.
THÊM MỘT LẦN NỮA
VIẾT CHO CHA .
TRANG VIẾT CHO CHA ( ... )
.
Cha ơi !
Con nhớ đến cha rất nhiều vì ngày hôm kia, thằng em vừa gửi hai cái thư với những hình ảnh và cách chụp ảnh của cha ngày ấy .
Ca nhạc sĩ Trần Quốc Bảo bên Cali có tải hình ảnh ca sĩ Ngọc Minh mà cha đã chụp và có bài viết về cha .
Thằng em viết sau khi tải bản nhạc Để Nhớ một thời Ta đã Yêu do nó hoà âm :
" Em gửi nhiều hình về ba, chụp cho ca sĩ Ngọc Minh, Ngọc Mỹ ban Shotguns, Các ca sĩ em liên lạc gửi còn giử hình cùa ba chụp từ năm 68 nên quý lắm. ( ĐQ )
( photo by đăngQuang - france )
2.
Cha yêu quý !
Chiều nay, đi làm về, con sẽ viết gì về cha ?
( Viết bằng tất cả tâm hồn của một đứa con )
...
Con lục lại các bài viết về Cha ở các diễn đàn webs đã cộng tác .
Có lần con viết :
"
When I look into your eyes
It's like watching the night sky
Or a beautiful sunrise
Well, there's so much they hold
* < I W o n ' t G i v e U pJason Mraz
Ngày xưa,xách guitar đi học ở một người thầy rất trẻ.Ở một accord kiểu LêHựuHà,NguyễnTrungCang,thầy ngừng đàn,hỏi tôi :
" Tại sao ,còn quá trẻ mà em hay viết ca từ về đời và tình đời ? "
Ngày đó,17,18 tuổi,tôi thấy mình còn trẻ,non nớt.Tuổi của lá me bay trên những đốm nắng,tuổi ấy quá đẹp như mỗi lần ngơ ngẩn trên lối đến trường của cô nhỏ tóc dài mặc áo dài trắng.Tuổi của những bài thơ vừa kịp rụng trên môi người....
Vậy mà,tôi chưa kịp vui thì đã là người lớn khi cha mình mất đi.Những bài thơ đầu đời của tôi trên báo ,cha mình vừa mơí kịp đọc và đã mất trong một giấc ngủ ngắn.Tôi vừa học,vừa ra đời để làm một thứ trái non bị ép chín.Các bạn tôi thì vẫn áo trắng tinh vô tư.Cuộc đời đã không như là mơ....
Mỗi lần có dịp đi nghe nhạc,tôi thấy mình nhớ cha mình...Nhớ ngày nào theo cha vào phòng ghi âm,im lìm nhìn cha tập nhạc vơí các nhạc sĩ,nhớ ngày nào đứng ở đầu ô cửa sổ,lắng nghe cha chơi một đoạn saxo jazz,blues.
Nhớ để mà nhớ.
Hôm nay là ngày giỗ của cha tôi.Tôi đang nhớ đến ông.Tôi nhớ ánh mắt nghiêm nghị của cha khi trình cho cha tờ phiếu điểm hàng tháng có những điểm " phải chăng " yếu kém...Cha nghiêm và cha buồn khi con mình không siêng học.
- Con muốn làm gì sau này,con ? Hay là cha cho con vào chủng viện để đi tu ?
Thằng con lắc đầu, cúi mặt.
Cha tống thằng con vào trường Lasan vơí các ông sư huynh nghiêm khắc.Thằng con sợ hãi ,học hành chăm chỉ hơn và luôn nài nỉ cha mỗi lần bị lỡ có những con số không.Cha thông cảm hơn,cha nói tìm chỗ cho con vào ngành điện ảnh và đừng làm nhạc sĩ như cha.Thằng con ngần ngừ,ngần ngừ...Và cha nó đi mất.Vĩnh viễn....
Và nó buồn,nhớ cha,nó khóc bằng những giọt nước mắt của một thứ trái cây chưa kịp chín...
Bao nhiêu năm qua rồi,mỗi lần sinh nhật nó,nó nhớ đến cha.Người thầy đầu tiên.
Ngày hôm nay là ngày giỗ cha.Thời gian trôi,trôi.Con nhớ cha khi viết những dòng này.Con chưa đủ tài để viết một bản nhạc nào cho cha.
_______________________
Sau đó , một người bạn viết đã ghé thăm làm mình cảm động :
...
" Anh Đăng Sơn thân mên,
Hôm nay Nguyệt Hạ mới biết ngày sinh nhật anh cũng như ngày giỗ của thân phụ anh.
Tuy đã qua nhưng NH cũng xin chúc anh thêm một năm tuổi mới nhiều thứ "mới" hơn.
Và xin anh cho NH được gởi những đoá hồng trắng cùng những lời kinh cầu cho linh hồn người đã qua đời.
Nguyệt Hạ vẫn còn nhớ bài viết này của anh, để vào đây cùng đọc lại nhé : VIẾT ĐỂ NHỚ ĐẾN CHA.
Ngày một,tháng mười một là ngày lễ Các Thánh ở Pháp.Ngày đi tảo mộ để nhớ đến ngưòi thân yêu đã khuất bóng.Hoa được bày bán khắp ngả đường và ngoài cửa các nghĩa địa….
Cha ơi ! Nơi chôn cất cha ở bên quê nhà.Con không đến nghĩa trang để thăm cha. Đường về quá xa.Cha hiểu không ?
Những vòng hoa cho cha con vẫn để trong trí nhớ đó chứ.
Đã bao nhiêu năm rồi.Làm sao con quên được người thầy đầu đời của mình ?
Hãy để con nhớ đến cha và biết cách nói chuyện với cha ở một khoảng đời con đang sống.
1.
Nghĩ đến cha là con nghĩ đến khuôn mặt chữ điền và ánh nhìn nghiêm khắc. Mà cha nghiêm nghị với riêng con cũng phải thôi..Vì con đã làm nhiều điều mà cha không đồng ý lúc con còn bé dại.
Con còn nhớ những tháng năm mặc quần ngắn ở tiểu học . Con khoảng 7,8 tuổi gì đó,con đã đứng khóc ngoài cửa trường vì bị lũ bạn bắt nạt,chúng đã xúm vào tụt quần con .
Cha đến đón thấy vậy đã mắng con một trận khi vừa về đến cửa nhà :
- Con trai hư ! Cấm hèn như thế.Cấm khóc.Phải tìm mọi cách để chống lại chúng.
Thế là cha xách cổ con vào trường học võ để biết cách chống lại cái hèn bé tí tẹo.
Con còn nhớ cái lần con xém chết khi tinh nghịch leo lên nệm trước của chiếc xe hơi đầu tiên của cha,loay hoay thế nào để chiếc xe tụt dốc lao xuống bờ sông trước mặt ,may mà xe đâm vào gốc cây để con được nghe cha mắng một trận nên thân.
Vậy mà đi đâu,cha vẫn dắt con đi theo như cái bóng. Đi nhổ răng,con đã vùng vằng đóng kịch khóc ầm ĩ,cha đã phải dụ khị mua súng nước,mua xe hơi bằng nhựa và cha dỗ dành….
Con biết rõ cha là ngưòi kiên nhẫn và muốn toàn thiện ( perfecsionniste ) khi cha một mình tập kịch trong bóng đêm.Ngày đó ngoài nghề chơi nhạc ở các đài phát thanh,Tv ,thâu băng đĩa ,cha còn nghề diễn kịch trên sân khấu.
Lúc ấy,còn bé tí,con chẳng biết cha diễn vai gì nhưng cứ mỗi đêm cha cầm bản kịch đi tới đi lui trên sân vườn .Con đã rời phòng đứng sau cách cửa hé,rình nhìn cha lẩm bẩm.
Ngày diễn trên sân khấu, đi với mẹ,ngồi ở hàng dưới thấy cha bị người đàn ông cầm ghế phang vào đầu,con đã hét lên và khóc nức nở .
Mẹ đã ôm lấy con để trấn an ;
- Con ! Bố đóng kịch mà.Không sao đâu.Nín !
Thế ư ? Làm sao con biết được trong bộ óc non nớt ?
Có lần cha bị ngưòi ta chen lấn đè lên người khi dắt con đi xem một trận đá banh,cha đã vòng tay che chở con và con biết cha đau và sợ lắm.Cả đêm ấy,con đã khó ngủ vì cảnh tượng họ dẫm lên ngưòi cha.
Con nhớ cha nhiều lắm,nhất là những lần đứng thẩn thờ chờ cha đến đón ngày cuối tuần ở trường nội trú ( Ngày đó,con hay phá phách,ngỗ nghịch và cha đã gửi vào trường dòng các Sœurs để thuần tính ! )
Mỗi lần cha đến là con run lên vì biết sắp được về với gia đình.Và mỗi lần như thế là con hứa sẽ ngoan.Ngoan như những hòn bi trong túi quần.Cha biết không ? Những hòn bi ấy là nguồn an ủi mỗi khi đứng chờ cha rất lâu .Chỉ sợ cha quên không đến đón con…
Cha ơi ! Mỗi lần như thế,con sung sướng ngồi đằng sau xe để áp má lên bờ lưng rộng của cha và hít ngửi mùi cha thương yêu.
Mỗi ngày con mỗi lớn để đi theo cha đến các phòng thâu nhạc.Con ngồi yên ngắm cha bận rộn bên các bạn nhạc sĩ,ngắm hình tượng kiên nhẫn tập đi tập lại một bản nhạc.Và cha làm con mê nhạc và cái thế giới dìu dặt đó .
Từ sân quay của đài truyền hình đến các sàn nhảy của các phòng trà mà cha chơi nhạc.Con bắt chước cha mê say âm nhạc nhưng con đã không chịu nổi tiếng kèn saxo của cha mỗi khi cha tập những bản jazz mới …
Con đã bỏ ra vườn bắn bi,bán ná và chơi những trò chơi khác của trẻ con. …
Thế giới nghệ thuật của cha đã có nhiều cái lạ để thu hút thằng bé.Nó như một chú chó nhỏ tò mò theo sát chủ.Nó đã bắt chước cha nằm bò ra đất để ngắm nghía những tấm ảnh đen trắng mà cha thực hiện cho các nghệ sĩ thời ấy ..Nó vẫn còn nhớ những tấm chân dung của Thanh Lan ,Ngọc Minh,Giao Linh,Thẩm Thúy Hằng…mà cha nó đã chụp với tất cả góc cạnh của đam mê.
Thế giới riêng của cha đã có tiếng hát của những bạn bè ca nhạc sĩ..Mỗi lần thâu xong một băng đĩa cho Nhật Trường,Phạm Duy ,Duy Khánh,Khánh Ly …là cha lại vác về ngồi yên thưởng thức hàng giờ ,con cũng yên lặng ngồi yên nghe và nhìn ngắm cha.Con cũng từ từ hiểu được thế nào là cách hòa âm để cứu vớt một giọng hát còn non nớt.
Con đã rình nghe cha bàn thảo cung cách hòa âm với chú Văn Phụng ( người mà cha cho rằng có trình độ hòa âm và viết nhạc rất tây phương thời ấy ) Con chiêm ngưỡng cha lúc cha say sưa chơi nhạc với một Nguyễn Ánh 9 ( ngưòi mà cha nói là tay pianist tuyệt hảo,thần tượng và cũng là Xếp ban nhạc của cha ở phòng trà )
Cha nói với con :
- Lớn lên ,cấm con làm nhạc sĩ !
- Thế Ba muốn con làm gì ?
- Con sẽ là Linh Mục
Con đã nhăn như bị và đã phản đối kịch liệt.
Con quên cả cái sợ ông thầy đầu tiên khi nói :
- Con thích làm ca nhạc giống cha,hoặc làm phim ảnh…..con thích văn nghệ giống ba !
Cha phì cười,giả giọng nghiêm nghị :
- Thế giới của nghệ sĩ hư hỏng lắm.Ba sợ….
Con không hiểu cha sợ cái gì ? Cha đã không hư hỏng rượu chè,nghiện ngập giống bao người lỡ bộ khác. Cha không uống rượu,nợ nần ,chỉ có cái tật xấu là hút thuốc….
Những lần sau đó,cha dắt con đi dự những buổi thâu băng dĩa và nghe nhạc ở các phòng nhà dancing thường hơn.16,17 tuổi của con,cha vẫn nghiêm nghị,cứng rắn để uốn nắn con.Cứng rắn đến độ cho con một cái bợp tai nên thân khi con bị ông Sư Huynh quở mắng ngổ nghịch ở bậc trung học.
Cha tát con truớc mặt Sư huynh Lasan và dọa :
- Miễn theo cha vào phòng trà cuối tuần….
Ấy chết ! Điệu này thi đời buồn quá !
Con vẫn nghĩ cách làm cha xuôi lòng để quên điều cha hăm dọa.Con rửa xe,con thay dầu nhớt xe,con đấm bóp cho cha mỗi lần cha mệt mỏi người . (Luồn cúi cha để đạt điều mình thích đâu có gì là xấu ! )
Theo sư phụ đã lâu ,con học được cách nói thẳng những điều mình nghĩ và cách luồn lách để làm điều mình muốn thực hiện.Học thêm cách đứng thẳng người khi đối dầu với nghịch cảnh,với trách nhiệm.
Cha ơi ! Thầy ơi !
Con chỉ tiếc một điều là cha mất quá sớm để con có thể rình mò học thêm nhiều điều ở cha.
Cha làm việc quá nhiều, lo lắng quá nhiều với chứng bệnh hyper tention và giấc ngủ đã lấy mất cha đi.
Con đã đứng ở cuối giường nhà thương để mân mê bàn chân cha khi bác sĩ lắc đầu chịu thua. Con khóc và thấy nóng bừng mặt mũi trước một thế giới sụp đổ.Cha đã chưa nói lời sau cùng với con .Và con chưa học hết bài bản của cha mà.
Làm sao con có thể vững trãi và làm người lớn với năm con 18 tuổi ?
18 tuổi để mỗi ngày ra mộ cha ngồi yên.
Mỗi lần như thế,con đã viết cho cha . Viết như nói một mình.Viết xong rồi con bật lửa đốt trụi lá thư với những dòng nước mắt.
Viết mà không thấy phản ứng vui buồn của cha như ngày nào cha bật cười khi đọc bài thơ,bài văn đăng báo lần thứ nhất của con.
Viết mà không có sự hồi âm góp ý của cha.
Nhưng con biết.Cha vẫn sống,vẫn hiện diện trong con đấy chứ.Mỗi ngày,khi con nghe nhạc.Khi con đọc sách và mỗi khi con nghĩ đến cha như thế này.
đăng sơn.fr
…à toi .Père.Mon héro.Mon Idole.
_____________________________
Bài viết xưa rồi mà.
Rồi SươngAnh của trời Paris vào viết :
Chợt nhiên... mà ghé đến để biết về một điều rất thật... mà cũng rất buồn... Suonganh.fr xin chân thành chia sẻ nỗi buồn nhớ cha cùng với dangson.fr nhé!
CHỢT NHIÊN...
Chợt nhiên mà ghé đến
Để biết về một điều
Bạn mình đang cố nén
Giọt lệ nhớ cha yêu
.....
Biết bao nhiêu kỷ niệm
Theo ngày tháng trôi qua
Nhưng một điều duy nhất
Tình cha khó nhạt nhoà...
Dòng sông hoài trôi chảy
Như nhịp thở thời gian
Riêng tình cha còn mãi
Đọng tim ta chẳng tàn
Chỉ là những dòng chữ
Rất đơn sơ bình thường
Sao thấy hồn rưng rức
Vỡ oà...giọt lệ thương
Hiểu rồi ngày sinh nhật
Cuả " nó " là ngày cha
Lần chia tay đi mất
Nghìn thu lánh ta bà
Bao năm qua vẫn thế
Mỗi khi đến ngày này
Quên ư? đâu có thể!
Vui & Buồn làm mắt cay
.....
Khi ngang qua nhà bạn
Vô tình đọc những dòng
Lưu đôi câu chia sẻ
Chợt nhiên quá!... phải không??
Suonganh.fr
_____________________________________________
3 <
Sợi Dây Nối . Khi viết tiếp tục những dòng này thì con để máy ở mp3 nghe đi nghe lại dạo khúc " Để Nhớ Một Thời Ta Đã Yêu " của thằng em . Nó chơi intro bằng tiếng guitar ascoustic và sau đó là synthé như tiếng khói sương .
Nghe đi, nghe lại chừng hơn chục lần như níu sợi dây vô hình giữa cha + Nó và con ở dòng viết .
Như sau :
" Buổi chiều muà hạ quá đẹp . Đẹp khi cả gia đình quay quần bên nhau ở khu vườn nhà cậu em út .
Sau bữa ăn , thằng em kéo anh ra chiếc bàn dưới tàng cây rung rinh lá .
- Trần Quốc Bảo gửi tin nói là đăng bài viết về ba mình ở Viet Tide , trang sinh hoạt văn nghệ . Anh ấy đã hỏi em về các tài liệu, hình ảnh về ba ....
Thằng anh thấy vui khi nhìn vào ánh mắt em mình . Anh biết em vẫn luôn nghĩ về cha khi muốn nối nghiệp .
Nối nghiệp ra sao hỡi em ?
Ngày ấy, em còn bé quá đã không được theo cha đến phòng trà và em đã không thấy cha nhắm mắt với nỗi mê say khi hoà nhạc . Chan hoà ở vùng ánh sáng đậm nhạt và những vòng tay, vòng chân theo tiếng nhịp trên pista nhạc, em sẽ thấy cha mình lạ lắm : Tiếng ténor nức nở, khi cha buông kèn để chơi contre basse thì cha đã không còn là một người nhạc sĩ da vàng nữa . Cha biến dạng thành một người da đen gốc Pháp chơi Blues hàng đêm ở những quán nhạc, chỗ nhẩy đầm của một Hà Nội .
Cha hoài niệm tuổi thơ khổ cực gồng gánh các em khi chạy nạn thời ấy với bao trách nhiệm khi lạc mẹ .
Thời gian đi qua đã làm anh hiểu cha mình nhiều hơn khi cha tâm sự, khi cha rời piste nhạc, chậm rãi ngồi xuống cạnh anh , hỏi chuyện như hỏi một người lớn :
- Con thấy ban nhạc ra sao, con ? Tiếng kèn của bố được không ?
Lúc ấy - ngỡ ngàng - vì , làm sao anh có đủ khả năng và ngôn ngữ để trả lời cha ? Anh chỉ biết là có lúc cha đã xem anh như một người bạn nhỏ hoặc là một kẻ fan của cha .
Có những lần, cha bắt gặp anh ngồi yên, thưởng thức cách hoà âm dạo đầu của những băng nhạc Trường Sơn ( Duy Khánh ) hoặc của hãng Nhật Trường, cha gật gù khi nghe anh tạm phân tích ..... và cha giả vờ quên đi cái tội là anh đã lén đánh cắp những tape magnétophe có những bài nhạc xưa để bỏ tiền đi thâu đề lên bằng những ca khúc của Carpenter's , Elton John mà khi nghe với anh, cha khen là hay quá .( Trong ánh mắt của cha, anh biết là những cuốn băng ấy là tội lỗi của thằng con mê nhạc )
Khi ấy, làm sao em gần guĩ cha mình bằng anh . Và ở buổi chiều dưới tàng cây, anh thấy em xúc động và vui khi nhắc về cha khi cung cấp tài liệu cho TQB cũng như khi em hay liên lạc với nhà thơ Nhất Tuấn ( Phạm Hậu ) đã là chef của cha ở đài phát thanh Huế .
Anh còn nhớ, mỗi lần bác ấy ghé nhà, bác hay bế anh vào lòng và trêu anh .
Buổi chiều quá đẹp khi hai anh em ngồi đối diện nhau , khi em nhắc lại những tấm tranh cưa lọng gỗ mà cha và anh đã làm để bán cho Phạm Duy đã đến lấy với cậu con Duy Quang trẻ mơn mởn lúc đó . Chúng mình ngủ trưa, cởi trần nằm đất . Anh đã hi hí , mở mắt ngó người nhạc sĩ đã viết những ca khúc cho quê hương và những tình khúc lãng mạn phổ thơ ....
Rồi dòng sông thời gian trôi .
Trôi và thảng thốt khi Nhật Trường Trần Thiện Thanh đến nhà gọi tên cha thì nghe mẹ nói là cha đã mất . Người nhạc sĩ đã đóng vai kẻ đưa thư cho người vai thiếu phụ ( Thanh Lan ) chờ chồng trong đoạn phim ca kịch ' Anh Không Chết Đâu Anh ' ở đài truyền hình số 9 thời ấy đã khuất bóng .
Thời gian trôi và anh không dấu được sự ngỡ ngàng khi nhìn những ngón tay của em khi em dạo phím đàn và kiên nhẫn thâu đi, thâu lại những đoạn chơi nhạc ở PC .
Anh nhìn thấy em im lìm, kín đáo mỗi lần tập dợt văn nghệ cho cộng đồng các dịp lễ lạc . Em không nóng tính như cha đã ném clarinette ở phòng ghi âm khi gặp vài nhạc sĩ cà chớn, cà giật . Em không nóng tính như anh để nói những điều bực dọc khi đụng trận .....
Nóng tính để làm gì khi em đã sửa đi, sửa lại sáng tác đầu tay là bài Phượng Buồn ngày còn độc thân . ? .
Sợi dây nối từ cha đến em là anh, là một Trần Quốc Bảo rất thân tình như đã quen biết từ thưở nào . Giọng của Bảo đã rất ấm ở bàn trong góc tối với anh, ấm và điệu khi nồng nàn hăm hở giới thiệu nàng bà nhà anh lên hát trong đêm sinh nhật của Trái Tim Bên Lề - Phạm Khải Tuấn ở Cali ( Đêm ấy, Bảo chưa biết liên hệ giữa cha và chúng mình, cũng chưa biết em ra sao ... )
Khi viết lại những dòng này, anh vẫn nghe đi nghe lại bản nhạc em đang chơi . Phải chi cha đang hiện diện, có lẽ ông sẽ mở lời góp ý với em về cách dạo hơi của saxo và cách hài hoà các accords .
Cám ơn em với dòng nhạc tiếp nối .
Hãy cho anh gửi lời cảm ơn người ca nhạc sĩ đã đăng bài viết rất chân tình ấy .
đăng sơn.fr