Dòng sông, cây cầu và những kỷ niệm
Bim Bim 18.07.2011 19:04:02 (permalink)
Dòng sông, cây cầu và những kỷ niệm
 
                                       Bút ký của: Trần Vũ Long
 
Có anh bạn vẫn gọi tôi là thằng Hà Nội một nửa, bởi lẽ tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng bố mẹ tôi quê ở Nghệ Tĩnh. Bây giờ chẳng còn ai gọi là nghệ Tĩnh, nhưng tôi vẫn muốn gọi cái tên đó. Với tôi hai vùng đất Nghệ An và Hà Tĩnh có nhiều đặc điểm rất giống nhau về địa lý, khí hậu, cảnh sắc thiên nhiên, con người, văn hóa, lối sống và các phong tục tập quán. Hồi nhỏ, mỗi lần từ Nghệ An quê nội sang quê ngoại là Hà Tĩnh phải đi qua cầu Bến Thủy bắc ngang dòng sông Lam. Cầu Bến Thủy ngày đó không to đẹp như bây giờ, nó chỉ là một chiếc cầu phao bập bềnh trên sông nước. Mỗi khi qua cầu, tôi lại thấy hãi, co vào lòng và ôm chặt lấy mẹ. Đâu phải ô tô xuống cầu là đi một lèo, sang tới bờ bên kia dễ chừng hơn chục phút. Khoảng thời gian đó như thử thách lòng dũng cảm của thằng bé lên mười. Để con trai bớt sợ,  mẹ kể cho tôi nghe chuyện về dòng sông Lam hiền hòa thơ mộng, cuộc sống của những xóm làng yên ả hai bên sông. Ngày đó, mỗi lần xuống Vinh, mẹ tôi phải đạp xe mấy chục cây số đường đất, ổ trâu, ổ gà, hố bom tới bến sông đợi đò, rồi qua sông một cách vội vã để tránh bom Mỹ. Đối với tôi cây cầu Bến Thủy có gì đó thật thân thương, bởi lẽ nó nối liền hai mảnh đất quê nội và quê ngoại của tôi. Nó còn làm tôi nhớ đến mẹ mỗi lần qua đây, nhớ đến hình ảnh thằng bé ngồi ôm chặt lấy mẹ khi qua sông. Ôi dòng sông… cây cầu… và… những kỷ niệm…
 
Có con sông vô hình
Chảy dọc ngang đất nước
Không đo được chiều rộng chiều sâu
Nhưng biết chắc vô cùng vô tận

Ôi dòng sông thiêng
Âm ỉ chảy trong tâm linh sâu thẳm…
                            (Dòng sông vô hình)
 
Đó là những câu thơ của một người đàn ông mà tôi được gặp trong chuyến đi công tác miền Trung mới đây. Thật đặc biệt hơn đối với tôi, ông từng là Trưởng Phà Bến Thủy, những năm chống Mỹ. Đó là một con người mang đậm chất Nghệ. Với giọng nói sang sảng, đầy nhiệt huyết, ông kể chuyện về thời tuổi trẻ của mình.
Dường như đối với ông, cuộc sống không thể tách khỏi những ký ức của làng quê, ký ức của một thời đạn bom. Con người thời chiến, tình người thời chiến, gian khổ thời chiến như đeo đẳng ông, ăn sâu vào tâm trí và hiện lên trong thơ của ông. Thỉnh thoảng ông dừng lại để nhấp một ngụm trà, đọc một bài thơ do ông viết. Rồi ông lại hồi tưởng, lại say sưa kể cho chúng tôi nghe về những ký ức. Con người ta kể cũng lạ, từ trong sâu thẳm, ai cũng có những ký ức buồn vui. Nhưng, có người không bao giờ muốn nhớ đến nó, bởi họ cho rằng ký ức chẳng giúp được gì cho cuộc sống hiện tại. Ký ức chẳng giúp họ làm ra cơm áo gạo tiền, nhà cửa đất đai, chức vị, giầu sang, bận tâm với ký ức chỉ làm họ thêm mệt, thêm mất thì giờ. Thế nhưng, có những con người, như người đàn ông đang kể chuyện cho chúng tôi, ký ức như là máu thịt. Ký ức làm ông khắc khoải. Ký ức làm ông day dứt. Ký ức làm ông nguôi ngoai, quên đi bao phiền muộn trong cuộc đời. Dường như, ký ức giúp ông sống chân thành hơn, tình nghĩa hơn, có niềm tin hơn. Đôi khi cái niềm tin ấy cũng bị lung lay nhưng rồi nó lại giúp ông vượt qua để tiếp tục sống, bởi ông tin những năm tháng gian khổ của ông cũng như của cả dân tộc sẽ không thể trở thành vô nghĩa. Chúng ta đã chịu biết bao đau thương mất mát cũng là mong có một ngày non sông này được giàu mạnh, dân tộc này được mở mày mở mặt, hai chữ Việt Nam sẽ giống như tấm visa thượng hạng để chúng ta có thể đặt chân đến mọi quốc gia với lòng kính trọng của bạn bè thế giới.
Với 40 năm công tác trong ngành giao thông vận tải, ông đã trải qua bao giông bão cuộc đời, trải qua bao nắng gió bụi đường, vượt bao bom đạn để rèn rũa nên một con người bền bỉ, chịu đựng gian khổ, lòng dũng cảm và tính sáng tạo trong công việc cũng như trong đời sống.
Năm 1969, khi đang là Đại đội trưởng Đại đội rà phá bom mìn, ông được chuyển về làm Trưởng Phà Bến Thủy, khi đấy Phà Bến Thủy vừa mới được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Phà Bến Thủy là một vị trí chiến lược trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Để những đoàn xe từ miền Bắc qua đây vào chi viện cho chiến trường miền Nam được thông suốt cũng nhờ có một phần xương máu của những người công nhân ở đây đổ xuống thấm vào mảnh đất này, hòa với nước sông Lam. Bao khó khăn, trách nhiệm nặng nề đặt trên vai người thanh niên 27 tuổi.
Khi ông về nhận nhiệm vụ ở Phà Bến Thủy, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, chỉ có vài cái xà lan, mấy đầu máy canô, trụ sở làm việc hoàn toàn không có. Ông cùng anh em công nhân đặt mìn phá đá, đào hang trong núi Quyết, để có nơi chui ra chui vào làm việc cho 300 con người. Nhằm bảo đảm an toàn cho những đoàn xe vận tải, phà chỉ hoạt động vào ban đêm. Mờ sáng những người công nhân lại kéo phà đi giấu, để máy bay địch không phát hiện ra.
Vào ban đêm, tiếng giòn khô của từng đoàn xe hối hả lên phà qua sông, cùng với tiếng hát, tiếng nói cười của các anh bộ đội và những người công nhân cứ rộn ràng, huyên náo cả khúc sông. Họ đã dâng hiến cả tuổi xuân cho đất nước không một chút do dự, sẵn sàng xả thân cho chiến trường miền Nam ruột thịt, với ước mong có một ngày thống nhất non sông.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật, một người lính đã từng gắn bó máu thịt với con đường Trường Sơn huyền thoại, trong một lần qua Phà Bến Thủy đã viết những câu thơ đầy tin yêu và hào sảng như thế này:

Bến Thủy ơi dạt dào con phà
Xe nối xe, người nối người ra trận;
Tôi chào em, chào cả nơi em đứng
Em vẫy tôi vẫy cả đoàn quân
Lòng cứ xốn xang tin ở ngày về
Nên mắt chỉ nhìn nhau, chẳng nhìn khu phố sập
Khi biết nhau chỉ còn hình núi Quyết
Tên núi nghe thiêng như một câu thề
                (Gởi về Vinh, thành phố dọc đường)
 
Đã có một thời cả dân tộc sống, chiến đấu anh dũng và lạc quan như vậy đó. Ngày hôm nay, nếu ai đó vô tình quên đi quá khứ, quên đi những trang sử bi tráng của dân tộc, xin hãy một lần nhớ về những đồng đội đã khuất, xin hãy lật lại những trang sách đã ghi lại một thời hy sinh mất mát lớn lao của cả dân tộc. Lòng yêu nước không phải là thứ độc quền của riêng ai. Lòng yêu nước nằm sâu thẳm trong trái tim mỗi con người. Nếu ai đó lãng quên quá khứ, nếu ai đó lạm dụng lòng yêu nước, người đó sẽ trở thành kẻ có tội với dân tộc, với Tổ quốc mình.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, người Trưởng Phà Bến Thủy năm xưa đã không giấu được nỗi xúc động. Tôi tin chắc, câu chuyện này ông đã từng kể cho con cháu, bạn bè nghe nhiều lần, vậy mà khi kể lại cho chúng tôi, trong ông vẫn còn nguyên cảm xúc. Nó được lưu giữ trong tâm trí, trong trái tim ông như là câu chuyện của ngày hôm qua. Giọng ông lắng xuống rồi lặng đi khi nhớ về cái đêm ông phải đem chôn thi thể của 8 đồng đội đã hy sinh sau một trận bom. Ông cùng những người công nhân Bến Thủy đã phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ vượt qua những quãng đường lầy lội trong đêm tối, mưa rơi tầm tã mới chôn được những đồng đội của mình. Để rồi mấy chục năm sau lòng ông lại rưng rưng khi trở lại thắp hương cho họ:
 
Tủi mừng nhớ lắm gặp nhau
Mấy chục năm nén nỗi đau tìm về
Chênh vênh mái núi Tràng Kè
Bạn nằm không nói tự nghe tiếng lòng
 
Chừng ấy năm bạn ngóng trông
Tôi về với bạn những mong vơi buồn
Nén hương cháy giữa Truông Bồn
Về đây cháy tiếp dâng hồn bạn thiêng…
        (Gặp nhau trên đỉnh Tràng Kè)
 
Có lần giặc Mỹ thả 34 quả bom từ trường xuống lòng sông nhưng có 8 quả chưa nổ. Anh em công nhân Phà Bến Thủy đã tìm mọi cách mà những quả bom vẫn trơ lì, vậy là bao chuyến xe vào Nam bị tắc lại. Ông đã xin ý kiến cấp trên cho phép cùng 6 đồng đội lái hai chiếc canô kẹp hai bên xà lan, lao thật nhanh qua quãng sông có bom từ trường. Buổi sáng hôm đó, cả đơn vị đã làm lễ truy điệu sống cho ông và các đồng đội trước khi thực thi nhiệm vụ nắm chắc cái chết trong tay. Không còn cách nào khác, miền Nam đang từng ngày từng giờ chờ đợi những chuyến hàng, những đoàn quân chi viện. Ông và các đồng đội của mình không thể vì Phà Bến Thủy này mà làm ảnh hưởng đến việc lớn của cả dân tộc. Là trưởng phà, ông đứng trước mũi xà lan để chỉ huy hai chiếc canô phóng hết tốc lực qua khúc sông đó.
Lần thứ nhất… Không một tiếng nổ…
Lần thứ hai… Cũng vậy...
Hàng trăm con người ở trên bờ và 7 chiến sĩ đang làm nhiệm vụ cảm thấy như tim ngừng đập.
Một bầu không khí nghẹt thở bao trùm.
Không một chút do dự, ông đã quyết định cho thử lại lần thứ ba.
Trên bờ cả đơn vị như chết lặng… trong tiếng nổ xé trời… Họ đã khóc… đã kêu tên những người đồng đội. Những con người bằng xương bằng thịt làm sao có thể sống sót sau loạt bom từ trường đó…
Thật kỳ diệu thay… Không ai hy sinh. Họ chỉ bị thương, trong khi chiếc xà lan và một chiếc canô bị phá tan.
Những người anh hùng từ cõi chết trở về đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để thông đường cho những đoàn xe hối hả nối đuôi nhau vào chiến trường miền Nam.
Khi viết về những chiến sĩ một thời gắn bó với Phà Bến Thủy anh hùng, ông đã viết:
 
Những người kéo phà đi sơ tán
Để lại dấu chân
Hoàng hôn ra đi
Trở về mờ sáng.
Dấu chân
Dấu chân
Bùn đen lẫn máu
Khắc vào đất
Niềm tin và lòng bất khuất

                       (Dấu chân)
 
Năm 1973, Phà Bến Thủy lại được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, ông cũng được cấp trên giao nhiệm vụ làm bảng thành tích cá nhân để phong anh hùng cùng đơn vị. Còn biết bao nhiêu đồng đội khác cũng xứng đáng được phong anh hùng, họ cũng xả thân vì bến phà này chẳng kém gì ông. Ông đã từ chối danh hiệu cá nhân đó.
Những năm sau, làm Phó giám đốc, Bí thư đảng ủy Công ty đường bộ 470 thuộc Liên hiệp các xí nghiệp giao thông 4, ông vẫn luôn tâm niệm vì lợi ích chung lên trên hết. Có một nhà thơ đã viết về ông như thế này: “Những người như thế thường giàu tình cảm và thường hay chịu thiệt, nhưng dù thiệt cho người khác lợi, thì cũng là nguồn ngân quỹ niềm vui góp vào cho chính mình. Những người như thế thường hay biết tự an ủi cho những thua thiệt mà nhiều người không muốn”. Giờ đây khi đã nghỉ hưu, ông có nhiều thời gian đi thăm bạn bè đã một thời đồng cam cộng khổ, thăm nghĩa trang nơi đồng đội ông mãi nằm lại. Ông lại dành nhiều thời gian với những ký ức làng quê, ký ức thời bom đạn. Ông lại ngẫm ngợi những buồn vui thế sự. Tất cả những tâm sự đó cứ hiện dần lên trong thơ của ông:
 
Giờ mơ bát giấm cà kiu
Chua chua ngọt ngọt tép riu đồng làng
Một đời nửa lính nửa quan
Phố vui…ngồi đếm cơ hàn ngày xưa.
                                 (Ngược thời gian)
Con người đậm chất Nghệ đó là nhà thơ Nguyễn Đăng Chế hội viên Hội Văn nghệ tỉnh Nghệ An. Ông xứng đáng là một người anh hùng của Phà Bến Thủy năm xưa.
 



 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9