.
. 26 h .
Ở trang viết ngọt ngào của bạn viết , tôi xin phép :
"
Thấy cũng lạ là sau bài ' ChuyệnGiàyDép ' mà không thấy Gió xách dép trở lại . - ! ? -
Trộm nghĩ : Hay là tại giày dép đứt dây ? Hay là tại Gió sang bên Đức thăm cô nhà văn Lúa9 nên bị trúng gió ?
Tối hôm qua , tôi giở chướng đọc một loạt bài viết ở đây của Gió và thầm nghĩ :
' Phải chi sau một ngày có 24 giờ , tôi ăn gian để có thêm 2 giờ nữa ( 26 giờ ) để len lỏi giữa những câu viết của cô Gió '
Cô Gió nè .
Nhóm viết của tôi ở Pháp rất thích những bài viết của Gió về cách thuật lại ý nghĩ .
Tiện đây , xin cô cho phép chúng tôi khênh vài bài ở đây về blog : Nous- ChúngMình để triễn lãm . Tiền bản quyền nếu tính vừa phải thì xin hãy liên lạc với tôi ở MailBox . Chúng tôi xin trả góp trong vòng 15 năm .
Chúc vui và chờ Gió trở lại đây ..... "
2.
Trích Lục :
" ...
Mười con số, một linh hồn Hơn mười hai năm trước, vào thời mà mỗi số điện thoại cầm tay bao gồm cả thảy 9 chữ số (nên nhạc sĩ Quốc Dũng mới có bài “Chín con số một linh hồn”), vào thời chiếc điện thoại rẻ nhất cỡ một triệu đồng (lúc ấy gần bằng một trăm USD, ngày nay hình như nhiều chiếc rẻ hơn), vào thời ai có điện thoại cầm trên tay là có thể hơi “vênh vang” về sự “thành đạt” của mình rồi (không như sau này, hai vợ chồng bày bán quần áo hạ giá bên lề đường, ngồi sát bên nhau mà mỗi người dùng điện thoại nhắn tin trêu nhau), vào thời tôi mới tìm được việc làm khá hơn công việc trước,… tôi đã hăm hở bỏ ra một triệu đồng để sắm cho mình chiếc điện thoại rẻ nhất, và trông cũng xấu nhất, cồng kềnh nhất, trong số những chiếc điện thoại tôi nhìn thấy thời bấy giờ.
Biết rằng điện thoại của mình bị gọi là “to như đồ đập đá”, nhưng đó là món đồ mà, khi tậu được, tôi hớn hở nhiều nhất – tính từ ngày lọt lòng mẹ cho đến ngày ấy.
Tôi hí hửng gọi người bạn thân (dạo ấy), để khoe số điện thoại mình mới có. Mỗi lần điện thoại reo, mình mừng rỡ trả lời. Đang giữa đêm mà tin nhắn đến, cũng lật đật ngồi bật dậy xem tin.
Điều này gợi tôi nhớ câu chuyện về cô gái nọ và cái “linh hồn” mà cô đặt vào chiếc điện thoại của mình. Chiều chiều, vào lúc người yêu của cô sắp kết thúc một ngày làm việc, anh thường gọi cô, lúc đầu chỉ nói vài chuyện bâng quơ nhẹ nhàng, sau chuyển sang chuyện “nặng” hơn, tức là anh ta làm tình với cô, không phải bằng hành động, mà bằng lời nói. Cô cũng rảnh rỗi, ngồi nghe, cũng thấy hay hay, thầm nghĩ chắc chàng nhớ nhung mình quá nên đâm ra như thế. Cho đến một ngày, lý trí chiến thắng mộng mơ, cô nhận ra rằng kiểu của anh ta là vậy, nói giỏi hơn làm, và chẳng phải anh ta yêu thương riêng một tâm hồn hay say mê riêng một hình bóng nào cả. Quá thất vọng, cô đã bỏ luôn số điện thoại ấy, đổi sang số khác, và cắt đứt liên lạc với anh ta.
Vậy là người ta có thể thay đổi số điện thoại vì một số lý do, kể cả lý do kỳ cục như của cô gái kia. Không như một số người, trong đó có tôi, mười mấy năm trời cứ nhất định xài mãi một số điện thoại.
Tôi thích lắng nghe kiểu chuông điện thoại của mỗi người để ngẫm nghĩ về sự khác nhau giữa nhiều người. Những người hay giấu mình, không muốn phô trương, hoặc không muốn làm ồn hay làm phiền người khác… thường chọn dạng rung làm chuông (thậm chí cho nó im re luôn, không thèm rung). Những người thích nghe nhạc, hoặc thích khoe cho thiên hạ biết mình thích nhạc gì, hoặc không ngại làm ồn... thường chọn tiếng nhạc làm chuông. Những người thích tiếng nói – thay vì tiếng nhạc, hoặc thích tỏ ra khác người, hoặc thích pha trò… thường chọn tiếng nói hoặc tiếng ọ ọe của em bé làm chuông.
Ngày ấy, chiếc điện thoại một triệu của tôi không có nhiều kiểu chuông hay ho để chọn, cũng không thể cài thêm tiếng nhạc từ nơi khác vào để làm chuông. Những năm sau này, mỗi khi đổi sang một chiếc điện thoại mới hơn, tôi lại được dịp khám phá những kiểu chuông mới hoặc chọn một bản nhạc mới làm chuông. Cho đến gần đây, tôi hoàn toàn không còn nhu cầu khám phá, chọn lựa nhạc chuông nữa, vì đã trở thành người giấu mình hoặc không muốn phô trương hoặc không muốn làm ồn đến người khác rồi.
Đôi khi, tôi cũng thích nhìn cách trả lời điện thoại của một người để ngẫm nghĩ về sự khác nhau khi người ấy nói chuyện với những người khác nhau. Trong cùng một không gian, vào cùng một quãng thời gian, ông chủ nọ đang ngồi uống cà phê cùng bạn bè mình, ông sẽ ngồi tại chỗ và trả lời thật dõng dạc khi nhân viên của ông gọi đến để hỏi han công việc, nhưng ông sẽ lật đật đứng dậy khỏi bàn và trả lời lí nhí khi vợ ông gọi để nhắc về nhà.
Có lẽ một phần vì mình hay đưa cặp mắt cú vọ mà nhìn người khác trả lời điện thoại thế nào trong lúc cà phê cà pháo với mình, nên tôi hầu như chẳng màng chuyện trả lời điện thoại mỗi khi đang hẹn hò, nhậu nhẹt, cà phê gì với ai, lỡ đâu người ta cũng nhìn lại mình bằng cặp mắt cú vọ. Cứ ngồi cả buổi thật thảnh thơi như mình chẳng hề có điện thoại, như điện thoại của mình ế lắm (mà có khi nó ế thiệt). Không như cô bạn gái của anh chàng nọ đã khiến anh ta có nhận xét thế này: hễ tin nhắn gửi đến cô lúc cô đang ở nhà, thì vài tiếng đồng hồ sau cô mới trả lời, rằng em bận đi tắm, không biết có tin nhắn; nhưng hễ đang ngồi uống cà phê với cô mà điện thoại cô reo, là cô thiếu điều lật tung cái bàn lên để móc điện thoại ra xem và trả lời tin nhắn.
Nếu có ai đó muốn đoán tính cách của tôi qua cách dùng điện thoại, họ thường đoán rằng tôi rất chung thủy, vì bao nhiêu năm trời và bao nhiêu lần thay điện thoại, cứ nhất định xài mãi một nhãn hiệu chẳng mấy ai thích. Những người ấy, nếu có gặp lại tôi hôm nay và nhìn thấy chiếc điện thoại tôi đang xài, chắc họ càng phải kêu Trời về tính “chung thủy” của tôi hơn nữa, vì điện thoại trên tay tôi nay thuộc loại cũ kỹ hiếm có, rất cũ cả về hình thức lẫn tuổi đời.
Có anh bạn kia, ngày ngày có thể chat với tôi về rất nhiều chuyện trên mạng, thế mà vẫn thỉnh thoảng quay qua gửi một tin nhắn trên điện thoại. Có lần, nhận được tin trên điện thoại, tôi không trả lời ngay, mà chờ vài phút sau, ngồi vào máy tính, mới chat cho nhanh. Một lần, anh chàng nói rằng có lẽ tôi không bao giờ có ý định gửi tin bằng điện thoại cho anh ta đâu nhỉ. Rồi một lần, tôi cho anh chàng một phen bất ngờ, khi gửi tin qua điện thoại để “trêu” chàng ta. Dĩ nhiên, anh chàng rất vui.
Thế nghĩa là, ngày nay mình chẳng còn háo hức đợi chờ chuông điện thoại reo để thấy rằng nó có “linh hồn”. “Linh hồn” không nằm ở tiếng chuông, mà nằm ngay ở sự im lìm đấy thôi, vì chỉ cần nhìn vào chiếc điện thoại im lìm nhưng gửi và nhận được những thông điệp một cách đúng lúc, là có thể thấy được rất nhiều ý nghĩa của điện thoại rồi.
< By Lòng Như Gió ( dactrung . net - trang 16 )
..
Chuyện giày dép Một ngày kia, tôi sắm được một đôi sneakers hoa vằn vện, mang vào rất êm chân. Sáng chuẩn bị đi làm, có hôm cầm giày trên tay, đứng trước gương, ướm nó vào cẳng chân, chợt thấy màu sắc của giày không hợp với màu váy mình đang mặc. Các bài báo lá cải săm soi trang phục của các “ngôi sao” thường gọi đây là hiện tượng giày và trang phục “không liên quan” với nhau. Thế là đành cất đôi giày vằn vện này đi, lôi ra đôi khác cho “có liên quan” với màu váy.
Nhưng nhiều hôm khác, ướm giày vào chân, thấy nó rất có liên quan với màu váy, tôi hớn hở: Thế là hôm nay được mang giày hoa!
Lần nào tôi mang đôi giày này, cũng ít nhất hai, ba người nhìn nhìn nó. Nhìn, rồi chẳng nói gì. Chẳng biết người ta muốn khen hay chê. Một bạn trong công ty nói với tôi: “Em lười mang mấy đôi giày có dây cột lắm, vì tính em hễ ngồi vào chỗ là rút chân ra khỏi giày, nên giày không dây thì rút ra dễ hơn.” Em này có thói quen chính xác y như tôi. Đã từng một thời gian rất dài, tôi chỉ toàn mang giày không dây, để có thể rút phắt một cái là bàn chân ra khỏi giày, mỗi khi ngồi vào ghế và chắc rằng không ai đang nhìn bàn chân mình. Được để bàn chân thảnh thơi không giày, tiếp giáp mặt đất, là một cảm giác thích thú. Dĩ nhiên, tôi chỉ tận hưởng cảm giác ấy khi biết rằng Anh không đang lom khom dưới đất để cắm dây sạc laptop hoặc sạc điện thoại (và khi ấy Anh có thể sẵn tiện ghé mắt nhìn sang bàn chân tôi). Nhưng rồi cũng có khi, thói quen của người ta thay đổi, và thay đổi lần này của tôi là chọn mang đôi giày hoa vằn vện.
Đến một ngày, một người, rồi hai người, rồi ba người, vân vân… khen giày tôi đẹp. Tôi vui. Có người còn vào facebook, viết lên timeline của tôi, rằng giày đẹp đó chị. Tôi khoái chí. Thì ra, đôi khi mình cũng cần nghe lời khen, để thêm vui, và thêm tự tin.
Một buổi trưa nọ, tôi mang giày hoa, cùng cậu đồng nghiệp đi bộ một quãng đường để ra quán ăn trưa. Tôi nghĩ cậu ta cố ý đi nhanh hơn bình thường, có thể vì vội, và cũng có thể vì muốn thử xem tôi theo có kịp không. Tôi theo kịp, không mấy khó khăn. Cậu ta cười cười, nhận xét: “Hình như hôm nay chị đi nhanh hơn hôm qua.” Biết cậu ta còn nhớ hôm qua tôi mang giày cao gót, tôi trả lời: “Do giày hôm nay khác giày hôm qua.”
Tôi nhớ, có lần, Anh tặng tôi một lời khuyên, với ý trách, rằng trước khi tranh luận với ai hay phê phán ai thì hãy nhớ thử xỏ chân vào giày của đối phương. Vâng, đây là một lời khuyên nhan nhản trên các loại sách, mỗi người đã được nghe nhiều lần. Và không phải mỗi người đều luôn nhớ thực hành theo. Tôi tin vào tính hợp lý của lời khuyên này. Về nghĩa đen, khi xỏ chân vào những đôi giày khác nhau, cảm giác của bàn chân rất khác nhau, tốc độ bước chân cũng rất khác. Về nghĩa bóng, tôi cũng tin vào tầm ảnh hưởng của giày đến bàn chân mình, và thái độ của mình.
Kể từ đó, tôi chăm chỉ hơn trong việc thực hành nhớ xỏ chân vào giày người khác. Không chỉ khi tranh luận hay phê phán (là những thứ mà dạo này tôi rất tiết kiệm), mà trong cả những khi kể chuyện phiếm. Tôi thử tìm giày của người ta, thử xỏ chân mình vào, xem họ thích nghe gì và không thích nghe gì. Thường, người ta thích nghe người khác tự chê cười bản thân, hơn là tự khen ngợi hay khoe khoang. Tôi bèn tự chê mình lười, vụng, suy dinh dưỡng; họ thích lắm. Trái lại, khi một người tự khen mình đẹp, tự khoe mình giỏi, với ý rất nghiêm túc, không đùa, người ta cười cứ như đang nghe nói đùa. Tôi nghĩ, những người tự khen, tự khoe, là chưa ghi nhớ bài học xỏ chân vào giày. Họ khen và khoe khi họ đang đút chân trong đôi giày của riêng mình. Chẳng hạn, cô kia lên mạng gửi trao tâm tình, kể chuyện rằng mình rất đẹp, tự mô tả vóc dáng, vòng eo, độ dài đôi chân vân vân trông quyến rũ thế nào, các anh đàn ông đã bị cám dỗ ra sao. Có người vào bình luận: “Không có phụ nữ đẹp, chỉ có phụ nữ tự thấy mình đẹp. Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết mình xấu.”
Tôi sắm cho mẹ mấy đôi dép êm ái để mang trong nhà, dặn mẹ nhớ tập thói quen mang dép thay vì đi chân không, để lỡ đi đứng có va vấp vào chân bàn hay kẹt tủ gì thì cũng không bị thương. Mẹ ừ ừ, mang dép được một lúc, một lúc sau đã thấy mẹ chân không lom khom khắp nơi tìm dép, vì quên mất đã đế dép nơi nao. Riết rồi tôi cũng đành để mẹ tự do với bàn chân không. Vì tôi cũng nhận thấy sự thoải mái tuyệt vời của đôi bàn chân khi không xỏ vào đôi giày, đôi dép nào cả.
by Lòng Như Gió . dactrung.net
... 3
Chuyện cô và tôi có sự qua lại bắt đầu bằng 1 lời nhắn thư .
Cô viết :
" ...... Nhờ bác viết văn
Chào bác
Em hy vọng dạo này bác vẫn khỏe, vẫn thích đọc văn và viết văn. (Em cũng chưa biết nên xưng hô với bác thế nào, nên tạm gọi bác bằng “bác” vậy nhé.)
Em mạo muội lần đầu gửi PM cho bác để nhờ bác viết giúp một bài văn (dưới 1,500 chữ) về đề tài sau đây không: Bác sẽ làm gì nếu còn 24 giờ để sống?
Gửi bác lời yêu cầu trên, vì em đang mời một số cây bút tham gia viết cho tuyển tập "24 giờ để sống". Nếu xuất bản được (tại Việt Nam), tiền bán sách sẽ được dùng để gây quỹ từ thiện.
Nếu bác không có thời gian hoặc không quan tâm đề tài này, em mong bác bỏ qua về việc em đã làm phiền. Ngược lại, nếu bác có thời gian và có quan tâm, em rất mong có được giọng văn của bác góp vào tuyển tập nói trên.
Cám ơn bác rất nhiều.
Gió ................ "
.
Ngộ kỳ !
4.
Thời gian không biết chờ đợi ai . Nếu cô ấy có lời yêu cầu hợp với ý thích và khả năng của mình thì tôi viết .
Viết gì để thật sự có ý nghĩa và có cảm xúc ? Câu hỏi vây nhè nhẹ lấy chính người viết :
- Làm thế nào để vào câu đầu dẫn ý ?
- Làm sao để mạch viết phải quyện lấy nhau ?
- Làm sao để viết khác đi những lần, những điều ta đã viết ?
Chuyện khó hay dễ đối với những người quen viết lách ? Viết văn khác với viết lách . khác rất nhiều cho dù có cùng một động từ VIẾT .
đăng sơn.fr
đăng sơn.fr
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.10.2015 00:12:18 bởi dang son >