi chỉ có thể bạc trắng với thời-gian), không hề lay-chuyển âm-điệu tiếng mẹ đẻ của tôi, không hề làm suy-sút kho-tàng văn-hoá tổ-tiên tôi hay nền giáo-dục bố mẹ tôi.

Nước Pháp đã ban thêm cho tôi một nền văn-hoá, nhưng không hề thay-thế nền văn-hoá của tôi.

Nhưng có lẽ đó cũng là nỗi khổ-tâm của tôi, nỗi khổ-tâm của những người di-dân trong thế-hệ đầu? Cây cối làm sao sống thiếu gốc rễ? Con người ta làm sao sống thiếu cội nguồn? Làm sao tôi có thể vui sướng bên ngoài khi bên trong trống vắng?
Tôi có thể thích pot-au-feu hay bouillabaisse nhưng bao giờ tôi cũng vẫn thèm một tô phở đặc-biệt, tái-nạm-gầu-gân-sách-sụn.
Tôi có thể mê một chai Saint Emilion hay một chai Volnay nhưng tôi vẫn nhớ hương-vị mấy chai la-ve “33” của “Brasseries et Glacières d’Indochine” (BGI).
Tôi có thể viết tiếng Pháp giỏi hơn người Pháp trung-bình, nhưng tim tôi bao giờ cũng rung-động khi tôi được đánh dấu hỏi, dấu ngã.
Tôi có thể thích xem phim “action” Mỹ hay nghe Claude Barzotti hát nhưng tôi vẫn thích xem phim bộ… Đại-Hàn (Việt-Nam tôi làm gì có phim hay?), nhưng tôi vẫn thấy thấm-thía hơn khi tôi nghe nhạc Việt, tôi vẫn truyền-cảm hơn khi hát tiếng Việt.
Tôi có thể ngoảnh lại nhìn một cô đầm tóc vàng, mắt xanh nhưng tôi chỉ có thể hạnh-phúc với người đàn bà gọi tôi bằng “Mình ơi!”.



Chỉ vì đó là văn-hoá dân-tộc nằm trong máu, trong xương-tủy tôi, vì đó là giáo-dục bố mẹ, ông bà tôi đã truyền lại cho tôi, vì đó là vết-tích của mấy ngàn năm lịch-sử.
Chỉ vì tôi là người Việt-Nam.
Kẹp giữa hai nền văn-hoá. Kẹp giữa hai thế-hệ

Bố mẹ chúng chúng tôi và chúng tôi cùng một làn sóng di-cư (cho dù trong số chúng tôi có những người đã đi trước) nhưng hai điều khổ-tâm cũng có điều khác-biệt.
Quả thật vậy, chúng tôi vẫn cùng một nền văn-hoá với bố mẹ, cùng một nền giáo-dục do cha ông truyền lại. Bố mẹ chúng tôi vẫn được sống với chúng tôi như lúc còn ở Việt-Nam, với nền-tảng Phật-Lão-Khổng, cùng một nhân-sinh quan, cùng một đạo làm người. Chúng tôi vẫn nói tiếng Việt với bố mẹ, tiếp-tục yêu thương, kính-nể bố mẹ, để tiếp-tục lưu-truyền phong-tục, tập quán.
Trong khi chúng tôi giờ bắt-buộc phải chấp-nhận văn-hoá con cháu chúng tôi như một văn-hoá ít nhiều là ngoại-Việt.




Vì sự lưu-truyền đó sẽ gián-đoạn từ đây. Con cái chúng tôi đã bắt-đầu nói một thứ tiếng khác và những điều chúng tôi cố-gắng răn-dậy con cái khó lọt qua được màng-lưới thế-giới bên ngoài.
Tôi đã được chứng-kiến một cảnh-tượng mà tôi không bao giờ quên được. Hôm đó, một người bạn có tổ-chức một buổi tiệc họp mặt với hơn sáu mươi bạn hữu để ăn uống, hát hò, nhẩy đầm.
Về khuya, chúng tôi tạm ngưng chương-trình để ăn một bát cháo gà cho ấm bụng và lấy sức chơi tiếp. Lúc đó, đứa con trai chủ nhà từ trên lầu đi xuống với mấy đứa bạn, bật máy truyền-hình lên và nằm xem, ngay giữa sàn nhẩy. Chúng tôi đã bị “chiếm đất” và đợi một lúc, không thấy tình-hình biến-chuyển, quan-khách lần-lượt xin kiếu-từ.
Tôi á-khẩu. Làm sao tôi có thể tưởng-tượng được cảnh này, với nền giáo-dục của tôi? Hôm đó, tôi đã chợt hiểu nền “độc-tài” của con trẻ trong cái quốc-gia tự-do nhất thế-giới này. Nhưng điều tôi phân-vân nhất là trong tình-trạng đó, hai vị chủ nhà, nghĩa là bố mẹ cậu trai trẻ đó, không hề lên tiếng can-thiệp, hầu như làm ngơ, không nhìn thấy điều gì cả.

Trong khi tôi, đầu đã bạc phơ mà mỗi lần sang thăm nhà, Mẹ bảo tôi cạo râu hay đi cắt tóc là tôi vui vẻ làm ngay, chỉ để vâng lời Mẹ, để cho Mẹ vui. Ngược lại, bên Mỹ này, con gái mới mười lăm tuổi đã đánh mắt, thoa son đi học, bố mẹ nói gì được khi trong trường, bạn bè chung quanh đều như vậy, vả lại có thầy bà nào cấm cản đâu? Bên này, con cháu đi xâm mình (tattoo) hay đục vòng sắt vào môi, vào mắt (piercing) thì bố mẹ nào, ông bà nào ngăn cản được?
Nhà chúng tôi lúc trước không giầu có gì nên không bao giờ dám phí-phạm bất cứ gì, ăn cơm phải vét sạch từng hạt, trong khi con trẻ bên này lấy cho đầy đĩa nhưng không ngần-ngại đổ tuốt nửa đĩa thức ăn khi chúng cảm thấy no.



Tôi đã tận mắt thấy những bố mẹ phải khóc tức-tưởi khi bị lũ con xúm vào “mắng”. Ngày nay, bố mẹ nào dám đánh con mà không sợ chúng nó gọi “911”?
“Trời làm một trận lăng-nhăng, ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông”. Ngày nay, thế-giới đảo lộn và chúng tôi đi lộn đầu, để con cái trèo đầu, trèo cổ thôi.
Lúc trước còn ở bên Pháp, tôi vẫn cố gắng mỗi năm lấy máy bay sang thăm bố mẹ, và giờ đây sống bên Mỹ, tôi vẫn đi thăm Mẹ (vì không cùng tiểu bang) và ngoài ra, còn phải đi Pháp thăm con.
Hoá ra, chúng tôi ở trên thì lo cho bố mẹ, ở dưới thì lo cho con cái (ở bất cứ tuổi nào); ở trên thì bị bố mẹ mắng, ở dưới thì bị con trách !?!
Kẹp giữa hai thế-hệ.

Xung-đột cả thế-hệ lẫn văn-hoá

Nói như vậy không phải để trách mắng con cái. Đâu phải do lỗi chúng nó nếu chúng nó không nói được tiếng mẹ đẻ? Đâu phải do lỗi chúng nó nếu chúng nó sinh sống tại hải-ngoại? Đâu phải do lỗi chúng nó nếu chúng nó hoà mình với môi-trường bên ngoài nhiều hơn là với môi-trường gia-đình (nhất là trong cái tuổi thành-niên này)?



Tôi đã có nghe những đứa trẻ nói với bố mẹ: “Bố mẹ đừng trông mong chúng con trở thành người Việt. Văn-hoá của bố mẹ không phải là văn-hoá của chúng con. Chúng con là người Mỹ!” Phũ-phàng thay, đau lòng thay, nhưng chúng nó làm sao hiểu được văn-hoá chúng ta khi chúng nó sống trong một thế-giới mà nền-tảng là “tự-do” và “đồng đô-la”? Làm sao chúng nó có thể nghe lời bố mẹ trong khi sự-thật bên ngoài hầu như khác hẳn?

Có lẽ chính chúng nó có lý. Bổn-phận cha mẹ là giúp con cái thành công cuộc đời chúng nó chứ không phải cuộc đời cha mẹ, giúp chúng nó thành-công ngoài đời, trong môi-trường chúng nó đang sống chứ không phải môi-trường bố mẹ chúng đã sống. Sống ở đâu mà không theo văn-hoá nơi đó thì chỉ có thất bại, mà đâu có cha mẹ nào muốn con mình thất-bại khi ra đời, cho nên đành ngậm cay, nuốt đắng mà thôi.

Đây không phải chỉ là vấn-đề xung-đột thế-hệ (thời-điểm nào chả có vấn-đề này, cho dù không “gây cấn” như vậy), mà còn rắc-rối thêm vấn-đề xung-đột văn-hoá nữa. Làm sao bố mẹ và con cái có thể hiểu nhau và chấp-nhận nhau khi đôi bên không cùng một nền-tảng, cùng những đặc-quan, cùng một nhân-sinh-quan?

Nỗi buồn u-uẩn

Dĩ nhiên tôi không dám vơ đũa cả nắm, không dám nói gia-đình Việt-Nam bên hải-ngoại nào cũng như trên, nhưng có lẽ phần đông là như thế (?)
Nói lên vài điểm cho dễ hiểu, nhưng vấn-đề không giản-dị như vậy và tôi không có khả-năng phân-tích nhiều hơn.
Dù sao đi nữa, đây cũng chỉ là nỗi buồn u-uẩn, ám ảnh tôi từ bao lâu nay, trong mối liên-hệ với tâm-hồn, với văn-hoá, với gốc rễ của mình.
Tôi không tức-giận, không chua chát. Tôi chỉ cảm thấy buồn, tôi không luyến-tiếc quá-khứ, chỉ là tôi cảm thấy buồn.
Vướng mắc giữa hai quê-hương, giữa hai nền văn-hoá, giữa hai thế-hệ, chúng tôi là một thế-hệ "bánh mì kẹp” (đôi khi còn là “bánh bao” nữa). Ngoảnh nhìn lại chỉ còn kỷ-niệm, nhìn về đàng trước thì tương-lai đã bít kín.




Nhưng thôi, đã biết là mình vướng mắc, là mình “chấp ngã” (như lời Phật dậy) thì chỉ còn có nước “phá chấp”, nghĩa là “buông”, là chấp-nhận.
Vả lại, cha mẹ chúng tôi không có vấn-đề này, con cháu chúng tôi không có vấn-đề này, chỉ có chúng tôi mới có vấn-đề này. Ngày nào cái thế-hệ chúng tôi đi hết rồi thì vấn-đề này sẽ không còn ai bàn đến nữa.
Chúng tôi chỉ là một giai-đoạn chuyển-tiếp, một thế-hệ bị mất mát, bị hy-sinh để dân-tộc di-dân chúng tôi có thể lật qua một trang sử mới.
Để đời sau, con cháu chúng tôi có hy-vọng thành-công trên đất người, đi tiếp con đường mà chúng tôi đã không đi hết.



Được như vậy, chúng tôi cũng sẽ mãn-nguyện lắm rồi.
Xin cảm-ơn Trời Phật, xin cảm-ơn phúc-đức ông bà.

Tháng 3-2012
Yên Hà

nhận qua mail
thiên thanh 31.12.2012 02:11:02 (permalink)
0





cạn chén chiêm bao

thơ diênvỹ.lanchy | thiênthanh diễn đọc

tơ trời như cánh sao rơi
với tay không chạm sầu khơi dậy sầu
ta ngồi cạn chén chiêm bao
tìm trong mớ chữ chút hư hao đời

giấc mơ xưa viết cho người
yêu thương nay gởi gió trời thổi tan
ở đây ngày tháng bình an
chỉ riêng con chữ chứa chan nỗi niềm

ta đi tìm lại chút duyên
dẫu còn đọng chút oan khiên cũng đành
tiếc ngày nhánh tóc còn xanh
phai màu từ thuở vương cành yêu đương

quắt quay thao thức đêm trường
cạn chưa một chén vô thường hanh hao?
dư âm trở giấc chiêm bao
còn nghe tiếng nhạn lao xao lưng trời ...

sen dat 31.12.2012 19:44:32 (permalink)
0
Trước hết SĐ xin cám ơn những bài viết về Tận Thế và Albert Einstein. Nếu không có gì bất ngờ SĐ sẽ bàn bạc về vấn đề này trong năm mới còn bây giờ SĐ chúc câu lạc bộ tri âm lúc nào cũng rộn ràng làm ăn phát đạt nha! Năm cũ sắp qua tất cả chúng ta hãy:

Thở vào tâm tĩnh lặng,
Thở ra, miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giờ phút đẹp tuyệt vời.

Thích Nhất Hạnh


[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/49776/237DD2F6D96943D4B81DFA474F08465B.jpg[/image]

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/49776/CAB5402F02414C2BBD564E6A85A7C0AC.jpg[/image]
Ảnh sưu tầm
<bài viết được chỉnh sửa lúc 31.12.2012 19:46:06 bởi sen dat >
Attached Image(s)
THƯƠNG GIANG 31.12.2012 20:44:40 (permalink)
0
Happy New Year!
Năm Mới chúc anh Tư và quí quyến nhiều cùng toàn thể các anh chị em trong CLB Tri Âm SK, Thành Công và HP!


[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/69779/BC4BFFE19F3F43A9B0FEE52256325950.jpg[/image]
Attached Image(s)
thiên thanh 01.01.2013 16:15:29 (permalink)
0


kính chúc bố lynh vui khoẻ thêm nhiều tác phẩm mới ...
kính chúc các cô chú anh chị em cùng những quý khách ẩn danh ... nhiều sức khỏe và niềm vui
kính chúc Quê Hương Việt Nam ngày mai không còn cộng sản




Phù vân 02.01.2013 13:25:36 (permalink)
0

ĐỌC BÁO GIÙM BẠN

Lần đầu tiên người dân Miến Điện được đón năm mới cùng toàn thể thế giới


REUTERS
Trọng Nghĩa

Nếu có một sự kiện mang tính chất biểu tượng cao về tiến trình mở cửa của Miến Điện, thì đó là cảnh gần 100.000 người tụ tập tại một khoảng đất rộng lớn tại thành phố Rangoon, vào hôm qua, 31/12/2012, để tham gia lễ hội đếm ngược đón năm mới 2013. Đây là một sư kiện chưa từng thấy, trên một đất nước đã phải trải qua hàng thập kỷ sống trong tình trạng khép kín, đóng cửa với thế giới bên ngoài.

Theo ghi nhận của các nhà báo có mặt tại chỗ, ban tổ chức đã không nề hà công sức : Trên phông nền xa phía sau của ngôi chùa Shwedagon nổi tiếng tại Rangoon, là một màn hình cực lớn, chiếu cảnh đếm ngược tại 4 nước láng giềng Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, nối tiếp bằng 60 giây đếm ngược tại chính Miến Điện.

Theo số liệu của ban tổ chức, đã có 90.000 người tụ tập về địa điểm đếm ngược, để tham dự một buổi biểu diễn văn nghệ với các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, cùng với những sinh hoạt khác, và dĩ nhiên là một buổi bắn pháo bông hoành tráng.

Ban tổ chức, bao gồm một công ty Thái Lan và đối tác địa phương của họ, đã không ngần ngại mệnh danh sự kiện này là « lần đầu tiên Miến Điện đón mừng năm mới cùng với thế giới. » Phát ngôn viên của công ty Miến Điện tổ chức sự kiện này giải thích thêm : « Chúng tôi muốn người dân Rangoon được hưởng một lễ hội đếm ngược như ở các nước khác ».

Mục tiêu của ban tổ chức kể như đã đạt. Một nữ sinh viên đại học, đi cùng với ba người bạn của cô đã công nhận : « Sự kiện này rất hay. Đây là trải nghiệm đầu tiên của chúng tôi về một lễ hội đếm ngược lớn như vậy. Chúng tôi cảm thấy như đang sống trong một thế giới khác ».

Nói là một thế giới khác đã xuất hiện tại Miến Điện có vẻ không sai chút nào vì cho đến nay, dưới chế độ quân sự cũ, mọi hình thức tụ họp công cộng đều bị cấm, và chỉ mới gần đây thôi thì mới có ngoại lệ là được phép tụ tập nhân ngày Tết truyền thống của người Miến Điện vào tháng Tư.

Cho đến năm nay, việc đón giao thừa thường chỉ được tổ chức tại nhà riêng, hoặc bên trong các khách sạn, không có lễ hội đón năm mới công cộng. Mặt khác, dưới chế độ quân sự, pháo hoa chỉ được bắn nhân ngày Quân lực hàng năm mà thôi.

Với việc chính phủ dân sự của tổng thống Thein Sein lên cầm quyền vào năm 2011, tình hình đã khác hẳn đi, với công cuộc mở cửa được thúc đẩy trong mọi lãnh vực, từ chính trị, kinh tế, cho đến văn hóa, xã hội.

Chính chính quyền Thein Sein đã khuyến khích việc tổ chức lễ hội đếm ngược đón năm mới tại Rangoon. Ông Ko Ko Hlaing, cố vấn cho tổng thống Thein Sein giải thích : « Đây là một sự kiện rất tốt, đặc biệt là cho giới trẻ ». Một sự kiện như lễ hội đón năm mới dương lịch, theo ông, « có thể giúp xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân và chính phủ ».

Theo tạp chí Irrawaddy Magazine, số ghi ngày hôm qua, 31/12/2012, lễ hội đếm ngược là sinh hoạt giải trí công cộng lớn thứ hai tại Rangoon trong tháng 12, sau buổi trình diễn của ngôi sao nhạc Pop người Mỹ Jason Mraz vào ngày 16/12. Hai sự kiện này cho thấy là tiến trình mở cửa đang diễn ra rất nhanh chóng tại Miến Điện.
Phù vân 02.01.2013 14:34:41 (permalink)
0

Trích đoạn: THƯƠNG GIANG

Happy New Year!
Năm Mới chúc anh Tư và quí quyến cùng toàn thể các anh chị em trong CLB Tri Âm nhiều SK, Thành Công và HP!


[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/69779/BC4BFFE19F3F43A9B0FEE52256325950.jpg[/image]




Trích đoạn: thiên thanh



kính chúc bố lynh vui khoẻ thêm nhiều tác phẩm mới ...
kính chúc các cô chú anh chị em cùng những quý khách ẩn danh ... nhiều sức khỏe và niềm vui
kính chúc Quê Hương Việt Nam ngày mai không còn cộng sản







Phù Vân, Dzuylynh thương mến chúc Sen Đất, út raumuốngThươngGiang và bobothiênthanh một năm thành công như ý, vuikhoẻtrẻđẹp, để thêm ngẫu hứng sáng tác những bức tranh hoa nghệ thuật, áng thơ tuyệt tác và những tấm poster tuyệt vời cho CLB.TÂ và bằng hữu hằng ái mộ thưởng lãm. Cám ơn sự cộng tác chân tình và nồng nhiệt của các bạn.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.01.2013 14:43:21 bởi Phù Vân >
sen dat 02.01.2013 19:37:00 (permalink)
0
Trước khi bàn luận SĐ xin cám ơn đã đưa đề tài "Tận Thế" vào đây. Thật ra, nói về điều này nói hoài không hết! SĐ thấy người  ta thi nhau đi mua đồ khô mua nến, về để tích trữ, lên chùa đọc kinh cầu nguyện, mọi người hồi hộp lo lắng rồi  hy vọng là tai họa sẽ làm cho ai đó chết nhưng mình có phước đức nên có thể thoát nạn...! Thấy mọi người xôn xao, sợ hãi lo lắng SĐ đành cười thầm trong bụng thôi. Theo SĐ nghĩ Tận Thế không có nghĩa là hủy diệt, chết chóc, đó chỉ là sự kết thúc một quá trình, một chu kỳ hay một giai đoạn nào đó không còn tốt hay hiệu quả mà thôi. Nó cũng có thể là sự suy tàn của một quan niệm, một chủ nghĩa, một phong trào không hợp thời tiêu cực trong cuộc sống của chúng ta. Đã có sinh là phải có tử, tử ở đây không có nghĩa là mất hoàn toàn nó chỉ là sự chuyển hóa từ hình thức này sang hình thức khác nên dù có biến mất nhiều người không cho đó là "tận", "cùng" , "mạt" hay là "tử" mà chỉ nói "hóa" "biến hóa" mà thôi. Đó là đường cùng của một cái gì đó buộc nó phải  biến và hóa: "cùng tắc biến, biến tắc thông". Trong cuộc sống xã hội nếu có những biến cố hiện tượng xấu quái đản bất thường xảy ra thì người ta gọi là đang "suy" và rồi đã suy thì dễ có biến, phải có biến  thì mới thay đổi được, đã gọi là thay đổi thì hình thức cũ sẽ không còn, muốn tồn tại  thì phải hóa thân thành một dạng mới phù hợp để tiếp tục hiện hữu. Do đó mới có cái từ gọi là "cải cách" "Làm mới" Cách tân"...Nó phù hợp với sự chuyển vận của vũ trụ. Đã lên dốc thì phải xuống dốc, đã đêm tột cùng thì bắt đầu một ngày mới, ngày mới chia làm hai phần, tính từ 24 giờ hay 0 giờ ngày hôm trước đến 12 giờ trưa ngày hôm sau được gọi là  giờ buổi sáng,hay giờ AM (After Midnight) từ 12 giờ trưa trở đi đến 24 giờ đêm người ta goi là PM (Past midday) là giờ chiều tối. Theo giờ âm lịch gọi là giờ ngọ (canh ngọ thì từ 11 giờ đến 1 giờ trưa) vậy  12 giờ chính là lúc mặt trời lên đến đỉnh điểm tột cùng nên từ từ tối lại. Không nói ra nhưng cách chia giờ cũng vô tình giống giờ phương tây cho là sau 12 giờ trưa trở đi vạn vật đã bắt đầu có mầm mống chiều tối . Từ 11 giờ khuya đến 1 giờ sáng giờ âm lịch là giờ tí, ở đỉnh điểm của giờ tí  là 12giờ khuya hay còn gọi là 24 giờ là thời điểm giao thoa giữa đêm cùng chuyển sang ngày . Giờ âm lịch bắt đầu từ canh giờ tí rồi tuần tự sửu dần mão thìn tị gọi là giờ ngày rồi từ canh ngọ mùi thân dậu tuất hợi thì gọi là giờ chiều tối, mỗi canh là hai tiếng đồng hồ. 12 giờ trưa (cực dương) cũng là lúc bắt đầu  sẽ chuyển sang chiều đêm, cùng nhất của đêm 12 giờ khuya (cực âm) thì chuyển sang ngày luân chuyển không ngừng.Chẳng trước chẳng sau, chả có điểm khởi đầu cũng chả có kết thúc. Mọi việc ở đời đôi khi tưởng là ngẫu nhiên nhưng lại là những hệ quả tác động lẫn nhau.
Bài hát Ngẫu nhiên của Trịnh Công Sơn thể hiện tính triết lý về điều này rất rõ với những điều tưởng như vô tình ngẫu hứng như sau: "Không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên, và có đâu bao giờ, đâu có cái chết sau cùng, tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta, hòn đá lăn trên đồi, hòn đá rớt xuống cành mai, rụng cánh hoa mai gầy, chim chóc hót tiếng qua đời, người ôm lấy muôn loài nằm trong tiếng bi ai, mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi, mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời"
Vô số người trong chúng ta lúc nào cũng chỉ mơ ước sao cho cuộc đời được giàu có danh vọng. Cái mà chúng ta ước thường chỉ là tiền, tình, con cái của chúng ta thành đạt v...v...Mà ít ai muốn tìm hiểu chính bản thân mình xem ta là ai? Ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu?. Thường người ta chẳng bận tâm điều đó làm chi cho mệt mặc dù khi nhắm mắt xuôi tay thì cũng chả mang được cái gì đi!
Chỉ có những triết gia mới hay suy tư, tự vấn nhưng cũng nhờ họ tự vấn và bàn luận nên đã cống hiến cho nhân loại nhiều triết thuyết có khi rất có ích như một lời cảnh báo nhưng bất hạnh thay cũng có những thuyết về ý hệ khi mới ra đời nó đã ngạo nghễ bác bỏ mọi loại văn hóa tâm linh, nó mạnh mẽ chống lại tôn giáo (cũng do  loại văn hóa tôn giáo  một thời đã tạo nên thể chế tăng lữ thần quyền gây bất mãn trong quần chúng), từ đó tạo điều kiện cho nền triết học ý hệ chống lại tôn giáo vô thần được thừa thắng xông lên. Loại  triết học này hoàn toàn chỉ căn cứ trên những yếu tố có lý tính loại bỏ những gì tâm linh, tất cả chỉ căn cứ vào vật chất vào những gì thể nghiệm được, mới nghe thì có vẻ khách quan, uyên bác và chí lý lắm. Ví dụ như ý hệ Mác-xít. Loại bỏ hoàn toàn yếu tố về tâm linh khiến con người trong thuyết này chỉ còn là những người máy giống hệt nhau, có tính "đại đồng"  đó là trở thành những  vật thể vì bị tước bỏ hoàn toàn sự độc đáo tư riêng.Tính khoa học trong triết thuyết thì có nhưng đó là thứ khoa học không có bóng dáng con người, khoa học vô nhân. Khi thuyết này  được các chính trị gia áp dụng mang vào đời sống đã làm đảo điên thế gian này, làm đau khổ bao nhiêu thế hệ để lại hậu quả khôn lường đến tận bây giờ khiến những con người bình thường như chúng ta khi ngẫm nghĩ lại vẫn còn giật mình. Ngay cả thuyết đấu tranh sinh tồn thải lọc theo cái kiểu hoang dã tự nhiên chỉ có trong thế giới loài vật cũng khiến cho các tên độc tài phát minh ra cái chế độ phát xít cực kỳ tàn bạo, Hít-le không phải chỉ nhắm tới việc loại trừ dân Do Thái không thôi đâu, ông cũng đã từng muốn diệt hết những người cùng giống nòi với mình nhưng yếu đuối bênh tật với hy vọng  lọc lựa ra giống nòi tốt nhất. Bây giờ ngay cả đối với thực vật và động vật người ta cũng không cho phép tiêu diệt, đã có điều luật quy ước bảo vệ sự đa dạng sinh học chứ đừng nói chi tới người. Sự tung hô nền triết học ý hệ của phương tây từ lâu cũng đã khiến các triết gia hoang mang, họ sợ nhân loại một ngày nào đó sẽ đi đến chỗ tàn lụi hay còn gọi là tận thế.Trong cuốn Kant et le problème métaphysique Heidegger đã từng than: " Aucune époque n'a accumulé sur l'homme des connaissances aussi nombreuses et aussi diverses que la nôtre. Aucune époque n'a réussi à présenter son savoir de l'homme sous une forme qui nous touche davantage. Aucune époque n'a réussi à rendre son savoir aussi promptment et aussi aisement accessible. Mais aussi  aucune époque n'a moins su ce qui est l'homme. Aucune époque l'homme n'est apparu aussi mysterieux"."Không một thời đại nào đã tích lũy được những tri thức phong phú và đa dạng như thời đại của chúng ta, không một thời đại nào đã có khả năng diễn đạt về con người rõ ràng hơn, không một thời đại nào sự truyền bá kiến thức mau lẹ hơn, dễ dàng thấu đạt hơn. Thế nhưng cũng không một thời đại nào sự hiểu biết về con người lại kém cỏi hơn, không thời đại nào con người lại xuất hiện bí ẩn như thế". Những ngày cuối năm 2012 những vụ bắn người hàng loạt, giết người cướp của không gớm tay, vợ giết chồng, cha giết con, giết bạn tình rồi chặt khúc, những vụ loạn luân... khiến cho lời của triết gia này  đã trở thành sự thật.  Một số triết gia khác trong đó có Einstein đã ngại ngần thấy trước cách giáo dục đang được cổ vũ lúc  đó, cho  là đã đi sai đường khi hay tung hô loại người vượt trội xuất sắc trong lãnh vực chuyên môn, khiến khi ra trường vào đời  nhiều người chỉ giỏi trong nghề nghiệp thiếu những sự hiểu biết về nhân sinh không có nền tảng đạo đức, thiếu những cảm xúc tâm linh nên vô đạo, vô luân và các triết gia một thời  đã liên tục cảnh báo thảm họa mà nhân loại phải chịu về sau.

Thay đổi trang: << < 585960 > >> | Trang 59 của 72 trang, bài viết từ 871 đến 885 trên tổng số 1076 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9