Vi khuẩn E.coli nguy hiểm như thế nào? Quỳnh Như, phóng viên RFA 2011-06-09 Một số thực phẩm tươi sống nhiễm khuẩn E.Coli lan rộng tại nhiều nước Châu Âu, vốn có hàng rào kiểm tra vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt, khiến người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới đều xôn xao.
AFP PHOTO
Xét nghiệm vi khuẩn E.coli tại một phòng thí nghiệm ở Berlin - Đức, hôm 08 tháng 6 năm 2011.
Tình trạng lây nhiễm của khuẩn E.Coli hiện tới đâu? Và mức độ nghiêm trọng của vấn đề này ra sao? Quỳnh Như tổng hợp và tường trình.
2.000 người nhiễm khuẩn
Báo chí nước ngoài đưa tin liên tục trong mấy ngày qua khuẩn E.Coli đã nhanh chóng lan ra 12 nước châu Âu với trên 20 ca tử vong, và khoảng 2.000 bệnh nhân bị nhiễm khuẩn này. Từ vài tuần qua, người tiêu dùng thực phẩm châu Âu rất hoang mang về chuyện dưa chuột nhiễm khuẩn E.coli gây chết người đang nhanh chóng lan ra khắp khu vực này.
Khi được tin xuất hiện dịch nhiễm khuẩn E.Coli, người dân đã được khuyến cáo nên tạm thời tránh sử dụng một số thực phẩm được liệt kê trong danh mục có nguy cơ có thể bị nhiễm khuẩn.
TS Dilys Morgan
Trước hết, người ta nghi ngờ dưa chuột trồng bằng phương pháp sử dụng phân hữu cơ ở hai tỉnh Almeria và Malag thuộc miền nam Tây Ban Nha, đã bị nhiễm một chủng khuẩn E.coli, và xuất khẩu sang các nuớc trong EU là nguồn gây bệnh. Tuy nhiên, chính phủ Tây Ban Nha phủ nhận thông tin này và khẳng định hoạt động buôn bán vẫn diễn ra bình thường tại hai trang trại này. Nước này cũng tuyên bố không có gì chắc chắn là dưa chuột bị nhiễm khuẩn ở Tây Ban Nha cũng như không có ca bệnh nào do nhiễm khuẩn E.coli được ghi nhận ở nước này. Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha, bà Rosa Aguilar đòi bồi thường thiệt hại do những thông tin thiếu chính xác đưa ra, gây ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Tây Ban Nha.
Ngược lại người ta phát hiện, một số ca bệnh tăng urê máu ở công dân Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Anh khi những người này đi du lịch sang Đức về. Các viên chức thuộc Viện Dịch tễ mang tên Robert Koch của Đức (RKI) cho biết, hiện nay trên khắp châu Âu, các ca nhiễm khuẩn E.coli đã được phát hiện tại Đan Mạch, Anh, Hà Lan, Áo, Pháp, Tây Ban Nha Thụy Điển. Và hầu hết tất cả các trường hợp này đều được phát hiện nhiễm bệnh sau khi trở về từ Đức.
Tiến sĩ Dilys Morgan, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Sức khoẻ của Anh Quốc (Health Protection Agency) đưa ra cảnh báo đối với những công dân Anh đi du lịch ở Đức trở về nên lưu ý:
“Chúng tôi khuyên các công dân trong nước khi đi du lịch ở Đức về nếu thấy có những triệu chứng như bị đi tiêu ra máu, hoặc những vấn đề, thì nên đến ngay các cơ quan y tế để khám bệnh. Các cơ quan y tế tại Anh quốc đều được thông báo về tình hình khẩn cấp của dịch bệnh E.Coli, và được yêu cầu báo cáo khi phát hiện có trường hợp bệnh nhân bị nhiễm E.Coli để ngành y tế điều tra và có biện pháp chận đứng sự lây lan của dịch bệnh.”
Bà Morgan cũng nói thêm rằng:
“Khi được tin xuất hiện dịch nhiễm khuẩn E.Coli, người dân đã được khuyến cáo nên tạm thời tránh sử dụng một số thực phẩm được liệt kê trong danh mục có nguy cơ có thể bị nhiễm khuẩn, nên hy vọng là số ca bệnh nhân bị nhiễm khuẩn E.Coli sẽ nhanh chóng giảm trong một thời gian ngắn sắp tới, và các cơ quan y tế sẽ kiểm soát được tình hình lây lan của dịch bệnh.”
Xuất phát từ Đức
Một cửa hàng rau ở Berlin - Đức, hôm 08 tháng 6 năm 2011. AFP PHOTO.
Các cơ quan y tế châu Âu nhận định, tâm điểm của dịch bệnh này là miền Bắc nước Đức với khoảng hơn 1.000 người nghi nhiễm. Viện nghiên cứu dịch bệnh quốc gia Đức, Robert Koch (RKI) khẳng định có những bệnh nhân chết do bị lây nhiễm vi khuẩn E.coli (enterohaemorrhagic E.coli, EHEC), gây xuất huyết đường ruột với triệu chứng bị tiêu chảy ra máu, hay dẫn đến hội chứng tán huyết, tăng urê máu, gây suy thận cấp (haemolytic uraemic syndrome, HUS), rồi dẫn đến tai biến, đột quy và hôn mê. RKI cũng nghi ngờ gần 300 ca bệnh nhiễm và những trường hợp tử vong khác trong thời gian gần đây đều do hội chứng HUS gây ra. Trong trường hợp bội nhiễm, hệ thần kinh của người bị nhiễm cũng bị ảnh hưởng.
Hôm Chủ nhật vừa qua, cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm Đức đã tiến hành điều tra nguyên nhân vụ 17 thực khách của nhà hàng Kartoffelkeller, gồm người Đức và một nhóm khách du lịch người Đan Mạch phát hiện bị nhiễm khuẩn E.Coli với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, ói mửa, sốt cao, sau khi dùng món sà-lách trộn. Sau khi kiểm tra, người ta kết luận khâu vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà hàng là không có vấn đề. Do vậy cơ quan chức năng tiến hành điều tra xuất xứ nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống cho nhà hàng này.
Chúng tôi khuyên các công dân trong nước khi đi du lịch ở Đức về nếu thấy có những triệu chứng như bị đi tiêu ra máu, hoặc những vấn đề, thì nên đến ngay các cơ quan y tế.
TS Dilys Morgan
Mới hôm thứ hai, các giới chức của ngành y tế phát hiện ra rằng giá đậu được sản xuất từ nông trang Đức ở vùng Uelzen, nằm giữa Hamburg và Hannover, bị nhiễm độc, có mang vi khuẩn E.Coli và được phân phối đến các nhà hàng, siêu thị đã làm bùng phát dịch nhiễm khuẩn E.Coli.
Bộ Trưởng Nông nghiệp bang Hạ Saxony Gert Lindemann thừa nhận, có một mối liên hệ trực tiếp giữa công ty thực phẩm ở Bienenbuettel với những người bị nhiễm khuẩn E.Coli. Cơ quan chức năng đã ra lệnh công ty này tạm đóng cửa ngưng hoạt động, và thu hồi tất cả các sản phẩm do công ty sản xuất.
Trong khi đó các kết quả điều tra, xét nghiệm bước đầu không tìm thấy dấu vết của vi khuẩn E.Coli. tại các khâu sản xuất. Các giới chức vệ sinh an toàn thực phẩm cho rằng có thể đợt hàng có sản phẩm bị nhiễm khuẩn đã được phân phối đi hết. Đồng thời tiến hành thêm một số xét nghiệm nữa. Cũng theo cơ quan chức năng, hiện nay, trong khi chờ các kết quả xét nghiệm tiếp theo thì chưa thể kết luận ngay là vi khuẩn E.Coli có trong giá đậu hay không.
Ông Klaus Verbeck, Giám đốc Điều hành Công ty này nói với báo chí rằng, công ty của ông không sử dụng phân bón hoá học trong sản xuất, và cũng không chăn nuôi gia súc.
Các nước lo ngại
Một gian hàng bán rau quả tại một chợ ở Gò Vấp, TPHCM. RFA PHOTO.
Lo ngại trước nguy cơ thực phẩm bị nhiễm khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột có thể dẫn đến tử vong, Nga đã ra lệnh cấm nhập khẩu cà chua, dưa leo, và một số sản phẩm rau củ từ Đức và Tây Ban Nha. Sau đó do tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục tiến triển, Nga tạm ngưng nhập khẩu tất cả các loại rau quả từ EU. Mặc dù gặp những chỉ trích từ EU cho rằng động thái này “không thích hợp” với những nỗ lực của Nga để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhưng Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã khẳng định trên đài truyền hình quốc gia rằng, Nga sẽ không đánh đổi việc người dân bị nhiễm bệnh với việc gia nhập WTO. Mátxcơva sẽ chờ thêm thông tin từ EU, đặc biệt là thông tin về nguồn xuất phát dịch bệnh này.
Tổ chức Y tế thế giới WHO đưa ra nhận định, chủng vi khuẩn E.Coli đang hoành hành tại Châu Âu hiện nay thuộc loại rất hiếm, chưa từng thấy trong các ổ dịch từ trước đến nay.
Cho tới nay, nguồn lây nhiễm khuẩn E.Coli mới phát hiện ở Châu Âu vẫn chưa được xác định. Cao ủy Châu Âu đặc trách về Lương thực và Y tế, ông John Dalli cho rằng hiện nay việc tìm ra nguồn gốc lây bệnh là ưu tiên hàng đầu, và Ủy ban Liên minh Châu Âu cần phối hợp một cách toàn diện với nhà chức trách Đức để phát hiện và giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt.