Bế Kiến Quốc
và những vần thơ định mệnh
Trần Vũ Long
Nhà thơ Bế Kiến Quốc sinh ngày 19/5/1949 tại Nam Định. Quê gốc Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp khoa văn, trường đại học Tổng Hợp, ông công tác ở Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây. Ông từng làm Trưởng ban thơ, Thư ký toà soạn của báo Văn Nghệ. Lúc cuối đời, ông là Tổng biên tập báo Người Hà Nội, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Hà Nội. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ và cả truyện cho thiếu nhi. Bế kiến Quốc giành giải nhì cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1969 và nhiều giải thưởng khác. Ông mất ngày 25/6/2002, tức ngày rằm tháng 5 năm Nhâm Ngọ.
Vậy là đã 10 năm nhà thơ Bế Kiến Quốc vĩnh biệt cuộc đời này. Cái khoảng thời gian không nhiều nhưng cũng chẳng ít. Có lẽ nhiều người cho tôi là bất bình thường khi nói câu đó. Nhưng quả đúng như vậy. Đối với tôi, khi những người thân, những người tôi yêu quý, kính trọng mất đi, thì cái khoảng thời gian họ từ giã cõi đời này thật là mơ hồ, dường như không định lượng được. Họ đã ra đi đến một chân trời xa lắc nhưng lại vẫn còn đâu đó rất gần trong cuộc sống hàng ngày mà ta đang phải vật lộn. Tôi thật may mắn vì đã có thời gian được làm việc với nhà thơ Bế Kiến Quốc ở báo Người Hà Nội, nơi ông từng làm Tổng biên tập. Tuy tôi thuộc lớp hậu sinh, nhưng ông luôn coi tôi như một người bạn và có thể nói là một người bạn thân thiết. Nhắc đến Bế Kiến Quốc người ta có thể nói ngay đó là một con người tận tụy với công việc làm báo, nhưng bên cạnh đó, sự tâm huyết của ông dành cho thơ còn lớn hơn rất nhiều. Cuộc đời ông gắn với thơ ca như là một định mệnh, đã có lần ông nói với tôi như vậy.
Trong bài Với Chương, Bế Kiến Quốc cũng đã viết:
Chúng ta không thể không thuộc về đâu
Khi tôi làm thơ khi bạn vẽ
Đừng ai hỏi vì sao
Đã như thế, vẫn đang như thế
Từ những năm tháng nào
Không chọn lựa, nhưng không chối bỏ
Mảnh đất nơi mình cắt rốn chôn rau
Như người mẹ ai có quyền chọn lựa?
………....
Những câu thơ thật giản dị giống như tình bạn thân thiết, chân thành của hai con người nghệ sĩ. Họ đến với thơ ca và hội hoạ như một lẽ tất yếu. Họ vốn được sinh ra là để làm những công việc ấy. Xin đừng hỏi tại sao. Cuộc đời vốn giản dị như vậy đó. Hãy tận hưởng và cống hiến cho đời bằng một tình yêu trong sáng. Hãy cứ cho rồi anh sẽ được nhận. Cái hay của những câu thơ chính là nằm trong ngôn từ mộc mạc nhưng có sức nén, ẩn chứa một triết lý sống. Một triết lý dường như ai cũng biết nhưng không phải ai cũng chiêm nghiệm.
Tình bạn đó là một định mệnh. Công việc đó là một định mệnh. Cha mẹ, quê hương….là một định mệnh. Những định mệnh tuyệt vời, và nhà thơ vô cùng biết ơn cuộc sống này đã ban tặng cho ông. Ba câu cuối của bài thơ, Bế Kiến Quốc đã khẳng định lại lần nữa:
Nhưng nếu lại được sinh ra lần nữa
Xin lại ở nơi này, lại làm con của mẹ
Lại làm bạn cùng nhau, lại vẽ, lại làm thơ…
Họa sĩ Thành Chương từng nói về người bạn thân thiết của mình thế này: “Bế Kiến Quốc là người sinh ra để làm thơ, đó là một thi sĩ từ đường gân thớ thịt. Quốc là người sống tình cảm, tinh tế nên rất dễ bị những va đập của cuộc sống làm cho đổ vỡ. Tuy nhiên Quốc chưa bao giờ bị mất niềm tin vào con người và cuộc sống. Càng gặp những điều trắc trở, sóng gió thì dường như niềm tin đó càng mãnh liệt hơn, nhiều khi không lý giải được. Có được người bạn tri âm tri kỷ như Bế kiến Quốc, đó là một trong những may mắn, hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi, nó còn quý hơn cả tiền tài danh vọng.”
Ngay cả sự ra đi của Bế Kiến Quốc cũng không nằm ngoài định mệnh gắn với thơ ca, nó như được dự báo trong những bài thơ của ông từ trước đó rất lâu. Sau này đọc lại những tác phẩm của ông, tôi giật mình phát hiện điều đó.
………
Thuần khiết một niềm tin
Tôi bước vào ngôi đền
Và thắp lên
Trên mười ngón tay mười ngọn nến
Dâng hiến không một lời
Và trên đầu tôi mở chín tầng trời
Mắt tôi nghìn mắt để khóc thương người
Nghìn hoá thân tôi lặn lội trong đời
………..
(Vào một ngôi đền)
Khi ông còn sống, tôi chưa từng nghe ông nói chuyện về tôn giáo, nhưng giờ đây ngồi đọc lại những vần thơ này tôi mới nhận ra một điều, có lẽ Bế Kiến Quốc là người am hiểu về đạo Phật. Đạo lý nhà Phật thấm đẫm trong cách sống cũng như trong thơ của ông. Những câu thơ ám ảnh, mở ra một không khí linh thiêng và từ bi, như muốn hướng người đọc đến ánh sáng của cái thiện, nhắc nhở mọi người về đức hy sinh và luật nhân quả trong cõi luân hồi.
Trong bài Không đề 1, Bế Kiến Quốc viết:
Tôi phải đi một khi ngày đã tận
Yêu đã xong, ân oán cũng xong rồi
Tôi tịch diệt giữa cõi trần bụi bặm
Ánh hào quang lìa hẳn cảnh luân hồi
Có thương tiếc xin đừng thương tiếc quá
Buồn đủ buồn như mọi cuộc chia ly
Tôi để lại không mang theo gì cả
Thật nhẹ nhàng, như gió, lúc ra đi
………..
Vẫn mang đậm một không gian thiền của đạo Phật, nhưng nhà thơ đã tạo lập một không gian sống cụ thể hơn cho ngôn từ. Tính ý hướng của chủ thể đã được tạo lập, đi thẳng vào cái sự cảm của người đọc một cách trực diện. Trong bài thơ này, tư duy đại chúng đã được nhà thơ sử dụng, để thông điệp mà ông muốn chuyển tải được người đọc đón nhận một cách dễ hiểu nhất. Bài thơ như là sự chuẩn bị trước cho cuộc ra đi của mình. Nhà thơ đã hiểu được rằng, trong cái thế giới vô biên, vô lượng này thì mọi sự vật đều không thoát khỏi cái vòng quay sinh trụ hoại diệt, cũng như kiếp người phù du cũng đâu thoát khỏi cái lẽ sinh tử, tử sinh. Chỉ có điều anh đã chuẩn bị cho sự ra đi đó như thế nào. Đối với nhà thơ Bế Kiến Quốc, ông đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho cuộc ra đi này. Mọi ân nghĩa với cuộc đời, ông đã làm xong. Mọi yêu thương hờn giận cũng đã trả hết. Mọi ham muốn dục vọng được rũ bỏ. Nếu như ngày xưa ông bà ta có câu sống gửi thác về, hay trong đạo Phật thì cái chết không phải là hết, đó chỉ là một sự bàn giao chuyển kiếp mà thôi. Trong bài thơ này, Bế kiến Quốc cũng muốn chuyển cái thông điệp đó đến với những người ở lại hoàn thành nốt sứ mệnh còn dang dở nơi trần thế. Ông muốn mọi người đừng coi sự ra đi của ông là một dấu chấm hết cho một kiếp người, hãy xem nó giống như những cuộc chia ly khác diễn ra ở sân bay, ga tàu. Ông mong muốn mọi người đừng quá đau buồn, đừng quá tiếc thương, đơn giản một lẽ là ông đã xong phần việc của mình ở nơi trần thế và cần phải đi trước mọi người mà thôi.
Trong bài Huyền bí mùa xuân, Bế Kiến Quốc lại hình dung ra cả cái thế giới mà mình sẽ đến, và điều huyền bí như được nhà thơ tìm ra lời giải:
Có lẽ ta đã thấy
Trong phút giây xanh thẳm đêm khuya
Ngôi đền chói vàng lộng lẫy
Nơi ta sẽ trở về
Trên một tia sao bỏng cháy
……….
Có thể nói những vần thơ đầy ám ảnh của Bế Kiến Quốc mang đậm màu sắc tâm linh, về sự sống và cái chết nhưng không bi quan, không yếm thế. Những vần thơ đó luôn được Bế Kiến Quốc viết với một tâm thế tràn đầy tin yêu cuộc sống. Ngôn ngữ và hình ảnh thơ rất trong sáng, hướng người đọc đến giá trị nhân văn, sâu sắc. Đúng như ông từng nói “thơ có giá trị là thơ nâng cao tâm hồn”. Trong bài Ngợi ca ngọn lửa, Bế Kiến Quốc viết:
Đêm bỗng nhiên một cơn mưa thật lớn
Ta chợt đi rất xa
Trong rừng sâu trên núi cao giữa biển
Dù ở đâu qua đêm
Ta cũng cần có em
Ngọn lửa ấm thơm nồng sáng
Và ta ngồi đốt những đám mây buồn
Những cánh buồm lạc gió
Những lá bùa gở
Những mặt nạ cười
Và ta hong khô những chân trời
Những cánh bướm những lời hứa
Và ngôi sao hôm qua lửa
Tái sinh một đoá sao Mai…
Bài thơ có cấu tứ rất mới, hình ảnh thơ có sức mê dụ người đọc. Bởi mỗi hình ảnh trong bài là một bí ẩn mà người đọc cần phải giải mã, để mở ra một thông điệp.
Có thể nói nhà thơ Bế Kiến Quốc sống 53 năm trong cuộc đời bằng một trái tim đầy đa cảm. Ông luôn tin vào con người, tin vào những điều tôt đẹp trong cuộc đời bằng một niềm tin trong sáng, hồn nhiên, bằng một trái tim bao dung, độ lượng. Có lúc ông bị tổn thương bởi những con người mà ông gửi gắm niềm tin. Họ đã đánh cắp một phần nào đó trái tim ông và ông khóc. Ông khóc không phải vì sự phản bội mà ông khóc bởi người đó không còn là bạn mình nữa. Bế Kiến Quốc là người sống giản dị, tình cảm, trọng tình bạn. Ông luôn nhiệt tình với bạn bè trong mọi hoàn cảnh, không một chút do dự. Lúc còn ở báo Văn Nghệ, ông là một Thư ký toà soạn đầy mẫn cán, có trách nhiệm, cho đến khi là Tổng biên tập báo Người Hà Nội ông vẫn giữ phong cách làm việc đó. Ông lăn xả vì tờ báo tới phung phí sức khoẻ quá mức. Đối với những đồng nghiệp trẻ tuổi, ông luôn cởi mở, chan hoà như người bạn, chỉ bảo, nâng đỡ họ một cách thẳng thắn và tận tình. Ông thích được cùng bạn bè lang thang khắp phố phường, la cà các hàng quán để thưởng thức những món ăn giản dị nhưng đặc trưng của Hà Nội: khi là một bắp ngô nướng bên vỉa hè vào những tối mùa đông giá rét; khi là một quán cóc ven đường để nhâm nhi chén trà cùng vài cái kẹo lạc; khi thì vào chợ Nguyễn Công Trứ để ăn bánh khúc nóng, đôi lúc không có chỗ ngồi phải đứng ăn; khi đến Ô Quan Chưởng để ăn một bát cháo lòng; khi phải xếp hàng để ăn một bát phở trên phố Lý Quốc Sư. Tôi còn nhớ cái hôm ông gục xuống trên bàn làm việc, sáng hôm đó ông nói với tôi “lâu không ăn bánh mì Phố Huế, tao với mày ra đấy ăn sáng”. Ngồi ăn sáng, ông bảo mấy ngày hôm nay thấy trong người hơi mệt nhưng vẫn phải thức khuya đọc, sửa chữa lại bản thảo để in tập thơ với tiêu đề Mãi mãi ngày đầu tiên. Khi tập thơ được in xong, nhà thơ Bế kiến Quốc đã không còn nữa. Giá như sự ra đi đó chỉ chậm thêm chút nữa thôi thì ông đã được nhìn thấy đứa con tinh thần mà ông rất tâm đắc. Khi biết mình bị ung thư nhưng ông cũng không bao giờ nghĩ mình sẽ chết. Một lần tôi đến thăm, ông bảo: “chú đang uống bột sừng tê giác, đỡ rất nhiều. Uống vào có cảm giác lan toả khắp người như bộ đội về làng”, câu nói đó cứ ám ảnh tôi mãi và sẽ chẳng bao giờ quên. Khi ông nằm xuống đã có hàng trăm bài báo viết về ông, bạn bè và độc giả cả nước đã dành cho ông một tình cảm thật đặc biệt, một nhà thơ tài hoa một người nghệ sĩ đích thực.
Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được cái buổi sáng mồng một năm Nhâm ngọ (2002), ông đọc cho tôi nghe bài thơ khai bút của mình:
Bên sông
Con sông trôi ở cánh buồm
Gió thành dòng nước chiều hôm tím dần
Bên bờ ngồi duỗi đôi chân
một mình lặng ngắm cõi trần phù du…
Hay là lên núi thanh tu?
Hay là vào giữa mùa thu lánh đời?
Không cười khóc, không buồn vui
Không thương không giận, không vơi không đầy…
Vầng trăng chợt vượt qua mây
Cả dòng sông sáng
ngất ngây đất trời…
Với hình ảnh hoán dụ ở hai câu thơ đầu, tác giả đã vẽ nên một dòng sông vừa thực lại vừa ảo. Một dòng sông có không gian sống nhưng lại rất mơ hồ, nó chỉ có trong trí tưởng tượng của nhà thơ và người đọc; một không gian được đan xen bởi cái hữu hình và cái vô hình. Đến hai câu thơ tiếp theo nó là chìa khoá giải mã cho dòng sông mà tác giả muốn nói tới:
Bên bờ ngồi duỗi đôi chân
một mình lặng ngắm cõi trần phù du…
Sang đến khổ thơ thứ hai, bắt đầu bằng hai câu hỏi tu từ “Hay là lên núi thanh tu? Hay là vào giữa mùa thu lánh đời?”, đặt ra sau một loạt những suy nghĩ của nhà thơ về cuộc đời, những suy nghĩ không được tác giả diễn bằng lời thơ, và chính hai câu hỏi đó đồng thời cũng là câu trả lời cho một loạt những suy nghĩ. Hai câu hỏi tu từ vừa là câu vào đề, vừa là câu kết luận cho những suy nghĩ không được diễn giải bằng lời.
Bức tranh như sáng bừng lên bởi nét chấm phá của hai câu thơ cuối bài. Phải chăng đây là sự trốn tránh khỏi cái không gian buồn u ám. Hoàn toàn không phải vậy. Đó chính là điểm mấu chốt mà bài thơ cần phải có. Đó cũng chính là cái đích mà nhà thơ đã đạt được trong cái vũ trụ sắc sắc không không bao la rộng lớn.
Đúng ngày rằm tháng 5 của năm đó, nhà thơ Bế Kiến Quốc đã ra đi. Một bài thơ buồn mang nặng những suy tư về cuộc đời, về nhân tình thế thái, về những hỉ nộ ái ố của cõi trần thế, về sự lánh mình vào cõi thiên thu, lại là một bài thơ khai bút và hình như nó cũng là bài thơ cuối cùng của ông. Dường như đó cũng là một định mệnh