Đảo chìm, nghệ thuật tạo dựng không gian truyện
tamvanvov 11.06.2011 10:06:19 (permalink)
                              Đảo chìm, nghệ thuật tạo dựng không gian truyện
 
                                            ( Đọc tiểu thuyết Đảo chìm của Trần Đăng Khoa )
 
                                                               Tiểu luận của Nguyễn Chu Nhạc


Đảo chìm, tiểu thuyết mi-ni của Trần Đăng Khoa ( theo cách gọi của chính tác giả ), xuất bản đã lâu, gây được tiếng vang và nhanh chóng được tái bản đến vài chục lần. Các nhà phê bình chuyên nghiệp, cùng bạn đọc đã bình phẩm nhiều rồi, những tưởng, chẳng còn biết nói gì ...

Với riêng tôi, đây là lần đầu tiên tôi đọc trọn vẹn cái sản phẩm mi-ni này. Đơn giản, tôi mắc cái bệnh cố hữu, cứ cái gì người ta xúm đông xúm đỏ, thì tôi lại lảng ra, mặc dù, tôi với Trần Đăng Khoa là bạn học trò với nhau, gần chục năm nay lại cùng công sở, ngày gặp nhau dăm bảy lần, trưa hay cùng cơm văn phòng, song phần lớn nói chuyện công việc, đời sống. Thi thoảng chuyện văn chương, thì cũng là tán gẫu, xuất bản miệng, cười xoà rồi cho qua. Quả thực, tôi cũng có đọc một vài trích đoạn và đôi bài phê bình trên báo chí về Đảo chìm. Có lần, tôi thử hỏi Khoa : “ Viết Đảo chìm, ông định làm một “ Ông già và biển cả “ của Việt Nam à ? “. Khoa gật gù. Lần khác, tôi lại đùa : “  Phải chăng, Đảo chìm của ông, na ná Rô-bin-sơn Cru-xô ? “. Khoa cũng chỉ gật gù, tủm tỉm.
Mới đây, Khoa đưa toàn bộ Đảo chìm lên blog của mình. Tôi đã đọc một mạch, thích thú, với nhiều cung bậc cảm xúc nảy sinh...
Về độ dài, nó chỉ già nửa “ Ông già và biển cả “ của Hê-minh-uây. Chuyện cũng phần lớn dựa vào người thật việc thật, ít hư cấu, cứ như thấy gì kể nấy vậy... Dĩ nhiên, cái tài của tác giả là ở giọng văn hóm hỉnh, câu chữ chắt lọc, lựa chọn tình tiết đắt, khắc họa tính cách nhân vật giỏi v.v...
Song, tất cả những cái tài nhỏ ấy, được tác giả nhét trong một cái tài lớn hơn, ấy là nghệ thuật tạo dựng không gian truyện. Hay nói một cách khác,nghệ thuật tạo dựng không gian truyện một cách tài tình bao chùm lên hết thảy.
Theo tôi, Đảo chìm , đồng thời có ba không gian khác nhau.
Thứ nhất, một không gian chật hẹp đến nghẹt thở ( chẳng mấy khác với người sống trong hầm bí mật ), ấy là “cái lều bạt” chốt chặt, chung chiêng phía bên trên đảo chìm san hô ( cũng có thể xem cả con tàu neo bên ngoài, mà hằng ngày phải lượn tuần tra trong phạm vi của mình, và mỗi khi có gió bão, phải nhổ neo, nương theo sóng gió, chạy tránh loanh quanh, bởi thực chất, nó là một cái lều bạt di động ).
Thứ hai, ấy là một không gian mênh mông như vô tận của trời biển, hàm chứa trong lòng đầy huyền bí, vừa hiền dịu quyến rũ, vừa hung dữ bất kham... Và trong cái không gian mênh mông bất tận ấy, cái không gian lều bạt ( cả con tàu nữa ) chỉ như một hạt bụi lửng lơ...
Thứ ba, đó là không gian ảo. Cái không gian này, lúc bé xíu lúc khổng lồ, khi gần khi xa, lúc mơ mộng dịu dàng khi rờn rợn ma quái, thực mà ảo ...
Ấy bởi, nó chỉ tồn tại trong ý nghĩ của mỗi nhân vật .
Cả ba không gian ấy, lúc đồng dạng phối cảnh, khi xâm lấn nhau, hòa quện vào nhau. Trong  bối cảnh như vậy, tất thảy các nhân vật, con người thì từ anh lính trơn đến vị tư lệnh quân chủng; con vật  thì những chim biển, cá mập, con lợn ; vật dụng thì những lều bạt, con tàu , vũ khí, cuốc xẻng, lưới câu, tư trang quần áo đều sống động ( có hồn ), suy nghĩ, hành xử, vận động theo lô-gic của mình.
Và chính, tạo dựng được một không gian nghệ thuật như vậy, nên mọi ý nghĩ, hành động, tính cách, tình huống, tình tiết truyện ( có khi phi lý ) song đều chấp nhận được, trở nên có lý có tình... Ví như, chim biển và cá mập thì như người, như ma quái; con lợn cũng như người, như yêu tinh; còn con người thì nhanh chóng “ mất hơi người “, có lúc như chim, khi như cá, lại có khi như lợn, như người nguyên thủy ( Hai Ùm hay trần truồng ), và khi chỉ là " một chiếc linh hồn nhỏ " ... ( phần kết, sau khi Hai Ùm chết, hồn anh như nhập vào một con chim biển khổng lồ, gù gù dáng người trong lều bạt, khiến đồng đội tưởng anh vẫn còn sống )... Tất thảy, kết thành một khối, cô độc mà lại hòa đồng, bi hài và kiêu hãnh, cùng nhau bảo vệ một thực tại khắc nghiệt và ngợp trong một lý tưởng còn vời vợi ở phía tương lai...
Cũng chính vì tạo dựng được một không gian nghệ thuật như thế, Đảo chìm, không giống hiện sinh kiểu Phương Tây, cũng chẳng phải “ hiện thực huyền ảo “ kiểu Mỹ-la-tinh. Đó là thứ hiện thực lãng mạn, pha chút “ Liêu trai “ phương Đông.
Theo thiển nghĩ của tôi, Đảo chìm là một tác phẩm đặc sắc trong văn học hiện đại ở nước ta, mà thành công về mặt nghệ thuật của nó, hơn cả, chính là nghệ thuật tạo dựng không gian truyện.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.06.2011 10:08:04 bởi tamvanvov >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9