[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/2452/CA310810707941A8ABA64190FD3835DB.JPG[/image]
SGTT.VN - Lớn không quá ngón tay út, lũ lòng tong – cá trắng rất háu ăn, ham chơi đến nỗi thường quên lối về. Mưa xuống vài ngày, ra ao lùa chúng về nấu canh bí đao thôi cũng đã thèm.
Mật… ngọt cá lòng tong Cá chài non kho tiêu ngon không thua kém lắm với cá lòng tong trắng. Ảnh: Tấn Tới Dựa vào màu vảy cá, dân Nam bộ cho cách gọi các loại cá nhỏ ở nước ngọt, là cá trắng hoặc cá đen. Theo đó, lòng tong cũng được xếp vào mớ cá trắng. Bên cạnh đó, còn có một loại cá vảy trắng mịn, sáng lấp lánh, thân thon xấp xỉ lòng tong cũng được gọi cá trắng. Thịt nó thơm, ngọt hơn lòng tong, mật nhân nhẩn đắng là nét đặc trưng của giống cá này.
Khác lòng tong, giống này ít “mê chơi” hơn, quanh quẩn ở đồng ruộng, kênh rạch miền Tây, không ăn nổi mồi câu nên người ta thường bắt chúng bằng cách đặt thời (một dạng lờ lỗ rất nhỏ để bắt cá, tép bé) hoặc kéo bằng lưới mùng. Mùa sa mưa, khi mực nước ao, rạch gần bằng nước ruộng, đám cá trắng háo hức nối đuôi nhau vào... thời hoặc lưới. Như cá linh, cá trắng quý nhất ở cái mật nhỏ xíu, tạo vị đắng dịu mà ngọt. Đồng thời, lớp vảy trắng li ti cỡ đầu que tăm tưởng như vô bổ, nhưng nếu đầu bếp bỏ đi lúc chế biến, cá sẽ lạt hơn. Cá trắng kho lạt sả ớt lùa với chén cơm nóng, cặp thêm miếng chuối chát, lát khế hườm, đọt xoài; chừng đó thôi mà ngon chi lạ.
Họ hàng lòng tong ngon không kém
Chúng có nhiều loại: lòng tong đá, lòng tong mương, lòng tong sọc... Có những loại đẹp mắt, được giới nuôi cá kiểng ưa thích như lòng tong kẻ, cá đỏ đuôi.
Không chỉ có mặt ở sông rạch Cửu Long, họ hàng lòng tong còn rong chơi tận sông suối Đồng Nai hoặc Lái Thiêu, Bình Dương. Trong đó, quen thuộc hơn là đám lòng tong đá, lòng tong mương. Hình dáng lòng tong đá thon dài đầu nhỏ, mõm nhọn, mắt to, không có râu, vảy lớn phủ khắp thân. Còn lòng tong mương là tên gọi chung các loài thuộc chi Luciosoma, sống ở các sông ngòi trong vùng châu thổ sông Cửu Long, thường gặp tại các tỉnh miền Nam Việt Nam, Campuchia, Thái Lan. Muốn bắt được nhiều cá lòng tong còn nhảy loi nhoi, thường nhà vườn phải đợi tát mương hoặc dịp tháng bảy “nước nhảy khỏi bờ” – lũ về. Bằng không, những ngày này, câu cá lòng tong là chuyện “dễ ăn” nhất. Mồi câu là cơm nguội, thân châu chấu hay trùn hổ ngắt nhỏ. Con trước vừa kéo lên, con sau đã nhào tới đớp mồi...
Cá tươi làm sạch chế biến được nhiều món ngon: chiên bột, nấu canh chua khế hay đọt cóc... Ấn tượng nhất là món lòng tong một nắng kho tiêu nồi đất, nước kho ánh màu hổ phách, sền sệt cỡ vài muỗng canh, thơm đến xót bụng. Món này ăn với cơm gạo thơm hay cháo gạo mới thật… đã đời hoặc có mớ hẹ sẻ (hẹ ta) với nắm lá gừng non, bạn đem nấu canh lòng tong càng ngọt nước. Cấp kỳ hơn chỉ nấu canh bí đao cũng đã thèm. Thế nhưng, đám lòng tong, cá trắng rời nước khoảng nửa tiếng đã dễ ươn, nên khó vận chuyển xa. Với lại, số lượng chúng cũng không ổn định. Để đỡ nhớ những món chân quê của thực khách, một số chủ nhà hàng ở TP.HCM quay sang bán đám cá chài non. Hương vị chỉ na ná lòng tong cá trắng nhưng có còn... hơn không.
bài, ảnh: Tấn Tới
<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.07.2011 21:24:34 bởi Ct.Ly >