Thêm một cách hiểu bài thơ ĐỘC TIỂU THANH KÝ

Tác giả Bài
lá chờ rơi
  • Số bài : 6916
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 29.06.2005
  • Nơi: 6 tháng bên đông 6 tháng đoài
Thêm một cách hiểu bài thơ ĐỘC TIỂU THANH KÝ - 02.07.2011 14:29:09
@ Huyền Băng : nhờ bạn đem hộ bài này qua trang Thơ, nơi dành cho loại Biên Khảo. Cám ơn bạn.

Thêm một cách hiểu bài thơ ĐỘC TIỂU THANH KÝ


Bài ĐỘC TIỂU THANH KÝ Nguyên Bản như sau :

ĐỘC TIỂU THANH KÝ
Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chỉ phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Nguyễn Du

Theo quan điểm của nhà thơ Paul Valéry thì, ông nói :
“ai cho thơ tôi có nghĩa gì thì thơ tôi có nghĩa ấy; tôi cho thơ tôi có nghĩa gì thì nghĩa ấy chỉ đúng với tôi thôi, không thể bắt ai thừa nhận”.

Chúng ta đang tìm hiểu về bài thơ ĐỘC TIỂU THANH KÝ nhưng rất có thể là chưa trúng vào cách hiểu của tác giả là cụ Nguyễn Du.

Vì trong cách chúng ta hiểu bài thơ ĐỘC TIỂU THANH KÝ thường gặp cho đến nay, có 2 điểm không hay lắm cho cụ Nguyễn.

1/ Câu “Phong vận kỳ oan ngã tự cư” luôn được nhiều người dịch với nghĩa là “trong cái nỗi oan kỳ lạ đó có ta”.

Theo thiển kiến của tôi, trước nhất cách hiểu này không chính xác vì lẽ :

Nàng Tiểu Thanh gặp phải cảnh éo le oan uổng đến nỗi phải tức tửi chết đi lúc chưa đầy 20 tuổi. Còn cụ Nguyễn mặc dầu có thể đã trải qua bao nhiêu sự bất đắc chí nọ kia nhưng tuổi đã cao mà ông vẫn còn sờ sờ ra đó với chức cao quyền trọng.

Như vậy mà lấy sự suy diễn xa xôi về “việc ‘Giang sơn đổi chủ ’ giữa triều Lê, triều Tây Sơn và triều Nguyễn mà Cụ là chứng nhân lịch sử v.v.” để rồi gượng ép hiểu rằng “ta tự thấy cùng ở trong hoàn cảnh ‘nỗi oan kỳ lạ của một kiếp người’ như nàng” thì rất là vô lý, một sự so sánh không chính xác, không công bằng chút nào.

Và sau nữa là vì không có đủ lý do để “hiểu như vậy” mà vẫn gượng ép “hiểu như vậy” thì khiến người ác cảm có lý do để hiểu xấu cho cụ Nguyễn là ‘đi hôi mót’ sự tiếc thương, sự ngưỡng mộ, của người đời dành cho nàng Tiểu Thanh thời ấy!
Sự tiếc thương nàng Tiểu Thanh rất đậm đà sâu rộng trong dân gian. Xin trích dẫn một đoạn ký sự của nữ ký giả Phạm Thanh Thủy như sau :

(đầu phần trích dẫn)
Đời nhà Thanh, có xây một Nghênh quán sứ, trên đồi mai có mộ Tiểu Thanh, cạnh hồ Tây, để làm chỗ nghỉ chân cho các sứ thần Việt Nam, Ai lao, Cao miên, Thái lan đi sứ, trên đường tới Bắc kinh. Sứ đoàn thời Gia long (1802-1820) khi qua Hàng châu được tiếp dẫn sứ nhà Thanh đưa vào ở đây. Chánh sứ là Nguyễn Du tiên sinh. Trên mộ Tiểu Thanh hiện (2001) có đến 6 bia, do 6 danh sĩ viết. Thời Tố Như qua đây chỉ có một bài bia. Trên bia ghi :
« Tiểu Thanh, trường hận ký »
Mai Khánh Sơn, Tiến sĩ Vĩnh lạc đề.
Chắc chắn cụ Tố Như đọc bài ký này, rồi thương hoa tiếc ngọc sáng tác bài thơ Độc Tiểu Thanh ký, nghĩa là cảm hứng sau khi đọc bài ký của Mai Khánh Sơn.
(cuối phần trích dẫn)

Do đó nên sự nêu dẫn xa xôi để gượng ép hiểu ba chữ “ngã tự cư” là “trong cái nỗi oan kỳ lạ đó có ta” rất là có hại cho uy tín và tư cách cụ Nguyễn.

Nỗi lòng “hoài Lê” của cụ, cái tiết tháo không chịu cộng tác với Tây Sơn v.v., những cái đó thì lạc đề mà vẫn không đủ lý do để nói rằng cụ Nguyễn cùng ở trong cái “nỗi kỳ oan của nàng Tiểu Thanh !”

Vậy chúng ta nên hiểu như thế nào ?


Câu thứ 5. “Cổ kim hận sự thiên nan vấn” nghĩa đen là “việc uất hận xưa nay khó hỏi ông trời” nhưng cũng có thể hiểu khác hơn chút là “hỏi mà ông trời không nói”.
Câu thứ 6. phải viết cho đối, cụ Nguyễn viết “Phong vận kỳ oan ngã tự cư” theo thiển kiến của tôi thì nên hiểu là “cái nỗi oan của con người phong vận này có sự tham gia nói lên của tôi”.
Hiểu như vậy thì nghĩa của 2 câu đối nhau rất chỉnh : ‘hỏi mà không nói’ với ‘tự ý xen vào nói’ để kêu oan hộ. Và tránh được cái ý nghĩa không tốt nói trên.

2/ về 2 câu kết mọi người đều dịch rằng “không hiểu 300 năm sau có ai còn khóc (Tố Như) ta chăng ?” thì tôi thấy như vậy là gán cho cụ Nguyễn sự “thiếu khiêm tốn” hoặc quá tự đề cao.
Ngoài ra, hiểu như vậy lại lạc đề vì bài thơ nói về nàng Tiểu Thanh mà 2 câu kết chỉ nói tâm trạng của cụ Nguyễn Du.

Vậy chúng ta nên hiểu như thế nào ?


Ở đây theo thiển kiến, chúng ta nên hiểu một sự so sánh với ‘ý tại ngôn ngoại’ là : Nàng Tiểu Thanh chết đã 300 năm rồi mà vẫn còn được ta (Tố Như) thương tiếc nhắc nhở, còn 300 năm sau nữa làm gì có ai khóc Tố Như ta ?

Với cách hiểu đó thì câu kết là một câu hỏi hàm súc sự trả lời phủ định, tránh cho cụ Nguyễn sự tự đề cao.
Đồng thời có sự kết nối với truyện nàng Tiểu Thanh nên 2 câu chót hiểu như vậy mới không lạc đề.

Đây là bài thơ tôi múa rìu làm ra để nói lên hai chủ ý ấy của tôi :

ĐỌC TRUYỆN NÀNG TIỂU THANH

Hoa kiểng xưa nay cỏ mọc dày
Truyện người bạc mệnh sách cầm tay
Phấn son hữu ý lưu niềm nhớ (1)
Sách vở vô tình hứng họa lây (2)
Nỗi ức xưa nay trời khó hỏi
Niềm oan thân phận khách thày lay (3)
Ba trăm năm cũ thêm lần nữa (4)
Ai thấu tình ta gửi chốn này !
Võ Nhựt Ngộ 15/03/09

Chú thích :

(1) Có 2 lời dịch khác nhau câu : « chi phấn hữu thần liên tử hậu »
một là : Son phấn có phần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết.
một khác của ông Trần Trọng San là : Son phấn có tinh anh, nên khi chết rồi vẫn còn có người thương xót. Câu thơ dịch tôi phỏng theo hướng của ông TTS.

(2) câu « văn chương vô mệnh lụy phần dư » có 2 giải thích đều coi đó là « phần dư cảo » tức tập thơ bị đốt còn sót lại. Riêng tôi thì hiểu rằng : cái lụy nó đã giáng xuống nàng rồi và cái phần dư của nó (phần dư lụy) lại giáng thêm xuống tập thơ xui khiến cho nó bị đốt. Nên câu thơ dịch của tôi nói theo hướng đó.

(3) câu « phong vận kì oan ngã tự cư » được dịch văn xuôi là : « ta tự thấy là người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã ». Hai câu thơ dịch của tôi nhắm vào ý đã giải thích ở phần trên là : “việc uất hận xưa nay hỏi thì ông trời không nói” nên “cái nỗi oan kỳ lạ của người phong nhã, không ai xúi bảo mà ta tự lên tiếng kêu oan giùm”.
Có sự đối ý rất chỉnh và đẹp « hỏi mà không nói » đối với « tự động nói giùm ».

(4) Hai câu chót thơ dịch của tôi gồm « ý tại ngôn ngoại » là :Tiểu Thanh mất, hơn 300 năm sau có Nguyễn Du làm bài thơ thương xót nàng. Chứ còn 300 năm sau nữa làm gì có ai khóc Tố Như ta ? Tránh được sự tự đề cao không đẹp cho cụ Nguyễn.

Nhắc lại quan điểm nêu ở đầu bài của Paul Valéry, tính chất của thơ là như thế : mỗi người chúng ta đều có thể hiểu khác nhau mặc dầu cùng dựa trên những từ ngữ chung của bài thơ. Cách hiểu bài ĐỘC TIỂU THANH KÝ của đa số nêu trên có 2 điểm không tốt cho cụ Nguyễn như đã trình bày.
Cụ Nguyễn là người có nhiều thành tích và danh vọng lớn lao do cụ tạo ra nên đâu cần phải tự đề cao hay dựa thêm vào ai khác mà chấp nhận cách hiểu không tốt nói trên.

Nên ta phải đặt nghi vấn là cụ Nguyễn có cách hiểu khác tốt đẹp hơn.

Trân trọng góp ý cùng mọi người yêu thơ, nhất là yêu bài ĐỘC TIỂU THANH KÝ và cụ Nguyễn Du.

Võ Nhựt Ngộ 01/07/2011

********
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.07.2011 14:39:30 bởi lá chờ rơi >
Có mợ thời chợ thêm đông
Vắng mợ chợ cũng chẳng "không" bữa nào !