Bệnh Biên Đầu Thống (Nhức một bên đầu)
Ct.Ly 12.06.2011 04:26:52 (permalink)

 



GS BS Vũ Quí Đài

(Nguyên Khoa Trưởng Đại Học Y Khoa Sài Gòn)

Trong sử ta có chép chúa Trịnh Giang (cuối đời họ Trịnh), bị chứng nhức đầu hành, phải xây một căn hầm tối để mỗi lần lên cơn nhức đầu thì xuống đó tránh ánh sáng và tiếng động.
Xem chừng có vẻ ông chúa này bị chứng "nhức một bên đầu" (migraine) đại từ điển Anh Hán gọi là biên đầu thống.

Theo đúng bài bản, thì chứng nhức đầu được gọi là migraine, phải gồm có ba hoặc bốn yếu tố sau:

• cơn nhức đầu kéo dài từ 4 đến 72 giờ
• nhức kiểu giựt giựt
• phải là nhức đầu đáng kể (gọi là vừa phải, hoặc nhức lắm lắm), chứ không phải nhức đầu sơ sơ
• nhức một bên đầu
• làm việc mệt nhọc bị nặng hơn lên
• buồn nôn, ói mửa, có khi mắt nhìn bị mờ 
• sợ ánh sáng, tiếng động hay là mùi gì mạnh

Nhức một bên đầu không phải là hiếm lắm, nhưng phần đông ta không phân biệt nó như một loại riêng, thường chỉ than là bị nhức đầu. Nước Mỹ thì cái gì cũng có thống kê thành con số hẳn hoi. Trên đất Mỹ, có 24 triệu người bị biên đầu thống. Bệnh thường khởi phát từ lúc còn trẻ, 12, 13 tuổi, cho tới khoảng tuổi 40, nhưng một đôi khi cũng khởi sự sớm hoặc trễ hơn. Phái nữ bị nhiều hơn phái nam. Những người bị bệnh này, về già thì bệnh có vẻ bớt đi, có khi hết hẳn. Chừng phân nửa bệnh nhân có người trong gia đình cùng một bệnh.

Nguyên nhân


Nguyên nhân vì đâu mà sinh chứng nhức một bên đầu thì chưa được rõ.
Người ta thấy cơn nhức đầu có liên hệ với vụ các nhánh của một động mạch (ở cổ chạy lên đầu) nở lớn và bóp mạnh, còn một số triệu chứng khác thì trái lại, là liên quan đén sự co nhỏ lại của các nhánh một động mạch khác (cũng từ cổ chạy lên đầu).

Những thay đổi của các động mạch đã lộn xộn khó hiểu như vậy, lại còn điều không rõ là các xáo trộn đó không biết là "nhân" hay "quả" của chứng biên đầu thống.

Còn một thuyết nữa cho là có thay đổi về giòng điện các tế bào não, sinh ra một thứ viêm, làm cho giây thần kinh bị kích thích.
Ngoài ra, cũng có thể có vai trò của chất serotonin, có liên quan đến tình trạng vui buồn căng thẳng hay thoải mái của người ta.

Những gì làm cơn nhức đầu bộc phát?

Nguyên nhân thì không rõ, nhưng có nhiều điều làm cơn nhức đầu bộc phát, khác nhau tùy người.

• chất nội tiết estrogen là một tác nhân quan trọng. Có thể vì vậy mà phái nữ bị bệnh nhiều hơn phái nam tới ba lần. Ở tuổi dậy thì, tỉ số đó còn cao hơn nữa. Thời gian sắp tắt kinh, bệnh rất khó trị. Thuốc ngừa thai (trong công thức có estrogen), và thuốc estrogen dùng cho tuổi hết kinh làm cho bệnh nặng thêm.
• bị mất ngủ
• bị đói
• thời tiết thay đổi
• bị mệt nhọc hay đầu óc căng thẳng
• có người bị khi ăn một thứ gì đặc biệt ( thí dụ ăn sô cô la là lên cơn nhức đầu)
• dùng thuốc Viagra cũng có thể lên cơn nhức đầu

Triệu chứng


Có khi cơn nhức đầu từ từ nặng dần không có dấu hiệu gì báo trước. Có người trước khi lên cơn, cảm thấy khó chịu bứt rứt, hoặc là buồn bã uể oải. Một số bệnh nhân qua một giai đoạn chừng mươi phút nửa giờ, gọi là giai đoạn báo hiệu, trước khi lên cơn nhức đầu. Trong giai đoạn này, có người bị hoa mắt hay là mắt thấy lóe chớp sáng, có người tự nhiên nói ngọng nghịu, cũng có khi tay chân tê tê hay một phần cảm thấy yếu xìu.

Kiểu cách nhức đầu của từng bệnh nhân thì thường là lần nào cũng một kiểu, có điều có khi đau bên phải, có khi đau bên trái không nhất định. Cũng có khi đau hết cả đầu (tuy là tên bệnh, thì vẫn được gọi theo bài bản là chứng nhức một bên đầu, vì cách chữa vẫn như vậy). Thường thì đau nhức giựt giựt khó chịu làm gì cũng không được, chỉ muốn nằm yên trong phòng tối mà chịu trận.
Có khi buồn nôn ói mửa, mắt mờ. Lâu lâu có người ù tai chóng mặt đi không vững, ù tai, đau giựt ở sau ót. Lại cũng có người bị đau ngay tròng mắt, nhìn một hóa hai. Các triệu chứng linh tinh như vậy, nên định bệnh không phải là dễ. Tuy nhiên, nếu bị đi bị lại, và nhất là trong nhà có người cũng bị những cơn nhức một bên đầu, thì cũng giúp cho việc chẩn đoán rất nhiều.

Chữa trị


Việc chữa trị cốt yếu là chặn đứng cơn nhức đầu cho dứt, hay ít ra là làm giảm đau. Nếu bị hoài, tới ba bốn lần một tháng, thì có khi phải uống thuốc dài hạn phòng ngừa. Khi thoạt lên cơn nhức đầu, bệnh nhân nên nghỉ ngơi trong phòng tối, yên tĩnh. Chưa kịp đi bác sĩ, thì dùng thuốc giảm đau thông thường như Aspirin, Tylenol (acetaminophem), hay Advil v. v....có khi pha thêm môt chút xíu caffein làm tăng hiệu quả giảm đau. Những thuốc này bán tự do không cần toa, nhiều khi hãng bào chế đặt tên cho thêm chữ Migraine đằng sau cho ăn khách

- Các thuốc bác sĩ thường cho có thể chia làm ba loại như sau:

Thuốc chặn đứng cơn nhức đầu: Có những thuốc vẫn dùng lâu nay, như Cafergot (có ergotamine là hoạt chất chính và có thêm caffeine), có thứ uống, có thứ để hậu môn (như vậy tiện hơn vì bệnh nhân nhiều khi buồn nôn, uống không được).

Gần đây, có một số thuốc mới, gọi chung là Triptan, như Imitrex, khá công hiệu. Hồi mới đầu cách đây ít năm thì chỉ có thuốc chích (cho bệnh nhân tự chích lấy), về sau có thuốc uống, và gần đây nhất thì có thuốc xịt mũi. Thuốc uống không hấp thụ được nhiều, còn thuốc xịt mũi thì lại bị có vị đắng khó chịu. Tuy vậy nhiều người ưa thuốc xịt, vì không phải chích, mà hiệu quả nhanh hơn là thuốc uống, tuy rằng chậm hơn thuốc chích. Những thuốc loại này người có thai bị cấm sử dụng , người lớn tuổi và người bệnh tim cũng phải cẩn thận..

Có một bài nghiên cứu mới được thông báo tại khóa họp của Hội Nhức Đầu Hoa kỳ cho biết thuốc Triptan xịt mũi rất tốt. Tổng cộng gần hai ngàn cơn nhức đầu, thì thấy sau hai giờ, chừng ba phần tư bớt nhiều, độ một nửa dứt hẳn được cơn đau nhức sau hai tiếng đồng hồ.
Ngoài Imitrex, những thuốc khác cũng thuộc nhóm Triptan còn có Amerge, Maxalt và Zomig nhưng mấy thứ sau này chỉ có thuốc uống thôi.

Cũng có khi bác sĩ cho dùng Compazine và Reglan là những thuốc thường dùng trị buồn nôn ói mửa. Điều đáng nói là những thuốc này nhiều khi cũng công hiệu, nghĩa là trị được cơn nhức đầu, kể cả những trường hợp bệnh nhân không bị buồn nôn ói mửa.

Thuốc giảm đau : Thuốc giảm đau thông dụng như Aspirin, Tylenol, Indocin, Naprosyn, hoặc những thuốc tương tự cũng có phần nào hiệu quả. Mạnh hơn nữa , thì như Vicodin, Tylenol số 3, nhưng có thể bị nghiền thuốc. Tất cả các thuốc giảm đau có cái phiền là một đôi khi tăng liều lượng, tự nhiên bệnh lại bị nặng thêm ra (gọi là rebound headache).
Vì vậy ít khi bác sĩ dùng thuốc giảm đau cho chứng nhức một bên đầu.

Thuốc uống dài hạn phòng bệnh: Nếu gần như tuần nào cũng bị một hai lần thì bác sĩ có thể cho uống thuốc dài hạn để phòng ngừa. Các thuốc này thuộc nhiều loại khác nhau, cơ chế tác dụng không rõ, mỗi bệnh nhân hợp một loại. Các loại thuốc được sử dụng gồm có một vài thứ thuốc cao máu như Propanoplol, Verapramil, thuốc động kinh như Depakote, thuốc chữa buồn phiền như Elavil, Prozac Paxil. Thí dụ như bệnh nhân bị nhức đầu, mà đồng thời bị cao máu, thì bác sĩ có thể cho thử Propanolol hay Verapramil trước. Nhưng cũng nhiều khi phải thử vài ba thứ trước khi lựa được thuốc thích hợp. Thường thì phải uống hai ba tháng liền, nếu không bị đau lại mới bớt liều lượng đi, sau đó có thể ngưng thuốc.

Bác Sĩ Vũ Quí Đài
(Nếu cần chữa bệnh, xin trực tiếp liên lạc với bác sĩ của bạn)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9