Khi “Lửa không cần trang phục”

Tác giả Bài
Bim Bim
  • Số bài : 125
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 03.04.2008
  • Nơi: Hà Nội
Khi “Lửa không cần trang phục” - 18.07.2011 19:07:20
Mỗi tuần gặp một nhà văn
 
Đoàn Xuân Hòa sinh ngày 1 tháng 11 năm 1954. Quê Quán: Triệu Phước – Triệu phong – Quảng Trị. Sinh ra và lớn lên ở Đô Lương – Nghệ An. Hai lần nhập ngũ: chiến trường Quảng Trị (1972) và chiến tranh biên giới phía bắc (1979). Tốt nghiệp đại học Bách Khoa Hà Nội. Hiện công tác tại Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn. Tác phẩm đã xuất bản: Lửa không cần trang phục; Phù sa lắng. Giải thưởng thơ báo Văn Nghệ các năm: 1989-1990; 1994-1995; 1999-2000. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
 
 
Khi “Lửa không cần trang phục”
Trần Vũ Long
 
 
 


Tôi chọn tên tập thơ đầu tay của nhà thơ Đoàn Xuân Hòa làm  tiêu đề bài viết về ông. Phi hỏa bất thành kim, lửa tự sáng, cháy hết mình, thiêu đốt mọi thứ giả tạo, phù phiếm để còn lại vàng ròng.
 
Vì có ý định viết bài về nhà thơ Đoàn Xuân Hoà, nên gần đây sau nhiều lần hẹn gặp không thành, tôi mới gọi điện nói với ông thế này: “Lịch họp hành, công tác của chú kín như bưng, thời gian đâu dành cho thơ ca nữa. Hay chú giải nghệ rồi”. Một câu nói vui nhưng vừa có ý trách móc. Thậm chí, có lần tôi làm một bài thơ tặng ông, ý là bây giờ ông làm sếp, nên không còn thời gian cũng như tinh thần để làm thơ. “Bậy nào. Thơ còn hay hơn trước là khác”, từ đầu dây, cái chất giọng miền trung sang sảng, vui vẻ của ông lại vang lên. Nói là hẹn gặp để có thêm chuyện nọ chuyện kia cho bài viết rôm rả hơn thôi, chứ thực tình chúng tôi chẳng còn lạ gì nhau nữa. Mấy chục năm nay, ông là bạn thân với gia đình tôi.
 
Đoàn Xuân Hoà sinh năm 1954, cầm tinh con ngựa. Chẳng biết có phải do tuổi tác nó vận vào hay không, đúng là, kể từ khi biết ông đến giờ, tôi thấy ông chạy như ngựa thật. Suốt ngày họp hành, công cán ngược xuôi, chẳng mấy khi được thảnh thơi. Đến bây giờ, đang ở cương vị Cục phó của một ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì những công việc đó của ông càng trở nên liên miên bất tận hơn. Thực tình mà nói, có nhiều khi tôi thấy cái chức Cục phó chẳng hợp với chất nghệ sĩ trong con người ông chút nào. Đã có lần tôi nói với ông điều đó, ông lại cười hề hề “mày đừng đùa, chú làm việc ngon lành, đâu ra đấy”. Là nói vậy thôi, chứ tôi đã nhiều lần đến văn phòng của ông, chứng kiến ông giải quyết công việc trông cũng oai phong, đường bệ lắm, dường như lúc đó cái chất nghệ sĩ trong ông đã trốn biệt đi đâu rồi. Khi đó, hình ảnh một ông cục phó trông thật khác với ông nhà thơ Đoàn Xuân Hoà cuồng nhiệt và đầy ngẫu hứng mà tôi đã quen thuộc. Nhiều người nhận xét thế này, bản chất con người Đoàn Xuân Hòa là phóng khoáng và ngẫu hứng nhưng khi làm việc thì lại là một công chức đầy trách nhiệm, không thể lơ mơ kiểu nhà thơ, để rồi một lúc nào đó trong văn bản trình thủ tướng lại kèm theo thơ rằng… Đối với ông, cái chức Cục phó mà ông đang đảm nhiệm chỉ là một công việc làm công ăn lương. Khi bước ra khỏi cơ quan dường như ông rũ bỏ hoàn toàn khỏi chiếc áo quan chức để sống thật hồn nhiên với mọi người xung quanh. Đoàn Xuân Hòa là con người sống chân phương và sâu sắc, hết lòng với anh em bạn bè. Cái chức Cục phó làng nhàng, như ông nói, chỉ là trách nhiệm mà người ta giao cho thì ông làm, thực ra ông cũng không màng đến chuyện địa vị, bổng lộc. Ông bảo, nếu là người ham hố chức quyền thì có thể ông đã không chỉ ngồi ở vị trí này, nếu ham bổng lộc thì bây giờ đã không ở nhà tập thể, đi làm bằng xe máy, tuy không nghèo nhưng cũng chẳng giàu sang gì. Dường như ông luôn muốn tạo một sự hài hòa, giống như cái tên của ông, trong công việc, trong cuộc sống, và sự nghiệp thơ ca của mình. Ông không vì chốn quan trường mà đánh mất đi những phẩm chất vốn có của mình, nhưng cũng không vì mình là một nhà thơ mà làm ảnh hưởng đến công việc, hay trong đời sống phải cố tỏ ra mình là một thi sĩ.
Đoàn Xuân Hòa quê ở Quảng Trị nhưng lại sinh ra và lớn lên ở Đô Lương - Nghệ An. Dẫu Quảng trị hay Nghệ An, đều là hai vùng đất khắc nghiệt thuộc dải đất miền trung. Dải đất mà người ta vẫn thường ví nó như cái đòn gánh gánh hai đầu tổ quốc. Còn đối với Đoàn Xuân Hoà, miền Trung đất thiếu trời thừa, nơi gánh chịu mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng với ông nó là máu thịt, là tình yêu khôn nguôi, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, đốt cháy trong ông những khát vọng khôn cùng, bồi đắp nên một tâm hồn thi sĩ. Đoàn Xuân Hoà làm thơ từ nhỏ, cũng là nhờ những câu hò điệu ví cứ hàng ngày vang lên trong cái xóm nghèo của ông. Sau này, khi đã trở thành nhà thơ, ông có viết: “…Gió thổi ngược thời gian những câu thơ vạn thuở/ Tứ thơ bay dìu dặt ở lưng đèo/ Tứ thơ bay qua những xóm nghèo…”. Có một chi tiết khá thú vị đó là, nhà thơ Đoàn Xuân Hòa và hai nhà thơ Hoàng Trần Cương, Vũ Toàn (hai người này đều quê ở Đô Lương) đã được chào đời bởi một bàn tay bà đỡ có tên là Quản Luyện. Bởi hồi đó huyện Đô Lương chỉ có bà Quản Luỵện là người đỡ đẻ giỏi nhất, nên nhà nào có người sinh nở đều muốn mời bà đến. Có lẽ bà Quản Luyện đâu có ngờ rằng mình lại đỡ đẻ cho ít nhất là ba nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ba giọng thơ khác biệt nhưng đậm chất miền trung nắng gió. Và sau này, nhà thơ Đoàn Xuân Hòa và nhà thơ Hoàng Trần Cương là những người bạn khá thân thiết với nhau. Đoàn Xuân Hòa bảo, nếu như quê hương Quảng Trị cho ông hồn cốt của ông cha thì mảnh đất Đô Lương – Nghệ An nằm bên bờ sông Lam đã nuôi dưỡng, vun đắp tâm hồn ông để trở thành một thi sĩ. Cái chất miền trung ăn sóng nói gió, mãnh liệt và sâu sắc, thẳng thắn và hết mình đã ăn sâu vào Đoàn Xuân Hòa. Dù có bôn ba khắp chốn, ở đâu và làm gì, ông vẫn giữ vẹn nguyên phẩm chất đó, phẩm chất được nhiều người yêu quý nhưng cũng có lúc làm không ít người mếch lòng. Còn với ông thì đó là món quà mà quê hương đã ban tặng và nuôi dưỡng tâm hồn ông.
 
Năm 1972, khi đang là sinh viên năm thứ nhất trường đại học Bách Khoa Hà Nội, Đoàn Xuân Hoà nhập ngũ tham gia chiến trường Quảng Trị, vào đúng những ngày tháng ác liệt nhất của cuộc chiến. Ngày lên đường nhập ngũ, ông không kịp báo về cho gia đình biết. Chàng sinh viên tuổi 18 khoác ba lô vào chiến trường, để lại sau lưng giảng đường đại học với biết bao ước mơ, hoài bão vừa nhen nhóm nay đành gác lại: “Cả dân tộc đi đòi tự do/những lồng ngực trẻ trai ưa kéo gỗ ngủ say hơn nín thở bóp cò”. Trên đường hành quân vào mặt trận, Đoàn Xuân Hòa đã đi qua nhà mình vào lúc nửa đêm, khi đó anh lính trẻ chỉ kịp lấy kim băng vạch tên mình lên mũ cối rồi vứt vào sân nhà. Sáng hôm sau, khi cả nhà tỉnh dậy, tưởng đuợc anh bộ đội nào tặng quà, đến khi nhìn vào bên trong mũ thấy tên Đoàn Xuân Hòa mới biết rằng con trai mình đã ra trận. Khi hành quân qua sông Lam, Đoàn Xuân Hòa đã vục mặt xuống sông, rồi lấy đầy một bi đông nước mang theo như mang theo nguồn cội và nguồn cội che chở cho ông để không bị mất “gáo”. Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, ngay trên mảnh đất quê hương, là những năm tháng gian khổ nhất nhưng đầy ý nghĩa, hằn sâu trong tâm tưởng và cuộc đời ông. “Tôi như người bị phân thân/nửa thị trường khoác tay/nửa chiến trường níu lại”. Đối với Đoàn Xuân Hòa, sống được đến bây giờ đã là lãi. Đồng đội ông đã bao người nằm lại với mái đầu xanh mãi mãi tuổi mười tám đôi mươi. Ông tự cảm thấy mình phải có trách nhiệm sống nốt phần đời còn lại thay cho những người đồng đội đã ngã xuống. Sống sao cho khổng hổ thẹn với chính mình, không hổ thẹn với đồng đội, không hổ thẹn với quê hương, không hổ thẹn với những bậc sinh thành.
Sau ngày đất nước thống nhất, Đoàn Xuân Hòa quay lại trường đại học Bách Khoa, học tiếp. Năm 1979, vừa tốt nghiệp đại học, ông lại tái ngũ, tham gia chiến trường biên giới phía bắc. Có lẽ vì thế mà những câu thơ về chiến tranh, về đồng đội, về quê hương đất nước của ông, cho người đọc cảm giác đau đáu, nhức buốt. Bởi những câu thơ đó là trải nghiệm máu thịt và nước mắt của người lính đã hai lần tham chiến. Hơn ai hết, những người như ông hiểu rõ giá trị đích thực của cuộc sống. Những năm tháng chiến đấu ngoài mặt trận, Đoàn Xuân Hòa đã bế trên tay mình hàng trăm đồng đội, cả những người bị thương và hy sinh. Có trận đánh, nhiều đồng đội của ông bị chết tan xác, ông đã phải đi gom tất cả những mảnh xương thịt lại rồi nhận dạng áng chừng chia ra để chôn thành những ngôi mộ riêng cho người đã hy sinh. Người ta bảo, nhà thơ chỉ viết ra những điều mà họ yêu thương và đau đớn. Nó ám ảnh, thôi thúc ngòi bút của họ. Và, qua thơ Đoàn Xuân Hòa ta có thể thấy được ký ức chiến tranh chưa bao giờ nguôi trong ông. Ông bảo, nhiều khi như có đồng đội hiện về bắt ông phải viết, viết như lên đồng xong rồi cảm thấy mình bị kiệt sức.
Tôi nhớ Đoàn Xuân Hòa có một bài thơ với nhan đề “Không từ phía quân thù”, một bài thơ dài, hay và xúc động. Ông đã viết bài thơ đó trong năm phút sau khi nghe kể một câu chuỵện đau lòng. Đó là đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cả nước dấy lên phong trào quy tập hài cốt liệt sĩ vào các nghĩa trang, một việc làm hết sức cao đẹp, thể hiện lòng biết ơn của nhân dân cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ. Nhưng chỉ vì sự tắc trách và ham hố “công trạng” mà có những kẻ đã vô tâm đem xương bò để giả làm hài cốt liệt sĩ, rồi đem chôn với dòng bia mộ “Liệt sĩ vô danh”. Thật khó có thể nói bằng lời lòng căm phẫn của nhân dân cả nước sau khi biết được sự thật. Ngày đó, có một quan chức cấp sở của một địa phương đã phải lãnh án tử hình vì sự gian trá bất nhân này. Tôi, một kẻ sinh ra sau chiến tranh, nhưng cũng đã hơn một lần khóc khi đứng trước bạt ngàn bia mộ “Liệt sĩ vô danh” trong nghĩa trang Trường Sơn. Còn đối với nhà thơ Đoàn Xuân Hòa, một người đã từng hy sinh xương máu ngoài mặt trận, một người đã từng chôn cất biết bao đồng đội, sau khi nghe câu chuyện này ông đã cảm thấy bị tổn thương, đau đớn đến tột cùng. Bao nhiêu đồng đội ông đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, để giờ đây, có những kẻ bất nhân đã lừa dối linh hồn các liệt sĩ, lừa dối nhân dân chỉ vì lòng tham nhơ nhuốc: “Dưới bia mộ vô danh là những cọng xương bò?/Tôi rùng mình nghĩ về những đàn bò B52 quật ngã…/Tôi đã khóc không cạn dòng nước mắt/Dành thương đồng đội của mình.../Có bóng quạ bay qua trên biệt thự kẻ lấy gạch từ nghĩa trang liệt sĩ/Lòng tôi lại một lần máu rỉ/Vết thương không từ phía quân thù”. Ngày đó nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, người phụ trách chương trình Tiếng thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã mời Đoàn Xuân Hòa đến để làm một chương trình thơ. Sau khi nghe ông đọc bài thơ “Không từ phía quân thù” nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã khóc, nhưng rồi do có chỉ đạo thế nào đó bài thơ này không được phát.
Đọc thơ Đoàn Xuân Hòa ta bắt gặp một phong vị khỏe khoắn đầy trữ tình, sự cuồng nhiệt của một tâm hồn mạnh mẽ nhưng sâu lắng, đầy triết lý, khiến người đọc phải ngẫm lại mình, ngẫm lại đời. Thơ của ông không bóng bẩy, khoa trương về ngôn ngữ, nó cứ giản dị chân chất như chính con người ông. Từng câu thơ của ông nó cứ tưng tửng, tưng tửng, nhưng lại giống như một lưỡi cuốc sắc lẹm cuốc từng nhát bén ngọt rồi hất tung lên, phơi bày ra từng thớ đất cuộc đời. Khoảng chục năm trở lại đây, thơ Đoàn Xuân Hòa càng trở nên sâu sắc, cô đặc, lắng đọng hơn, chất phản biện trong thơ của ông càng mạnh mẽ hơn. Ông bảo, nhà thơ phải biết đặt mình vào tâm thế thời đại, phải nói lên được tiếng nói của dân tộc, tiếng nói của những người cần lao chân chính trong thời đại mình đang sống. Hình như chưa bao giờ nước ta lại lắm nhà thơ như bây giờ, họ làm thơ giống như những con gà công nghiệp cứ thấy sáng đèn là đẻ trứng. Những nhà thơ vô cảm đẻ ra những bài thơ vô cảm. Những con gà sinh đẻ vô tính còn có thể giúp ích cho con người, còn những tác phẩm văn chương được sinh sản vô tính thử hỏi sẽ giúp gì cho xã hội. Đoàn Xuân Hòa có một bài thơ là “Thời vô tính”, được làm cách đây 10 năm, nó giống như là một lời cảnh báo xã hội. Gà có thể sinh đẻ vô tính, cá có thể sinh đẻ vô tính, cừu có thể sinh đẻ vô tính… tất cả nhằm thỏa mãn những tham muốn của con người, nhưng khi cả xã hội bước vào thời vô tính, thì sự thỏa mãn đó sẽ là gì đây, là sự vô lượng mà chúng ta không thể lường hết được. Và thực tế hiện nay, hàng ngày chúng ta đang phải chứng kiến sự vô cảm mà con người dành cho nhau. Lòng tin ngày càng trở nên xa sỉ, càng trở nên chơi vơi không biết đặt vào đâu, khi mà mọi quan hệ, mọi cảm hứng đều được nhẩm tính thành lợi nhuận.
Là một quan chức trong ngành nông nghiệp, nhà thơ Đoàn Xuân Hòa luôn thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn mất mát của những người nông dân, những con người lao động chân lấm tay bùn, nhưng luôn là những con người chịu thiệt thòi nhất trong xã hội: “Ngày xuân/Ta nhớ sông Thu Bồn lênh loang mùa hạ/Ta nhớ sông Ba Hạ trắng xóa mùa đông/Giấc mơ đồng bào tôi những người không quen biết/Nửa đêm nhòe vào biển nước lút lụt mái nhà/…/Ngày xuân chảy qua ta chênh vênh/Nhấp nhô những nấm mồ miền Trung chưa xanh cỏ/Ta thì đi và em thì ở/Ở và đi chênh vênh, chênh vênh...”
Những số phận chênh vênh. Thời chênh vênh. Lòng nhà thơ chênh vênh.
 
Đoàn Xuân Hòa đã từng 3 lần nhận giải thưởng thơ của báo Văn nghệ, nhưng điều đó cũng không hẳn quan trọng đối với một người cầm bút. Đối với ông, một nhà thơ là phải biết đi đến tận cùng với những số phận và để le lói một niềm tin.
 
Có người yêu thì đau khổ. Có người yêu thì hạnh phúc. Nhưng đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn được yêu.