Đảo chìm, nghệ thuật tạo dựng không gian truyện
tamvanvov 11.06.2011 10:06:19 (permalink)
                              Đảo chìm, nghệ thuật tạo dựng không gian truyện
 
                                            ( Đọc tiểu thuyết Đảo chìm của Trần Đăng Khoa )
 
                                                               Tiểu luận của Nguyễn Chu Nhạc


Đảo chìm, tiểu thuyết mi-ni của Trần Đăng Khoa ( theo cách gọi của chính tác giả ), xuất bản đã lâu, gây được tiếng vang và nhanh chóng được tái bản đến vài chục lần. Các nhà phê bình chuyên nghiệp, cùng bạn đọc đã bình phẩm nhiều rồi, những tưởng, chẳng còn biết nói gì ...

Với riêng tôi, đây là lần đầu tiên tôi đọc trọn vẹn cái sản phẩm mi-ni này. Đơn giản, tôi mắc cái bệnh cố hữu, cứ cái gì người ta xúm đông xúm đỏ, thì tôi lại lảng ra, mặc dù, tôi với Trần Đăng Khoa là bạn học trò với nhau, gần chục năm nay lại cùng công sở, ngày gặp nhau dăm bảy lần, trưa hay cùng cơm văn phòng, song phần lớn nói chuyện công việc, đời sống. Thi thoảng chuyện văn chương, thì cũng là tán gẫu, xuất bản miệng, cười xoà rồi cho qua. Quả thực, tôi cũng có đọc một vài trích đoạn và đôi bài phê bình trên báo chí về Đảo chìm. Có lần, tôi thử hỏi Khoa : “ Viết Đảo chìm, ông định làm một “ Ông già và biển cả “ của Việt Nam à ? “. Khoa gật gù. Lần khác, tôi lại đùa : “  Phải chăng, Đảo chìm của ông, na ná Rô-bin-sơn Cru-xô ? “. Khoa cũng chỉ gật gù, tủm tỉm.
Mới đây, Khoa đưa toàn bộ Đảo chìm lên blog của mình. Tôi đã đọc một mạch, thích thú, với nhiều cung bậc cảm xúc nảy sinh...
Về độ dài, nó chỉ già nửa “ Ông già và biển cả “ của Hê-minh-uây. Chuyện cũng phần lớn dựa vào người thật việc thật, ít hư cấu, cứ như thấy gì kể nấy vậy... Dĩ nhiên, cái tài của tác giả là ở giọng văn hóm hỉnh, câu chữ chắt lọc, lựa chọn tình tiết đắt, khắc họa tính cách nhân vật giỏi v.v...
Song, tất cả những cái tài nhỏ ấy, được tác giả nhét trong một cái tài lớn hơn, ấy là nghệ thuật tạo dựng không gian truyện. Hay nói một cách khác,nghệ thuật tạo dựng không gian truyện một cách tài tình bao chùm lên hết thảy.
Theo tôi, Đảo chìm , đồng thời có ba không gian khác nhau.
Thứ nhất, một không gian chật hẹp đến nghẹt thở ( chẳng mấy khác với người sống trong hầm bí mật ), ấy là “cái lều bạt” chốt chặt, chung chiêng phía bên trên đảo chìm san hô ( cũng có thể xem cả con tàu neo bên ngoài, mà hằng ngày phải lượn tuần tra trong phạm vi của mình, và mỗi khi có gió bão, phải nhổ neo, nương theo sóng gió, chạy tránh loanh quanh, bởi thực chất, nó là một cái lều bạt di động ).
Thứ hai, ấy là một không gian mênh mông như vô tận của trời biển, hàm chứa trong lòng đầy huyền bí, vừa hiền dịu quyến rũ, vừa hung dữ bất kham... Và trong cái không gian mênh mông bất tận ấy, cái không gian lều bạt ( cả con tàu nữa ) chỉ như một hạt bụi lửng lơ...
Thứ ba, đó là không gian ảo. Cái không gian này, lúc bé xíu lúc khổng lồ, khi gần khi xa, lúc mơ mộng dịu dàng khi rờn rợn ma quái, thực mà ảo ...
Ấy bởi, nó chỉ tồn tại trong ý nghĩ của mỗi nhân vật .
Cả ba không gian ấy, lúc đồng dạng phối cảnh, khi xâm lấn nhau, hòa quện vào nhau. Trong  bối cảnh như vậy, tất thảy các nhân vật, con người thì từ anh lính trơn đến vị tư lệnh quân chủng; con vật  thì những chim biển, cá mập, con lợn ; vật dụng thì những lều bạt, con tàu , vũ khí, cuốc xẻng, lưới câu, tư trang quần áo đều sống động ( có hồn ), suy nghĩ, hành xử, vận động theo lô-gic của mình.
Và chính, tạo dựng được một không gian nghệ thuật như vậy, nên mọi ý nghĩ, hành động, tính cách, tình huống, tình tiết truyện ( có khi phi lý ) song đều chấp nhận được, trở nên có lý có tình... Ví như, chim biển và cá mập thì như người, như ma quái; con lợn cũng như người, như yêu tinh; còn con người thì nhanh chóng “ mất hơi người “, có lúc như chim, khi như cá, lại có khi như lợn, như người nguyên thủy ( Hai Ùm hay trần truồng ), và khi chỉ là " một chiếc linh hồn nhỏ " ... ( phần kết, sau khi Hai Ùm chết, hồn anh như nhập vào một con chim biển khổng lồ, gù gù dáng người trong lều bạt, khiến đồng đội tưởng anh vẫn còn sống )... Tất thảy, kết thành một khối, cô độc mà lại hòa đồng, bi hài và kiêu hãnh, cùng nhau bảo vệ một thực tại khắc nghiệt và ngợp trong một lý tưởng còn vời vợi ở phía tương lai...
Cũng chính vì tạo dựng được một không gian nghệ thuật như thế, Đảo chìm, không giống hiện sinh kiểu Phương Tây, cũng chẳng phải “ hiện thực huyền ảo “ kiểu Mỹ-la-tinh. Đó là thứ hiện thực lãng mạn, pha chút “ Liêu trai “ phương Đông.
Theo thiển nghĩ của tôi, Đảo chìm là một tác phẩm đặc sắc trong văn học hiện đại ở nước ta, mà thành công về mặt nghệ thuật của nó, hơn cả, chính là nghệ thuật tạo dựng không gian truyện.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.06.2011 10:08:04 bởi tamvanvov >
#1
    tamvanvov 13.08.2011 10:18:34 (permalink)
    Kính gửi các điều hành viên.
     
    Kính mong các điều hành viên chuyển tiểu luận này vào thư mục của tác giả ( Nguyễn Chu Nhạc ) đã có trong Thư viện ( Sách truyện ).
     
    Chân thành cảm ơn.
     
     
     
    #2
      tamvanvov 08.10.2011 10:20:09 (permalink)
                                                                                          MẤY LỜI MỞ SÁCH
       
                                          ( Tựa tập thơ CHÚT THU của Nguyễn Chu Nhạc NXB Văn Học 2011 )
       
                                                                                                TRẦN ĐĂNG KHOA
       
       
       
                Nguyễn Chu Nhạc là cây bút đa tài. Anh từng đoạt Giải Nhất trong cuộc thi sáng tác Truyện ngắn, do Hội Nhà văn kết hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Anh cũng đã là tác giả của 7 cuốn sách đề huề, dày dặn, bao gồm ở tất cả các thể loại: Truyện ngắn, Bút ký, Phóng sự, Tản văn, Phê bình Lý luận văn học… Nhưng anh vẫn luôn đau đáu với thơ.
      Nguyễn Chu Nhạc đến với văn chương bắt đầu từ thơ. Anh làm thơ rất sớm. Nguyễn Chu Nhạc là bạn học của tôi, cũng cầm bút cùng thời với tôi. Nghĩa là anh đã có thơ khi còn là một cậu học trò ở một mái trường quê, từ những năm 60, 70 của …thế kỷ trước. Những năm ấy, đất nước mù mịt bom đạn. Đời sống vật chất vô cùng thiếu thốn, khó khăn, nhưng trong cõi tâm hồn của mỗi người lại rất giàu có, phong phú. Bởi thế, những năm ấy, bọn “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” chúng tôi có thể cậm cạch đạp xe, vượt qua hàng trăm cây số bom đạn, tìm đến nhà nhau, chỉ để đọc cho nhau nghe một bài thơ vừa mới sáng tác. Một người mê thơ, say đắm thơ như thế, bây giờ mới cho ra đời tập thơ đầu tiên, sau 7 tập văn xuôi đã xuất bản, đủ biết Nguyễn Chu Nhạc cẩn trọng với thơ ca đến mức như thế nào.
      Tập thơ “Chút thu” mà bạn đang có trên tay đây, có thể xem như tuyển tập thơ của cả một đời Nguyễn Chu Nhạc, cho đến nay. Đọc thơ anh, tôi luôn thấy thấp thoáng sau những con chữ là hình bóng của một ông đồ. Không phải ông đồ khăn xếp áo the với cây bút lông xưa cũ trong thơ Vũ Đình Liên, mà rất hiện đại với com-lê, cà-vạt và cả dàn vi tính trong tay. Một con người hiện đại như thế, nhưng lại là một ông đồ. Không chỉ có tâm hồn rất trong mà thơ anh còn rất chỉn chu. Anh tung phá mà vẫn mực thước. Tếu nhộn mà không sàm sỡ. Mơ mộng mà vẫn tỉnh táo. Giận hờn mà lại tin yêu. Vầng mặt trời giữa ngọ, rọi chiếu qua tâm hồn các thi sĩ khác có thể nồng oi và chói gắt, nhưng đến với Nguyễn Chu Nhạc thì đã thành một vành trăng thu dịu êm, thậm chí chỉ là trăng suông, nên nhiều khi ta còn không nhìn thấy trăng. Và ta như đi trong chiêm bao. Buông quanh ta là một bầu không gian bàng bạc, hư ảo. Không biết đó là ánh sáng hắt xuống từ trời mây, hay tỏa lên từ sông nước, hoa cỏ? 
      Chính khả năng thẩm thơ của một nhà phê bình sắc sảo đã giúp Nguyễn Chu Nhạc khá đắc địa trong việc sáng tạo thi ca. Thơ anh dào dạt mà vẫn chặt chẽ, vững chãi và tinh tế. Hình như những gì tinh tuý nhất của Nguyễn Chu Nhạc đều có ở đây. Tập tuyển cho ta thấy một bút lực phong phú trên nhiều mảng đề tài. Nguyễn Chu Nhạc là cây bút thông minh. Chính sự thông minh này đã làm cho những con chữ của anh dù rất giản dị mà không nhạt. Mặc dù xét về mặt hình thức, Nguyễn Chu Nhạc  không có đóng góp gì đáng kể. Anh không cách tân thơ một cách cực đoan. Thơ Nguyễn Chu Nhạc vẫn viết theo lối truyền thống, cổ điển, vần điệu chỉn chu. Hình thức thơ, suy cho cùng cũng chẳng phải quan trọng, vì nó chả có giá trị gì nếu như thơ không hay. Khi thơ đã đạt đến độ hay rồi thì người đọc chẳng ai còn để ý đến hình thức nữa, thậm chí người ta cũng quên luôn cả những con chữ. Nói như Vũ Quần Phương: “Gặp thơ rồi thì quên chữ, quên câu”.
      Tuy không quan tâm lắm đến việc cách tân hình thức, nhưng mỗi bài thơ, Nguyễn Chu Nhạc lại viết theo một kiểu riêng. Có bài chỉ mấy nét bâng quơ, chấm phá. Có bài đề huề như một Trường ca, dù lượng chữ không dài, nhưng vẫn dựng được nhân vật, số phận của nhân vật. Đằng sau nỗi dang dở của mối tình quê, kiếp đời quê là một thời đại đau thương và bi tráng. Và đặc biệt, cũng có bài là thể thơ truyền thống cổ điển, nhưng anh lại ngắt nhịp, dựng thành hình khối khác, âm hưởng khác. Chứng tỏ, Nguyễn Chu Nhạc rất có ý thức trong việc làm mới mình, làm đa dạng mình, để tránh cho bạn đọc cái cảm giác đều đều, nhạt tẻ khi đi trong cõi thơ anh.
                Thi sĩ Xuân Diệu rất có lý khi ông cho rằng, thơ ca luôn tuân theo quy luật đào thải của tự nhiên. Thưởng thức thơ ca cũng giống như người đi chợ chọn vịt. Có con vịt trông bên ngoài xồm xoàm, ta cứ tưởng béo lắm, nhưng khi vặt hết lông rồi, mới hay nó gày nhẳng và bé quắt như nắm tay trẻ con. Ngược lại, có con vịt gày teo, nhưng bỏ hết lông đi, lại thấy nó to xù, múp míp. Hoá ra đấy mới đúng là con vịt béo, nhưng vì lông ướt, do bị bết nước, nên thoáng nhìn, ta không thể nhận ra giá trị thực của nó. Thời gian chính là người vặt lông vịt. Nó cứ im lặng mà tỉnh táo, khách quan, định đoạt lại hết tất cả mọi giá trị ở đời. Cũng theo Xuân Diệu, một tác phẩm nào “thọ” được 50 năm, thì nó có thể vĩnh cửu, vì có khả năng tránh được nạn ô xi hoá của thời gian. Tất nhiên, đó là cách tính của Xuân Diệu, ở thời Xuân Diệu, khi tư duy vẫn còn trì trệ. Bây giờ, trong thời đại mới của chúng ta, với tốc độ phát triển của tư duy như bão lốc, những giá trị giả tàn lụi rất nhanh. Bởi vậy, không cần chờ đến nửa thế kỷ, theo cái thước cũ của Xuân Diệu, một tác phẩm nào sống được đến dăm năm, thì có thể xem như nó đã vĩnh cửu.
                Những bài thơ của Nguyễn Chu Nhạc viết từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tính đến nay, nó đã có tuổi thọ không phải dăm năm, mà gần nửa thế kỷ rồi, vậy mà đọc vẫn không thấy lạc lõng, ấu trĩ. Đó là một cố gắng rất đáng ghi nhận của anh.
      Nguyễn Chu Nhạc đã là tác giả của nhiều cuốn sách. Trước “Chút thu”, anh còn có bao nhiêu Mùa Xuân, Mùa Đông, Mùa Hạ. Nhưng đấy là những mùa vụ anh dành cho mọi người, dâng hiến mọi người, còn “Chút thu” này, anh chỉ dành cho riêng anh, viết cho chính anh thôi. Đây không chỉ là thơ, mà là chính cuộc đời anh, là số phận của anh bày lên trang giấy. Có những bài như trang nhật ký, là những khoảnh khắc, những tâm sự rất riêng tư của anh, cũng không ít bài thù tạc, tưởng như anh viết chơi để tặng bạn bè. Ta thấy thấp thoáng sau những con chữ là những gương mặt thương yêu, cả hình bóng một người con gái rất gần gũi đấy mà đã hóa thành ảo ảnh. Rồi cơn mưa Miền Trung, một cung đương Tây Bắc, phiên chợ vùng cao, rồi Điện Biên, Viêng chăn… Bao nhiêu vùng đất. Một thoáng chung chiêng sau đèn đỏ. Những giây phút một một mình chống lại cả sự cô độc. Niềm thương nhớ vợ con nơi cuối đất cùng trời. Rồi kiếp người dâu bể, những thế thái nhân tình. Nhiều chuyện rất vặt vãnh, không ai nghĩ đến việc làm thơ, bởi không thể thành thơ được, nếu có viết được thì loại thơ ấy cũng rất khó đọc. Vậy mà, Nguyễn Chu Nhạc lại lấy những nỗi vu vơ, không đâu vào đâu ấy làm đề tài cho các sáng tạo của mình. Người đọc lại thấy thương, thấy đồng cảm và lại tìm thấy một phần của đời mình trong đó. Hình như đó là chuyện của chính mình, là những tâm trạng rất thật của mình, ngỡ như Nguyễn Chu Nhạc đang nói hộ mình. Mới hay, khi trải hết lòng mình, đi hết lòng mình một cách chân thực, mình sẽ gặp bạn bè, gặp mọi người và trong khoảnh khắc mong manh may mắn nào đó, có thể còn gặp được cả nhân loại.
      Thông thường, trong đời, người ta chỉ đẹp rực rỡ ở lứa tuổi trẻ trung hoa niên và từng trải lịch lãm khi trở về già. Nguyễn Chu Nhạc lại rực rỡ, sung mãn ở cái tuổi sắp thành Trưởng lão!
      Mừng cho anh.
       
       
       
       
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.10.2011 10:22:29 bởi tamvanvov >
      #3
        tamvanvov 03.12.2012 21:15:02 (permalink)
        Tạp văn Mạc Ngôn

        Chủ bút :

        Nhân sự kiện nhà văn Mạc Ngôn được nhận Nobel Văn chương năm 2012, nhân đọc bài viết của Lão Khoa về "trí thức, trí ngủ ", tôi xin post lại bài tiểu luận này ( bài đã được đưa lên blog Ngẫm & Viết ngày 11.6.2010 và trước đó in trong tập sách " Những người thắp lửa " của tôi, xuất bản năm 2009 ).

        Bạn đọc từng biết đến tiếng tăm của nhà văn Trung Quốc - Mạc Ngôn qua những tiểu thuyết khá nổi tiếng của ông như : Cao lương đỏ, Báu vật của đời, Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ, và gần đây là Tửu quốc, Tổ tiên có màng chân, Sống đọa thác đầy... Song không chỉ có vậy, tạp văn cũng là một thế mạnh, một đặc sắc của Mạc Ngôn.

        Bản thân tạp văn, là một thể loại nửa triết nửa văn, là một cách tu dưỡng tinh thần của các nhà hiền triết, nhà tư tưởng, nhà văn Trung Hoa từ lâu đời. Tự thân nó đã là một đặc sắc Trung Hoa. Viết tạp văn đến độ đặc sắc, khó gấp bội !
        Viết tạp văn, với Mạc Ngôn cũng là một thách thức, bởi trước đó, nền văn học Trung Quốc đã có rất nhiều những nhà văn nổi tiếng đã từng viết tạp văn, cổ thì : Kim Thánh Thán, Mao Tôn Cương, Viên Mai…; kim thì những Lỗ Tấn, Lão Xá, Ba Kim; còn đương thời thì có Vương Sóc, Giả Bình Ao, Vương Mông v.v… Chắc chắn , sẽ có nhiều nhà văn đương đại khác cũng đều thử sức mình ở thể loại tạp văn, ngỡ dễ dàng nhưng thực ra lại vô cùng khó này…
        Không rõ là khi viết tạp văn, Mạc Ngôn có chịu ảnh hưởng gì các bậc tiền bối và cả bạn văn cùng thời với mình không, song chắc chắn một điều, Mạc Ngôn đã sáng tạo ra một sắc thái tạp văn rất Mạc Ngôn. Điều ấy có nghĩa là nó không bị nhòa lẫn vào ai và về cách nghĩ cùng bút pháp khá nhất quán với một Mạc Ngôn tiểu thuyết.
        Trở lại với tuyển tập tạp văn Mạc Ngôn, với 25 thiên tạp văn, tùy bút, ta có thể thấy rõ có mấy mảng đề tài, chủ đề lớn, đó là về quê hương, về sở thích, về mộng văn chương cùng bóng dáng các văn nghệ sĩ và những tản mạn khác.
        Theo tôi, sâu đậm nhất và hay nhất là phần về quê hương. Trong mảng đề tài này, thì ngoài những kỷ niệm thời ấu thơ cùng con người và cảnh sắc vùng quê ( như Bức tường biết hát, Tắm nước nóng, Chó,chim và ngựa , Chuyện cũ quê hương), ấn tượng hơn cả lại nằm trong những trang viết về cái đói và miếng ăn, chẳng hạn như : Chuyện miếng ăn, Chuyện mộc tồn, Mười hai thiên tạp cảm…Ở đây, Mạc Ngôn đưa người đọc trở về đầu những năm 60 của thế kỷ 20, khi ấy kinh tế Trung Quốc còn rất khó khăn, và nó lại càng khốn khó hơn với vùng quê của tác giả-vùng Cao Mật, Sơn Đông thuộc đông bắc Trung Quốc sau mấy năm thiên tai, mất mùa liền. Sơn Đông vốn là một vùng địa linh nhân kiệt nổi tiếng, xưa kia vào thời Đông Chu liệt quốc thuộc Lỗ Tề, quê hương của nhà tư tưởng vĩ đại vào hàng bậc nhất Trung Quốc và thế giới, đó là Khổng Tử. Vùng đất địa linh nhân kiệt này kề biển lớn, có núi Thái Sơn, một ngọn núi nổi tiếng còn hơn cả Khổng Tử. Một vùng đất hội tụ sự kiệt hiệt của cả Thiên-Địa-Nhân, ấy vậy mà lại đói. Đói khủng khiếp. Cao Mật quê của Mạc Ngôn đói lay đói lắt, đói rạc đói dài. Với cái đói, người bình thường đã khổ, với kẻ phàm ăn như Mạc Ngôn thì không biết khổ đến mức nào ? Dưới cái nhìn của những người dân quê đói kém, qua con mắt thèm thuồng của đứa trẻ phàm ăn là Mạc Ngôn, đến thứ rong rêu cỏ rả mà bình thường thì ngựa cũng chê, bỗng trở thành thứ rau ngon cứu đói. Đọc những dòng Mạc Ngôn viết tuyệt hay về cái đói, và miếng ăn cho vào miệng, tôi chợt ngộ ra ý nghĩa sâu xa của bức đại tự ở nhà thờ tổ một dòng họ nọ : " Thủy hữu dĩ ". Vậy nghĩa lý ra làm sao ? Thì ra, nguồn cội của bức đại tự ấy được lấy từ Kinh Thi. Trong Kinh Thi, quyển Hạ, phần Đại Nhã, bài số 250 là Văn vương hữu thanh có 6 chương đều ca ngợi công đức của Văn Vương, Vũ Vương nhà Chu. Chương thứ 6 theo thể hứng, nguyên văn là: "Phong thủy hữu dĩ/ Vũ vương khởi bất sĩ?/ Di quyết tôn mưu/ Dĩ yến dực tử/ Vũ vương chưng tai !" , dịch nghĩa là: Sông Phong có cỏ dĩ. Vũ vương há lại không có công việc để lo lắng hay sao? Truyền một mưu kế lâu dài cho cháu. Để con được yên ổn hiếu kính. Vũ vương đáng là bậc làm vua thay. Ở đây, chữ dĩ ( có bộ thảo đầu ) được chú giải là một loại cỏ rong, cỏ thơm, bình thường dùng làm thức ăn cho gia súc, song gặp khi giáp hạt, đói kém thì con người có thể ăn thay rau cũng đỡ xót dạ. Nó quan trọng ở việc có thể làm thức ăn cứu người. Ấy là sự lo lắng cái đói mà phòng cơ tích cốc, tích cái ăn được, nghĩa sâu xa được hiểu như lời căn dặn con người ta luôn phải tính kế sinh nhai lâu dài, lo cho có nghề có nghiệp, lo mà dạy con cháu biết kiệm ước, chuyên cần ... Rất có thể , từ xa xưa, chính những người nông dân vùng Cao Mật, Sơn Đông ấy đã sáng tác ra những bài ca dao như thế ? Ấy là tôi cứ liên tưởng và suy diễn thế thôi. Ở xứ nào cũng vậy, cái đói làm cho người ta khốn khổ, song cũng làm người ta sinh động hẳn lên. Ở xứ ta, Nam Cao và Ngô Tất Tố cũng đã viết rất tuyệt về cái đói đấy sao ! Ôi cái sự lo xa của người xưa ! Lo đi lo lại, lo lớn lo bé, loanh quanh rồi cũng quay về miếng ăn cả. Thế mới thấu hiểu đạo lý " Dân dĩ thực vi thiên ". Phần lớn sự thất đức, tội ác ở đời đều từ miếng ăn mà ra cả ?!
        Bằng lối viết tự sự, dí dỏm xen lẫn trữ tình, bi hài chen lấn nhau, Mạc Ngôn đã đưa người đọc đi từ những chuyện vụn vặt, những điều bình thường ở mức tận cùng của nó, với đầy bất ngờ, để rồi bật lên vẻ đẹp, cái cao thượng và sự trong sáng của con người.
        Phần về sở thích có các tạp văn : Tôi và âm nhạc, Tôi và rượu, Tôi và cừu, Giấc mộng đại học của tôi, Đọc sách tuổi ấu thơ …đó là những dòng tự sự vừa thủ thỉ cam chịu, lại vừa tung hoành và đầy rẫy những khát khao chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức, cùng đam mê đến cháy lòng những điều bình thường, giản dị !...
        Ở phần viết về văn chương và các văn nghệ sĩ, ta lại thấy một Mạc Ngôn chững chạc, lọc lõi và hơi kẻ cả, nó khác hẳn với một Mạc Ngôn dại khôn, khôn dại và đam mê ở những trang viết kia. Phần viết này đánh dấu một chặng đời trưởng thành và thành đạt, một chặng đường văn chương thể hiện sự vượt trội của Mạc Ngôn trên văn đàn Trung Quốc và thế giới sau những bứt phá không biết mệt mỏi và có gì đó hơi rồ dại.
        Nói tóm lại, đọc Mạc Ngôn tạp văn, ta thấy rõ thêm một Mạc Ngôn đa tài và giàu cá tính. Người ta đồ rằng, Mạc Ngôn sẽ tiến xa hơn nữa trên con đường văn chương. Thậm chí, có người đánh bạo mà đưa ra nhận định, rằng cái đích sẽ phải tới trong sự nghiệp văn chương của Mạc Ngôn là Nobel văn học. Sau Cao Hành Kiện với Linh Sơn, rất có thể cái tên tiếp theo sẽ là Mạc Ngôn. Song trước hết, và có lẽ quan trọng hơn, cái đích mong muốn chính là sự mến mộ, là tấm lòng của đông đảo bạn đọc trên khắp thế giới dành cho Mạc Ngôn !...

        <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.10.2013 17:36:43 bởi tamvanvov >
        #4
          tamvanvov 27.07.2013 18:02:59 (permalink)
          Với Thi Tiên Lý Bạch, 
          cuộc đời là giấc mộng lớn.

          Nói đến Đường thi-đỉnh cao của nền thi ca Trung Hoa và nhân loại nói chung, người ta không thể không nhắc đến Tứ trụ, đó là Lý Bạch-Bạch Cư Dị-Đỗ Phủ-Vương Duy. Trong cuộc đời mình, cả 4 vị này đều từng làm quan, lớn nhỏ khác nhau. Và người đời sau tôn xưng : Thi Tiên-Lý Bạch, Thi Thánh-Đỗ Phủ, Thi Phật-Vương Duy. Cả 3 vị này sống cùng thời Thịnh Đường, riêng Bạch Cư Dị sống sau-thời Vãn Đường.

          Trong số đó, 3 vị Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy chịu ảnh hưởng của Nho-Phật, riêng Lý Bạch lại là Nho-Đạo giáo, nghĩa là ông thi thư theo Nho giáo, song lại nghiêng về Lão Trang, thích ngao du thưởng ngoạn, tu tiên...
          Hiểu chung về Lý Bạch là vậy, song cuộc đời ông lắm truân chuyên, quan trường đã trải, tù tội cũng từng...
          Lý Bạch, tự Thái Bạch ( 701-762), gốc gác mãi vùng Lũng Tây ( nay thuộc tỉnh Cam Túc ), đến đời nhà Tùy, thì tổ tiên rời đến sinh sống tại đất Ba Thục ( nay là tỉnh Tứ Xuyên ). Làng quê ông có tên là Thanh Liên, vì thế, ông lấy hiệu là Thanh Liên cư sĩ.
          Từ năm 25 tuổi, ông bất đầu ngao du khắp chốn, mong được thi thố tài năng, song mãi đến năm 42 tuổi mới được người quen tiến cử vào kinh đô Tràng An. Vua Đường Huyền Tông phục tài năng của Lý Bạch, song lại không mấy ưa tính tình phóng khoang, ngạo mạn, không câu nệ trên dưới của ông, nên chỉ coi là thanh khách, dùng để xướng họa thơ phú làm vui. Vì thế, ông sinh chán ngán, bỏ triều mà dấn vào cuộc đời phiêu lãng, thù tạc, say sưa tửu nguyệt, thi họa làm vui...
          Về cuộc đời riêng tư, ông lấy 2 người vợ ; Họ Hứa - họ Tống, đều là con cháu nội tộc của 2 vị quan đầu triều Đường ( họ Hứa - họ Tống )- Cả hai lần lấy vợ, Lý Bạch đều ở rể ( quan niệm cũ, ai ở rể đều bị coi thường ), song ông không quan tâm, câu nệ.
          Loạn An Lộc Sơn và Sử Tư Minh xảy ra, ông theo phù hoàng tử Lý Lân. Khi ấy, vua Đường Huyền Tôn bỏ kinh đô Tràng An, chạy loạn vào Ba Thục. Thái tử Lý Hanh lên ngôi vua, phong cha là Huyền Tôn làm Thái thượng hoàng, liền xảy ra mâu thuẫn giữa Lý Hanh và Lý Lân. Lý Bạch xung quân đội của Lý Lân. Lý Lân thua, quân đội của Lý Lân bị bắt và giết chết hết, tan rã. Lý Bạch cũng bị bắt. Do công lao và tài cán, nên vua Đường-Lý Hanh không giết, chỉ cho hạ ngục Lý Bạch. Sau nhân xảy ra hạn hán, vua Đường ( Lý Hanh ) đại ân xá cho tù nhân, Lý Bạch mới được thả.
          Ông về sống ở tỉnh Giang Tô, sau bị ốm rồi chết. Ông có nhờ cạy người chú làm quan , soạn tập thơ Thảo Đường, đấy cũng là tập thơ đầu tiên của Lý Bạch được in ấn.
          Hiện lăng mộ Lý Bạch ở chân núi Thanh ( thuộc tỉnh Giang Tô ). Về cái chết của ông, cũng lắm giai thoại, ý kiến khác nhau. Xét theo tiểu sử, nhiều người cho rằng ông chết do bệnh tật ( phiêu bạt, say sưa quanh năm suốt tháng, bản thân lại bị tù tội ). Còn thiên hạ yêu thơ, thì lại thiên về giai thoại, ông chết đuối, do một lần đi thuyền đêm trên sông, quá say sưa, nhảy xuống sông vớt bóng trăng dưới nước mà chết. Quả là, cái chết thi-tửu-nguyệt ấy của Lý Bạch thật đẹp ( nếu đúng là sự thật )?
          Xuất phát từ cá tính, cuộc đời chìm nổi, theo quan niệm Lão Trang, đam mê tửu nguyệt, ngâm vịnh, thích ngao du thưởng ngoạn, nên việc Lý Bạch coi- cuộc đời là giấc mộng lớn-là hợp lý hợp tình. Không riêng gì ở bài thơ " Xuân nhật túy khởi ngôn chí ", mà trong các bài thơ nổi tiếng khác về tửu nguyệt ( như : Tương Tiến tửu, Đối tửu, Xuân nhật độc chước, Nguyệt hạ độc chước v.v... ), ông đều bộc lộ quan niệm này. Quan niệm đó, chi phối ý nghĩ, cách đối nhân xử thế, tư tưởng, cuộc đời và thi ca của ông.
          Và như vậy, nó trở thành nhân sinh quan của Lý Bạch.
           
          #5
            tamvanvov 22.09.2013 16:24:15 (permalink)
            Cảm hoài của Đặng Dung 

            Chủ bút : Mới đây, có một cuộc hội ngộ mấy anh em báo chí thơ văn chúng tôi bao gồm Trần Đăng Khoa, Phạm Công Trứ, Nguyễn Trọng Huân, Trịnh Bá Ninh ( Phó TBT Báo Nông nghiệp VN ) và tôi, nhân mừng nhà thơ Phạm Công Trứ ( tiến sĩ Luật học ) được tặng thưởng về đề tài Nông thôn nông nghiệp. Lúc mạn đàm, nhà thơ Phạm Công Trứ cao hứng cho rằng, bài thơ Cảm hoài của Đặng Dung là bài thơ hay nhất làng thơ Việt tự cổ chí kim. Cá nhân tôi, không dám chắc " như đinh đóng cột " kiểu Phạm thi sĩ, song cũng đồng tình cho rằng, đây là một trong diện ít bài thơ hay bậc nhất của làng thi ca Việt cổ kim. Nó hay, bởi tự thân ý tứ ngôn từ nhịp điệu, còn ở thời cuộc ra đời và thân thế sự nghiệp của tác giả Đặng Dung...
            Lịch sử, cho thấy, vào đầu thế kỷ 15, thời Hậu Trần, nước ta bị nhà Minh xâm lược, vua Trần là Giản Định đế ( Trần Ngỗi ) yếu kém, vì nghi ngờ nên cho giêt hai vị tướng tài là Đặng Tất ( thân sinh của Đặng Dung ) và Nguyễn Cảnh Chân ( thân sinh của Nguyễn Cảnh Dị ). Để chống quân Minh, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đã phế Giản Định đế, lập Trần Quý Khoáng ( Trùng Quang đế ) lên thay, cùng với các tướng Nguyễn Súy, Nguyễn Biểu, phò vua mới chống giặc ngoại xâm. Cuộc kháng chiến tuy thất bại, vua tôi nhà Hậu Trần bị bắt và tuẫn tiết, song tấm gương vì nước của các vị được sử sách ghi công, hậu thế lưu truyền. Bài thơ Cảm hoài của Đặng Dung ( bài thơ duy nhất của ông còn đến ngày nay ) ra đời trong hoàn cảnh như vậy...
            Hiện có rất nhiều bản dịch thơ bài thơ này, song chỉ nêu ra đây bản của mấy bậc túc nho làng thơ Việt. Mong mọi ngươì cùng chung dịch :



            Thế sự du du nại lão hà,
            Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
            Thời lai đồ điếu thành công dị,
            Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
            Trí chúa hữu hoài phù địa trục,
            Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
            Quốc thù vị báo, đầu tiên bạch,
            Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma.

            Dịch nghĩa : 

            Ở đời còn bao nhiêu việc mà ta đã già mất rồi
            Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rươụ hát ca
            Khi gặp thời thì kẻ đồ tể, ngươì câu cá cũng nên công trạng
            Lờ thời vận, đến bậc anh hùng cũng đành nuốt hận
            Phò giúp chúa, những mong xoay chuyển cả địa trục
            Rửa vũ khí sẵn lòng lôi cả sông trời xuống
            Thù nước còn chưa trả được, mái đầu đã bạc trắng
            Đành bao lần mang gươm báu ra mài dưới bóng trăng.
            Bản dịch của Phan Kế Bính

            Việc đời bối rối tuổi già vay, 
            Trời đất vô cùng một cuộc say.
            Bần tiện gặp thời lên cũng dễ, 
            Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay. 
            Vai khiêng trái đất mong phò chúa, 
            Giáp gột sông trời khó vạch mây.
            Thù trả chưa xong đầu đã bạc, 
            Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

            Bản dịch của Tản Đà 
            Việc đời man mác, tuổi già thôi!
            Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi.
            Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,
            Tan tành sự thế luống cay ai!
            Phò vua bụng những mong xoay đất,
            Gột giáp sông kia khó vạch trời.
            Đầu bạc giang san thù chửa trả,
            Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.  
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.09.2013 16:25:48 bởi tamvanvov >
            #6
              tamvanvov 30.11.2013 17:09:11 (permalink)
              Thu giang tống khách

              Chủ bút: 
              Đầu hạ vừa rồi, tôi đi công tác miền Đông Bắc, trên đường có ghé thăm họa sĩ Đặng Đình Nguyễn. Nhà anh thuộc khu vực một vùng đất nằm giữa ngã ba sông. Trước đây, muốn ra vùng đất này, phải đi đò từ thị xã Quảng Yên sang, nay có cây cầu cứng nên giao thông thuận tiện. Đặng Đình Nguyễn tâm sự, cả tuổi thơ và thời thanh niên của mình, anh luôn ám ảnh bởi tiếng gọi đò, nhất là vào những buổi chiều đống tháng giá. Giờ đây, lâu lâu trong giấc ngủ, tiềm thức vẫn thảng thốt tiếng gọi đò. Với riêng mình, mấy tháng qua, tôi liên miên với những chuyến công tác dọc miền Trung, miền Đông Nam Bộ và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long... Mùa mưa, nước nổi, sông suối chứa chan. Mỗi khi băng qua một cây cầu, lặng nhìn dòng nước cuộn chảy, xa xa là những con đò chơi vơi trên sông nước, tôi lại nhớ đến tâm sự của Đặng Đình Nguyễn về tiếng gọi đò khuya sớm... Hình như, mỗi khúc sông, bến đò trên mặt đất này, dù Đông Tây, Nam Bắc, đâu cũng gắn với những mối tình đánh mất, gắn với những cuộc chia tay, tiễn đưa lưu luyến thì phải ?...
              Lại nhớ, Bạch Cư Dị có bài thơ Thu giang tống khách rất chi là tuyệt hảo... Tuyệt nhất là 2 câu kết " Bất tuý Tầm Dương tửu,/Yên ba sầu sát nhân ". Ôi, thật khổ là rượu muốn uống cho say để quên hết cái sự đời, mà càng uống lại càng tỉnh. Thêm nữa, khói sóng trên sông thì buồn đến chết người... Ừ, mà sao, các bậc tiền nhân thời Đường, cứ bị ám ảnh bởi quang cảnh khói sóng trên sông lúc hoàng hôn thế nhỉ ? Bài thơ Hoàng Hạc lâu, Thôi Hiệu đã chẳng thấm thía, nén nỗi buồn mà bật ra "Yên ba giang thượng sử nhân sầu " ( Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai- Tản Đà dịch ) là gì ?


              Về tiểu sử tóm tắt: "Bạch Cư Dị, chữ Hán: 白居易) (772-846) tự là Lạc Thiên (樂天, hiệu là Hương Sơn cư sĩ là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời nhà Đường. Tác phẩm nổi tiếng của Bạch Cư Dị ở Việt Nam có lẽ là bài Tỳ bà hành, Trường Hận Ca. Danh tiếng của ông ngang với Lý Bạch (701-762), Đỗ Phủ (712-770) và Vương Duy ( 701-761 )... Tổ tiên ông là người gốc Thái Nguyên, Sơn Tây, sau di cư tới huyện Vị Nam, Thiểm Tây. Ông là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Đối với một số người yêu thơ văn thì người ta chỉ xếp ông sau Lý Bạch và Đỗ Phủ. Mười lăm tuổi ông đã bắt đầu làm thơ, thuở nhỏ nhà nghèo, ở thôn quê, đã am tường nỗi vất vả của người lao động. Năm Trinh Nguyên thứ 16 (năm 800), ông thi đỗ tiến sĩ được bổ làm quan trong triều, giữ chức Tả thập di. Do mâu thuẫn với tể tướng Lý Lâm Phủ, ông chuyển sang làm Hộ Tào tham quân ở Kinh Triệu. Năm Nguyên Hòa thứ 10 (815), do hạch tội việc tể tướng Vũ Nguyên Hành bị hành thích và ngự sử Bùi Độ bị hành hung, nhóm quyền thần cho là ông vượt qua quyền hạn, đày làm tư mã Giang Châu. Giai đoạn từ năm 821 tới năm 824 làm thứ sử Hàng Châu, năm 825 làm thứ sử Tô Châu, sau được triệu về kinh làm Thái Tử thiếu phó. Năm Hội Xương thứ 2 (842) về hưu với hàm thượng thư bộ Hình, sau mất tại Hương Sơn, Lạc Dương. Những năm đầu, ông cùng Nguyên Chuẩn ngâm thơ, uống rượu, được người đời gọi là Nguyên Bạch. Sau này, khi Nguyên Chuẩn mất, lại cùng Lưu Vũ Tích, hợp thành cặp Lưu Bạch...",
              Sau đây là bài " Thu giang tống khách"
              * Nguyên bản tiếng Hán
              秋江送客
              秋鴻次第過,
              哀猿朝夕聞。
              是日孤舟客,
              此地亦離群。
              蒙蒙潤衣雨,
              漠漠冒帆雲。
              不醉潯陽酒,
              煙波愁殺人。
              * Bản âm Hán Việt
              Thu giang tống khách
              Thu hồng thứ đệ quá,
              Ai viên triêu tịch văn.
              Thị nhật cô chu khách,
              Thử địa diệc ly quần.
              Mông mông nhuận y vũ,
              Mạc mạc mạo phàm vân.
              Bất tuý Tầm Dương tửu,
              Yên ba sầu sát nhân.


              * Dịch nghĩa :
              Sông thu tiễn khách
              Mùa thu, chim hồng lần lượt bay qua
              Vượn hôm mai kêu thảm thiết
              Ngày ấy, khách trên thuyền cô quạnh
              Nơi đây cũng là nơi chia lìa

              Mưa ướt thấm dần vào áo
              Mây man mác chắn cánh buồm
              Rượu Tầm Dương ( uống ) mãi chẳng say
              Khói sóng ( thì ) buồn đến chết người

              * Dịch thơ
              Nhạn thu lần lượt bay qua
              Thảm thương tiếng vượn hôm đà lại mai
              Ngày nào một chiếc thuyền ai
              Nước non này cũng chia phôi cánh đàn
              Mưa dầm vạt áo như chan
              Buồm ai man mác mây ngàn đón ngang
              Chẳng say chén rượu Tầm Dương
              Khỏi sao sóng khói sầu thương chết người 

              Tản Đà )
              Thu về, hồng sải cánh,
              Sớm tối vượn nỉ non.
              Ngày nao, con thuyền lẻ,
              Cũng chốn đây chia lìa.
              Mưa dầm dề ướt áo,
              Mây man mác theo buồm.
              Rượu Tầm Dương uống mãi,
              Khói sóng lút sầu thương.

              Ngô Văn Phú )
               
               
              R
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.02.2014 05:05:10 bởi Ct.Ly >
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9