TRANG HIỆP KHÁCH
TRANG HIỆP KHÁCH Tác giả: Chưa rõ
Người gửi: TieuLyPhiDao
_________________________
Thay lời tựa: Nhật Bản có rất nhiều truyện SAMURAI rất hay, rất nổi tiếng được Tây Phương mượn ý viết ra nhiều tiểu thuyết cũng như tạo dựng nên nhiều bộ phim lừng danh bất hủ trên thế giới. Câu chuyện sau đây là một điển hình.
TRANG HIỆP KHÁCH
Chương 1:
Dưới nắng chang chang, một người đàn ông tuổi trên dưới 30, một mình lê bước, tay mang gói hành trang. Nơi dây lưng chàng đeo là một thanh đoản kiếm màu đen giắt chéo, và sau lưng là một thanh trường kiếm đeo ngang. Trông hình dáng chàng, ai cũng nhận ra ngay đây là một võ sĩ đạo Samurai.
Chàng võ sĩ đạo đang đi bỗng dừng chân lại ngắm nghía vì để ý cách đó không xa rõ ràng là một sơn trang thật lộng lẫy khang trang. Bên cạnh đó là một vườn hoa, phía sau đó là một vườn rau, và kế vườn rau là một rừng cây ăn trái. Chẳng khác nào người đi trong sa mạc tìm thấy nước, chàng khẽ nở một nụ cười thoải mái, rảo bước tiến nhanh lại phía sơn trang trước mắt trong vòng một dặm…
Chàng võ sĩ đạo phấn khởi tinh thần, đi thật lẹ. Chẳng bao lâu chàng đã từ từ đến mục tiêu. Khi còn cách sơn trang độ 200 thước, một bóng người trẻ tuổi hình như là một đứa trẻ nhỏ từ trong một bụi rậm phóng ra, chạy nhanh vào trong nhà. Không đầy nửa phút sau, một người đàn ông từ trong bước ra, đi sau ông ta là chiếc bóng nhỏ khi nãy, giờ trông thấy rõ ràng là một đứa trẻ mới lớn chừng 12-13 tuổi. Cả hai người mắt đều chăm chăm nhìn chàng võ sĩ đạo đang trên đường tiến tới, luôn để ý từng hành động của chàng.
Khi tới sơn trang, chỉ còn cách hai người chừng mươi bước, chàng võ sĩ đạo dừng chân lại, hướng về phía người đàn ông mà chàng tin là trang chủ, gập mình xuống chào. Sau đó chàng ta lên tiếng:
-Tôi là khách lỡ đường, đi đường xa quá khát nước nên mạo muội ghé lại đây xin giúp đỡ. Nếu trang chủ cảm thấy không phiền thì cho tôi xin một ngụm nước giải khát, xin đội ơn.
Thấy chàng võ sĩ đạo nói năng lễ phép lịch sự, người chủ sơn trang ôn tồn đáp:
-Không dám, tứ hải giai huynh đệ. Xin huynh đài đừng khách sáo.
Quay sang phía đứa con trai, ông ta sai:
-Hải Đẩu, mau vào lấy nước và trái cây cho chú này giải khát.
Đứa nhỏ khẽ “dạ” một tiếng, đoạn chạy tuốt vào nhà. Lát sau nó trở ra với một gáo nước lạnh lớn cùng với hai trái lê mang tới định trao cho chàng võ sĩ đạo. Nhưng người đàn ông chặn lại, giằng lấy, rồi tự tay ông ta đích thân mang tới đưa cho người khách lạ. Chàng võ sĩ đạo lại khẽ cúi gập mình xuống, nói vài tiếng cám ơn rồi tay đón lấy gáo nước cùng trái cây. Chàng cầm gáo nước, đổ vào miệng làm một hơi cạn không còn một giọt. Hai trái lê, chàng ta không ăn mà bỏ trong gói hành trang buộc kỹ lại, hình như là muốn để dành mang đi đường cho cuộc hành trình.
Bỗng nhiên có tiếng vó ngựa trổi lên không biết từ đâu tới, nghe bên tai mỗi lúc một gần. Chàng võ sĩ đạo khẽ cau mày, để ý nghe ngóng. Đang bâng khuâng chợt nghe có tiếng trẻ nheo nhéo đàng sau lưng:
-“Kiếm đây, thân phụ.”
Chàng võ sĩ đạo giật mình đánh thót một cái! Có lẽ theo phản ứng tự nhiên của một võ sĩ đạo trên bước đường giang hồ, chàng đưa tay ra sau lưng tuốt thanh trường kiếm ra nhanh như điện xẹt, quay lại nhìn đàng sau đứng thủ thế. Người đàn ông lúc đó trong tay cũng cầm một thanh trường kiếm. Thấy chàng võ sĩ đạo tuốt gươm thì cũng theo phản ứng tự nhiên lanh lẹn rút kiếm ra khỏi vỏ, nhìn chàng võ sĩ đạo lên tiếng:
-Khỏi cần phải đóng kịch nữa. Mời ông bạn cứ việc ra tay!
Lặng nhìn người đàn ông vài giây, chàng võ sĩ đạo bỗng tra kiếm lại vào vỏ. Người chủ sơn trang thấy vậy hỏi:
-Các hạ định chờ đồng bọn tới để hợp lực ra tay một lượt hả?
Chàng võ sĩ đạo im lặng không đáp. Chủ sơn trang thấy vậy nói tiếp:
-Một là các hạ ra tay, còn hai là rời khỏi nơi này ngay tức khắc.
Không trả lời người chủ sơn trang trực tiếp, chàng võ sĩ đạo trầm giọng, nói:
-Xin trang chủ cất kiếm đi trước đã.
Người chủ sơn trang hỏi:
-Vì sao? Lý do gì?
-Vì tôi không thích ai cầm kiếm chĩa về phía tôi hết.
Người chủ sơn trang “hừ” một tiếng, gằn giọng, nói:
-Nếu các hạ không chịu ra tay thì mau rời khỏi chỗ này ngay. Mặc cho tôi có chĩa kiếm về phía các hạ hay không cũng có điều gì quan trọng đâu?
-Có chứ.
-Điều gì?
Chàng võ sĩ đạo lạnh lùng đáp:
-Điều tôi mong muốn là rời khỏi chỗ này hoàn toàn do lòng tự nguyện chứ không phải vì bị hăm dọa hay bị ép buộc.
Thấy mặt chàng võ sĩ đạo như có một lớp băng phủ, người chủ sơn trang hơi rùng mình chột dạ. Và nghe lời chàng ta vừa thốt, ông ta cũng phải khen thầm rằng lời nói tuy đơn giản ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy khí phách với vẻ ngang tàng. Nhìn chàng võ sĩ đạo vài giây, chẳng hiểu nghĩ sao, ông ta tra kiếm ngay vào vỏ. Chàng võ sĩ đạo thấy thế liền mỉm cười, quay lưng trở gót đi thẳng một mạch. Bóng chàng ta vừa khuất thì tiếng vó ngựa càng lúc càng nghe rõ mồn một. Chỉ trong tích tắc, hơn 20 thớt ngựa hiện ra trước mắt hai cha con người đàn ông. Trên mỗi thớt ngựa là một kỵ sĩ mang đầy vũ khí trên người, mặt ai cũng đầy sát khí trông phải kinh sợ.
-Chuyện gì vậy anh?
Từ bên trong, một người thiếu phụ rất có nhan sắc, với nước da thật trắng, tuổi cũng trên dưới 30 chạy ra đứng bên cạnh người đàn ông. Người đàn ông bảo đứa trẻ đứng sau lưng mình, còn ông ta một tay ôm thiếu phụ, hình như là vợ ông, còn tay kia nắm chặt lấy thanh trường kiếm, như chuẩn bị sẽ rút ra ứng phó bất cứ lúc nào.
Người kỵ sĩ đi đầu, một người tuổi trạc 40 ngoài, râu xồm xoàm, tướng mạo dữ dằn lớn tiếng nói:
-Sơn Điền (Yamada), ông đã nghĩ kỹ chưa?
Sơn Điền, tức người đàn ông chủ nhân của sơn trang, khẽ đẩy người phụ nữ, tức vợ ông, sơn trang đường chủ ra đàng sau, cầm ngang thanh trường kiếm quát lớn:
-Điền Trung Tấn (Tanaka Susumu)! Ông đừng bức người thái quá! Sơn Điền trang chủ này không thích bị ai dồn vào đường cùng hết. Nếu ông muốn chiếm đoạt trang trại của tôi thì chỉ có một cách duy nhất là bước qua xác chết của tôi mà thôi.
Điền Trung Tấn, người kỵ sĩ phá lên cười, giọng mỉa mai:
-Nếu tôi thật lòng muốn làm chuyện đó thì ông thử nghĩ xem có khó khăn gì không? Có tốn hơi sức gì không? Ngay cả giờ phút hiện tại, nếu tôi muốn giết ông cũng dễ như trở bàn tay.
Vợ Sơn Điền như quá sợ hãi, nói rỉ tiếng đàng sau lưng chồng vừa đủ để một mình ông ta nghe rõ:
-Thôi, anh ơi! Hãy nhường lại sơn trang cho họ đi. Mình đi nơi khác làm ăn cũng được mà. Một mình anh làm sao địch lại từng đó người? Em không sợ chết đâu, nhưng hãy nghĩ đến Hải Đẩu và tương lai của nó.
Sơn Điền nghe vợ nói mà lòng thấy ngậm ngùi, chỉ khẽ choàng tay ôm vai vợ an ủi:
-Thuận Tử (Junko), em đừng sợ! Nếu anh còn hơi thở, anh thề bảo vệ em và con đến cùng. Chúng đừng mong đụng đến chéo áo của em hay con, mà cũng đừng mong chiếm đoạt sơn trang của mình.
Điền Trung Tấn như đọc được ý nghĩ của vợ chồng Sơn Điền nên cười mai mỉa, nói như châm chọc:
-Một kiếm sĩ khi tuốt kiếm ra khỏi vỏ mà còn bận bịu vợ con thì thử hỏi đánh lại ai?
Lời nói địch nhân quả đã nói đúng tâm trạng của Sơn Điền trang chủ. Mặc dù Sơn Điền cố gắng trầm tĩnh, mang ý chí quyết tử để bảo vệ vợ con cùng sơn trang, nhưng nỗi lo lắng run sợ không sao giấu được. Không phải trang chủ lo lắng cho bản thân mình, mà đúng là lo lắng cho vợ con. Nhìn thanh kiếm trên tay Sơn Điền trang chủ hơi rung, Điền Trung Tấn cười, nói tiếp:
-Nếu ông chịu bán lại sơn trang này cho ta thì đâu có phải lo lắng đến như vậy? Vợ con ông sẽ được an toàn sống với ông, tôi còn cho người bảo vệ các người rời khỏi nơi này bình an nữa.
Đột nhiên phát hiện ra điều gì khác thường, Điền Trung Tấn bỗng nhìn Sơn Điền, lớn tiếng hỏi:
-Sơn Điền, thì ra ông mới kêu được trợ thủ tới giúp đó à? Và ông nghĩ như vậy là kế vạn toàn?
Sơn Điền cùng cả vợ con nghe nói cũng ngạc nhiên, giật mình quay lại đàng sau nhìn. Bóng chàng võ sĩ đạo hồi nãy Sơn Điền đuổi đi đang đứng phía đàng sau từ lúc nào, cách ông ta và vợ con chỉ độ vài thước. Không thèm để ý tới Sơn Điền, Điền Trung Tấn hất hàm nhìn chàng võ sĩ đạo hỏi:
-Anh là ai?
Chàng võ sĩ đạo lạnh lùng đáp gọn:
-Bạn của Sơn Điền.
Nhìn cặp mắt có thần sáng như điện và sắc diện chàng võ sĩ đạo, Điền Trung Tấn trông thấy đầy sát khí hiện lên khiến trực giác của lão ta báo rõ cho biết là không nên đùa với người này, vì chắc y không phải là tay vừa. Với lại lão cũng không rõ ngoài chàng võ sĩ đạo này ra còn ai phục kích ngầm bên trong hay chung quanh nữa không. Chàng võ sĩ đạo đảo mắt nhìn quanh, ngắm nhìn chằm chặp vào từng kỵ sĩ một, như có vẻ trêu ngươi, thách thức, sẵn sàng so tài với bất cứ người nào hoặc cả bọn. Đám kỵ sĩ ai nấy đều tay nắm chặt lấy vũ khí, như đang chờ đợi Điền Trung Tấn, người thủ lãnh của họ ra lệnh.
Suy nghĩ vài giây, Điền Trung Tấn quay qua Sơn Điền nói lớn:
-Ông Sơn Điền! Thời gian chẳng còn nhiều nữa. Lòng kiên nhẫn của tôi chỉ có mức giới hạn nào đó thôi. Nay tôi gia hạn cho ông thêm đúng một tháng nữa để quyết định mà giải quyết chuyện này bằng một cách êm đẹp. Cứ tin đi, tôi sẽ trở lại đây sau đúng một tháng. Lúc đó nếu ông vẫn còn ngoan cố thì đừng trách tôi cạn tình cạn nghĩa. Tiên lễ, hậu binh. Phần lễ tôi đã dùng quá nhiều rồi!
Dứt lời, y quay sang đám bộ hạ ra lệnh:
-Chúng ta đi thôi.
Tiếng vó ngựa dập dồn vang rền khiến bụi bay lên mịt mù tứ phía. Chỉ lát sau, trang trại của Sơn Điền lại trở nên yên tĩnh như trước. Chàng võ sĩ đạo lúc bấy giờ mới từ từ quay lưng cất bước. Thuận Tử đưa mắt nhìn chàng võ sĩ đạo, sau đó lại nhìn chồng như ý muốn nói một điều gì. Sơn Điền nhìn ánh mắt vợ, hiểu ý liền gật đầu, chạy theo chàng võ sĩ đạo lớn tiếng gọi:
-Tráng sĩ! Xin dừng bước.
Chàng võ sĩ đạo nghe gọi liền dừng chân, quay gót lại. Sơn Điền bước tới, giọng ôn tồn:
-Đại diện cho Sơn Điền Gia Trang, tôi xin muôn vàn cảm tạ tráng sĩ, và cũng mong tráng sĩ bỏ qua lỗi lầm cho tôi lúc nãy. Những lời của một kẻ có mắt không tròng như tôi nói khi nãy xin cho tôi được rút lại tất cả. Khi nãy tôi nghi ngờ tráng sĩ là đồng bọn của tên Điền Trung Tấn kia tới thanh toán tôi cho nên tôi mới trót đắc tội với tráng sĩ. Sự thật thì tráng sĩ đã cứu gia đình chúng tôi qua cơn nguy thật hiểm nghèo đó!
Bước tới gần hơn, giọng Sơn Điền thân mật:
-Tôi tên Anh Minh (Hideaki), họ Sơn Điền (Yamada). Vợ tôi là Thuận Tử (Junko), còn con tôi là Hải Đẩu (Kaito). Chẳng hay cao danh quý tánh tráng sĩ là gì?
Người võ sĩ đạo khẽ gập mình thi lễ, từ tốn đáp:
-Xin trang chủ cứ gọi tôi là Sơn Bản Nhất Lang (Yamamoto Ichiro).
-Hay lắm! Hân hạnh được biết Sơn Bản tráng sĩ. Xin mời vào nhà dùng chén rượu sake với tôi, và dùng bữa tối chung với gia đình tôi.
Thấy Sơn Bản Nhất Lang có vẻ lưỡng lự, Sơn Điền Anh Minh cười, hỏi:
-Hy vọng Sơn Bản tráng sĩ không còn giận tôi chứ?
Thấy vậy, Sơn Bản Nhất Lang liền chắp tay, nói:
-Cung kính bất như tuân mệnh. Xin tuân lời Sơn Điền trang chủ.
***
Bữa ăn chiều thật vui vẻ. Thuận Tử chỉ huy đám gia nhân nấu nhiều món thật ngon theo lời chồng dặn để đãi khách. Cả chủ lẫn khách vừa ăn uống, vừa nhâm nhi rượu sake, chuyện trò thật vui vẻ. Sơn Điền Anh Minh thật tình kể hết mọi chuyện cho Sơn Bản Nhất Lang nghe. Gia đình ông ta đến chốn này lập nghiệp đã trên 10 năm kể từ lúc đứa con trai Hải Đẩu chào đời chưa được bao lâu. Nhờ vào sự cần cù làm việc, hai người đã tạo dựng lên được một sự nghiệp đồ sộ, làm chủ một sơn trang khá lớn, trồng hoa, trồng rau, cũng như trồng cây ăn trái để buôn bán sinh sống. Họ trở nên thật khá giả, sau một thời gian đã mướn được một số người về giúp việc để có thì giờ dành cho con cũng như vui hưởng cuộc đời chút đỉnh. Mọi chuyện đang êm xuôi, gia đình sống đang hạnh phúc thì một hôm bỗng đâu xuất hiện một người tên Điền Trung Tấn dẫn bè đảng tới vài trăm người tới không hiểu định làm ăn gì tại thị trấn kế bên, bỏ tiền ra mua gần cả nửa thị trấn, đồng thời ngỏ ý muốn mua lại trang trại của Sơn Điền Anh Minh cho tiện việc kinh doanh. Sơn Điền Anh Minh đương nhiên từ chối. Điền Trung Tấn đời nào chịu bỏ qua nên sau đó cho người đến phá Sơn Điền Gia Trang, không ngừng gây khủng bố tinh thần cho mọi người ngày này qua ngày nọ. Và mới gần đây, Điền Trung Tấn cho người mang thư đến, buộc Sơn Điền Anh Minh phải chịu nhượng bán lại trang trại cho y trong vòng một tháng, nếu không y sẽ cho người tới đốt phá gia trang, giết không chừa một con gà hay con chó cũng như không chừa lại một ngọn cỏ. Tình cờ Sơn Bản Nhất Lang đi ngang qua đúng vào thời kỳ Điền Trung Tấn gia hạn Sơn Điền Anh Minh phải trả lời. Sự có mặt của Sơn Bản Nhất Lang vô tình lại cứu ngay được cho Sơn Điền Gia Trang.
Sơn Bản Nhất Lang cũng cho biết chàng ta hiện là một lãng nhân (#1), giang hồ nay đây mai đó không nhất định mặc dù muốn tìm một chỗ ẩn cư để rửa tay gác kiếm. Trước kia, chàng là một võ sĩ đạo Samurai, phục vụ dưới trướng của tướng Đảo Tân Nghĩa Hoằng (Shimayu Yoshihiro), đã trải qua không biết bao nhiêu là trận mạc, lập được ít nhiều chiến công. Bị người ghen tức cáo gian là toan phản bội chủ để đi đầu chủ khác khiến chủ nghi ngờ, chàng ta buồn rầu tự ý bỏ đi chứ chẳng thèm biện bạch làm gì, mặc dù chủ cũng chưa lên tiếng đuổi hay có ý diệt trừ. Tứ cố vô thân, Sơn Bản Nhất Lang nay đây mai đó, sống lang thang bằng số tiền để dành được, thỉnh thoảng trên cuộc hành trình ghé lại mấy ngôi chùa xin tá túc qua đêm. Rồi cũng trên đuờng giang hồ hôm nay tình cờ đi qua chốn này, và vì khát nước nên ghé lại Sơn Điền Gia Trang xin giải khát nên có cơ hội chứng kiến mọi việc xảy ra nơi đây.
Sơn Điền Anh Minh lên tiếng:
-Hay là Sơn Bản tráng sĩ ở lại đây với chúng ta mà lập nghiệp. Nơi đây không xa thị trấn bao nhiêu, nhưng yên tĩnh, không phức tạp. Có khó khăn cùng chăng là lão Điền Trung Tấn kia. Nhưng tôi bảo đảm tráng sĩ không sao cả. Tôi có đủ người, đủ lực lượng để bảo vệ sơn trang, đồng thời cũng quen bạn bè trên thị trấn khá nhiều, họ sẽ giúp tôi chống lại lão Điền Trung Tấn đến cùng. Hơn nữa, tôi cũng quen thân với quan phủ trên thị trấn, sẽ nhờ ông ta dùng đến quân đội mà can thiệp nếu cần. Tráng sĩ ở lại đây lập nghiệp chứ không phải đụng gì đến đao kiếm đâu. Tôi không hề có ý giữ tráng sĩ ở đây để giúp sức chống với lão Điền Trung Tấn, mà trái lại, còn xin bảo đảm lấy sự an nguy của tráng sĩ tại nơi này nữa.
Nhâm nhi một ngụm sake, Sơn Điền Anh Minh tiếp:
-Hôm nay tôi bất cẩn, không ngờ Điền Trung Tấn kéo bè đảng tới đông và sớm như vậy nên thiếu chuẩn bị. Tôi tưởng mai hắn mới đến nên thiếu phòng vệ, may nhờ sự có mặt của Sơn Bản tráng sĩ khiến hắn khá kinh hãi, nghi chúng ta chuẩn bị chu đáo, phục kích ngầm chúng.
Sơn Bản Nhất Lang cười nhạt:
-Nếu tôi quyết định ở lại đây thì tôi chẳng ngại bất cứ điều gì cả.
-Tráng sĩ đồng ý chứ?
Suy nghĩ một lúc, Sơn Bản Nhất Lang thở dài đáp:
-Tôi còn chỗ nào để đi nữa? Nay được Sơn Điền trang chủ thương tình ban cho chỗ dung thân thì còn gì bằng nữa.
Sơn Điền Anh Minh gật đầu, nói:
-Như vậy tốt lắm. Vậy ngay từ phút này trở đi, tráng sĩ là người của Sơn Điền Gia Trang. Ngày mai các gia nhân của tôi sẽ trở về sau khi giao hàng xong, đồng thời bằng hữu giúp tôi đối đầu với Điền Trung Tấn cũng sẽ tới đây, để tôi giới thiệu tất cả với tráng sĩ. Và xin tráng sĩ nhớ kỹ, đừng có lo gì cả. Họ dư sức bảo vệ tráng sĩ cũng như bảo vệ được sơn trang này. Mong tráng sĩ ở đây lo an cư lập nghiệp thôi, đừng dính vào chuyện ân oán giang hồ làm gì cả. Nếu có chuyện gì cứ cho tôi hay. Nếu có bị người của Điền Trung Tấn làm phiền, thấy nhịn được gì thì cứ nhịn là tốt nhất.
Chú thích:
(#1) Lãng nhân: một võ sĩ đạo Samurai vô chủ, tứ cố vô thân được gọi là “lãng nhân”.
_____________
TRANG HIỆP KHÁCH
Chương 2:
Sau khi giới thiệu Sơn Bản Nhất Lang cùng mọi người xong, Sơn Điền Anh Minh kể lại biến cố hôm trước, nhờ chàng cứu mạng cho mình và vợ con ra sao cho tất cả gia nhân cùng các vệ sĩ nghe. Kể chuyện xong, trang chủ trịnh trọng nói:
-Chúng ta tất cả là người nhà. Từ đây xin tất cả các anh em hãy bảo vệ Sơn Bản tráng sĩ tối đa để tráng sĩ có thể an cư lạc nghiệp ở đây với chúng ta. Tiên Điền Hùng Đại (Maeda Yuudai) dẫn theo vài anh em cùng với tôi và Sơn Bản tráng sĩ lên thị trấn mua ít đồ dùng cần thiết, còn Đức Xuyên Thắng (Tokugawa Katsu) cùng Lâm Cát Lang (Hayashi Kichiro) ở nhà chỉ huy tất cả canh giữ, đề phòng bất trắc.
Sau khi trang chủ Sơn Điền Anh Minh cùng với Sơn Bản Nhất Lang đi rồi, Đức Xuyên Thắng cùng Lâm Cát Lang theo lệnh trang chủ phân chia công tác, trách nhiệm, cắt đặt người trông nom các cửa ngõ, vườn trước vườn sau cũng như trong rừng trái cây… Nếu có gì bất trắc thì vào báo cho hai người ở đại sảnh ngay tức khắc.
Đức Xuyên Thắng cùng với Lâm Cát Lang sau đó ngồi dùng trà đàm đạo với nhau. Bàn chuyện được một lúc, Đức Xuyên Thắng như nhớ ra điều gì bỗng “hừ” giọng mũi một tiếng, nói:
-Tôi thấy hình như trang chủ có vẻ sủng ái tên Sơn Bản Nhất Lang này lắm đó. Coi chừng trang chủ nhìn lầm người thôi! Hôm qua, sở dĩ Điền Trung Tấn rút lui là vì y nghi ngờ có phục binh, với lại y nơm nớp sợ không biết tôi với anh quay lại lúc nào đó thôi, chứ tên Sơn Bản Nhất Lang kia có oai gì hay bảnh lãnh gì cho hắn sợ mà trang chủ tâng bốc, trọng đãi y như thế? Bất quá hắn cũng chỉ là một tên “lãng nhân” thôi chứ có gì đặc biệt đâu chứ!
Lâm Cát Lang thấy vậy, lắc đầu, nói:
-Dù là thế nào thì Sơn Bản Nhất Lang cũng đã cứu mạng trang chủ, đường chủ và thiếu chủ. Với lại, trang chủ có bạc đãi anh đâu? Và theo lời trang chủ thì Sơn Bản Nhất Lang muốn rửa tay gác kiếm, đâu có ý định tranh giành gì với anh đâu mà anh phải hậm hực như thế chứ?
Đức Xuyên Thắng tuốt kiếm khỏi vỏ, múa vài đường biểu diễn, nói:
-Sơn Bản Nhất Lang cũng đã thi thố được chút tài năng gì đâu chứ? Trên đời thiếu gì kẻ lập nên sự nghiệp nhờ đầu môi chót lưỡi hay chỉ vì một phút dùng chút đảm lược đúng lúc, đúng chỗ. Có lẽ vì thế nên hắn mới được trang chủ tin cậy và cũng vì biết thân biết rõ thân phận mình là thứ “hữu danh vô thực” nên mượn cớ mà bảo là “rửa tay gác kiếm” để giữ được chút danh tiếng. Tôi còn lạ gì những hạng người này.
Lâm Cát Lang thở dài:
-Điều đó tôi không cần biết, mà anh cũng chẳng nên bận tâm làm gì. Ai lại không biết Đức Xuyên Thắng là đệ nhất kiếm sĩ của Sơn Điền Gia Trang, chứ? Sơn Bản Nhất Lang cần sự bảo vệ của chúng ta theo lời trang chủ, chứng tỏ hắn không có ý định tranh nồi cơm với anh, hay danh phận “Sơn Điền Gia Trang Đệ Nhất Kiếm Thủ” để làm gì. Anh ăn cơm, lãnh lương của chủ nhân thì cứ làm theo ý chủ nhân thôi, chứ đừng lo mà “vạch lá tìm sâu” hoài làm gì. Cừu địch chúng ta phải đối phó là Điền Trung Tấn chứ không phải Sơn Bản Nhất Lang. Anh phân biệt bạn thù sai rồi đó!
Đức Xuyên Thắng lộ vẻ giận dữ, nói:
-Thật không ngờ anh cũng bênh vực cái thứ “ký sinh trùng” đó!
Lâm Cát Lang nghe nói cũng cảm thấy bị chạm tự ái ít nhiều, lớn tiếng:
-Tôi nói lại thêm một lần nữa là anh ăn lộc chủ thì cứ theo lệnh của chủ mà làm, đừng thắc mắc gì cả. Cái tinh thần võ sĩ đạo của anh để đâu?
Đôi bên lời qua tiếng lại, chẳng ai chịu nhường ai. Chợt bên ngoài có gia nhân chạy vào báo tin:
-Thưa nhị vị tiên sinh, có mấy bộ hạ của Điền Trung Tấn tới phá tại vườn hoa, gây sự với chúng ta kìa.
Cả Đức Xuyên Thắng lẫn Lâm Cát Lang đều đứng phắt dậy, ngừng cãi vả, cất tiếng cùng hỏi một lượt:
-Chúng có bao nhiêu đứa?
Gia nhân đáp:
-Tất cả 6 đứa.
Đức Xuyên Thắng cùng Lâm Cát Lang không ai bảo ai, cùng nhau chạy lẹ ra bên ngoài. Đúng như gia nhân đã thông báo, một nhóm người 6 mạng, 4 gã thì đang bứt hoa thả bừa bãi khắp nơi, còn 2 gã đứng khoanh tay cười đắc ý. Đức Xuyên Thắng trông thấy cả giận quát lớn:
-Lũ người kia! Chúng bây dám thừa lệnh của Điền Trung Tấn tới đây phá hại tài sản của Sơn Điền trang chủ chúng ta à?
Một tên đứng khoanh tay cười khinh khi:
-Trước sau gì chỗ này cũng thuộc về Điền Trung bang chủ nên chúng ta tới để dọn dẹp trước hộ các người phần nào thôi. Đáng lý ra các người phải nên cám ơn chúng ta mà trả chúng ta một ít thù lao mới là biết điều đó.
Cả Đức Xuyên Thắng cũng như Lâm Cát Lang, sau khi nghe những lời lẽ đó đều không sao chịu được. Đức Xuyên Thắng đưa mắt nhìn Lâm Cát Lang khẽ gật đầu một cái. Lâm Cát Lang tiếp nhận thị quan xong liền tuốt kiếm nhảy tới chỗ 4 tên đang bứt hoa rải bừa bãi, nói:
-Chúng bây khôn hồn thì dọn dẹp cho sạch sẽ, bỏ tiền ra đền mọi phí tổn cho sự phá hại của chúng bây không thì ta đem tính mạng của cả đám mà trừ bớt nợ đó.
Đám bộ hạ của Điền Trung Tấn cả 4 tên phá lên cười khinh khi ngạo nghễ như chẳng xem lời nói kia ra gì. Chỉ thấy bóng Lâm Cát Lang lấp loáng một cái, khẽ vung một đường gươm thật nhẹ nhàng. Một trong 4 gã chỉ kịp “Á” lên một tiếng rồi cả thân đổ xuống đất như một thân cây bị đốn ngã. Nơi cổ gã rỉ ra một giòng máu. Tất cả trước sau chỉ xảy ra trong vòng thời gian một cái chớp mắt.
Ba tên còn lại kinh hãi, ấp úng, hỏi:
-Ngươi… Đức Xuyên Thắng?...
Lâm Cát Lang cầm ngang kiếm, đáp:
-Ta, Lâm Cát Lang! Cắt cổ mấy con gà cần gì phải dùng tới dao mổ trâu!
Hai người phe Điền Trung Tấn bên kia nhìn Đức Xuyên Thắng, hỏi:
-Vậy thì chính ngươi là…
Đức Xuyên Thắng gật đầu, cười giọng mũi:
-Đức Xuyên Thắng!
Vừa báo xong tên họ, Đức Xuyên Thắng khẽ tung mình một cái. Ánh kiếm lóe lên, hai thân người ngã xuống đất một lượt ngay sau đó. Nhóm người 6 mạng không đầy nửa phút đã vơi đi một nửa. Ba gã còn lại chưa kịp rút kiếm thì Đức Xuyên Thắng đã nhanh như chớp phi thân tới. Ánh kiếm lại lóe lên, và cả 3 cũng chỉ kêu lên một tiếng gục xuống đất tắt thở chết tốt. Yết hầu tên nào cũng rỉ máu, mắt vẫn mở thao láo như sững sờ, không ngờ sự việc xảy ra quá mau lẹ như vậy.
Đức Xuyên Thắng tung gươm múa vài vòng mới chịu tra vào vỏ, đắc ý, kiêu hãnh nói:
-Một tên đến là một tên chết, 10 tên đến thì 10 tên chết, mà 100 tên đến thì cũng đủ 100 tên chết! Chỉ tiếc hôm qua chúng ta không có ở đây để diệt trừ đám Điền Trung Tấn một lần cho xong.
Lâm Cát Lang gật đầu khen, nhưng cũng khuyên rằng:
-Tài nghệ kiếm pháp của anh quả thặt đã đến mức siêu phàm. Nhưng anh nên nhớ kỹ, “thiên ngoại hữu thiên, nhân thượng hữu nhân”. Tính tự cao tự đại là kẻ thù của thành công.
Đức Xuyên Thắng cười khẩy:
-Chừng nào gặp cao nhân sẽ hay. Chỉ cần biết mãi cho tới nay, kiếm ta chưa từng nhượng ai một thế.
Sau đó Đức Xuyên Thắng cùng với Lâm Cát Lang sai gia nhân dọn dẹp vườn hoa sạch sẽ, đem 6 tử thi thuê xe thồ đẩy vào thị trấn, giao cho Điền Trung Tấn. Trước khi bỏ xác 6 tử thi lên xe thồ, Đức Xuyên Thắng ra lệnh lục soát trong túi, trong người, lấy tất cả tiền bạc và đồ quý giá. Lâm Cát Lang tỏ vẻ không bằng lòng, nói:
-Anh làm thế không nên. Chúng ta cần gì phải như vậy chứ? Nếu trang chủ biết được việc này ắt chẳng vui chút nào.
Đức Xuyên Thắng giả lã:
-Chúng phá phách thế này ít nhiều cũng thiệt hại cho chủ ta. Phải vét sạch túi chúng để bù lại chứ.
Nghe Đức Xuyên Thắng nói vậy, Lâm Cát Lang cũng cảm thấy có phần nào chí lý nên đành im lặng chẳng nói thêm được lời nào. Lúc đó gia nhân lại vào báo:
-Thưa nhị vị tiên sinh, Mộc Thôn Thanh (Kimura Haru) tiên sinh mới về tới.
Tên gia nhân vừa dứt lời thì từ bên ngoài đi vào một người trạc tuổi Đức Xuyên Thắng và Lâm Cát Lang, gương mặt trông sáng sủa, lộ vẻ thông minh đĩnh ngộ, nhưng cũng không thiếu vẻ kiêu hùng. Vừa trông thấy mặt Mộc Thôn Thanh, Đức Xuyên Thắng đã lớn tiếng chất vấn:
-Mộc Thôn Thanh! Hôm qua lý ra anh phải dẫn anh em về sớm để bảo vệ cho trang chủ mà lại biến đi đâu vậy? Xuýt nữa trang chủ bị hại dưới tay Điền Trung Tấn, anh có hay biết hay không?
Mộc Thôn Thanh điềm tĩnh trả lời:
-Anh nên nhớ tôi cũng mang một trọng trách bên mình. Quan phủ bảo phải đợi mà nếu tôi bỏ về ngay thì làm sao? Vào anh anh sẽ làm gì nếu không hoàn thành trọng trách chủ nhân giao phó? Chủ nhân chúng ta là người nhân từ, nếu như làm việc cho một lãnh chúa bình thường thì không hoàn thành trách nhiệm thì anh phải xử sự ra sao?
Đức Xuyên Thắng nói như hét:
-Tôi không cần biết chuyện quan trọng đến đâu, có liên quan đến quan phủ hay lãnh chúa, cho đến ngay cả hoàng đế! Còn điều gì quan trọng hơn sự an nguy của trang chủ chúng ta? Tôi và Lâm Cát Lang về không kịp đã đành, nhưng anh thì không có lý do gì để bào chữa cả.
Lâm Cát Lang đứng ra cố gắng dung hòa đôi bên cho bớt sự căng thẳng:
-Thôi, chuyện đã qua đừng nhắc lại nữa. Chuyện đáng mừng là trang chủ được Sơn Bản Nhất Lang vung kiếm tương trợ nên được bình an vô sự.
Đức Xuyên Thăng nghe tới tên Sơn Bản Nhất Lang thì không sao chịu được, hậm hực:
-Lại Sơn Bản Nhất Lang! Làm ơn đừng có nhắc tới cái tên đó trước mặt tôi có được không?
Lâm Cát Lang giả vờ như chẳng nghe thấy, đem chuyện xảy ra ngày hôm qua kể lại một mạch cho Mộc Thôn Thanh nghe. Nghe xong chuyện, Mộc Thôn Thanh chống cầm suy nghĩ một hồi, nói:
-Nếu là như vậy thì hành tung tên Sơn Bản Nhất Lang này ắt không phải đơn giản hay tầm thường. Theo tôi nghĩ, chắc Điền Trung Tấn nhận ra hắn, biết được sự lợi hại của hắn nên mới tạm thời né tránh đụng độ.
Lâm Cát Lang tiếp lời:
-Mộc Thôn Thanh huynh nói phải lắm. Nghe kể trước đây Sơn Bản Nhất Lang phục vụ dưới trướng lãnh chúa Đảo Tân Nghĩa Hoằng thì bản lãnh y dĩ nhiên không phải tầm thường rồi. Cũng may, người này không phải là thù địch của chúng ta.
Đức Xuyên Thắng phá lên cười, nói:
-Điều này là chưa chắc. Biết đâu đó chỉ là khổ nhục kế, chính tên Sơn Bản Nhất Lang là người của Điền Trung Tấn, giả vờ theo trang chủ của chúng ta, rình cơ hội hãm hại để hoàn thành sứ mệnh của lão ta. Với lại, mặc cho hắn có lợi hại đến đâu, Đức Xuyên Thắng này há sợ?
Mộc Thôn Thanh gật đầu khen, nói:
-Đức Xuyên Thắng huynh nói như thế không phải là vô lý chút nào đâu. Chúng ta cũng cần phải đề phòng, đừng quá cả tin vào Sơn Bản Nhất Lang để có ngày bị đâm lưng chết bất tử thì oan uổn đến cỡ nào! Chẳng thà là cứ nghi oan trước còn hơn là tin lầm.
Đức Xuyên Thắng cười, đắc ý nói:
-Mộc Thôn huynh quả nhiên có tầm mắt nhìn xa hiểu rộng vô cùng. Chúng ta ăn lộc chủ thì đương nhiên phải nghĩ đến mọi an nguy cho chủ rồi. Đề phòng mọi bất trắc xảy ra vẫn là hơn cả.
Lâm Cát Lang thì lắc đầu, nói:
-Anh lúc nào cũng chủ quan. Đừng quá tin vào bản lãnh của mình mà có ngày hối hận đó!
***
Cúi đầu gập mình trước Sơn Điền Anh Minh, Mộc Thôn Thanh như nói lời tạ tội với vẻ áy náy:
-Mộc Thôn Thanh không về kịp, không chu toàn trách nhiệm bảo vệ trang chủ, thật đáng tội, không xứng đáng với lòng tin cậy của chủ nhân chút nào.
Sơn Điền Anh Minh chờ cho Mộc Thôn Thanh ngẳng đầu lên bình thân rồi thong thả nói:
-Không sao, Mộc Thôn tráng sĩ đừng bận tâm. Việc đó là ngoài ý muốn, hơn nữa tráng sĩ đang mang bên mình một trọng trách, việc chưa xong làm sao về kịp. Ngay cả tướng ngoài mặt trận nhiều khi phải liệu vào tình hình mà ngộ biến tòng quyền thôi. Mời Mộc Thôn tráng sĩ an tọa.
Mộc Thôn Thanh ngồi xuống. Sơn Điền Anh Minh sai gia nhân dọn cỗ đãi. Sau vài tuần sake, trang chủ mới lên tiếng hỏi:
-Chuyến đi của tráng sĩ ra sao? Có tin tức gì khả quan không?
Mộc Thôn Thanh đáp:
-Tôi đã theo lời trang chủ đến gặp Thanh Thủy Sơn Trang trao thư của trang chủ. Nhưng Thanh Thủy (Shimizu) tiên sinh không có mặt ở nhà nên đành trao cho gia nhân, nhờ nhắn lại. Còn quan phủ thì bắt tôi phải chờ mấy ngày liên tiếp mới cho diện kiến làm trễ nãi hết mọi việc khiến tôi về không kịp để bảo vệ trang chủ, đường chủ cùng thiếu chủ.
Sơn Điền Anh Minh lắc đầu, gạt đi:
-Đã nói Mộc Thôn tráng sĩ đừng bận tâm mà. Chuyện đã qua rồi, hơn nữa tôi bình an vô sự mà. Hãy cho tôi biết việc tiếp xúc với quan phủ thế nào.
Mộc Thôn Thanh đáp:
-Gặp quan phủ, tôi thẳng thắn kể lại tất cả những gì xảy ra ở đây trong những tháng qua sau khi trình lên thư của trang chủ. Ông ta xem xong, có nói rằng trang chủ đừng có lo, có chuyện gì cứ cho ông ta hay, ông ta sẽ can thiệp bằng võ lực nếu cần.
Sơn Điền Anh Minh nở nụ cười, tỏ vẻ hài lòng:
-Có vậy mới được chứ! Quan phủ là bạn cũ thân tình lâu đời giả sử mà hờ hững thì còn nói đến chuyện tình nghĩa gì! Mộc Thôn tráng sĩ làm việc được lắm. Tôi yên tâm rồi.
Lúc đó Bản Điền Nhất Lang bước vào, cúi chào Sơn Điền Anh Minh. Thấy Mộc Thôn Thanh, chàng cũng theo phép lịch sự gập mình chào ra mắt. Sơn Điền Anh Minh chỉ Mộc Thôn Thanh, giới thiệu:
-Đây là Mộc Thôn Thanh, là một kiếm sĩ trong nhóm “Tam Kiệt” của Sơn Điền Gia Trang chúng ta, cùng với Đức Xuyên Thắng và Lâm Cát Lang. Nói về tài nghệ, Mộc Thôn tráng sĩ đây còn trên cả Lâm Cát Lang, cùng lắm chỉ nhượng bộ Đức Xuyên Thắng chút đỉnh mà thôi. Nhưng nếu nói về ngoại giao và mưu trí thì hai người kia không thể nào sánh nổi với Mộc Thôn tráng sĩ. Có thể nói, đây vừa là cái lưỡi, vừa là bộ óc của tôi đó.
Mộc Thôn Thanh khiêm tốn, nói:
-Trang chủ đã quá coi trọng tôi rồi.
Sơn Điền Anh Minh lại nhìn Sơn Bản Nhất Lang, quay qua giới thiệu với Mộc Thôn Thanh:
-Còn đây là Sơn Bản Nhất Lang tráng sĩ, người đã cứu tôi và vợ con tôi ngày hôm qua. Điền Trung Tấn và bè đảng thấy Sơn Bản tráng sĩ đây là phải nể sợ mà cúp đuôi chạy như con chó. Chúng ta thật sự nhờ oai của Sơn Bản tráng sĩ mà còn giữ được sơn trang toàn vẹn cho tới hôm nay đó.
Sơn Bản Nhất Lang cúi đầu:
-Nhất Lang không dám, thưa trang chủ.
Mộc Thôn Thanh cười với vẻ thân thiện:
-Sơn Bản tiên sinh bất tất phải khiêm nhường. Tôi có được nghe Đức Xuyên Thắng cùng Lâm Cát Lang kể qua khi nãy. Người khiến cho Điền Trung Tấn phải gườm mà lui bước cùng với số bộ hạ đông dảo như vậy ắt không phải là tầm thường. Thật trên thế gian này không thiếu gì “ngọa long tàng hổ” (#1). Xin bái phục Sơn Bản tiên sinh, và hân hạnh được gặp. Sơn Bản tiên sinh bảo vệ được trang chủ tức là chẳng khác nào bảo vệ chúng tôi vậy, vì có trang chủ thì mới có chúng tôi. Từ nay tráng sĩ cứ yên tâm mà an cư lạc nghiệp. Mọi chuyện khác, nếu cần phải đối đầu với cường địch đã có anh em chúng tôi lo.
Sơn Điền Anh Minh thấy thế mỉm cười, gật đầu thỏa mãn. Trang chủ nhìn Mộc Thôn Thanh nhắn nhủ:
-Mộc Thôn tráng sĩ nhớ theo dõi cập nhật chuyện Thanh Thủy tiên sinh thế nào hộ tôi nhé. Nếu Thanh Thủy tiên sinh chịu giúp một tay thì chúng ta như hùm thêm vây vậy, còn lo gì Điền Trung Tấn. Ông ta là người hơi khó tính, nhưng tình nghĩa lắm, không đứng yên bàng quan trước những nỗi bất bình đâu.
Đi qua đi lại trong phòng một hồi, Sơn Điền Anh Minh nói bằng một giọng lo âu:
-Chúng ta vừa giết thủ hạ của Điền Trung Tấn, tất nhiên lão sẽ không bỏ qua đâu. Trước sau gì y cũng tìm cách trả thù thôi. Trận chiến thật sự mới chỉ bắt đầu! Con đường chúng ta phải đi còn biết bao nhiêu là chông gai!
Chú thích:
(#1) Ngọa long tàng hổ: rồng nằm hổ phục.
________
TRANG HIỆP KHÁCH
Chương 3:
Hai tuần trôi qua. Thời gian hai tuần thật ngắn ngủi nhưng đem lại cho Sơn Bản Nhất Lang không biết bao nhiêu là niềm vui, làm chàng cảm thấy tâm được bình an vô cùng. Và cũng trong thời gian này, chàng đã làm quen và chiếm được cảm tình của hầu hết mọi người tại Sơn Điền Gia Trang. Mọi việc trong sơn trang, chàng đều cáng đáng, sẵn sàng giúp mọi người, từ việc nặng tới việc nhẹ. Nào là tưới cây tưới hoa, cho tới bổ củi, khuân vác đồ chứa vào kho chàng cũng chẳng từ nan.
Hải Đẩu, đứa con trai của Sơn Điền Anh Minh rất thích Sơn Bản Nhất Lang. Nó hay tới chàng đùa giỡn, hỏi chuyện, đôi khi còn đòi chàng kể chuyện cuộc đời làm võ sĩ đạo của chàng cho nó nghe. Hải Đẩu hỏi tới đâu, Sơn Bản Nhất Lang đáp tới đó, và bao giờ nó cũng hài lòng với những câu giải đáp của chàng. Không những thế, những bài học ở trường của Hải Đẩu nó cũng đem ra hỏi Sơn Bản Nhất Lang. Chàng chỉ bảo tận tình, còn dạy Hải Đẩu từ nghệ thuật viết bút lông cho đến cách làm những vần thơ Hài-Cú (#1) nữa. Những điều học được từ Sơn Bản Nhất Lang, Hải Đẩu đem ra trường chia sẻ với thầy giáo và bạn bè, và ai nấy đều thán phục Hải Đẩu, cho nó là một thần đồng. Thấy vậy, Hải Đẩu lại càng quý, càng thương mến Sơn Bản Nhất Lang.
Thấy Hải Đẩu cũng yêu chuộng võ thuật muốn học hỏi, nuôi mộng một ngày nào đó sẽ trở thành một võ sĩ đạo phục vụ dưới trướng một minh chủ, Sơn Bản Nhất Lang cũng chiều chuộng từ từ truyền thụ võ nghệ cho nó những khi rảnh rỗi. Sơn Bản Nhất Lang tự tay đẽo hai thanh kiếm bằng gỗ, một thanh cho Hải Đẩu vừa chơi vừa tập luyện, còn một thanh chàng dùng để sử dụng khi dạy Hải Đẩu kiếm pháp.
Hôm đó, Sơn Bản đang dạy cho Hải Đẩu vài chiêu thật khó khiến nó tập đi tập lại hoài mà vẫn chưa được. Hải Đẩu nhiều lúc bực bội đến mặt mày bí xị, quăng cả kiếm như nản chí không muốn tập nữa. Sơn Bản Nhất Lang điềm tĩnh nhặt thanh kiếm gỗ đưa cho nó, khuyên:
-Cháu đừng có nóng giận. Sự phẫn nộ và sự vội vã là thuộc về những điều tối kỵ của một người học võ nói riêng, và của một người sống trên đời nói chung. Nếu việc gì cũng dễ dàng học được thì ai cũng thành công hết rồi, và đâu còn ai được gọi là “người tài” nữa.
Câu dạy dỗ thật đơn giản và ngắn gọn nhưng quả nhiên rất hữu hiệu. Hải Đẩu vốn là đứa trẻ thông minh, nghe nói liền giác ngộ ngay, đưa tay nhận kiếm, cúi đầu cám ơn và xin lỗi Sơn Bản Nhất Lang.
-Thôi, hai thầy trò hãy tạm dừng tay nghỉ giải lao, ăn bánh uống trà đã.”
Sơn Bản Nhất Lang cùng Hải Đẩu quay lại thì thấy Thuận Tử, mẹ Hải Đẩu đang mỉm cười, tay cầm mâm trà bánh đặt trên phản. Tiến lại gần phía hai người, Thuận Tử nhìn Hải Đẩu nói:
-Con ngoan, hãy nghe lời mẹ, mau bái Sơn Bản thúc thúc làm sư phụ đi.
Hải Đẩu nghe nói mừng rỡ vô cùng. Đây là điều nó vẫn hằng mong muốn, cầu mà chưa được, nay được mẹ nó toàn thành cho như vậy thì còn gì hơn, thật quá đúng ý nó. Hải Đẩu cúi mình phục thân bắt đầu lạy Sơn Bản Nhất Lang theo đúng nghĩa thầy trò.
Sơn Bản Nhất Lang thấy vậy cuống lên, nói:
-Đừng, Hải Đẩu! Chú chỉ là kẻ tùy tùng gia nhân, là bề dưới của thân phụ và thân mẫu cháu thôi. Cháu làm vậy thật không nên.
Thuận Tử bỗng nghiêm giọng, nói:
-Sơn Bản tráng sĩ hãy để cho cháu nó làm đúng bổn phận đệ tử xem nào. Chẳng lẽ tráng sĩ thấy Hải Đẩu quá ngu dốt không đáng để tráng sĩ thu nhận làm đồ đệ hay sao?
Sơn Bản Nhất Lang nghe nói im lặng không dám lên tiếng. Thuận Tử, tức đường chủ của Sơn Điền Gia Trang bảo con trai tiếp tục hành lễ ra mắt sư phụ Sơn Bản Nhất Lang. Hải Đẩu làm xong lễ ra mắt sư phụ, Thuận Tử dịu dàng, nói:
-Con tập thử một mình đi, để mẹ nói chuyện với Sơn Bản sư phụ một lát.
Hải Đẩu vâng lời, ra tập võ một mình. Thuận Tử rót trà mời Sơn Bản Nhất Lang, nói:
-Chắc Sơn Bản sư phụ phải mệt với thằng đệ tử này lắm!
Sơn Bản Nhất Lang đáp:
-Không dám, thưa đường chủ. Nhất Lang này rất lấy làm hân hạnh được dành thì giờ cho thiếu chủ. Điều này mang đến cho Nhất Lang một niềm vui khôn tả. Thiếu chủ rất thông minh lanh lẹn, mai sau ắt giúp được trang chủ cùng đường chủ nhiều việc, và còn giúp ích được cả cho đời.
Thuận Tử cau mày, nói:
-Nó là đệ tử của Sơn Bản tráng sĩ rồi thì cũng như con cháu vậy, sao Sơn Bản tráng sĩ cứ gọi là thiếu chủ mãi thế?
Sơn Bản Nhất Lang chưa biết trả lời thế nào. Thuận Tử cũng đổi đề tài, nói sang chuyện khác, thỉnh thoảng hỏi thăm đến vài chuyện riêng tư cá nhân của Sơn Bản Nhất Lang. Lối nói chuyện của nàng rất tế nhị và cởi mở làm Sơn Bản Nhất Lang thoải mái vô cùng chứ không phải e dè giữ kẻ.
Chuyện trò một lúc, Thuận Tử bỗng thở dài, nói:
-Nhà tôi mấy tuần nay bận nhiều việc, lo mất ăn mất ngủ, nếu không nhờ Sơn Bản sư phụ bỏ công dạy dỗ Hải Đẩu thì thật nó buồn lắm. Tôi, phận đàn bà nông cạn cũng chẳng biết phải làm thế nào.
Sơn Bản Nhất Lang im lặng. Thuận Tử lại nói tiếp:
-Thú thật với Sơn Bản sư phụ, nhiều lúc tôi không hiểu mục đích con người học võ để mà làm gì? Chỉ là để tranh chấp hơn thua, chém giết lẫn nhau, xâm chiếm đất đai, giành giựt quyền lợi? Hải Đẩu thích học võ thì tôi chiều ý nó chứ thật ra tôi nhận thấy có khi không biết võ mà dễ sống hơn, vì mình tự biết người biết ta, tự động tránh né, khỏi bận tâm mà dấn thân vào cái thế giới gươm đao đầy hận thù này.
Sơn Bản Nhất Lang húp một ngụm trà, từ tốn:
-Đường chủ nói cũng có phần chí lý. Tuy nhiên, thế gian vốn là như vậy từ ngàn xưa rồi, và cho đến ngàn sau cũng vẫn vậy mà thôi. Cho dù “Ta chẳng đụng người”, nhưng rồi “người cứ vẫn đụng ta”. Ít nhất cũng hơn một nửa số người trên thế gian này chỉ muốn sống cầu an, nhưng làm sao mà tránh nắng dưới mặt trời được đây (#2). Rốt cuộc lại phải giải quyết bằng võ nghệ và kiếm thôi chứ chẳng còn đường nào mà lựa chọn! Bởi thế cho nên thà biết chút võ nghệ vẫn có nhiều hy vọng sống sót hơn. Tóm lại, võ nghệ vẫn là phương tiện để tự vệ cho sự sống còn.
Thuận Tử gật đầu:
-Tôi kiến thức nông cạn, không hiểu nhiều về cuộc sống cũng như chuyện thế gian. Nhưng tôi nhận thấy Sơn Bản sư phụ là người có chí lớn, kiến thức rất cao thâm uyên bác và lập trường sống thật rõ rệt. Có phải vậy không?
Sơn Bản Nhất Lang khẽ cúi đầu:
-Đường chủ quá khen, Nhất Lang không dám.
Thuận Tử nói:
-Tôi có một việc yêu cầu Sơn Bản tráng sĩ.
Sơn Bản Nhất Lang cúi đầu:
-Điều gì, thưa đường chủ?
Thuận Tử nói chậm rãi, nhưng rõ ràng từng tiếng một:
-Con tôi đã bái tráng sĩ làm sư phụ, tức là tráng sĩ ngang hàng với cha nó và tôi. Từ nay xin tráng sĩ cứ gọi tôi là “nghĩa tẩu” (#3) chứ đừng có đường chủ này đường chủ nọ nữa. Tôi sẽ đề nghị với nhà tôi chọn ngày lành để hai vợ chồng tôi kết nghĩa cùng tráng sĩ. Hãy nhớ lấy, chúng tôi hai người từ nay là nghĩa huynh và nghĩ tẩu của tráng sĩ.
Thuận Tử rót thêm trà vào tách cho mình và Sơn Bản Nhất Lang (#4), nói:
-Nghĩa đệ! Hãy kêu tôi một tiếng nghĩa tẩu xem!
Thu hết can đảm, Sơn Bản Nhất Lang nói:
-Thưa… thưa…
Thấy Sơn Bản Nhất Lang ấp úng, Thuận Tử cả cười:
-Thưa gì? Thưa ai?
-Thưa… nghĩa tẩu!...
Dứt lời, Sơn Bản Nhất Lang cúi đầu bái mấy lượt. Thuận Tử cũng cúi đầu đáp lễ. Chờ cho Thuận Tử ngẩng đầu lên, Sơn Bản Nhất Lang mới dám bình thân. Thuận Tử khẽ gật đầu, nói:
-Ta cám ơn nghĩa đệ.
Lúc đó, Hải Đẩu đột nhiên xách kiếm gỗ chạy tới, khoe:
-Thân mẫu ơi! Sư phụ ơi! Con đã luyện xong bài kiếm pháp của sư phụ dạy rồi! Ban đầu thấy khó nhưng cố gắng cũng làm được.
Đoạn Hải Đẩu múa biểu diễn trước mặt cho hai người xem. Thuận Tử mỉm cười hài lòng. Sơn Bản Nhất Lang cũng lên tiếng khen thưởng, khích lệ chẳng cùng. Chàng đứng ra chỉ điểm thêm, đích thân sửa từng chỗ sai và bù vào những yếu điểm của đứa đệ tử mình. Hải Đẩu vốn là đứa trẻ thông minh nên hấp thụ một cách thật mau lẹ.
Thuận Tử xoa đầu Hải Đẩu, dịu dàng:
-Học võ xong rồi. Bây giờ con theo sư phụ đi học văn đi. Mẹ muốn con sau này phải văn võ song toàn mới được.
Hải Đẩu cúi đầu, nhanh nhẩu:
-Dạ, con đi lấy sách bút ngay bây giờ.
Trong khi Hải Đẩu đi lấy sách, Thuận Tử hỏi Sơn Bản Nhất Lang:
-Nghĩa đệ thấy Hải Đẩu có khiếu văn hay võ?
Sơn Bản Nhất Lang chẳng cần suy nghĩ, đáp ngay:
-Cả hai.
Thuận Tử vui mừng ra mặt, nói:
-Cha của nó thì có khiếu võ, nhưng cũng chưa học được đến chốn. Có học qua văn nhưng cũng chẳng giỏi gì cho lắm. Hy vọng Hải Đẩu sau này bù lại cho cha nó những khiếm khuyết đó.
Suy nghĩ vài giây, Thuận Tử nói tiếp:
-Tôi mong Hải Đẩu sau này có cái nhân, cái đức của cha nó, nhưng phải có cái trí và dũng của nghĩa đệ mới được!
Rồi Thuận Tử lại hỏi:
-Nghĩa đệ chắc cũng phải cần có người nâng khăn sửa túi cho.
Sơn Bản Nhất Lang nghe nói cười nhạt:
-Nghĩa tẩu quá thương nên nói vậy. Đệ sống vất vưởng nay đây mai đó, sự nghiệp chưa có gì thì nói chi đến vấn đề gia thất!
Thuận Tử lắc đầu:
-Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nghĩa đệ há chẳng nhớ câu này sao? Nghĩa đệ an cư lập nghiệp ở đây với chúng tôi thì lo gì mà không có sự nghiệp chứ? Chúng tôi sẽ để ý việc này, sẽ kiếm người nâng khăn sửa túi cho nghĩa đệ. Chỉ sợ nghĩa đệ chê thôi.
-Đệ không dám.
Hải Đẩu chạy tới với sách vở, bút, cùng nghiên mực trên tay. Thuận Tử cười, nói:
-Thôi, đến lúc ta phải lui ra để khỏi làm phiền hai thầy trò.
Chú thích:
(#1) Tiếng Nhật phiên âm là Haiku.
(#2) Người Nhật nói: “làm sao tránh được nắng dưới mặt trời” cũng như chúng ta nói “chạy trời không khỏi nắng”. Tuy cách nói hơi khác chút, nhưng cùng một ý nghĩa.
(#3) Nghĩa tẩu: chị dâu kết nghĩa.
(#4) Phong tục “Trà mình rượu người”. Khi rót rượu thì rót cho người trước, rót cho mình sau. Nhưng trà thì ngược lại, rót cho mình trước và cho người sau.
________________________
TRANG HIỆP KHÁCH
Chương 4:
Sơn Điền Anh Minh chủ tọa buổi họp, cầm lá thư viết bằng lụa, kẹp giữa hai thanh trúc quăng xuống bàn, nghiêm nghị nói:
-Như tất cả đã biết, tôi vừa nhận tối hậu thư của Điền Trung Tấn bắt buộc tôi phải giao sơn trang cho hắn trong vòng 3 ngày, không thì hắn sẽ tấn công hủy diệt sơn trang cũng như giết sạch không chừa một ai. Đồng thời hắn cũng có thách chúng ta nếu có đảm lược thì ký tên vào chiến thư để giao cho người nhà hắn mang về, và 3 hôm sau sẽ gặp quyết đấu tại Long Thành. Tất cả anh em em nghĩ sao xin cho tôi ý kiến.
Nghe xong, Đức Xuyên Thắng gầm lên, vỗ bàn thét như sấm:
-Cái lão Điền Trung Tấn kia thật là coi chúng ta dưới mắt chẳng ra gì! Trang chủ chẳng cần phải đắn đo làm gì, cứ ký tên vào chiến thư để 3 hôm sau anh em chúng tôi tận diệt chúng một phen cho xong chuyện, khỏi phiền hà về sau nữa.
Lâm Cát Lang cười, nói:
-Dĩ nhiên là phải đánh rồi, không lẽ Lâm Cát Lang ta hèn nhát sao! “Dưỡng binh thiên nhật, dụng tại nhất thời” (#1). Trang chủ nuôi chúng ta bao lâu là để chúng ta giúp trong những lúc thế này, há chúng ta lại phụ lòng chủ công hay sao? Nhưng Đức Xuyên huynh đừng quá nóng giận hay xem thường địch thủ. Việc này phải dùng cả mưu lước lẫn chiến lược. Chúng dám thách ta tới tức là đã chuẩn bị đâu ra đó rồi. Chúng ta không khéo rơi vào bẫy chúng thì mệt lắm đó!
Mộc Thôn Thanh suy nghĩ trong giây lát rồi lên tiếng:
-Tôi đã phái Thượng Địa Hùng Đại (Uechi Youdai) đi dò thám xem thực lực của chúng thế nào. Dù vậy, tôi cũng đã hoạch định chiến lược xong rồi. Lâm Cát huynh dẫn anh em đi tiên phong dọn đường, để ý 3 mặt: đằng trước và hai bên. Đức Xuyên huynh dẫn lực lượng chính đi giữa chuẩn bị nghênh chiến nếu mọi việc an toàn. Nếu Lâm Cát huynh thấy có phục binh, có lỡ chạm trán hay không, nếu nhắm bất lợi cho phe ta thì lập tức thông tin ngay cho Đức Xuyên biết và lập tức lui, để Đức Xuyên huynh cùng anh em lực lượng chủ đi đoạn hậu bảo vệ cho. Tôi sẽ phái Kỳ Sơn Nghĩa Lang (Yamasaki Yoshiro) dẫn một số anh em đi sau yểm trợ Lâm Cát huynh và Đức Xuyên huynh. Còn tôi và một số anh em sẽ ở lại sơn trang mà bảo vệ cho trang chủ.
Lâm Cát Lang gật đầu, nói:
-Có Mộc Thôn huynh bảo vệ nhà thì anh em chúng ta yên tâm rồi, cứ thế mà tiến, cố hoàn thành nhiệm vụ thôi.
Chợt Đức Xuyên Thắng lên tiếng hỏi:
-Còn Sơn Bản Nhất Lang thì sao?
Mộc Thôn Thanh đáp:
-Sơn Bản huynh thì ở lại sơn trang cùng bảo vệ trang chủ với tôi.
Đức Xuyên Thắng khẽ liếc Sơn Bản Nhất Lang, miệng lẩm bẩm:
-Không biết bảo vệ cho trang chủ hay là núp bóng trang chủ để được bảo vệ kia hả?
Mọi người ai nấy đều nghe rõ. Sơn Bản Nhất Lang vẫn điềm tĩnh, ngồi yên như chẳng có chuyện gì xảy ra. Sơn Điền Anh Minh thấy vậy lên tiếng:
-Chúng ta việc ai nấy làm, đừng có phân bì với nhau. Nên nhớ, chúng ta là người nhà cả. Mục tiêu đối đầu của chúng ta là ai thì chắc mọi người đã biết, tôi không cần phải nhắc nhở làm gì.
Ai nấy đều im răm rắp. Mộc Thôn Thanh lại hỏi:
-Có ai thắc mắc điều gì, hay chưa rõ điều gì xin cứ lên tiếng.
Không ai có ý kiến hay thắc mắc gì thêm. Thấy vậy, Sơn Điền Anh Minh liền sai gia nhân đem bút mực và con dấu tới. Ông ta viết vài chữ vào phần hồi âm trong thư Điền Trung Tấn gửi rồi đóng con dấu, đoạn gọi người của họ Điền Trung tới, dõng dạc nói:
-Ngươi đưa thư này cho chủ người, nói với ông Điền Trung là chúng ta sẽ tới đúng hẹn 3 hôm sau.
Đức Xuyên Thắng có ý muốn đánh gã đưa thư một trận để thị uy với Điền Trung Tử nhưng Sơn Điền Anh Minh gạt đi. Mọi người sau đó tản hàng. Thấy Lâm Cát Lang có vẻ lo lắng, Mộc Thôn Thanh liền hỏi:
-Lâm Cát huynh có điều gì không được yên tâm phải không?
Lâm Cát Lang thở dài, nói:
-Tôi biết trận này quan trọng vô cùng, chỉ có thể thắng chứ không thể thua được. Tôi có điều tâm phúc này muốn nói với Mộc Thôn huynh.
-Lâm Cát huynh cứ nói.
Nghĩ ngợi một hồi, Lâm Cát Lang chậm rãi:
-Nếu lỡ chúng tôi thua, Mộc Thôn huynh hãy bảo vệ trang chủ, đường chủ và thiếu chủ rời khỏi nơi đây an toàn. Tôi dư biết Sơn Bản Nhất Lang cũng sẽ đứng ra giúp huynh một tay bảo vệ trang chủ nên việc đó tôi thấy tương đối cũng an tâm. Đức Xuyên Thắng cứ muốn gây chuyện với Sơn Bản Nhất Lang hoài, tôi thấy điều này thật không nên chút nào. Sơn Bản Nhất Lang cứ lầm lì, nhưng chính vì cái lầm lì đó mà tôi sợ. Mặc dù chưa thấy người này ra tay hay làm việc gì phi thường, nhưng tôi tin rằng người này không đơn giản chút nào!
Mộc Thôn Thanh gật đầu:
-Tôi cũng nghĩ như Lâm Cát huynh. Tôi không hiểu có phải Lâm Cát huynh sợ Sơn Bản Nhất Lang có bụng này nọ với trang chủ không?
Lâm Cát Lang lắc đầu:
-Hoàn toàn không! Điều tôi lo ngại là Sơn Bản Nhất Lang và Đức Xuyên Thắng trước sau gì cũng một phen sống mái với nhau kia! Coi bộ chuyện này khó mà tránh nổi.
Mộc Thôn Thanh cả cười:
-Điều Lâm Cát huynh nên lo là làm sao chúng ta thắng được trận này. Còn điều kia chỉ là phụ, tới đâu thì tới, lo làm gì!
Đột nhiên có tiếng la lớn bên ngoài:
-Trời ơi! Bà con ra đây mà coi!
Mộc Thôn Thanh cùng Lâm Cát Lang bỏ dở câu chuyện đang nói chạy mau ra ngoài. Sơn Điền Anh Minh, Đức Xuyên Thắng, cả Sơn Bản Nhất Lang và Hải Đẩu cũng vừa tới nơi. Tất cả đều có mặt đông đủ. Trước mặt mọi người là cái xác của một nữ gia nhân nằm chết trên mặt đất ngay tại hoa viên. Mọi người không dằn được, kêu lên:
-Nguyệt Tử (Tsukiko)!
Nguyệt Tử, một nữ gia nhân xinh đẹp, trung thành của Sơn Điền Gia Trang đang nằm dài tắt thở trên mặt đất tại hoa viên, nơi yết hầu có một vết kiếm đâm. Đức Xuyên Thắng không dằn được, nói như hét lên:
-Quân tàn bạo, vô nhân đạo! Cho đến nữ gia nhân vô tội, chân mềm tay yếu mà chúng cũng không tha! Có giỏi sao không tới đụng ta đi!
Mọi người dù không ai lên tiếng, nhưng có thể nói tâm trạng của người nào ít nhiều cũng chẳng khác gì Đức Xuyên Thắng bao nhiêu. Sơn Điền Anh Minh xem xét vết thương một hồi, nói:
-Vết thương vẫn còn mới, chứng tỏ chuyện chỉ vừa mới xảy ra cách đây không bao lâu.
Lâm Cát Lang cau mày:
-Mà ai có thể đột nhập được vào đây chứ? Chúng ta đã phái người canh gác khắp nơi thật kỹ lưỡng, hễ có bóng người khả nghi là lập tức có người vào báo ngay thôi!
Đức Xuyên Thắng nghe nói bỗng trợn hai mắt lên:
-Vậy không lẽ có nội gian chốn này?
Lâm Cát Lang gạt đi:
-Đức Xuyên huynh lại chỉ vì thành kiến mà phát ngôn bừa bãi! Trong chúng ta, kể cả các anh em và gia nhân thì ai là nội gian đây?
Mộc Thôn Thanh giơ tay như muốn ngăn cản để hai người đừng tranh luận thêm:
-Tôi nhận thấy câu nói của Đức Xuyên huynh không phải vô lý đâu. Rất có thể là do nội gian đó!
-Nếu vậy thì là ai?
Câu hỏi của Đức Xuyên Thắng cũng là câu hỏi của mọi người đang thắc mắc. Chằng ai hẹn ai, nhưng mọi người đều đảo mắt nhìn vào nhau. Ai ai cũng có cảm giác nhột nhạt, sợ bị nghi ngờ.
Sơn Điền Anh Minh chỉ thở dài, nói:
-Mà biết đâu là chuyện thanh toán giữa cá nhân với nhau!
Mộc Thôn Thanh nhìn Sơn Bản Nhất Lang như dò ý, hỏi:
-Sơn Bản huynh có ý kiến gì về chuyện này không?
Sơn Bản Nhất Lang khẽ nhìn Mộc Thôn Thanh, lắc đầu:
-Tôi không có ý kiến gì cả.
Mọi người lại đổi hướng, để mắt cùng nhìn vào Sơn Bản Nhất Lang. Không thấy chàng có hành động hay cử chỉ gì bất thường, mọi người lại tiếp tục nghiên cứu tử thi. Sơn Điền Anh Minh chợt lên tiếng hỏi:
-Cửu Lang (Kuro) đâu?
Đức Xuyên Thắng vỗ hai tay vào nhau, nói:
-Phải rồi, thường ngày ai cũng biết Cửu Lang luôn để ý, tình tứ dòm ngó Nguyệt Tử, nhưng không được nàng ta chiếu cố nên biết đâu đem lòng oán hận mà ra tay hạ độc thủ.
Mọi người lên tiếng gọi mãi mà không thấy bóng dáng người gia nhân tên Cửu Lang kia đâu cả. Đức Xuyên Thắng càng lúc càng tỏ ra bất nhẫn:
-Đúng là hắn rồi chứ còn ai nữa! Chỉ có tiền và tình là động lực thúc đẩy con người đi đến việc sát nhân nhiều nhất thôi!
Lâm Cát Lang cười nhạt, nói như châm chọc:
-Ngoài ra còn quyền thế và cái “bản ngã” (#2) nữa.
Sơn Điền Anh Minh nói như ra lệnh:
-Mọi người khoan đoán này đoán nọ. Nếu chưa có bằng chứng cụ thể thì không được kết tội ai cả. Oan có đầu, trái có chủ. Tôi chưa lo thì việc gì mọi người phải lo chứ? Cứ để từ từ, chuyện đâu sẽ còn đó. Điều đau thương đáng lo trước mắt là một người thân yêu trong chúng ta đã gục xuống một cách oan uổng và thê thảm.
Cho người phủ xác Nguyệt Tử lại đâu đó xong xuôi, Sơn Điền Anh Minh lại nói tiếp:
-Giờ hãy lo việc chôn cất Nguyệt Tử cho đàng hoàng. Mộc Thôn huynh hãy ra lệnh cho thủ quỹ trích ra một số tiền đem tới gia đình Nguyệt Tử gọi là phúng điếu chút gọi là. Nhớ hàng tháng phải căn cứ theo lương của Nguyệt Tử mà chu cấp đầy đủ cho gia đình cô ta, không được bê trễ.
Nhìn thấy cách đối xử chu đáo của Sơn Điền Anh Minh với gia nhân bình thường dù đã chết, mọi người ai nấy đều cảm động vô cùng. Ai cũng cảm thấy mình chọn đúng minh chủ mà thờ. Vì một minh chủ độ lượng, rộng rãi, có lòng nhân thì nếu có phải chết cho ông ta, hẳn ai cũng rất vui lòng, mà còn cho đó là một niềm vinh hạnh nữa.
Quay qua Sơn Bản Nhất Lang và Hải Đẩu, Sơn Điền Anh Minh nói:
-Thôi, hai thầy trò lại đi luyện võ tiếp đi thôi.
Hải Đẩu nghe nói hết sức mừng rỡ. Hình như nó chỉ chờ có câu nói đó từ thân phụ mình. Hải Đẩu liền kéo tay Sơn Bản Nhất Lang vào trong phòng luyện võ.
Hải Đẩu nói:
-Sư phụ đợi con đi lấy ít trà bánh cái đã.
Sơn Bản Nhất Lang gại đi:
-Thôi đồ nhi, khỏi cần đâu!
Mặc cho Sơn Bảng Nhất Lang có đồng ý hay không, Hải Đẩu tay cầm kiếm gỗ múa may, vừa chạy vừa biểu diễn võ… Sơn Bảng Nhất Lang vừa lắc đầu, vừa mỉm cười. Chàng nói thầm trong bụng:
-Đúng là trẻ con!
Tuy nói vậy, nhưng Sơn Bản Nhất Lang nhận thấy Hải Đẩu quả là một đứa trẻ ngang tàng rất có lập trường, khí phách. Khi nó cảm thấy đúng là cứ đó mà làm chứ không sợ phật lòng ai cả. Chàng thầm nhớ tới câu Thuận Tử mẹ Hải Đẩu nói với chàng mấy hôm trước rằng:
-“Ta mong Hải Đẩu có cái Nhân của cha nó, nhưng phải có cái Trí và cái Dũng của đệ…”
Nghĩ tới đây, Sơn Bản Nhất Lang chợt nở một nụ cười. Hình bóng Thuận Tử xinh đẹp với nụ cười thật tươi… Rồi một hình bóng nào đó nữa thật quen thuộc hiện ra trong óc chàng… Cũng câu nói đó của Thuận Tử, hình như đã có người nói qua với chàng một câu tương tự như vậy trong một lúc nào đó… Trong một hoàn cảnh nào đó…
Đang trầm tư mặc tưởng, đột nhiên có tiếng trẻ hét lớn:
-Sư phụ!... Sư phụ!... Mau cứu con với!
Sơn Bản Nhất Lang giật bắn mình, hoảng hốt. Chàng lắc đầu, thầm kêu khổ:
-Thôi chết! Hải Đẩu gặp nguy rồi! Cũng tại mình quá ỷ y!...
Không một giây chậm trễ, Sơn Bảng Nhất Lang chộp vội thanh kiếm gỗ, chạy như bay về hướng tiếng kêu cứu vừa vọng lại…
Chú thích:
(#1) Dưỡng binh thiên nhật dùng tại nhất thời: nuôi quân ngàn ngày, chỉ dùng trong một thuở.
(#2) Cái tôi.
______________________
TRANG HIỆP KHÁCH
Chương 5:
Gã thích khách trông tướng chẳng khác nào một tên thổ phỉ ăn mặc theo kiểu võ sĩ đạo, một tay dùng “Cầm Nã Thủ” bấu chặt lấy vai Hải Đẩu, còn tay kia nắm chặt cổ tay cầm kiếm của thằng bé. Bị giữ chặt cả hai tay, Hải Đẩu không còn cựa quậy đâu được. Dù vậy, nó vẫn cầm chặt thanh kiếm gỗ trong tay chẳng khác một võ sĩ đạo bảo vệ bảo kiếm với tinh thần “kiếm còn người còn, kiếm mất người chết”.
Cầm thanh kiếm gỗ thủ thế, Sơn Bản Nhất Lang hét lớn:
-Tên kia! Mau thả người ra không thì đừng trách ta!
Gã thích khách nở một nụ cười nham hiểm, nói:
-Với thanh kiếm gỗ đó thì ngươi làm gì được ta mà đòi hăm dọa?
Sơn Bản Nhất Lang cười nhạt:
-Có làm gì được ngươi hay không hả? Cứ thử rồi biết!
Mỗi bước tiến của Sơn Bản Nhất Lang là gã thích khách lại ôm Hải Đẩu kéo lui lại ra sau một bước. Thấy Sơn Bản Nhất Lang vẫn không ngừng bước tiến, gã thích khách đâm ra hoảng hốt liền dừng lại la lớn:
-Ngươi mà bước lại thêm một bước thì tánh mạng của đứa nhỏ này có đường mà về chầu mụ nội nhà nó ngay!
Sơn Bản Nhất Lang nghe nói vậy thì đình bộ thủ thế chứ không dám tiến nữa, nhưng mắt vẫn không rời thích khách với Hải Đẩu trong tay gã. Gã thích khách rút vội tay đang bấu chặt vai Hải Đẩu, đưa ngang hông nhanh như chớp toan rút lẹ thanh đoản kiếm ra với mục đích kề dao vào cổ Hải Đẩu để uy hiếp.
Không ngờ chỉ trong khoảng khắc không đầy một giây đó, Hải Đẩu đã vùng vẫy, xoay người một cái, tuột khỏi vòng tay gã thích khách, đồng thời dùng hai tay cầm thanh kiếm gỗ nện lên đầu gã ngay trán một chiêu như trời giáng. Mọi việc xảy ra quá mau lẹ, ngoài sự tưởng tượng của cả gã thích khách lẫn Sơn Bản Nhất Lang.
“Á” lên một tiếng thảm thiết, gã thích khách đưa tay ôm đầu rên rỉ. Máu trên đầu từ từ chảy xuống. Nhanh như chớp, Sơn Bản Nhất Lang phóng tới, dùng thân chàng chen vào giữa, che cho Hải Đẩu. Kế đến, chàng một tay ôm chặt Hải Đẩu, một tay cầm kiếm chĩa thẳng về phía gã thích khách, đoạn nhảy tạt qua một bên chừng vài thước, sau đó đẩy Hải Đẩu ra đàng sau lưng mình. Chàng vừa định xuất chiêu thì ngay lúc đó, một giọng toáng lên với âm thanh giận dữ:
-Hung đồ thật táo gan, dám đến Sơn Điền Gia Trang giở trò bắt cóc người.
Tiếng thét vừa dứt thì một bóng người từ đâu nhảy vụt tới. Một ánh kiếm lóe lên, cả thân hình gã thích khách ngã xuống nghe một cái “bịch”, chết không kịp ngáp. Sơn Bản Nhất Lang đưa mắt nhìn kỹ thì nhận ra người vừa tới, ra tay hạ sát thích khách không phải ai xa lạ mà chính là Mộc Thôn Thanh.
Hướng về phía Sơn Bản Nhất Lang, Mộc Thôn Thanh cúi đầu, trịnh trọng nói:
-Chúng tôi canh gác không kỹ lưỡng, thiếu cẩn mật để gian tế lẻn vào, tí nữa thì đã bắt mất thiếu chủ đem đi, may nhờ Sơn Bản tráng sĩ ra tay bảo vệ, thật là gỡ cho chúng tôi không biết bao nhiêu là phiền toái và tội lỗi. Xin đa tạ!
Sơn Bản Nhất Lang chưa kịp đáp lời thì Sơn Điền Anh Minh cùng Đức Xuyên Thắng và Lâm Cát Lang với mọi người cũng vừa vào tới. Mộc Thôn Thanh đem những lời vừa rồi nói lại cho Sơn Điền Anh Minh, cúi đầu như tạ lỗi. Vị trang chủ Sơn Điền Gia Trang hết sức cảm động, nhìn Sơn Bản Nhất Lang với ánh mắt như biết ơn:
-Nếu không nhờ hiền đệ thì con ta đã bị chúng bắt đi rồi. Thật ta không biết phải cám ơn hiền đệ ra sao!
Sơn Bản Nhất Lang cười, nói:
-Xin đại ca cũng như các vị huyng đài đừng khen mà Sơn Bản Nhất Lang càng thêm thẹn. Chẳng qua đó là nhờ hồng phúc của trang chủ đại ca và sự thông minh nhanh nhẹn, lanh trí, cũng như bản lãnh của Hải Đẩu đó thôi.
Đoạn Sơn Bản Nhất Lang kể lại chuyện xảy ra từ đầu đến cuối cho mọi người nghe. Sơn Điền Anh Minh nghe xong vừa vui mừng, vừa thích thú, buông lời khích lệ đứa con cưng chẳng cùng. Quay qua Sơn Bản Nhất Lang, ông nói:
-Nhưng sở dĩ Hải Đẩu được như vậy là nhờ có sư phụ tài ba, không quản nhọc nhằn mà dạy dỗ đó, phải không tất cả?
Mọi người đều đồng thanh la lớn:
-Phải!
Mộc Thôn Thanh tán thành:
-“Dưới tay dũng tướng không binh yếu, bên trướng danh sư chẳng sĩ hèn”. Trang chủ thật không nhìn lầm người. Sơn Bản tiên sinh thật là một danh sư hiếm có.
Ai nấy đều hết lời khen ngợi thiếu trang chủ Hải Đẩu của họ cũng như thán phục Sơn Bản Nhất Lang và đồng thời không quên chúc mừng trang chủ Sơn Điền Anh Minh. Chỉ có Đức Xuyên Thắng lầm lầm lì lì, chẳng nói năng gì, mà cũng chẳng tỏ thái độ gì. Lâm Cát Lang nhìn Đức Xuyên Thắng như chờ đợi một câu phát biểu ý kiến nào đó khiến chàng võ sĩ đạo kia cảm thấy khó chịu, mấy lần quay mặt đi hướng khác.
Mộc Thôn Thanh nghĩ ngợi một hồi rồi lên tiếng:
-Tôi vẫn tin là tại Sơn Điền Gia Trang này có nội gian. Nếu không phải người tâm phúc, xin mọi người chớ nói cho ai biết bất cứ điều gì mà mình cảm thấy là quan trọng. Tôi thề sẽ điều tra việc này đến cùng.
Sơn Điền Anh Minh gật đầu:
-Có Mộc Thôn tráng sĩ lo, ta rất an tâm. Ta nghĩ tên thích khách này đã có mặt sẵn ở đây rồi chứ không phải ngẫu nhiên mà đến đâu, vì với sự bố trí của chúng ta, đâu dễ gì mà hắn lọt vào được!
Sơn Điền Anh Minh lên tiếng sai gia nhân bày tiệc rượu đãi mọi người. Mọi người vừa uống rượu vừa bàn chuyện, nhưng mỗi người mỗi ý, chưa thống nhất được vấn đề. Ai nấy thay phiên nhau mời uống khiến Sơn Bản Nhất Lang phải liên tiếp nâng ly không ngừng. Ngay cả Đức Xuyên Thắng cũng mời rượu tuy chẳng nói năng gì cả. Rượu được vài tuần, mọi người chia tay, ai ở đâu về đấy để chuẩn bị cho công việc của mình.
Trước khi chia tay, Sơn Điền Anh Minh nói với Sơn Bản Nhất Lang:
-Hiền đệ cố mà giúp ta coi sóc hộ Hải Đẩu.
Sơn Bản Nhất Lang lễ phép cúi đầu vâng mệnh. Sơn Điền Anh Minh đi rồi, Đức Xuyên Thắng tới gần Sơn Bản Nhất Lang nói:
-Sau khi thắng trận trở về, ta quyết cùng Sơn Bản huynh một phen so tài cao hạ.
Sơn Bản Nhất Lang lắc đầu, cười nhạt:
-So tài để mà làm gì? Ta xin chịu thua trước.
Đức Xuyên Thắng lạnh lùng:
-Chưa ra tay thì tất nhiên không bao giờ có chuyện kẻ thắng hay người bại. Chỉ chừng nào ta thắng các hạ thì lúc đó ta mới nhận lời chịu thua thốt ra từ miệng của các hạ.
Sơn Bản Nhất Lang chỉ buông tiếng thở dài nhìn theo bóng của Đức Xuyên Thắng cho đến khi khuất hẳn. Chờ mọi người đi hết rồi, Hải Đẩu mới ấp úng, thưa:
-Sư phụ, bất đắc dĩ lắm con mới ra tay đánh người chảy máu đầu chứ lòng con đâu muốn vậy.
Sơn Bản Nhất Lang xoa đầu đệ tử, nói:
-Sư phụ biết chứ. Con vì tự vệ mà! Nếu lỡ có giết chết hắn cũng chỉ là chuyện bất đắc dĩ, đâu có gì phải ân hận.
Ngày thường, Sơn Bản Nhất Lang không những chỉ dạy văn, võ, cầm, kỳ, thi, họa cho Hải Đẩu mà còn rèn luyện cho nó cả nhân phẩm. Chàng không khi nào giận dữ, nhưng rất nghiêm với Hải Đẩu. Chàng luôn luôn bảo nó, nhắc đi nhắc lại rằng rằng học võ, học kiếm chỉ để tự vệ, để dùng khi cần thiết mà thôi chứ không phải để đi sinh sự, hiếp đáp người, đánh người hay giết người.
Thấy Hải Đẩu chưa hết sợ hãi qua cơn khủng hoảng vừa rồi mặc dù thoát nạn, Sơn Bản Nhất Lang dịu giọng:
-Thôi, hôm nay không tập nữa. Con đi nghỉ đi cho khỏe để lấy lại sức và tinh thần.
Sơn Bảng Nhất Lang đích thân đưa Hải Đẩu về phòng nó giao cho Thuận Tử, giao phó trách nhiệm canh gác cho các vệ sĩ rồi mới chịu lui gót…
***
Tới bìa rừng cách Long Thành chừng vài dặm, Lâm Cát Lang chia nhóm thiết kỵ ra 3 toán. Toán 1 đi bên trái, toán 2 đi giữa và toán 3 đi bên phải. Ai nấy đều mặc giáp sắt, cỡi ngựa, mang khiên để đề phòng tên nỏ nếu bị phục kích. Ngoài ra, Lâm Cát Lang còn phòng vệ sẵn một nhóm xạ thủ đi sau mỗi toán quân để khi cần thiết sẽ bắn phản công địch, hoặc yểm trợ quân mình cho dù tiến hay rút khi đụng độ với quân thù.
Nhưng trái với sự lo lắng của Lâm Cát Lang, cả quân tiên phong, trung quân và quân đi đoạn hậu đều qua được khu rừng đến Long Thành một cách an toàn mà không hề bị phục binh hay tên nỏ bắn. Đi thêm chừng nửa dặm, Lâm Cát Lang chợt phát hiện trước mắt một đoàn nhân mã hùng hậu đông như kiến cỏ, xếp hàng dọc theo hình chữ “nhất”, như đã chờ đợi họ từ lâu. Khí thế địch quân quả là hung hăng, như chuẩn bị sẵn sàng giao chiến bất cứ lúc nào.
Lâm Cát Lang để ý nhìn liếc qua, bỗng lo ngại nghĩ thầm:
-“Phe Điền Trung Tấn quả là đông, không chừng gấp rưỡi, gấp đôi chúng ta chứ chẳng phải đùa!”
Nghĩ đoạn, Lâm Cát Lang thắng ngựa, giơ tay lên la lớn:
-Tất cả dừng lại!
Nghe lệnh truyền của chủ tướng, đoàn quân lập tức dừng lại ngay. Phía bên kia hình như cũng phát hiện được sự có mặt của phe Sơn Điền Gia Trang nên bắt đầu khua chiêng trống, la ó rầm rĩ vang trời.
Đức Xuyên Thắng lúc đó cũng vừa dẫn quân tới nơi, một mình cỡi ngựa lên phía trên sát cánh với Lâm Cát Lang, nhìn phía trước quan sát rồi hỏi:
-Lâm Cát huynh nhắm thế nào?
Lâm Cát Lang đáp:
-Thấy tình hình không khả quan lắm. Quân ta thiện chiến, nhưng không biết liệu có địch nổi số đông hay không?
Đức Xuyên Thắng cười khinh khỉnh, đáp:
-Đã ăn lộc chủ thì chúng ta không nên tiếc rẻ mạng sống. Với lại, chúng ta cũng đã từng phải chiến đấu với địch quân đông đảo nhiều lần, bao nhiêu trận mạc rồi kia mà. Lâm Cát huynh và tôi đều có sức cự muôn người, há lại sợ chúng?
Lâm Cát Lang nói:
-Không phải tôi đề cao địch quân, nhưng phe Điền Trung Tấn lẽ nào mà thiếu cao thủ chứ!
Đức Xuyên Thắng gạt đi:
-Mặc chúng có cao thủ hay là không! Đức Xuyên Thắng này chưa bao giờ lui bước trước quân địch. Lâm Cát huynh cứ nghỉ mệt. Để tôi dẫn anh em quyết một trận sống chết với chúng. Nếu thấy tiện thì giúp tôi một tay, còn thấy không xong thì cứ việc rút về.
Lâm Cát Lang nghe nói cảm thấy tự ái bị chạm mạnh, lộ vẻ khó chịu:
-Đức Xuyên huynh sao ăn nói gì lạ thế? Tôi đâu phải hạng sợ hãi, “tham sinh húy tử” (#1)! Chúng ta đã cùng nhau vào sinh ra tử biết bao lần, đã có lần nào tôi bàng quan để huynh phải ra tay một mình chưa? Đã vậy thì chúng ta hãy cùng nhau tiến lên!
Đức Xuyên Thắng cười lớn, nói:
-Đùa chút với Lâm Cát huynh cho vui thôi, đừng giận tôi làm gì. Lẽ nào tôi không biết huynh sẽ chẳng bao giờ để tôi ra tay một mình chứ! Tôi không tin là đám quân ô hợp kia làm gì được chúng ta!
Hai người sau đó ra lệnh cho tất cả mấy toán quân nhập lại thành một. Chờ mọi người nai nịt chỉnh tề xong, Đức Xuyên Thắng rút gươm ra, chỉ về phía trước hét lớn:
-Tất cả anh em nghe Đức Xuyên Thắng nói đây! Hãy tiến lên vì trang chủ! Nếu có lúc cho chúng ta ra tay báo đáp ân sâu của trang chủ thì chính là lúc này đây! Tất cả chúng ta đừng thèm mơ tưởng đến việc sống sót mà trở về làm gì. Người nào cũng vậy, chưa được phép chết nếu chưa giết được 2 mạng! Tôi và Lâm Cát Lang thề sẽ cùng chết với tất cả mọi người! Nhưng nếu có chết, chúng ta cũng chết cho hào hùng, thề giết sạch quân thù!
Lời nói của Đức Xuyên Thắng chẳng khác gì liều thuốc kích thích lòng quân của một chiến tướng đầy kinh nghiệm và đảm lược nơi chốn sa trường khiến ai nghe thấy cũng phải lên tinh thần, không còn nghĩ gì đến việc sống chết nữa. Tiếng reo hò ba quân vang lên rầm trời, cùng hô lớn khẩu hiệu quyết chiến. Đoàn quân hăng máu, người như ngựa, cùng nhau hùng hổ tiến lên như nước vỡ bờ. Thấy phe Sơn Điền Gia Trang tiến lên, bên Điền Trung Tấn cũng vừa la hét vừa xông lên như một đàn mãnh thú ứng chiến...
Chú thích:
(#1) Tham sống sợ chết.
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: