LƯƠNG Y
tahuudinhqn 15.06.2011 17:14:43 (permalink)
LƯƠNG Y

 Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh


 Có lẽ trước ngày cách mạng tháng Tám 1945, ở nông thôn nước ta hầu như chưa có cơ sở y tế khám chữa bệnh cho dân. Người ốm đau, từ bệnh to đến bệnh nhỏ đều trông cậy vào các thầy lang đông y, dân trí còn thấp, nên nhiều người còn đi xem bói, cúng ma trừ tà. Hoặc chạy mồ chạy mả, rất tốn kém.
Một hôm đang đi làm, chú tôi bỏ về, để cái hòm cắt tóc lên bàn rồi lăn ra gường đùng đùng sốt. Mặt đỏ bừng bừng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ướt đẫm cả hai thái dương. Một lúc sau lại rét run cầm cập. Mặt tái mét như mào gà cắt tiết. Mấy hôm sau thấy chú húng hắng ho. Rồi càng ngày càng ho nhiều. Ho rũ rượi từng cơn dài dằng dặc như quốc kêu. Sau lại thêm cái bệnh đái dắt nữa. Mỗi lần đi lại kêu rên xít xa vì nhức buốt. Họ hàng đến thăm bảo chú bị bệnh “lậu”.
Nhà nghèo. Cô buôn rau xanh, chú ốm cô cũng không dám nghỉ chợ, đêm nào cũng dậy từ lúc gà gáy, tong tả ngược xuôi, đầu chợ cuối chợ. Lần lữa mãi, đến lúc thấy chú yếu quá cô mới nghỉ chợ, mê mẩn đi tìm thầy lang.
Ông lang mặt đỏ, râu dài, quần trắng, áo thâm, đầu đội khăn xếp, tay cầm ô, chân đi guốc mộc. Vào nhà, vừa khoác cái ô vào cánh liếp, ông đã vào giường khám bệnh cho chú. Nghe mạch xong, ông lang hỏi rất kỹ về những lần trước chú ốm, cách đây bao lâu? Có sốt, có ho, và đi tiểu có đau buốt như bây giờ không? Vân vân…
Về nhà, ông cắt cho chú ba thang thuốc, bảo: “Bà sắc cho ông nhà uống. Mỗi ngày hai lưng bát. Hôm nào hết, tôi lại đến thăm. Nếu bệnh có chuyển biến tốt, tôi sẽ cắt tiếp”.
Sáu hôm sau. Chú vừa uống hết bát thuốc cuối cùng thì ông lang đến. Ông vừa nghe mạch xong, chú tôi thều thào hỏi: “Tôi mệt lắm! Xin thầy lang cố gắng cứu tôi”. Chú im lặng một lát rôi lại nói: “Thầy lang xem liệu tôi có sống được không?”. Ông lang khẽ bật cười: “Sống chứ sao lại không. Ông cứ yên tâm tĩnh dưỡng. Bệnh của ông, tôi chỉ cắt thêm vài thang nữa là khỏi”.
Khi trở ra gian nhà ngoài, ông lang lắc đầu nói nhỏ với cô tôi: “Tôi rất phiền lòng, nhưng cũng phải nói thật với bà rằng, bệnh của ông nhà thuốc thang đã không còn tác dụng nữa. Bà nên chuẩn bị hậu sự cho ông. Chắc không được lâu nữa đâu”. Ông lang ngừng lời, ngẫm nghĩ giây lát rồi ông nói tiếp: “Nhưng…tôi nghĩ bà nên cho ông uống thêm vài thang nữa, để người bệnh yên tâm thấy mình vẫn đang được cứu chữa. Vâng. Đó là ý tôi. Còn tùy bà”.
Tất nhiên là cô tôi làm theo ý thầy lang. Nhưng uống chưa hết thang thuốc cuối cùng thì chú mất.


*
*             *


Tôi có anh bạn bị ốm, đi khám bệnh, các bác sỹ xác định anh bị xơ gan cổ chướng và bệnh tiểu đường. Cả hai bệnh đều thuộc loại “tứ chứng nan y”. Nằm điều trị một thời gian, thấy bệnh tật ổn định, bệnh viện cho anh về chữa ngoại trú. Về nhà được vài tháng rồi bệnh lại kịch phát lên, khiến anh lại phải đi nhập viện. Và lần này thì đúng là “Họa vô đơn chí…”, Các bác sỹ phát hiện ra anh bị thêm bệnh huyết áp cao nữa!
Thế là trong một năm, hai lần anh phải đi chữa bệnh. Mà cả hai, rồi ba bệnh đều rất ít hi vọng sẽ chữa khỏi hoàn toàn. Và mỗi lần đi, cố gắng lắm anh cũng chỉ có thể nằm được vài ba tháng. Tuy có bảo hiểm y tế, nhưng rồi vẫn phải bỏ tiền ra chi thêm, vì trong quá trình điều trị, chẳng thiếu gì những trường hợp tự nhiên phát sinh, mà chỉ có “phong bì” mới giải quyết được. Và tất cả những chi phí đó đã vượt quá khả năng kinh tế của một gia đình viên chức bình thường như gia đình anh. Nên chỉ nằm vài ba tháng, anh lại xin về ngoại trú.
Song đến “nội” cũng chẳng trị được bệnh chứ là “ngoại”. Bệnh của anh càng ngày càng thêm trầm trọng. Bụng sưng to như người chửa sắp đẻ. Gan sưng chèn vào phổi, khiến người ốm rất khó thở. Anh không nằm được, phải ngồi suốt cả ngày cả đêm, ăn ngồi, ngủ cũng ngồi. Rồi đến lúc ngồi cũng không chịu được nữa. Vợ con đưa anh đi cấp cứu. Thì ra anh bị tràn dịch màng phổi. Rút hết dịch, hít thở lại dễ dàng. Anh nằm viện vài hôm, thấy tỉnh táo lại xin về. Nhưng thật đáng buồn là dịch hết rồi lại có, vơi rồi lại đầy, thành một thứ quy trình như thủy triều, thường xuyên lên xuống không ngừng. Cho nên anh phải trở đi trở lại bệnh viện để rút dịch rất nhiều lần…
Một hôm tôi đến thăm, gặp lúc anh vừa đi rút dịch về, ngồi thu lu ở đầu giường hổn hển thở, mặt mũi nhăn nhúm, bơ phờ, hốc hác, da bủng và vàng như nghệ. Anh rì rầm bảo:
- Tôi chỉ đi lần này thôi anh ạ !
- Sao lại thôi?
- Sáng nay vừa trông thấy tôi, cái tay bác sỹ vẫn rút dịch cho mình nó bảo: “Ơ.. bác! Lâu lâu không thấy bác lên, cháu cứ tưởng bác đã đi xa rồi. Thế ra bác vẫn …cố cầm cự đấy?”. Im lặng một lúc lâu lâu, rồi anh lại thì thào nói tiếp:
- Tay này nó còn trẻ, cho nên nói năng cũng không được…gỉ lắm. Nó làm cho mình vừa buồn, vừa đau, vừa tủi cực. Chắc hắn nghĩ: “Lão già này sợ chết. Đã biết bệnh của mình không chữa được, mà vẫn cố níu lấy mấy ngày sống thoi thóp để làm gì?”.


*
*            *


Hình như có nhà thơ nào đó đã viết: “Ta khổ sao ai vẫn cứ cười ?...”. Đối với người bệnh, nhất là người bệnh nặng, thì người thầy thuốc không chỉ là đấng “Cứu sinh”. Mà còn là người “Mẹ hiền”, người mặc nhiên thay mặt cho cả cộng đồng khỏe mạnh tỏ lòng yêu thương, chăm sóc, an ủi, vỗ về người bệnh, với tinh thần: “Một con ngựa đau cả tầu chê cỏ”.Thế mà anh bác sỹ trẻ lại nói với người bệnh của mình như vậy ! Nếu đem so sánh, thì rõ  ràng anh ta được học hành, đào tạo hơn hẳn ông lang kể trên . Vậy mà chẳng hiểu sao, anh ta lại kém ông lang cả về y đức và văn hóa ứng xử đến như vậy?...

 Uông Bí, ngày 06/6/2009
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.06.2011 19:52:15 bởi Ct.Ly >
#1
    Giang Trân 16.06.2011 01:59:05 (permalink)

    Hình như có nhà thơ nào đó đã viết: “Ta khổ sao ai vẫn cứ cười ?...”. Đối với người bệnh, nhất là người bệnh nặng, thì người thầy thuốc không chỉ là đấng “Cứu sinh”. Mà còn là người “Mẹ hiền”, người mặc nhiên thay mặt cho cả cộng đồng khỏe mạnh tỏ lòng yêu thương, chăm sóc, an ủi, vỗ về người bệnh, với tinh thần: “Một con ngựa đau cả tầu chê cỏ”.Thế mà anh bác sỹ trẻ lại nói với người bệnh của mình như vậy ! Nếu đem so sánh, thì rõ ràng anh ta được học hành, đào tạo hơn hẳn ông lang kể trên . Vậy mà chẳng hiểu sao, anh ta lại kém ông lang cả về y đức và văn hóa ứng xử đến như vậy?...

    Dạ, tại hai chế độ khác nhau. Trước năm 1945 dân VN ta chưa biết Cộng sản là gì.
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9