Chuyện kể về thái giám triều Nguyễn
tka23 post
Chiếm một số lượng nhỏ trong xã hội phong kiến, họ không thuộc về một giai cấp xã hội nào, suốt đời chỉ ở trong cung cấm, không thuộc hàng quan lại, chỉ là những kẻ nô bộc tầm thường. Thế nhưng có những lúc quyền năng của những kẻ nô bộc ấy lại thiên biến vạn hóa cả một quá trình lịch sử. Nhưng rồi, cái kết cho họ đều có một điểm chung: chết trong đau khổ và cô đơn. Đó chính là thái giám. Thật xót xa khi biết rằng, giờ đây chẳng còn mấy ai biết về nghĩa trang dành cho các thái giám ở chùa Từ Hiếu (làng Dương Xuân Thượng II, xã Thủy Xuân, TP. Huế, TT - Huế).
XÓT XA THÂN PHẬN
Theo sử cũ thì thái giám là sản phẩm đặc thù của chế độ phong kiến phương Đông. Trong lịch sử ảnh hưởng văn hóa với Trung hoa, nước ta cũng có hệ thống thái giám và cũng tùy vào sự hưng thịnh qua từng triều đại và quyền hạn vua chúa mà số lượng, quyền lực, cấp bậc của thái giám đó mạnh hay yếu.
Vị thái giám nổi danh trong lịch sử Việt Nam mà tên tuổi gắn liền với trận tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lược (1075 - 1077) và bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta "Nam quốc sơn hà" chính là danh tướng Lý Thường Kiệt, cũng là hoạn quan dưới ba triều vua Lý (Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông). Sau khi đánh bại nhà Tống, chiến thắng quân Chiêm Thành, ông mất tại quê nhà, hưởng thọ 86 tuổi, kết thúc cuộc đời của một vị thái giám đầu tiên trong triều đại phong kiến Việt Nam có công đức và đóng góp to lớn cho đất nước.
Khuôn viên nghĩa trang thái giám
Cũng như những triều đại phong kiến khác, triều Nguyễn cũng tuyển chọn thái giám để giám sát đội ngũ phi tần, cung nữ, hoàng hậu, công chúa. Thái giám được chọn ưu tiên từ những đứa trẻ 12 - 13 tuổi ái nam ái nữ. Làng nào tiến cử được thái giám tùy vào đó mà được xét miễn thuế, phu phen tạp dịch, nếu không thì sẽ có lệnh tuyển chọn hàng năm.